Một mũi dao đâm bất ngờ của bà Tôn Nữ…
Bà Tôn Nữ Thị Ninh. Ảnh: Internet
Hạ Đình Nguyên
Thế là cả hai tuần nay không gian mạng đã nhường một góc lớn cho chuyện của bà Tôn Nữ Thị Ninh và ông Bob Kerrey.
Nhưng đúng ra là chuyện của chính bà Ninh, chứ ông Bob thì vẫn vậy.
Câu chuyện của bà Tôn Nữ tạm thời che lấp một phần chuyện người dân khắp nước đang bức xúc về cá chết, biển nhiễm độc cùng sự đàn áp bắt bớ đánh đập người biểu tình. Nó che luôn kết quả “thành công rực rỡ” của cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14. Nó gây ồn ã và làm suýt sém một góc tiếng vang của Tổng thống Mỹ Obama trong chuyến công du Việt Nam.
Trong chuyến đi này ông Obama đã tuyên bố chính thức sự ra đời của Đại học Fulbright Việt Nam, và sẽ được khai giảng vào tháng 9 tại TP HCM, mà ông Bob Kerrey sẽ là người phụ trách. Sự lên tiếng của bà Tôn Nữ có nội dung đả kích cá nhân ông Bob như mọi người đã biết. Bà đã khơi dậy và thổi vào đống tro tàn ngọn lửa hận thù của cuộc chiến tranh Việt – Mỹ đã chấm dứt nửa thế kỷ qua, mà cả hai bên Nhà nước đã đồng tình khép lại từ 20 năm qua, sau nhiều năm cố gắng. Bà Tôn Nữ phản đối ông Bob Kerrey với vai trò Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright, bằng cách gợi lại chuyện ông này đã từng là kẻ chỉ huy giết người tại làng Thạnh Phong trong chiến tranh xưa.
Trong chuyến đi của ông Obama sang Việt Nam, niềm hân hoan lớn nhất của người dân; nhất là giới trí thức và giới trẻ, ngoài vấn đề bỏ cấm vận vũ khí sát thương, còn là sự ra đời trường Đại học ấy, với nhiều hy vọng và chờ đón, trong bối cảnh một nền giáo dục bản địa đang hết sức u ám lâu nay, mà tình trạng “tị nạn giáo dục” diễn ra như một cuộc tháo chạy toát mồ hôi của những ai có một ít điều kiện khả dĩ. Bỗng dưng, sự đả kích rất hằn học của bà Tôn Nữ vào ông Bob đã gây ngỡ ngàng không ít và tạo cơn lốc trên mạng. Bà không nói, và cũng không ai nói, rằng bà muốn gây trở ngại cho sự ra đời của trường này. Bà không chống lại cái trường FUV – có chống cũng khó – mà chỉ chống ông Bob Kerrey, người chủ chốt của trường, từng bỏ công sức xây dựng nó, với lý do sự kiện Thạnh Phong như mọi người đã biết.
Bà Ninh cho là ông Bob không xứng đáng phụ trách chức vụ này vì lý do pháp lý, tâm lý, vì quan niệm nhân sinh riêng của bà, hay vì một ẩn ý nhằm thực hiện một chủ trương nào khác? Đó chỉ là những câu hỏi.
Dù là lý do nào, chắc chắn Bắc Kinh, và những người có xu hướng thân Bắc Kinh, sẽ rất tán thành điều này, với bất cứ nguyên cớ nào có thể gây nên trở ngại cho sự ra đời của trường, nhất là vì nó chắc chắn không thể là định hướng xã hội chủ nghĩa, định hướng Bắc Kinh Đại Hán, thậm chí là định hướng Khổng Tử vạn thế sư biểu. Chúng không muốn một nền văn hóa – giáo dục nào xa rời và có hại cho chủ nghĩa bành trướng của chúng dưới vỏ bọc của “chủ nghĩa”.
Hẳn là không nên áp đặt bà Ninh vào xu hướng nói trên. Cũng không phải là vấn đề pháp lý, bởi ông Bob Kerrey, ông John Kerry, ông MacCain… đều xuất thân từ trong cuộc chiến, và chưa bị bên nào lên án là tội nhân chiến tranh, khi hai nước nối lại bang giao. Còn vì vấn đề tâm lý trong nhân dân thì cũng không nốt. Dân Việt Nam rất thích du học ở Mỹ, cuộc đón chào rất nồng nhiệt Tổng thống Obama, hai nhà nước đã ký hợp tác toàn diện… đã nói lên điều đó. Nếu vì lý do tâm lý hận thù xưa, nếu có như bà Ninh gợi lên, thì cũng có song không đáng kể.
Vì quan niệm nhân sinh riêng của bà Ninh, hay một ẩn ý nào khác?
Ban đầu, có lẽ không ai nghĩ đến một ẩn ý ngược dòng nào của bà, khi mà hai nhà nước đã nhiều năm thảo luận và đưa đến kết quả thành lập ngôi trường mà Tuyên bố chung Việt – Mỹ ngày 23/5/2016 tại Hà Nội đã khẳng định, Việt Nam và Hoa Kỳ hoan nghênh việc thành lập Đại học Fulbright với mục tiêu trở thành trường đại học đẳng cấp quốc tế của Việt Nam.
Nhưng tại sao, người phát ngôn Lê Hải Bình đã đưa ra lời tuyên bố hơi ỡm ờ, nhưng có vẻ đồng tình đưa đẩy với bà Ninh: “việc ông Bob Kerrey, người từng chịu trách nhiệm một vụ thảm sát thời kỳ chiến tranh, làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright cần được xem xét phù hợp với xu thế quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ”. Và cái phát biểu ngược chiều với xu hướng trên của ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM rất được dư luận hoan nghênh: “Giáo dục là khoa học, không lệ thuộc chính trị” lại âm thầm bị rút bỏ khỏi các trang báo nhà nước? Đó là điều khó hiểu.
Không thể đảo ngược được sự ra đời của Đại học Fulbright, nên một bộ phận nào đó đột kích vào cá nhân ông Bob, mà bà Ninh là mũi xung kích?
Dù thế nào thì bà Tôn Nữ Thị Ninh cũng đã bộc lộ quan điểm cá nhân của bà về phương diện đạo đức và tính cách. Bà có tiếng tăm nổi lên một dạo trong chính trường, nhưng cũng không ai rõ lắm về công trạng “Cách mạng” của bà. Nhân dịp này nhiều người mới rõ thêm. Thì ra cũng không có gì lắm, có thể xếp bà vào loại chính trị “cổ cồn”. Bà nhạo báng tất cả những ai trong nước và ngoài nước muốn “gác lại quá khứ để hướng về tương lai” bằng những lời rất cay độc: “Chúng ta đang chứng kiến một dạng kêu gọi nhau thi đua bày tỏ ‘vị tha, cao thượng’… Tôi ngạc nhiên về những tình cảm cảm thông sâu sắc dành đặc biệt cho sự khổ tâm của Bob Kerrey với ‘những lời thốt ra từ gan ruột’, ca ngợi ông ‘rất can đảm khi quyết định nhận cương vị hiện nay’!”. “Chúng ta” là ai mà bà nhân danh là đang chứng kiến cái chứng kiến ấy của bà? Cái “ngạc nhiên” của bà lại đầy chất kiêu ngạo. Bà chế nhạo sự sám hối của ông Bob hay có thể của bất cứ ai theo cái cách úp bộ này. Bà thuộc dòng dõi quý tộc, người con xứ Huế, nơi thấm đẫm giáo lý đạo Phật, mà có thể bà chưa từng hiểu “sám hối” là gì. Có lẽ trong đời bà chưa từng có một sai lầm và chưa từng một lần ăn năn hối hận nào, cũng chưa từng biết cảm thông nên bà mới mỉa mai “kêu gọi nhau thi đua bày tỏ vị tha, cao thượng”. Sao mà lời lẽ chanh chua đến thế? “Kêu gọi nhau”, và “thi đua” nữa, hẳn là số đông rồi, bà muốn nói đến những ai thế? Có thể bà rất “căm thù” cái Thạnh Phong chắc, nên quên mọi thứ khác? Quên cả vụ xứ Huế đẫm máu quê bà, quên cả cái Vị Xuyên tàn khốc hơn nhiều lần, mà người dân muốn quên đi để cấp bách chuyển sang một trang mới với một kẻ thù nham hiểm trước mặt.
Về một câu chuyện “ném đá”
Trong sách Phật có chuyện về Angulimala, dòng dõi là con một quan Thượng thư của triều đình Pasenadi, muốn đi tu. Có người đồng môn tị hiềm bảo anh ta cần phải có một món quà cho ông Thầy, là 1000 ngón tay cái của bàn tay phải. Angulimala đã tìm giết được 999 người để có được chừng ấy ngón tay. Xóm làng sợ hãi bỏ chạy hết, Angulimala không tìm ra ai nữa. Anh ta nhìn sang người mẹ, có thể là người thứ 1000 chăng. Bỗng dưng Đức Phật xuất hiện. Đây rồi, đúng là mục tiêu. Anh ta tiến tới, Đức Phật lãng đãng trước mặt nhưng anh ta không thể đuổi kịp, bèn kêu lên: Hãy đứng lại! Phật bảo: Ta đã đứng lại lâu rồi, chỉ có ngươi là chưa chịu dừng lại thôi! Bằng uy lực và thần quang thế nào đó từ Phật phát ra, Angulimala buông dao và sụp lạy, xin làm đệ tử của Phật. Từ đó anh ta tu tập theo Phật. Những lần Angulimala đi khất thực trên đường gặp lại thân nhân những người bị anh ta giết chết phẫn uất và ném đá. Angulimala vẫn nhẫn nhục chịu đựng, xem đó là cái nghiệp mình phải trả. Vua Pasenadi cũng lên tiếng chỉ trích anh ta là kẻ đã từng giết người, nhưng không có luật trả thù với những người đã hối cải. Về sau Angulimala trở thành một trong 18 Phật La Hán. Sách chép đầy đủ tội và công, không bớt phần nào.
Nhà nước Việt Nam và nhà nước Mỹ không bắt tội Bob Kerrey. Tự Bob đã sám hối và làm mọi việc có thể làm, cũng sẵn sàng chịu đựng sự ném đá, và không từ bỏ việc hướng thiện của mình. Nghe tin Bob không từ chức ở cái trường sắp ra đời này, và vẫn kiên nhẫn làm công việc đã được sắp xếp của mình.
Đó là một tin vui.
Việc bà Tôn Nữ ném đá ông Bob cũng là chuyện thường tình như câu chuyện trên, nhưng trường hợp bà Tôn Nữ xem ra không mấy công bằng. Bà cũng không bằng, và không phải là kẻ trị vì một vương quốc như vua Pasenadi. Cuộc ồn ã trên dư luận mấy tuần qua về cuộc đâm dao bất ngờ vào ông Bob của bà Tôn Nữ có lẽ đã im ắng dần. Riêng bà, hẳn là có một sự mất mát lặng lẽ nào đó.
Hy vọng rằng ông Bob Kerrey vẫn là người đầu tiên điều hành trường Đại học Fulbright tại thành phố Hồ Chí Minh với mong muốn là đẳng cấp quốc tế, và ở Bến Tre vẫn tồn tại một Bảo tàng chiến tranh, với một ông Bob của sự kiện thảm sát Thạnh Phong. Nó là đề tài mở sống động dành cho những sinh viên nào muốn làm luận án, là đề tài đáng nói sau một cuộc chiến, là vấn đề nhân văn của “chiến tranh và hòa bình”.