Tin khắp nơi – 20/06/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tàu vũ trụ sẽ rẻ như phi cơ dân dụng?

Paul Marks

Một tên lửa vũ trụ lao về phía Trái Đất, các cánh lái bị giật mạnh và khí phản lực phụt ra để giúp tên lửa tự ổn định. Trông như thể ta sắp phải chứng kiến hồi kết của thiết bị này.

Thế nhưng khi đến gần bề mặt Trái Đất, các động cơ phụt khí mạnh hơn, tên lửa bay chậm hẳn lại rồi bung càng, nhẹ nhàng tiếp đất.

Khi đám khói cuồn cuộn tan đi, người ta thấy tên lửa đã đáp xuống thẳng đứng, vẫn nguyên vẹn dáng hình.

Chỉ mới một thập niên trước thôi, đó vẫn được coi là điều không tưởng.

Thế nhưng sau rất nhiều nỗ lực không thành, hãng sản xuất tên lửa ở California là SpaceX trong bốn tháng qua đã bốn lần cho đáp xuống một tên lửa quỹ đạo – là loại tên lửa trước đó từng một lần được cho đáp xuống Mũi Canaveral, bang Florida hồi tháng Mười Hai 2015.

Trong tháng Tư 2016, lần đầu tiên tên lửa này được cho đáp xuống một chiếc phà điều khiển từ xa nằm giữa Đại Tây Dương.

Và đó không phải là các mô hình tên lửa. Cả hai đều là phần tầng một, cao 40m, của loại tên lửa đa tầng Falcon 9, vừa phóng tàu vũ trụ thương mại vào quỹ đạo.

Tham vọng thiết bị không gian sử dụng được nhiều lần

Bằng cách đưa các tầng tên lửa quay trở lại Trái Đất để sửa chữa và tái sử dụng, nhà sáng lập tập đoàn SpaceX, tỷ phú Elon Musk, hi vọng cuối cùng sẽ có cách khiến các chuyến bay vào không gian có chi phí tiết kiệm như hàng không dân dụng.

Quan điểm của ông là các hãng hàng không đâu có vứt bỏ phi cơ Boeing 747 sau mỗi chuyến bay, tại sao tàu vũ trụ không làm như vậy?

Khoa học viễn tưởng đã dự đoán về các tàu vũ trụ bay được nhiều lần từ hơn một thế kỷ nay, và các kỹ sư hàng không vũ trụ đã thử nghiệm ý tưởng này từ giữa thế kỷ 20.

Tàu con thoi có thể tái sử dụng một phần được cho là thứ gần nhất với ý tưởng đó mà con người nghĩ ra.

Nhưng vì sao mãi về sau này người ta mới quan tâm nghiêm túc đến khả năng tái sử dụng như thế?

Đầu tiên, cần chú ý là SpaceX không phải công ty duy nhất muốn đạt được điều này.

Công ty Blue Origin, được hỗ trợ bởi chủ tịch tập đoàn Amazon Jeff Bezos, đã phóng và đáp tên lửa du lịch tầm dưới quỹ đạo New Shepard ba lần; mỗi lần đều bay tới sát rìa không gian, ở độ cao khoảng 100km.

Công ty SpaceShipTwo của hãng Virgin Galactic cũng đã cho bay rất nhiều chuyến dưới tầm quỹ đạo.

“Các tàu nhỏ sử dụng công nghệ mới có thể tái sử dụng được nhiều hơn so với tàu con thoi, và các tàu bay dưới quỹ đạo còn có thể tái sử dụng được nhiều hơn nữa,” George Whitesides, CEO của tập đoàn Virgin nói.

Nhưng cú đáp tên lửa của công ty SpaceX là một thành tích công nghệ ngoạn mục.

Thách thức về mặt kỹ thuật

Để đưa một vệ tinh lên tới tầm dưới quỹ đạo Trái Đất, tên lửa phải bay với vận tốc khoảng 6.000km/h, và để đến được quỹ đạo địa tĩnh thì tốc độ phải là 9.000km/h, trước khi tầng đầu tiên của tên lửa được bật ra và rơi trở lại Trái Đất.

“Các hệ thống bay ở tầm dưới quỹ đạo thì bay lên theo chiều thẳng đứng và rơi thẳng xuống,” Laetitia Garrriott de Cayeux, một doanh nhân hàng không vũ trụ Hoa Kỳ giải thích.

“Khi tên lửa bay lên tới độ cao cao nhất thì tốc lực sẽ là zero, khiến lực hấp dẫn kéo chúng rơi lại Trái Đất, cho nên tuy khó nhưng khả năng tái sử dụng tên lửa phóng lên tầm dưới quỹ đạo vẫn dễ hơn so với việc tái sử dụng tên lửa bay lên tới tầm quỹ đạo,” bà nói.

Vì thế, câu giải thích ngắn gọn cho việc vì sao tên lửa sử dụng nhiều lần chưa từng có trước đây chỉ đơn giản là bởi khó khăn về công nghệ.

Tuy nhiên, ý tưởng về các máy bay vũ trụ có khả năng bay nhiều lần đã được đưa ra từ trước Thế Chiến thứ Hai.

Trước khi có chương trình Apollo, các máy bay không gian đã được cho là tương lai của tàu vũ trụ có thể tái sử dụng nhiều lần, Roger Launius từ Bảo tàng Hàng không và Không gian Quốc gia thuộc Học viện Smithsonian ở Washington DC nói.

“Ý tưởng đã có từ thời các mẩu truyện tranh ngắn về Buck Rogers và Flash Gordon vào thập niên 1920 và 1930.”

“Mỗi tàu vũ trụ trong các mẩu truyện đó đều là máy bay vũ trụ có thể bay lại nhiều lần. Tức là từ hồi Thế Chiến thứ Hai chúng ta luôn nghĩ tàu vũ trụ sẽ vận hành hệt như máy bay.”

Sau năm 1945, các khoa học gia chuyên nghiên cứu tên lửa của Đức bị bắt đã tiết lộ rằng họ từng lên kế hoạch chế tạo máy bay vũ trụ bay dưới tầm quỹ đạo, đặt tên là Silverbird (Chim bạc).

Nước Đức Phát xít hy vọng là họ sẽ dùng loại máy bay này để đánh bom Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Silverbird chưa bao giờ được hiện thực hóa.

Với kiểu dáng thiết kế sáng tạo, Silverbird có hình dạng như cái cánh, giúp tăng thêm độ nâng động lực học.

Ý tưởng “thiết kế nâng” này được Không lực Hoa Kỳ khai thác lại vào năm 1958 khi họ bắt đầu dự án nghiên cứu máy bay vũ trụ có cánh có thể sử dụng lại được, chiếc X-20 Dyna-Soar. Tuy nhiên, chương trình Mặt Trăng đã khiến dự án này bị bỏ ngang vào năm 1963.

“Ý tưởng máy bay vũ trụ bay nhiều lần đã bị vứt bỏ do cuộc chạy đua của Mỹ trong lĩnh vực khoa học vũ trụ, nhằm đánh bại người Nga. Thời đó, máy bay vũ trụ không phải là công nghệ vượt trội phù hợp để đến Mặt Trăng – nhưng các nghiên cứu và thử nghiệm với các khoang đạn đạo đã được tiến hành ở ICBMs,” Launius nói.

“Các khoang trở lại Trái Đất mà họ sử dụng cho đầu đạn hạt nhân về cơ bản là giống với các khoang dành cho phi hành gia. Người ta chỉ thay đổi tải trọng.”

Thành công của tàu con thoi

Tuy nhiên, sau thành công rực rỡ của Apollo, Nasa lập tức quay trở lại với việc nghiên cứu thiết bị bay có thể tái sử dụng nhiều lần: máy bay vũ trụ có cánh, bay được nhiều lần, có tên là Tàu Con Thoi.

Năm tàu con thoi bay đi bay lại trung bình 27 chuyến mỗi chiếc, oanh liệt nhất trong đội là Discovery, đã bay 39 chuyến.

“Mỗi tàu vũ trụ đều có bề dày lịch sử về việc tái sử dụng,” Mark Sirangelo, giám đốc Hệ thống Không gian SNC của công ty Sierra Nevada ở Sparks, bang Nevada nói.

Nhược điểm là các tàu này phải được tân trang lại giữa mỗi lần được phóng đi, điều mà các tên lửa của SpaceX cũng gặp phải.

Tuy đã thử nghiệm xem các tên lửa của mình có quay lại Trái Đất hay không, nhưng SpaceX vẫn chưa cho chiếc nào bay thử lại.

Và đó mới thực sự là một thử nghiệm, Launius nói. “Nếu bạn có thể tái sử dụng bất kỳ phần nào của tàu vũ trụ, bạn sẽ tiết kiệm được tiền cho lần phóng tới. Nhưng nếu phải gỡ hết ra và tân trang lại toàn bộ sau mỗi chuyến bay, thì thà làm một cái mới còn hơn.”

Các mẫu thiết kế cho tương lai

Nasa cũng kiên trì nghiên cứu một thiết kế dành cho các tàu vũ trụ có kích cỡ nhỏ.

Tàu X37 của Nasa giờ đang được Không lực Hoa Kỳ sử dụng dưới thiết kế phi cơ X37B, một máy bay vũ trụ không người lái do tên lửa phóng đi, nhằm thực hiện các nhiệm vụ quân sự tuyệt mật trong thời gian dài ở tầm dưới quỹ đạo của Trái Đất và sau đó tự động bay về.

Máy bay vũ trụ HL-20 của Nasa, được phát triển trong thời gian từ cuối thập niên 1980 tới thập niên 1990 nhằm đảm nhiệm vai trò tàu cứu sinh cho trạm không gian, là loại đã được công ty Sierra Nevada Corp (SNC) của Sirangelo mua lại và đổi tên thành tàu Dream Chaser.

SNC đang chuyển đổi thiết kế của Nasa thành thứ mà Sirangelo gọi là “tàu tái sử dụng chắc chắn, khỏe nhất” mà họ có thể làm ra. Việc này đòi hỏi gỡ bỏ phần vỏ hợp kim trên thân tàu và thay thế bằng nhựa composite cao cấp siêu nhẹ.”

“Tàu sẽ chắc chắn, vững vàng hơn nhiều và có thể chịu được những lực nén, áp lực và nhiệt độ cao từ các chuyến bay không gian,” Sirangelo nói.

Ngoài các chuyến bay vận tải của Nasa, Dream Chaser, vốn có thể được phóng đi từ bất kỳ tên lửa hiện đại nào và có khả năng đáp xuống bất cứ sân bay nào thích hợp cho các phi cơ Airbus A320, đang được Cơ quan Hàng không Châu Âu (Esa) và Phòng thí nghiệm DLR của Đức nghiên cứu để đưa vào sử dụng trong nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Việc này có thể giúp ngăn chặn và giảm rác thải không gian.

Khi máy bay vũ trụ có vẻ như là giải pháp hợp lý nhất để tạo ra các tàu vũ trụ sử dụng được nhiều lần, một thiết kế kỳ quặc khác cũng đang được chú ý tới.

Hãy xem xét tàu Roton của hãng Rotary Rocket.

Một thiết kế khoang tàu có hình dáng lọ tiêu được thử nghiệm năm 1999 để tránh vấn đề dai dẳng của hàng trăm tàu từng đưa các phi hành đoàn trở lại Trái Đất kể từ khi cuộc chạy đua vào không gian bắt đầu cho tới nay. Đó là các khoang trở về không thể đáp ở nơi nào chúng muốn mà lệ thuộc vào việc các dù lượn sẽ đưa nó tới đâu thì tới.

Rotary Rocket muốn rằng phi hành đoàn có thể chọn được nơi tàu hạ cánh, và nhờ đó thiết bị của họ sẽ có cơ hội sử dụng lại cao hơn.

Theo thiết kế của Rotary Rocket, trong quá trình quay trở lại bầu khí quyển, ngay khi khoang tàu xuống đến độ cao thích hợp, không khí đặc đủ mức, cánh trực thăng sẽ bật ra và được điều khiển nhờ vào động cơ tên lửa đặt phía trên, qua đó phi hành đoàn có thể điều chỉnh hướng cho đáp xuống tương tự như cách đỗ của trực thăng.

Tuy nhiên, thật không may, công ty Rotary Rocket cạn tiền trước khi tàu vũ trụ của họ được phát triển xa hơn.

Nasa cũng từng xem xét đến giải pháp cánh quạt, tuy không phải là loại dùng tên lửa vận hành mà là loại kiểu quay tự động luân phiên, áp dụng cho tàu Orion.

Thiết kế độc đáo của tàu Roton vẫn tồn tại nhờ công ty SpaceX.

Tàu Dragon V2 bảy chỗ ngồi mà công ty này chế tạo cho các chuyến bay của Nasa đến trạm không gian ISS nhằm hướng đến khả năng tái sử dụng, nhờ vào động cơ tám tên lửa lắp đặt ở vỏ ngoài.

Các tên lửa này có hai nhiệm vụ: tiếp tục phóng khoang chở phi hành đoàn đi nếu tên lửa mang theo khoang tàu bị nổ tung trong quá trình rời bệ phóng, và đốt nhiên liệu để khoang tàu hạ cánh nhẹ nhàng.

Công ty tên lửa Hoa Kỳ United Launch Alliance (ULA), một liên doanh giữa Boeing và Lockheed-Martin, đang nghiên cứu cách thả bộ phận động cơ đắt tiền cỡ lớn khỏi phần đế của tên lửa Vulcan của hãng, để bộ phận này sau đó bay lơ lửng bằng dù, và một chiếc phi cơ sẽ thu hồi nó lại trên không.

Cách làm này giống với cách những hộp đựng phim dành cho camera được sử dụng lại sau khi được thả từ các vệ tinh do thám xuống.

ULA cũng đang tìm hiểu tầng thứ hai của tên lửa, là phần ở trong quỹ đạo, chờ được tái nạp nhiên liệu để có thể đảm nhận các nhiệm vụ khác, ví dụ như dịch vụ bảo trì vệ tinh.

Ở Pháp, hãng Airbus đang nghiên cứu cách để động cơ tên lửa ở tầng đáy của tên lửa Ariane 6 trong tương lai có thể sử dụng cánh và các động cơ phản lực cỡ nhỏ để tự động quay về sân bay an toàn.

Cơ quan Vũ trụ Trung Quốc cũng cho biết họ đang lên kế hoạch sử dụng lại các tầng tên lửa Trường Chinh bằng cách sử dụng nhiều dù.

Tất cả đều có lý, Whitesides nói.

“Có rất nhiều thế hệ tàu vũ trụ bay được nhiều lần sắp xuất hiện. Các tàu vũ trụ tiên phong như SpaceshipOne, Falcon9, New Shepard và X-37B của Không lực Hoa Kỳ sẽ có các thế hệ đàn em trong rất nhiều hình thức khác nhau, và chúng hứa hẹn sẽ khiến các chuyến bay vào quỹ đạo trong tương lai sẽ trở nên ít tốn kém hơn.”

Bản tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

 

Hàn Quốc cảnh báo mối đe dọa của IS đối với các căn cứ quân sự Mỹ

Brian Padden

Nam Triều Tiên đang tăng cường các biện pháp an ninh để ngăn chận một vụ tấn công có thể có của nhóm Nhà nước Hồi giáo, sau khi cơ quan tình báo của nước này cảnh báo rằng Nhà nước Hồi giáo có thể nhắm tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ và thường dân trên bán đảo Triều Tiên. Thông tín viên đài VOA Brian Padden tường thuật từ Seoul.

Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) của Nam Triều Tiên hôm chủ nhật cho biết Nhà nước Hồi giáo đã công bố danh sách của những mục tiêu có thể bị tấn công khủng bố, trong đó có các cơ sở của Không quân Mỹ và liên minh NATO tại 21 quốc gia cùng với những nhân vật có liên hệ với những cơ sở này.

4 cơ sở quân sự trong danh sách của Nhà nước Hồi giáo là ở Nam Triều Tiên. NIS cho hay danh sách đó bao gồm toạ độ chi tiết và hình ảnh từ Google Maps của các căn cứ Không quân Mỹ ở Osan và Gunsan.

Ban Tham mưu Liên quân Nam Triều Tiên hôm nay nói rằng Seoul đang chia sẻ tình báo và phối hợp chặt chẽ với các giới chức quân sự Mỹ về mối đe dọa khủng bố này.

Người phát ngôn của Ban Tham mưu, ông Jeon Ha Gyu, phát biểu như sau.

“Để tăng cường sự phòng vệ cho các căn cứ của Không quân Mỹ ở Nam Triều Tiên, chúng tôi sẽ cung cấp sự hỗ trợ nếu có sự yêu cầu hợp tác thông qua Bộ Tư lệnh Lực lượng Hỗn hợp.”

Có tin cho hay một người Nam Triều Tiên làm việc cho một tổ chức phúc lợi xã hội cũng nằm trong danh sách của hơn 8.000 người trên thế giới mà Nhà nước Hồi giáo muốn giết hại.

Cảnh sát Nam Triều Tiên cho biết họ đang cung cấp sự bảo vệ của cảnh sát cho những công dân Nam Triều Tiên bị nhắm làm mục tiêu tấn công và đang tăng cường những hoạt động tuần tiễu để ngăn ngừa những vụ tấn công khủng bố.

Thủ tướng Hwang Kyo Ahn hôm nay cũng cho biết trung tâm chống khủng bố của nước ông sẽ tăng cường hoạt động điều tra và áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ công chúng.

Tuy Nam Triều Tiên có thái độ rất nghiêm túc trong việc ứng phó với các mối đe dọa khủng bố, các nhà phân tích an ninh cho rằng những phần tử Hồi giáo cực đoan rất khó thực hiện một vụ tấn công ở Seoul.

Ông Daniel Pinkston, giảng viên môn quan hệ quốc tế của Đại học Troy ở Seoul, cho biết như sau.

“Hai miền Triều Tiên, Nhật Bản và Trung Quốc là những nước có chính phủ mạnh; và các lực lượng cảnh sát, các cơ quan tình báo và khả năng và năng lực để truy tung và theo dõi các tổ chức khủng bố của những nước này là khá mạnh.”

Bên cạnh các lực lượng an ninh mạnh mẽ, Nam Triều Tiên cũng có sự hạn chế nghiêm nhặt về súng ống và di trú.

Nam Triều Tiên, cùng với Nhật Bản, đã bị phê phán vì hạn chế người nhập cư từ những nước Hồi giáo đang có xung đột. Hội Ân Xá Quốc Tế năm nay đã chỉ trích Nam Triều Tiên và Nhật Bản là những nước có thu nhập cao nhưng không hề tiếp nhận một người Syria tị nạn nào cả.

Cơ quan Tình báo Quốc gia Nam Triều Tiên cho biết trong năm vừa qua Nam Triều Tiên đã trục xuất 50 người có dính líu tới các nhóm khủng bố.

Năm 2015, một người Indonesia bị cho là thành viên của nhóm al Nusra ở Syria có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo đã bị tuyên án 8 tháng tù vì các cáo trạng khủng bố. Cảnh sát nói rằng người đàn ông đó nhập cảnh Nam Triều Tiên với hộ chiếu giả, trong nhà có một khẩu súng sở hữu trái phép, và tài khoản ngân hàng có dính líu với một tổ chức Hồi giáo cực đoan.

Cơ quan tình báo Nam Triều Tiên nói rằng trung tâm chống khủng bố có thể được dùng để theo dõi các nhóm khủng bố đã được cho phép bởi Luật Chống khủng bố mà quốc hội thông qua hồi tháng 3.

Luật Chống khủng bố đã gặp phải sự chỉ trích của một số tổ chức xã hội dân sự vì họ cho rằng luật này quá khắt khe và có thể bị lợi dụng một cách dễ dàng để hạn chế những hoạt động ôn hoà của những người bất đồng chính kiến.

http://www.voatiengviet.com/a/han-quoc-canh-bao-moi-de-doa-cua-is-doi-voi-cac-can-cu-quan-su-my/3383616.html

 

Donald Trump: Một số đảng viên Cộng hòa muốn phá việc đề cử

Ông Donald Trump, người có phần chắc được đảng Cộng hòa đề cử làm ứng viên Tổng thống Mỹ, phàn nàn rằng một số người trong đảng đang tìm cách phá việc công bố chính thức ông được đề cử tại hội nghị toàn quốc của đảng vào tháng tới.

Một số đại biểu dự hội nghị ở thành phố Cleveland, Ohio, nói rằng họ muốn thay đổi các quy định của đảng để cho phép các đại biểu bỏ phiếu cho một người nào khác thay cho nhà tỷ phú kiêm trùm bất động sản, người đã vượt qua 16 ứng cử viên khác của đảng Cộng hòa trong nhiều tháng tranh cử.

Những đối thủ của ông Trump nói rằng ông không đại diện cho những quan điểm về chính sách có tính bảo thủ truyền thống của đảng Cộng hòa và những phát biểu gây sốc của ông về phụ nữ, người Hồi giáo và người Mexico làm cho ông không thể được chấp nhận như là người đại diện các tiêu chuẩn của đảng Cộng hòa.

Những người thuộc đảng Cộng hòa gièm pha ông Trump đã dẫn ra những cuộc thăm dò trên toàn quốc gần đây cho thấy đa số cử tri không nhìn ông một cách thiện cảm và người có phần chắc sẽ là ứng viên của đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, đang tiếp tục vượt lên trên ông vào thời điểm 5 tháng trước khi cuộc bầu cử diễn ra ngày 8 tháng 11.

Ông Trump, người ra tranh cử lần đầu tiên, nói với kênh CBS: “Sẽ hữu ích nếu đảng Cộng hòa có thể giúp chúng tôi một chút”.

Ông Trump nói các nhà lập pháp đảng Cộng hòa trong Quốc hội đã bày tỏ nghi ngờ hoặc phản đối thẳng thừng việc ứng cử của ông “nên làm phần việc của họ …và hãy để tôi tranh cử tổng thống”.

Nhiều quan chức đảng Cộng hòa đã lên tiếng ủng hộ ở mức vừa phải đối với việc ứng cử của ông hoặc bác bỏ thẳng thừng, trong đó có ông Mitt Romney, người được đảng đề cử làm ứng cử viên tổng thống năm 2012. Ông Romney nói thẳng sự phản đối của mình về việc đề cử ông Trump.

Ông Trump nói rằng nếu đảng Cộng hòa không đoàn kết để hỗ trợ ứng cử viên của đảng, ông sẽ ngừng gây quỹ thay mặt cho chiến dịch vận động bầu cử của ông và thay mặt cho đảng Cộng hòa. Thay vào đó, ông Trump cho biết, ông sẽ thực hiện lại việc tự tài trợ cho phần lớn chiến dịch của ông, như ông đã làm trong các cuộc bầu sơ bộ.

http://www.voatiengviet.com/a/trump-to-cao-mot-so-dang-vien-cong-hoa-muon-pha-viec-de-cu-ong/3383699.html

 

Các nhóm nhân quyền: ASEAN cần giải quyết vấn đề người Rohingya

Các tổ chức nhân quyền yêu cầu ASEAN giải quyết vấn đề tái định cư cho khoảng 7.000 người Rohingya tị nạn. Theo tường thuật do thông tín viên Ron Corben tại trung tâm tin tức Đông Nam Á của đài VOA ở Bangkok, yêu cầu được đưa ra trong lúc hàng người Rohingya vẫn còn bị câu lưu một năm sau khi được cứu trong lúc bị những kẻ đưa lậu người bỏ rơi trên biển.

Hầu hết những người tị nạn này là người Rohingya ở tiểu bang Rakhine ở miền tây Myanmar và đã được cứu sau khi giới hữu trách Thái Lan tiến hành một cuộc trấn áp.

Trước đó, những trại của những kẻ đưa lậu người vượt biên đã được phát giác ở miền nam Thái Lan và hàng chục thi thể được tìm thấy trong những ngôi mộ nông.

Hơn 100 người bị bắt vì có dính líu tới những băng đảng đưa lậu người, kể cả một số viên chức chính phủ Thái Lan.

Một cuộc họp khẩn cấp của 17 nước — trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thuỵ Sĩ và Australia, cùng với các cơ quan cứu trợ của Liên Hiệp Quốc, đã hối thúc các nước liên hệ giải quyết vấn đề của người vượt biên.

Tuy nhiên, một năm sau khi bị bỏ rơi trên biển, hàng ngàn người Rohingya vẫn còn bị câu lưu tại các trại tạm giam.

Các tổ chức nhân quyền cho biết chỉ riêng ở Malaysia đã có gần 2.500 người bị giam, trong khi những người khác bị tạm giam tại các trung tâm ở Indonesia và Thái Lan.

Cố vấn quốc gia Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, sẽ đi thăm Thái Lan trong tuần này và bà đã kêu gọi cộng đồng quốc tế dành cho Myanmar “không gian đầy đủ” để giải quyết vấn đề của người Rohingya.

Các tổ chức xã hội dân sự Thái Lan cho biết họ sẽ trình bày với bà Suu Kyi, là người còn giữ chức bộ trưởng ngoại giao Myanmar, những khuyến nghị, kể cả vấn đề quốc tịch của những người Rohingya đã vượt biên.

Bà Siriprapha Petcharamesree, giáo sư Đại học Mahidol, cho biết người Rohingya tiếp tục đối mặt với hai vấn đề bị câu lưu và vô quốc tịch.

“Vấn đề vẫn còn đó. Vẫn y như cũ. Những người bị câu lưu tại các trung tâm tạm giam vẫn còn đó. Người Rohingya ở những nơi khác vẫn gặp rủi ro bị bắt và bị câu lưu hoặc bị trục xuất. Những mối rủi ro lớn vẫn còn đó. Các quyền của họ không được bảo vệ. Cho nên đối với tôi thì đây là một sự thất bại.”

Các hội nghị khu vực đã được tổ chức để bàn về vấn đề này và một Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về vấn đề người tị nạn và người di dân sẽ diễn ra tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 9 tới đây.

Tuy nhiên, cảm giác tuyệt vọng đang tăng cao trong số những người Rohingya bị giam. Ngày 23 tháng 5 tại Thái Lan, 21 người Rohingya đã trốn khỏi một trung tâm tạm giam ở miền nam và có một người bị cảnh sát Thái Lan bắn chết.

Bà Angkhana Neelapaichit, một thành viên của Uỷ hội Nhân quyền Quốc gia Thái Lan, cho rằng chính phủ không thực hiện những biện pháp đã được đề ra trong cuộc họp khẩn hồi tháng 5 năm ngoái.

“Chính phủ Thái Lan vẫn chưa có chính sách cụ thể đối với nhóm người này. Họ là người di dân và họ bị câu lưu và không thể ra ngoài kiếm để đi làm. Họ bị tước đoạt quyền tiếp cận giáo dục và không thể tiếp cận dịch vụ y tế công cộng. Cho nên đây là một vấn đề.”

Một bài phóng sự mới đây của đài truyền hình ABC của Australia cho thấy những trại tạm giam người Rohingya ở tiểu bang Rakhine của Myanmar bị quản lý một cách tệ hại, với những cơ sở thiếu tiêu chuẩn, như nhà vệ sinh, bị hư hại vì bão, khiến cho những người ở đây phải đi tiêu đi tiểu ngoài đồng.

Các nước ASEAN đã đồng ý thiết lập một ngân quỹ đặc biệt để giúp đỡ người di dân và người tị nạn, một hành động nhận được sự hoan nghênh của các tổ chức nhân quyền.

Ông Matthew Smith, giám đốc tổ chức nhân quyền Fortify Rights, cho biết số người Rohingya ở Myanmar vượt biên đã giảm đi, nhưng các chính phủ trong vùng cần phải giải quyết những vấn đề bao quát hơn.

“Vấn đề hiện nay là các chính phủ trong khu vực vẫn chưa xem việc bảo vệ những người sống sót là ưu tiên hàng đầu. Do đó, những người sống sót sau khi bị bọn buôn người bỏ rơi trên biển hồi năm ngoái vẫn còn bị câu lưu cho tới nay.”

Ông Smith cho rằng khối ASEAN cần làm nhiều hơn nữa để có những chính sách thích hợp nhằm giải quyết vấn đề vượt biên thường có dính líu tới những băng đảng tội phạm xuyên quốc gia.

“Đây là một vấn đề xuyên quốc gia. Đây là một vấn đề quốc tế. Đây là một vấn đề khu vực và quả thật là không nước nào có thể tự mình giải quyết một cách đơn độc.”

http://www.voatiengviet.com/a/asean-can-giai-quyet-van-de-nguoi-rohingya/3383583.html

 

Số người tản cư trên thế giới tăng cao kỷ lục

Một phúc trình mới cho biết những người bị buộc phải tản cư trên toàn thế giới trong năm ngoái đã phá kỷ lục từ trước đến nay. Trùng hợp với Ngày Người tị nạn Thế giới, phúc trình về Khuynh hướng Toàn cầu của cơ quan tị nạn Liên hiệp quốc cho thấy xung đột và đàn áp đã tạo ra sự leo thang đáng kể những người tị nạn và những người phải tản cư trong nước vào năm 2015. Thông tín viên Lisa Schlein của Đài VOA tường thuật từ Geneva.

Năm ngoái, có 65,3 triệu người bị buộc phải tản cư, tăng gần 5 triệu người so với năm trước. Ông Filippo Grandi, người đứng đầu Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc, nói hiện nay đang có thêm những người đi tản cư vì chiến tranh và đàn áp. Việc này xảy ra vào thời điểm mà con số những nước đóng cửa biên giới đối với người tị nạn đang gia tăng.Ông Grandi nói:

“Mỗi phút có 24 người phải tản cư..Hai phần ba những người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa là những người tản cư đến những nơi khác trong nước…95% những người tản cư thuộc quốc gia nghèo hay có lợi tức thấp chứ không phải thuộc thế giới giàu có.”

Phúc trình cho thấy 3 nước – Syria, Afghanistan và Somalia – chiếm một nửa trong số 21 triệu người tị nạn trên thế giới.

Phúc trình cho biết thêm 50% những người tị nạn là trẻ em, nhiều em thất lạc gia đình trong khi trốn chạy. Các con số thống kê cho thấy 98.000 trường hợp xin tị nạn là các trẻ em không có cha mẹ đi kèm, con số cao nhất từ trước tới nay.

Ông Grandi, Cao ủy trưởng Cao uỷ Tị nạn Liên hiệp quốc cho Đài VOA biết rằng Syria vẫn là quốc gia có nhiều người tản cư nhất trên thế giới, nhưng cũng đang xuất hiện những nước mới có nhiều người tị nạn. Tuy Burundi đã trải qua nhiều cuộc xung đột trong nhiều thập niên nay, nhưng theo ông Grandi, đã có sự gia tăng con số những người tản cư trong nước và những người tị nạn tại nước này.

“Có những cuộc khủng hoảng – như tại Nam Sudan, diễn ra với nhiều giai đoạn khác nhau. Điều không may là chúng ta đang ở trong giai đọan gia tăng nhanh chóng… Hiện đang có một làn sóng tị nạn mới của những người Afghanistan bỏ nước ra đi. Ngay cả những người Afghanistan tị nạn lâu năm ở Iran cũng đang tìm cách đi sang các nước khác.”

Phúc trình cho biết Trung Đông và Bắc Phi, với 23,6 triệu người tị nạn và người tản cư, là vùng có số người phải rời bỏ nhà cửa cao nhất trên thế giới.

Tiểu vùng Sa mạc Sahara theo sát sau đó với 18,4 triệu người tị nạn và người tản cư trong nước được ghi nhận vào cuối năm. Tuy châu Âu là nơi thu hút sự chú ý của truyền thông thế giới, phúc trình cho biết đây là vùng có con số người tị nạn thấp nhất.

http://www.voatiengviet.com/a/so-nguoi-tan-cu-tren-the-gio-tang-cao-ky-luc/3383639.html

 

Nga điều tra vụ lật thuyền làm 14 trẻ em thiệt mạng

Nhà chức trách Nga đã mở một cuộc điều tra hình sự hôm Chủ nhật, vài giờ sau khi ít nhất 14 trẻ em tham dự một trại hè ở tây bắc của nước này thiệt mạng khi những chiếc thuyền chở chúng bị lật trên một hồ nước bị bão quét qua gần biên giới Phần Lan.

Một phát ngôn viên của cơ quan điều tra chính của Nga, Vladimir Markin, cho biết những trường hợp tử vong xảy ra trong đêm sang tới Chủ nhật trên hồ Syamozero, tại nước Cộng hòa Karelia, cách biên giới phía đông với Phần Lan 120 kilômét.

Phát biểu hôm Chủ nhật, ông Markin cho biết 47 trẻ em và bốn hướng dẫn viên người lớn khi đó đang đi trên bốn chiếc thuyền thì thảm họa xảy ra.

Ông cũng cho biết bốn nhân viên của trại hè đã bị câu lưu để thẩm vấn, cùng hai người lớn được cho là đã tổ chức chuyến dã ngoại đi thuyền.

Nhà lập pháp khu vực Karelia, Alexei Gavrilov, nói với đài truyền hình Rossiya 24 rằng liên tục nhiều bản tin đã được đưa ra cho khu vực này trong những ngày gần đây cảnh báo về một cơn bão Đại Tây Dương đang đến gần, cùng với những khuyến cáo hối thúc người đi thuyền tránh đi trên hồ rộng 270 kilômét vuông.

Một quan chức khác, người vận động cho quyền trẻ em Pavel Astakhov, nói với hãng tin Ria Novosti rằng những em này “dường như không mặc áo phao.” Tuy nhiên, một bản tin trước đó của hãng thông tấn Interfax dẫn lời một quan chức địa phương cho biết tất cả những nạn nhân và những người sống sót đều mặc áo phao.

Cơ quan du lịch liên bang của Nga được dẫn lời trong bản tin đó nói rằng những nạn nhân trong độ tuổi từ 12 tới 15 và bao gồm trẻ mồ côi và trẻ em từ những gia đình thiếu thốn.

Hầu hết những nạn nhân đều từ Moscow tới. Thị trưởng thủ đô Sergey Sobyanin đăng trên Twitter lời chia buồn tới gia đình và bạn bè của những người thiệt mạng trong vụ tai nạn.

Những chuyên gia địa phương nói rằng việc đi lại trên hồ này có thể cực kỳ nguy hiểm vào lúc gió mạnh, và thậm chí cả ngư dân địa phương nhiều kinh nghiệm cũng tránh ra hồ vào cuối tuần.

Giám đốc một công ty du lịch địa phương nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng cho phép nhóm trẻ em này đi thuyền trong tình hình thời tiết như vậy “là tự sát.”

http://www.voatiengviet.com/a/nga-dieu-tra-vu-lat-thuyen-lam-14-tre-em-thiet-mang/3383411.html

 

TT Obama: Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến các công viên

Zlatica Hoke

Tổng thống Barack Obama cảnh báo về những hậu quả tiêu cực của biến đổi khí hậu đã được thấy rõ tại một công viên quốc gia được bảo tồn và kêu gọi có thêm những nỗ lực để bảo vệ thiên nhiên cho những thế hệ tương lai. Tổng thống Obama nêu lên sự cần thiết về bảo tồn trong chuyến đi thăm cuối tuần qua Công viên Yosemite, một Công viên Quốc gia rộng 300.000 héc-ta thuộc miền trung California. Thông tín viên Zlatica Hoke tường trình.

Công viên Yosemite với những vùng rừng rậm xanh tươi, những thác nước, những thung lũng và các loại động vật đa dạng, đã thu hút gần 4 triệu du khách đến thăm mỗi năm. Tổng thống Obama trong chuyến viếng thăm cuối tuần với gia đình đã cảnh báo là biến đổi khí hậu không phải chỉ là một mối đe dọa nhưng là một thực tế.

Ông Obama nói: “Tôi đã nói chuyện với một số nhân viên lâm nghiệp tại đây. Tại Yosemite, đồng cỏ đang khô dần. Các loài chim bay đi xa về phương bắc. Những loài động vật có vú như con pika, một loài thỏ nhỏ không đuôi, phải di chuyển lên những sườn núi cao hơn để tránh nhiệt độ lên cao. Băng hà lớn nhất của Yosemite, trước đây rộng một dặm, nay hầu như biến mất.”

Tổng thống Obama đã sử dụng quyền lực của ông để bảo vệ hơn 100 triệu héc-ta đất và nước khỏi bị khai phá. Ông cũng qui định lần đầu tiên chưa từng có trước đây những tiêu chuẩn về ô nhiễm khí các-bô-nic đối với những nhà máy điện vốn là nguồn ô nhiễm khí các-bô-nic lớn nhất. Tuy nhiên kế hoạch của ông giảm 30% khí thải các-bon so với mức năm 2005 trong thập niên tới đã gặp phải sự chống đối của những tiểu bang trông cậy vào việc khai mỏ than đá, như là Kentucky. Những công ty bán dụng cụ khai mỏ có liên hệ đến công nghiệp than đá cũng quan tâm đến việc này.

Một quản trị viên của công ty DGI Trading, ở thành phố Louisville, Kentucky cho biết: “Chúng tôi nhận những dụng cụ do các nơi khác sản xuất. Những công ty khác có trụ sở ở địa phương tìm cách kinh doanh tại đây không có các mối liên lạc trên toàn cầu như chúng tôi, sẽ gặp khó khăn ngày càng tăng để theo kịp tình hình.”

Trong khi đó một số nhà môi trường tại châu Âu chỉ trích Hoa Kỳ duy trì vấn đề môi trường thế giới bằng cách xuất khẩu than đến các nước khác. Sản lượng than xuất khẩu của Mỹ sang Đức đã tăng gấp đôi kể từ năm 2008, cung cấp nguyên liệu rẻ hơn khí đốt thiên nhiên và thay thế năng lượng hạt nhân đã dần dần bị bãi bỏ.

Ông Stefan Paull, giám đốc điều hành của nhà máy điện chạy bằng than Luenen tại Đức nói: “Than của Mỹ đóng một vai trò tương đối lớn trên thị trường than châu Âu vì giá rẻ. Hoa Kỳ không sử dụng than nhiều như trước do việc nước này hiện sử dụng dầu phiến sét.”

Năm nay nước Mỹ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập các Công viên Quốc gia, một hệ thống bao gồm hơn 400 địa điểm trên toàn nước Mỹ.

http://www.voatiengviet.com/a/tt-obama-canh-bao-bien-doi-khi-hau-anh-huong-den-cac-cong-vien/3383666.html

 

Mỹ sẽ công bố một phần bản ghi những cuộc gọi của tay súng Orlando

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch cho biết nhà chức trách vào ngày thứ Hai vào sẽ công bố một phần những bản ghi của ba cuộc gọi điện thoại mà Omar Mateen đã gọi cho cảnh sát trong khi anh ta hạ sát 49 người tại một hộp đêm của người đồng tính ở thành phố Orlando, bang Florida một tuần trước.

Quan chức chấp pháp hàng đầu của Mỹ cho biết trên chương trình Meet the Press của đài NBC hôm Chủ nhật rằng những bản ghi chép này – không phải bản thu âm thực sự những cuộc đối thoại giữa Mateen và những người thương thuyết của cảnh sát tìm cách chấm dứt vụ khống chế – sẽ cho thấy chi tiết những nỗ lực của nhà chức trách để tìm hiểu “nhiều điều nhất có thể về những động cơ và hành động của anh ta dẫn tới vụ tấn công này.”

Bà cho biết những người thương thuyết của cảnh sát, những người nói chuyện với Mateen trong khi anh ta thực hiện vụ tấn công tại hộp đêm Pulse, đã cố gắng xác định xem “anh ta là ai, đang ở đâu, tại sao làm chuyện này.”

Giới hữu trách trước đó nói rằng Mateen 29 tuổi đã tuyên thệ trung thành với Nhà nước Hồi giáo và thủ lĩnh của tổ chức này, Abu Bakr al-Baghdadi, trong những cuộc gọi vào đường dây khẩn cấp 911 của Orlando. Bà Lynch nói lời tuyên thệ trung thành của Mateen với Nhà nước Hồi giáo sẽ không nằm trong những bản ghi được công bố vào ngày thứ Hai.

Bà nói trên chương trình Face the Nation của đài CBS rằng nhà chức trách đang “rất lo ngại” về những vụ tấn công của Mateen nhắm vào cộng đồng người đồng tính nam, đồng tính nữ, lưỡng tính, và cải tính (LGBT). Nhiều người họ nằm trong số những người thiệt mạng và trong số 53 người bị thương trong vụ xả súng kéo dài ba giờ đồng hồ rạng sáng ngày 12 tháng 6.

Cha của Mateen đã nói rằng con trai ông ta trước đó đã bày tỏ sự ghê tởm khi nhìn thấy hai người đàn ông hôn nhau ở thành phố Miami, bang Florida hồi gần đây. Nhưng một số người quen của Mateen nói anh ta thường lui tới hộp đêm nơi anh ta thực hiện vụ tấn công và từng vào những website hẹn hò dành cho người đồng tính trên Internet.

Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình State of the Unioncủa đài CNN, bà Lynch gọi vụ xả súng là “một hành động khủng bố và một hành động thù hận, nhắm vào một cộng đồng, cộng đồng người LGBT, cộng đồng người gốc Mỹ Latin.”

Nhưng bà cho biết Mateen không nói về cảm nghĩ của anh ta đối với người đồng tính trong những cuộc gọi cho cảnh sát.

Bà nói: “Vì thế chúng tôi vẫn đang tìm hiểu lý do tại sao anh ta chọn nơi cụ thể này để tấn công.”

Chuông ở những nhà thờ đã ngân vang lúc 2 giờ sáng Chủ nhật tại Orlando để đánh dấu thời điểm vụ tấn công bắt đầu một tuần trước.

http://www.voatiengviet.com/a/my-se-cong-bo-mot-phan-ban-ghi-nhung-cuoc-goi-cua-tay-sung-orlando/3382916.html

 

Các vụ đánh bom làm 24 người thiệt mạng ở Afghanistan

Các vụ nổ bom riêng rẽ ở Afghanistan sáng 20/6 đã giết chết ít nhất 24 người và làm bị thương khoảng 40 người khác.

Cuộc tấn công đẫm máu nhất đã xảy ra ở Kabul khi một kẻ đánh bom tự sát đi bộ lại gần một xe buýt nhỏ và gây nổ.

Bộ Nội vụ Afghanistan cho biết cuộc tấn công đó làm 14 người thiệt mạng và tám người bị thương. Taliban đã nhanh chóng nhận trách nhiệm.

Những người thiệt mạng là nhân viên bảo vệ người Nepal làm việc cho một công ty nước ngoài ở thủ đô Afghanistan. Năm người Nepal trên xe buýt cũng bị thương cùng với 4 người Afghanistan.

Vài giờ sau, một quả bom do phiến quân cài bên đường đã phát nổ ở một khu vực khác của thành phố, làm một ủy viên hội đồng tỉnh và hai vệ sĩ của ông bị thương.

Tổng quản trị viên Afghanistan, ông Abdullah Abdullah, đã lên án các vụ bạo lực này là một “hành động khủng bố và hăm dọa”.

Phái bộ NATO ở Kabul đã lên án các cuộc tấn công, nói rằng “các cuộc tấn công khủng khiếp như thế này cho thấy, dù có những lời hứa hẹn của Taliban, họ hoàn toàn coi thường tính mạng của người dân vô tội”.

Ở những nơi khác, tại tỉnh Badakhshan miền đông bắc, các quan chức cho biết ít nhất 10 người đã thiệt mạng và hơn 30 người khác bị thương khi một quả bom phát nổ ở một ngôi chợ đông người.

Không ai đứng ra nhận trách nhiệm ngay về vụ tấn công này, và một phát ngôn viên của Taliban nói họ không liên quan đến cuộc tấn công.

Các vụ đánh bom chết chóc đã xảy ra vào ngày quốc hội Afghanistan phê chuẩn những người được Tổng thống Ashraf Ghani đề cử vào các chức vụ bộ trưởng quốc phòng và lãnh đạo ngành tình báo.

Trong đánh giá trình lên Quốc hội Mỹ vào tháng này, Bộ Quốc phòng Mỹ nhìn nhận tình hình an ninh ở Afghanistan tiếp tục bị chi phối bởi một cuộc nổi dậy kéo dài.

Báo cáo viết: “Chính phủ Afghanistan giữ quyền kiểm soát thủ đô Kabul, những tuyến vận tải chính, thủ phủ các tỉnh, nhiều trung tâm huyện, trong khi Taliban tiếp tục tranh giành các trung tâm huyện ở tỉnh Helmand ở miền nam và trong các tỉnh khác ở miền đông và tây nam”.

http://www.voatiengviet.com/a/cac-vu-danh-bom-lam-nhieu-nguoi-thiet-mang-o-afghanistan/3383708.html

 

TQ có chiến thuật gì ở Biển Đông?

John SudworthBBC News, Hải Nam

Nếu bạn muốn hiểu cách Trung Quốc thực sự nghĩ về tuyên bố gây tranh cãi của họ về khu rộng lớn của biển ngoài khơi về phía nam thì đảo Hải Nam là điểm tốt để bắt đầu.

Đây là một nơi mà mọi thứ đều được làm để chứng minh và khẳng định chủ quyền, từ chính phủ và các chính sách quân sự, cho tới hoạt động đánh cá và du lịch, và thậm chí cả lịch sử của chính nơi này.

Chúng tôi tới cảng cá Tanmen, trên bờ biển phía đông đảo Hải Nam vì truyền thông nhà nước đưa tin gần đây về sự tồn tại của một tài liệu đặc biệt – một cuốn sách 600 năm tuổi chứa đựng bằng chứng về tầm quan trọng quốc gia quan trọng.

‘Bằng chứng sắt đá’

Cuốn sách, thuộc sở hữu của một ngư dân đã nghỉ hưu tên là Su Chengfen của ông, được cho là có chép lại thông tin hướng dẫn hoa tiêu của tổ tiên của ông nói về cách làm thế nào để tới được những bãi cạn và các rạn san hô của quần đảo Trường Sa xa xôi, cách Hải Nam hàng trăm hải lý.

Trung Quốc luôn nói những bãi này là thuộc lãnh thổ của Trung Quốc với lập luận là “chúng tôi từng tới đó trước tiên”. Vì vậy, cuốn sách của ông Su 81 tuổi “được nâng niu” và “được bọc trong lớp giấy” kể như “Chén Thánh” hàng hải.

Trên thực tế, báo chí Trung Quốc nói đây chẳng khác gì “bằng chứng thép” về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Vì vậy, chúng tôi đã đến gặp ông Su vào ngày mà ông đang bận rộn dựng một mô hình chiếc thuyền ở sân trước của ông, cách bãi biển vài phút đi bộ.

“Cuốn sách này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác,” ông nói với tôi khi tôi hỏi về cuốn sách. “Từ thế hệ của ông nội tôi, để thế hệ của cha tôi, rồi tới tôi.”

“Cuốn sách này chủ yếu dạy chúng tôi làm thế nào để đi đâu đó và quay trở lại, làm thế nào để đi đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và làm thế nào để trở về với đảo Hải Nam.”

Nhưng sau đó, khi tôi yêu cầu để xem cuốn này – vốn chỉ mới được nói tới cách đây vài tuần, và được đài báo cáo ở Trung Quốc đưa tin nhiều tại Trung Quốc và ngoài Trung Quốc – thì có điều ngạc nhiên xảy ra.

Ông nó nói với tôi cuốn sách đó không tồn tại.

“Mặc dù cuốn sách là quan trọng, tôi đã quẳng nó đi vì sách cũ và hỏng,” ông nói.

Bất kể đó là gì thì dường như cuốn sách của ông Su không phải là bằng chứng thép của bất cứ điều gì. Có lẽ trừ việc Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát truyền thông của họ để không làm cho một vài sự kiện cản trở cách đưa tin chính thức.

Chúng tôi rời căn nhà của ông Su, cũng thấy hơi kỳ vì những gì nghe ông nói, và được chứng kiến chút ít về việc Hải Nam sẵn sàng kiểm soát việc đưa tin liên quan tới Nam Hải (Biển Đông).

Ở khắp nơi chúng tôi đi, chúng tôi bị nhiều xe hơi có kính mờ của chính phủ bám theo; từ cảng nơi chúng tôi cố phỏng vấn ngư dân, tới chợ cá nơi chúngtôi nói chuyện với thương nhân, và tại tất cả những chỗ trên đường chúng tôi quay lại khách sạn.

Sự chú ý có vẻ như không cần thiết lắm và kể như không ai muốn nói chuyện với chúng tôi khi chúng tôi tiếp cận.

Và những ai chúng tôi hỏi chuyện nói với chúng tôi không có gì tranh cãi hơn là một sự lặp lại đơn thuần của đài báo chính thức của nhà nước, đó là Biển Đông thuộc về Trung Quốc ngư dân Trung Quốc đã tới đó đầu tiên.

Nhưng nhà chức trách không để yên. Chúng tôi sau đó nghe nói một trong những người đồng ý trả lời một số câu hỏi của chúng tôi, trong đó có một thuyền trưởng, đã bị công an tiếp cận và thẩm vấn ngay.

Mặt trận tuyên truyền

Tất nhiên là mọi chuyện diễn ra trong bối cảnh sắp có phán quyết trong vài tuần tới của một tòa án quốc tế về Biển Đông.

Philippines đã kiện tới Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague để yêu cầu một phán quyết kỹ thuật về mức độ có thể tuyên bố chủ quyền lãnh hải dựa trên cơ sở của việc sở hữu bờ biển và các đảo và đá khác nhau.

Phán quyết dự kiến sẽ không thuận lợi cho Trung Quốc, và thậm chí có thể đi xa tới việc làm vô hiệu hóa tuyên bố chủ quyền mở rộng được biết tới là “đường chín đoạn” bao trùm đến 90% vùng biển tranh chấp.

Chẳng ngạc nhiên gì khi Trung Quốc nói họ không sẽ tham gia vào phiên tòa án cũng như không chấp nhận thẩm quyền của phán quyết đó.

Tôi thấy một nguy cơ lớn của tính toán sai lầm và leo thangGiáo sư Andrew S Erickson, Naval War College

Đó là lý do vì sao họ đã gắng sức tự vệ cho lập trường của mình bằng các cách khác; tăng cường tuyên truyền – đặc biệt là liên tục khẳng định lịch sử đang đứng về phía họ và tham gia vào thúc đẩy ngoại giao để giành hậu thuẫn và có thêm đồng minh cho mục đích mà họ theo đuổi.

Điều này có thể giúp giải thích tại sao sự hiện diện của một nhà báo nước ngoài tại Hải Nam đặc biệt là vào thời điểm này có khả năng thu hút sự chú ý sát sao từ nhà chức trách.

Trong trường hợp của chúng tôi thì có thể có một lý do khác: Có lẽ chúng tôi đã đòi hỏi quá nhiều các câu hỏi về lực lượng “dân quân biển” khét tiếng của Hải Nam.

Người ta cho rằng Trung Quốc đã huấn luyện quân sự cho ngư dân của họ trong nhiều thập niên.

Nhưng trong những năm gần đây, số lượng dân quân trên các tàu cá tăng và hành động của họ dường như mạnh bạo hơn trong việc giúp khẳng định và thực thi các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Lợi thế chiến lược của họ là họ có thể được, và thường, sử dụng cho các cam kết quân sự bất thường – chiếm lãnh thổ trên biển, tiến hành giám sát hoặc quấy rối các tàu khác – trong khi hoạt động dưới vỏ bọc của tàu đánh cá dân sự.

Hoạt động của các đơn vị dân quân tại cảng Tanmen được ghi chép khá đầy đủ.

Họ thậm chí có trụ sở riêng đặt trong tòa nhà chính quyền nằm trong thị trấn, được vinh danh trong năm 2013 và Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm.

Mặc dù chúng tôi nỗ lực như vậy nhưng không ai chịu nói về lực lượng trá hình đang đóng vai trò của mình thuộc đội tàu cá Trung Quốc, và chúng tôi càng hỏi nhiều, thì an ninh chính phủ càng bám đuôi nhiều hơn.

Giáo sư Andrew S. Erickson từ Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc tại Naval War College ở Hoa Kỳ tin rằng sự hiện diện của lực lượng dân quân tại vùng biển tranh chấp làm tăng rủi ro của leo thang nguy hiểm.

“Tôi thấy một nguy cơ lớn của tính toán sai lầm và leo thang,” ông nói với tôi.

“Cách tiếp cận hiện tại mà Trung Quốc đang thực hiện trong việc sử dụng lực lượng dân quân biển không chỉ khiến họ gặp nguy hiểm, [nó] sẽ làm các cá nhân và các tàu khác xung quanh họ gặp nguy hiểm và nó thực gây nguy cơ sẽ có việc lực lượng của Hoa Kỳ và các nước khác dùng vũ lực chống lại họ để tự vệ chính đáng hoặc để đảm bảo việc tàu bè đi lại hợp pháp.”

Và ông cho rằng rủi ro đó và có thể tăng hơn nữa, sau phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực.

“Khi hội đồng trọng tài cuối cùng đưa ra một hình thức một phán quyết nào đó thì tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ cố gắng tìm một cách để bày tỏ sự phản đối cụ thể, bày tỏ sự quyết tâm và sự không hài lòng của họ và

“Tôi nghĩ rằng cách sử dụng lực lượng dân quân biển ở khoảng cách gần và quấy rối tàu Mỹ, Philippines và các nước khác là điều mà các nhà hoạch định chính sách tại các nước đó phải chuẩn bị cho mình.”

Vì vậy, trong khi Philippines có thể sớm có được một phán quyết ủng hộ cho lập trường của mình, phán quyết này cũng có thể là một thắng lợi nửa vời.

Phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế sẽ không có tính ràng buộc Trung Quốc liên quan đến tuyên bố chủ quyền. Tòa này đã nói rất rõ ràng như vậy.

Thay vào đó phán quyết này sẽ thuyết phục chính phủ và giới lãnh đạo quân sự ở Bắc Kinh rằng chỉ có một cách duy nhất trong tương lai – dùng vũ lực.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/06/160620_china_scs_sudworth_analysis

 

Trưng cầu dân ý Brexit: Những nét chính

Nước Anh tổ chức kỳ trưng cầu dân ý vào thứ Năm 23/6 về việc nước Anh ở lại hay rời khỏi Liên minh Âu châu (EU). Dưới đây là những nét căn bản.

Trưng cầu dân ý là gì?

Là một kỳ bỏ phiếu mà mọi người (hoặc hầu hết mọi người) trong độ tuổi đi bầu được quyền tham dự, thường là để chọn một trong hai phương án, “Đồng ý” hoặc “Không” đối với câu hỏi được đưa ra.

Phương án nào được quá nửa cử tri tán thành sẽ là phương án được lựa chọn.

Tại sao tổ chức trưng cầu dân ý?

Thủ tướng Anh David Cameron hứa sẽ tổ chức một kỳ trưng cầu dân ý nếu như ông thắng trong kỳ tổng tuyển cử 2015, nhằm phản hồi những lời kêu gọi ngày càng gia tăng từ các dân biểu thuộc Đảng Bảo thủ của ông và các dân biểu của Đảng Anh quốc Độc lập (UKIP).

Các dân biểu này nói rằng Anh đã không có tiếng nói gì kể từ 1975 tới nay, khi nước này trong kỳ trưng cầu dân ý đã quyết định ở lại EU.

EU kể từ đó đã thay đổi rất nhiều, có thêm quyền kiểm soát đối với cuộc sống hàng ngày của người dân, các dân biểu lập luận.

Ông Cameron nói: “Đây là lúc người dân Anh có tiếng nói của mình. Đây là lúc để giải quyết câu hỏi về châu Âu trong nền chính trị Anh.”

Liên minh Âu châu là gì?

Liên minh Âu châu (EU), là một khối hợp tác kinh tế, chính trị gồm 28 quốc gia châu Âu.

Tổ chức này được hình thành sau Đệ nhị Thế chiến nhằm tăng cường hợp tác kinh tế giữa các quốc gia thành viên.

Ý tưởng được đưa ra là các nước làm ăn thương mại cùng nhau thì sẽ tránh gây chiến với nhau.

Kể từ đó, EU đã được phát triển thành “một thị trường”, cho phép hàng hóa và người dân trong khối được tự do di chuyển.

EU có đồng tiền riêng, đồng euro, hiện đang được 19 quốc gia thành viên sử dụng, có nghị viện riêng và hiện cơ quan này đưa ra các quy định pháp lý trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ môi trường, vận tải, quyền lợi của người tiêu dùng cho tới thậm chí cả những thứ như bộ phận xạc điện thoại di động.

Câu hỏi trong kỳ trưng cầu dân ý là gì?

“Anh quốc nên tiếp tục là thành viên của Liên minh Âu châu hay nên rời khỏi Liên minh Âu châu?”

‘Brexit’ nghĩa là gì?

Đây là từ được viết tắt từ hai từ để nói Anh quốc (Britain) rời khỏi EU (exit), tương tự như từ Grexit được dùng để nói về khả năng Hy Lạp rời khỏi EU trước đây.

Ai được phép bỏ phiếu?

Các công dân Anh, Ireland và công dân các nước thuộc khối Thịnh vượng Chung đủ 18 tuổi trở lên hiện đang thường trú tại Anh, cùng các công dân Anh sống ở nước ngoài có đăng ký bầu cử tại Anh trong vòng 15 năm qua.

Các thành viên Thượng viện và các công dân khối Thịnh vượng Chung ở Gibralta cũng được phép bỏ phiếu, khác với kỳ tổng tuyển cử.

Công dân từ các nước EU, trừ Ireland, Malta và Cyprus, không được phép bỏ phiếu.

Bỏ phiếu thế nào?

Tương tự như khi bỏ phiếu các kỳ bầu cử khác.

Đầu tiên, nếu bạn đã đăng ký bầu cử, bạn sẽ được gửi thẻ thông báo địa điểm bỏ phiếu của bạn trong ngày 23/6.

Vào ngày đó, khi tới phòng phiếu, bạn sẽ được trao cho tờ giấy có ghi câu hỏi trưng cầu dân ý.

Bạn đứng vào khoang ghi phiếu, ở đó có sẵn bút chì cho bạn, rồi đánh dấu X vào ô có câu trả lời bạn muốn chọn.

Hoặc bạn cũng có thể chọn đăng ký bỏ phiếu qua đường bưu điện.

David Cameron đã không cố gắng thay đổi quy địn về quy chế thành viên EU của Anh à?

Có. Đây là tin lớn hồi tháng Giêng và tháng Hai, khi ông David Cameron tìm cách đạt thỏa thuận với các lãnh đạo EU về việc thay đổi các điều khoản đối với vị thế thành viên của Anh.

Ông nói rằng thỏa thuận, vốn có hiệu lực ngay lập tức nếu Anh chọn ở lại với EU, sẽ trao cho Anh vị thế “đặc biệt” trong khối 28 quốc gia, và sẽ giúp giải quyết được một số vấn đề mà người Anh nói là là họ không ưa về EU, như mức nhập cư cao và mất khả năng điều hành các quan hệ riêng của nước Anh.

Những người chỉ trích nói thỏa thuận của ông không tạo được mấy khác biệt và còn cách xa những gì ông đã cam kết khi công bố kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/06/160620_eu_brexit_need_to_know

 

Hải quân Indonesia ‘cảnh cáo tàu cá TQ’

Trung Quốc cáo buộc hải quân Indonesia đã nã súng vào một tàu cá của Trung Quốc trong vùng đánh bắt cá có tranh chấp ở Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm Chủ Nhật nói một ngư dân bị thương và một số người đã bị bắt giữ.

Vụ việc xảy ra hôm thứ Sáu, ở gần đảo Natuna, ngoài khơi Borneo.

Hải quân Indonesia trước đó nói họ đã bắn vào một số tàu mang cờ Trung Quốc nhưng không gây thương vong.

Hiện chưa rõ liệu các ngư dân có vẫn đang bị giới chức Indonesia giam giữ hay không.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết diện tích Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang xây lấn các đảo, mở rộng các cơ sở hạ tầng tại đây, và thường có tranh chấp với các nước láng giềng về chủ quyền ở vùng biển này.

Khác với các quốc gia Đông Nam Á khác, Indonesia không tham gia vào các tranh cãi lãnh hải ở Biển Đông.

Trung Quốc chấp nhận quần đảo Natuna và vùng biển quanh đó thuộc về Indonesia, nhưng hai bên trước đó đã từng gay gắt với nhau về vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp ở khu vực này.

Vụ việc xảy ra hôm thứ Sáu là vụ cãi cọ thứ ba trong năm nay giữa Indonesia và Trung Quốc ở vùng biển gần Natuna.

“Trung Quốc mạnh mẽ phản đối và lên án việc sử dụng vũ lực quá mức đó,” Tân Hoa Xã dẫn lời phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói trong một tuyên bố hôm Chủ Nhật.

Vụ việc xảy ra tại “vùng đánh bắt cá truyền thống của Trung Quốc”, tuyên bố nói.

Trong tháng Ba, Indonesia đã đệ đơn chính thức phản đối sau khi một tàu tuần tra của Indonesia định bắt giữ một tàu cá Trung Quốc ở Biển Natuna nhưng bị lực lượng tuần duyên Trung Quốc cản trở.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/06/160620_indonesian_navy_fires_chinese_fishing_boat

 

Giới chủ Anh lên tiếng về lá phiếu EU

Giới lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu ở Anh, từ Sir Richard Branson cho tới Chủ tịch Premier League, lên tiếng ủng hộ chiến dịch ở lại EU trước cuộc bỏ phiếu vào tuần này.

Chủ tịch Premier League Richard Scudamore nói 20 câu lạc bộ hàng đầu muốn Anh ở lại EU và rời EU sẽ là “phi lý” trong bối cảnh có sự cam kết “cởi mở” của giải đấu.

Trong khi đó, Sir Richard cảnh báo việc Anh rời EU có hậu quả “hết sức nghiêm trọng” cho sự thịnh vượng lâu dài của Vương quốc Anh.

Sir Richard Branson, người đã từ lâu ủng hộ chiến dịch ở lại EU, đã viết một bức thư ngỏ, nhắc lại giai đoạn “khó khăn như thế nào” cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trước khi gia nhập EU, và nói thêm ông “buồn” trước viễn cảnh trở về những ngày đó.

“Mặc dù tôi đã sống ở British Virgin Islands bấy lâu nay, tôi chưa bao giờ ngưng quan tâm nhiều về Vương quốc Anh và con người tuyệt vời của đất nước này. Tôi là một trong số ít các doanh nhân, những người có thể nhớ về thời gian khó khăn như thế nào trước khi hình thành EU”, ông chủ Virgin Group viết.

Trong khi đó, giám đốc điều hành tập đoàn đồ uống khổng lồ Diageo Ivan Menezes đã viết thư cho 4.773 nhân viên Anh của công ty, nói với họ rằng nó sẽ là “tốt hơn cho Vương quốc Anh, tốt hơn cho Diageo và tốt hơn cho ngành công nghiệp rượu whisky Scotch rằng chúng ta ở lại EU”.

Ông Menezes nói Diageo được hưởng lợi từ một cách dễ dàng khi tiếp cận với các thị trường cung châu Âu, cũng như các thỏa thuận mậu dịch mà EU đã đàm phán với các phần còn lại của thế giới.

Trong khi đó đồng bảng Anh lên giá so với đôla trong phiên giao dịch đầu giờ sau khi mất giá vào tuần trước.

Đồng bảng tăng 1.6% so với đôla Mỹ, 1 bảng đổi được 1.459 USD. Thăm dò vào cuối tuần cho thấy có sự chuyển hưởng bỏ phiếu ở lại EU.

Bảng Anh mất giá mạnh vào tuần trước sau khi thăm do cho thấy chiến dịch vận động rời EU thắng thế.

Tuy nhiên giới tài chính nói thị trường sẽ nhiều khả năng còn biến động mạnh trong những ngày tới.

http://www.bbc.com/vietnamese/business/2016/06/160620_uk_bosses_back_remain_campaign

 

Bảo tàng nghệ thuật nguyên thủy Paris Quai Branly tròn 10 tuổi

Thanh Hà

Kỷ niệm 10 năm đi vào hoạt động, bảo tàng Quai Branly khai mạc triển lãm « Jacques Chirac và đối thoại giữa các nền văn hóa ». Để ghi công cựu tổng thống Pháp, người đã có sáng kiến người đã thành lập một viện bảo tàng dành riêng cho nghệ thuật nguyên thủy, Musée du Quai Branly đổi tên thành Bảo tàng Quai Branly – Jacques Chirac.

Được khánh thành cách nay đúng 10 năm, bảo tàng ở Quai Branly là nơi dành riêng cho các nền nghệ thuật nguyên thủy của châu Phi, châu Đại Dương và châu Mỹ. Đây là một dự án được cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac ủng hộ từ năm 1995. Tòa nhà của viện bảo tàng do kiến trúc sư Jean Novel thiết kế.

Hiện tại bảo tàng Quai Branly là nơi tập hợp khoảng 325.000 tài liệu, cổ vật, tư liệu ảnh…, được chuyển về từ bảo tàng Musée de l’Homme và bảo tàng Nghệ Thuật Châu Phi và Châu Đại Dương. Ban tổ chức ban đầu dự trù đón 800.000 khách tham quan một năm, nhưng thành công của bảo tàng Quai Branly đã vượt ngoài mong đợi. Trung bình hàng năm, bảo tàng nghệ thuật nguyên thủy duy nhất tại Paris nằm bên bờ sông Seine này thu hút chú ý của hơn 1.300.000 người vào xem triển lãm.

77% ngân sách của bảo tàng Quai Branly do Nhà nước tài trợ và với 54 triệu euro, ngân sách của Musée du Quai Branly chỉ bằng 25% so với của viện bảo tàng Louvre.

Đến tham quan quần thể này, ngoài các gian trưng bày, triển lãm về nghệ thuật nguyên thủy của nhân loại, khách tham quan còn thích thú với khu trưng bày trong một tòa tháp cao đến 24 thước, dành riêng để triển lãm 10.000 nhạc cụ khác nhau trên thế giới.

Ngoài tòa nhà chính, khu vườn bao quanh trải rộng trên một diện tích hơn 17.000 mét vuông, với hơn 150 loài kỳ hoa dị thảo khác nhau cũng là một kỳ quan ngay giữa lòng Paris.

http://vi.rfi.fr/phap/20160620-bao-tang-nghe-thuat-nguyen-thuy-paris-quai-branly-tron-10-tuoi

 

Philippines : Giáo Hội báo động các vụ cảnh sát giết người

Thùy Dương

Ngày 20/06/2016, Giáo hội Công Giáo Philippines bày tỏ quan ngại trước sự gia tăng mạnh mẽ các vụ cảnh sát giết người từ sau chiến dịch an ninh mạnh tay quá mức trong cuộc vận động tranh cử của ông Rodrigo Duterte.

Đức tổng giám mục Socrates Villegas cho biết Giáo hội Công Giáo rất lo lắng khi nghe ngày càng nhiều thông tin về cái chết của những người buôn lậu, có vẻ như họ bị giết khi chống cự trong các vụ bắt giữ.

Theo số liệu của cảnh sát, 29 nghi phạm trong các đường dây buôn bán ma túy đã bị bắn chết từ ngày 09/05 đến ngày15/06/16 so với con số 39 người thiệt mạng trong bốn tháng đầu năm 2016. Các số liệu này cũng chưa đề cập tới con số 8 người thiệt mạng trong các vụ đụng độ cuối tuần qua.

Đức tổng giám mục cũng quan ngại về việc nhiều nhóm tự vệ mới được lập nên và trong nhiều vụ giết người, bên cạnh các thi thể thường có ghi rằng những người này là tội phạm.

Các vụ giết hại trên thường khiến người ta nhớ tới các vụ sát hại đã xảy ra tại thánh phố Davao ở miền nam Philippines nơi ông Rodrigo Duterte làm thị trưởng trong nhiều năm. Ông Duterte đảm bảo rằng Davao là một trong những thành phố an ninh nhất Philippines, trong khi đó các nhà hoạt động nhân quyền thì cho rằng hơn 1.000 người đã bị sát hại.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160620-philippines-giao-hoi-cong-giao-bao-dong-cac-vu-canh-sat-giet-nguoi-sau-bau-cu-tong-t

 

Donald Trump : “Kiểm soát diện mạo” để chống khủng bố

Tú Anh

Tỷ phú Donald Trump, ứng cử viên tổng thống (gần như chắc chắn) của đảng Cộng Hoà tiếp tục gây sốc. Trả lời phỏng vấn của truyền thông, ông tuyên bố cần phải gia tăng trấn áp khủng bố sau vụ thảm sát ở Orlando mà biện pháp hiệu quả nhất là kiểm soát « diện mạo » và « nhà thờ Hồi giáo ».

Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet cho biết thêm chi tiết :

“Được đài truyền hình CBS đặt câu hỏi qua điện thoại, Donald Trump tuyên bố là cho dù bản thân ông cũng không thích chuyện phân biệt diện mạo nhưng không loại trừ biện pháp này vì đã mang lại kết quả ở nhiều nơi. Nhà tỷ phú Mỹ đương cử trường hợp kiểm soát người Hồi Giáo ở « Israel và một số nước » với lập luận : Tôi không thích xét người qua diện mạo nhưng đã đến lúc chúng ta phải vận dụng lý trí. Ông cũng đòi phải kiểm soát nghiêm ngặt các nhà thờ Hồi Giáo tại Mỹ.

Khi được hỏi là làm cách nào để bảo đảm biện pháp kiểm soát được thi hành một cách có khuôn phép và tôn kính thì Donald Trump đưa ví dụ nước Pháp mà ông vẫn thường chỉ trích là bất lực, “bó tay” trước hiện tượng Hồi Giáo càng ngày càng quá khích. Ông nói, ở Pháp, trong một số trường hợp, người ta đóng cửa nhà thờ của đạo Hồi nhưng không nói ra mà thôi.

Khi được CNN phỏng vấn, bộ trưởng Tư Pháp Mỹ Lorette Lynch thẩm định biện pháp kiểm soát diện mạo không phải là giải pháp hiệu quả để chống khủng bố. Theo bà Lorette Lynch thì biện pháp khả thi nhất là thiết lập liên lạc, giao thiệp tốt với cộng đồng Hồi Giáo. Bởi vì, nếu trong hàng tín đồ có người trở thành cuồng tín, cực đoan thì thân nhân, bạn bè của người đó sẽ phát hiện ra ngay và sẽ thông báo cho nhà chức trách”.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160620-donald-trump-kiem-soat-dien-mao-de-chong-khung-bo

 

Anh Quốc : Phe chống Brexit khởi sắc trở lại

Thanh Hà

Ba ngày trước cuộc trưng cầu dân ý là nên ở lại hay chia tay với Liên Hiệp Châu Âu, ẩn số vẫn nguyên vẹn. Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy hai phe ủng hộ và chống Brexit đang sát nút nhau : 45 % người được hỏi muốn ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu và 42 % thì chủ trương Luân Đôn nên chia tay với Bruxelles.

Chiến dịch vận động ủng hộ và chống Brexit đã được khởi động lại kể từ ngày 19/06/2016 sau khi đã bị gián đoạn vì nữ dân biểu Jo Cox bị ám sát. Thủ tướng David Cameron vận động để nước Anh ở lại trong Liên Hiệp trong chương trình truyền hình của đài BBC đã nhấn mạnh đến những rủi ro to lớn nếu như cử tri Anh bước ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

Thông tín viên đài RFI từ Luân Đôn, Marina Daras tường thuật :

“David Cameron đã tận dụng chương trình nói chuyện trực tiếp với công chúng để nhắc lại một số điểm then chốt trước cuộc bỏ phiếu vào thứ Năm tới đây. Đương nhiên là ông đã đề cập đến khía cạnh kinh tế và hồ sơ nhập cư. Đó là những chủ đề nổi cộm trong những tháng gần đây.

Theo ông, nước Anh sẽ khó kiểm soát các làng sóng người nhập cư nếu không có sự hỗ trợ của Liên Hiệp Châu Âu ; tăng trưởng kinh tế, vấn đề việc làm sẽ không được thuận lợi như hiện tại và tình trạng thâm hụt ngân sách của nước Anh sẽ đáng quan ngại hơn trong trường hợp Brexit. Nếu phe bài châu Âu thắng thế, Anh Quốc sẽ bị đẩy vào một giao đoạn với nhiều bất trắc, có thể kéo dài đến cả một thập niên. Trước mắt, Luân Đôn sẽ phải mất 2 năm để thương lượng với Bruxelles về một quy chế đối tác mới.

Vẫn thủ tướng Cameron nhìn nhận là tranh luận nên đi hay ở lại Liên Hiệp Châu Âu đã rất sôi động và ông cũng đã tố cáo phe ủng hộ Brexit tung tin thất thiệt chẳng hạn như là phe này khẳng định rằng, Bruxelles sẽ kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ hay Liên Hiệp Châu Âu đang chuẩn bị thành lập quân đội chung, với sự tham gia của Anh Quốc hay là Luân Đôn mỗi tuần phải rót 350 triệu bảng Anh vào quỹ chung của Liên Hiệp Châu Âu. Thủ tướng Camron kết luận : Chúng ta không nên quay lưng lại với Liên Hiệp Châu Âu vì những thông tin hoàn toàn sai lệch như vậy. Nhất là một khi đã chia tay với châu Âu rồi thì rất khó có thể quay đầu lại.

Xét cho cùng, tranh cãi nên ở hay đi trong quan hệ giữa Bruxelles với Luân Đôn đã kéo dài từ 25 năm qua. Là một nền dân chủ nước Anh sẽ không sợ quyết định của người dân. Nếu phe ủng hộ Brexit thắng thế, thì sau nay để hội nhập trở lại với Liên Hiệp Châu Âu, Anh Quốc bắt buộc phải chấp nhận đồng euro, phải chấp nhận tham gia vào không gian tự do đi lại Shengen, và nước Anh sẽ không còn được hưởng một số những điều khoản ưu đãi như hiện nay”.

Có thể nói là thủ tướng Anh đã làm tất cả để thuyết phục người dân nên ở lại với Liên Hiệp Châu Âu. Những lập luận của ông David Cameron có cưỡng lại với lập trường của phe bài châu Âu tại vương quốc này”.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160620-anh-quoc-phe-muon-o-lai-lien-hiep-chau-au-khoi-sac-tro-lai

 

Ba lý do khiến Trung Quốc muốn Anh ở lại Liên Hiệp Châu Âu

Thanh Hà

« Brexit or not Brexit ? », đó không chỉ là mối đau đầu của riêng nước Anh hay 27 thành viên còn lại trong Liên Hiệp Châu Âu ba ngày trước cuộc trưng cầu dân ý. Sau Hoa Kỳ đến lượt Trung Quốc cũng đang hồi hộp chờ đợi xem cử tri Anh chọn ra đi hay ở lại trong đại gia đình Châu Âu. Trong trường hợp ngày 23/06/2016 đa số cử tri Anh đòi « ly dị » với Liên Hiệp Châu Âu, Trung Quốc chờ đợi sẽ phải trả giá đắt cả về mặt chính trị lẫn kinh tế.

Báo chí quốc tế chú trọng nhiều đến lập trường của Washington kêu gọi Anh nên ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu vì những quyền lợi kinh tế và tài chính của Hoa Kỳ nhưng ít ai để ý đến thái độ của Bắc Kinh. Trong chuyến công du vương quốc Anh hồi tháng 10/2015, đích thân chủ tịch Tập Cận Bình trong một thông cáo đã tuyên bố « Trung Quốc hy vọng Châu Âu được thịnh vượng và Liên Hiệp luôn đoàn kết và thống nhất ».

Theo phân tích của tạp chí Mỹ, The National Interest trên mạng, thông điệp của Trung Quốc đối với Luân Đôn quá rõ ràng : Bắc Kinh không muốn để kịch bản Brexit xảy ra vì trong trường hợp Luân Đôn nói không với Bruxelles, Trung Quốc sẽ bị thiệt hại cả về mặt kinh tế lẫn chính trị.

Tác giả bài viết, nhà nghiên cứu Ivan Lidarev thuộc trường King College, nêu ra ba lý do khiến Trung Quốc lo sợ kịch bản đó xảy ra.

Thứ nhất, trong bối cảnh áp lực của Hoa Kỳ và Nhật Bản tại châu Á ngày càng lớn, Trung Quốc đang xoay trục sang châu Âu và trong nước cờ đó, Bắc Kinh đã đánh cuộc vào Luân Đôn để mở rộng ảnh hưởng của mình tại Lục Địa Già. Đặc biệt là để từng bước củng cố kế hoạch xây dựng lại Con Đường Tơ Lụa của thế kỷ XIX, một hoài bão to lớn, cả về mặt giao thương lẫn chiến lược được ông Tập Cận Bình ấp ủ.

Tính toán này của Bắc Kinh đã bắt đầu đem lại một số thành quả rõ rệt, ít nhất là trên hai điểm : một là Luân Đôn đang nỗ lực vận động Liên Hiệp Châu Âu công nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường, cho phép giảm thuế nhập khẩu đánh vào hàng của Trung Quốc xuất sang châu Âu. Điểm thứ hai là nước Anh, năm 2015 đã mở rộng cửa đón nhận hàng loạt các dự án đầu tư của Trung Quốc, trị giá hàng tỷ đô la. Nhìn từ phía Bắc Kinh, đây là bước đầu hết sức quan trọng để Trung Quốc bắt rễ vào châu Âu. Trong chuyến công du 5 ngày vào năm 2015, bộ trưởng Kinh Tế Anh từng tuyên bố : Luân Đôn là đối tác Tây phương quan trọng nhất của Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

Lý do thứ nhì khiến Trung Quốc muốn ở nước Anh ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu, đơn giản vì vương quốc Anh là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa Trung Quốc dễ tràn vào thị trường châu Âu với hơn 500 triệu dân. Nếu như Luân Đôn « chia tay » với Bruxelles thì coi như một cánh cổng mở ra thị trường rộng lớn này bị khép lại. Nhiều nhà quan sát lo ngại là trong trường hợp phe Brexit thắng thế, nhiều doanh nhân Trung Quốc sẽ di dời cơ sở khỏi vương quốc Anh.

Yếu tố thứ ba khiến Bắc Kinh lo ngại kịch bản Brexit, là vì Trung Quốc xem Anh Quốc là bệ phóng cho tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ khi ra ngoài khu vực châu Á Thái Bình Dương : Luân Đôn là trung tâm tài chính số một của châu Âu, lại có múi giờ thuận tiện, giữa châu Âu và châu Mỹ. Sau Hồng Kông, Luân Đôn đã trở thành địa điểm thứ nhì trên thế giới ngoài Hoa Lục, nơi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc được công nhận và dùng làm phương tiện thanh toán.

Khu tài chính City và việc Luân Đôn đồng ý trao đổi với Bắc Kinh bằng nhân dân tệ là công cụ quý giá nhất cho một đơn vị tiền tệ trên đường chinh phục quốc tế để vươn lên ngang hàng với những đồng tiền có uy tín như yen của Nhật, euro của châu Âu hay đô la của Mỹ.

Bên cạnh ba lý do quan trọng được Ivan Lidarev nêu lên trong bài viết đăng trên tờ The National Interest, còn phải kể đến một tính toán khác của Bắc Kinh là Liên Hiệp Châu Âu hiện là đối tác thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc, tổng trị giá trao đổi mậu dịch hai chiều lên tới 520 tỷ vào năm ngoái. Việc Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu sẽ làm rúng động đại gia đình châu Âu này, qua đó tác động lây đến quyền lợi của Bắc Kinh.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160620-3-ly-do-khien-trung-quoc-muon-anh-o-lai-lien-hiep-chau-au

 

Bầu cử địa phương Ý : Phong Trào Năm Sao thắng lớn tại Roma và Turino

Thùy Dương

Chủ Nhật ngày 19/06/16, Đảng Dân chủ cầm quyền của thủ tướng Matteo Renzi đã bị Phong Trào Năm Sao đánh bại trong vòng hai của cuộc bầu cử thị trưởng ở Roma. Còn tại thành phố lớn thứ tư của Ý là Turino, Phong Trào Năm Sao cũng đã giành chiến thắng, cho dù trước đó người Ý vẫn nghĩ rằng đảng Dân Chủ sẽ thắng cử ở thành phố này. Đảng cầm quyền của thủ tướng Renzi đang thực sự đối đầu với nhiều khó khăn.

Từ Roma, thông tín viên Anne Le Nir gửi bài tường thuật :

“Không còn tranh cãi gì nữa, Phong Trào Năm Sao đã thắng lớn trong các cuộc bỏ phiếu bầu thị trưởng. Một nữ luật sư 37 tuổi không có kinh nghiệm thực sự về chính trị và quản lý hành chính đã trở thành thị trưởng thành phố Roma.

Bà Virginia Raggi, vốn có tài giao tiếp, đã biết cách chinh phục cả giới trẻ và những người già. Là hiện thân của sự mới mẻ và đổi thay, bà ấy đã tranh thủ được sự thay đổi ý kiến của các cử tri đã từng bỏ phiếu cho một trong ba ứng cử viên đã bị loại trong vòng bỏ phiếu đầu tiên.

Chúng ta nên nhớ rằng ông Giorgia Meloni, người đứng đầu một đảng cực hữu cũng đã có thể là đối thủ của bà, chỉ xếp sau bà có 4 phiếu. Chiến thắng của bà Virginia Raggi là khó khăn lớn nhất trong số những khó khăn mà đảng Dân Chủ cầm quyền của Thủ tướng Matteo Renzi phải đương đầu.

Vì thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu tại thành phố Turino cũng đã thuộc về một ứng cử viên nổi tiếng, bà Chiara Appendino, một nhà quản lý 32 tuổi. Thắng lợi ở Thủ đô Kinh tế Milan của ứng viên cánh trung tả Giuseppe Sala không đủ để che giấu việc chính phủ của thủ tướng Renzi đang mất dần sự được lòng dân. Nước Ý đang trở thành một nước có nguy cơ bất ổn cao”.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160620-y-thang-loi-cua-phong-trao-nam-sao-roma-turino

 

Daech kêu gọi tấn công hơn 70 căn cứ không quân của NATO

RFI

Theo tình báo Hàn Quốc, tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo – Daech đã thu thập thông tin 77 căn cứ không quân của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO – trên thế giới và kêu gọi tấn công những cơ sở này.

Trong thông cáo công bố vào ngày 19/06/2016 và được đài truyền hình Mỹ CNN trích dẫn, Cơ Quan Tình Báo Quốc Gia Hàn Quốc – NIS, cho biết, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo – Daech đã thu thập, và công bố thông tin về nhiều nhân vật cần sát hại tại 21 quốc gia. Trong số này có cả một nữ nhân viên thuộc một tổ chức hoạt động xã hội Hàn Quốc.

Tổ chức chuyên thực hiện các vụ tin tặc của Daech – United Cyber Caliphate – đã thu thập các thông tin về nhiều đơn vị không quân của Mỹ tại Hàn Quốc, trong đó có căn cứ Osan. Sau đó, Daech dùng dịch vụ thư thoại Telegram để công bố địa chỉ và bản đồ vệ  tinh Google các căn cứ này.

Chính quyền Seoul báo động là « các hành động khủng bố nhắm vào công dân Hàn Quốc và ngoại quốc trên lãnh thổ Hàn Quốc đang trở thành một thực tế ».

Theo tình báo Hàn Quốc, trong 5 năm qua, 50 người bị tình nghi là thành viên các tổ chức khủng bố đã bị trục xuất khỏi Hàn Quốc.

Ngày 20/06, lực lượng không quân Mỹ tại Hàn Quốc – USFK – ra thông cáo khẳng định nâng cao cảnh giác để bảo đảm an ninh cho các căn cứ không quân ở Hàn Quốc.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160620-daech-keu-goi-tan-cong-hon-bay-chuc-can-cu-khong-quan-cua-nato

 

Bắc Triều Tiên tham dự Đối thoại Hợp tác Đông Bắc Á

Thanh Hà

Đại diện ngoại giao Bắc Triều Tiên trực tiếp gặp phái đoàn Mỹ trong khuôn khổ Đối Thoại Hợp Tác Đông Bắc Á mở ra tại Bắc Kinh ngày 20/06/2016. Đây là một diễn đàn không chính thức do Đại học bang California, Hoa Kỳ, tổ chức nhưng quy tụ 6 quốc gia tham dự vào tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Theo hãng tin Nhật Kyodo, bà Choe Son Hui tham dự Đối Thoại Hợp Tác Đông Bắc Á khai mạc tại Bắc Kinh. Đại diện của Mỹ về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, ông Sung Kim, cũng tham gia sự kiện này cùng với các nhà nghiên cứu, ngoại giao của Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và Trung Quốc. Đây là những quốc gia trực tiếp liên quan đến tiến trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên. Trưởng đoàn đàm phán về hạt nhân Bắc Triều Tiên của Nhật Bản cũng sẽ có mặt tại hội thảo cao cấp tổ chức tại thủ đô Trung Quốc.

Kyodo chưa thể xác nhận tin đại diện Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ có một buổi làm việc riêng hay không bên lề diễn đàn được tổ chức tại Bắc Kinh lần này.

Đàm phán 6 bên về hạt nhân Bắc Triều Tiên đã bị gián đoạn từ năm 2008. Bắc Kinh, điểm tựa quan trọng của chế độ Bình Nhưỡng, luôn thúc giục Bắc Triều Tiên nối lại đối thoại với cộng đồng quốc tế.

Hãng tin Kyodo nhắc lại Đối Thoại Hợp Tác Đông Bắc Á là một sáng kiến do viện nghiên cứu Institute on Global Conflict and Cooperation thuộc Đại học San Diego – California đề xướng. Cuộc họp lần này mở ra trong bối cảnh, đặc phái viên chính quyền Bình Nhưỡng Ri Su Yong vừa công tác tại Bắc Kinh và đã hội kiến chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 01/06/2016.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160620-bac-trieu-tien-tham-du-doi-thoai-hop-tac-dong-bac-a