Tin khắp nơi – 25/06/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Hai người thiệt mạng vì cháy rừng ở California

Hai người thiệt mạng tại California và hơn 100 căn nhà bị phá huỷ trong lúc một trận cháy rừng bắt đầu chiều thứ năm tiếp tục cháy vượt tầm kiểm soát.

Các giới chức cho biết có thể có thêm nạn nhân được tìm thấy trong những ngày sắp tới trong lúc nhân viên cứu hộ tiếp tục tìm kiếm trong đống đổ nát.

Đám cháy, bắt đầu ở Huyện Kern, cách Los Angeles 180 kilo mét về hướng bắc, hôm qua đã gia tăng cường độ và bao trùm hơn 120 kilo mét vuông, làm cho đám cháy này trở thành một trong những đám cháy dữ dội nhất của mùa cháy rừng năm nay.

Thống đốc California, ông Jerry Brown, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho Huyện Kern.

Cảnh sát cho biết một cặp vợ chồng lớn tuổi đã trở thành những nạn nhân đầu tiên của vụ cháy rừng khi họ bị ngộp khói trong lúc tìm cách chạy thoát những đám cháy gần nhà họ trong vùng Hồ Isabella.

Hôm thứ 6, giới hữu trách cảnh báo hơn 3.000 cư dân trong vùng Hồ Isabella chuẩn bị di tản.

California đang trải qua trận hạn hán dữ dội nhất trong vòng 5 năm, và nhiệt độ vượt mức 38 độ C trong tuần qua làm gia tăng xác suất là vụ cháy rừng sẽ lan rộng hơn nữa.

http://www.voatiengviet.com/a/hai-nguoi-thiet-mang-vi-chay-rung-o-california/3391890.html

 

23 người thiệt mạng vì trận lụt nghiêm trọng ở tiểu bang West Virginia

Thống đốc tiểu bang West Virginia tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại 44 quận sau khi trận lụt dữ dội nhất trong vòng 100 năm ở tiểu bang này giết chết 23 người.

Ông Earl Ray Tomblin hôm qua cho biết thiệt hại rất lớn và giới hữu trách đang dồn mọi nỗ lực cho cất cánh tìm kiếm và cứu hộ.

Những trận mưa lớn hôm thứ 5 đã làm nhiều con sông ở miền tây nam và miền trung tiểu bang này vỡ bờ và tràn vào đường sá của những thành phố gần đó.

Hàng vạn người bị mất điện và hàng trăm người mắc kẹt trong nhà. Khoảng 500 người bị mắc kẹt tại một thương xá khi chiếc cầu duy nhất để ra vào khu này bị nước cuốn trôi.

Nhiều cư dân khác bị kẹt trên nóc nhà.

Các chuyên gia khí tượng nói rằng trận lụt xảy ra vì có nhiều cơn mưa giông trút nước mưa xuống một khu vực tương đối nhỏ.

Những cơn giông này cũng đã tạo ra những cơn lốc xoáy tại nhiều tiểu bang vùng Trung tây.

http://www.voatiengviet.com/a/hai-muoi-ba-nguoi-thiet-mang-vi-tran-lut-lon-nhat-trong-vong-100-nam-o-tieu-bang-west-virginia/3391864.html

 

7.000 di dân được cứu ở Địa Trung Hải trong 2 ngày

Các giới chức Ý cho biết ít nhất 7.000 di dân đã được cứu từ những chiếc tàu nhỏ ở Địa Trung Hải chỉ trong vòng 2 ngày.

Các giới chức nói rằng khoảng 2.000 di dân được cứu hôm thứ Sáu sau khi 5.000 người khác được cứu hôm thứ Năm.

Những chiếc tàu của Ý cùng với những chiếc tàu khác thuộc tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới đã thực hiện hơn 40 vụ cứu hộ để vớt những người chen chúc trên những chiếc phao và xuồng nhỏ.

Những người dân, phần lớn là từ các nước Ả Rập và vùng phía nam sa mạc Sahara, đang tìm cách vượt biên sang Âu châu.

Giới hữu trách cho biết biển lặng sau một tuần thời tiết xấu tạo ra một sự tăng mạnh của những vụ vượt biển trong lúc những kẻ đưa lậu người thực hiện lại những hoạt động bất hợp pháp.

Hầu hết những vụ vượt biển bắt đầu tại Libya, nơi hải quân cho biết họ đã chặn bắt 1.000 di dân trong hải phận Libya hôm thứ 5.

http://www.voatiengviet.com/a/bay-nghin-di-dan-duoc-cuu-o-dia-trung-hai-trong-2-ngay/3391855.html

 

Cơ quan chống doping tạm đóng cửa phòng thí nghiệm của Olympic ở Rio de Janeiro

Thành phố Rio de Janeiro vừa gặp thêm một chướng ngại trong lúc phải chật vật để chuẩn bị đăng cai Olympic Mùa hè trong 6 tuần nữa.

Cơ quan Chống doping Thế giới đã quyết định cấm phòng thí nghiệm chính thức của thành phố tiến hành những vụ xét nghiệm trong 6 tháng.

Cơ quan WADA hôm thứ 6 cho biết phòng thí nghiệm đó đã phạm phải những sai lầm về qui trình và không hoạt động theo đúng Tiêu chuẩn Quốc tế về Phòng thí nghiệm.

Không có chi tiết nào khác được loan báo. Phòng thí nghiệm này có 21 ngày để kháng cáo.

Phát ngôn viên Olympic Rio, ông Mario Andrada, nói việc này “không quan trọng” vì mẫu xét nghiệm có thể được đưa bằng máy bay tới các phòng thí nghiệm ở Mỹ và Âu châu mỗi ngày.

Ông cho biết ban tổ chức áp dụng chính sách tuyệt đối không dung thứ đối với các vận động viên sử dụng thuốc cấm.

Bên cạnh vấn đề phòng thí nghiệm, Brazil còn phải đối mặt với nhiều vấn đề khác trong lúc lễ khai mạc Olympic Mùa hè sẽ diễn ra vào ngày 5 tháng 8, trong đó có vấn đề tổng thống bị luận tội, dịch Zika do muỗi lan truyền, kinh tế bị suy sụp, và nước bị ô nhiễm, kể cả tại một số địa điểm thi đấu Olympic.

http://www.voatiengviet.com/a/co-quan-chong-doping-tam-dong-cua-phong-thinghiriem-cua-olympic-o-rio-de-jainero/3391851.html

 

Mỹ tấn công Taliban lần đầu từ khi có lệnh mới của Tổng thống Obama

Quân đội Mỹ đã phát động cuộc không kích đầu tiên nhắm vào phe Taliban ở Afghanistan kể từ khi Tổng thống Barack Obama nới rộng những quyền hạn mà binh sĩ Mỹ có thể dựa vào để tấn công phe nổi dậy.

Phát ngôn viên Ngũ giác đài, ông Peter Cook, hôm thứ 6 xác nhận những vụ không kích được thực hiện ở miền nam Afghanistan dựa theo những quyền hạn mới. Ông nói những vụ không kích đã đánh trúng mục tiêu, nhưng ông không cho biết thêm chi tiết.

Hồi đầu tháng này, Tổng thống Obama nới rộng sự can dự của quân đội Mỹ ở Afghanistan để cho phép thực hiện thêm những vụ không kích nhắm vào phe Taliban nếu những vụ không kích đó có ích cho sự thành công của cuộc phản công của chính phủ Afghanistan.

Trước đó, các viên chỉ huy Mỹ chỉ được dùng những vụ không kích để bảo vệ các lực lượng Mỹ tại thực địa, để bảo vệ các lực lượng Afghanistan khi họ sắp bị Taliban đánh bại, và để tấn công nhóm Nhà nước Hồi giáo hoặc tàn dư của al-Qaida.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, ông Ashton Carter, hồi đầu tháng này nói rằng những quyền hạn mới giúp quân đội sử dụng sức mạnh “với một cách thức tốt đẹp hơn.”

Hiện có 9.800 binh sĩ Mỹ ở Afghanistan. Con số đó, theo kế hoạch của Tổng thống Obama, sẽ giảm xuống còn 5.500 vào cuối năm nay.

http://www.voatiengviet.com/a/my-tan-cong-taliban-lan-dau-tu-khi-co-lenh-moi-cua-tong-thong-obama/3391846.html

 

Nhóm Hezbollah: Sẽ đưa thêm chiến binh tới Syria

Thủ lãnh nhóm hiếu chiến Hezbollah ở Li Băng cho biết họ sẽ phái thêm chiến binh tới Syria để hỗ trợ chính phủ ở Damascus.

Ông Hassan Nasrallah tuyên bố trong bài diễn văn hôm thứ 6 rằng ông sẽ phái lực lượng tăng viện tới tỉnh Aleppo của Syria, nơi ông đang diễn ra điều mà ông gọi là trận chiến “vĩ đại nhất” của cuộc nội chiến.

Trong một sự thừa nhận hiếm hoi về thương vong, ông Nasrallah cho biết 26 chiến binh Hezbollah ở Aleppo bị thiệt mạng trong tháng này.

Trong khi đó, những vụ giao tranh ác liệt tiếp diễn ở thành phố Manbij, một cứ địa quan trọng của Nhà nước Hồi giáo ở Syria.

Đài Quan sát Nhân quyền Syria, trụ sở đặt tại Anh, cho biết quân nổi dậy Syria do Mỹ hậu thuẫn đã chiếm một kho chứa lúa mì ở ngoại ô Manbij và từ đó họ có thể quan sát phần lớn thành phố.

Trong nhiều tuần qua, nhóm nổi dậy có tên Lực lượng Dân chủ Syria, một liên minh của các lực lượng người Ả Rập và người Kurd được hỗ trợ không lực từ liên minh do Mỹ lãnh đạo, đã dần dần bao vây Manbij và chiếm được những ngôi làng ở ngoại ô thành phố này.

http://www.voatiengviet.com/a/nhom-hezbollah-se-dua-them-chien-binh-toi-syria/3391843.html

 

Thị trường chứng khoán thế giới chao đảo sau khi Anh ra khỏi EU

Thị trường chứng khoán toàn cầu giảm mạnh, giá dầu sụt và giá trị của bảng Anh tuột dốc xuống mức thấp nhất trong vòng 30 năm sau khi cử tri Anh bỏ phiếu tách ra khỏi EU. Các nhà đầu tư lo lắng tìm nơi cất vốn an toàn, thu mua vàng và các loại trái phiếu chính phủ chắc chắn.

Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ giảm từ 3,3% trở lên trong phiên giao dịch hôm nay. Các thị trường chứng khoán Châu Âu cũng giảm, chỉ số chính của thị trường London sụt 3%, chỉ số chứng khoán của Pháp giảm 8%.

Hãng tin Bloomberg ước lượng các thị trường chứng khoán trong vùng Châu Á mất ít nhất 700 tỉ đô la tiền vốn trong phiên giao dịch ngày hôm nay. Thị trường chứng khoán Nhật Bản sụt mạnh đến nỗi các giới chức phải cho ngưng giao dịch một lát sau khi áp dụng biện pháp tự động nhằm xoa dịu thị trường.

Các hãng đánh giá tín dụng lớn cho rằng việc Anh ra khỏi EU sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Anh. Công ty Moody’s nói cuộc trưng cầu dân ý tại Anh là tín hiệu cho thấy một thời kỳ không ổn định kéo dài tác động tới kinh tế, tài chính Anh. Theo S&P, đánh giá tín dụng củ Anh có thể sẽ tuột hạng. Công ty Fitch gọi sự kiện này có tác động tiêu cực đối với tín dụng Anh.

Giáo sư luật của Đại học Havard, Hal Scott, người nghiên cứu về các hệ thống quốc tế, cho rằng các nguyên tắc kinh tế cơ bản đã thay đổi với nước Anh, nhưng không đủ để châm ngòi cho một cuộc suy thoái trừ khi có một tình trạng hoảng loạn “phi lý”. Ông dự đoán tình hình bất ổn của thị trường thế giới hiện nay sẽ tiếp diễn trong “một thời gian.”

Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Christine Lagarde, kêu gọi Anh và Châu Âu đàm phán một mối quan hệ kinh tế mới một cách càng êm đẹp càng tốt. Bà nói IMF hoan nghênh các biện pháp các ngân hàng trung ương ở Anh và Châu Âu đã loan báo nhằm đảm bảo ngân hàng có thể tiếp tục cho vay.

Tình hình bất định khiến các nhà đầu tư và các chủ cho vay lo lắng. Họ có khuynh hướng muốn ngưng cho vay trong thời gian khủng hoảng, vốn có thể làm trì trệ hơn nữa nền kinh tế và làm vấn đề trầm trọng thêm. Ngân hàng Anh đã dành 342 tỷ đô la để cung cấp “thanh khoản”, giữ cho thị trường tiếp tục hoạt động.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Jack Lew cho biết các nhà hoạch định chính sách có những công cụ cần thiết để “hỗ trợ ổn định tài chính”, vốn là yếu tố quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim cho biết cơ quan của ông sẵn sàng hỗ trợ các nước thành viên.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho báo giới biết Nhật đang theo dõi sát các thị trường tiền tệ ‘cực kỳ hoang mang’ trong khi chính phủ Hàn Quốc cam kết sẽ “dùng mọi biện pháp cần thiết” để làm dịu thị trường ngoại hối.

Cho đến nay, nạn nhân lớn nhất của cuộc trưng cầu dân ý dường như là đồng bảng Anh, sụt từ 1,5 đôla xuống còn 1,34 đôla vào giữa ngày hôm nay.

Tiền Anh hạ giá thấp sẽ khiến hàng nhập khẩu đắt hơn, có thể thổi bùng lạm phát. Tuy nhiên, giá trị bảng Anh giảm đi cũng có nghĩa là hàng hóa do Anh sản xuất sẽ rẻ hơn ở thị trường nước ngoài, cho nên dễ tiêu thụ trên các thị trường toàn cầu, thúc đẩy hàng xuất khẩu của Anh.

http://www.voatiengviet.com/a/thi-truong-chung-khoan-the-gioi-chao-dao-sau-khi-anh-ra-khoi-eu/3391393.html

 

Di dân Ethiopia chết ngạt trong xe tải container ở Zambia

Tổ chức Di dân Quốc tế loan báo ít nhất 19 di dân Ethiopia được phát hiện chết ngạt trong một chiếc xe tải container tại Zambia. Các nạn nhân nằm trong số 95 người Ethiopia được đưa lậu từ Tanzania vào Zambia mấy ngày trước.

Tổ chức Di dân Quốc tế IOM cho hay tử vong xảy ra trong lúc các nạn nhân đang được vận chuyển bởi một tổ chức tình nghi buôn người ở quận Chembe, tỉnh Luapula của Zambia. IOM nói các nạn nhân bị nhét vào chiếc xe tải chở các bao đậu và lạc.

Phát ngôn nhân của IOM Joel Millman cho biết dữ liệu về các trường hợp di dân tử vong trong khu vực này là không đáng tin. Ông nói báo chí hiếm khi tường trình về kỹ nghệ đưa lậu người bất hợp pháp này, cho nên khó biết được có bao nhiêu di dân đã mất mạng trên đường quá cảnh qua Zambia tới Nam Phi.

Ông nói với đài VOA vụ việc lần này được đăng tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông của Zambia vì các khách bộ hành nghe tiếng đập từ bên trong xe tải container khi xe dừng tại một trạm kiểm soát và báo cho nhà chức trách biết. Ông cho hay nhà chức trách phát hiện ít nhất 19 di dân đã thiệt mạng khi mở container.

Ông Millman nói: “Có gần 100 người trong container. May là hầu hết còn sống sót, nhưng hãy tưởng tượng xem nếu người ta không nghe thấy tiếng đập từ thùng xe thì một giờ sau sẽ xảy ra chuyện gì.”

Ông Millman cho biết 76 người sống sót, trong đó có 18 trẻ em, đang được chuyển đến một nơi tạm trú được bảo vệ do IOM điều hành. Ông nói các di dân thường thiệt mạng trên đường bị buôn người, nhưng vụ này có số di dân thiệt mạng lớn nhất được biết đến.

Ông Millman: “Trong quá khứ từng xảy ra một số vụ kinh hoàng. Năm ngoái hoặc 2 năm trước, có trường hợp các di dân bị chết chìm bị cá sấu ăn thịt. Đây là tuyến đường di cư đầy hiểm trở và một số ca thương vong đã xảy ra hết sức khủng khiếp. Nhưng, chúng tôi chưa từng thấy trường hợp bị nhét vào xe container đến chết ngạt kiểu này.”

Theo báo cáo của IOM, gần đây số di dân tăng, đặc biệt từ vùng Sừng Châu Phi, vào Zambia. IOM cho biết các di dân thườngg bị bắt giữ và tống giam. Vẫn theo IOM, phần lớn những người tham gia tuyến vận chuyển người lậu này là dân Ethiopia, nhưng cũng có những người từ các nước khác bao gồm Somalia, Cộng hòa Dân chủ Congo, và Zimbabwe.

http://www.voatiengviet.com/a/di-dan-ethiopia-che-ngat-trong-xe-tai-container-o-zambia/3391356.html

 

Đức Giáo Hoàng: người Thổ Nhĩ Kỳ thời đế chế Ottoman giết hại người Armenia là ‘diệt chủng’

Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô trong cuộc họp với Tổng thống Armenia, Serzh Sargsyan, hôm nay một lần nữa lên án việc người Thổ Nhĩ Kỳ dưới đế chế Ottoman thảm sát hàng loạt dân Armenia thời Đệ Nhất Thế chiến là hành động ‘diệt chủng’, một phát biểu từng gây phẫn nộ Ankara cách đây 1 năm.

Trong chuyến thăm Armenia 3 ngày, Đức Giáo hoàng đã dùng từ ‘Metz Yeghern’ của người Armenia nghĩa là ‘tội ác tày trời’ nhưng bổ sung từ ‘diệt chủng’ vào bài diễn văn soạn trước để nói về điều mà Ngài gọi là ‘vụ đầu tiên trong loạt thảm họa tồi tệ của thế kỷ trước.’

Đức Giáo hoàng đọc bài diễn văn quan trọng tại dinh Tổng thống ở Yerevan trước các cử tọa gồm các giới chức cấp cao của Armenia và đoàn ngoại giao sau khi ghé thăm Thánh đường của Giáo hội Armenia ở Etchmiadzin, nơi Ngài kêu gọi tất cả tín đồ Cơ đốc giáo đoàn kết ngăn không để cho tôn giáo bị lạm dụng và thao túng.

Chưa có phản hồi tức thì từ Thổ Nhĩ Kỳ. Năm ngoái, Ankara đã ngay lập tức triệu hồi đại sứ của họ tại Vatican sau khi Đức Giáo hoàng dùng từ ‘diệt chủng.’

Tổng Thống Serzh Sargsyan và Đức Thượng phụ Karekin thuộc Giáo hội Chính thống giáo Tông đồ Phương Đông đã ra nghênh đón Đức Giáo Hoàng khi Ngài tới thủ đô Yerevan của Armenia chiều hôm nay, thứ Sáu 24/6.

Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô thường xuyên lên án vụ thảm sát các Ky tô hữu do các phần tử cực đoan Hồi giáo ở Trung Đông thực hiện. Ngài nói rằng các cuộc tấn công bữa bãi nhắm vào các nhóm thiểu số tôn giáo là một “phong trào đại đoàn kết bằng máu”, một hành động tử vì đạo dựa trên niềm tin vào sự hợp nhất của giáo hội thiên chúa giáo.’

Tuy nhiên, mới đây Đức Giáo Hoàng nói ngài thích dùng từ “tử vì đạo”, thay vì từ “diệt chủng” khi mô tả chính sách đàn áp các tín đồ Ky tô.

Trong những ngày tới đây, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô sẽ cầu nguyện tại Đài Tưởng niệm vụ Diệt chủng Armenia, thả một con bồ câu, biểu tượng của hoà bình, tại một địa điểm gần biên giới bị phong tỏa với Thổ Nhĩ Kỳ, và cầu nguyện cho hoà bình tại một thánh lễ cùng với Đức Thượng Phụ Karekin.

Các sử gia ước lượng có tới 1,5 triệu người Armenia bị người Thổ Nhĩ Kỳ thời đế chế Ottoman giết hại trong những năm từ 1915 tới 1917, và nhiều học giả coi sự kiện này là vụ diệt chủng đầu tiên trong thế kỷ 20.

Armenia từ lâu vận động để quốc tế công nhận vụ thảm sát đó là một vụ diệt chủng, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận hàng trăm nghìn người Armenia đã chết, nhưng không nhận là cái chết của các nạn nhân cấu thành một chiến dịch diệt chủng.

http://www.voatiengviet.com/a/duc-giao-hoang-nguoi-tho-nhi-ky-thoi-de-che-ottoman-giet-hai-nguoi-armenia-la-diet-chung/3391344.html

 

Báo cáo về vi phạm nhân quyền tại Eritrea gây tranh cãi

Tuần này, hàng ngàn người Eritrea tụ tập tại Geneva, Thụy Sĩ để ủng hộ và cả để phản đối một báo cáo của Liên hiệp quốc tố cáo rằng các lãnh đạo của chính quyền Eritrea đã phạm tội ác chống lại loài người. Ở những nơi khác, hàng trăm người tị nạn Eritrea tụ tập bên ngoài trụ sở Liên hiệp Châu Phi tại nước láng giềng Ethiopia để phản đối các tội ác bị cáo giác của Eritrea.

Báo cáo được đưa ra từ một ủy ban điều tra thành lập hơn hai năm trước để điều tra nhân quyền tại Eritrea. Ủy ban tập hợp những lời chứng của 833 người ở 13 quốc gia bao gồm Úc, Canada và Hoa Kỳ, nhưng họ không được phép vào bên trong Eritrea để tiến hành điều tra.

Báo cáo nêu lên những vụ bắt giữ tùy tiện, tra tấn, hãm hiếp, bắt làm nô lệ, giết chóc và trả thù đối với thân nhân của những nhà đối kháng trong nước.

Trong một cuộc đối thoại tương tác hôm thứ Hai tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc với ủy ban, các tổ chức khác, và các bên liên quan, người đứng đầu phụ trách các vấn đề chính trị và là cố vấn cho Tổng thống Eritrea tố cáo rằng ủy ban không những không chứng minh được những lời tố giác mà còn vượt quá quyền hạn của họ. “Ủy ban đã đưa ra nhận định rằng tình hình nhân quyền tại Eritrea đề ra mối đe dọa cho hòa bình-an ninh quốc tế, như một bức bình phong để tìm cách đưa thêm một nước Châu Phi ra trước Tòa Hình sự Quốc tế,” ông Yemane Gebreab phát biểu trước những người tham dự.

Trong số cử tọa có con em của các nhà báo bị giam cầm, các tù nhân chính trị trong nước và các nhà hoạt động khác, những người cũng đã góp lời khai chứng.

Bên ngoài, người biểu tình vẫy cờ Eritrea và các băng rôn lên án đảng cầm quyền, Mặt trận Dân chủ và Công lý Nhân dân, là tội phạm.

http://www.voatiengviet.com/a/bao-cao-ve-vi-pham-nhan-quyen-tai-eritrea-gay-tranh-cai/3391322.html

 

Lãnh đạo Châu Âu phản hồi về việc Anh rời khỏi EU

Người dân Anh hôm nay biểu quyết với tỷ lệ sít sao tách ra khỏi Liên hiệp Châu Â, một động thái mà một số lãnh đạo EU gọi là sai lầm nghiêm trọng.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói ‘Chúng tôi ghi nhận quyết định của người dân Anh bằng một sự tiếc nuối. Rõ ràng đây là đòn giáng mạnh cho Châu Âu và cho quá trình thống nhất EU.’

Bà Merkel cho biết thêm thứ hai tuần sau bà sẽ họp với lãnh đạo Pháp, Ý, và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk tại Berlin.

Cũng trong tuần tới, Chủ tịch Tusk sẽ tổ chức thượng đỉnh EU đầu tiên mà không có sự tham dự của Anh để thảo luận về quyết định Anh rời bỏ Liên hiệp Châu Âu. Thủ tướng Anh, David Cameron, người sáng nay loan báo sẽ từ chức, sẽ tham dự ngày đầu tiên của thượng đỉnh kéo dài hai ngày khởi sự vào thứ ba.

Trước đó trong ngày hôm nay, ông Tusk nói Anh đã phạm sai lầm khi rời khỏi EU, thị trường lớn nhất thế giới. “Việc này sẽ có hậu quả,” ông nói. “Tôi không tin rằng các nước khác sẽ được khuyến khích đi theo con đường nguy hiểm ấy.”

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói ông biết nước Anh “sẽ vẫn là một đồng minh mạnh mẽ, khắng khít của NATO và sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong liên minh, một liên minh mà ông mô tả là “vẫn cam kết hợp tác chặt chẽ với Liên hiệp Châu Âu.”

Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết ông vô cùng tiếc cho nước Anh và cho EU, nhưng tôn trọng sự lựa chọn của họ.

Tương tự, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cũng lên Twitter tỏ thái độ không hài lòng về kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh. Ông nói ông “buồn cho Vương quốc Anh.”

“Châu Âu sẽ tiếp tục bước tới nhưng phải phản ứng và tìm lại lòng tin của dân chúng. Đây là điều cấp bách,” ông Ayrault nói.

Một phát ngôn nhân của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon cho biết ông kỳ vọng EU sẽ tiếp tục là “một đối tác vững chắc” với Liên hiệp quốc và Vương quốc Anh “sẽ tiếp tục thực hiện vai trò lãnh đạo của mình trong nhiều lĩnh vực.”

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde kêu gọi nhà chức trách Anh và Châu Âu “hợp tác” để đảm bảo sự “chuyển đổi suôn sẻ” sang một mối quan hệ kinh tế mới cũng như để xác định rõ ràng các thủ tục hướng dẫn quy trình.

Hơn 70 phần trăm cử tri đăng ký đã tham gia cuộc trưng cầu dân ý. Trong mắt nhiều người ủng hộ việc Anh tác ra khỏi EU, cuộc trưng cầu dân ý này phản ánh thái độ của người Anh về vấn đề di dân, chủ quyền, an ninh và tương lai kinh tế của Anh.

Một số lãnh đạo Châu Âu xem việc Anh rút khỏi EU thành công như một cơ hội để thúc đẩy các cuộc trưng cầu dân ý tương tự ở nước họ. Trong số này có lãnh đạo cực hữu của Pháp Marine Le Pen, người ca ngợi quyết định của Anh là một “chiến thắng cho sự tự do.”

Lãnh đạo Mặt trận Quốc gia Pháp viết trên Twitter: “Như tôi đã yêu cầu trong nhiều năm nay, chúng ta giờ đây phải tổ chức trưng cầu dân ý như thế tại Pháp và các nước EU.”

Sau tin tức về kết quả trưng cầu dân ý tại Anh, lãnh đạo Đảng Tự do Hà Lan Geert Wilders kêu gọi Hà Lan tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về quy chế thành viên EU của mình. Wilders, người hiện đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ý kiến, nói nếu được bầu làm Thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 3, ông sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý.

Ông nói “Chúng tôi đảm trách đất nước, tiền tệ, biên giới, và chính sách di dân của riêng mình. Nếu tôi trở thành Thủ tướng, cũng sẽ có một cuộc trưng cầu dân ý ở Hà Lan về việc tách ra khỏi Châu Âu. Hãy để cho dân chúng Hà Lan tự quyết định.”

Một cuộc khảo sát được tiến hành trong tuần này ở Hà Lan bởi kênh truyền hình EenVandaag cho thấy 54% dân chúng Hà Lan ủng hộ việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý.

Sau cuộc bỏ phiếu ở Anh, các nhà lãnh đạo trong và xung quanh Châu Âu đang tìm cách xoa dịu những nỗi e ngại của dân chúng sau những chỉ dấu đầu tiên cho thấy thị trường kinh tế thế giới đang chao đảo. Cổ phần Euro và chứng khoán ở Anh, Pháp Đức giảm từ 7% đến 10% ngay sau khi mở cửa, trong khi chứng khoán Mỹ giảm mạnh vào giữa trưa.

Quyền Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã gửi thông điệp trấn an dân chúng và khuyến khích họ chớ nên kích động sự bất ổn trước quyết định của Anh.

Sau cuộc họp hôm nay của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Tashkent, Uzbekistan, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với các phóng viên rằng ông nghĩ cử tri Anh đã quyết định rời khỏi EU vì “không ai muốn chu cấp và trợ cấp cho các nền kinh tế yếu hơn hoặc hỗ trợ cho các nước khác, cho toàn bộ dân chúng các nước.” Ông nói thêm rằng cử tri Anh không hài lòng về sự xuống cấp an ninh trong bối cảnh của “tiến trình di dân ào ạt.”

Tổng thống Nga cũng phản hồi ý kiến Thủ tướng Anh David Cameron đưa ra tuần rồi khi ông Cameron nói rằng lãnh đạo Nga sẽ hoan nghênh một cuộc bỏ phiếu ủng hộ Anh rời bỏ EU và nghi rằng thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo Abu Bakr al-Baghdadi cũng sẽ hoan nghênh việc này.

“Tuyên bố của Thủ tướng Anh David Cameron trước khi trưng cầu dân ý qua đó ông lên tiếng về quan điểm của Nga không có cơ sở thực tế”, ông Putin nói với các phóng viên tại Tashkent. “Tôi cho rằng đó chẳng qua là một nỗ lực không đúng cách nhằm gây ảnh hưởng dư luận trong nước.”

Ông Putin nói: “Không ai có quyền khẳng định điều gì về quan điểm của Nga,” và rằng “điều đó không có gì khác hơn là một biểu hiện trình độ văn hóa chính trị thấp.”

http://www.voatiengviet.com/a/lanh-dao-chau-au-phan-hoi-ve-viec-anh-roi-khoi-eu/3391243.html

 

Các nhà lãnh đạo Âu châu ta thán về lựa chọn rời khỏi EU của Anh

Dân chúng Anh hôm 24/6 bỏ phiếu với số cách biệt khít khao tách khỏi Liên hiệp châu Âu, một quyết định mà một số nhà lãnh đạo Âu châu cho là một lỗi lầm nghiêm trọng.

Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố: “Chúng tôi tiếp nhận quyết định của dân chúng Anh với sự tiếc nuối. Chắc chắn đây là một cú đánh giáng vào châu Âu và vào tiến trình thống nhất Âu châu.

Bà Merkel nói thêm rằng bà sẽ chủ trì các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo Pháp, Ý và chủ tịch Ủy hội Âu châu Donald Tusk tại Berlin vào thứ Hai tới.

Hôm 24/6, ông Tusk tuyên bố Anh Quốc đã phạm một sai lầm khi rời khỏi EU, thị trường lớn nhất duy nhất trên thế giới. Ông nói: “Việc đó sẽ gây ra những hậu quả, và tôi không cho rằng các nước khác sẽ được khích lệ đi theo con đường nguy hiểm đó”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói ông biết rằng Anh Quốc “sẽ tiếp tục là một đồng minh mạnh và kiên quyết của NATO, và sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn đầu của mình” trong liên minh, mà ông nói trong một thông cáo “sẽ vẫn cam kết hợp tác chặt chẽ hơn với Liên hiệp châu Âu”.

Tổng thống Pháp Francois Hollande nói ông rất lấy làm hối tiếc về quyết định của Anh và “đối với châu Âu, nhưng đó là chọn lựa của họ và chúng ta phải tôn trọng sự chọn lựa đó”.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cũng dùng Twitter để bày tỏ sự bất bình về quyết định, và nói ông “lấy làm buồn cho Vương quốc Anh”.

Ông Ayrault nói: “Châu Âu sẽ tiếp tục nhưng phải phản ứng và hồi sinh sự tin tưởng của dân chúng các nước. Đó là điều khẩn thiết”.

Trong một thông cáo hôm 24/6, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói: “Dân chúng Vương quốc Anh đã lên tiếng, và chúng tôi tôn trọng quyết định của họ”. Ông nói thêm rằng “bang giao đặc biệt” giữa Hoa Kỳ và Vương quốc Anh là “bền vững”, và tư cách thành viên của Anh trong khối NATO “vẫn là một nền tảng cấp thiết cho chính sách ngoại giao, an ninh và kinh tế của Hoa Kỳ”.

Ông Obama nói bang giao của Hoa Kỳ với EU đã “có tác động rất nhiều trong việc thúc đẩy sự ổn định, kích hoạt tăng trưởng kinh tế và nuôi dưỡng việc phổ biến các giá trị và lý tưởng dân chủ trên khắp châu lục này và xa hơn nữa”. Ông cũng nói rằng Vương quốc Anh và EU sẽ “vẫn là các đối tác không thể thiếu được của Hoa Kỳ ngay cả trong khi họ bắt đầu thương lượng về quan hệ đang diễn tiến để bảo đảm sự ổn đinh, an ninh và thịnh vượng liên tục cho châu Âu, Anh Quốc và Bắc Ireland với thế giới”.

Một phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cho biết ông trông đợi EU sẽ tiếp tục là “một đối tác vững chắc” đối với Liên Hiệp Quốc, và Vương quốc Anh “sẽ tiếp tục thực thi sự lãnh đạo của mình trong nhiều lãnh vực”.

Hơn 70% cử tri đã ghi danh tham gia vào cuộc trưng cầu dân ý, được thông qua với số cách biệt gần 4%. Cuộc trưng cầu được nhiều người ủng hộ chủ trương “Rời khỏi” coi là phản ánh cảm nghĩ của người Anh về di trú, chủ quyền, an ninh và tương lai kinh tế của nước Anh.

Ông Donald Trump, người được cho là được đảng Cộng hòa đề cử ra tranh chức tổng thống, đã ca ngợi quyết định rời khỏi EU.

Có mặt tại Scotland để khai trương một sân golf, ông Trump tuyên bố: “Dân chúng muốn lấy lại đất nước mình và họ muốn có độc lập trong một ý nghĩa nào đó. Và ta thấy điều đó với châu Âu, ở khắp châu Âu”.

Trước đó trong ngày, ông Trump đã so sánh việc ông ra ứng cử với cuộc trưng cầu dân ý, và nói nếu ông đắc cử vào tháng 11, ông sẽ gắng sức tăng cường quan hệ giữa Hoa Kỳ và một nước Anh độc lập.

Trong một thông cáo, ông Trump nói: “Đến tháng 11 này, dân chúng Mỹ sẽ có cơ hội tuyên bố một lần nữa sự độc lập của họ. Người Mỹ sẽ có cơ hội bỏ phiếu về thương mại, về di trú và các chính sách ngoại giao đặt người dân lên hàng đầu. Họ sẽ có cơ hội bác bỏ sự thống trị ngày nay của giới thượng tôn toàn cầu, và ủng hộ sự thay đổi thực sự đem lại một chính quyền của nhân dân, bởi nhân dân và phục vụ cho nhân dân”.

Người có phần chắc sẽ đối đầu với ông Trump trong cuộc chạy đua vào chức tổng thống, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton nói trong một thông cáo: “Chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn mà dân chúng Vương quốc Anh đã thực hiện. Bà nói công tác chính hiện nay là “bảo đảm rằng sự bất ổn kinh tế do các diễn biến này gây ra không làm thiệt hại các gia đình lao động ở nước Mỹ này”. Đồng thời, bà cũng khẳng định rõ “sự cam kết vững chắc của nước Mỹ với mối quan hệ đặc biệt với Anh quốc và liên minh xuyên Đại Tây Dương với châu Âu”.

Bà Clinton nói: “Thời điểm bất định này chỉ nêu bật tính cách cần thiết của sự lãnh đạo bình tĩnh, vững tâm và dày dạn kinh nghiệm ở Tòa Bạch Ốc nhằm bảo vệ túi tiền và sinh kế của người Mỹ, để hỗ trợ cho bạn bè và đồng minh của chúng ta, để chống lại các đối thủ của chúng ta và bênh vực quyền lợi của chúng ta. Nó cũng nêu bật sự cần thiết chúng ta phải đoàn kết với nhau để giải quyết các thách thức trong tư cách một quốc gia, chứ không phải phá hoại lẫn nhau”.

Nhiều nhà lãnh đạo Âu châu nhìn thấy việc Anh quốc rút lui thành công ra khỏi EU như một cơ hội để vận động cho những cuộc trưng cầu dân ý tương tự ở nước họ, trong đó có nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen của Pháp, người ca ngợi quyết định “Brexit” là một “chiến thắng của tự do”.

Nhà lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Pháp nói qua Twitter: “Như tôi đã yêu cầu từ nhiều năm nay, chúng ta nay phải có một cuộc trưng cầu dân ý như thế ở Pháp và các nước EU”.

Lãnh tụ đảng Tự Do ở Hà Lan, ông Geert Wilders kêu gọi Hà Lan tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU ngay sau khi có tin về kết quả. Hiện đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò công luận, ông Wilders nói nếu đắc cử thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử tháng 3 tới, ông sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý.

Trong một thông cáo, ông nói: “Chúng ta muốn nắm quyền quyết định về đất nước của chính chúng ta, về tiền bạc của chính chúng ta, về đường biên giới của chính chúng ta và về chính sách di trú của chính chúng ta. Nếu tôi lên làm thủ tướng, cũng sẽ có một cuộc trưng cầu dân ý tại Hà Lan về việc rời khỏi Liên hiệp châu Âu. Hãy để cho dân chúng Hà Lan quyết định”.

Một cuộc thăm dò công luận thực hiện trong tuần này ở Hà Lan do kênh truyền hình Een Vandaag thực hiện cho thấy 54% dân chúng Hà Lan ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý.

Tiếp theo cuộc bỏ phiếu ở Anh quốc, các nhà lãnh đạo ở châu Âu và xung quanh châu Âu tìm cách xoa dịu những nỗi lo sợ của dân chúng trong nước họ sau những dấu hiệu ban đầu cho thấy các thị trường kinh tế trên khắp thế giới rúng động. Chứng khoán và thị trường đồng Euro ở Anh, Pháp và Đức sụt từ 7% đến 10% ngay đầu ngày giao dịch, trong khi các chứng khoán ở Hoa Kỳ cho thấy một sự sụt giảm mạnh theo trông đợi khi thị trường mở cửa.

Quyền Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã gửi một thông điệp “bình tĩnh và yên lặng” đến dân chúng Tây Ban Nha, và khuyến khích họ chớ nên quảng bá sự bất định trước việc Anh quốc rút ra khỏi EU.

Tiếp theo một cuộc họp hôm 24/6 của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Tashkent, Uzbekistan, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với các phóng viên rằng ông nghĩ cử tri Anh đã chọn việc rời khỏi EU bởi vì “không ai muốn nuôi dưỡng và trợ cấp cho các nền kinh tế yếu kém hơn, hỗ trợ cho các nước khác, cho toàn bộ các dân tộc”. Ông cũng nói cử tri Nga không hài lòng về sự suy đồi của tình hình an ninh trong bối cảnh “các tiến trình di trú mạnh”.

Tổng thống Nga cũng đáp lại những lời bình do Thủ tướng Anh David Cameron đưa ra tuần trước, nói rằng ông Putin sẽ hoan nghênh quyết định ủng hộ Brexit, rồi nói thêm rằng ông đã nghi là thủ lãnh Nhà nước Hồi giáo Abu Bakr al-Baghdadi cũng sẽ hoan nghênh quyết định đó.

Ông Putin nói với các phóng viên tại Tashkent: “Tuyên bố của Thủ tướng Anh, ông Cameron, trước cuộc trưng cầu dân ý, trong đó ông nêu ra lập trường của Nga, thực ra không có cơ sở nào. Tôi nghĩ đây không khác gì một mưu toan bất xứng định gây ảnh hưởng lên công luận ở ngay nước ông”.

Ông Putin nói: “Không ai có quyền khẳng định điều gì về lập trường của Nga. Đây không khác gì một tuyên ngôn ở mức độ thấp về văn hóa chính trị”

http://www.voatiengviet.com/a/cac-nha-lanh-dao-au-chau-ta-than-ve-lua-chon-roi-khoi-eu-cua-anh/3391108.html

 

Quân đội Israel bắn chết 1 phụ nữ Palestine

Quân đội Israel loan báo binh sĩ của họ hôm nay bắn chết một phụ nữ Palestine sau khi người này lao xe vào một chốt kiểm soát ở Bờ Tây làm bị thương hai người Israel.

Thông cáo của quân đội nói người phụ nữ này ‘đạp ga đâm vào một chiếc xe đang đậu’ tại cổng vào khu định cư Kiryat Arba.

Hai thường dân Israel bị thương được xác định là cặp vợ chồng ngoài 50, nạn nhân đã được đưa đến bệnh viện.

Khu định cư Kiryat Arba nằm gần thành phố Herbron ở Bờ Tây lâu nay là điểm nóng xung đột giữa Israel và Palestine.

Đây là sự việc mới nhất trong loạt các vụ tấn công khiến hơn 200 người Palestine, 32 người Israel, 2 người Mỹ, 1 công dân Eritrea, và 1 người Sudan thiệt mạng tính từ tháng 10 năm ngoái tới nay.

Theo nhà chức trách Israel, đa số người Palestine thực hiện các cuộc tấn công bằng dao, súng, hay tông xe.

Những người khác bị thiệt mạng trong các vụ đụng độ với lực lượng an ninh hoặc trong các đợt không kích của Israel tại Dải Gaza.

http://www.voatiengviet.com/a/quan-doi-israel-ban-chet-1-phu-nu-palestine/3391087.html

 

Ủy viên châu Âu của nước Anh từ chức

Ủy viên châu Âu của nước Anh, Jonathan Hill, tuyên bố từ chức tiếp theo việc nước Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu.

“Điều gì đã làm rồi thì sẽ không thể vãn hồi được,” nhà ngoại giao cao cấp của nước Anh, người được Thủ tướng Anh cử tới làm việc ở Brussels và ‘coi sóc’ các vấn đề về tài chính nói với truyền thông.

“Giống như nhiều người ở đây và tại nước Anh, rõ ràng là tôi thất vọng về kết quả của cuộc trưng cầu dân ý.

“Tôi đã muốn nó có kết cục khác đi và từng hy vọng rằng nước Anh sẽ muốn đóng một vai trò trong việc tranh luận để hướng tới một châu Âu nhìn xa, trông rộng, linh động, cạnh tranh cao hơn và tự do mậu dịch tốt hơn.

“Tuy nhiên, người dân Anh đã có một quyết định khác và đó là cách thức mà nền dân chủ vận hành,” ông Jonathan Hill nói hôm 25/6 từ trụ sở của EU tại Brussels.

EU đủ mạnh mẽ

Tôi không tin rằng sẽ là đúng đắn để tôi tiếp tục ở lại cương vị hiện nay là một ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề tài chínhÔng Jonathan Hill

Hôm thứ Bảy, Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel trong một phát biểu trực tiếp được phát trên truyền hình Đức nói:

“EU đủ mạnh để tái ổn định sau khi nước Anh rời khỏi khối.”

Còn Chủ tịch Ủy ban Châu âu (EC) ông Jean-Claude Junker thì nói ông muốn nước Anh ‘nhanh chóng’ hoàn tất các thủ tục để rời khỏi khối.

Thủ tướng Anh, David Cameron, người đã tuyên bố ý định từ chức hôm 24/6, ngay sau khi nước Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu sau cuộc trưng cầu dân ý hôm thứ Năm, nói ông muốn nhà lãnh đạo kế nhiệm sẽ giải quyết quá trình đàm phán của Anh rời khỏi khối này.

Hôm thứ Bảy, ông Hill nói trong một tuyên bố rằng: “Tôi không tin rằng sẽ là đúng đắn để tôi tiếp tục ở lại cương vị hiện nay là một ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề tài chính.”

Nhưng theo những gì BBC được biết, ông Hill sẽ còn lưu lại chức vụ trong một vài tuần lễ để đảm bảo cho việc bàn giao chức vụ một cách có trật tự.

Là một đồng minh thân cận của Thủ tướng Cameron, ông Hill được biết tới là một nhà ngoại giao có nhiều kinh nghiệm tại Brussels, tuy nhiên việc ra đi của ông sau khi Thủ tướng Anh tuyên bố sẽ từ chức, là một việc có thể đoán định được, theo một nhà quan sát từ Brussels.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/06/160625_uk_eu_commissioner_stand_down

 

Venezuela: đối lập kiến nghị hạ bệ Tổng thống

Lãnh đạo phe đối lập nói họ đã phê chuẩn đủ số lượng chứ kỹ cần thiết cho một kiến nghị tiến hành hạ bệ Tổng thống Venezuela bằng trưng cầu dân ý bãi miễn.

Hàng trăm nghìn người Venezuela đã cung cấp dấu vân tay xác nhận chữ ký cho kiến nghị trên nhằm buộc Tổng thống Nicolas Maduro rời chiếc ghế nguyên thủ quốc gia.

Người điều phối trưng cầu dân ý Vicente Bello nói số lượng chữ ký “vượt hẳn thiểu số cần thiết”.

Số lượng chữ ký vượt hẳn thiểu số cần thiếtNgười điều phối Trưng cầu dân ý Vicente Bello

Hiện quá trình này cần giới chức bầu cử của Venezuela xác nhận.

Nếu quá trình này được thông quá, bản kiến nghị thứ hai sẽ phải được ký bởi bốn triệu người trước khi một cuộc trưng cầu dân ý bãi miễn được tổ chức.

Những người đối lập đổ lỗi cho chính sách xã hội nghĩa của ông Maduro dẫn đến tình trạng lạm phát tràn lan và thiếu hụt thực phẩm và hàng hóa cơ bản.

Bản kiến nghị đầu tiên được nộp vào ngày 02/5/2016 đã thu thập được gần hai triệu chữ ký nhưng giới chức phụ trách bầu cử nói 600.000 trong số đó là chữ ký giả.

Những người ký vào bản kiến nghị hôm thứ Sáu phải có chứng minh nhân dân và kiểm chứng dấu vân tay tại các trung tâm do Ủy ban bầu cử quốc gia (CNE) thiết lập.

Xếp hàng nhiều giờ

Chỉ cần 1% tổng cử tri, tức là 194.729 người, là đủ số lượng cần thiết để tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý.

Rất nhiều người đã xếp hàng nhiều giờ đồng hồ để xác nhận chữ ký của mình bằng việc ghi dấu vân tay điện tử.

“Giá cả đang ngày càng tăng cao, ngoài việc thiếu thốn nhu yếu phẩm khác,” Felix Rodriguez, một viên chức nhà nước nói.

Người này đã nghỉ phép hôm đó để đi cho chữ ký.

Phe đối lập muốn trưng cầu dân ý bãi miễn diễn ra vào năm này vì đây mốc thời gian quan trọng cho các bước tiếp theo.

Nếu trưng cầu dân ý được tiến hành trước ngày 10 tháng Một sắp tới có kết quả chống lại ông Madura, một cuộc bầu cử mới sẽ được khởi động.

Tuy nhiên nếu trưng cầu dân ý diễn ra sau ngày 10 tháng Một, có nghĩa là trong hai năm cuối nhiệm kỳ, thì Phó Tổng thống Aristobulo Isturiz, cũng là người ủng hộ ông Madura, sẽ là người thay thế.

Ông Maduro được bầu làm Tổng thống Venezuela vào năm 2013 và có thời hạn nhiệm kỳ đến năm 2019.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/06/160625_venezuela_validate_petition_oust_maduro

 

Anh rời EU: ‘Châu Âu không được buồn nản’

Liên minh Châu Âu không được rơi vào “khủng hoảng và tê liệt” sau khi Liên hiệp Anh bỏ phiếu rời khỏi tổ chức này, Ngoại trưởng Cộng hòa Liên bang Đức nói.

Ông Frank-Walter Steinmeier đưa ra bình luận này khi đang trên đường đến một cuộc họp khẩn cấp của sáu thành viên sáng lập khối EU. Cuộc họp này để bàn thảo về động thái của Anh quốc bỏ phiếu rời EU. Họ sẽ xem xét quá trình và tốc độ của việc Anh ra khỏi EU, đồng thời cũng muốn bàn luận về việc làm thế nào để thuyết phục các nước khác không làm điều tương tự.

Thủ tướng Anh David Cameron hôm 24/6/2016 nói ông sẽ từ chức vào tháng Mười.

Sáu quốc gia tham gia cuộc thảo luận tại Berlin bao gồm Đức, Pháp, Ý, Bỉ, Luxembourg và Hà Lan. Đây là sáu thành viên sáng lập EU vào thập kỷ 50 và hiện vẫn là hạt nhân của khối.

Cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của lãnh đạo EU mà không có đại diện của Anh sẽ được tổ chức vào thứ Tư tuần tới. Liên minh Châu Âu đã thúc giục nước Anh bắt đầu thương lượng để rút khỏi khối này càng nhanh càng tốt.

Người Anh đã quyết định ngày hôm qua về việc họ muốn dời khỏi Liên minh Châu Âu, điều đó không có nghĩa là họ phải đợi đến tận tháng Mười để thương lượng điều khoản cho quá trình này. Tôi muốn việc này được bắt đầu ngày lập tức”.Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC)

Người đứng đầu Thượng viện Châu Âu, ông Jean-Claude Juncker, nhấn mạnh “Liên minh EU gồm 27 thành viên vẫn tiếp tục tồn tại”.

Thị trường chứng khoán toàn cầu suy giảm nặng nề sau khi tin tức về kết quả Brexit được công bố. Theo đó người Anh bỏ phiếu 52% ủng hộ rời khỏi EU so với 48% muốn ở lại. Sau đó tỉ giá đồng Bảng cũng suy giảm nghiêm trọng.

Anh Quốc hiện nay phải chấp hành Điều 50 trong Hiệp ước Lisbon quy định thời gian ít nhất hai năm cho việc thương lượng rút khỏi EU.

Tuy nhiên, ông Cameron nói ông muốn nhường lại công việc thương lượng cho người kế nhiệm.

“Người Anh đã quyết định ngày hôm qua về việc họ muốn dời khỏi Liên minh Châu Âu, điều đó không có nghĩa là họ phải đợi đến tận tháng Mười để thương lượng điều khoản cho quá trình này,” ông Juncker nói trong một cuộc phỏng vấn với với hệ thống truyền hình ARD của Đức.

“Tôi muốn việc này được bắt đầu ngay lập tức”

‘Quá trình ly hôn’

Đồng thời vào thứ Sáu, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, ông Martin Schulz, nói EU “là một khối thống nhất nhưng đã trở thành con tin” trong cuộc nội chiến trong đảng Bảo thủ của ông Cameron.

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk nói “quá trình ly hôn” này sẽ được bàn luận giữa các thành viên không gồm nước Anh vào thứ Tư, một ngày sau khi ông Cameron gặp và thảo luận với họ.

“Thái độ tại Brussels lúc này là bực bội và thất vọng, trong khi nhiều chính phủ trên khắp Châu Âu đang ‘sợ hãi’,” theo Katya Adler, Chủ biên Châu Âu của BBC.

“Nhiều năm theo dõi mảng chính trị châu Âu, nhưng tôi chưa bao giờ chứng kiến châu lục này bi quan và không chắc chắn về tương lại của khối EU đến như vậy,” Katya Adler nói.

“Thái độ tại Brussels lúc này là bực bội và thất vọng, trong khi nhiều chính phủ trên khắp Châu Âu đang sợ hãi.

“Điều này bắt nguồn từ sức ép từ các cử tri giận dữ vì họ có đồng quan điểm với những chỉ trích hướng về phía EU được nêu lên trong chiến dịch trưng cầu dân ý này của Anh.

“Đó là lý do tại sao người ta bắt đầu nghe đến những cụm từ như “EU” và “cải tổ”, mặc dù muộn, từ những người ít được chờ đợi nhất, như bà Angela Merkel hoặc ông Donald Tusk.

“Bởi vì họ quá lo lắng, EU đang trở nên cứng rắn hơn đối với Anh về điều khoản và thời gian của mối quan hệ mới về thương mại. Đây có lẽ không phải là sự trừng phạt.

“Hơn thế, đó là mong muốn cho quá trình này trở nên khó khắn và khiến những nước khác không làm điều tương tự, trong khi sự lãnh đạo Châu Âu cần được chỉnh đốn, và có lẽ cải tổ toàn diện,” Chủ biên châu Âu của BBC nói.

Điều 50 Hiệp ước Lisbon nói gì?

Có hiệu lực từ năm 2009 nhưng chưa bao giờ được thực thi.

Cho phép chính phủ thành viên đưa ra thông báo ý định ra khỏi EU.

Sau đó đám phán diễn ra nhằm thương lượng một loạt các vấn đề giữa thành viên ra khỏi với các thành viên khác của EU.

Nếu không có thoản thuận nào đạt được, tư cách thành viên tự động bãi bỏ sau hai năm kể từ khi đưa ra thông báo. Điều khoản này chỉ là khuôn mẫu cơ bản quy định ngày ra khỏi EU và một số vấn đề khác. Điều khoản này không tự động bao gồm quy định về vấn đề lưu thông dòng người và hàng hóa giữa nước ra đi với các thành viên còn lại. Những vấn đề này có thể phải mất nhiều năm để hoàn tất thương lượng.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/06/160625_brexit_eu_avoid_depression

 

Moody’s hạ bậc tín dụng Anh Quốc

Anh Quốc bị tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s hạ triển vọng tín dụng xuống “tiêu cực” do tác động của Brexit.

Moody’s cho hay kết quả cuộc trưng cầu dân ý báo trước “một giai đoạn dài không chắc chắn”.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron đang chịu áp lực tăng tốc độ các cuộc đàm phán “ly hôn” với EU sau khi Brussels cho biết các cuộc đàm phán về việc Anh Quốc ra đi nên tiến hành ngay lập tức.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết đây “không phải là một vụ ly hôn thân thiện”, nhưng cũng “không phải là một mối tình bền chặt”.

Moody’s nhận định kết quả trưng cầu dân ý có “tác động tiêu cực đối với triển vọng tăng trưởng trung hạn của Anh Quốc”, và hạ xếp hạng phát hành nợ dài hạn của nước này xếp hạng từ mức “ổn định” xuống “tiêu cực”.

Tổ chức này cũng cho biết Anh có một trong những thâm hụt ngân sách lớn nhất trong số các nền kinh tế phát triển.

Việc đánh giá tài chính xảy ra sau khi Anh Quốc chọn rời khỏi EU, và ông Cameron tuyên bố sẽ từ chức vào mùa thu.

Trước đó, ông Cameron nhận được sự đảm bảo từ Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng nước Anh sẽ vẫn là “một đối tác không thể thiếu”.

Trong cuộc điện đàm, nhà lãnh đạo Mỹ nói với ông Cameron rằng ông lấy làm tiếc về quyết định từ chức của Thủ tướng Anh, và nói ông là “một đối tác và bạn bè đáng tin cậy, tận tụy với các giá trị dân chủ”.

Tuyên bố của ông Cameron khởi động một cuộc tranh luận về việc ai sẽ thay thế ông.

Đến nay, chưa có ai chính thức tuyên bố nhắm vào vị trí này, nhưng Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May và cựu Thị trưởng London Boris Johnson có thể là những ứng viên.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/06/160625_moodys_uk_credit_outlook

 

Trung Quốc cắt cơ chế liên lạc với Đài Loan

Thùy Dương

Ngày 25/06/16, chính phủ Trung Quốc tuyên bố đã ngừng cơ chế liên lạc với Đài Loan vì chính quyền mới của hòn đảo này không công nhận nguyên tắc «Một nước Trung quốc duy nhất».

Trung Quốc vẫn coi Đài loan là một tỉnh và luôn dè chừng tân tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn. Đảng Dân Tiến của bà đã đưa vào cương lĩnh một điều khoản về « một nước Cộng hòa Đài Loan có chủ quyền và độc lập ».

Trong một thông cáo do Tân Hoa Xã phổ biến, Văn phòng sự vụ Đài Loan của Trung Quốc khẳng định từ ngày 20/05/2016, ngày bà Thái Anh văn nhậm chức tổng thống, Đài Loan đã không tái khẳng định tôn trọng thỏa thuận 1992.

Phát ngôn viên của văn phòng đại diện Trung Quốc tại Đài Bắc cho biết: ” Do phía Đài Loan đã không ghi nhận thỏa thuận 1992, cơ sở chính trị chung với nguyên tắc một nước Trung Quốc, cơ chế liên lạc giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã bị ngừng lại”

Trung Quốc muốn bà Thái Anh Văn công nhận « thỏa thuận 1992 » về một nước Trung quốc duy nhấ,t nhưng chính quyền của bà lại không công nhận. Tháng trước, bà Thái Anh Văn tuyên bố bà sẽ duy trì nguyên trạng giữa Đài loan và Trung Quốc. Tổng thống Đài Loan tỏ quyết tâm gìn giữ hoà bình.

Tuyên bố cắt cơ chế liên lạc của Trung Quốc được đưa ra sau khi Đài Loan phản ứng gay gắt trước việc Cam Bốt trục xuất 25 người Đài Loan về Trung Quốc bất chấp các nỗ lực của chính quyền Đài Loan nhằm đưa những người này trở về đảo.

Trước đó, Cam Bốt đã bắt giữ một nhóm người Đài Loan có hoạt động lừa đảo qua viễn thông. Bắc Kinh đã yêu cầu Phnom Penh cho dẫn những đối tượng nói trên về Trung Quốc để xét xử, giống như những trường hợp đã xảy ra ở Malaysia hồi tháng trước.

Cách đây vài tuần, tân bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan đã quả quyết tuyên bố không thừa nhận vùng nhận dạng phòng không  mà Bắc Kinh có thể tuyên bố thiết lập trên Biển Đông.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160625-trung-quoc-cat-co-che-lien-lac-voi-dai-loan

 

Trung Quốc có lợi thế khi nước Anh đơn lẻ

Thùy Dươn

Theo các chuyên gia được hãng tin AFP trích dẫn ngày 24/06/2016,  quyết định của người dân nước Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, thị trường lớn nhất thế giới, mang lại cơ hội bằng vàng cho Trung Quốc : đó là đàm phán với một nước Anh đơn lẻ. Anh Quốc chưa bao giờ đàm phán riêng lẻ từ 40 năm nay.

Ông Guy de Jonquière,- chuyên gia thuộc Trung tâm châu Âu về chính sách kinh tế quốc tế, cho biết ông nghĩ rằng Trung Quốc sẽ nhanh chóng nắm bắt thời cơ này. Chuyên gia này cũng nói thêm là nếu nước Anh không duy trì đựợc quan hệ thương mại tốt đẹp với Liên Hiệp Châu Âu và các đối tác tiềm năng khác, nước này sẽ rất dễ bị lép vế khi đàm phán với Trung Quốc.

Cả Luân Đôn và Bắc Kinh đều đã nói tới « một thời kỳ vàng son» mới cho mối quan hệ giữa một bên là đế quốc cũ từng nhiều lần xâm lược Trung Quốc trong thế kỷ 19 và một bên là cường quốc châu Á mới và cũng là nền kinh tế thứ hai thế giới.

Theo thống kê của Trung Quốc, năm 2015, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 78,54 tỉ đôla, chiếm 14% tổng giá trị trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu.

Tuy nhiên, theo giải thích của chuyên gia kinh tế Guy de Jonquière, từ khi gia nhập Liên Hiệp Châu Âu năm 1970, nước Anh không còn các nhà đàm phán thương mại riêng của mình. Nếu như Luân Đôn vồn vã thu hút Trung Quốc thì nước Anh sẽ mất khả năng gây sức ép lên Trung Quốc. Ông cũng cho biết sẽ không thể có chuyện Anh Quốc đứng đơn lẻ mà lại có thể thỏa thuận được với Bắc Kinh về việc thâm nhập thị trường Trung Quốc dễ dàng hơn.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160625-trung-quoc-co-loi-the-truoc-mot-nuoc-anh-don-le

 

Bầu cử tổng thống Iceland, một học giả có khả năng đắc cử

Thanh Phương

Hôm nay, 25/06/2016, cử tri Iceland thuộc vùng Bắc Âu đi bỏ phiếu bầu tổng thống và theo các cuộc thăm dò, rất có thể một học giả mới bước vào chính trường sẽ đắc cử.

Thật ra thì trong những ngày cuối của cuộc vận động tranh cử, người dân nước này quan tâm nhiều hơn đến kỳ tích của đội tuyển bóng đá quốc gia lọt được vào vòng 1/8 giải Euro 2016 và sẽ đụng với đội Anh vào thứ hai tới.

Cuộc trưng cầu dân ý tại Anh, với đa số cử tri bỏ phiếu cho Brexit, cũng là đề tài được bàn luận nhiều tại Iceland, quốc gia đã muốn gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, nhưng cuối cùng lại từ bỏ ý định này.

Bầu cử tổng thống lần này tại Iceland không gay cấn như trưng cần dân ý tại Anh, vì tất cả các cuộc thăm dò đều cho thấy người thắng cử sẽ là ông Gudni Johannesson, một nhà sử học 47 tuổi, nhà bình luận nổi tiếng về đời sống chính trị Iceland.

Ông Johannesson không thuộc một đảng phái nào, ra tranh cử với chương trình hiện đại hóa các định chế chính trị, chẳng hạn như tổ chức thường xuyên các cuộc trưng cầu dân ý theo sáng kiến của người dân. Trong suốt thời gian vận động tranh cử, không một đối thủ nào trong số 8 ứng cử viên kia qua mặt được ông Johannesson.

Cho dù không có được kỳ tích như đội tuyển quốc gia tại Euro 2016, tình hình của Iceland, quốc gia chỉ có hơn 300 ngàn dân, hiện nay cũng rất là sáng sủa, nền kinh tế tăng trưởng mạnh, công ăn việc làm không thiếu và sức mua của người dân tăng cao, nói chung là hoàn toàn trái ngược với nhiều nước châu Âu.

Tuy nhiên, tháng 4 vừa qua, vụ Panama Papers cũng đã làm rúng động chính trường Iceland, vì nó cho thấy là nhiều người ở nước này giấu tài sản ở các thiên đường thuế, trong đó có cả thủ tướng Sigmundur David Gunnlaugsson. Ông này đã phải từ chức dưới áp lực của đường phố.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160625-bau-cu-tong-thong-iceland-mot-hoc-gia-co-kha-nang-dac-cu

 

Bình Nhưỡng bác bỏ tuyên bố của Hội Đồng Bảo An về vụ thử tên lửa

Thùy Dương

Hôm qua, 24/06/16, Bắc Triều Tiên đã bác bỏ tuyên bố của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về các vụ thử nghiệm tên lửa mới của nước này  đồng thời tố cáo Mỹ đã đẩy bán đảo Triều Tiên vào tình trạng không thể kiểm soát nổi.

Ngày 23/06/16, Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc đã ra tuyên bố lên án hai vụ thử nghiệm tên lửa ngày 22/06/16 của Bắc Triều Tiên là « một vi phạm nghiêm trọng » các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An cấm Bình Nhưỡng thử nghiệm tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân.

15 nước thành viên Hội Đồng Bảo An đã kêu gọi các nước thành viên Liên Hợp Quốc gia tăng nỗ lực để áp dụng trọn vẹn các lệnh trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên.

Trong khi đó, Bình Nhưỡng đã bác bỏ phán quyết của Hội Đồng Bảo An và cho rằng phán quyết này vi phạm chủ quyền của một nhà nước độc lập.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên tố cáo Hội Đồng Bảo An « đổi trắng thay đen » và  Mỹ gây leo thang căng thẳng giữa Hàn quốc và Bắc Triều Tiên khi cung cấp vũ khí cho Seoul. Đại diện ngoại giao Bình Nhưỡng nhấn mạnh sai lầm chiến thuật của Mỹ đã đẩy bán đảo Triều Tiên đến tình trạng không kiểm soát nổi.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160625-binh-nhuong-bac-bo-phan-quyet-cua-hoi-dong-bao-an-ve-cac-vu-phong-thu-ten-lua

 

Hàn Quốc – Hoa Kỳ muốn sớm kết thúc đàm phán hệ thống chống tên lửa

Thanh Phương

Hoa Kỳ hy vọng sẽ nhanh chóng kết thúc các cuộc thảo luận với Seoul về việc lắp đặt hệ thống chống tên lửa THAAD ở Hàn Quốc. Phát ngôn viên Lầu năm góc đã tuyên bố như trên trong cuộc họp báo hôm qua, 24/06/2016, sau khi Bắc Triều Tiên trong tuần này vừa bắn thêm các tên lửa đạn đạo.

Cho tới nay, Seoul vẫn trì hoãn việc lắp đặt hệ thống chống tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc, chủ yếu là do bị Bắc Kinh phản đối, xem đó là một mối đe dọa cho khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc. Bắc Kinh sợ rằng dàn radar rất mạnh của THAAD có thể được sử dụng để theo dõi các vụ phóng tên lửa của Trung Quốc.

Nhưng tháng 2 vừa qua, Seoul đã đồng ý mở đàm phán về hệ thống THAAD với Hoa Kỳ sau khi Bình Nhưỡng loan báo một vụ phóng tên lửa, bị xem là một vụ bắn thử nghiệm tên lửa đạn đạo trá hình.

Hệ thống THAAD phóng các tên lửa được thiết kế để chặn và phá hủy các tên lửa đạn đạo khi chúng còn ở ngoài bầu khí quyển hoặc mới đi vào bầu khí quyển. Một dàn tên lửa của THAAD hiện đã được đặt trên đảo Guam của Mỹ. Nhật Bản cũng dự trù trang bị hệ thống này.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160625-han-quoc-hoa-ky-muon-som-ket-thuc-dam-phan-ve-he-thong-chong-ten-lua

 

Tổng thống Nga Putin thăm Trung Quốc tìm kiếm đầu tư

Thanh Phương

Hôm nay, 25/06/2016, tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu chuyến viếng thăm Bắc Kinh, chủ yếu nhằm tìm kiếm vốn đầu tư từ Trung Quốc, trong bối cảnh kinh tế Nga đang suy giảm, một phần là do các biện pháp trừng phạt của châu Âu.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt tường trình :

“Chưa bao giờ hai nước chúng ta tin cậy lẫn nhau đến mức như thế. Đây chính là cơ sở vững chắc cho sự hợp tác của chúng ta trong các lĩnh vực như trao đổi mậu dịch, năng lượng và cơ sở hạ tầng”. Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố như trên với Tân Hoa Xã.

Ông Putin tin tưởng rằng Trung Quốc một lần nữa trải thảm đỏ đón tiếp ông và như vậy giúp ông lách được những biện pháp trừng phạt của châu Âu đối với Nga.

Hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc sẽ ký với nhau ít nhất 30 hiệp định thương mại. Ông Putin đến Bắc Kinh để tìm kiếm vốn đầu tư, vì với việc đồng rúp sụt giá và giá dầu giảm mạnh, nền kinh tế Nga đã bị suy yếu.

Tổng kim ngạch trao đổi mậu dịch giữa Nga với Trung Quốc cũng đang sụt giảm đáng kể, hơn 28% so với năm 2014. Nước Nga nay chỉ đứng hàng thứ 16 trong số các đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc, sau khi đã chiếm hạng 9 trong năm 2014.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160625-tong-thong-nga-putin-tham-trung-quoc-tim-kiem-dau-tu

 

Brexit : Ngoại trưởng 6 nước sáng lập EU họp bàn về tương lai

Thanh Phương

Sau cú sốc của cuộc trưng cầu dân ý bỏ phiếu thuận cho Brexit, sáng nay, 25/06/2016, các ngoại trưởng của 6 quốc gia sáng lập Liên Hiệp Châu Âu họp tại Berlin để bàn về những hậu quả của quyết định lịch sử của Anh Quốc ra khỏi khối này.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeimer đã tiếp các đồng nhiệm Pháp, Hà Lan, Ý, Bỉ và Luxembourg, tức là Ngoại trưởng của 6 quốc gia sáng lập Cộng Đồng Kinh Tế Châu Âu, tiền thân của Liên Hiệp Châu Âu.

Tuyên bố với hãng tin AFP hôm qua (24/6), Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho biết là Paris và Berlin sẽ trình bày với các đối tác « những giải pháp cụ thể » để làm cho Liên Hiệp Châu Âu vận hành « hiệu quả » hơn, mà không cần phải thực hiện « những công trình lớn ».

Thủ tướng Angela Merkel cũng đã mời tổng thống Pháp François Hollande và thủ tướng Ý Matteo Renzi đến Berlin vào thứ hai tới để thảo luận về cú sốc Brexit. Bà Merkel cũng sẽ gặp riêng chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk.

Hôm qua (24/6), lãnh đạo các định chế châu Âu đã hối thúc Luân Đôn tiến hành nhanh chóng các thủ tục đưa Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, các thủ tục này có thể kéo dài đến 2 năm. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz hôm qua đã chỉ trích quyết định của thủ tướng David Cameron, tuyên bố từ chức hôm qua nhưng đến tháng 10 mới rời khỏi chức vụ này, khiến cho tiến trình thương lượng với Liên Hiệp Châu Âu bị chậm trễ.

Trong nội bộ nước Anh, cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/06 gây chia rẽ hơn quốc gia bao giờ hết. Tại Luân Đôn, một số người đã đòi « độc lập » cho thủ đô nước Anh, nơi mà đa số người dân ủng hộ việc ở lại Liên Hiệp Châu Âu. Còn tại Scotland, nghị viện địa phương được triệu tập khẩn cấp hôm nay để bàn về hậu quả của Brexit, mà có thể sẽ kéo theo một cuộc trưng cầu dân ý mới về nền độc lập của vùng này.

Trên các mạng xã hội, giới trẻ, mà tuyệt đại đa số ủng hộ việc ở lại Liên Hiệp Châu Âu bày tỏ nổi tức giận đối với thế hệ lớn tuổi, bị lên án là đã phá hỏng tương lai của họ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160625-brexit-cac-ngoai-truong-hop-ve-tuong-lai-cua-lien-hiep-chau-au

 

Brexit : Tổng thống Obama hy vọng cuộc chia tay suôn sẻ

Thanh Phương

Việc cử tri Anh Quốc bỏ phiếu thuận cho Brexit là một vố đau đối với Hoa Kỳ và quyết định này làm rung chuyển mối quan hệ đặc biệt Washington – Luân Đôn. Nhưng hôm qua, 22/06/2016, tổng thống Barack Obama đã bày tỏ sự tin tưởng là Anh Quốc sẽ ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu một cách suôn sẻ.

Từ Washington, thông tín viên RFI Jean-Lousi Pourtet tường trình :

“Người dân Anh đã bày tỏ ý kiến. Chúng tôi tôn trọng quyết định của họ”. Đây là phản ứng trong mọi tuyên bố của chính quyền Mỹ. Đối với tổng thống Barack Obama, Brexit là một vố đau, bởi vì ông đã tham gia vận động cho thủ tướng David Cameron.

Hôm qua, tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố : ” Có một điều sẽ không thay đổi, đó là quan hệ đặc biệt giữa hai nước chúng ta. Quan hệ này sẽ được duy trì. Liên Hiệp Châu Âu sẽ tiếp tục là đối tác cần thiết của chúng ta. Khối NATO sẽ tiếp tục là một trụ cột của an ninh thế giới cũng như những giá trị chung của chúng ta, kể cả sự gắn bó của chúng ta với nền dân chủ, đa nguyên và bình đẳng cơ hội cho mọi nguời”.

Ông Obama còn bày tỏ hy vọng rằng Vương Quốc Anh sẽ ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu một cách suôn sẻ. Nhưng khi nói chuyện riêng, không phải ai cũng có cái nhìn lạc quan như vậy. Lĩnh vực gây nhiều lo ngại nhất có lẻ là an ninh quốc gia. Washington sợ sẽ mất một đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố.

Một câu hỏi khác : Tổng thống Nga Putin có sẽ lợi dụng mối bất hòa của châu Âu để bày ván cờ mới ở Ukraina và các nước Baltic. Không phải người dân Mỹ nào cũng chia sẽ thái độ hào hứng của ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump khi thấy Anh Quốc chia tay với Liên Hiệp Châu Âu.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160625-brexit-tong-thong-obama-hy-vong-cuoc-chia-tay-se-suon-se

 

Anh Quốc chưa bao giờ mặn mà với Châu Âu

Phương Nga

Vậy là thông qua cuộc trưng cầu dân ý  diễn ra ngày 23/06/2016, người dân Anh Quốc đã quyết định nói lời chia tay với Liên Hiệp Châu Âu sau mấy thập kỉ « gắn » mà không « kết » với tổ chức này.

Ông Tim Olivier, chuyên gia về chính trị của London School of Economics, ngay trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra cũng đã tuyên bố : « Nhìn chung, nước Anh nhìn nhận Châu Âu từ góc độ thỏa hiệp, tùy xem có thể đạt được điều gì ở đó. Thực tế là người dân Anh chưa bao giờ gắn bó mật thiết với Liên Hiệp Châu Âu ».

Nhìn lại quá khứ, khi kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, nước Anh thuộc phe Đồng minh đã giành chiến thắng. Nhằm làm hòa dịu giữa các phe chủ chốt đã tham gia vào cuộc chiến đẫm máu này, nước Anh đã bày tỏ mong muốn được gia nhập vào Cộng đồng kinh tế Châu Âu – tiền thân của Liên Hiệp Châu Âu. Vào lúc đó, nước Anh dành khá nhiều ưu tiên cho đồng minh Mỹ và các cựu thuộc địa của mình trực thuộc khối Thịnh Vượng Chung Commonwealth.

Cụ thể ngày 09/08/1961, thủ tướng đảng bảo thủ Anh Harold Macmillan đã đệ trình hồ sơ xin gia nhập vào Cộng đồng kinh tế Châu Âu. Tuy nhiên hồ sơ này đã bị tướng De Gaulle – lúc bấy giờ là tổng thống Pháp – bỏ phiếu phủ quyết lần thứ nhất vào ngày 14/01/1963, và lần thứ hai vào năm 1967, bởi ông không hề tin tưởng vào tinh thần Châu Âu của người dân Anh. Cuối cùng mãi cho đến 01/01/1973, nước Anh mới chính thức bước chân vào Cộng đồng kinh tế Châu Âu, cùng lúc với Đan Mạch và Irlande.

Cùng lúc đó, trên thế giới diễn ra cơn sốc dầu hỏa. Bởi vậy mà hy vọng về một nền kinh tế chung của Châu Âu sẽ được tăng tốc đã không thành hiện thực. Ngày 05/06/1975, trong cuộc trưng cầu dân ý được chính phủ của Công Đảng Anh đứng ra tổ chức, trước việc nước Anh trực thuộc Cộng đồng kinh tế Châu Âu, hơn 67% người dân nước này đã bỏ phiếu đồng tình và bày tỏ mong muốn được ở lại trong khối này. Tuy nhiên, kết quả này không hề loại bỏ được sự mập mờ vốn đã ngự trị trong mối quan hệ giữa Anh và Liên minh Châu Âu. Các cuộc khủng hoảng đã xảy ra sau đó ít lâu.

Đầu tiên là cuộc cuộc khủng hoảng diễn ra vào năm 1979. Lấy lý do bảo vệ đồng tiền quốc gia, Luân Đôn đã từ chối tham gia vào hệ thống tiền tệ chung Châu Âu. Từ đó trở đi, mọi ý định củng cố sự gắn kết giữa các quốc gia thành viên trong Liên Hiệp đều vấp phải sự khước từ của nước Anh.

Cũng vào năm này, chính xác là vào ngày 30/11/1979, cựu thủ tướng Anh thuộc đảng bảo thủ Margaret Thatcher đã yêu cầu được giảm mức đóng góp của quốc gia này vào ngân sách chung Châu Âu, với lời tuyên bố nổi tiếng « I want my money », tạm dịch là « Hãy trả lại tiền cho tôi ». Rồi đến năm 1984, yêu cầu này đã được chấp thuận. Tiếp đến, năm 1985, quốc gia này Anh lại từ chối tham gia vào hiệp ước của khối Schengen.

Ngày 20/09/1988, bà Margaret Thatcher, trong một bài diễn văn đọc tại Trường Đại học Châu Âu tại Bruges – Bỉ, đã bác bỏ ý tưởng về một « siêu cường Châu Âu có thể áp đặt các quyền hạn của mình từ trụ sở chính tại Bruxelles».

Ông Thierry Chopin, giám đốc quỹ nghiên cứu Robert Schuman nhấn mạnh rằng người dân Anh luôn có « lối suy nghĩ cho một mô hình tối ưu phục vụ cho lợi ích quốc gia » trước công cuộc kiến thiết Châu Âu. Ông cũng khẳng định rằng « Điều đó giải thích vì sao họ rất hăng hái trong việc mở rộng thị trường nội địa ; còn lại, về chính sách tiền tệ hay tư pháp và các vấn đề nội bộ thì họ tìm cách đạt được các thỏa hiệp ưu tiên ».

Ông Tim Olivier, chuyên gia về chính trị của London School of Economics, cũng nhấn mạnh rằng : “Bởi vậy mà cho đến nay, nước Anh vẫn được phép đứng bên ngoài các cuộc tranh luận về cơ cấu của Liên Hiệp Châu Âu, và đặc biệt là ngoài khu vực sử dụng đồng tiền chung euro ».

Sự ngờ vực của nước Anh rõ nét hơn cả kể từ giữa những năm 1990, bằng việc thành lập Ukip, một đảng ủng hộ việc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Những thành công trong bầu cử của Đảng này, đặc biệt là trong cuộc bầu cử Châu Âu vào năm 2014, đã khiến đảng bảo thủ này, mà phần đông vốn đã có thái độ hoài nghi Châu Âu, siết chặt hơn nữa những bài diễn văn của mình.

Sử gia Robert Tombs cho biết : « Cuộc khủng hoảng khu vực đồng tiền chung euro, rồi các cuộc di dân lớn cả về quy mô và số lượng ngay bên trong lòng Liên Hiệp Châu Âu hay cuộc khủng hoảng người tị nạn » những năm vừa qua đã khiến không khí các cuộc tranh luận trong Liên Hiệp ngày càng căng thẳng, bởi « Liên Hiệp Châu Âu bị coi như đã thất bại » trong chính sách chung.

Chính trong khung cảnh này mà vào tháng 01/2013, thủ tướng Anh David Cameron – bản thân cũng luôn nghi ngờ Châu Âu, nhưng vẫn bảo vệ việc nước Anh ở lại trong Châu Âu để đảm bảo quyền lợi kinh tế của đất nước, đã hứa tổ chức cuộc trưng cầu dân ý nếu ông thắng cử trong cuộc bầu cử Quốc Hội vào năm 2015.

Sử gia Tombs nói tiếp : « Không phải người dân Anh không yêu quý Châu Âu như những người dân nước khác, nhưng nước Anh thực sự chưa bao giờ lưu luyến dự án của Châu Âu bởi quốc gia này không có chung một lịch sử. Bởi vậy mà quốc gia này không hề lo sợ về những hậu quả của việc rời Châu Âu ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160625-anh-quoc-chua-bao-gio-man-ma-voi-chau-au

 

Trung Quốc tiết lộ phiên bản tàu ngầm tấn công mới

 Trung Quốc có thể đã cho vận hành phiên bản mới của tàu ngầm tấn công hạt nhân Type-093 bổ sung hệ thống phóng thẳng đứng sử dụng tên lửa tấn công mặt đất.

Tạp chí quốc phòng Jane’s Defence Weekly, Anh ngày 23/6 công bố thông tin trên sau khi một số hình ảnh về phiên bản mới của Type-093 xuất hiện trên các diễn đàn quốc phòng Trung Quốc.

Hình ảnh được đăng tải trên trang mạng Top81 ngày 21/6 cho thấy phần “bướu” nhô lên phía sau cánh buồm của tàu ngầm. Các chuyên gia tàu ngầm cho rằng, cái “bướu” này có tác dụng triệt tiêu xoáy nước do cánh buồm chính tạo ra khi tàu di chuyển. Bộ phận này giúp giảm lực kéo và tiếng ồn cho tàu khi hoạt động.

Trong khi đó, một bài viết đăng cùng ngày trên Guancha.cn (trang web tin tức tổng hợp ở Trung Quốc) tuyên bố, phiên bản mới của tàu ngầm tấn công hạt nhân Type-093 được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) sử dụng tên lửa chống hạm YJ-18, hoặc tên lửa hành trình tấn công mặt đất DF-10.

Tuy nhiên, Jane’s Defence Weekly nhận định, phần “bướu” phía sau cánh buồm chính trong bức ảnh mới công bố chưa thể khẳng định hệ thống VLS có được trang bị hay không.

Trong báo cáo mới đây của Lầu Năm Góc về phát triển quốc phòng Trung Quốc nhận định, Bắc Kinh có thể đã đưa vào sử dụng 2 trong số 4 tàu ngầm tấn công hạt nhân mới. Tàu ngầm hạt nhân lớp Shang sẽ thay thế Type-091, lớp Han trong vai trò tàu ngầm tấn công hạt nhân. Phiên bản cải tiến của lớp Shang có thể được trang bị tên lửa chống hạm mới YJ-18.

Trước đó, một số báo cáo cho rằng, tàu ngầm lớp Shang thứ 3 trở đi được kéo dài hơn so với bản gốc. Việc kéo dài thân tàu có thể để chứa thêm boong khô (một khoang kín nước được sử dụng để triển khai và thu hồi lực lượng đặc nhiệm) như hình ảnh mới công bố. Phiên bản này được gọi là Type-093A.

Type-093 là loại tàu ngầm tấn công hạt nhân thế hệ 2 do Trung Quốc chế tạo. Theo Global Security, quá trình phát triển tàu ngầm này được bắt đầu từ những năm 1980. Type-093 được cho là được thiết kế dựa trên tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Victor III của Liên Xô.

Tàu có chiều dài khoảng 110 m, đường kính 7,5 m, lượng choán nước khi lặn 7.000 tấn. Type-093 được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 553 mm. Ngoài ra, có thông tin cho rằng, phiên bản mới của Type-093 bổ sung ống phóng thẳng đứng sử dụng tên lửa hành trình tấn công mặt đất.

Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ ước tính, 2 tàu ngầm Type-093 đã được đưa vào sử dụng từ năm 2002 và 2003. 2-4 chiếc khác đang được đóng mới.

http://news.zing.vn/trung-quoc-tiet-lo-phien-ban-tau-ngam-tan-cong-moi-post660398.html