Tin khắp nơi – 01/07/2016
Đài Loan phóng nhầm hỏa tiễn siêu thanh
Hải quân Đài Loan phóng nhầm một hỏa tiễn siêu thanh chống tàu từ một căn cứ hải quân, khiến một người thiệt mạng và ba người bị thương, giới chức nói.
Một tàu tuần duyên đang thanh tra hoạt động thao luyện tại Cao Hùng bấm nhầm nút khiến hỏa tiễn Hùng Phong III được phóng ra, hãng tin Central News Agency của Đài Loan (CNA) tường thuật.
Hỏa tiễn được phóng theo hướng về phía Trung Hoa lục địa, trúng vào một tàu cá ở ngoài khơi đảo Bành Hồ (Penghu), CNA nói thêm.
Thuyền trưởng của tàu này, người Đài Loan, thiệt mạng, các quan chức quốc phòng nói.
Hỏa tiễn có tầm hoạt động khoảng 300km.
Hàng trăm hỏa tiễn
Vụ việc diễn ra vào lúc Trung Quốc đang kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Khi các phóng viên hỏi liệu vụ việc có làm ảnh hưởng tới quan hệ với Bắc Kinh không, Phó Đô đốc Mei Chia-hsu nói hải quân đã tường trình vụ việc với Bộ Quốc phòng của Đài Loan.
Bà nói giới chức hiện đang điều tra và sẽ xử lý “thích hợp”. Hiện chưa rõ liệu Bắc Kinh đã được thông báo trực tiếp hay chưa.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh ly khai, cần phải được hợp nhất với lục địa kể cả bằng vũ lực, nếu cần.
Trung Quốc có hàng trăm hỏa tiễn thường trực hướng về hòn đảo này.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, đồng thời là người đứng đầu quân đội, hiện đang ở nước ngoài.
Trong một động thái được báo chí tiếng Trung gần đây bình luận, bà Thái Anh Văn ký tên nói bà là ‘Tổng thống Đài Loan’ và chỉ mở ngoặc là ‘ROC-Trung Hoa Dân Quốc’).
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160701_taiwan_fires_supersonic_missile_mistake
Mỹ thêm 8 nước vào danh sách những nước buôn người tồi tệ nhất
Các tay tuyển dụng đến thành phố của cô Angela ở Syria mời mọc làm việc có trả lương trong những nhà hàng ở Lebanon. Cô nhận lời để rời khỏi quê hương bị chiến tranh tàn phá để rồi nhận ra mình bị buôn bán tình dục cùng với hàng chục cô gái khác. Họ bị nhốt trong những khách sạn và đôi khi bị ép phải tiếp tới 20 khách mỗi ngày. Những kẻ buôn người cũng cưỡng hiếp và tra tấn các cô cho tới khi các cô chịu phục tùng. Angela cuối cùng trốn thoát được nhờ sự giúp đỡ của cảnh sát.
Trường hợp của Angela là một trong những câu chuyện được nêu lên trong Báo cáo về Tình trạng Buôn người 2016 của Bộ Ngoại Mỹ, trong đó nêu bật các vấn đề như tình trạng nô lệ mới, sử dụng lính trẻ em, cưỡng bức hôn nhân, và nạn phục dịch trong nhà. Bản báo cáo cũng công bố những nỗ lực của những chính phủ từ 188 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, kể cả Mỹ, nhằm chống lại nạn buôn người.
Trong báo cáo năm nay, tám nước bị thêm vào danh sách đen những quốc gia bị coi là những nước vi phạm trầm trọng nhất về tình trạng buôn người, được gọi là Danh sách Bậc 3. Những quốc gia mới được bổ sung bao gồm hai nước thuộc Liên bang Xô Viết cũ là Uzbekistan và Turkmenistan cùng với những nền dân chủ non trẻ như Myanmar, Haiti, Djibouti, Papua New Guinea, Sudan và Suriname. Bị xếp vào Danh sách Bậc 3 có thể kích hoạt những chế tài hạn chế tiếp cận viện trợ của Mỹ và quốc tế.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói bất chấp những nỗ lực liên tục chống buôn người, hàng triệu người đang bị trói buộc bởi “sự cưỡng bức về tinh thần, thể xác và tài chính” và bởi sự thao túng của những kẻ buôn người “khai thác những điểm yếu của họ để kiếm tiền.”
“Hơn 20 triệu người là nạn nhân của tình trạng nô lệ mới ngày nay , tất cả 20 triệu con người… họ có tên, họ có hoặc đã từng có gia đình,” Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói và ông gọi nạn buôn người là một ngành công nghiệp thu về hàng tỉ đôla mỗi năm.
Cân nhắc về chính trị
Ông Kerry cho biết những cân nhắc chính trị không ảnh hưởng tới việc xác định thứ hạng các nước, dù tuyên bố này vấp phải một số chỉ trích.
Dù tiếp tục những nỗ lực bảo vệ và truy tố là điều thiết yếu, những chiến lược phòng chống buôn người xứng đáng có được nguồn lực tương xứng, theo bản báo cáo. Phúc trình kêu gọi những chính phủ trên toàn thế giới làm việc với xã hội dân sự để ngăn chặn nạn buôn người.
Báo cáo nói thêm ngoài những khổ sở vì bàn tay của những kẻ buôn người, các nạn nhân còn phải khổ sở vì sự đối đãi của các chính phủ, trong đó có các hệ thống tư pháp hình sự mà lẽ ra phải bảo vệ cho họ.
Theo lời Ngoại trưởng Kerry, mục đích của việc công bố bản báo cáo không phải là để trách mắng hay để nêu tên bêu xấu mà là để khuyến khích thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.
Vinh danh các cá nhân
Chín người đàn ông và phụ nữ được vinh danh vì những nỗ lực không mệt mỏi với những tác động lâu dài trong cuộc chiến chống lại tình trạng nô lệ mới.
Trong số này có hai nhà hoạt động chống buôn người Biram Abeid và Brahim Ramdhane từ Mauritania, nơi nạn nô lệ tới năm 1981 mới bị đặt ra ngoài vòng luật pháp. Abeid và Ramdhane đều là con cái của những nô lệ, và họ đã quyết định tập trung sự nghiệp vào công tác chống lại tình trạng bất công ở Mauritania.
Oluremi Banwo Kehinde là nhà hoạt động chống buôn người ở Nga. Bất chấp những đe dọa cho tính mạng, ông Kehinde làm việc không mệt mỏi hỗ trợ và bảo vệ những nạn nhân bị buôn bán tình dục người Nigeria và người Châu Phi.
Biểu tình phản đối lớn tại Hồng Kông
Hôm nay, hàng chục ngàn người đã đổ ra các đường phố Hồng Kông trong ngày thành phố này đánh dấu năm thứ 19 được Anh quốc trả về cho Trung Quốc.
Trong lúc các giới chức chính phủ và gần 1.000 cư dân Hồng Kông dự lễ chào cờ tại Quảng trường Golden Bauhinia sáng nay, các đám đông lớn hơn nhiều tụ tập để tuần hành phản đối.
Nhiều cư dân phản đối việc giám sát của chính phủ Trung Quốc và tin rằng Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh, người chỉ được 19% ủng hộ trong cuộc thăm dò dư luận mới đây nhất, là thọ ơn Bắc Kinh.
Các đám đông lớn biểu tình trong ngày đánh dấu với hai chủ đề song hành: Ngăn ông Lương nắm thêm nhiệm kỳ thứ hai, và bày tỏ phẫn nộ về sự tự chủ của Hong Kong bị xói mòn. Chủ đề thứ hai đã được nêu bật qua vụ 5 người bán sách địa phương đã chính quyền đại lục bị bắt và giam cầm ở Trung Quốc trong nhiều tháng.
Ông Lâm Vinh Cơ, một người bán sách mới đây đã tìm cách trở về được Hong Kong, mô tả rằng 7 tháng ông bị biệt giam và thẩm vấn là cuộc “tra tấn tinh thần”.
Ông Lâm dự trù sẽ dẫn đầu cuộc tuần hành biểu tình, nhưng sau đó đã rút lui, và cho biết là ông lo sợ cho sự an toàn của bản thân.
Trong khi đó, tại lễ thượng kỳ được chính phủ hậu thuẫn, Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện chính sách một đất nước, hai hệ thống. Nhân dân Hồng Kông tự quản trị Hồng Kông và một quyền tự chủ cao theo tinh thần Luật Căn bản.” Ông nói thêm rằng chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống của người dân.
http://www.voatiengviet.com/a/bieu-tinh-phan-doi-lon-tai-hong-kong/3400125.html
Kinh tế thống lĩnh cuộc vận động bầu cử ở Úc
Phil Mercer
Cử tri Úc sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử liên bang vào ngày mai (2/7). Trong khi biến đổi khí hậu, nhập cư và giáo dục vẫn là những vấn đề quan trọng, có phần chắc kinh tế sẽ quyết định ai là người thắng cử. Australia đã tránh được tình trạng suy thoái kinh tế trong 25 năm qua, nhưng tương lai thì chưa rõ vì sự bột phát nguồn lực được tiếp sức bởi nhu cầu về quặng sắt và than đá của Trung Quốc tiếp tục lắng xuống.
Tại Sydney, những cây cần cẩu ngự trị đường chân trời vào lúc một dãy những khu căn hộ mới nổi lên dọc theo những tuyến giao thông đã được nâng cấp. Trong khi sự bùng phát khai mỏ kéo dài đi đến đến hồi kết thúc, Australia nay dựa vào công nghiệp xây dựng đang hồi sinh, cùng với ngành sản xuất, du lịch và nông nghiệp.
Nhưng quyết định của Anh rời khỏi Liên hiệp Âu châu đã gây ra một nỗi lo lắng lớn tại đây. Các nhà lãnh đạo chính trị Australia đã đặt vấn đề an ninh kinh tế là trung tâm của chiến dịch tranh cử của họ.
Thủ tướng Malcolm Turnbull nói với các cử tri rằng đất nước cần sự ổn định mà chính phủ liên minh trung hữu của ông có thể mang tới.
Nhưng lãnh đạo của đảng Lao động đối lập, ông Bill Shorten, nói thủ tướng là một nhà lãnh đạo yếu kém, cũng y như người đồng nhiệm phía Anh quốc đang bị bao vây.
Ông Shorten nói: “Ông Turnbull chỉ nói như vậy vì đã có sự bất mãn quý vị phải bỏ phiếu cho ông ấy. Vấn đề là bản chất của sự bất mãn mà chúng ta thấy là phát xuất từ sự lãnh đạo yếu kém và một chính phủ chia rẽ. Ông David Cameron không bao giờ muốn có cuộc trưng cầu dân ý này. Những gì chúng ta thấy ở đó là ông David Cameron bị trói buộc vào cánh hữu trong chính đảng của mình, gây phương hại đến chính các quan điểm của ông, đem lại sự lãnh đạo yếu kém. Nghe ra rất quen, phải không ạ?”
Các nhà lãnh đạo chính trị chính của Australia phải thuyết phục cử tri là họ có khả năng bảo đảm mà nền kinh tế cần đến.
Giáo sư Rodney Smith thuộc khoa Chính phủ và Quan hệ Quốc tế của Đại học Sydney nhận định:
“Kinh tế luôn luôn đứng hàng đầu trong các cuộc bầu cử ở Úc, và mặc dù Úc là một quốc gia giàu có, đây cũng là quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tài nguyên – tài nguyên thiên nhiên, khai thác tài nguyên – xuất khẩu khoáng sản, xuất khẩu nông sản. Vì vậy trong một nền kinh tế thế giới đang thay đổi thì đó là cơ sở khá mong manh để thúc đẩy nền kinh tế tiến tới. Do đó, những vấn đề kinh tế luôn luôn có liên hệ mật thiết với bất kỳ cuộc bầu cử nào ở đây.”
Bầu cử ở Úc là bắt buộc, do đó số cử tri đi bầu sẽ cao, và rủi ro cũng sẽ cao. Vào lúc sự bộc phát tài nguyên, đã che chắn cho quốc gia này khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tồi tệ nhất, tiếp tục lu mờ, cử tri đang đòi hỏi chính phủ kế tiếp phải vạch ra một hướng đi có trách nhiệm tiến tới sự thịnh vượng.
http://www.voatiengviet.com/a/kinh-te-thong-linh-trong-cuoc-van-dong-bau-cu-o-uc/3400093.html
Thái Lan cam kết tiếp tục chính sách ‘không khoan nhượng’
Chính quyền quân nhân Thái Lan đã bày tỏ sự tán thành về việc được nâng cấp trong chỉ số các nước mua bán người bị theo dõi sát. Trong khi đó, các giới chức ở Myanmar than phiền về việc nước này bị đưa vào danh sách đen trong bản phúc trình thường niên về mua bán người TIP của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Thái Lan được nâng từ cấp thấp nhất là cấp 3 lên cấp 2 trong danh sách theo dõi, có nghĩa là nước này “chưa hội đủ hoàn toàn các tiêu chuẩn tối thiểu về tiêu diệt nạn buôn bán người.” Nước này đã đạt được những cải thiện đáng kể trong năm ngoái, theo ghi nhận của bản phúc trình.
Bộ Ngoại giao Thái Lan nói, “Thái Lan chắc chắn không tự mãn. Chúng tôi vẫn tập trung và cam kết giải quyết nạn mua bán người dưới mọi hình thức.”
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, người đứng đầu tập đoàn quân nhân cai trị vương quốc này, nói với các phóng viên rằng một chính sách “không khoan nhượng” sẽ tiếp tục và tuyên bố, “Tôi sẽ thi hành nhiệm vụ của tôi.”
Đại sứ Hoa Kỳ tại vương quốc này, ông Glyn Davies nói, “Thái Lan đã đạt được một vài tiến bộ lớn mà tất cả chúng ta đều hoan nghênh trong năm ngoái.” Tuy nhiên, một số tổ chức đang chỉ trích quyết định của Hoa Kỳ nâng cấp cho Thái Lan.
Giám đốc điều hành Diễn Đàn Quyền Lao động Quốc tế, bà Judy Gearhart nói, “Chúng tôi rất lấy làm thất vọng về quyết định này, mà thoe chúng tôi, không đánh giá chính xác tình hình ở thực địa. Công nhân di trú vẫn còn là những nhóm người dễ bị tổn hại nhất trước nạn buôn bán người trong nước, và Thái Lan chưa tỏ dấu hiệu nào cho thấy có ý định cho phép công nhân di trú được tiếp cận nhiều hơn với các quyền cơ bản nhằm bảo vệ họ khỏi bị lợi dụng.”
Theo tổ chức Fortify Rights, Thái Lan lẽ ra phải ở lại trong danh sách đen trong khi Malaysia, vẫn ở nguyên trong cấp 2 trên Danh sách Theo dõi, lẽ ra phải bị hạ xuống cấp thấp nhất. Tổ chức này nói cả hai nước vừa kể, cùng với Myanmar, “đã không có đủ biện pháp chống nạn buôn bán người và bảo vệ những người sống sót trong năm ngoái.”
Thái Lan thực ra đã hoán đổi chỗ với lân quốc Myanmar, nguồn gốc của ước chừng nhiều triệu người lao động ở vương quốc, nhiều người không có giấy tờ hợp pháp.
Khoảng 1 phần năm lượng hàng xuất khẩu của Thái Lan bắt nguồn từ hàng xuất khẩu nông và ngư nghiệp – các công nghiệp đầy rẫy tình trạng ngược đãi lao động.
Tình trạng lạm dụng dân di trú đã tràn lan từ nhiều chục năm trong khu vực, với những kẻ buôn bán người phối hơp với các giới chức tham nhũng và đồng lõa trong chính phủ, các lực lượng kiểm soát di trú, quân đội và cảnh sát.
Bản phúc trình TIP năm 2016 mô tả Myanmar, tức Miến Điện, là “nước khởi nguồn cho đàn ông, đàn bà và trẻ em bị cưỡng bách lao động và phụ nữ trẻ em bị mua bán tính dục, cả ở Miến Điện và nước ngoài.”
Các nhà ngoại giao cũng bày tỏ sự thất vọng trước tình trạng chính phủ không chú trọng đến vấn nạn của người Rohingya, một nhóm thiểu số Hồi giáo phần lớn cư ngụ ở bang Rakhine, mà Myanmar không thừa nhận là một nhóm sắc tộc riêng.
Kể từ khi Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền năm nay, kế nhiệm các nhà quân trị, chính phủ chưa chứng tỏ một sự linh động nào đối với vấn đề người Rohingya, và nhấn mạnh rằng chính phủ coi họ là người Bengali di trú bất hợp pháp vào Myanmar từ Bangladesh.
Mặc dầu bản phúc trình TIP bao gồm thời kỳ trước khi thay đổi chính phủ, một số quan sát viên coi việc hạ cấp – một phần – như sự trừng phạt cho chính sách cứng rắn liên tục đối với người Rohingya, mỗi năm thường bỏ chạy khỏi Myanmar với con số hàng ngàn trên những chiếc thuyền ọp ẹp do các tay buôn bán người cung cấp.
Hôm nay các giới chức Myanmar tỏ ý ăn năn về việc bị hạ cấp trên danh sách đen TIP, cùng với Haiti, Sudan và Uzbekistan, và cam kết tiếp tục chống nạn buôn người.
Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Aung Lin nói với đài VOA: “Chúng tôi sẽ không thay đổi đường lối hành động về vấn đề này. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực tiến hành biện pháp cần thiết và hợp tác với tất cả các bên có liên quan, kể cả Hoa Kỳ.”
Một thông cáo báo chí của bộ về bản phúc trình TIP đã đề cập đến người Rohingya, nhưng không nêu đích danh, và nói rằng bộ đã “cứu vớt, che chở và cho tự nguyện hồi hương những “di dân bất hợp pháp bị trôi dạt trên Ấn Độ Dương” mà đa số “được chứng minh không phải phát xuất từ Myanmar.”
Nhiều tổ chức phi chính phủ lập luận rằng những suy xét về chính trị vẫn còn là một ảnh hưởng đối với danh sách của Bộ Ngoại giao Mỹ, điều mà các nhà ngoại giao trước đây đã thừa nhận trong chỗ riêng tư.
Chủ tịch hội đồng về nhân quyền tại Hạ viện Hoa Kỳ ủng hộ lập trường cho rằng Tòa Bạch Ốc tiếp tục cài những suy xét đó vào hệ thống xếp hạng toàn cầu.
Dân biểu Chris Smith của đảng Cộng Hòa, đại diện bang New Jersey nói, “Điều đó vi phạm tinh thần và tính chất của dự luật, việc xếp thứ hạng phải xứng đáng, chứ không phải được ban phát như quà tặng cho các đối tác an ninh và kinh tế.”
Dân biểu này đặc biệt nêu ra thứ hạng cấp 2 của Trung Quốc trong danh sách theo dõi và gọi nước này là “cái hố đen của nạn buôn bán người.”
Bản phúc trình TIP xếp hạng các nước dựa vào các nỗ lực chống nạn mua bán người theo các tiêu chuẩn do Bộ luật Bảo vệ Nạn nhân bị mua bán của Hoa Kỳ đề ra. Các chính phủ thuộc Cấp 1 hội đủ các tiêu chuẩn tối thiểu; Các quốc gia thuộc Cấp 2 đạt được những nỗ lực đáng kể để hội đủ tiêu chuẩn tối thiểu trong khi những nước trong danh sách Theo dõi Cấp 2 cần phải được xem xét đặc biệt. Các nước thuộc Cấp 3 bị cho là đã không tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu của Hoa Kỳ và không đạt được tiến bộ đáng kể trong việc ấy.
http://www.voatiengviet.com/a/thai-lan-cam-ket-tiep-tuc-chinh-sach-khong-khoan-nhuong/3400051.html
Tu sĩ Ấn giáo bị chém chết ở Bangladesh
Một tu sĩ Ấn giáo bị chém chết ở Bangladesh hôm thứ Năm. Đây là vụ mới nhất trong hàng loạt vụ giết người của các phần tử hiếu chiến Hồi giáo.
Ông Shaymanonda Das, 45 tuổi, đang đi bộ gần đến đền thờ của ông ở quận miền tây nam Jhinaidah để cầu kinh buổi sáng thì ba hung thủ đi xe máy xông vào chém ông rồi bỏ chạy.
Mặc dù chưa có nhóm nào đứng ra nhận đã thực hiện, vụ tấn công mang dấu ấn của các phần tử hiếu chiến Hồi giáo đã sát hại hơn 40 tu sĩ Ấn giáo, những người theo các tôn giáo thiểu số và các nhà hoạt động tự do trong mấy tháng gần đây.
Ông Das là người thứ ba làm việc cho một đền thờ Ấn giáo bị sát hại nội trong tháng vừa qua ở Bangladesh.
Chính phủ Bangladesh đã mở một chiến dịch ồ ạt chống lại các vụ tấn công này cách đây hai tuần, và đã bắt giữ gần 5.000 nghi can hiếu chiến. Các nhóm nhân quyền trên thế giới lên án các vụ bắt giữ đó.
Tuần trước, một nhóm Hồi giáo hàng đầu ở Bangladesh ra một giáo lệnh lên án khủng bố và nổi dậy bạo động, trong đó có những vụ tấn công bạo động nhắm vào những người không theo Hồi giáo, các văn sĩ thế tục và các nhà hoạt động—gọi đó là điều cấm hay phi-Hồi giáo. Hơn 100.000 học giả Hồi giáo ký tên vào sắc lệnh.
Nhà nước Hồi giáo và nhánh al-Qaida tuyên bố đã thực hiện một số vụ tấn công, nhưng giới hữu trách Bangladesh tiếp tục khẳng định rằng không có nhóm khủng bố nước ngoài nào hoạt động trên lãnh thổ của Bangladesh. Ngược lại, các giới chức quy cho các phần tử hiếu chiến địa phương và các phe phái chính trị đối lập.
http://www.voatiengviet.com/a/tu-si-an-giao-bi-chem-chet-o-bangladesh/3400029.html
Báo cáo: Vụ thủy thủ Mỹ bị Iran câu lưu ‘có thể ngăn ngừa được’
Vụ 10 thủy thủ Mỹ bị Vệ binh Cách mạng Iran câu lưu hồi đầu năm nay là “hoàn toàn có thể ngăn ngừa được,” theo lời chỉ huy lực lượng hải quân Mỹ ở Trung Đông.
Trong tài liệu Hải quân công bố hôm thứ Năm, Phó Đô đốc Hải quân Mỹ Kevin Donegan, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm các lực lượng Hải quân Mỹ, cho biết sự cố hồi tháng 1 là do một số vấn đề, trong đó có lãnh đạo kém, không tuân thủ việc bảo trì và các thủ tục đúng cách, và thiếu hoạch định.
Tán thành một phúc trình về sự việc này, ông Donegan viết rằng: “Xét tới sự thiếu kỷ luật và không tuân thủ những giá trị cốt lõi cơ bản của Hải quân Hoa Kỳ, may mắn là đã ngăn ngừa được một sự cố trước đó trong đơn vị này.”
Tư lệnh các hoạt động Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson, nói với báo giới tại Ngũ Giác Đài hôm thứ Năm rằng Vệ binh Cách mạng Iran cũng có lỗi.
“Cuộc điều tra kết luận rằng Iran đã vi phạm luật pháp quốc tế qua việc cản trở sự qua lại vô hại của tàu thuyền,” ông Richardson nói.
Ông nói thêm Iran đã vi phạm nguyên tắc miễn trừ chủ quyền qua hành động “leo qua lục soát và tịch thu tàu bè và quay phim chụp hình thủy thủ đoàn.”
Các thủy thủ, bao gồm chín người đàn ông và một người phụ nữ, khi đi ngang qua Vịnh Ba Tư từ Kuwait tới Bahrain trên hai chiếc thuyền vào ngày 12 tháng 1 năm 2016, thì mất liên lạc với các kiểm soát viên của Mỹ.
Theo phúc trình, thủy thủ đoàn khởi hành muộn hơn lịch trình và để bù lại thời giờ bị mất, họ đã đi chệch khỏi lộ trình “không được định trước và không được phép” và việc này “khiến họ vô tình đi ngang qua lãnh hải của Ả-rập Xê Út và qua lãnh hải của Iran.”
Báo cáo phát hiện một trong những chiếc thuyền “bị hỏng động cơ” và “bị chết máy giữa biển” cách Đảo Farsi khoảng 3 kilômét. Đây là phần lãnh thổ Iran nằm giữa Kuwait và Bahrain. Các thủy thủ đã không báo cáo với giới hữu trách sự cố bị trục trặc động cơ, cũng không báo cáo rằng họ nhìn thấy đất liền ngoài dự đoán mặc dù có thiết bị liên lạc trên một trong những chiếc thuyền.
Vệ binh Cách mạng Iran tuần tra vùng Vịnh đã lên thuyền của Mỹ và câu lưu những thành viên thủy thủ đoàn gần Đảo Farsi. Họ được thả đi vào sáng hôm sau.
Báo cáo cho thấy một số thành viên thủy thủ đoàn đã không đáp ứng tiêu chuẩn hành xử của Hải quân Mỹ trong quá trình bị câu lưu. Báo cáo nói một số thủy thủ, lúc bị câu lưu trước họng súng, đã chia sẻ những thông tin nhạy cảm, chẳng hạn như mật mã của điện thoại và máy tính xách tay.
Ông Richardson nói: “Các thủy thủ biết rõ hành động của chúng tôi vào ngày hôm đó hồi tháng 1 và sự kiện này không đáp ứng kỳ vọng dành cho hải quân.”
Ông cho biết chỉ huy lực lượng đặc nhiệm, sĩ quan chỉ huy đội tuần tra ven sông và sĩ quan phụ trách biệt đội ở Kuwait đều bị miễn nhiệm sau vụ việc. Sáu thủy thủ khác đang trong tiến trình có thể bị kỷ luật.
Báo cáo khuyến nghị Hải quân thực hiện các bước gia tăng giám sát đối với các hành động của thủy thủ trên nhiều khu vực hoạt động, khuyến nghị gia tăng huấn luyện cần thiết, bao gồm cả huấn luyện kỹ năng thoát thân.
Sau vụ việc, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng giải quyết được vụ việc là một thành công ngoại giao, và Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter nói ông vui mừng khi thấy các quân nhân trở về.
Tòa ấn định ngày ra phán quyết vụ kiện Biển Đông
Tòa trọng tài thường trực của Liên Hiệp Quốc hôm 29/6 thông báo sẽ ra phán quyết về vụ kiện Trung Quốc của Philippines ở biển Đông vào ngày 12/7.
Đây được coi là một động thái bất thường khi tòa này cho biết trước ngày giờ ra quyết định về vụ kiện “đường lưỡi bò” nuốt trọn gần như toàn bộ biển Đông của Bắc Kinh.
Cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc cho hay sẽ gửi phán quyết tới các bên liên quan vào ngày 12/7, và sẽ công bố kết luận trong cùng ngày.
Trung Quốc từng nhiều lần tuyên bố sẽ không công nhận quyết định được nhiều người chờ đợi này, và đang ráo riết vận động hậu thuẫn ngoại giao từ nhiều nước.
Chính quyền của Tổng thống Philippines sắp rời nhiệm sở, ông Benigno Aquino, quyết định đưa Trung Quốc ra tòa đầu năm 2013.
Người tiền nhiệm của ông Aquino, tổng thống đắc cử Rodrigo Duterte từng kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của tòa.
Người được mệnh danh là ‘Donald Trump của Philippines’ cũng cho biết ông sẵn sàng đàm phán với Bắc Kinh nếu chính quyền này phớt lờ quyết định của Tòa trọng tài.
Hiện có nhận định rằng Bắc Kinh sẽ đơn phương thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không ở biển Đông, nếu vấp phải phán quyết bất lợi từ Tòa Trọng tài Quốc tế.
http://www.voatiengviet.com/a/toa-an-dinh-ngay-ra-phan-quyet-vu-kien-bien-dong/3398568.html
Có ‘hiểu lầm’ trong báo cáo nổ súng ở căn cứ quân sự Mỹ
Vụ nổ súng được báo cáo hôm thứ Năm dẫn tới việc Căn cứ Hỗn hợp Andrews ở bang Maryland bị phong tỏa là một “sự hiểu lầm,” theo lời các quan chức quân sự Mỹ.
Các giới chức Căn cứ Hỗn hợp Andrews cho biết một cuộc diễn tập “không thông báo” về ứng phó nổ súng được lên lịch diễn ra vào cuối buổi sáng ở phía đối diện căn cứ bên ngoài thủ đô Washington.
Các giới chức quân sự khẳng định “không có mối đe dọa nào đối với căn cứ” và ai đó đã báo cáo lầm khi nhìn thấy lực lượng an ninh thực hiện một cuộc kiểm tra thường xuyên.
Đại tá Brad Hoagland, Chỉ huy Căn cứ Hỗn hợp Andrews, viết trên Twitter: “May là đây không phải là một tình huống đe dọa tới tính mạng. Chúng tôi xem tất cả các mối đe dọa là nghiêm trọng và phản ứng để bảo đảm an toàn của những người có mặt trong căn cứ. Tôi hoan nghênh phản ứng nhanh chóng của những nhân viên ứng phó đầu tiên trong việc đề cao tính an toàn cho toàn bộ Căn cứ này là ưu tiên số một.”
Lệnh phong tỏa được dỡ bỏ hơn một tiếng đồng hồ sau hành động ứng phó đầu tiên. Không có súng nổ và không có ai bị thương.
Trong lúc phong tỏa, các giới chức đăng tin lên Twitter chỉ đạo tất cả nhân viên trú ẩn tại chỗ.
Trước khi tuyên bố “tình hình không còn nguy hiểm,” các quan chức chia sẻ trên mạng rằng “Căn cứ có lịch thực hiện diễn tập đối phó với một tay súng, tuy nhiên, có những tin về một tay súng thật sự đã được báo cáo tại Cơ sở y tế Malcolm Grow.”
Tin cho hay Phó Tổng thống Joe Biden theo lịch trình sẽ rời khỏi Andrews vào sáng thứ Năm để tới thành phố Columbus, bang Ohio dự một sự kiện tranh cử với thống đốc Ted Strickland. Thời điểm khởi hành của ông đã bị hoãn lại.
Căn cứ Hỗn hợp Andrews là nơi đặt chuyên cơ của Tổng thống, Air Force One, cùng các đơn vị khác. Căn cứ nằm ở Quận hạt Prince George, bang Maryland, về phía đông thủ đô của Mỹ.
http://www.voatiengviet.com/a/co-hieu-lam-trong-bao-cao-no-sung-o-can-cu-quan-su-my/3399385.html
Ngũ Giác Đài bỏ lệnh cấm đối với quân nhân chuyển đổi giới tính
Ngũ Giác Đài bỏ lệnh cấm đối với những người đàn ông và phụ nữ chuyển giới được công khai phục vụ quân đội.
Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter ngày 30/6 cho báo giới biết: “Có hiệu lực ngay tức thì, những người Mỹ chuyển đổi giới tính có thể phục vụ quân đội một cách công khai, họ không còn bị cho giải ngũ hoặc bị tách ra khỏi quân đội chỉ vì là họ là người chuyển đổi giới tính.”
Ông Carter chỉ thị rằng không thể dùng giới tính của một cá nhân đủ điều kiện để ngăn họ phục vụ quân đội hoặc gia nhập những đơn vị thuộc quân đội.
Ông cho biết hiện có khoảng 2.500 người chuyển giới đang thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Theo ông Carter, quân đội sẽ bắt đầu nhận những người Mỹ chuyển đổi giới tính đáp ứng tất cả những tiêu chuẩn về thể chất và tinh thần “không quá một năm kể từ ngày hôm nay.”
“Chúng ta phải tiếp cận được 100% dân số Mỹ,” ông nói.
Loan báo này được đưa ra sau một cuộc nghiên cứu kéo dài một năm của tổ chức RAND Corporation, trong đó kết luận rằng tác động đối với tính sẵn sàng tác chiến là “tối thiểu” nếu cho phép những người chuyển đổi giới tính phục vụ quân đội công khai.
Sự thay đổi này loại bỏ một trong những rào cản cuối cùng cho bất kỳ người nào phục vụ trong quân đội. Việc này xảy ra gần nửa thập niên sau khi chính sách “không hỏi, không nói” chính thức chấm dứt, qua đó cấm người đồng tính nam và đồng tính nữ phục vụ công khai trong quân đội Mỹ, và chưa đầy một năm sau khi tất cả những vị trí tác chiến trong quân đội được mở ra cho nữ giới.
Brexit: Kẻ khóc, người cười
Alina Dizik
Tháng này, khi trả nợ khoản vay từ hồi đi học, số tiền còn lại của Katie Sidell, một người Mỹ, sẽ bị giảm đi.
Năm nay 29 tuổi, hiện sống tại London, cô là một trong số rất nhiều người ngoại quốc đang phải chuẩn bị tinh thần đón hậu quả của cuộc trưng cầu dân ý tách khỏi châu Âu của Anh quốc (Brexit) và đang trực tiếp chịu tác động của việc đồng bảng Anh trượt giá 10% so với đồng đôla.
“Đây là một thay đổi khổng lồ,” cô nói. “Hầu hết tất cả chúng tôi đều gửi tiền về Mỹ.”
Nếu chính phủ Anh thực thi kết quả cuộc trưng cầu dân ý và tách khỏi Liên hiệp Âu châu, đồng thời bãi bỏ các quy định về tự do di chuyển của khối này, các công dân EU sống tại Anh sẽ là những đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên.
Tuy nhiên, với hàng nghìn người ngoại quốc đến từ bên ngoài khối EU thì cuộc trưng cầu dân ý này cũng mang đến cho họ một tương lai bất định tại Anh.
Giá trị đồng lương của nhiều người đã bị giảm xuống vì họ được trả bằng đồng bảng Anh, trong khi phải trả tiền thế chấp nhà hoặc các khoản nợ khác bằng tiền ở nước mình.
Tại Hoa Kỳ, Canada, Úc và các nước ở bên ngoài EU, đồng nội tệ vẫn rất mạnh. Điều này khiến việc trả một hóa đơn trị giá 1.000 đôla nay sẽ tốn đến 750 bảng Anh so với chỉ 640 bảng Anh một năm trước.
Một số người ngoại quốc khác thì lo lắng về tính ổn định của công việc mình đang làm, hoặc giấy phép cư trú, và không biết liệu mình có đang được hoan nghênh đến làm việc tại Anh quốc hay không.
Nền kinh tế đi xuống có thể sẽ khiến họ mất việc và không thể ở lại làm việc tại Anh nữa.
Nhiều người ngoại quốc không đến từ EU hiện đang làm việc trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng ở London. Một số công ty trong ngành này đã bắt đầu lên kế hoạch đưa nhân viên sang nơi khác ở châu Âu, trong khi một số công ty khác đã cảnh báo sẽ phải sa thải bớt lao động.
HSBC là một ví dụ. Ngân hàng này nói với BBC họ sẽ chuyển 1.000 nhân viên từ London sang Paris nếu Anh quốc tách khỏi EU.
Giám đốc điều hành của JP Morgan, một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới với khoảng 16.000 nhân viên tại Anh, cảnh báo hồi tháng Sáu rằng họ sẽ không thể không sa thải bớt lao động tại Anh quốc để tìm kiếm nguồn nhân lực mới ở châu Âu.
Tuy nhiên các lao động nước ngoài bị ảnh hưởng nặng nề nhất có lẽ sẽ là những người đã đàm phán về thoả thuận đền bù ở nước mình và làm việc trong các tổ chức nơi họ được đối xử tương đương như bất kỳ một nhân viên người Anh nào, theo Kate Fitzpatrick, nhân viên tư vấn về nhân sự tại hãng Mercer.
“Những người ngoại quốc đang làm việc tại Anh nhưng lại có những thoả thuận về tài chính ở nước ngoài có lẽ sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất,” bà nói.
Lên kế hoạch trước
Một số người ngoại quốc đang lên kế hoạch để bảo vệ mức lương mà họ đã được thỏa thuận từ khi còn ở trong nước.
Nếu đồng bảng tiếp tục tụt giá so với đồng đôla, Ben Weinberger, một người Mỹ sống tại Anh, muốn đàm phán để có được một khoản tiền thưởng từ chủ lao động ở Mỹ để bù vào khoản thâm hụt 10% mà ông phải gánh chịu do được trả bằng đồng bảng Anh.
“Vợ tôi nói, ‘vì tôi tiết kiệm tiền cho công ty nên có lẽ tôi nên yêu cầu được thưởng’,” ông nói.
Mặc dù ông vẫn chưa cảm nhận được tác động rõ rệt của Brexit, việc phải đi công cán ra khỏi nước Anh đang khiến ông tốn tiền hơn do đồng bảng rớt giá.
Bảo trợ
Nhiều người nước ngoài làm việc tại Anh nhưng không được các công ty đa quốc gia bảo trợ cũng đang rất lo lắng về những diễn biến sắp tới.
Một lượng lớn người nước ngoài ở Anh có được thị thực làm việc nhờ có vợ hoặc chồng là công dân châu Âu, thay vì được chủ lao động bảo trợ, Sidell, một người Mỹ có chồng là người Đức, nói.
Giờ đây, khi chồng bà sắp mất tất cả những lợi ích của một công dân EU tại Anh, Sidell đang lo ngại về thị thực lao động của mình.
Một số người khác đang có những biện pháp để bảo vệ tài sản của mình.
Sau hai năm ở London, Jon Sterling, một môi giới bất động sản, đang tính chuyện quay trở về Los Angeles trong lúc tiếp tục kinh doanh ở cả Hoa Kỳ và Anh quốc.
Điều này sẽ giúp ông tránh được sự bất ổn trong lúc đồng bảng Anh ổn định trở lại, và vẫn duy trì được công việc kinh doanh bất động sản ông đã xây dựng ở London, ông nói.
“Tôi không muốn đợi mọi việc ổn định trở lại,” Sterling, người đang muốn cho thuê căn hộ của mình và chuyển đi vào mùa hè này, nói.
“Tôi đã bán đồ đạc của mình hôm thứ Năm.”
Khó khăn cho tuyển dụng
Những lao động sắp đến Anh thì đang lo chuyển chỗ làm việc vì sợ rằng công việc của mình sẽ bất ổn sau khi đến Anh. Điều này có thể khiến việc tuyển dụng trở nên rất khó khăn, Owen Darbishire, phó giáo sư tài Đại học Oxford, nói.
Là một người ngoại quốc, bạn cần xem xét liệu bạn có muốn đến London trong thời gian này và liệu công việc đó có còn tồn tại trong 2 hay 3 năm tới hay không, Darbishire nói.
“Các nhà tuyển dụng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn vì họ phải thu hút những người sẵn sàng chấp nhận các bất ổn về tài chính.”
Nếu tình hình bất ổn tiếp diễn, ông cho rằng nhiều ứng viên có năng lực là người nước ngoài sẽ chọn các trung tâm tài chính ở gần đó, ví dụ như Dublin và Franfurt, nơi mà nhân viên không bị trả lương bằng đồng bảng Anh.
Trong khi đó, nhiều chủ lao động ở Anh đang phải trấn an các nhân viên người Anh của mình, vốn hiện đang làm việc ở nước ngoài, rằng họ sẽ có thể quay về một cách dễ dàng. “Một số người đang lo rằng thời gian công tác dài hạn có thể khiến họ khó trở về,” Darbishire nói.
Sterling, một nhà môi giới bất động sản, đã tạm thời ngưng tuyển dụng tại Anh.
Thay vì thuê một lập trình viên phần mềm người nước ngoài từ San Francisco tới gia nhập nhóm nhân viên của ông ở Anh quốc, giờ đây ông đang muốn thuê những người ở ngoài nước Anh và trả thù lao cho họ bằng một loại tiền tệ ổn định hơn, ông nói. Bên cạnh đó, hai nhân viên khác cũng sẽ được chuyển đến làm việc ở ngoài nước Anh.
“Chúng tôi có thể đặt cửa hàng ở các nước châu Âu khác,” ông nói.
Bất chấp những lo lắng và sự bất định, nhiều kinh tế gia cho rằng không cần phải lo ngại.
Các công ty đa quốc gia lớn đã quen với việc đối phó với những khủng hoảng tiền tệ và thường có chính sách để bảo vệ nhân viên, Mercer Fitzpatrick nói.
Chỉ trong năm ngoái, lần lượt Brazil, Nigeria, Nga đã rơi vào tình trạng khủng hoảng tiền tệ thậm chí còn nghiêm trọng hơn, bà nói.
“Chúng tôi thường khuyên các công ty nên đợi và điều chỉnh ở mức khiêm tốn,” Fitzpatrick nói. “Hiện giờ vẫn còn quá sớm để nói lên điều gì.”
Sau cuộc trưng cầu dân ý, sẽ có nhiều nhân viên ngoại quốc làm việc tại các công ty đóng văn phòng ở Anh muốn được trả bằng tiền tệ ở nước mình, bà nói.
Tất nhiên, việc gì cũng có hai mặt: Đồng bảng Anh suy yếu sẽ giúp mang lại lợi ích cho những ai muốn đầu tư ngược trở về nước Anh.
Thay vì tiếp tục trả tiền thế chấp nhà tại Mỹ, Weinberger giờ đây đang tính chuyện bán nhà – vốn đã tăng giá trị trong thời gian qua – để đầu tư vào thị trường bất động sản đắt đỏ ở Anh trong lúc đồng bảng đang xuống giá.
“Bỗng nhiên sức mua của tôi tăng lên,” ông nói.
Bản tiếng Anh của bài này đã đăng trên BBC Capital.
Syria: Chiến sự ác liệt tại Al Mallah, bắc Aleppo
Nhiều trận đánh lớn diễn ra ở phía bắc Aleppo, thủ đô kinh tế của Syria. Hằng trăm chiến binh nổi dậy và quân đội chính phủ tử thương trong 24 giờ qua. Theo tổ chức Nhân Quyền Syria, phe đối lập võ trang chiến thắng . Ngược lại báo chí chính thức tại Damas cho là cuộc phản công của “khủng bố” đã thất bại.
Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Khalifeh tường thuật :
Trận Al-Mallah, ngoại ô bắc Aleppo, là trận đánh quyết liệt của lực lượng chính phủ và của phe nổi dậy. Nếu Al-Mallah thất thủ, con đường huyết mạch Castello, trục tiếp tế cuối cùng của lực lượng chống chính quyền Damas yểm trợ cho Aleppo sẽ bị cắt đứt.
Lý do sinh tử này giải thích vì sao trận đánh lên đến cường độ dữ dội nhất. Hai bên đều sử dụng hỏa lực đến mức tối đa. “Quân đội tái chinh phục” gồm các nhóm Hồi Giáo võ trang, kể cả Mặt Trận Al Nostra, cánh tay nối dài của Al Qaida tại Syria dùng cảm tử kamikaze lái xe tăng chứa đầy chất nổ tấn công vào phòng tuyến của quân đội Damas.
Mỗi khi xuyên thủng được một đoạn hàng rào phòng thủ thì hàng trăm chiến binh Daech tràn lên bất chấp hỏa lực của đối phương. Quân đội Syria đáp trả bằng hàng chục phi vụ oanh tạc và mưa pháo. Máy bay Nga cũng nhiều lần can thiệp.
Tổ chức Đài Quan sát Nhân quyền Syria cho biết phe nổi dậy đã chiếm lại từ tay quân đội chính phủ những phần đất bị mất hồi tuần trước. Tuy nhiên, đài truyền hình Al-Manar của Hezbollah-Liban và đài Ả Rập Al-Mayadeen nói ngược lại là phe nổi dậy bị đẩy lui.
Tuy chiến sự có vẻ lắng dịu trong những giờ qua nhưng hai bên tiếp tục tăng viện. Trận Al-Mallah chưa chấm dứt.
Daech thiệt hại nặng tại Irak
Một đoàn xe của Daech trên đường rút lui khỏi Fallouja bị không kích. 260 xe cùng với 150 chiến binh thánh chiến Hồi giáo bị tiêu diệt. Quân đội Irak thông báo tin chiến thắng này kèm theo hình ảnh hàng chục chiến xe pick-up của Daech cháy thành than. Washington xác nhận tin liên quân quốc tế phá hủy 175 xe của Daech trên đường rút lui.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160701-phe-syria-noi-day-phan-cong-tai-al-mallah
Tổng thống Nga bỏ cấm vận du lịch Thổ Nhĩ Kỳ
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua 30/06/2016 đã cho phép các công ty du lịch Nga mở lại các tour đi du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, bị cấm từ tháng 11 năm 2015 sau khi một oanh tạc cơ Nga bị các phi cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ tại biên giới Syria. Hôm nay ngoại trưởng hai nước gặp nhau tại Nga.
Ông Putin đã ký một sắc lệnh bãi bỏ lệnh cấm « các công ty du lịch Nga bán cho công dân Nga các chương trình du lịch trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ ». Tổng thống Nga cũng yêu cầu chính phủ tiến hành các thủ tục để nối lại các chuyến bay giữa hai nước.
Từ hôm thứ Tư 29/6, Vladimir Putin đã loan báo dỡ bỏ cấm vận du lịch và bình thường hóa quan hệ thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi điện đàm với đồng nhiệm Recep Tayyip Erdogan.
Quan hệ Nga-Thổ đã trở nên căng thẳng sau vụ chiếc phi cơ Nga bị bắn rơi làm phi công tử nạn. Nga tức giận, cho tái lập chế độ thị thực đối với người Thổ Nhĩ Kỳ kể từ ngày 01/01/2016, cấm các chuyến bay chở khách và bán tour du lịch sang Thổ Nhĩ Kỳ, giáng một đòn nặng vào lãnh vực du lịch của nước này. Matxcơva cũng cấm nhập khẩu rau quả từ đất Thổ, cấm tuyển mộ công nhân người Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau nhiều tháng công kích lẫn nhau, quan hệ được cải thiện sau khi điện Kremlin hôm thứ Hai nhận được lá thư xin lỗi của ông Erdogan gởi đến ông Putin.
Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm nay đã tiếp xúc với nhau tại Sotchi, nhân cuộc họp Đại hội đồng Tổ chức Hợp tác Kinh tế Hắc hải (OCEMN). Theo phát ngôn viên điện Kremlin Dimitri Peskov, sắp tới hai nguyên thủ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp gỡ bên lề cuộc họp thượng đỉnh G20 vào đầu tháng 9 tại Trung Quốc, thậm chí trước đó.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160701-ong-putin-chinh-thuc-bo-cam-van-du-lich-tho-nhi-ky
Bà Clinton bị Trump bám sát, Obama vào cuộc
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ trực tiếp tham gia chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton : thứ Ba 05/07/2016 tới ông sẽ xuất hiện bên cạnh bà Clinton tại Bắc Carolina để cổ vũ cho một nước Mỹ đoàn kết, trong lúc khoảng cách giữa ứng cử viên Dân Chủ với đối thủ Cộng Hòa Donald Trump đang bị rút ngắn.
Đây sẽ là lần đầu tiên ông Obama và bà Clinton cùng xuất hiện trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Dự định trước đó vào ngày 15/6 đã bị hủy bỏ sau vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ tại Orlando.
Tổng thống Mỹ đã chính thức lên tiếng ủng hộ bà Hillary Clinton từ ngày 9/6, sau nhiều tháng không bày tỏ thái độ. Vị tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ, từng đánh bại bà Clinton trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ năm 2008 tuyên bố : « Tôi nghĩ rằng chưa bao giờ có một ứng viên tài năng như thế cho chức vụ này ».
Bắc Carolina nằm trong số hơn một chục « swing states », tức các tiểu bang chủ chốt vì có thể ngã sang phía Cộng Hòa hoặc Dân Chủ, tác động mạnh đến kết quả bầu cử tổng thống ngày 8/11 tới. Ông Barack Obama đã giành được thắng lợi ở tiểu bang này năm 2008, vượt qua ứng cử viên Cộng Hòa John McCain chưa đầy một điểm rưỡi.
Việc tổng thống Obama xuất hiện bên cạnh cựu Đệ nhất phu nhân diễn ra trong lúc ông Bernie Sanders từ chối bỏ cuộc dù bà Clinton đã hội đủ số đại biểu cần thiết để trở thành ứng viên chính thức của đảng Dân Chủ, sẽ họp đại hội tại Philadelphia từ ngày 25 đến 28/7. Nay bà đang dồn sức để đối đầu với nhà tỉ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11.
Kết quả cuộc thăm dò dư luận mới công bố hôm thứ Tư cho biết 42% có ý định bầu cho bà Hillary Clinton, trong khi ông Donald Trump được 40%. Số 18% còn lại gồm 6% thích một ứng cử viên khác, 5% vắng mặt và 7% chưa quyết định. Như vậy khoảng cách đang bị rút ngắn so với kết quả hôm 1/6, bà Clinton vượt đối thủ 4 điểm.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160701-ba-clinton-bi-trump-bam-sat-obama-vao-cuoc
Nhật mua 40 tỷ đô la chiến đấu cơ để giữ ưu thế với Trung Quốc
Theo hãng thông tấn Reuters, chính phủ Nhật Bản vừa quyết định sẽ bỏ ra 40 tỷ đô la để trang bị máy bay tiêm kích nhằm duy trì ưu thế không quân với Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh đang tỏ rõ tham vọng bành trướng quân sự tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Một người phát ngôn của bộ Quốc Phòng Nhật Bản cho hay Tokyo đã tiếp xúc đồng thời với các tập đoàn vũ khí Nhật Bản và nước ngoài về hợp đồng mua hơn 100 máy bay chiến đấu nói trên. Kế hoạch F3 (F3 Fighter Plan) có mục tiêu trang bị cho quân đội Nhật các chiến đấu cơ thuộc loại hiện đại nhất.
Kế hoạch F3, một trong những hợp đồng quân sự đắt giá nhất của Nhật Bản, được tung ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nhật Bản với Trung Quốc gia tăng. Theo Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản, tính riêng trong khoảng thời gian từ tháng Tư đến tháng Sáu năm nay, chiến đấu cơ Nhật đã phải 200 lần cất cánh, so với 114 lần cùng kỳ năm ngoái, để ngăn chặn phi cơ Trung Quốc tại khu vực xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Vẫn theo quân đội Nhật, riêng trong tháng 6, hai lần Trung Quốc đưa tàu vào khu vực nói trên. Ngày 29/06, một cựu quan chức quốc phòng cao cấp Nhật Bản đưa ra thông tin một máy bay của Nhật suýt bị chiến đấu cơ Trung Quốc tấn công tại vùng biển Hoa Đông. Tin này sau đó bị chính phủ Nhật bác bỏ.
Do quan hệ đồng minh mật thiết với Hoa Kỳ, và chiến lược quốc phòng gắn chặt với Washington, khả năng các công ty Mỹ được nhận thầu là rất cao. Hai tập đoàn Mỹ, Boeing và Lockheed Martin, và tập đoàn Nhật Mitsubishi Heavy Industries (MHI) là ba trong số các công ty chủ yếu được mời tham gia dự án. Hai tập đoàn Boeing và Lockheed Martin đều gửi mail tới Reuters cho biết, rất quan tâm đến chương trình F3 của Nhật, và hy vọng được tham gia.
Theo kế hoạch F3, các phi cơ mới sẽ phải hoạt động phối hợp với F-35 do hãng Lockheed chế tạo, mà Tokyo đã đặt hàng, và F-15Js của Mỹ, nhưng được Nhật cải tiến. Hiện tại, loại máy bay duy nhất đáp ứng được yêu cầu của chương trình F3 là phi cơ chiến đấu F-22 của Lockheed Martin, tuy nhiên, hãng không còn sản xuất F-22 nữa, và Hoa Kỳ cũng không cho xuất khẩu loại chiến đấu này, bất chấp mong muốn của Nhật.
Theo các nguồn tin gần gũi với hồ sơ, trong bối cảnh này, chiến đấu cơ mà Tokyo sẽ đặt hàng phải được sản xuất ngay tại Nhật, giống như trường hợp F-15Js trước đây, và điều này sẽ khiến giá thành tăng lên rất cao.
Ngoài hai tập đoàn Mỹ, các nhà sản xuất châu Âu cũng là đối tác tiềm năng. Một phát ngôn viên của tổ hợp Eurofighter vừa cho biết, tập đoàn này thường xuyên có liên hệ với chính phủ Nhật, để thảo luận các cơ hội hợp tác. Eurofighter là tập đoàn hàng không quân sự châu Âu bao gồm một loạt các công ty lớn như Airbus Group, BAE Systems, Leonardo Finmeccanica – nhà sản xuất máy bay tiêm kích Typhoon, và Saab, tác giả của chiến đấu cơ Gripen.
Các đe dọa từ Trung Quốc và từ Bắc Triều Tiên là các nguyên nhân trực tiếp khiến Nhật Bản phải gia tăng các chi phí cho quốc phòng. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, với một ngân quỹ hạn chế, việc ưu tiên tăng mạnh ngân sách trong một lĩnh vực này sẽ đi kèm với việc giảm chi phí trong lĩnh vực khác. Ưu tiên không quân và hải quân có thể ảnh hưởng đến việc đầu tư cho lĩnh vực hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc tình báo và trinh sát, vốn không kém phần quan trọng (xem bài “What Sort of Defense Build-Up Does Japan Really Need?/Nhật Bản thực sự cần các chi phí quân sự nào ?” của chuyên gia an ninh quốc tế Yuki Tatsuli, đăng tải trên trang mạng The Diplomat ngày 30/06/2016). Đây là vấn đề nan giải, mà các nhà hoạch định chính sách quốc phòng Nhật Bản sẽ phải giải quyết.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160701-nhat-chien-dau-co-trung-quoc
Đảng Bảo thủ Anh chọn lãnh đạo mới
Dư luận nước Anh bắt đầu bàn cãi về các nhân vật sẽ lên làm lãnh đạo đảng Bảo thủ và thay thế thủ tướng David Cameron đàm phán với Liên Hiệp Châu Âu để rút khỏi tư cách thành viên. Theo những nhận định ban đầu, thì bộ trưởng Nội Vụ Theresa May có phần thắng thế còn cựu đô trưởng Luân Đôn Boris Johnson lại bất ngờ tuyên bố vào phút chót là sẽ không ra ứng cử. Từ Luân Đôn, thông tín viên Lê Hải cho biết thêm về câu chuyện này.
Người ta khá bất ngờ khi thấyông Boris Johnson, người nổi bật nhất trong cuộc vận động cho Brexit và luôn xuất hiện trên mặt báo trong vai trò đối lập với thủ tướng David Cameron lại tuyên bố rút lui ngay trước giờ chốt danh sách ứng viên vào trưa hôm qua (30/06/2016). Dư luận còn bất ngờ hơn nữa khi nhân vật số hai của ông là Michael Gove ngay trước đó vài giờ đồng hồ tuyên bố không ủng hộ ông Johnson lên làm lãnh đạo đảng Bảo thủ vì thấy ông chưa hội đủ các tố chất cần thiết.
Ông Michael Gove hôm nay cũng nhanh chóng đưa ra lộ trình sắp tới cho đảng Bảo thủ và nước Anh trên con đường rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu, và một loạt các nghị sĩ trong đảng trước đây đi theo lá cờ của Boris Johnson nay đều ngả sang ủng hộ cho ông. Tuy vậy, con số nghị sĩ trong đảng ủng hộ nhiều nhất cho lãnh đạo tương lai lại dành cho bà Theresa May, dù rằng bà bỏ phiếu cho con đường Bremain, tức là muốn ở lại với Liên Hiệp Châu Âu.
Bà Theresa May giữ chức bộ trưởng bộ Nội Vụ trong nhiều năm nay, mà trong đó có cơ quan chuyên trách về xuất nhập cảnh và di dân di trú, đặc biệt là từ sau một loạt các vụ bê bối hồ sơ đã khiến UKBA phải tách làm đôi và chỉnh sửa nhiều hoạt động. Thời gian qua bà cũng thông qua một đạo luật về di dân sẽ có hiệu lực từ ngày 01/07/2016, siết chặt điều kiện về phúc lợi xã hội cho lao động từ các nước Liên Hiệp Châu Âu ở Anh.
Ngoài ra, bộ Nội Vụ cũng nắm hệ thống cảnh sát và cơ quan an ninh nội địa, cho nên có thể coi bà là người hội đủ tài lực để lèo lái nước Anh trong giai đoạn tới, khi bộ trưởng tài chính George Osborne tuyên bố không muốn lên làm thủ tướng. Tuy nhiên, về khả năng lãnh đạo nhóm, tức là yếu tố để trở thành thủ lĩnh cho đảng Bảo thủ, hay ít nhất là khả năng dẫn dắt các bộ trưởng trong chính phủ, thì người ta còn chưa thực sự cảm thấy được thuyết phục, cho nên các ứng viên khác vẫn đang tích cực vận động để lấy phiếu về cho mình trong đại hội đảng dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 10/2016 tới đây.
Hai vấn đề chính được bàn cãi trong cuộc vận động Brexit là di dân và kinh tế. Vậy bộ trưởng tài chính tiếp tục duy trì vai trò của mình sẽ giúp nước Anh ổn định kinh tế trong quá trình rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu?
Thực ra thì không hẳn là như vậy. Bộ trưởng George Osborne đang trong quá trình lèo lái nước Anh để cắt giảm tối đa thâm hụt ngân sách và dự kiến phải tới 2019 mới có thể quay trở lại bình thường. Bây giờ xảy ra chuyện Brexit thì kế hoạch đó phá sản hoàn toàn và chưa chắc rằng ông đủ khả năng đưa ra một chiến lược kinh tế rõ ràng cho nước Anh trong vai trò độc lập, theo như phân tích trên tờ nhật báo Telegraph.
Giới kinh doanh và đặc biệt là khu tài chính Luân Đôn quen tư duy theo kiểu nước Anh là một thành viên của Liên hiệp châu Âu và cho đến giờ họ vẫn chưa tin vào khả năng nước Anh sẽ thật sự Brexit, và càng không có kế hoạch cụ thể gì để chuẩn bị cho việc nước Anh từ nay sẽ kinh doanh độc lập bên ngoài khuôn khổ Liên hiệp châu Âu. Cho nên, việc chọn lựa một bộ trưởng tài chính phù hợp sẽ là vấn đề khiến cho các ứng viên thủ tướng sẽ phải suy nghĩ và tính toán rất nhiều, vì đây sẽ là nhân vật đi đàm phán với Liên Hiệp Châu Âu để bảo đảm quyền lợi kinh tế cho nước Anh sau ngày rút khỏi tư cách thành viên.
Đó chính là thế mạnh của một ứng viên nữ khác là bà Andrea Leadsom, trước khi vào quốc hội từng quản lý quĩ đầu tư tài chính, và sống ở một số nước châu Âu. Ngoài ra, có ứng viên Stephen Crabb là một người rất trẻ, năm nay chỉ 43 tuổi, và hiện quản lý bộ Lao Động và Hưu Trí, tốt nghiệp đại học kinh tế.
Tuy nhiên, lá phiếu bầu chọn lãnh đạo đảng Bảo thủ là do các đoàn đại biểu đến từ các địa phương khác nhau, cho nên các ứng viên từng làm nghị sĩ quốc hội lâu năm như ông Liam Fox cũng sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng. Và chắc chắn là trong đại hội đảng sắp tới đây của đảng Bảo thủ thì câu chuyện đi hay ở lại một lần nữa trở thành đề tài tranh cãi gay gắt.
Bởi vì nó gắn liền với quyết định nước Anh sẽ ra đi như thế nào, bao gồm cả khả năng như người ta giải thích rằng có thể rút khỏi tư cách thành viên Liên Hiệp Châu Âu một cách chính thức, nhưng lại vẫn duy trì vị trí trong khối kinh tế chung gọi tắt là EEA, thì mọi chuyện sẽ không có thay đổi nhiều, hay thậm chí chính phủ có thể không nghe theo ý kiến của dân chúng với các biện pháp kỹ thuật.
Như vậy tình hình hiện nay, nhiều phần là một cuộc chơi chính trị hơn là ván bài về kinh tế và xã hội của Anh quốc đối với Liên Hiệp Châu Âu?
Chính xác là như vậy, tờ báo The Times gọi quyết định Brexit là động đất, cho nên những gì diễn ra sau đó giống như là sóng thần vậy, làm sụp đổ kiến trúc thượng tầng, nơi mà kết cấu lỏng lẻo và xây dựng thiếu nền móng vững vàng, như giấc mộng tan vỡ của ông Boris Johnson.
Bên phía Công đảng thì lãnh đạo Jeremy Corbym cũng phải chịu áp lực phải từ chức, khi mà các nhân vật cao cấp trong đảng quay lưng và ngay cả thủ tướng Cameron trong phiên điều trần hôm thứ Tư (29/06/2016) cũng mỉa mai kêu ông hãy đi đi để nhường ghế lãnh đạo lại cho người khác.
Cuộc vận động Brexit phần nào mở đường cho các phần tử cực đoan hoạt động và đã nổ ra một số cuộc tấn công sắc tộc nhắm vào cửa hàng của người Hồi giáo hay trung tâm văn hóa của người Ba Lan, nhưng xã hội nhanh chóng phản ứng, đưa lên mạng, và luật pháp nước Anh cũng rất nghiêm ngặt trong việc này, cho nên có thể nói mọi việc đã phần nào tạm ổn.
Tương tự vậy, quyết định Brexit đã làm đồng bảng Anh cùng nhiều cổ phiếu mất giá, nhưng chỉ số thị trường chứng khoán FTSE cho đến hôm nay gần như là đã phục hồi. Đúng như câu ngạn ngữ nổi tiếng về tính cách Anh – Keep Calm and Carry On, người dân ở Anh vẫn bình tĩnh và đối phó với tình cảnh, và khó khăn ở chỗ này lại trở thành điều thuận lợi cho chỗ khác.
Ví dụ như là các công ty luật đang quảng cáo để kêu gọi di dân từ Liên Hiệp Châu Âu hãy làm đăng ký thẻ tạm cư, mà với con số 3 triệu người hay là gia đình thuộc dạng này, thì số tiền mà họ kiếm được sẽ rất nhiều. Quá trình đàm phán cũng sẽ mở ra một loạt các công việc mới, từ người đi đàm phán cho đến người làm phiên dịch, hay hợp đồng nghiên cứu dành cho các trường đại học để chuẩn bị trước.
Đánh bom sân bay Istanbul: khủng bố từ Kavkaz tới
Theo một quan chức cao cấp Thổ Nhĩ Kỳ, những kẻ khủng bố tấn công vào sân bay Istanbul hôm 28/06/2016 dường như mang quốc tịch Nga, Uzbekistan và Kirghizistan.
Một tờ báo của Thổ Nhĩ Kỳ nói tới một người Nga gốc Tchetchenia, các nguồn tin khác nêu giả thuyết đó là người Daghestan. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, thì đó là một người Nga gốc vùng bắc Kavkaz.
Các thông tin này chưa được khẳng định một cách chính thức. Nhưng quả thực là khu vực Trung Á và vùng Kavkaz là hai nơi cung cấp nhiều chiến binh cho tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Từ Matxcơva, thông tin viên Muriel Pomponne giải thích :
« Cùng với tiếng Anh và Ả Rập, tiếng Nga là một trong những ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trong hàng ngũ tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Bởi vì trong tổ chức này có rất nhiều các công dân Nga và các nước Trung Á – trước đây thuộc Liên Xô. Tổng thống Vladimir Putin nêu ra con số 7000, nhưng đa số các chuyên gia thẩm định là có từ 4 đến 5000 chiến binh thánh chiến nói tiếng Nga. Việc trừ khử các chiến binh này là một trong những mục tiêu công khai của chiến dịch can thiệp quân sự của Nga vào Syria.
Trong một thời gian dài, các chiến binh người Daghestan và Tchetchenia đều nằm trong một phong trào địa phương mang tên Tiểu vương quốc Hồi Giáo Kavkaz. Tuy nhiên, do bị lực lượng an ninh Nga truy lùng tấn công, tổ chức này bị nhiều tổn thất nặng nề và năm ngoái, lãnh đạo của Tiểu vương quốc Hồi Giáo Kavkaz đã tuyên bố đi theo, ủng hộ tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Tháng 12 năm 2015, lần đầu tiên, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tự nhận trách nhiệm về một vụ khủng bố ở Daghestan.
Tại Trung Á, các nhóm Hồi giáo cực đoan vẫn luôn luôn hiện diện trong thung lũng Fergana, ở vùng cận đông Uzbekistan, trong khu vực biên giới chung với Tadjikistan và Kirghizistan, một vùng rất nghèo khổ, lọt thỏm giữa nhiều dãy núi. Các lực lượng Hồi giáo Salafite thuộc phong trào Hizbut-Tahrir hiện diện tại đây. Một bộ phận dân chúng, bị chính quyền bỏ mặc, đã dần dần nghe theo các tuyên truyền của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ».
Liên Hiệp Châu Âu « hậu Brexit » với Slovakia làm chủ tịch
Sau Hà Lan, kể từ hôm nay, 01/07/2016, đến lượt Slovakia – một quốc gia nhỏ vùng Trung Âu – đảm nhận chức chủ tịch luân phiên Hội Đồng Liên Hiệp Châu Âu trong vòng 6 tháng. Sau cú sốc cử tri Anh Quốc quyết định rời châu Âu, cách nay một tuần, nhiệm kỳ chủ tịch của Slovakia hứa hẹn nhiều sóng gió. Làn sóng dân tộc chủ nghĩa đang dâng cao tại Slovakia, trong khi đó chính quyền Bratislava lại khá nghi ngại Bruxelles.
Thông tín viên Alexis Rosenzweig tường trình từ Bratislava,
« Thường xuyên trục trặc với Bruxelles do các mối liên hệ với cánh cực hữu hay quyết liệt chống lại chính sách phân bổ định mức đón tiếp người tị nạn, thủ tướng Slovakia Robert Fico giờ đây lại đóng vai trò một trong các trụ cột của châu Âu.
Sau 12 năm gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, đồng thời là thành viên của khối tự do đi lại Shengen và khu vực đồng euro, Slovakia không muốn để Đức hay Pháp quyết định tương lai chung của châu Âu. Nhà chính trị học Martin Michelot, chuyên gia về Trung Âu, thuộc Viện Europeum, nhận định : ‘‘Cho dù tầm quan trọng của chức chủ tịch luân phiên có phần suy giảm trong những năm gần đây, Slovakia vẫn đứng trước một áp lực thực sự khi phải đại diện cho một số nước Trung Âu, vào thời điểm mà các nước này bị xem như là một nhóm gây trở ngại trong lòng Liên Hiệp Châu Âu’’.
Theo ông, ‘‘Slovakia chắc chắn sẽ phải nỗ lực để đưa ra được một hoặc hai đóng góp quan trọng vào tháng 12 tới, có thể coi như những tham gia thực sự của Trung Âu vào tiến trình xây dựng châu Âu’’.
Về mặt chính thức, các ưu tiên của nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên Slovakia là lĩnh vực kinh tế, chính sách nhập cư và tị nạn, tuy nhiên, nổi lên hàng đầu vẫn là vấn đề Brexit, cụ thể là trong thượng đỉnh của khối 27 nước, dự kiến sẽ họp tại thủ đô Slovakia vào giữa tháng 9/2016 ».
Hôm qua, trước ngày đảm nhận chức chủ tịch luân phiên Hội Đồng Liên Hiệp Châu Âu, phát biểu trong một cuộc họp báo, thủ tướng Slovakia nói thẳng : « Những quyết định hệ trọng về tương lai của châu Âu không thể được quyết định chỉ bởi hai hay ba quốc gia thành viên, hay các nước sáng lập Liên Hiệp Châu Âu ». Ngay sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit, sáu nước sáng lập Liên Hiệp Châu Âu đã có một cuộc họp, tiếp theo đó là cuộc hội kiến giữa lãnh đạo ba nước Pháp, Đức và Ý về vấn đề này vào hôm thứ Hai, 27/06.
Nhật hối thúc Anh và Đức trấn an thị trường
Theo Reuters, hôm qua, 30/06/2016, thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã kêu gọi hai đồng nhiệm Đức và Anh, thiết lập lại niềm tin của các thị trường tài chính sau cú sốc Brexit. Ông Shinzo Abe cho biết đã điện đàm với các đồng nhiệm Anh và Đức. Ba lãnh đạo thống nhất là các nước khối G7 phải gia tăng hợp tác trong việc này.
Trong thông cáo của chính phủ Nhật có đoạn : « Thủ tướng (Abe) kêu gọi Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu cộng tác và đưa ra một thông điệp rõ ràng để xóa tan những lo ngại trên các thị trường và gấp rút tăng cường khả năng dự báo ».
Quyết định rời Liên Hiệp Châu Âu của cử tri Anh hôm 23/06 khiến thị trường châu Âu và Nhật Bản rung chuyển. Đồng yen Nhật Bản tăng vọt, gây khó khăn cho hàng xuất khẩu của Nhật và khả năng phục hồi kinh tế nói chung của nước này.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160701-chau-au-%C2%AB-hau-brexit-%C2%BB-voi-slovakia-lam-chu-tich
Tập Cận Bình : Trung Quốc không bao giờ « từ bỏ chủ quyền » Biển Đông
Bắc Kinh không bao giờ khoan nhượng về chủ quyền. Đó là lời tuyên bố của lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc nhân ngày lễ 95 năm ngày thành lập đảng và trong bối cảnh Toà Án Trọng Tài Thường Trực La Haye sẽ công bố phán quyết vào ngày 12/07 về đòi hỏi chủ quyền của Hoa lục tại Biển Đông.
Hôm nay 01/07/2016, trong thông điệp đọc trước một cử tọa gồm đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc tại Đại sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình tuyên bố « Đừng có một nước ngoại bang nào… chờ chúng ta chấp nhận uống liều thuốc đắng gây tổn hại cho lợi ích chủ quyền quốc gia, cho an ninh và phát triển ». Trung Quốc « không sợ rắc rối ».
Ông Tập Cận Bình đưa ra những lời tuyên bố này vào lúc tình hình biển Đông nóng bỏng vì Trung Quốc khẳng định chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông và xây dựng một loại «vạn lý trường thành » trên vùng biển do Việt Nam và Philippines kiểm soát. Vào ngày 12/7 này,Toà Án Trọng Tài Thường Trực sắp công bố phán quyết về đơn kiện của Philippines mà theo giới phân tích sẽ bất lợi cho Bắc Kinh.
Để không cho Trung Quốc áp đặt quốc tế trước chuyện đã rồi, Hoa Kỳ phải tăng cường hải quân và tuần tra trong khu vực. Ám chỉ chiến dịch quân sự của Mỹ, ông Tập Cận Bình tuyên bố là « không sợ thái độ diễu võ dương oai (của Hoa Kỳ)…. đến tận cửa nhà người để phô trương sức mạnh ».
Cũng trong thông điệp 95 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình một mặt ca ngợi chế độ độc đảng một mặt lo ngại tệ nạn tham ô đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Mỹ : Tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông là điên rồ
Chiến lược bồi đảo lấp biển xây « Vạn lý trường thành » bằng cát của Trung Quốc ở Biển Đông bị Hoa Kỳ xem là một hành động « điên rồ ». Nhân chuyến công du bốn ngày tại Ấn Độ để thắt chặt hợp tác an ninh khu vực, thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Thomas Shannon nhận định:Điều Hoa Kỳ hy vọng là Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế về giao thông tại Biển Đông. Xây dựng các đảo nhân tạo và phi trường, phi đạo cho máy bay là chuyện điên rồ. Lực lượng hải thuyền cũng thế. Trung Quốc đang xây bia (cho đối phương tấn công).
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160701-tap-can-binh-trung-quoc-bien-dong
70 ngày cuối đời của Van Gogh ở Auvers-sur-Oise, Pháp
Quãng đời 37 năm ngắn ngủi của Vincent Willem Van Gogh (1853-1890) có thể được miêu tả trong ba từ : nghèo khó, thất bại và tuyệt vọng. Khi còn sống, họa sĩ tài hoa không bán được một bức tranh nào. Chỉ vài ngày sau khi tác phẩm đầu tiên có người mua, Vincent Van Gogh qua đời.
Ngay từ nhỏ, Vincent là một đứa trẻ thất thường, có khiếu ngoại ngữ (nói được ba thứ tiếng Hà Lan, Anh, Pháp) và vô cùng mê hội họa. Đây là cách duy nhất giúp họa sĩ kìm hãm những xáo động trong lòng. Xuất thân trong một gia đình mục sư, Vincent Van Gogh ra đời cùng ngày và mang cùng tên người anh trai chết yểu ngay khi trào đời một năm trước.
Năm 16 tuổi, Vincent Van Gogh học nghề bán tranh cho chi nhánh Galerie nghệ thuật Goupil tại La Haye nhờ giới thiệu của một người chú, đồng thời là nhà đồng sáng lập chi nhánh của Galerie này tại Paris. Năm 1873, ông được cử sang làm việc tại Luân Đôn. Tại đây, chàng thanh niên thương thầm nhớ trộm cô con gái bà chủ nhà trọ, Ursula Loyer, song không được đáp lại.
Thất tình, Vincent chìm trong u uất, tỏ ra bí ẩn và chỉ thổ lộ trong những bức thư gửi về cho người em trai kém họa sĩ bốn tuổi, Theodorus (1857-1891). Théo, tên gọi thân mật của Theodorus, còn là người bạn tâm giao, người thường xuyên hỗ trợ họa sĩ cả về tinh thần lẫn vật chất trong suốt quãng đời ngắn ngủi.
Van Gogh chạy trốn thực tế phũ phàng trong một thời gian ngắn tại Paris trước khi quay lại Luân Đôn và dạy học ở khu phố lao động Isleworth. Thất bại đầu tiên đã khiến Van Gogh không còn tập trung vào công việc và ngày càng đi theo đức tin. Bị các ông chủ khiển trách, Vincent xin nghỉ việc vào tháng 04/1876 sau 7 năm làm nghề bán tranh. Van Gogh truyền đạo cho những người thợ mỏ ở Borinage (Bỉ). Thế nhưng, mong muốn này của Van Gogh lại bị giáo hội phản đối nên buộc phải ngừng việc truyền đạo chỉ một năm sau (1879).
Thêm một thất bại, Van Gogh lang thang cô độc, mất phương hướng cho đến khi hội họa thôi thúc nghệ sĩ từ bỏ việc truyền đức tin. Từ tháng 11/1879 đến tháng 02/1886 là quãng thời gian để Vincent Van Gogh tập trung vào con đường nghệ thuật mà nghệ sĩ đam mê từ nhỏ, từ tự học đến học chung với những người bạn họa sĩ hay học chính quy tại Viện Hàn Lâm Nghệ Thuật Hoàng Gia ở Anvers. Cũng vì tính cách đặc biệt, Van Gogh bỏ Viện Hàn Lâm sau hai tháng theo học vì chương trình quá gò bó với ông.
Phiêu lưu trong nắng vàng miền nam nước Pháp
Sau khi cha mất, tháng 02/1886, Vincent quyết định rời Bỉ đến Paris nơi người em trai Théo sinh sống. Tại đây, họa sĩ Hà Lan thường xuyên liên lạc với các họa sĩ trường phái Ấn tượng Pháp (Camille Pissaro, Paul Gauguin, Paul Signac). Ngoài ra, Emile Bernard và Henri de Toulouse-Lautrec cũng là những họa sĩ có ảnh hưởng sâu sắc đến tác phẩm của Van Gogh. Cả ba cùng tổ chức một triển lãm chung vào năm 1887, nhưng không ai bán được bức tranh nào. Họ hiểu rằng cơ hội chưa mỉm cười với họ.
Năm 1888, Vincent Van Gogh chuyển xuống thành phố Arles để vẽ những cánh đồng bát ngát chìm trong nắng vàng rực rỡ, đặc trưng của miền nam nước Pháp : Cây cầu Langlois, các bức họa Hoa hướng dương (Tournesols) và Le Jardin du Poète, khu vườn trên quảng trường Lamartine. Sống một mình trong cộng đồng người dân Arles luôn nghi ngờ người đàn ông ngoại quốc kỳ cục này, Van Gogh dần trở nên trầm cảm. Họa sĩ người Hà Lan quyết định mời Gauguin xuống Arles chơi và cùng làm việc. Gauguin đến ngày 23/10/1888. Nhưng chỉ hai tháng sau, tối ngày 23/12, giữa hai người xảy ra một cuộc tranh cãi căng thẳng do bất đồng về tính cách và cách nhìn nhận về nghệ thuật. Giận giữ và bột phát, Van Gogh tự tay cắt tai phải của mình. Hai bức tự họa là bằng chứng cho hành động này.
Được đưa vào bệnh viện, bác sĩ điều trị Félix Rey chuẩn đoán Vincent làm việc quá sức và bị động kinh. Cú sốc, hay lại thêm một thất bại, đã khiến Van Gogh rơi vào tình trạng ảo tưởng. Ông được điều trị nội trú tại Saint-Rémy-de-Provence nhưng vẫn được phép đi vẽ vào ban ngày. Thế nhưng, trước sức ép của người dân địa phương, Vincent bị chuyển sang nhà thương tư nhân Saint-Paul-de-Mausole và bị “giam lỏng” cùng với những bệnh nhân tâm thần thật. Ông hiểu rằng mình sẽ phát điên thật sự nếu còn ở lại miền nam nước Pháp.
Auvers-sur-Oise, nơi chấm dứt chuỗi đau khổ
Ngày 20/05/1890, Van Gogh chuyển đến đến ngôi làng Auvers-sur-Oise ở ngoại ô Paris và được bác sĩ Paul-Ferdinant Gachet chăm sóc, theo lời khuyên của họa sĩ Pissarro với người em trai Théo. Nhà trọ Auberge Ravoux, với giá thuê bèo bọt 3 franc 50 mỗi ngày, là nơi ở cuối cùng của họa sĩ.
Chị Marion André, hướng dẫn viên tại di tích Auberge Ravoux, kể lại những ngày cuối đời của Van Gogh :
« Van Gogh trọ ở phòng trọ số 5, dưới mái nhà của Nhà trọ Ravoux. Vì mê tín nên căn phòng trở thành « phòng của người tự tử » và chưa bao giờ được cho thuê lại. Trong căn phòng chưa đầy 7 m2, không còn gì để xem nhưng mọi người đều có thể cảm nhận được.
Tổng cộng thời gian Van Gogh lưu lại Auvers là 70 ngày. Họa sĩ chọn quán trọ Auvers vì có hàng cà phê nổi tiếng với giá bình dân và hơn nữa, ông chỉ cần một phòng để ngủ qua đêm. Chính vì vậy, căn phòng 7 m2 là đủ cho cách sống của Van Gogh. Vì ông là một người thích làm việc, rất chăm chỉ và vẽ ngoài trời từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày. Chính vì vậy, họa sĩ người Hà Lan ở rất ít trong căn phòng nhỏ này.
Căn phòng trọ này là nơi ở thứ 38 của họa sĩ trong vòng 37 năm. Van Gogh đi hết từ nhà trọ này sang nhà trọ khác, từ nước này sang nước khác. Ông nói thành thạo tiếng Anh và tiếng Pháp. Vì vậy, các nước Hà Lan, Anh, Pháp, Bỉ, Van Gogh đều đã đi qua và chưa một nước nào Van Gogh dừng chân lâu cả ».
Thực ra, nhà trọ Ravoux ở Auvers-sur-Oise cũng chỉ là một trạm dừng chân tạm thời để chữa bệnh. Nhưng trong suốt thế kỷ thứ XIX, Auvers-sur-Oise đã nổi tiếng trong giới họa sĩ là một vùng nông thôn đẹp như tranh, thơ mộng, êm đềm và chỉ cách Paris hơn 1 giờ đi xe lửa. Đã có nhiều họa sĩ nổi tiếng sống tại đây như Daubigny cùng với bạn bè như Corot, Daumier. Sau đó là Cézanne, Pissaro là những họa sĩ theo trường phái trừu tượng.
« Đúng là chỉ sống tại Auvers-sur-Oise có 70 ngày, nhưng Van Gogh đã vẽ 80 bức tranh và khoảng 100 bức vẽ. Đây là một khối lượng tác phẩm rất quan trọng và đáng nể phục trong một khoảng thời gian ngắn như vậy.
Cứ đến ngày chủ nhật, Van Gogh tới nhà bác sĩ Gachet ăn cơm. Họa sĩ vẽ khu vườn nhà bác sĩ, vẽ chân dung Maguerite, con gái của bác sĩ. Gia đình chủ nhà trọ Ravoux trở thành những người bạn thân thiết của họa sĩ và ông vẽ hai bức tranh cô con gái chủ nhà trọ.
Van Gogh qua đời trong căn phòng của mình lúc 1 giờ 30 ngày 29/07/1890 khi mới 37 tuổi. Cho đến giờ, người ta vẫn không biết chính xác chuyện gì đã xảy ra. Chỉ biết là Van Gogh về nhà với một vết thương do đạn bắn trúng ngày 27/07. Họa sĩ trình báo với cảnh sát là ông vô tình bắn vào mình. Cuối cùng, ông đã không qua khỏi. Đám tang không được tổ chức theo nghi lễ tôn giáo. Chỉ có lễ truy điệu được tiến hành ngay tại nhà trọ sau đó linh cữu được quàn tại nghĩa trang địa phương ».
Théo để lại cho gia đình Ravoux các bức tranh của Van Gogh vẽ trong thời gian trọ ở đây, trong đó có hai bức chân dung cô con gái, và một số khác cho bác sĩ Gachet, để cảm ơn họ. Vài năm sau, gia đình Ravoux bán lại một số bức tranh của Van Gogh trong « Ngày dọn kho » (vide-grenier) chỉ với giá vài xu cho các họa sĩ Mỹ.
Trước khi rời miền nam Pháp, Van Gogh cũng tặng tranh chân dung vị bác sĩ đã điều trị ông. Sau này, người ta tìm thấy một bức tranh được dùng để bịt chuồng gà nhà bác sĩ, trong tình trạng gần như bị hỏng hoàn toàn, nhưng may mắn là đã được khôi phục. Trong suốt 37 năm, Van Gogh gần như là một họa sĩ vô danh, từng kí tên trên hơn 800 tác phẩm nhưng chỉ bán được một bức tranh duy nhất, “Vườn nho đỏ” (La Vigne Rouge), tại Bruxelles vào năm 1890.
Sáu tháng sau ngày Vincent mất, người em trai Théo, vì bị tổn thương và bệnh nặng, cũng qua đời tại Hà Lan. Năm 1914, Johanna, vợ của Théo, đã mang hài cốt của chồng đến an táng bên cạnh mộ Vincent ở Auvers-sur-Oise.
http://vi.rfi.fr/phap/20160624-70-ngay-cuoi-doi-cua-van-gogh-o-auvers-sur-oise-phap