Thông cáo Vịt què và Nghịch lý ASEAN
Nguyễn Quang Dy – Thứ Tư, ngày 22 tháng 6 năm 2016
Những gì diễn ra tại Côn Minh (Kunming, 14/6) đã biến Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN-China thành một sự kiện bất bình thường với một “thông cáo vịt què” (lame duck communique), dù là vịt Bắc Kinh hay vịt ASEAN. Nếu không muốn gọi hội nghị này là thất bại thì cũng không thể coi là thắng lợi. Dù Trung Quốc có ngăn cản được một tuyên bố chung ASEAN (như tại Phnom Penh năm 2012) thì cũng không thể ngăn cản được xu hướng “thoát Trung” trong cộng đồng ASEAN vốn bị phân hóa. Hãy thử giải mã những uẩn khúc tại Côn Minh để làm sáng tỏ bức tranh ASEAN-China, trong thời điểm nhạy cảm hiện nay.
Bối cảnh trước hội nghị Côn Minh
Hội nghị Côn Minh diễn ra vào lúc Tòa án Trọng tài Quốc tế (PCA) sắp ra phán quyết (dự kiến 7/7/2016) theo đơn kiện của Philippines. Có nhiều khả năng Philippines sẽ thắng kiện, làm Trung Quốc rất lo ngại, tìm mọi cách đối phó. Bên cạnh việc lăm le xây lắp hạ tầng quân sự tại Scaborough Shoal thành một cứ điểm mạnh, Trung Quốc ráo riết vận động các nước ủng hộ. Tuy Trung Quốc ngạo mạn tuyên bố không thừa nhận phán quyết của PCA, nhưng thực ra họ rất lo ngại bị cộng đồng quốc tế cô lập tại Biển Đông. Theo CSIS, Trung Quốc tuyên bố có 60 nước ủng hộ lập trường của họ, nhưng thực tế chỉ có 8 nước (Afghanistan, Gambia, Kenya, Niger, Sudan, Togo, Vanuatu, Lesotho), và năm nước đã thẳng thừng bác bỏ, làm Trung Quốc mất mặt (Poland, Slovenia, Bosnia, Herzegovania, Cambodia, Fiji).
Chuyến thăm Việt Nam (và Nhật) của Tổng thống Obama là một sự kiện quan trọng. Tuyên bố Mỹ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đánh dấu một bước ngoặt, hoàn tất quá trình bình thường hóa, đồng thời thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Việt. Điều này chắc chắn làm Trung Quốc đau đầu. Sau đó, Thủ tướng Việt Nam được mời dự họp mở rộng Thượng đỉnh G7 tại Nhật (26-27/5). Đây là dịp để G7 tăng cường “đoàn kết quốc tế về Biển Đông”, và Việt-Nhật tăng cường hợp tác quốc phòng và kinh tế, bao gồm sáng kiến “kết nối Mekong với Nhật Bản”. Tiếp theo Tuyên Bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng G7 về an ninh Biển Đông (4/2016) các nhà lãnh đạo G7 đã ra “Tuyên bố chung Ise-Shima” (27/5) về an ninh Biển Đông và Biển Hoa Đông, nhằm đảm bảo tự do hàng hải và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, để kiềm chế sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc.
Tại Đối thoại An ninh Khu vực “Shangi-La 15” (Singapore, 3-5/6/2016) Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter (và TNS John McCain) đã đến dự và chỉ trích mạnh mẽ hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc. Mỹ kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế (PCA) và cảnh báo nếu Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Scaborough Shoal thì có nguy cơ sẽ bị cô lập như “xây Vạn lý Trường thành tự cô lập mình”. Tiếp theo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatami cũng chỉ trích Trung Quốc và tuyên bố Nhật sẽ giúp các nước Đông Nam Á tăng cường năng lực an ninh tại Biển Đông.
Đáng chú ý là tại Shangri-La 15, NATO cũng tuyên bố sẽ có bước đi cần thiết trước động thái mới của Trung Quốc ở biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian kêu gọi lực lượng hải quân châu Âu có sự hiện diện “thường xuyên và rõ ràng” tại khu vực, để duy trì luật biển và tự do hàng hải. Le Drian nói “nếu luật biển không được tôn trọng tại các vùng biển gần Trung Quốc, thì sau này nó sẽ bị đe dọa ở Bắc Cực, ở Địa Trung Hải, hay ở nơi khác”. Sau Shangri-La 15, Bộ trưởng Quôc phòng Pháp đã đến thăm Việt Nam như để khẳng định lập trường mới của họ. Thái độ cứng rắn hơn của Mỹ, Nhật, Ấn Độ và NATO là đối trọng làm chuyển hóa lập trường ASEAN bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã ra đời, nhưng ASEAN vẫn còn bị phân hóa.
Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ đã tiến hành tập trận quy mô lớn tại tây thái bình Dương (10-18/6/2016). Đây là cuộc tập trận thường niên (Malabar) giữa Mỹ với Ấn Độ và Nhật Bản (“Tam cường”), nhằm thiết lập trật tự an ninh hàng hải mới tại Đông Á để đối phó với các hành động quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trong tương lai, nếu Úc tham gia thì quy mô tập trận sẽ mở rộng thành “Tứ cường”. Ngoài ra, Mỹ đang tăng cường lực lượng hải quân và không quân cho khu vực này, điều một phần Hạm độ 3 tới Biển Đông và một phi đội 4 máy bay tác chiến điện tử E/A 18G Growler tới căn cứ Clark (Philippines), sau khi triển khai các loại máy bay hiện đại nhất tới khu vực này như Global Hawk và F-35, cùng với 5 máy bay A-10C Thunderbolt, và 3 trực thăng HH-60G Pave Hawk.
Sự cố hi hữu tại hội nghị Côn Minh
Các nước ASEAN chưa thật sự tin tưởng lắm vào chiến lược “xoay trục” (hay tái cân bằng) của chính quyền Obama cũng như chưa biết chính quyền mới (Hillary Clinton hay Donald Trump) sẽ “xoay trục” thế nào. Nhưng họ không có nhiều lựa chọn trước thái độ ứng xử ngày càng hung hãn và trịch thượng của Trung Quốc tại Biển Đông. Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tại Sunnylands (15-16/2/2016), hội nghị ngoại trưởng ASEAN-China tại Côn Minh (14/6/2016) là một cố gắng của Trung Quốc để thao túng các nước ASEAN, trước những diễn biến trái chiều trong khu vực đang làm Trung Quốc ngày càng cô lập.
Theo Carl Thayer (“The Truth Behind ASEAN’s Retracted Kunming Statement”, Carl Thayer, the Diplomat, June 19, 2016) sự cố ngoại giao hi hữu xảy ra tại hội nghị Côn Minh là hệ quả của lối ứng xử thô lỗ (heavy-handed) của Trung Quốc và cách điều phối và ra quyết sách vụng về của ASEAN (bureaucratic snafu). Sự cố này như một con vịt què, làm bộc lộ rạn nứt ngày càng sâu sắc giữa ASEAN và Trung Quốc, cũng như sự đồng thuận lỏng lẻo của ASEAN dễ bị Trung Quốc thao túng. Hãy thử lý giải những gì đã xảy ra.
Văn bản tài liệu hội nghị khẳng định, “các nước thành viên ASEAN nhất trí với nội dung của Thông cáo Báo chí do các ngoại trưởng ASEAN soạn.” Báo Straits Timescũng khẳng định mười ngoại trưởng ASEAN đã đồng thuận là Thông cáo Báo chí sẽ được ngoại trưởng của Singapore thay mặt ASEAN công bố tại cuộc họp báo chung ASEAN-China vào cuối hội nghị. Nhưng vào phút chót, phía Trung Quốc lại đưa ra bản thỏa thuận 10 điểm (10-point consensus) nhưng ASEAN không thể chấp nhận.
Các Ngoại trưởng ASEAN đã quyết định Ngoại trưởng Singapore sẽ không dự họp báo chung vì công khai bất đồng với Ngoại trưởng Trung Quốc trước công chúng là khiếm nhã. Các Ngoại trưởng ASEAN cũng quyết định ASEAN sẽ ra thông cáo báo chí riêng. Nhưng Trung Quốc lại vận động Lào và Campuchia ngăn cản việc này. Theo báo Straits Times, cuộc họp báo chung đó không thành là do “bất đồng không thể hóa giải giữa ASEAN và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông”. Trung Quốc đã gây áp lực rất lớn với phía Lào (là nước chủ tịch luân phiên) buộc phải yêu cầu “chỉnh sửa khẩn cấp” một số nội dung Trung Quốc “không hài lòng”. Camphuchia cũng từ chối ký vào bản Thông cáo Chung, giống như tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Phnom Penh (năm 2012), không ra được tuyên bố chung vì Trung Quốc gây áp lực với Campuchia (là nước chủ tịch ASEAN) không nhất trí với tuyên bố đó.
Các Ngoại trưởng ASEAN đành quyết định mỗi nước có thể ra thông cáo riêng theo cách của mình, nhưng lúng túng không biết nên công bố bản gốc Thông cáo Chung ASEAN như thế nào. Chính vì vậy Malaysia đã bức xúc (frustrated) về sức ép quá đáng của Trung Quốc đối với ASEAN và chuyển bản Thông cáo Chung cho AFP, nhưng sau ba tiếng phải thu hồi lại theo lệnh của Ban Thư ký ASEAN (để “chỉnh sửa khẩn cấp”). Theo báo Straits Times, một quan chức ngoại giao ASEAN nói rằng việc “Malaysia công bố bản Thông cáo Chung là biểu hiện quá bức xúc (extreme frustration) của năm nước thành viên ban đầu cộng với Việt Nam, trước thái độ thô lỗ và ngạo mạn (crude and arrogant) của phía Trung Quốc”.
Tuy Côn Minh là một thất bại của ASEAN do thiếu đồng thuận, nhưng theo báo Diplomat, “Trung Quốc chứ không phải ASEAN mới thực sự thất bại tại hội nghị Côn Minh”. ASEAN đã bày tỏ quan điểm cứng rắn, trái với mong muốn của Trung Quốc. Chiến thuật “chia để trị” của Bắc Kinh đã khiến nhiều nước ASEAN phản ứng mạnh hơn. Thông cáo Chung của ASEAN đã làm hỏng ý đồ của Bắc Kinh muốn xếp tranh chấp biển Đông vào diện giải quyết song phương với từng nước có tranh chấp (Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei). Theo AFP, thái độ cứng rắn của ASEAN như một “cái tát ngoại giao” vào mặt Trung Quốc.
Nhưng ASEAN có dám đứng lên cùng phản đối hành động phiêu lưu của Trung Quốc tại Biển Đông hay không? Tuy hầu hết các nước ASEAN phản ứng Trung Quốc mạnh hơn trước, nhưng chỉ có ASEAN và Trung Quốc thôi thì không thể hóa giải được vấn đề này. Việc Thông cáo Chung được đưa ra rồi rút lại chứng tỏ cả Trung Quốc và ASEAN phải chịu trách nhiệm, đặc biệt Lào và Campuchia là hai nước bị Trung Quốc thao túng, gây bất đồng tại hội nghị Côn Minh. Theo Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, “Tất cả đã đồng ý phát hành bản Thông cáo Chung, trừ Campuchia. Đã có thỏa thuận nếu không có đồng thuận của cả khối thì từng nước ASEAN riêng rẽ có thể sử dụng nội dung thông cáo này để thông báo cho báo chí”. Sau đó, các nước Việt Nam, Philippines, Singapore, Indonesia, đã ra tuyên bố riêng.
Thực ra, nội dung Thông cáo Chung mà Malaysia đưa cho hãng AFP phản ánh gần như nguyên văn những tuyên bố gần đây của các ngoại trưởng ASEAN (mà Campuchia đã đồng ý). Vì vậy, vấn đề là Trung Quốc muốn lợi dụng cơ hội này để phân hóa và thao túng các nước ASEAN. Với vai trò chủ tịch ASEAN, phía Lào không ra tuyên bố, mà cũng không trả lời báo chí. Đáng chú ý là chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thăm Lào chính thức và hội đàm với lãnh đạo mới của Lào cùng ngày diễn ra hội nghị ngoại trưởng tại Côn Minh.
Thông cáo Chung của ASEAN có đoạn nhấn mạnh các ngoại trưởng (trích) “bày tỏ sự lo ngại sâu sắc trước những diễn biến gần đây đã làm xói mòn lòng tin, làm gia tăng sự căng thẳng và có khả năng phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định tại Biển Đông… Chúng tôi cũng không thể bỏ qua những gì đang diễn ra tại Biển Đông vì đó là một vấn đề quan trọng trong quan hệ và hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc…” (hết trích).
Nhưng tiếp theo, điều còn quan trọng hơn như là một thử thách lớn đối với các nước ASEAN là phải cố gắng đạt được đồng thuận về một Tuyên bố Chung của ASEAN sau khi Tòa án Trọng tài Quốc tế về luật biển ra phán quyết (dự kiến 7/7/2016).
Thử lý giải một vài nghịch lý
Đoàn kết ASEAN là một huyền thoại (myth). Người ta hay ví đoàn kết ASEAN như một bó đũa, nếu bị tách ra từng chiếc thì có thể bị bẻ gẫy. Vì vậy, Trung Quốc tìm mọi cách “chia để trị”. ASEAN vẫn tự hào và duy trì nguyên tắc “không can thiệp” (non-interference), nhưng nếu bị Trung Quốc bắt nạt, thì làm sao có thể ứng cứu cho nhau trong một hệ thống an ninh tập thể? Người ta hay nói ASEAN “đồng thuận” trong “đa dạng”. Nghe thì rất hay, nhưng nếu “đồng thuận” không thực chất, trong khi “đa dạng” quá nhiều như “đồng sàng dị mộng” thì ASEAN không thể mạnh. Cộng đồng ASEAN phải đổi mới thể chế.
COC là một ảo tưởng (illusion). Mấy thập kỷ nay, ASEAN đàm phán (không thành công) với Trung Quốc về bộ “Quy tắc Ứng xử” (Code of Conduct) tại Biển Đông. Điều đó dễ hiểu vì Trung Quốc đang trỗi dậy, muốn thay đổi nguyên trạng tại khu vực, thì tại sao họ lại chịu bị trói bởi luật lệ của kẻ khác. Chừng nào Trung Quốc còn theo đuổi chủ nghĩa bành trướng bá quyền để chiếm đoạt Biển Đông, thì họ chỉ đàm phán như một trò chơi để đánh cờ chứ không phải thỏa thuận thực sự. Dù có thỏa thuận, thì họ cũng xé bỏ nếu cần, vì ASEAN không đủ mạnh để áp đặt được họ. Đối với Trung Quốc, luật lệ thuộc về kẻ mạnh. Chỉ có đủ mạnh thì ASEAN mới có thể buộc họ phải theo luật chơi chung. Muốn vậy, ASEAN phải mở rộng khuôn khổ đối tác chiến lược ra ngoài Đông Nam Á (với Nhật, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ) và trở thành đồng minh chiến lược với Mỹ. Trước đuổi Mỹ đi thì bây giờ phải gọi Mỹ lại.
“Ba không một có” là trò chơi chữ (semantic game). Việt Nam có một nguyên tắc phản ánh mong muốn độc lập và trung lập nghe rất hay là “Ba không” (không liên minh quân sự với nước khác, không để nước khác đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ, không dựa vào nước này để chống nước kia). Muốn duy trì nguyên tắc đó thì quốc gia đó phải đủ mạnh như Thụy Sỹ, môi trường quốc tế và khu vực phải đủ ổn định. Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam suy yếu và tụt hậu, khi môi trường quốc tế và khu vực đầy bất ổn, với nguy cơ “Bắc thuộc” và “Hán hóa” ngày càng lớn, thì cố giữ nguyên tắc “ba không” là đồng nghĩa với tự sát.
Lúc này phải dùng “quẻ biến”. Nhưng biến thế nào? Nếu biến bằng khẩu hiệu “Ba không Một có” thì chỉ là trò chơi chữ. “Một có” được hiểu là “những cái gì có thể làm được và làm có mức độ”. Bản chất của “Ba không” là sợ Trung Quốc và phụ thuộc vào Trung Quốc. “Thoát Trung” thực chất là thoát khỏi nỗi sợ “thiên triều” và lệ thuộc vào cái bẫy ý thức hệ. Chừng nào không thoát khỏi cái bẫy này, thì “Một có” hay “Hai có” chỉ là ảo tưởng để tự lừa mình, chẳng khác gì “xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng XHCN”.
Vì vậy, có vũ khí hiện đại chưa chắc đã mạnh. Phải biết dùng hay dám dùng. Tại sao gần đây tai nạn máy bay quân sự xảy ra liên tiếp? Do chất lượng khí tài hay là do “lỗi hệ thống” hay là do “nguyên nhân lạ” nào khác? Ngày 16/4/2015, hai chiếc Su-22 rơi tại vùng biển Ninh Thuận, không rõ nguyên nhân, làm 2 phi công thiệt mạng (không kịp nhảy dù). Ngày 14/6/2016, một chiếc Su-30MK2 rơi tại vùng biển gần đảo Hòn Mê (Hà Tĩnh), một phi công thoát chết, một tử nạn (sau khi nhảy dù xuống biển). Ngày 16/6/2016, chiếc máy bay cứu hộ CASA-212 bị rơi tại vùng biển gần đảo Bạch Long Vĩ (Hải phòng), trong khi đi tìm kiếm phi công Su-30MK2 vừa bị nạn. Trên máy bay CASA-212 có 9 quân nhân tử nạn.
Lời cuối
Hai tai nạn máy bay đáng tiếc liền nhau làm bộc lộ vài nghịch lý thông thường, cần các viện/trung tâm nghiên cứu chiến lược (hay chiến thuật) làm rõ:
Tại sao phi công Trần Quang Khải bị nạn trên biển suốt 84 giờ mới tìm thấy, đã chết trước đó 48 giờ, tức còn sống 36 giờ sau khi nhảy dù (do bị dù cuốn)? Tại sao phi công không bắn pháo sáng (flares) và xịt thuốc màu (fluorescent) ra nước biển để báo hiệu?
Tại sao cả hai trường hợp phi công bị nạn trên biển đều do ngư dân tìm thấy trước, chứ không phải do lực lượng tìm kiếm chuyên nghiệp được trang bị đầy đủ tìm thấy? Các lực lượng cứu hộ đã luyện tập và phối hợp hành động như thế nào?
Tại sao chiếc máy bay cứu hộ CASA-212 lại nhận được lệnh bay ra vùng biển gần đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) để tìm kiếm phi công Su-30MK2 bị nạn, trong khi nó bị rơi tại vùng biển gần đảo Hòn Mê (Hà Tĩnh), cách nhau hơn 200 km?
Tại sao chiếc máy bay cứu hộ CASA-212 lại bị rơi và tại sao nó bị vỡ thành nhiều mảnh? Phi công Nguyễn Thành Trung cho rằng máy bay bị “va đập mạnh”, vậy nó bị va đập mạnh bởi cái gì mà vỡ thành nhiều mảnh như vậy?
Tại sao thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh phải cầu viện Trung Quốc hỗ trợ tìm kiếm (trong khi họ muốn độc chiếm Biển Đông)? Nếu vì “nhân đạo”, thì tại sao không chấp nhận lời đề nghị giúp đỡ của phía Mỹ (là đối tác “hợp tác toàn diện”)?
NQD. 21/6/2016
(Nguồn: Viet-Studies)