Điểm Báo Pháp – 13/6/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 13/6/2016

Người dân San Franciso, California tưởng niệm các nạn nhân bị thảm sát ở Orlando ngày 12/06/2016. REUTERS/Stephen Lam

RFI – Thụy My – 13-06-2016

Khủng bố Hồi giáo ở Orlando làm lợi cho Donald Trump

Vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ làm cho ít nhất 50 người chết trong một câu lạc bộ dành cho người đồng tính nam ở Orlando hôm Chủ nhật, mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã lên tiếng nhận trách nhiệm, được tất cả các báo Pháp hôm nay 13/06/2016 đề cập đến.

Le Figaro chạy tựa lớn « Khủng bố Hồi giáo ở Orlando, kinh hoàng và thù hận » với hình ảnh những người thân nạn nhân đang đau khổ, dành hai trang lớn bên trong và bài xã luận cho sự kiện này. Trang nhất của Libération cũng đăng bức ảnh chủ đề tương tự, với hàng tựa « Orlando, vết thương mới sâu hoắm ».

Khủng bố Hồi giáo : Mối nguy có thật cho nước Mỹ !

« Một bước ngoặt cho Mỹ quốc », đó là tựa đề bài xã luận của Le Figaro hôm nay. Tờ báo nhận định, mười lăm năm sau các vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín năm 2001, nước Mỹ lại rơi vào thực tế khó tin. Vẫn biết những « con sói đơn độc » vẫn thường lợi dụng số vũ khí chiến tranh được lưu chuyển thoải mái để thực hiện những vụ thảm sát mà không vì một lý tưởng nào. Nhưng, mặc cho các vụ giết người hàng loạt mới đây tại Boston và San Bernardino, mối đe dọa Hồi giáo không được người Mỹ coi trọng như ở châu Âu.

Trung Đông đã rời xa mối quan tâm thường nhật, khi không còn cảnh những quan tài lính tử trận được đưa về nước. Cộng đồng người Hồi giáo, chiếm chưa đầy 1% dân số Mỹ, dù bị FBI giám sát, vẫn không là mối lo cho công chúng.

Tất cả những điều này sẽ thay đổi, sau vụ xả súng cuối tuần qua ở Orlando. Trong thời kỳ vận động bầu cử hết sức căng thẳng, gây chia rẽ trong xã hội, vụ tấn công của một thanh niên Hồi giáo nhắm vào cộng đồng người đồng tính ở Florida đã lật ngược hẳn thế cờ.

Chỉ còn sáu tháng nữa là Nhà Trắng sẽ thay chủ mới, tất cả những gì ông Barack Obama nói và làm sẽ có tác động lên cuộc chạy đua giành chức tổng thống Mỹ. Sự ngần ngại của ông không muốn chỉ trích Hồi giáo, sẽ được Donald Trump tận lực khai thác. Bà Hillary Clinton, vốn hoan nghênh vị tổng thống sắp mãn nhiệm đứng về phía mình, có thể phải giữ khoảng cách với chủ trương « leadership from behind » (lãnh đạo từ phía sau) mà cái giá phải trả cao hơn hiệu quả.

Tổng thống Barack Obama từ này sẽ phải xem xét lại chiến lược và mục tiêu trong trận chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS, Daech), sau khi đã mặc nhiên để cho ông Vladimir Putin thỏa sức tung hoành trong những tháng gần đây. Tại Hoa Kỳ, khủng bố Hồi giáo và việc kiểm soát vũ khí sẽ là những chủ đề chính trị chủ yếu được đem ra tranh luận. Le Figaro kết luận, đối với một vị tổng thống đang ưu tư về « di sản » để lại cho người dân Mỹ, và hai ứng cử viên chuẩn bị thay chân, đây sẽ là « phút nói thật ».

Donald Trump sẽ hưởng lợi

Ở trang trong, bài phân tích « Một vụ thảm sát sẽ đánh dấu bước ngoặt trong chiến dịch tranh cử tổng thống » cho rằng ứng viên Donald Trump sẽ hưởng lợi lớn qua vụ này.

Cho dù thủ phạm sinh tại Mỹ, đòi hỏi tạm thời cấm người theo đạo Hồi nhập cảnh vào Hoa Kỳ của nhà tỉ phú bỗng dưng có vẻ chấp nhận được đối với nhiều người dân.

Donald Trump và cánh hữu Mỹ cho rằng ông Obama đã đánh giá thấp thử thách từ Hồi giáo cực đoan. Vụ thảm sát ở Orlando cho thấy nước Mỹ không hề an ninh hơn châu Âu trước khủng bố Hồi giáo, và đây không đơn giản là vấn đề « kinh tế xã hội » như tổng thống Hoa Kỳ đã hàm ý trong bài phát biểu sau các vụ khủng bố ở Paris, kêu gọi Pháp hãy giúp các cộng đồng thiểu số hội nhập tốt hơn. Sau các vụ xả súng ở Boston, Chattonooga, San Bernadino và nay là Orlando, tranh cãi sẽ còn sôi sục.

Theo Le Figaro, nhà tỉ phú Trump vốn tự giới thiệu như « sê-ríp » duy nhất có khả năng lập lại trật tự, có thể hưởng lợi. Chủ đề này sẽ làm người ta quên đi những lời lên án từ cánh tả là kỳ thị chủng tộc và cực đoan, và thậm chí còn có thể thu hút được một số cử tri Ki-tô giáo người Mỹ da đen, và Mỹ la-tinh xưa nay vẫn ủng hộ đảng Dân Chủ.

Bắc Kinh lại tuyên truyền sai lạc về Biển Đông trên báo Pháp

Liên quan đến Biển Đông, TC tiếp tục chiến dịch truyền thông trên các báo Pháp. Sau khi đã mua hẳn những trang quảng cáo trên Le Figaro cách đây vài tuần để tuyên truyền về yêu sách đường lưỡi bò của mình, hôm nay trên mục ý kiến của nhật báo kinh tế Les Echos xuất hiện bài viết của đại sứ TC tại Pháp Địch Tuyển (Jun Zhai) mang tựa đề « Tranh chấp Biển Đông : Bắc Kinh muốn những gì».

Cũng vẫn luận điệu cũ : TC hiện diện tại Biển Đông kể từ thời xa xưa, và Bắc Kinh đã quản lý hành chính rất sớm các đảo và quần đảo tại vùng này, và các tên đảo đã có trên bản đồ chính thức của triều nhà Minh (1368-1644). Sau Đệ nhị Thế chiến, TC tiếp thu các đảo từ quân Nhật và đặt lại tên cho 159 hòn đảo, bãi đá ngầm ở Biển Đông, công bố bản đồ lãnh thổ mà không thấy nước nào phản đối.

Theo bài viết, chỉ từ khi phát hiện dầu khí trong thập niên 70, nhiều nước mới bắt đầu đòi hỏi chủ quyền Biển Đông, lần lượt gởi quân đến chiếm đóng, vì vậy TC mới phải thực thi quyền tự vệ của mình.

Địch Tuyển cũng tố cáo Philippines đã đơn phương đưa vấn đề ra trước Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, vi phạm thỏa thuận đã có với Bắc Kinh về việc giải quyết bất đồng qua thương lượng. Địch Tuyển nhấn mạnh, TC không công nhận và coi phán quyết của tòa là vô hiệu.

Làng ế vợ ở TC

Cũng về TC nhưng trên lãnh vực xã hội, bài phóng sự của đặc phái viên Le Figaro về « Thảm cảnh của những ngôi làng độc thân», mô tả tình cảnh ở Gongju, một làng nhỏ ở đảo Hải Nam, trai làng không thể tìm được vợ. Đây là hậu quả của chính sách một con và nạn phá các bào thai nữ, dẫn đến thái độ bạo lực từ những người bất mãn.

Tác giả kể lại, không thể nào tìm được ông bí thư đảng ủy. Đồng chí này phải bỏ trốn đi nơi khác, tránh cơn giận dữ của dân làng vì đã lỡ tiết lộ cho cả nước một sự thật mà ai cũng biết : Gongju là một làng của trai ế vợ. Theo ông bí thư, hầu như tất cả các trai tráng đến tuổi kết hôn đều ở đây đều phải sống độc thân, gồm khoảng 200 thanh niên trên tổng số 5.000 cư dân.

Cậu bé cháu ông nói với phóng viên : « Ông không tìm ra chú tôi đâu. Ở đây, tất cả mọi người đều muốn cho ông ấy một cú đá vào mông! Chú đang trốn ở Wanning », thành phố cách đó hai chục cây số. Bí thư Zeng Fanchang, bản thân đến 39 tuổi mới cưới được vợ, đã mời một nhà báo Tân Hoa Xã đến làng cho biết tình hình. Đây là sai lầm không thể tha thứ đối với dân địa phương, vì tuy tình trạng này phổ biến trên toàn quốc nhưng còn là vấn đề sĩ diện : thú nhận độc thân đồng nghĩa với việc nhìn nhận mình quá nghèo nên không cô gái nào thèm lấy.

Hooligan Nga quen thói côn đồ và kỳ thị

Chuyển sang lãnh vực thể thao, đề cập đến vụ bạo động giữa cổ động viên Nga và Anh tại Marseille cuối tuần trước, Le Figaro cho biết « Côn đồ Nga vừa thô bạo vừa kỳ thị chủng tộc ».

Thông tín viên của tờ báo cho biết  tại Matxcơva, những người hâm mộ bóng đá không hề ngạc nhiên trước thông tin trên, vì nạn hooligan đã bắt rễ từ suốt hai chục năm qua. Bị KGB đàn áp trước đây, nạn bạo động giữa các cổ động viên đã có lối thoát sau khi Liên Xô sụp đổ, ban đầu là giữa fan Nga và fan các nước Liên Xô cũ. Còn giữa các câu lạc bộ với nhau, hooligan của Spartak và CSKA Matxcơva nổi tiếng là bạo lực và hung hăng nhất.

Sau các cuộc biểu tình mùa đông năm 2011, một số hooligan Nga đã được các phong trào thân Kremlin tuyển mộ để đàn áp các nhà đối lập và thâm nhập vào mạng lưới cực hữu. Từ đó đến nay, sở thích đối đầu đã thống trị cho đến nỗi hooligan Nga và Ba Lan đôi khi còn đánh nhau trên các lãnh thổ trung lập, nhất là tại các khu rừng ở Litva. Một fan CSKA xưng tên là Mikhail nói với nhà báo, hooligan đúng nghĩa thực ra không còn nữa, giờ chỉ là những thanh niên chỉ thích ấu đả chứ không mê bóng đá, và bản thân anh ta đến châu Âu cũng chỉ để đánh nhau trên đường phố cho vui.

Luật lao động Pháp : « Đấu tranh này là trận cuối cùng»

Về tình hình nước Pháp, « Luật lao động : Nghiệp đoàn CGT chuẩn bị trận đánh danh dự » – tựa chính của Les Echos. Nghiệp đoàn này dự định tổ chức một cuộc biểu tình lớn vào ngày mai, nhưng phong trào thì đang khựng lại, và theo quốc vụ khách phụ trách quan hệ với Quốc hội Jean-Marie Le Guen, thì « thực tế là nước Pháp chưa bao giờ bị phong tỏa ».

La Croix nhận định « Luật lao động, một cuộc xung đột đáng ngạc nhiên ». Bắt đầu cách đây bốn tháng, phong trào phản kháng chỉ huy động được ở mức trung bình, nhưng lại được tuyên truyền hết sức rộng rãi.

Riêng nhật báo Le Monde ra từ ngày hôm trước quan tâm đến « Trưng cầu dân ý, đam mê mới của người Pháp ». Các đảng phái chính trị, từ cánh hữu cho đến phe cực tả hay cực hữu đều muốn tổ chức trong năm 2017. Tham khảo ý kiến để nối lại mối liên hệ với người dân, vượt qua những bế tắc và đưa ra những cải cách, trưng cầu dân ý được coi như giải pháp mầu nhiệm. Các chủ đề rất phong phú, từ việc miễn nhiệm một đại biểu, nhập cư, cho đến tổ chức hành chính hay hiệp ước châu Âu…