TC đáp trả lời thách thức của Mỹ ở Biển Đông bằng hoạt động tuyên truyền
Tác giả: Joshua Philipp, Epoch Times | Dịch giả: Xuân Dung – 4 Tháng Mười Một , 2015
Chính quyền Trung Quốc đã nhanh chóng huy động lực lượng sau khi tàu khu trục Lassen của hải quân Mỹ tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc trong vùng tranh chấp ở Biển Đông vào cuối ngày thứ Hai tuần trước. Tuy nhiên, thay vì gửi đi tàu chiến hoặc máy bay phản lực, chính quyền Trung Quốc đã huy động một hệ thống rất khác biệt của họ – đó là mạng lưới khổng lồ các cơ quan tuyên truyền, các hãng tin nhà nước, và các hệ thống kiểm soát thông tin. Phản ứng này đã nêu bật được phương án mà đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã xây dựng để chống lại các cuộc xung đột hiện đại. Nó sử dụng điều mà Lầu Năm Góc gán cho nó một danh hiệu gọi là một hình thức chiến đấu “phi động lực”, nhắm tới nhận thức của con người và hình thành nên chiến lược cốt lõi của ĐCSTQ trong việc chiếm Biển Đông. Hầu như tất cả các kênh tuyên truyền của ĐCSTQ đều sử dụng những ngôn từ giống hệt nhau.
Chương trình tin tức của Trung Quốc “Tân văn liên bá” (Xinwen Lianbo), một chương trình tin tức được xem nhiều nhất và bị kiểm soát nặng nề nhất ở Trung Quốc, cũng có động thái tương tự. Andrew Chubb, một nghiên cứu sinh tiến sĩ về Quan hệ Quốc tế, đã viết trên blog “South Sea Conversations” (Đối thoại vùng biển phía nam) của ông rằng chương trình, được phát sóng trên đài truyền hình CCTV của nhà nước, “mang đường lối của Đảng tới quần chúng nhân dân.” Người dẫn chương trình của “Tân văn liên bá” tuyên bố tàu chiến Mỹ đã xâm nhập “bất hợp pháp” vào vùng nước gần “những hòn đảo và các rạn san hô có liên quan đến quần đảo Nam Sa của Trung Quốc”. (Nam Sa là cách gọi của Trung Quốc với quần đảo Trường Sa của Việt Nam) Chubb lưu ý rằng, đối với một chủ đề thì tương tự như đài phát thanh Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc, chương trình của CCTV trình bày đường lối chung của đảng cộng sản Trung Quốc về chủ đề đó và “hợp pháp hoá cho các phương tiện truyền thông khác tập trung vào vấn đề này.” Ông viết: “Nó phải phản ánh sự lựa chọn của đảng cầm quyền, rằng đảng muốn đưa vấn đề này thành tiêu điểm trên các phương tiện thông tin đại chúng, ít nhất là trong ngắn hạn.” Các kênh truyền thông thông thường khác dường như cũng sử dụng luận điệu này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra một tuyên bố nói rằng tàu chiến Mỹ đã xâm nhập một cách “bất hợp pháp” vào “quần đảo Nam Sa của Trung Quốc”.
Tam chiến
Đảng cộng sản Trung Quốc đã làm việc tích cực trong hai năm qua để nạo vét cát, bơm nó lên rạn san hô và các vùng nước cạn ở chuỗi quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông. Bằng cách sử dụng phương pháp này, Trung Quốc đã xây dựng năm hòn đảo nhân tạo ở biển Đông, và tự thừa nhận đó là lãnh thổ của mình. Mặc dù thực tế là quần đảo Trường Sa cách phía nam điểm cực Nam của Trung Quốc trên đảo Hải Nam gần 1.000 dặm, ĐCSTQ vẫn tuyên bố một vành đai phòng thủ không chính thức quanh các hòn đảo nhân tạo, trong khi phần lớn các quốc gia khác đều không thừa nhận. Không thừa nhận những tuyên bố này, Mỹ đang triển khai cuộc diễn tập “tự do hàng hải”, để đảm bảo rằng các tàu quốc tế vẫn có thể thông thương một cách tự do qua Biển Đông. Phản ứng của Trung Quốc với cuộc tập trận này là theo sát chiến lược chính của ĐCSTQ, điều mà các chuyên gia quốc phòng của Lầu Năm Góc trước đó đã nắm được chi tiết. Chính quyền Trung Quốc gọi chiến lược này ‘Tam chiến’, bao gồm cuộc chiến truyền thông, cuộc chiến tâm lý, và cuộc chiến pháp lý. Về mặt ngữ nghĩa, nhiệm vụ tuyên truyền được ĐCSTQ phân thành ba vai trò: một là để kiểm soát các phát ngôn trên báo chí, một nữa là nhắm vào tâm lý kẻ thù, và thứ ba là để hợp thức hoá những yêu sách của họ bằng cách thao túng luật pháp quốc tế. Một báo cáo của nhà thầu quốc phòng, được viết ra cho phòng Thẩm định, một nhóm chuyên gia của Lầu Năm Góc, đã miêu tả chi tiết chiến lược này. Bản báo cáo dày 556 trang từ tháng 5 năm 2013 được các hãng tin khác nhau trích dẫn rộng rãi trong tháng 3 năm 2014, đã trình bày chi tiết một trong những chiến lược then chốt của ĐCSTQ đối với cuộc chiến chính trị được thiết kế để hất cẳng Mỹ ra khỏi khu vực châu Á-Thái Bình Dương. “Tam chiến được Trung Quốc sử dụng làm đề án gây áp lực tâm lý, công khai các cuộc tranh luận “pháp lý”, để khẳng định những yêu sách của Trung Quốc với các nguồn tài nguyên và lãnh thổ trong các khu vực, từ Đông và Nam biển Đông đến các điểm Cực”, báo cáo tuyên bố. Báo cáo mô tả chiến lược này như một “quá trình chiến đấu trong đó các cuộc chiến xảy ra trên các phương diện khác”, được thiết kế xoay quanh sự lừa dối, với mục tiêu “làm thay đổi môi trường chiến lược khiến cho sự giao chiến động (bằng bom đạn) trở nên phi lý.” Trong sự kiện gần đây, ĐCSTQ đã tiết lộ bí mật về chiến lược của họ: không chiến đấu trên vùng biển Nam Trung Quốc bằng sức mạnh quân sự. Họ chiến đấu bằng tuyên truyền. Mục tiêu của nó là vẽ nên bức tranh ĐCSTQ như một nạn nhân, Hoa Kỳ như một kẻ xâm lược, và các nước láng giềng của Trung Cộng là vô lý.