Tin khắp nơi – 21/06/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Brexit: Sầu xẻ nửa, đường chia hai?

Nguyễn GiangBBC World Service, Asia Region

Trước ngày cử tri Anh bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử 23/06 này, ở Anh đang nảy sinh rất nhiều câu hỏi, có thể nói là ‘rối tinh rối mù’ về các khả năng pháp lý tiếp theo.

Nếu đa số cử tri bỏ phiếu ở lại, thì phái ‘Ở’ (Remain) sẽ thở phào.

Nhưng nếu đa số muốn bỏ EU (Leave) thì hệ quả lại là một loạt kịch bản rất khác nhau.

Đầu tiên là câu hỏi về hiệu lực của chính cuộc trưng cầu dân ý.

Nó có tính bắt buộc (binding) hay là không?

Câu trả lời là ‘Không’ về mặt pháp lý nhưng ‘Có’ về chính trị.

Theo lời giải thích trong một bài trên BBC News, tác động của kết quả cuộc đầu phiếu còn tùy tỷ lệ phần trăm nghiêng về bên ‘Ra’ hay ‘Ở’ lại EU.

Nếu một đa số rõ rệt quá bán cử tri Anh bỏ phiếu ra trong ngày 23/06 này thì Quốc hội Anh sẽ phải tuân theo ‘ý dân’ và bắt đầu thủ tục xin ra khỏi EU bằng việc thông qua một loạt luật.

Không dân biểu nào muốn “tự sát chính trị” và công khai vận động chống lại quyết định “ý dân là ý Trời” như thế.

Nhưng hiện trong Quốc hội Anh, đảng Bảo thủ cầm quyền chỉ nắm đa số mong manh là 16 phiếu nghị sỹ, còn đảng Lao động, SNP đều muốn ở lại, nên thông qua luật rút khỏi EU trong khóa này không dễ.

Một số người cũng dọa rằng chức Thủ tướng của ông Cameron khó mà giữ vững, nếu Brexit thắng.

Nhưng Anh Quốc sẽ không rời EU ngay sáng thứ Sáu tuần này.

Kịch bản ra đi trong vòng 2 đến 10 năm

Nếu trưng cầu dân ý là ‘Ra’, trong vòng hai năm trước mắt, mọi chuyện sẽ vẫn được giữ nguyên.

Bởi thời gian nhanh nhất cho kịch bản đàm phán về quan hệ tương lai của Anh quốc với EU sẽ cần ít nhất là hai năm.

Quốc hội Anh phải ra các luật rút lại quyết định năm 1972 vốn đã mở đường cho Anh vào EU năm 1973.

Đem ra bỏ phiếu thì có nghĩa là các điều khoản trong luật vẫn có thể bị bác bỏ toàn bộ hoặc từng phần.

Đồng thời, Anh Quốc sẽ phải đàm phán lại các hiệp định đa phương với EU và song phương với các nước trong EU.

Dựng lại kiểm soát biên giới trên 300 dặm giữa Bắc Ireland thuộc Anh Quốc và Cộng hòa Ireland ở phía Nam hòn đảo cũng là chuyện không dễ.

Vì Cộng hòa Ireland thuộc EU nên nhiều vùng dọc đường biên mà nay đi lại tự do đã dùng cả đồng bảng và đồng euro.

Họ sẽ phải thay đổi cách đi lại, sinh hoạt, chi tiêu ra sao, không ai biết được.

Thời gian để Anh kết thúc đàm phán có lợi nhất ngắn dài ra sao còn tùy thuộc vào hảo tâm của các nước EU.

Một cựu thành viên nội các Anh, Lord O’Donnell cho rằng việc hoàn tất đàm phán ra khỏi EU “sẽ mất ít nhất là 10 năm”.

Trong thời gian đó, Anh sẽ vẫn chịu ràng buộc của mọi điều khoản trong các luật lệ EU nhưng sẽ không còn được bỏ phiếu cùng quyết định các chính sách lớn của EU.

Nó hơi giống cảnh đã ly thân và phải ngủ ngoài phòng khách, không còn quyền xét việc sửa nhà, mua xe mà chỉ đóng gói chờ ngày dọn đi.

Kịch bản ra mà không ra

Còn có kịch bản “bỏ phiếu ra để dọa EU”.

Chẳng hạn trang Sunday Times cuối tuần qua đề nghị cử tri Anh cứ bỏ phiếu ra rồi chính phủ lấy đó làm đòn bẩy để thúc đẩy EU cải tổ mà không cần phải ra.

Điều này khả thi đến đâu thì không ai rõ.

Kịch bản đảo ngược trưng cầu dân ý

Một khả năng nữa, theo các nhà bình luận tại Anh Quốc, là sau khủng hoảng Brexit, các đảng trong Quốc hội sẽ nhân đây đòi bầu cử sớm, trước hạn 2020.

Theo kịch bản này phe ủng hộ ở lại châu Âu thậm chí có thể dùng một đa số phiếu đông đảo trong nghị trường để lật lại quyết định đạt được từ kỳ trưng cầu dân ý.

Nhưng đây cũng chỉ là một kịch bản mà thôi và đa số các nhà bình luận tin rằng Brexit là lối đi ra.

Ra rồi lại vào?

Trước câu hỏi giả sử Anh Quốc bỏ phiếu trong trưng cầu dân ý rời EU rồi có vào lại được không, chủ biên châu Âu của BBC, bà Katya Adler nói điều đó là có thể được.

Căn cứ vào hai điều 49 và 50 của Hiệp ước Lisbon, muốn vào lại EU, Anh Quốc hoàn toàn được nộp đơn.

Nhưng bà Adler nói khi đó Anh sẽ phải đàm phán lại từ đầu, và mọi quốc gia thành viên EU đều phải thông qua quyết định cho Anh Quốc tái nhập.

Lúc đó, khoản tiền ‘miễn trừ’ (rabate) Anh giành được từ EU hồi bà Margaret Thatcher làm thủ tướng sẽ không còn nữa.

Hiệp ước Lisbon, ở điều 50 đã tiên liệu trường hợp này:

“Nếu một quốc gia muốn ̣đã rút ra rồi muốn gia nhập lại thì thủ tục sẽ phải tuân theo được quy đ̣ịnh trong điều 49.”

Nhưng nếu vào lại EU, khi ấy Anh Quốc sẽ phải chấp nhận đồng euro làm tiền tệ chính thức của mình, như quy định ghi trong điều 49.

Đây lại là thứ mà mà cả Thủ tướng David Cameron cùng nhiều chính trị gia Anh thuộc các phe tả và hữu nói là họ không muốn.

Kinh tế có trên hết?

Đồng bảng có hình Nữ hoàng Elizabeth II không chỉ là tiền tệ Anh hoàn toàn là chủ, một công cụ hữu hiệu để điều tiết các chỉ số tài chính, kinh tế, mà còn là một biểu tượng lâu đời.

Những ngày qua, đồng tiền này đã ít nhiều tăng giá trước tin của một số báo rằng khả năng phe ‘Ở lại’ tăng cơ hội.

Vì cuộc trưng cầu dân ý này thực chất là câu hỏi về bản sắc của Anh Quốc và các mâu thuẫn đi kèm.

Anh vừa muốn có vị thế riêng, vừa duy trì các di sản lịch sử hào hùng một thời nhưng cũng muốn bị thiệt thòi ít nhất trong cuộc chơi chia sẻ chủ quyền với các thành viên bên lục địa châu Âu.

Câu hỏi về bản sắc cũng làm vấn đề di dân và người nhập cư bỗng nổi bật lên.

Xã hội Anh sẽ ra sao nếu hàng triệu người tứ xứ cứ điềm nhiên kéo đến, theo cách nhìn từ phái chống di dân.

Vì đây là chuyện tâm lý, cảm xúc và văn hóa nên đôi khi còn quan trọng hơn đồng tiền bát gạo.

Dù bỏ phiếu thế nào thì Anh cũng đã làm cả thế giới phải ngạc nhiên về tinh thần ‘đi đầu’ đánh lên tiếng chuông về các vấn đề khá cơ bản của EU.

Cho đến nay, các nước EU khác mới chỉ dùng trưng cầu dân ý để xét từng phần của cơ chế liên minh, chọn hay bỏ một hiệp định EU chứ không “chơi kiểu Ăng Lê” là ở lại hoặc ra thì ra luôn.

Ai định chê Anh là không độc đáo thì hãy sớm nghĩ lại.

Còn với người đang sống ở đây thì để thực hành quyền dân chủ cơ bản ai cũng phải trả cái giá là sự điên đầu cùng cả nước từ đầu năm đến nay.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/06/160621_uk_brexit_what_next

 

Thượng viện Mỹ bác bỏ các dự luật siết chặt kiểm soát súng

8 ngày sau khi xảy ra vụ xả súng giết chết nhiều người nhất trong lịch sử nước Mỹ, Thượng viện Hoa Kỳ đã bác bỏ một loạt những dự luật nhằm hạn chế số người được quyền mua súng và nới rộng việc kiểm tra những người muốn mua súng.

Tối thứ hai, các thượng nghị sĩ Cộng hoà đã ngăn chận hai đề nghị mà phe Dân chủ đưa ra với sự sôi nổi đặc biệt sau khi Omar Mateen, kẻ tuyên bố trung thành với nhóm Nhà nước Hồi giáo, nổ súng giết chết 49 người và gây thương tích cho 53 người khác tại một hộp đêm của người đồng tính luyến ái ở Orlando, tiểu bang Florida.

Cuộc biểu quyết diễn ra chỉ vài ngày sau khi Thượng nghị sĩ Chris Murphy, thuộc đảng Dân chủ, chiếm diễn đàn Thượng viện trong 15 giờ đồng hồ để đòi có hành động lập pháp về vấn đề bạo lực súng ống.

“Những kẻ khủng bố ngày nay dùng súng liên thanh, thay vì bom tự chế hay máy bay, để tấn công người Mỹ. Sau biến cố ngày 11 tháng 9, chúng ta đã quyết định là chúng ta sẽ không để cho quân khủng bố chiếm đoạt máy bay để giết hại thường dân. Ngày nay bọn chúng đã chuyển sang dùng súng liên thanh. Một cách cá biệt, bọn chúng tuyển mộ những kẻ tấn công thuộc loại con sói đơn độc đến mua súng liên thanh tại các cuộc triễn lãm súng ống và chúng ta nên áp dụng một chiến thuật tương tự để chống lại. Chúng ta không bỏ cuộc. Người dân nước Mỹ không bỏ cuộc. Chúng ta đang chờ xem các cuộc điều đình này diễn tiến ra sao trong những ngày sắp tới nhưng tôi xin thưa với quí vị như thế này: có nhiều bằng chứng cho thấy phe Cộng hoà biết rõ là họ đang ở về phía đối nghịch với giới cử tri. Dân chủ không cho phép cơ quan lập pháp này có lập trường khác biệt quá xa với lập trường của 90% dân chúng nước Mỹ trong một thời gian rất lâu như vậy.”

Trong những dự luật bị bác hôm qua, có một dự luật cấm những người bị ghi tên vào các danh sách theo dõi khủng bố của chính phủ, kể cả những người bị cấm đi máy bay, không được mua súng. Một dự luật khác sẽ nới rộng việc kiểm tra lý lịch có tính chất bắt buộc đối với những vụ mua bán súng ống để bao gồm những vụ mua súng tại các cuộc triễn lãm và qua mạng internet.

Phe Cộng hoà nói rằng họ không thể bỏ phiếu tán thành bất cứ dự luật nào không cung cấp một phương tiện để cho những người bị ghi tên lầm vào danh sách theo khủng bố có thể khiếu nại quyết định của chính phủ.

Trong khi đó, hai dự luật của phe Cộng hoà cũng bị bác trong cuộc biểu quyết hôm thứ hai. Một dự luật đòi hỏi chính phủ phải có trát toà mới có thể ngăn một nghi can khủng bố thủ đắc súng ống, và một dự luật đòi hỏi người bán súng thông báo cho các cơ quan thi hành công lực khi một người từng bị điều tra về vấn đề khủng bố mua một khẩu súng.

Các cuộc biểu quyết hôm qua tiếp nối một loạt những sự thất bại trong công tác lập pháp để kiểm soát súng ống sau khi xảy ra những vụ xả súng giết chết nhiều người ở nước Mỹ, trong đó có vụ thảm sát năm 2012 giết chết 20 học sinh tiểu học và 6 giáo viên ở thành phố Newtown, tiểu bang Connecticut, và vụ tấn công khủng bố hồi năm ngoái giết chết 14 người ở thành phố San Bernadino, tiểu bang California.

Lãnh tụ phe đa số ở Thượng viện, Thượng nghị sĩ Cộng hoà Mitch McConell tố cáo phe dân chủ lợi dụng thảm kịch Orlando “như một cơ hội để thúc đẩy cho một chương trình nghị sự mang tính chất đảng phái hoặc để lồng vào một mẫu quảng cáo 30 giây cho chiến dịch vận động bầu cử.”

http://www.voatiengviet.com/a/thuong-vien-my-bac-bo-cac-du-luat-siet-chat-kiem-soat-sung/3385157.html

 

Nhật, Hàn Quốc đề phòng Bắc Triều Tiên phóng phi đạn

Theo một nguồn tin không cho biết tên, Bắc Triều Tiên hình như đã triển khai một phi đạn đạn đạo ở bờ biển phía đông, nhưng không có dấu hiệu cho thấy sắp phóng phi đạn.

Một nguồn tin chính phủ cho hay quân đội Nhật Bản đang cảnh giác khả năng sẽ có một vụ phóng phi đạn.

Các đơn vị hải quân và phi đạn Patriot được lệnh bắn rơi bất cứ vật thể nào bay về phía Nhật Bản.

Phi đạn của Bắc Triều Tiên được cho là phi đạn tầm trung Musudan, tương tựa như phi đạn mà Bình Nhưỡng phóng thử ba lần thất bại hồi tháng 4.

Một vụ phóng phi đạn khác, dường như là phi đạn Musudan, cũng thất bại hồi tháng 5.

Tin nói phi đạn này có tầm bắn đạt từ 3.000 đến 4.000 kilômét. Nếu phóng thành công, phi đạn này có thể bay đến các mục tiêu ở Nhật Bản, Trung Quốc và đảo Guam.

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã cấm Bắc Triều Tiên phát triển công nghệ hạt nhân và phi đạn đạn đạo.

Trung Quốc, đồng minh chính của Bình Nhưỡng, đã yêu cầu chính phủ của Chủ tịch Kim Jong Un quay trở lại bàn thương nghị quốc tế và giải trừ chương trình hạt nhân của họ để đổi lấy trợ giúp kinh tế và bảo đảm an ninh.

http://www.voatiengviet.com/a/nhat-han-de-phong-bac-trieu-tien-phong-phi-dan/3385342.html

 

Cử tri Anh muốn ở lại hay rời khỏi EU?

Hai ngày trước cuộc trưng cầu dân ý quyết định tương lai của Anh, người ta vẫn chưa rõ là đa số cử tri muốn Anh ở lại trong EU hay rời khỏi khối này. Vụ ám sát một dân biểu ủng hộ Anh là một thành viên của khối 28 quốc gia này vào tuần trước đã khiến cho một số cử tri thay đổi lập trường.

Ngày hôm qua các nhà lập pháp Anh tưởng niệm dân biểu Jo Cox thuộc Đảng Lao động, người đã bị ám sát vì lý do chính trị.

Thủ tướng David Cameron nhắc lại lời bà Cox trong lời kêu gọi đoàn kết của ông.

“Để tưởng nhớ bà Jo, ngày hôm nay chúng ta chứng tỏ những điều bà nói tại Hạ viện này là đúng, và tôi biết lời nói này sẽ được nhắc lại nhiều lần trong ngày hôm nay: ‘Chúng ta đoàn kết với nhau và chúng ta có những ý kiến tương đồng với nhau nhiều hơn rất nhiều những gì chia cách chúng ta.’

Rõ ràng là dân chúng nước Anh đang bị chia rẽ đối với vấn đề thành viên của EU giống như những chính trị gia.

Thủ tướng Camreron đã mạnh mẽ chống lại việc rời khỏi EU, nhưng một số người thuộc phe bảo thủ của ông nói nước Anh đã mất nhiều chủ quyền vào tay Brussels.

Dân biểu bảo thủ Boris Johnson nói:

“Tôi xin thưa với quý vị rằng không có nơi nào khác trong thế giới này tham gia một cuộc thử nghiệm loại này để kết hợp các quốc gia lại với nhau để thành lập một siêu quốc gia, một Hợp chủng quốc châu Âu. Điều này phản dân chủ.”

Nhiều người Anh bác bỏ hạn ngạch của EU về di dân vì lo ngại rằng di dân sẽ là gánh nặng đối với hệ thống an sinh xã hội của quốc gia. Tuy nhiên, việc rời khỏi EU có thể sẽ gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế cho nước Anh.

Ông Mark Mobius, một nhà phân tích thị trường ở Hong Kong, cho biết như sau:

“Ảnh hưởng phần lớn sẽ là tiêu cực vì nước Anh trong châu Âu có nghĩ là bạn có một khối mậu dịch. Nó làm cho dân chúng ở đây được dễ dàng hơn để xuất khẩu và nhập khẩu. Và có một số những hệ quả khác. Do đó tôi nghĩ việc Anh rời khỏi EU sẽ có ảnh hưởng tiêu cực.”

Chính quyền Obama đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Anh tiếp tục là thành viên của EU. Tuy nhiên, Tòa Bạch Ốc ngày hôm qua cho biết quyết định này tùy thuộc dân chúng Anh.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói:

“Người dân Anh sẽ quyết định điều họ tin là có lợi nhất cho đất nước của họ, nhưng tổng thống đã nói rõ về những gì mà ông tin là có lợi nhất cho Hoa Kỳ. Và trong mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, chúng tôi tin rằng đó là điều quan trọng.”

Những cuộc thăm dò mới nhất cho thấy đà tiến về phía rời bỏ EU đã khựng lại kể từ vụ ám sát bà Cox ngày thứ 5 tuần trước. Tuy nhiên nhiều cử tri vẫn chưa quyết định.

http://www.voatiengviet.com/a/cu-tri-anh-muon-o-hay-roi-khoi-eu/3385142.html

 

Người quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump bị sa thải

Ứng cử viên tổng thống bên Đảng Cộng hòa Donald Trump đã sa thải người quản lý chiến dịch tranh cử cho ông, Corey Lewandowski, một nhân vật gây nhiều tranh cãi.

Phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của ông Trump, Hope Hicks, cho biết hôm thứ Hai: “Ông Lewandowski sẽ không còn góp sức vào chiến dịch nữa.” Bà Hicks bày tỏ sự cảm kích đối với “nỗ lực và sự tận tụy” của ông Lewandowski.

Lewandowski, người quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump kể từ tháng Sáu năm ngoái, bị nhiều nhà quan sát chính trị xem là có mối quan hệ thù địch với nhiều nhà ký giả trên cả nước và có mối quan hệ căng thẳng với một số quan chức Đảng Cộng hòa.

Ông Lewandowski gây nhiều chú ý sau khi bị một nữ ký giả cáo buộc đã ghì tay cô ta thô bạo tại bang Florida trong đợt vận động bầu cử sơ bộ. Lewandowski cũng đã đụng độ với chủ tịch ban vận động tranh cử của ông Trump, Paul Manafort.

Tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Trump trong những cuộc khảo sát gần đây đã sụt giảm và ông ta đang đối mặt với sự chống đối từ nhiều thành viên của Đảng Cộng hòa lo ngại về những nhận xét gây tranh cãi của ông ta.

Ông Trump, người sắp được Đảng Cộng hòa đề cử làm tổng thống, có thể đưa ra những thay đổi khác về nhân sự trong ban vận động của mình để chuẩn bị cho Đại hội Đảng Cộng hòa Toàn quốc diễn ra tại thành phố Cleveland, bang Ohio, từ ngày 18 tới ngày 21 tháng 7.

Ông Trump đã lên tiếng phàn nàn rằng một số nhân vật thuộc Đảng Cộng hòa đang tìm cách ngăn chặn việc chính thức tuyên bố đề cử ông tại đại hội.

Một số đại biểu tham dự đại hội đã nói rằng họ muốn thay đổi điều lệ đảng để cho phép những đại biểu bỏ phiếu cho người nào đó ngoài ông Trump, người đã vượt qua 16 ứng cử viên khác của Đảng Cộng hòa trong những tháng tranh đua trong những cuộc bầu cử sơ bộ diễn ra ở từng bang để giành được đa số đại biểu cam kết sẽ bỏ phiếu cho ông ta tại đại hội.

http://www.voatiengviet.com/a/nguoi-quan-ly-chien-dich-tranh-cu-cua-ong-trump-bi-sa-thai/3384367.html

 

Phe đối lập Venezuela ủng hộ truất quyền tổng thống

Những người ủng hộ phe đối lập Venezuela hôm thứ Hai đã xếp hàng dài đứng đợi xác minh chữ ký, một phần trong quá trình tốn kém thời gian để đòi hỏi một cuộc trưng cầu dân ý truất quyền Tổng thống Nicolas Maduro.

Hàng ngàn người đã tới những điểm làm thủ tục khắp cả nước để lấy dấu vân tay – theo một quy định của hội đồng bầu cử nói rằng những người đã ký tên đòi tổ chức một cuộc bỏ phiếu truất quyền tổng thống phải quay trở lại điểm bỏ phiếu để xác minh chữ ký của mình.

Những nhà lãnh đạo đối lập đã đệ trình 1 triệu chữ ký, nhiều hơn con số 200.000 chữ ký cần có để tiến hành bước tiếp theo. Họ lập luận rằng quy định mới nhất bắt xác minh chữ ký của người ký kiến nghị là một phần trong nỗ lực của Tổng thống Maduro nhằm trì hoãn cuộc trưng cầu dân ý.

Quá trình xác minh chữ ký tiếp tục đến hết thứ Sáu tuần này.

Nếu đủ chữ ký được xác minh, khi đó phe đối lập phải cố gắng thu thập chữ ký của 20 phần trăm cử tri – khoảng 4 triệu người – trước khi một cuộc trưng cầu dân ý có thể được tổ chức.

Phe đối lập nói các chính sách xã hội chủ nghĩa của Tổng thống Maduro đã gây nên tình trạng thiếu thốn thực phẩm và thuốc men, lạm phát tăng vọt và những vụ cúp điện ngày càng thường xuyên hơn.

Ông Maduro đắc cử trong một cuộc bỏ phiếu sít sao vào năm 2013 sau khi nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa Hugo Chavez qua đời.

Đất nước giàu dầu mỏ này từng khá giả tài chính, nhưng giá dầu sụt giảm kéo theo thời vận của Venezuela.

Phe đối lập Venezuela đang tìm cách tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý truất quyền tổng thống trước cuối năm nay, và nếu thành công thì sẽ đưa tới một cuộc bầu cử mới. Thời điểm trưng cầu dân ý đóng vai trò quan trọng bởi vì nếu không được tổ chức cho đến năm 2017 mà ông Maduro thất cử, thì ông ta sẽ được thay thế bởi phó tổng thống, và như vậy, Đảng Xã hội sẽ tiếp tục nắm quyền.

http://www.voatiengviet.com/a/phe-doi-lap-venezuela-ung-ho-truat-quyen-tong-thong/3384461.html

 

Bỉ câu lưu 6 người liên hệ tới vụ tấn công tàu lửa bất thành

Cảnh sát Bỉ hôm thứ Hai câu lưu sáu người có liên hệ tới với một vụ tấn công bất thành vào năm ngoái nhắm một chuyến tàu đang trên đường đi từ Amsterdam đến Paris.

Các công tố viên liên bang tại đất nước Tây Âu này cho biết những người bị câu lưu đang bị thẩm vấn và một thẩm phán sẽ quyết định xem có nên tiếp tục câu lưu họ hay không.

Sáu căn nhà trong khu vực thủ đô Brussels đã bị lục soát. Không phát hiện có vũ khí hay chất nổ.

Cảnh báo khủng bố tại Bỉ vẫn ở mức cao hàng thứ hai sau khi nhà chức trách cáo buộc ba người đàn ông phạm những tội liên quan tới khủng bố vào thứ Bảy tuần trước. Họ bị tình nghi hoạch định những vụ tấn công tại Brussels nhắm vào những cổ động viên xem trận đấu của đội tuyển Bỉ tại Euro 16 ở những nơi công cộng. Mức cảnh báo khủng bố này có nghĩa là mối đe dọa của một vụ tấn công “là khả dĩ và sẽ xảy ra.”

Các cáo buộc được đưa ra sau những vụ đột kích hồi cuối tuần qua dẫn tới việc bắt giữ 40 người trong một cuộc điều tra lớn.

Văn phòng công tố viên cho biết không có thêm thông tin nào sẽ được công bố về sáu người bị câu lưu hoặc những món đồ bị thu giữ trong những cuộc lục soát.

http://www.voatiengviet.com/a/bi-cau-luu-6-nguoi-lien-he-toi-vu-tan-cong-tau-lua-bat-thanh/3384387.html

 

TQ dọa rút khỏi Công ước Luật biển nếu có phán quyết bất lợi về Biển Đông

Các nguồn tin ngoại giao hôm 20/6 cho hay Trung Quốc đã nói với các nước châu Á rằng nước này có thể rút khỏi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển để đáp trả nếu phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đi ngược lại quan điểm của Trung Quốc. Dự kiến tòa sẽ đưa ra phán quyết trong vài tuần tới.

Trong khi đó, cũng hôm 20/6, Thủ tướng Campuchia Hunsen nói nước này sẽ không ủng hộ bất cứ phán quyết nào của Tòa Trọng tài ở La Haye về việc Philippines khiếu nại các tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Hunsen phát biểu như vậy tại một lễ tốt nghiệp ở Phnom Penh. Đây là lần đầu tiên ông đứng về phía Trung Quốc một cách rõ ràng về vấn đề này, cho dù lâu nay Campuchia vẫn được coi là thân Trung Quốc.

Trước đó, có tin Tổng thống đắc cử của Philippines Rodrigo Duterte nói sẽ không có đối thoại song phương giữa Philippines và Trung Quốc trong vòng hai năm tới về tranh chấp ở Biển Đông. Tin này được cựu ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói với báo chí hôm 17/6.

Trong vụ kiện của Philippines, Trung Quốc quan tâm nhiều nhất đến phán quyết về việc áp dụng đường 9 đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò, mà Trung Quốc dùng để phân giới một cách mập mờ và đòi chủ quyền đối với hầu hết vùng biển có tranh chấp.

Philippines đã nộp đơn lên Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye vào năm 2013 để bác bỏ giá trị của đường phân giới này.

Theo các nguồn tin, Trung Quốc cho rằng kết quả tệ hại nhất sẽ là việc tòa căn cứ vào Công ước về Luật Biển 1982 (UNCLOS) để phán quyết rằng tuyên bố của Trung Quốc về “quyền lịch sử” đối với Biển Đông là không có cơ sở pháp lý quốc tế và bác bỏ giá trị của đường lưỡi bò. Trung Quốc đã nói với các nhà ngoại giao của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á rằng nước này không loại trừ khả năng rút khỏi công ước nếu điều đó xảy ra.

Nhiều chuyên gia tin rằng phán quyết sẽ không có lợi cho Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Đông. Vùng biển này là nơi có nhiều tranh chấp giữa các bên gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS năm 1996. Lâu nay nước này vẫn nói sẽ không chấp nhận hay tôn trọng phán quyết sắp tới của tòa trọng tài, đồng thời khẳng định tòa không có thẩm quyền về vụ việc.

Ngược lại, hành động khiếu nại của Philippines được nhiều nước hậu thuẫn, kể cả Mỹ và Nhật Bản. Việt Nam không công khai ủng hộ song nêu quan điểm rằng Việt Nam quan tâm đến vụ khiếu nại và đề nghị tòa lưu ý đến những quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam.

Mặc dù vụ khiếu nại được nhiều bên quan tâm, song có một thực tế là Tòa Trọng tài ở La Haye không phân xử về những tuyên bố chủ quyền của các bên tranh chấp ở Biển Đông mà chỉ phân xử về các quyền hải dương gắn với các tuyên bố đó.

Các chuyên gia cho rằng tòa có thể tuyên bố đường lưỡi bò không có hiệu lực pháp lý hoặc chất vấn về nó theo những cách thức buộc Trung Quốc phải làm rõ cơ sở pháp lý, điều mà Trung Quốc vẫn né tránh. Nhiều chuyên gia cũng tin rằng tòa có thể sẽ phán quyết rằng một số đảo nhân tạo do Trung Quốc xây không có quyền đòi có lãnh hải xung quanh.

Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc không có thẩm quyền buộc thực thi các phán quyết. Nhưng nếu phán quyết có lợi cho Philippines, Trung Quốc có nguy cơ bị tổn hại về uy tín và bị xa lánh trong khu vực nếu họ bỏ ngoài tai phán quyết của tòa và tiếp tục đòi chủ quyền.

Nếu phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, nước này có thể tìm cách trừng phạt Philippines, như áp dụng những biện pháp không chính thức để hạn chế khách du lịch hoặc hàng hóa nhập khẩu.

Nguy cơ lớn nhất là Trung Quốc phản ứng mạnh đối với một phán quyết bất lợi và quyết định leo thang những tham vọng quân sự của họ ở Biển Đông bằng cách tuyên bố quyền kiểm soát bầu trời trong vùng hoặc tìm cách xây đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough mà Philippines đã đòi chủ quyền.

Để đề phòng những phản ứng hung hăng hơn của Trung Quốc, Mỹ đã đưa nhiều thiết bị quân sự đến khu vực, bao gồm các việc tàu sân bay và chiến đấu cơ ghé thăm Philippines. Thông điệp gửi đi là bất cứ động thái gì của Bắc Kinh trên bãi cạn Scarborough cũng sẽ gặp sự đáp trả đáng kể của Mỹ.

Theo Japantimes.co.jp, Ft.com, Thestar.com, Asia.nikkei.com

http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-canh-bao-se-rut-khoi-cong-uoc-luat-bien/3385275.html

 

Phe đối lập và chính phủ Kenya vạch đường hướng cải cách bầu cử

Phe đối lập chính của Kenya đang tổ chức đàm phán với chính phủ về việc tái lập ủy ban bầu cử của nước này. Những cuộc biểu tình được hoạch định hôm thứ Hai đã bị hủy trong khi đàm phán đang tiến triển. Kể từ khi bùng phát, biểu tình đã cướp đi sinh mạng của 5 người. Dưới đây là chi tiết bài tường thuật của thông tín viên Lenny Ruvaga từ Nairobi.

Một thông cáo báo chí được phe đối lập chính ở Kenya, CORD, công bố chiều tối Chủ nhật viết rằng: “Có những dấu hiệu cho thấy đã đạt được một sự đồng thuận dứt khoát giữa CORD với liên minh cầm quyền liên quan tới những vấn đề về ủy ban bầu cử và tiến trình bầu cử.”

Thông cáo còn cho biết đình chỉ vô thời hạn các cuộc biểu tình đường phố đã được hoạch định. Trong tháng qua, phe đối lập đã tổ chức các cuộc biểu tình kêu gọi tái thiết hoàn toàn ủy ban bầu cử, vốn bị phe đối lập cáo buộc là thiên vị liên minh cầm quyền Jubilee.

Thứ Sáu tuần trước, tám nhà lập pháp Kenya – sáu người thuộc phe đối lập và hai người thuộc liên minh cầm quyền – bị buộc tội tại tòa về những phát biểu mang tính kích động tại nhiều buổi tụ họp công chúng ở Kenya. Các nhà lập pháp này sau đó được phóng thích nhờ đóng tiền bảo lãnh tại ngoại.

Năm 2007, bạo động hậu bầu cử đã khiến hơn 1.100 người thiệt mạng và 600.000 người thất tán tại Kenya.

Ông Peter Alengo thuộc Viện Nghiên cứu An ninh chỉ ra rằng ngành tư pháp có thể thực thi nền pháp trị tại Kenya như một biện pháp răn đe.

Ông Alengo cho biết: “Nếu tòa vẫn kiên quyết và xét xử những vụ án này triệt để và hợp lý thì những kẻ khơi mào thù hận và chiến tranh sắc tộc sẽ phải e sợ.”

Phe đối lập và liên minh cầm quyền đã thành lập một ủy ban đặc tuyển gồm 14 thành viên để vạch ra con đường tiến về phía trước cho những vấn đề, kể cả cải cách bầu cử. Tuy nhiên, ông Alengo lưu ý rằng một tiến trình bao gồm nhiều thành phần hơn sẽ bảo đảm một kết cục thành công.

Ông Alengo nói: “Cuộc đối thoại nên được mở rộng ra ngoài những nhân vật chính trị chính để tất cả những bên liên quan, những người có thể đóng góp vào việc này, cũng có thể ngồi vào bàn đối thoại. Bởi vì tôi nghĩ rằng rất nhiều người Kenya cũng có quan điểm của riêng họ về việc này và có lẽ đó sẽ là đường hướng mà ủy ban đặc tuyển sẽ đi theo, và nếu họ đi theo đường hướng đó thì sẽ là một tình huống các bên đều có lợi đối với người dân Kenya.”

Kenya dự kiến sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 8 năm 2017.

http://www.voatiengviet.com/a/phe-doi-lap-va-chinh-phu-kenya-vach-duong-huong-cai-cach-bau-cu/3384070.html

 

Tổng thống Obama loan báo kế hoạch thúc đẩy cải tiến trong ngành sản xuất

Tổng thống Barack Obama hôm thứ Hai loan báo lập ra một chương trình mới nhằm mục đích giúp hồi sinh ngành sản xuất của Mỹ bằng cách thúc đẩy những cải tiến trong lĩnh vực được mô tả là “ngành sản xuất thông minh.”

Phát biểu trước những nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại Hội nghị Thượng đỉnh SelectUSA hàng năm tại Washington, ông Obama cho biết một liên minh 200 đối tác sẽ nhận được 140 triệu đôla ngân quỹ công và tư để “cải thiện triệt để” hiệu năng sản xuất bằng cách phát triển những công nghệ cảm biến thông minh và công nghệ kỹ thuật số giúp cắt giảm đáng kể phí tổn, tiết kiệm năng lượng và tinh giản những quá trình sản xuất.

Liên minh Lãnh đạo Ngành Sản xuất Thông minh nhận được 70 triệu đôla từ Bộ Năng lượng (DOE) và 70 triệu đôla từ những khoản quyên góp của tư nhân. Liên minh, bao gồm những đại diện từ ngành công nghiệp, giới học thuật và những tổ chức phi lợi nhuận, sẽ lãnh đạo Viện Canh tân Sản xuất Thông minh trong mối quan hệ đối tác với DOE. Những cải tiến phần mềm sẽ có mặt trên một nền tảng mã nguồn mở để doanh nghiệp thuộc mọi quy mô có thể tiếp cận được.

Tổng thống nói: “Không nước nào có thể sánh được khả năng cạnh tranh của chúng ta trong ngành sản xuất tối tân. Không nước nào có nhiều doanh nhân hay nhiều công nghệ siêu điện toán hơn chúng ta. Không nước nào nỗ lực nhiều hơn để kiến tạo một nền văn hóa chế tạo và mày mò, của tinh thần làm chủ và biết chấp nhận rủi ro, của canh tân và sáng chế.”

Gần sáu triệu việc làm trong ngành sản xuất đã bị mất ở Mỹ kể từ năm 2000 đến năm 2010 khi những công ty đóng cửa những nhà máy và di dời ra nước ngoài với chi phí thấp hơn. Con số này chiếm hơn một phần ba toàn bộ lực lượng lao động trong ngành sản xuất của Mỹ. Kể từ tháng 2 năm 2010, hơn 800.000 công ăn việc làm trong ngành sản xuất của Mỹ đã được tạo ra trong khi ngành sản xuất xe hơi tăng trưởng và chi phí sản xuất gia tăng ở nước ngoài.

Trung tâm sản xuất mới, đặt ở thành phố Los Angeles, bang California thuộc miền tây của Mỹ, là dự án thứ chín trong số 15 dự án mà ông Obama muốn tạo ra.

Trong một tuần tập trung vào sự cải tiến, ông Obama cũng sẽ tham dự một hội nghị thượng đỉnh về kinh doanh toàn cầu tại Đại học Stanford vào cuối tuần này. Ông sẽ tham gia thảo luận với người sáng lập Facebook, Mark Zuckerburg, và những nhân vật khác.

http://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-obama-loan-bao-ke-hoach-thuc-day-cai-tien-trong-nganh-san-xuat/3384449.html

 

FBI công bố bản ghi cuộc gọi 911 của tay súng Orlando

FBI cho biết tay súng Omar Mateen trong vụ xả súng ở thành phố Orlando thoạt đầu nói tiếng Ả-rập và tuyên bố mình là một “chiến binh Hồi giáo” khi điện thoại tới cơ quan phụ trách tình huống khẩn cấp trong lúc sát hại 49 người trong vụ xả súng hàng loạt đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ.

“Tôi đang ở Orlando và chính tôi đã nổ súng,” tay súng này nói với người nhận cuộc gọi 911 trong cuộc gọi đầu tiên từ hộp đêm Pulse vào đầu giờ sáng ngày 12 tháng 6, theo các bản ghi được công bố hôm thứ Hai.

Bản ghi không công bố nhiều chi tiết mới về vụ xả súng.

Bản ghi có nhiều chỗ bị bôi đen để loại bỏ những thông tin mà nhà chức trách nói là lời tuyên thệ trung thành của Mateen đối với Nhà nước Hồi giáo và thủ lĩnh của nhóm này, Abu Bakr al-Baghdadi. Nhà chức trách cũng đã từ chối công bố đoạn ghi âm cuộc nói chuyện.

Bản ghi cuộc gọi 911 mà nhà chức trách cho biết kéo dài khoảng 50 giây viết: “Tôi tuyên thệ trung thành với [bị bôi đen] Cầu Chúa phù hộ ông ta [nói bằng tiếng Ả-rập], nhân danh cho [bị bôi đen].”

Mateen, người cuối cùng bị cảnh sát bắn chết, cũng đã gọi ba cuộc gọi điện thoại tới những người thương thuyết khủng hoảng, trong đó anh ta nói rằng thực hiện những vụ tấn công để đáp trả những vụ ném bom của Mỹ ở Syria và Iraq, theo nguồn tin từ giới chức FBI.

Bản ghi của FBI cho thấy tay súng đe dọa “trong những ngày tới, các người sẽ thấy thêm những hành động kiểu này xảy ra.” Anh ta cũng tuyên bố mình có mang bom, dù nhà chức trách không tìm thấy bom tại hiện trường.

“Trong lúc kẻ giết người đưa ra những phát biểu chết chóc này, hắn ta nói một cách đáng sợ, bình tĩnh và chậm rãi,” phát ngôn viên FBI Ron Hopper cho biết.

Những nhà điều tra vẫn chưa tìm thấy bằng chứng cho thấy Mateen được chỉ đạo bởi một tổ chức khủng bố nước ngoài. Nhưng ông Hopper cho biết cuộc điều tra có thể kéo dài “hàng tháng thậm chí hàng năm.”

Giới điều tra đang nỗ lực xác định động cơ hành động của Mateen.

Cha của Mateen cho biết con trai của ông ta trước đó đã bày tỏ thái độ ghê tởm khi nhìn thấy hai người đàn ông hôn nhau ở thành phố Miami hồi gần đây. Nhưng một số người quen Mateen nói rằng anh ta thường lui tới hộp đêm Pulse, nơi anh ta thực hiện vụ tấn công, và từng vào những website hẹn hò dành cho người đồng tính trên Internet.

Nhiều bản tin đã mô tả Mateen là người tâm thần bất ổn và giận dữ, và rằng anh ta thường xuyên đả kích những thành phần thiểu số và đánh vợ.

http://www.voatiengviet.com/a/fbi-cong-bo-ban-ghi-cuoc-goi-911-cua-tay-sung-orlando/3384399.html

 

Australia kêu gọi tăng cường an ninh ở Rio sau một vụ cướp

Ủy ban Olympic Australia đề nghị tăng cường bảo đảm an ninh tại Rio tiếp sau vụ một một vận động viên khuyết tật và nhà vật lý trị liệu của vận động viên này bị bọn cướp chỉa súng cướp của.

Trưởng đoàn Olympic Australia, bà Kitty Chiller nói: “Các nhà tổ chức Rio cần phải áp dụng thêm các biện pháp bảo vệ an ninh càng sớm càng tốt trước khi có một vận động viên nào bị hại.” Hôm nay chúng tôi đã gởi công văn yêu cầu họ phải giải quyết vấn đề này.”

Vận động viên khuyết tật Liesl Tesch đang chạy xe đạp cùng với nhà nhà vật lý trị liệu Sarah Ross trong một công viên ở Rio thì hai tên cướp áp đến, một tên chỉa súng đòi tiền. Khi hai phụ nữ này nói họ không có tiền, hai tên cướp đẩy họ té xuống đất và cướp đi xe đạp của họ.

Bà Tesch, 47 tuổi, là một vận động viên khuyết tật nổi tiếng, thi đấu môn bóng rổ xe lăn và thuyền buồm.

Tình hình tội phạm gia tăng tại Rio. Hồi đầu tháng này, một vận động viên bắn súng gần đạt chuẩn tham gia đội tuyển Olympic bị bắn vào đầu trong một vụ cướp có súng.

Thông báo của Ủy ban Olympic Australia nói: “Đây không phải là vụ duy nhất, nhiều vận động viên khi tập luyện hoặc thi đấu trong các cuộc tranh tài chuẩn bị ở Rio đã bị bọn cướp bóp cổ trấn lột. Chúng tôi muốn các vận động viên của chúng ta phải được bảo vệ.”

Ủy ban Tổ chức Rio đã hứa sẽ tăng cường an ninh trước Thế vận hội sẽ khai mạc vào ngày 5 tháng 8, và lực lượng bảo vệ an ninh sẽ tiếp tục nhiệm vụ cho Paralympic, khai mạc vào ngày 7 tháng 9.

http://www.voatiengviet.com/a/australia-keu-goi-tang-cuong-an-ninh-o-rio-sau-vu-cuop-bang-sung/3385363.html

 

Tấn công bằng bom xe gây chết người ở biên giới Jordan-Syria

Một giới chức quân sự Jordan cho hay một xe cài bom nổ ở biên giới giáp với Syria làm 6 binh sĩ Jordan thiệt mạng và 14 binh sĩ bị thương

Vụ nổ xảy ra tại khu vực Rukban, nơi hàng vạn người Syria chạy trốn chiến tranh đang tạm cư trong lúc tìm đường vào Jordan.

Chưa có phe nhóm nào tuyên bố đã thực hiện vụ tấn công. Quân đội Jordan nói rằng họ đã phá hủy nhiều chiếc xe cộ khác có dính líu, nhưng không cho biết rõ chi tiết.

Liên hiệp quốc đã nhận đăng ký hơn 650.000 người tị nạn ở Jordan. Jordan với dân số 8 triệu người đang là chỗ tạm trú cho nhiều người tị nạn hơn con số đăng ký này.

Và cũng giống như các nước khác giáp với Syria, Jordan đang phải chật vật đối phó với gánh nặng của quá nhiều người tị nạn.

Kêu gọi của Liên hiệp quốc xin thêm tiền cứu trợ được đáp ứng quá ít so với mục tiêu đề ra.

http://www.voatiengviet.com/a/tan-cong-bang-bom-xe-gay-chet-nguoi-o-bien-gioi-jordan-syria/3385321.html

 

Xã trưởng Ô Khảm ‘thú tội ăn hối lộ’

Người đứng đầu Ô Khảm, ngôi làng ở Quảng Đông, Trung Quốc đã có cuộc nổi dậy hồi 2011 đuổi quan chức tham nhũng địa phương, đã xuất hiện trên truyền hình và nhận tội ăn hối lộ.

Ông Lâm Tố Luyến, người được dân làng bầu làm xã trưởng sau các kỳ bỏ phiếu dân chủ, đã bị bắt hôm thứ Bảy.

Hình ảnh phát trên truyền hình quốc gia hôm thứ Ba cho thấy ông đọc một tuyên bố, nhưng một số người dân nói rằng đó là màn cưỡng ép.

Ngôi làng Ô Khảm nổi tiếng sau đợt nổi dậy hồi 2011, phản đối tình trạng thu hồi đất trái phép.

Sau khi ông Lâm bị bắt, dân làng đã có nhiều cuộc biểu tình phản đối, và hàng trăm cảnh sát chống bạo động có vũ trang đã được triển khai tới nơi.

‘Ông ấy vô tội’

Ông Lâm bị bắt vài ngày sau khi ông kêu gọi người dân tiếp tục biểu tình phản đối tình trạng thu hồi đất đai, điều mà dân địa phương nói là vẫn chưa được giải quyết xong.

Trong đoạn video hôm thứ Ba, ông mặc chiếc áo sơ mi kẻ ca-rô và ngồi trước mặt hai người không rõ danh tính trong căn phòng kín.

Ông nói ông đã nhận tiền để đổi lấy các hợp đồng chính phủ, và gọi đó là “hành động phạm tội lớn nhất” của mình.

Vợ ông Lâm, bà Dương Chấn nói bà tin rằng lời nhận tội là do ép buộc, hãng tin Reuters đưa tin.

“Điều này nhằm lừa dối mọi người,” bà nói. “Ông ấy vô tội.”

Giới chức Trung Quốc thường công bố các đoạn video trên truyền hình quốc gia cảnh các nghi phạm thừa nhận tội trạng, điều mà các nhà hoạt động nhân quyền nói là những lời nhận tội cưỡng bức.

Hồi 2012, lần đầu tiên trong lịch sử nhiều năm qua tại quốc gia cộng sản đông dân nhất thế giới, Ô Khảm, một làng quê đông dân đã hoàn toàn tự quản và đuổi hết quan chức và công an địa phương.

Họ phẫn nộ và tổ chức tuần hành tập thể từ 12/12/2011 vì một người đại diện, ông Tiết Cẩm Ba đã chết trong lúc bị công an bắt.

Người dân làng thì cho rằng quan chức chính quyền địa phương chiếm đất của họ rồi bán kiếm lời mà không bồi thường đúng mức.

Họ cũng tin rằng ông Tiết bị công an giết còn nhà chức trách cho là ông “chết bệnh”.

Sau cuộc bao vây của công an khiến người dân thiếu lương thực, chính quyền đã đàm phán để gỡ ngòi cho cuộc xung đột vốn xuất phát từ tranh chấp đất.

Ông Lâm Tố Luyến khi đó được bầu lên làm chủ tịch xã.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/06/160620_wukan_chief_confession

 

Nhân viên ngân hàng TQ ‘bị quất vào mông’

Đoạn video được đăng tải trên mạng cho thấy nhân viên một ngân hàng Trung Quốc bị đánh đòn do làm việc không tốt đang làm dấy lên sự tức giận.

Đoạn video, đầu tiên là do Nhân dân Nhật báo đăng lên, có cảnh một người đàn ông hỏi tám nhân viên đứng trên bục sân khấu vì sao họ không “nỗ lực hết mình” trong lúc tập huấn.

Các nhân viên lần lượt trả lời, trong đó có người nói “đã không đạt được bước đột phá cá nhân”.

Người đàn ông đặt câu hỏi sau đó nói “hãy chuẩn bị mông đi” rồi dùng một vật trông giống như đoạn gỗ dày quất vào mông các nhân viên.

Vụ việc xảy ra tại Ngân hàng Nông thương ở Trường Trị, bắc Trung Quốc, Nhân dân Nhật báo nói.

Thời báo Bắc Kinh nói hai quan chức của một ngân hàng Trung Quốc đã bị tạm đình chỉ công tác.

Đoạn video, lần đầu tiên được đưa ra hôm thứ Hai, có vẻ như do một người ngồi bên dưới quay lại bằng điện thoại.

Những gì được ghi lại cho thấy các nhân viên đã bị quất ít nhất bốn lần, và có một phụ nữ luôn giật bắn mình với vẻ đau đớn mỗi khi bị đánh.

Người tập huấn khóa học, mà các tường thuật nói chính là người đánh những người được tập huấn, sau đó đã công khai xin lỗi, báo South China Morning Post đưa tin.

Tuy nhiên, những người xem đoạn video trên mạng đã tỏ ý tức giận về các đối xử đối với nhân viên.

“Khi xem lần đầu, tôi đã nghĩ đó là một trò gây sốc rẻ tiền để tạo sự nổi tiếng của ngân hàng, nhưng tôi không thể tin rằng đây là điều xảy ra trong thực tế,” một người dùng Weibo nói.

“Hoàn toàn là sự xuống cấp, thật kinh tởm khi xem. Đâu là những giá trị của người giữ vai trò lãnh đạo?”

Những người khác kêu gọi phải phạt nặng ngân hàng này.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/06/160620_china_bank_staff_spanked

 

Nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ bị buộc tội ‘khủng bố’

Một tòa án ở Thổ Nhĩ Kỳ buộc tội “tuyên truyền khủng bố” đối với ba người, trong đó có một đại diện của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF).

Họ ra lệnh bắt giữ người đại diện RSF Erol Onderoglu, nhà báo Ahmet Nesin và học giả Sebnem Korur Fincanci.

RSF cho hay rằng đó là “sự hạ thấp không thể tin được về tự do báo chí ở Thổ Nhĩ Kỳ”.

Các vụ bắt giữ diễn ra dù EU gây sức ép với Ankara để ngăn việc truy tố học giả và các nhà báo.

Ba người này được ghi nhận tham gia chiến dịch kêu gọi đoàn kết trợ giúp Ozgur Gundem, một tờ báo ủng hộ người Kurd.

Báo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết những người này từng đóng vai trò tổng biên tập báo này trong một ngày.

“Đây là một ngày đen tối khác cho tự do báo chí ở Thổ Nhĩ Kỳ,” Johann Bihr, trưởng khu vực Đông Âu và Trung Á của RSF cho biết.

Ông Onderoglu bị bắt vì ba bài báo về hoạt động an ninh tại khu vực người Kurd và thuật lại chuyện đấu đá nội bộ trong lực lượng an ninh, ông Bihr nói.

Ông mô tả ông Onderoglu, người đã làm việc cho RSF hai thập kỷ, là “nạn nhân của sự lạm quyền mà ông luôn lên án”.

Học giả Sebnem Korur Financi là chủ tịch của Quỹ Nhân quyền Thổ Nhĩ Kỳ, và Ahmet Nesin là nhà báo nổi tiếng.

RSF xếp Thổ Nhĩ Kỳ hạng 151/180 quốc gia mới nhất theo World Press Freedom Index (Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới) 2016.

Các nhà hoạt động tự do báo chí cảnh báo rằng tự do ngôn luận suy giảm đáng kể thời gian gần đây, và các vụ kiện chống lại nhà báo, học giả đang ngày càng phổ biến.

Tháng 5/2016, tòa án Thổ Nhĩ Kỳ kết án tù hai nhà báo vì tội tiết lộ bí mật nhà nước, dù bị các nhà quan sát quốc tế chỉ trích.

Can Dundar và Erdem Gul, biên tập viên và trưởng văn phòng Ankara của nhật báo đối lập Cumhuriyet, viết bài rằng Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách vận chuyển vũ khí cho quân nổi dậy chống chính phủ Syria.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/06/160621_turkey_press_freedom_activists

 

Lễ hội thịt chó TQ diễn ra dù bị chỉ trích

Lễ hội thịt chó Ngọc Lâm bắt đầu ở Quảng Tây, Trung Quốc trong bối cảnh có nhiều chỉ trích trong nước và quốc tế.

Khoảng 10.000 con chó và mèo theo kế hoạch sẽ bị giết và ăn thịt trong lễ hội dài 10 ngày gây tranh cãi.

Các nhà hoạt động nói rằng sự kiện này độc ác, và năm nay, một thỉnh nguyện thư kêu gọi cấm tổ chức lễ hội thu được 11 triệu chữ ký.

Chính quyền địa phương cho biết lễ hội không nhận được sự ủng hộ chính thức mà do doanh nghiệp tư nhân tổ chức.

Tại sự kiện, những người tham dự sẽ ăn thử lẩu thịt chó, nước quả vải và uống rượu địa phương.

Việc ăn thịt chó có từ 500 năm trước ở Trung Quốc, Nam Hàn và các nước khác, nơi mà nhiều người tin rằng thịt chó giúp làm giảm nhiệt trong những tháng hè.

Tuy nhiên, lễ hội Ngọc Lâm, tổ chức trong ngày hạ chí chỉ mới bắt đầu những năm gần đây.

Người dân và người bán thịt chó tại Ngọc Lâm nói rằng những con chó bị giết một cách nhân đạo. Nhưng các nhà quan sát nói rằng chúng bị giết dã man và công khai, và đôi khi bị đánh đến chết hoặc nấu trong khi vẫn còn sống.

Trước lễ hội, chó thường được giữ trong lồng nhỏ, chật chội. Một số hình ảnh cho thấy chúng còn đeo vòng cổ nên có thể là thú cưng bị đánh cắp.

‘Thành viên trong gia đình’

Nhiều con chó được vận chuyển từ các thành phố khác đến trong xe tải chật chội và mất vệ sinh khiến bệnh tật của chúng lây lan. Theo một nhóm hoạt động, những con chó không được cho ăn và uống trong suốt chuyến đi.

Việc bán thịt chó là hợp pháp ở Trung Quốc, ước tính 10 triệu con chó bị giết lấy thịt mỗi năm.

Lễ hội thịt chó Ngọc Lâm là niềm tự hào đối với nhiều người dân địa phương, nhiều nhà hàng phục vụ món này và nhiều người tới đây để tham gia sự kiện. Nhưng sự kiện ngày càng bị chỉ trích sau mỗi năm.

Một cuộc thăm dò được Tân Hoa Xã công bố tuần này cho thấy, 64% người trong độ tuổi 16-50 ủng hộ ngưng tổ chức lễ hội vĩnh viễn.

“Thật đáng xấu hổ cho chúng ta khi để thế giới nghĩ sai rằng Lễ hội thịt chó Ngọc Lâm tàn nhẫn độc ác là một phần của văn hóa Trung Quốc,” Qin Xiaona, giám đốc Hội Phúc lợi động vật nói.

Nhiều nhóm hoạt động đang nỗ lực giải cứu những con chó khỏi các lò giết mổ địa phương.

Trên mạng xã hội Sina Weibo của Trung Quốc, đa số cư dân mạng lên tiếng phản đối. Một blogger nói rằng con chó của ông ấy là “thành viên trong gia đình chứ không phải là thực phẩm”.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/06/160621_yulin_dog_meat_festival

 

London là thành phố kỳ thú nhất thế giới?

Dylan Jones

Nhiều người nghĩ thời hoàng kim của thủ đô nước Anh đã qua rồi. Nhưng bây giờ nó không chỉ kỳ thú hơn ngày xưa mà nó còn là thành phố kỳ thú nhất thế giới, Dylan Jones viết.

Những sách kỷ niệm về London ở những thời điểm đặc biệt đã được bán tràn lan. Cách đây vài năm Bill Bryson viết hẳn một cuốn về năm 1927; chỉ mới tháng trước David Hepworth viết về trường hợp tuyệt vời của năm 1971 là năm thần thánh của nhạc pop hậu chiến. Chẳng bao lâu nữa sẽ ra cuốn sách dày, bìa cứng, nói về từng năm của thế kỷ 20.

Có một năm liên tục được tán dương, đặc biệt trong lịch sử London, là năm 1966. Năm 2003 Shaun Levy viết cuốn “Chuẩn bị, Sẵn sàng, Xuất phát! Việc lên cao và xuống dốc của London”, sau đó năm 2015 chuyên gia văn thư Jon Savage viết cuốn có đầu đề nôm na hơn “1966”. Cuốn này khẳng định, lại một lần nữa, năm 1966 là năm mà London ở đỉnh điểm của sáng tạo.

Và nếu không phải năm 1966 là năm London ở đỉnh cao về văn hoá và thời trang thì sẽ là năm 1977, năm của nhạc rock hạng nặng của London. Hoặc cũng có thể là giữa những năm 90 khi mà Britpop và nhóm YBAs ngự trị thành phố.

Nhưng những đề xuất đó là sai. London ngày nay sôi nổi lý thú hơn mọi thời gian trước đây.

Giữa những năm 60 có thể là thời kỳ mà London thành nơi hành hương đối với du khách Mỹ và là biểu tượng quốc tế của bùng nổ văn hoá. Nó có thể là thời kỳ của các nhóm Beatles, Rolling Stones, Kings Road, Carnaby Street, ‘dolly birds’ và các hộp đêm như Ad Lib.

Thực tế tất cả những thời kỳ đó là mờ nhạt nếu so với London như ngày nay. London không chỉ là thành phố lớn và năng động nhất thế giới mà bản thân nó chưa bao giờ tốt hơn lúc này.

So sánh như vậy có thể làm mất vui và có thể gây ác cảm, đưa London vào thế đối đầu với với những thành phố sang trọng khác như New York, Milan hoặc Paris (một tấn lông vũ và một tấn vàng, cái nào nặng hơn?), nhưng ngay lúc này, không có một thành phố nào trên thế giới giống như London.

Việc nâng cấp xây dựng cho thành phố làm cho nó ngày nay là nơi người ta khó có thể có đủ tiền để mua nhà hơn nhiều so với thời gian trước đây.

Nhưng ưu điểm của việc thay đổi tài chính của London làm cho thành phố ngày nay không chỉ là trung tâm kinh tế của Châu Âu mà còn là một kỳ quan kiến trúc và nghệ thuật.

Ở London có nhiều tòa nhà công sở hơn bất cứ thành phố nào khác trên thế giới trừ ở Trung Quốc.

Điều này làm nó trở nên một điển hình của sự sáng tạo thành phố: là đầu mối giao thoa tiền tệ và văn hoá nên nó có những phòng triển lãm nghệ thuật quan trọng nhất thế giới cũng như hội chợ (Frieze) quan trọng nhất.

Trước đây 30 năm khó có thể tìm thấy một món thịt nướng ngon ở thành phố, gần như không thể có được một bữa tối ngon, thì nay London đã vượt xa mọi thành phố khác về số lượng các cửa hàng ăn hạng nhất.

Trong khi London có thể còn đứng sau Paris và New York về loại nhà hàng được gắn sao Michelin, cái cách đánh giá nhà hàng kiểu này là cổ xưa rồi, và nếu bạn muốn tìm sự sáng tạo và tinh tế, xin cứ tới London.

Chính quyền thành phố cũng hỗ trợ nuôi dưỡng quan hệ thiết yếu giữa nghệ thuật và thương mại, khuyến khích phát triển những nơi như quận Shoreditch ở đông London hiện đại và kiểu cách, và khu Tech City. Sự phát triển những khu như thế không phải là ngẫu nhiên; đó là nhờ ở cơ sở hạ tầng, giáo dục và quy hoạch.

Việc này được dễ dàng hơn sau năm 2000, năm mà lãnh đạo thành phố, tận tâm và độc đáo, được hình thành; trước đó nó là 33 khu quận rời rạc, mỗi quận có một thị trưởng riêng.

London sẽ không bao giờ chiến thắng Olympics 2012 nếu không có một thị trưởng London. Làm sao mà 33 khu quận có thể thống nhất một đề xuất cho Hội Đồng Olympic Quốc Tế?

Thế giới thời trang cũng là một thí dụ về sự bùng nổ của London. Xa xưa thường người ta cho rằng Paris, hoặc có thể là Milan, là trung tâm của công nghiệp thời trang của Châu Âu, trong khi phía bờ bên kia của Đại Tây Dương là New York.

Nhưng không, ngày nay London là thành phố thời trang nhất thế giới (đấy, cứ thử hỏi những ai hiểu biết nhất, ngay cả những người ở Manhattan) và kể từ khi Hội Đồng Thời Trang Anh đã có những cố gắng phi thường thì London đã có những tuần thời trang khởi sắc nhất trên thế giới cho nam và nữ. (Xin tiết lộ tôi là chủ tịch của Thời Trang Nam Giới London).

Hiện sự đa dạng thời trang ở London (từ kiểu cách đường phố đến hàng cao cấp) thì không một thành phố nào khác có thể sánh kịp.

Điều này đã được chứng minh trong việc đảo chiều ở một câu chuyện quen thuộc về bất kỳ nhà thiết kế thời trang trẻ và tài ba nào: Sau khi đã có tên tuổi ở London (một thời có nghe nói) họ sẽ được các tổng công ty thời trang quốc tế lớn chộp lấy và chuyển ngay tới Milan hoặc Paris, ở đó sự sáng tạo mang chất Anh sẽ được chỉnh đốn, khai thác và bán ngược trở lại cho Anh.

Không còn vậy nữa đâu. Ngày nay những nhà thiết kế trẻ ở lại London, được sự hỗ trợ ở London, và khuyến khích những người có tiếng tăm đến đây hơn là nơi khác.

Nói cho cùng, nếu bạn quyết định trưng bày thời trang của bạn ở Milan thì khác gì bạn trưng bày thời trang ở một thành phố xấu nhất phía Bắc Châu Âu nhưng không ở Đức.

Nếu bạn quyết định trưng bày thời trang của bạn ở Paris thì khác gì bạn trưng bày thời trang ở thành phố công thức nhất Châu Âu.

Còn nếu bạn muốn trưng bày thời trang của bạn ở New York thì khác gì bạn trưng bày thời trang ở thành phố loạn thần kinh nhất thế giới.

Không, London chính là nơi để trưng bày.

Cũng còn cả chủ nghĩa đa văn hoá của Anh nữa. 37% người London không sinh ra ở Anh, so với New York là 36%, mười năm trước thì New York cao hơn 10%.

Xã hội Anh dễ thay đổi, nó là một nồi nấu chảy đủ thứ, nam lẫn nữ.

London là một thí dụ lớn về nhập cư thành công, và người ta ngày càng cảm thấy London không thể không có nó. Nếu bạn đi dạo ở nơi tôi ở, ở khu có địa chỉ bưu tín (postcode) W2, gần công viên Hyde, bạn có thể đi dọc phố và không thấy người ta nói tiếng Anh suốt buổi sáng. Và nếu rồi bạn nghe thấy, thì nó là tiếng Anh cổ lỗ từ thời nào.

Tất nhiên London không phải Xanadu.

Những khó khăn của nó không khác gì những khó khăn cố hữu ở bất kỳ thủ đô hiện đại không ngừng mở rộng.

Nhiều nơi của thành phố chắc chắn đã trở nên bị chia cắt hơn cả những năm 80 khi mà những tòa tháp hợp khối của kính và thép mọc lên giữa các khu nhà ổ chuột gần xưởng đóng tàu. Sự không hài hòa này làm nhiều người bất bình, trong khi những tháp tròn xi lô xuất hiện ở những nơi không nên nhất.

Khó khăn vẫn cứ đến và ta vẫn cứ phát triển. Điều đó làm tôi nghĩ là có thể chúng ta biến London thành một nhà nước thành phố, hoặc một thành quách.

Không phải để giữ dân ở ngoài, không phải để giữ dân ở trong, nhưng để tôn vinh cái thực tế là London xứng đáng được thừa nhận là thành phố quan trọng nhất thế giới.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture

http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2016/06/160622_move-over-new-york-why-london-is-the-worlds-greatest-city_vert_cul

 

CIO : Điền kinh Nga bị cấm cửa Thế vận Rio

Tú Anh

Ủy ban Thế Vận Quốc Tế trong cuộc họp « Thượng đỉnh Olympic » ngày 21/06/2016 tuyên bố ủng hộ quyết định triển hạn lệnh cấm vận động viên điền kinh Nga tham gia các trận đấu quốc tế vì dùng thuốc tăng lực. Nói khác đi là trong mùa Thế Vận Rio 2016, hàng ngũ lực sĩ điền kinh Nga sẽ thưa thớt.

Trong cuộc họp tại Lausanne, Thụy Sĩ ngày hôm nay, Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế CIO biểu quyết và thông qua hai quyết định quan trọng.

Một là « theo dõi nghiêm nhặt » giới lực sĩ điền kinh của hai nước thành viên là Nga và Kenya ( châu Phi ).

Theo chủ tịch CIO, Thomas Bach, có lý do chính đáng để nghi ngờ điều gọi là « suy đoán vô tội » của các vận động viên điền kinh của hai nước Nga và Kenya. Do vậy, để được phép tranh tài tại Thế Vận Hội Rio, « các vận động viên » của hai nước kể trên phải được sự chấp thuận của các « liên đoàn thể thao quốc tế liên hệ ».

Theo AFP, tuyên bố này có nghĩa là « tất cả các bộ môn thể thao đều bị kiểm sóat chặt chẽ không riêng gì điền kinh » cho dù chủ tịch CIO không gọi tên từng bộ môn.

Liên đoàn Điền kinh Quốc tế IAAF đã quyết định tiếp tục cấm vận động viên điền kinh của Nga.

Trong tinh thần này, CIO thông báo quyết định thứ hai là ủng hộ quan điểm của IAAF đối với bộ môn điền kinh Nga.

Tuy nhiên, CIO không để cho Nga bị mất danh dự. Các vận động viên điền kinh không phạm lỗi dùng thuốc doping và được IAAF chấp thuận tham gia Thế Vận Rio dưới màu cờ của nước Nga chứ không diễn hành dưới lá cờ Thế Vận như đại diện người tị nạn Syria.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160621-cio-van-dong-vien-dien-kinh-nga-bi-cam-cua-the-van-rio

 

Philippines, Malaysia và Indonesia hợp tác kiểm soát an ninh trên biển

Trọng Thành

Hôm qua, 20/06/2016, bộ trưởng Quốc Phòng ba nước ASEAN, Philippines, Malaysia và Indonesia, thỏa thuận sẽ tăng cường các hợp tác, kể cả tuần tra trên không và trên biển, để ngăn chặn nạn bắt cóc và tấn công tàu thuyền tại hai vùng biển Sulu và Sulawesi, nằm giữa ba nước. Lực lượng Hồi Giáo vũ trang Abu Sayyaf là bị cáo buộc là thủ phạm chính.

Theo AP, một tuyên bố chung về vấn đề này đã được ba bên thông qua trong cuộc họp tại Manila. Theo bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Voltaire Gazmin, ngoài các hoạt động phối hợp tuần tra, ba bên cũng có kế hoạch xây dựng một cơ sở dữ liệu chung về các nhóm cực đoan, cũng như thiết lập một số sở chỉ huy để điều phối các hoạt động quân sự phối hợp tại khu vực này. Bộ trưởng Philippines nhấn mạnh đến mô hình chống hải tặc thành công tại vùng eo biển Malacca giữa bốn quốc gia Đông Nam Á, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Singapore.

Theo bộ trưởng Quốc Phòng Philippines, thỏa thuận chính thức về an ninh trên biển này sẽ chỉ được ký kết sau khi tổng thống Rodrigo Duterte nhậm chức, ngày 30/06. Để tổ chức được các hợp tác tăng cường an ninh trên biển, ba quốc gia Đông Nam Á còn phải giải quyết một số bất đồng về chủ quyền tại khu vực này.

Việc ba quốc gia Đông Nam Á quyết định tăng cường hợp tác kiểm soát an ninh trên biển diễn ra sau một loạt các vụ tấn công đẫm máu, bắt cóc tống tiền của nhóm vũ trang Abu Sayyaf, có cơ sở tại miền nam Philippines. Abu Sayyaf bị Liên Hiệp Quốc đưa vào danh sách các tổ chức khủng bố. Hiện tại, lực lượng này vẫn còn cầm giữ ít nhất năm con tin, trong đó có một người Na Uy, một phụ nữ Philippines và một nhà khoa học Hà Lan, bị bắt cách nay hơn ba năm.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160621-philippines-malaysia-va-indonesia-hop-tac-kiem-soat-an-ninh-tren-bien

 

Brexit : Nga bị thiệt hại nếu Anh Quốc rời Liên Hiệp Châu Âu

Tú Anh

Vào lúc Liên Hiệp Châu Âu bối rối chưa biết làm gì nếu vào ngày 23/06, đa số dân Anh quyết định đi ra thì điện Kremlin giữ thái độ im lặng. Tổng thống Putin từ chối bình luận về Brexit. Thủ tướng Anh cho là Nga sẽ có lợi trong khi một chuyên gia quan hệ quốc tế thân chế độ liệt kê một loạt thiệt hại cho nước Nga.

Chỉ còn hai ngày nữa là cử tri Anh bỏ lá thăm định mệnh. Nhà tỷ phú đầu cơ nổi tiếng của Mỹ là George Soros dự báo « một ngày thứ Sáu đen », đồng bảng Anh mất giá và sẽ kéo theo khủng hoảng địa ốc, mất công ăn việc làm đưa đến suy thóai kinh tế sau ngày thứ năm 23/06.

Câu hỏi đặt ra là nuớc Nga của tổng thống Putin có thật sự « đắc lợi » nếu Liên Hiệp Châu Âu mất thành viên Anh ?

Cho đến hôm nay, giới lãnh đạo Nga lẫn báo chí chính thức đều tránh bàn luận về Brexit. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là Maxcơva không quan tâm đến hệ quả của cuộc trưng cầu dân ý tại Anh. Ngày 05/04/2016, bà Andrey Sushentsov, chủ tịch câu lạc bộ nghiên cứu chính trị Valdai, thân cận của điện Kremlin và cũng là giáo sư của Viện Quan hệ Quốc tế Matxcơva phổ biến một bài phân tích dài. Trong bài, Andrey Sushentsov khẳng định nếu Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu thì kinh tế Nga sẽ bị tác hại nặng nề trên nhiều lãnh vực.

Trước hết, do đầu tư của Nga tập trung chủ yếu ở nước Anh và gắn chặt với Liên Hiệp Châu Âu. Trong nhiều thập niên, Liên Hiệp Châu Âu là bạn hàng chính của Nga trên thế giới.Theo số liệu của năm 2015, Nga xuất khẩu sang Liên Hiệp Châu Âu 249 tỉ đôla hàng hóa (46% ngoại thương của Nga). Trữ lượng vàng và ngoại tệ của Nga hiện nay lên đến 360 tỉ đôla . Phần lớn (80%) ký thác ở ngân hàng ngoại quốc và hơn 40% trữ lượng này tính theo trị giá euro.

Một cuộc động đất kinh tế tại Châu Âu sẽ gây tác hại vừa trực tiếp vừa gián tiếp cho Nga. Khi Anh ra đi, hai bạn hàng chính còn lại của Nga trong Liên Hiệp Châu Âu là Hà Lan và đảo Chypre. Brexit có thể gây ra một cuộc chiến tranh thương mại giữa Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu với hệ quả là làm tiên tan tiền đầu tư của Nga ở ba đối tác quan trọng này.Vào đầu năm 2014, đầu tư (và cất giấu) của Nga đổ vào Anh 9 tỉ đô la, thiên đường thuế Virgo 60 tỉ, đảo Chypre 20 tỉ và Hà Lan 19 tỉ đôla. Matxcơva không quên đã phải cứu đảo Chypre 2,5 tỉ đôla trong cuộc khủng hoảng tài chính 2010 để bảo vệ tài sản của chính mình không bị khánh tận.

Một khi Anh Quốc ra đi thì liệu khối trữ lượng vàng và ngoại tệ của Nga để ở châu Âu ra sao ? Theo tác giả bài phân tích thì Luân Đôn khó có thể mất tính hấp dẫn của một trung tâm tài chính thế giới nhưng phải dự phòng thời thế đổi thay. Các tập đoàn Nga như Gazprom, Rosneft, Lukoil, Tatneft, Megafon, Rusagro đã bắt đầu bán đi cổ phần trên sàn giao dịch Luân Đôn từ thập niên 1990 và có xu hướng tìm về châu Á.

Trong tương quan địa chính trị, Brexit sẽ tác động đến chính sách đối ngoại của Matxcơva. Thứ nhất, theo phân tích của Andrey Sushentsov thì hình ảnh Brexit, Anh bỏ Liên Hiệp Châu Âu sẽ làm mô hình dự án « Liên hiệp Kinh tế Á-Âu » của tổng thống Putin mất sinh khí. Thứ hai, một khi Anh Quốc ra đi, Liên Hiệp Châu Âu có thể biến thành một khối do Đức lãnh đạo, hòa thuận với Nga nhưng lợi bất cập hại: Anh Quốc không đứng một mình mà sẽ hợp lực với Mỹ và liên kết với những nước Đông Âu cũ thành một khối mới chống Nga quyết liệt hơn.

Nga đứng trước tương lai bất định nếu dân Anh chọn Brexit.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160621-brexit-nga-bi-thiet-hai-neu-anh-quoc-roi-lien-hiep-chau-au-0

 

Syria : quân đội thất thế trước quân thánh chiến

Thùy Dương

Thứ Hai ngày 21/06/16, Đài quan sát nhân quyền Syria cho biết, lực lượng Nhà nước Hồi giáo đã đảo ngược tình thế, đẩy lùi quân ủng hộ chính phủ ra khỏi tỉnh Raqa, sau một đợt phản công trong vòng 24 giờ khiến nhiều người thiệt mạng. Lực lượng thân Damas đã phải rút về tỉnh Hama.

Tỉnh Raqa nằm ở phía bắc Syria. Ngày 03/06/16, các lực lượng ủng hộ chính quyền Syria, với sự trợ giúp của không quân Nga, đồng minh của Damas, đã tiến hành chiến dịch tấn công nhằm chiếm lại thị trấn Tabqa thuộc tỉnh Raqa nằm trong tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo – Daech.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2014 quân đội chính phủ tiến được vào tỉnh Raqa. Việc kiểm soát được thị trấn Tabqa sẽ cho phép quân đội cắt đứt tuyến đường tiếp viện của Daech.

Đối mặt với sức tấn công mạnh mẽ của lực lượng quân sự thân chính phủ, Daech đã phản công và điều thêm 300 tay súng đến bảo vệ thành phố Raqa mà Daech đã chiếm được năm 2014.

Theo Đài quan sát nhân quyền Syria, cuộc phản công của Daech đã khiến hơn 40 binh sĩ thuộc lực lượng thân Damas và 21 tay súng Hồi giáo cực đoan thiệt mạng.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160621-syria-quan-doi-that-the-truoc-luc-luong-hoi-giao-cuc-doan

 

Vụ mất tích: Lãnh đạo Hồng Kông chất vấn Bắc Kinh

Trọng Thành

Hôm nay, 21/06/2016, lãnh đạo Hồng Kông cho biết đã gửi thư yêu cầu chính quyền Trung Quốc làm sáng tỏ việc các nhân viên nhà sách bị bắt. Ông Lương Chấn Anh (Leung Chun Ying) đã quyết định gửi thư sau khi xảy ra vụ việc gây chấn động tuần trước: Một nhân viên nhà sách từ Hoa lục trở về đã tiết lộ nhiều tình tiết về việc ông bị giam cầm tại Trung Quốc.

Theo AFP, ông Lương Chấn Anh tuyên bố đã gửi thư thể hiện các lo ngại của dân chúng đặc khu về các thể thức bắt giữ và điều kiện giam giữ năm nhân viên nhà sách. Lãnh đạo Hồng Kông yêu cầu Bắc Kinh minh bạch cách hành xử của nhà chức trách Trung Quốc trong trường hợp người Hồng Kông vi phạm luật Trung Quốc, và đặt câu hỏi liệu “vụ việc này có xâm phạm đến nguyên tắc một quốc gia, hai chế độ, và Luật Cơ Bản (được coi như Hiến pháp Hồng Kông) bảo đảm các quyền tự do của người Hồng Kông”, đặc biệt là tự do ngôn luận, tự do xuất bản, và quyền được bảo đảm về an ninh.

Phản ứng của ông Lương Chấn Anh bị nhiều nghị sĩ dân chủ đánh giá là hết sức yếu ớt. Nữ nghị sĩ đảng Công Dân Mao Mạnh Tĩnh (Claudia Mo) thậm chí coi bức thư này là “đáng khinh bỉ”. Trả lời AFP, bà nói : “Rõ ràng là ông Lương đã hết sức sợ hãi khi phải nói rõ về vấn đề này với chính quyền Trung Quốc. Rõ ràng là ông ta đã cố gắng để khiến cho ông chủ (Bắc Kinh) không phải bối rối”.

Hôm thứ Năm tuần trước, ông Lam Wing Kee – một trong năm nhân viên nhà sách “mất tích”hồi cuối 2015 – đã kể lại với công chúng về thời gian 8 tháng bị giam giữ tại Trung Quốc, khi ông liên tục bị thẩm vấn và không được quyền mời luật sư. Ông cũng bị ép phải đọc lời thú tội trên truyền hình, theo một kịch bản do chính quyền dàn dựng. Ông Lam Wing Kee bị bắt khi trên đường từ Hồng Kông sang Thẩm Quyến (Quảng Đông).

Lam Wing Kee và bốn người “mất tích” làm việc cho “Might Current”, một nhà xuất bản nổi tiếng về các ấn phẩm nói về đời tư của các lãnh đạo Trung Quốc, cũng như các bí mật cung đình của chế độ cộng sản. Các vụ bắt cóc nói trên từng bị cộng đồng quốc tế lên án dữ dội. Hiện tại, bốn trong số năm người bị bắt cóc đã được trả tự do.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160621-vu-nhan-vien-nha-sach-lanh-dao-hong-kong-chat-van-bac-kinh

 

Quân đội Nhật báo động đề phòng tên lửa Bắc Triều Tiên

Tú Anh

Bình Nhưỡng chuẩn bị phóng tên lửa tầm trung có tầm bắn 4.000 km. Tin này do truyền thông Hàn Quốc và Nhật Bản loan tải vào hôm nay 21/06/2016. Tokyo đặt quân đội trong tình trạng báo động và ra lệnh cho các đơn vị phòng không bắn hạ mọi phi đạn trước khi bay đến lãnh thổ.

Yonhap và Kyodo trích nguồn tin chính phủ hai nước cho biết, Bắc Triều Tiên đang đưa hỏa tiễn Musudan ra bờ biển phía đông có lẽ chuẩn bị thử nghiệm lần thứ năm. Tuy được phô trương trong cuộc diễn binh vào năm 2010 nhưng chưa bao giờ Musudan rời dàn phóng thành công .

Từ đầu năm đến nay, Bình Nhưỡng bốn lần phóng thử loại tên lửa có tầm bắn từ 2.500 đến 4.000 km nhưng đều thất bại. Với tầm bắn này, Musudan có thể bay đến đảo Guam, căn cứ không quân và hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương.

Nguồn tin ẩn danh từ bộ Quốc Phòng Hàn Quốc và Nhật Bản đều cho là đã phát hiện Bình Nhưỡng đang chuẩn bị.
Kyodo cho biết thêm là quân đội Nhật Bản đã được đặt trong tình trạng báo động. Các chiến hạm trang bị hệ thống ngăn chận tên lửa và các dàn hỏa tiễn chống hỏa tiễn Patriot được lệnh sẵn sàng « bắn hạ » tên lửa Bắc Triều Tiên bay về hướng Nhật Bản.

Theo giới tình báo Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên có khoảng 30 tên lửa tầm trung Musudan chế tạo từ năm 2007 nhưng chưa bao giờ phóng thử trước năm 2016. Chính phủ Seoul từ chối xác nhận thông tin báo chí, nhưng cho biết theo dõi chặt chẽ động thái của Bình Nhưỡng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160621-quan-doi-nhat-bao-dong-de-phong-ten-lua-bac-trieu-tien

 

Bảo tàng nghệ thuật nguyên thủy Paris Quai Branly tròn 10 tuổi

Thanh Hà

Kỷ niệm 10 năm đi vào hoạt động, bảo tàng Quai Branly khai mạc triển lãm « Jacques Chirac và đối thoại giữa các nền văn hóa ». Để ghi công cựu tổng thống Pháp, người đã có sáng kiến người đã thành lập một viện bảo tàng dành riêng cho nghệ thuật nguyên thủy, Musée du Quai Branly đổi tên thành Bảo tàng Quai Branly – Jacques Chirac.

Được khánh thành cách nay đúng 10 năm, bảo tàng ở Quai Branly là nơi dành riêng cho các nền nghệ thuật nguyên thủy của châu Phi, châu Đại Dương và châu Mỹ. Đây là một dự án được cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac ủng hộ từ năm 1995. Tòa nhà của viện bảo tàng do kiến trúc sư Jean Novel thiết kế.

Hiện tại bảo tàng Quai Branly là nơi tập hợp khoảng 325.000 tài liệu, cổ vật, tư liệu ảnh…, được chuyển về từ bảo tàng Musée de l’Homme và bảo tàng Nghệ Thuật Châu Phi và Châu Đại Dương. Ban tổ chức ban đầu dự trù đón 800.000 khách tham quan một năm, nhưng thành công của bảo tàng Quai Branly đã vượt ngoài mong đợi. Trung bình hàng năm, bảo tàng nghệ thuật nguyên thủy duy nhất tại Paris nằm bên bờ sông Seine này thu hút chú ý của hơn 1.300.000 người vào xem triển lãm.

77% ngân sách của bảo tàng Quai Branly do Nhà nước tài trợ và với 54 triệu euro, ngân sách của Musée du Quai Branly chỉ bằng 25% so với của viện bảo tàng Louvre.

Đến tham quan quần thể này, ngoài các gian trưng bày, triển lãm về nghệ thuật nguyên thủy của nhân loại, khách tham quan còn thích thú với khu trưng bày trong một tòa tháp cao đến 24 thước, dành riêng để triển lãm 10.000 nhạc cụ khác nhau trên thế giới.

Ngoài tòa nhà chính, khu vườn bao quanh trải rộng trên một diện tích hơn 17.000 mét vuông, với hơn 150 loài kỳ hoa dị thảo khác nhau cũng là một kỳ quan ngay giữa lòng Paris.

http://vi.rfi.fr/phap/20160620-bao-tang-nghe-thuat-nguyen-thuy-paris-quai-branly-tron-10-tuoi