Venezuela đi từ tồi tệ đến thảm họa
Ian Bremmer – Time, ngày 26/5/2016 – Hiếu Tân dịch
Cho đến khi nước này có một chính phủ có thể xây dựng một hệ thống kinh tế có thể đứng vững được, những khốn khổ của nó sẽ chỉ sâu hơn.
Không còn Coca-Cola cho Venezuela – không có đủ đường. Đồ uống Coke vẫn có đó, cho đến khi đất nước hết sạch aspartame [một loại đường nhân tạo – BVN] – nhưng việc biến mất khỏi các kho một biểu tượng toàn cầu như thế là một cú đấm cuối cùng đối với một nền kinh tế đang trên bờ vực. Trong tháng Tư, công ty tư nhân lớn nhất nước, Empresas Polar SA, sản xuất 80% lượng bia mà người Venezuela tiêu thụ, đã đóng cửa. Chính phủ hiện nay đã hạn chế nước dùng, đến mức người dân Venezuela phải ăn cắp nước từ những xe bồn chở nước và các hồ bơi.
Điện cũng thiếu, và Tổng thống Nicolás Maduro đã phải ra lệnh cho các cơ quan nhà nước chỉ mở cửa hai ngày mỗi tuần để tiết kiệm điện. Hạn hán đang diễn ra làm cho tình hình xấu hơn. Khoảng 65% điện của đất nước được phát từ một đập thủy điện duy nhất nay đang trục trặc nghiêm trọng. Cúp điện theo lịch đang trở thành thường xuyên.
Điều này không chỉ là vận rủi. Các giá bày hàng trong các siêu thị thường xuyên trống rỗng, một phần vì việc kiểm soát giá làm nản lòng việc sản xuất các mặt hàng chính, và Maduro đang dọa tịch thu những nhà máy đóng cửa và quốc hữu hóa chúng.
Rồi có bệnh nghiện dầu của chính phủ. Venezuela phụ thuộc vào dầu mỏ đến 96% thu nhập từ xuất khẩu và gần một nửa ngân sách liên bang của nó. Khi giá dầu cao, những người lập chính sách có thể đã tạo ra một quĩ đề phòng cơ nhỡ [rainy-day fund]. Một phần số tiền được đưa đi nâng đỡ những người nghèo, nhưng phần lớn bị lấy cắp: theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Venezuela là nước tham nhũng nhất trong các nước châu Mỹ. Để cân bằng được ngân sách của mình Venezuela cần bán được 121 đô la/thùng, hơn gấp đôi giá hiện tại. Tỉ lệ lạm phát dự tính 481% vào cuối năm nay và 1.642% vào năm tới.
Không ngạc nhiên rằng người dân Venezuela đang nổi giận. Trung bình mỗi ngày có 17 cuộc biểu tình trên khắp đất nước. Sự bất bình này giúp cho một liên minh đối lập giành được quyền kiểm soát nghị viện lần đầu tiên trong suốt 17 năm qua. Tỉ lệ tán thành Maduro là 26%, và 70% người dân Venezuela muốn ông ta từ chức. Phe đối lập cần 200.000 chữ kí để kêu gọi trưng cầu dân ý. Họ đã đạt được 1,85 triệu.
Những đồng minh còn lại của Maduro biết họ có một lối thoát: Hiến pháp Venezuela qui định rằng, nếu tổng thống bị lật đổ trong vòng hai năm cuối nhiệm kì của ông ta, thì Phó Tổng thống sẽ thay thế, mà không cần một cuộc bầu cử mới. Trừ phi có một cuộc nổi dậy của quần chúng cưỡng bức bầu cử, chính phủ sẽ tránh né để bảo đảm rằng một trong những người của nó sẽ thay thế Maduro.
Nhưng đây chỉ là một diễn biến phụ. Maduro là triệu chứng chứ không phải nguyên nhân những vấn đề của Venezuela. Cho đến khi nước này có một chính phủ có thể xây dựng một hệ thống kinh tế đứng vững được, những khốn khổ của nó sẽ chỉ sâu hơn mà thôi.
I. B.
Dịch giả gửi BVN.