NATO có thể tiến hành một cuộc chiến với Nga không? Và điều gì sẽ xảy ra nếu điều đó trở thành hiện thực?

Cac Bai Khac

No sub-categories

NATO có thể tiến hành một cuộc chiến với Nga không? Và điều gì sẽ xảy ra nếu điều đó trở thành hiện thực?

Tướng Richard Shirreff và trang bìa của cuốn sách “Chiến tranh với Nga vào năm 2017″ (Chatham House qua Wikimedia, CC BY)

Trích: Tôi không muốn đưa ra bất kỳ nhận định nào về cuốn sách (nội dung của nó hay và có tính xác thực, dù là hơi ảm đạm). Nhưng thông điệp chính trị tiềm ẩn của vị tướng này đã được xác định rất rõ ràng ngay trong lời tựa của cuốn sách – chính là khả năng phòng thủ của các nước phương Tây cũng như sức đề kháng của nó đang dần bị bào mòn, và họ gần như không thể làm gì để chống lại một cuộc chiến mà Nga gần như chắc chắn sẽ thực hiện. Liệu đây có phải là một sự đánh giá chính xác đối với thế giới thực?
Tác giả: Ian Shields | Dịch giả: Trà Văn Kính – 11 Tháng Sáu , 2016

Một cuốn sách mới của Tướng Richard Shirreff, từng giữ cương vị Phó Tư lệnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Châu Âu từ năm 2011 đến năm 2014, đã phác thảo ra một kịch bản báo động rằng, trong tương lai chắc chắn sẽ xảy ra một cuộc chiến với Nga mà sức tàn phá của nó thì rất dữ dội.

Rõ ràng, cuốn sách “Chiến tranh với Nga vào năm 2017” là một tác phẩm hư cấu. Nhưng nó viện dẫn những tình huống khá thuyết phục khi vị Tổng thống Nga hư cấu trong tác phẩm châm ngòi để kích động cho một cuộc đụng độ với NATO. Theo ý đồ của tác giả, Nga sẽ nhanh chóng mở rộng các mục tiêu chiến tranh nhằm xâm lược các nước thuộc thành viên của NATO ở vùng Baltic, và chiến tranh thế giới sẽ nổ ra. Có lẽ, điều làm cho người ta lo sợ nhiều hơn chính là khi vị tướng này vừa phát biểu với chương trình Today 4’s của đài BBC rằng, một cuộc xung đột như vậy thì “hoàn toàn có lý để xảy ra”.

So sánh giữa thực tế và sự hư cấu

Tôi không muốn đưa ra bất kỳ nhận định nào về cuốn sách (nội dung của nó hay và có tính xác thực, dù là hơi ảm đạm). Nhưng thông điệp chính trị tiềm ẩn của vị tướng này đã được xác định rất rõ ràng ngay trong lời tựa của cuốn sách – chính là khả năng phòng thủ của các nước phương Tây cũng như sức đề kháng của nó đang dần bị bào mòn, và họ gần như không thể làm gì để chống lại một cuộc chiến mà Nga gần như chắc chắn sẽ thực hiện. Liệu đây có phải là một sự đánh giá chính xác đối với thế giới thực?

Cuốn tiểu thuyết này làm người ta nhớ đến cuốn tiểu thuyết “Cuộc truy lùng tàu ngầm Tháng Mười Đỏ” (The Hunt For Red October) của Tom Clancy, và cuốn tiểu thuyết thuộc hàng bán chạy nhất “Thế chiến thứ 3: tháng 8 năm 1985″ (The Third World War: August 1985) của Tướng John Hackett. Cuốn tiếu thuyết thứ hai được ra đời ngay khi Cuộc chiến tranh Lạnh đang đạt đến cao trào. Tác phẩm này được thai nghén để trở thành một “lịch sử trong tương lai”, và được xem như là một đúc kết lại về nguyên nhân bùng nổ cũng như những

Tuy nhiên, cuốn sách của tướng Shirreff lại là một tác phẩm thiên về mặt chính trị nhiều hơn, và chỉ trích mạnh mẽ việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng lẫn sức đề kháng của phương Tây, và phê phán tình trạng lực bất tòng tâm trước các mối đe dọa của Nga. Ấn tượng đầu tiên khi đọc xong cho thấy điều này xuất hiện khá thuyết phục, nhưng suy đi tính lại thì có lẽ là không giống như vậy.

Kịch bản của Shirreff đã cho rằng, có thể Tổng thống Nga đã không có lựa chọn nào khác hay hơn là việc sử dụng vũ lực quân sự hoặc “quyền lực cứng” để đạt được các mục tiêu chính trị của mình – hoặc cũng có thể ông là một “nam diễn viên rất lố bịch” dựa theo khuôn mẫu của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Với tôi thì, tình huống nào cũng đều thiếu sức thuyết phục cả.

Chắc chắn là nền kinh tế của Nga đã bị thiệt hại nghiêm trọng từ sau cuộc suy thoái toàn cầu do giá năng lượng giảm mạnh, và từ khi phương Tây áp dụng biện pháp trừng phạt kinh tế sau việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Nhưng nếu xét về mức độ phụ thuộc, đặc biệt là phụ thuộc về mặt năng lượng, thì rõ ràng, Tây Âu phụ thuộc rất đáng kể vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga.

Mức độ an toàn của việc phụ thuộc lẫn nhau

Lấy một ví dụ, đường ống dẫn khí Nord Stream nằm trong vùng biển quốc tế dọc qua biển Baltic chạy từ Nga đến Đức có ảnh hưởng rất đáng kể – dựa theo số liệu của EU. Nó cung cấp 38,7% tỷ lệ nhu cầu khí đốt của Tây Âu. Đổi lại, Nga rất cần nguồn thu nhập từ việc bán khí đốt này cho EU. Do đó, trong cuộc chiến tranh giả định này, cả 2 bên hoàn toàn phụ thuộc nặng nề nhau về mặt kinh tế. Nói cách khác, Nga có thể dùng đến một áp lực chính trị có lý hơn, mang tầm vóc quan trọng hơn, và lại còn “rẻ” hơn – đó là ngừng cung cấp khí đốt cho EU: Vậy thì cần gì mà Nga phải viện đến một cuộc chiến tranh vốn có tính chất bấp bênh?

Nhưng liệu Tổng thống Putin ngoài đời thực có phải là một người hoàn toàn phi lý hay không? Khi phân tích những hành động của Tổng thống Nga trong đời sống thực tế, ta sẽ thấy rằng Putin hoàn toàn hợp lý và những hành động đó đã thể hiện ông là một trong những nguyên thủ quốc gia luôn đặt nhu cầu lợi ích của đất nước mình lên hàng đầu. Putin, có vẻ như, vẫn đang muốn chơi một trò chơi dài hơi hơn.

Nhìn từ quan điểm của Nga, và đặc biệt là của Nga và liên minh các nước Châu Âu thân Nga, ta có thể thấy rằng, “cô Nga” đang bị các đối thủ vây quanh, và nhiều hàng xóm láng giềng của “cô” này đang ngày càng hứng chịu sự thống trị của Mỹ, phương Tây…và NATO. Nằm giáp biên giới phía nam của Nga là nước Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia này đã gia nhập liên minh quân sự (NATO) vào năm 1952. Và kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, nhiều cựu đồng minh nằm trong Khối Hiệp ước Warsaw của Nga, bao gồm Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia, Romania, Bulgaria, và các nước vùng Baltic cũng đã gia nhập NATO. Nhiều người ở nước Nga muốn Tổng thống của họ cần phải hành động để đáp trả lại điều này.

Hơn thế nữa, người dân Nga luôn luôn tôn trọng một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, và vị Tổng thống đương nhiệm của điện Kremlin này đang nhận được tỷ lệ ủng hộ rất cao, ít nhất là 80% – một con số mà các chính trị gia phương Tây mơ có được [ở nước họ]. Sự đe dọa về mặt vũ lực quân sự là một phần phải có của người đàn ông đầy quyền lực này, nhưng tại sao Putin lại có thể liều hết tất cả cho một động thái được xem là rủi ro nhất trong các hình thức chính trị quốc tế: chiến tranh?

Tất nhiên là Putin có lợi trước việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng và việc giảm bớt sự thèm khát tình huống “bên miệng hố chiến tranh” của phương Tây, và cũng dễ hiểu vì sao vị tướng về hưu (Shirreff ) cần phải có động thái thúc đẩy để đảo ngược lại tình hình này. Tuy nhiên, những điều này có thực sự đủ khả năng làm tăng khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh hay không? Có lẽ là không, mặc dù những khả năng đó vẫn luôn luôn lởn vởn.

Các nước thuộc NATO (Addicted04/Wikimedia, CC BY)

Các nước thuộc NATO (màu xanh). (Addicted04/Wikimedia, CC BY)

Chiến tranh thế giới lần thứ 3

Nhưng giả sử như đã xảy ra một cuộc chiến với Nga, thì mọi việc sẽ diễn biến ra sao? Theo như kịch bản của Chiến tranh Lạnh, thì một đội quân khổng lồ sẽ chiến đấu trong một cuộc chiến theo kiểu thông thường nhưng có quy mô rất lớn, với sự thống trị của các loại xe tăng và máy bay luôn xuất hiện trực tiếp trên chiến trường nhằm gia tăng sự hỗ trợ. Nhưng hiện nay, kịch bản này được xem như là một khái niệm đã lỗi thời.

Khi dàn trận, cả hai bên đều có nguồn lực quân sự rất đáng kể, nhưng xét đến các số liệu đơn giản thì NATO lớn hơn rất nhiều lần: NATO có tổng cộng 3,6 triệu quân nhân, Nga chỉ có 800.000; NATO có 7.500 xe tăng, Nga chỉ có 2.750; NATO có 5.900 các loại máy bay chiến đấu, Nga chỉ có 1.571.

Tuy nhiên, các số liệu khô khan này chẳng thể nào khái quát hết toàn bộ câu chuyện. Bởi vì các lực lượng quân sự của NATO luôn phải triển khai trên phạm vi toàn cầu và mật độ dàn quân thì lớn hơn rất nhiều lần so với Nga. Và thậm chí, cần phải công nhận một điều rằng, Nga có thể đạt được một lợi thế quân sự tạm thời bằng cách đánh bật lực lượng của NATO ra khỏi các nước vùng Baltic,  vấn đề là được trong thời gian bao lâu và chi phí quân sự như thế nào mà thôi?

Tuy nhiên, nếu so với nhiều cuộc chiến ở thế kỷ 20, thì lực lượng của quân đội ngày nay nhỏ hơn và phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ. Và khả năng xảy ra việc tung vào trận đánh những binh đoàn xe tăng hùng mạnh nhất như Trận chiến vòng cung Kursk (còn gọi là Chiến dịch phòng ngự – phản công Kursk) là điều rất khó xảy ra.

Điều đó nói rằng, việc sử dụng ngày càng nhiều hơn các loại tên lửa và pháo binh, việc thể hiện mức độ chính xác, đầy uy lực của các loại vũ khí dẫn đường rất tinh vi, hiện đại, cũng như việc sử dụng rộng rãi các hệ thống giám sát (từ không gian, đến máy bay không người lái, và thông qua những thiết bị điện tử nghe trộm rất tối tân) sẽ khiến cho cục diện của chiến trường trở nên hiện đại hơn, với mức độ nguy hiểm cũng như sức tàn phá ngày càng cao hơn. Giống như những hình ảnh đã được chụp tại những trận chiến có quy mô tương đối nhỏ diễn ra từ thủ phủ Grozny đến tỉnh Aleppo, trong thời gian gần đây.

Do đó, trong những trận chiến riêng lẻ hoặc những trận chiến dồn hết tổng lực, mặc dù ở quy mô chiến trường nhỏ hơn so với Chiến tranh thế giới II, thì số người chết, thiệt hại về vật chất, và khả năng gây ra các đống đổ nát trên đường tiến quân của cả đôi bên có thể khiến cho một cuộc xung đột quy mô lớn trở nên lan rộng quá mức, và khi xét đến khả năng phục hồi, hậu quả tồn tại lâu dài của nó còn lớn hơn bất kỳ cuộc chiến nào mà chúng ta đã từng chứng kiến.

Với tính chất của một cuộc xung đột theo kiểu như vậy, thì tự bản thân thuật ngữ “chiến trường” đang tạo ra một sự hiểu lầm: vì đây là một cuộc chiến rất khốc liệt, sử dụng các loại tàu chiến, tàu ngầm và máy bay hoạt động trên quy mô toàn cầu, như vậy rõ ràng, điều này phải tương đương với một cuộc chiến tranh thế giới, bên cạnh đó, cuộc chiến này không hề quan tâm đến sự khác biệt giữa các mục tiêu quân sự và mục tiêu dân sự: nên đây thực sự sẽ là một cuộc chiến tranh giữa loài người với nhau.

Và nó không đơn thuần chỉ là một cuộc chiến tranh bao quanh trái đất nữa: không gian bên ngoài sẽ trở thành một nơi để tranh đấu, như là không gian mạng. Lúc đó, cả 2 bên sẽ tìm cách phá vỡ tất cả các khía cạnh của đời sống bình thường ngay khi cuộc chiến đã lan rộng vào các lĩnh vực của chính trị, cơ sở hạ tầng, thông tin cũng như là trong lĩnh vực thương mại.

Cho dù tướng Shirreff đã đưa ra những lời cảnh báo, nhưng cơn ác mộng về cuộc chiến tranh hạt nhân cũng rất khó xảy ra. Bởi vì cuối cùng thì, cả 2 bên đều muốn giảm hẳn mức độ tàn khốc của sự hủy diệt. Tương tự như vậy, nếu các loại vũ khí hóa học và sinh học được tung ra, thì chúng chỉ được sử dụng ở những mức độ vừa phải và rất tiết chế.

Nhưng không phải vì vậy mà có thể khẳng định rằng mức độ tàn khốc của sự hủy diệt là sẽ không đáng kể. Đây sẽ là cuộc chiến tranh tổng lực, được tiến hành trên tất cả các mặt trận mà ta có thể hình dung ra, từ Internet, thị trường chứng khoán đến cả không gian vũ trụ.

Rõ ràng là vị tướng này đã hoàn thành xong một cuốn tiểu thuyết rất tuyệt vời và hấp dẫn. Nhưng dù rằng cuốn tiểu thuyết này có một số lập luận để ủng hộ một chính sách ngoại giao mạnh mẽ và ủng hộ rằng Nato cần phải tăng thêm chi phí về mặt quốc phòng, thì cái luận điểm cho rằng nhà lãnh đạo nước Nga hiện nay hoàn toàn là không có lý lẽ một cách hiếu chiến của tướng Shirreff [tôi cho rằng] vẫn còn rất ngây thơ thiển cận. Cuối cùng, để xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới tiếp theo, cả 2 bên giờ sẽ có quá nhiều thứ để mất.

Ian Shields là một Giảng viên ngành Quan hệ quốc tế tại Đại học Anglia Ruskin thuộc Vương quốc Anh. Bài viết này được công bố lần đầu tiên trên tạp chí The Conversation.