Chúng con tranh đấu

Cac Bai Khac

No sub-categories

Chúng con tranh đấu
Posted on June 22, 2016 by VTMP

Lời giới thiệu: Dưới đây là bài viết của Duy Việt, con trai tôi, sau khi cháu khám phá ra những quyển sách dạy tiếng Việt trong một số các trường đại học như UCI, UCLA và Golden West dùng một sô các từ ngữ sau này, không như cách viết hay nói của người Việt ở miền Nam trước 1975. Duy Việt sinh trưởng ở HK, tốt nghiệp cử nhân văn chương Anh ngữ từ UCI; cháu đang viết sách, dốc lòng tìm hiểu về lịch sử, văn hoá của Việt nam, nhất là của cộng đồng người Việt có cái gốc tỵ nạn cộng sản, sau 1975. Cháu đã cố trình bày vấn đề với một vị giáo sư đang giảng dạy môn tiếng Việt cho sinh viên tại Golden West và UCI, người viết sách giáo khoa cho những lớp tiếng Việt ở các đại học đó. Những câu trả lời đại loại như: “Tôi không cần phải quan tâm đến những khác biệt nhỏ nhặt đó, và tôi không làm chính trị!” hoặc: “tôi muốn ‘dạy’ (?) tiếng Việt cho các sinh viên mới từ VN qua, sao cho giống như cách họ đang nói, cho họ có thể lấy được tín chỉ ‘ngoại ngữ’ dễ dàng! ” (dù đó là tiếng mẹ đẻ của họ, nên các sinh viên “du học” này nói rành tiếng Việt hơn bất cứ ngôn ngữ nào khác) đã khiến cháu vô cùng bất mãn, đã là lý do để cháu phải viết bài này, một thông điệp cho cộng đồng người Việt hải ngoại, nhất là những vị mang trọng trách giảng dạy tiếng Việt ở khắp nơi trên thế giới.

Minh Phượng
_________________

Tôi thường nghĩ về tiếng Việt của mình.

Đương nhiên, khi bọn Cộng Sản “đấu tố” những nhà trí thức từ trước 1954, và sau 1975, bắt những giáo sư văn chương đi “học tập cải tạo”, tiếng Việt đã bị ảnh hưởng. Từ việc bắt buộc những nhà trí thức, và học sinh toàn quốc phải thay đổi cách nói, cách viết với nhiều từ ngữ bị đảo lộn, không đúng nghĩa, bừa bãi, cẩu thả, cùng với những tội ác khác của đảng Cộng Sản qua nhiều năm sau chiến tranh, văn hoá của người Việt đã mất đi bao nhiêu nét đẹp từ ngàn xưa.

Vậy mà bây giờ có người phụ trách việc giảng dạy tiếng Việt trong các trung tâm văn hóa Việt ngữ, trong các lớp học tiếng Việt tại các đại học nơi đây lại bảo rằng chúng ta nên đổi cách dạy, vì không có ai còn dùng cách nói và viết của cộng đồng người Việt ở Nam Việt Nam trước 1975(!?)

Tôi chỉ có thể viết từ góc nhìn của người Mỹ gốc Việt, và tôi muốn nói: “tôi không học tiếng Việt để nói, viết hay đọc theo cách người bên Việt Nam đang dùng hiện giờ!”

Tôi học tiếng Việt vì tôi muốn dùng cùng tiếng mà cha mẹ tôi đã học. Những từ ngữ, cách nói, và văn phạm mà “đảng” đã ra sức chôn khuất đi ở rừng. Tôi muốn – ngay trong những chữ tôi dùng – diễn tả rõ ràng cái khác biệt giữa người Việt Nam thời trước 75 và người Việt Nam thời sau. Nhất là đối với tôi – một nhà văn – từ chữ nghĩa, tôi mới lập ra chân dung của tôi. Nhờ từ ngữ, tôi mới diễn tả rõ ràng được tâm tình của tôi như thế nào.

Nhiều người dùng chữ một cách thực tế vô cùng, họ có một cách nhìn, “Cuối cùng thì người Việt, ai cũng như ai, sao phải chia rẽ vì những tiểu tiết như vậy?”

Đối với tôi, sự chọn lựa chữ mình dùng không phải là một tiểu tiết.

Nhờ chữ, và cách dùng, ta mới có thể nghe và phân biệt dễ dàng sự khác biệt giữa hai lớp người, trước và sau 1975. Có thể quý vị nghĩ là chuyện chiến tranh đã xảy ra cách đây quá lâu rồi, có gì đâu mà cứ mãi giận hờn? Tôi không cảm thấy khó chịu khi quý vị cho rằng những điều này không quan trọng. Cái vấn đề mà tôi muốn nêu ra- từ một góc nhìn của cháu, con của những người ty nạn, một người Mỹ gốc Việt – là khi các thầy cô, các giáo sư dạy tiếng Việt không thèm phân biệt về hai cách nói và viết khác xa nhau vô cùng, hoặc tệ hơn nữa là họ tự chọn cho học trò ở đây cách nói, viết tiếng Việt theo y bên Việt Nam hiện giờ, vì họ bảo: “đó mới là thực tế nhất”!

Xin cho tôi được trả lời như thế này: “các giáo sư không nên nghĩ rằng tất cả học trò của quý vị đều có một góc nhìn “thực tế” như vậy!” Rất tiếc là khi tôi nêu lên vấn đề này, thì họ lại trả lời với tôi bằng một giọng điệu hết sức mỉa mai, châm chọc.

Chứng tỏ họ rất khinh thường học sinh. Họ kỳ vọng quá ít từ chúng tôi, trong khi bất cứ người nào đã được sinh trưởng nơi đây, khi cố gắng đi học tiếng Việt, chúng tôi, nói chung, thuờng thuờng sẽ có một góc nhìn rất khác. Không phải ai cũng đi học tiếng Việt theo kiểu “thực tế” như họ nói.

Tại sao? Tại vì chúng tôi đã chống lại sự kỳ thị da màu của xã hội nước Mỹ. Chúng tôi thèm muốn tìm hiểu để được trở về nguồn gốc của mình. Và hơn hết, phần lớn của những người có góc nhìn như vậy là ai? Là những đứa con của những người tỵ nạn cộng sản! Chúng tôi muốn học thêm, học đúng cách nói giống như cha mẹ mình từng nói, viết thời xưa. Chúng tôi muốn chống lại sự dửng dưng, vô trách nhiệm của những giáo sư dạy tiếng Việt theo kiểu “thực tế”. Và vì sự thờ ơ, vị kỷ, buông xuôi của những người đó, phần lớn những người đang cố sức học tiếng Việt sẽ không bao giờ có cơ hội nói hoặc viết tiếng Việt giống như cha mẹ họ trước 1975.

Và quý vị có thể nghĩ ra một tình trạng nào buồn thảm hơn không? Đứa con – sau bao nhiêu năm chịu khó học tiếng Việt để đến ngày đứa con ấy có thể nói nguyên một câu, và viết cho ba mẹ đọc, nhưng Ba Mẹ nó nhìn thấy gì? Câu nói viết theo văn hoá xã hội chủ nghĩa! Coi có xót ruột không?

Có thể quý vị nói “Okay, tôi đồng ý, nhưng tôi không có thì giờ để lo về những chuyện này. Tôi cần lo bao nhiêu chuyện khác cần thiết hơn: tiền đại học của con, tiền nhà, bao nhiêu thứ để lo trong cuộc sống. Anh muốn tôi phải suy nghĩ về chuyện này, nhưng làm sao tôi có thể ảnh hưởng bất cứ điều gì được?

Tôi không xin xỏ quý vị làm bất cứ điều gì ngoại trừ điều này: xin đặt tiêu chuẩn cao hơn cho những vị làm nghề giáo. Người Việt Nam mình hay mắc phải cái lỗi kỳ cục là cứ thấy người có bằng cấp thì cho là người đó có tài. Nhưng chưa chắc là người đó có thực tài hay không. Nhất là ở bên nước Mỹ – nơi mà đối với người da trắng, những khác biệt giữa cách nói ngoại ngữ không là điều quan trọng. Vì thế, chúng ta có quyền yêu cầu thầy giáo ở đây dạy tiếng Việt đúng theo cách nói và viết của thời trước 1975, hoặc ít nhất, cho học trò cơ hội hiểu biết những khác biệt giữa hai cách nói và viết tiếng Việt.

Một trong những cách thua cuộc dễ nhất là sống như mình đã thua rồi. Có lẽ có nhiều vị giáo sư đã không ngờ được là chúng tôi, những người sinh trưởng nơi đây, lại ước muốn có sự phân biệt về tiếng Việt giữa hai nơi . Nhưng ít ra họ nên chuẩn bị tinh thần để đối diện với điều này: rằng có thể có những học sinh, sinh viên muốn biết về sự khác biệt giữa hai cách nói và viết.

Đương nhiên, có người học tiếng Việt để làm việc hay trao đổi với đảng CSVN. Nhưng cũng có người học tiếng Việt để gìn giữ cái gốc tỵ nạn cộng sản của họ. Cái gốc đó bắt đầu từ sau ngày 30 tháng Tư, 1975. Trong nhóm thứ hai có tôi. Và tôi biết tôi không thể cấm ai khi họ muốn trao đổi với người bên Việt Nam theo cách viết, cách nói bên VN. Tôi không thể cấm những người muốn sống một cách “thực tế”, hời hợt vô cùng.

Tôi chỉ muốn có được cơ hội học tiếng Việt theo cách tôi muốn. Tôi ao ước có được lớp học, giáo sư, và chương trình học không giả dối, và khi tôi nói theo cách nói trước 75, tôi không bị xem như một con quái vật!

Chúng con vẫn còn đây. Chúng con vẫn còn cần lớp dạy theo đúng cách chúng con muốn học, muốn viết. Và chúng con sẽ không bao giờ ngừng tranh đấu. Từ những hạt giống tinh thần cha mẹ chúng con đã chuyển đến chúng con. Từ dòng máu Việt Nam bao ngàn năm kiên cường, can đảm, không sợ hãi khi ngẩng đầu cao lên, nhìn ra chung quanh và nói: “Tôi là người Việt Nam, và tôi không sợ ai”

Chúng con tiếp tục tranh đấu.

Xin cám ơn quý vị.

-Lê Võ Duy Việt