Mỹ vẫn còn đòn bẩy để áp lực Việt Nam cải thiện nhân quyền

Cac Bai Khac

No sub-categories

Mỹ vẫn còn đòn bẩy để áp lực Việt Nam cải thiện nhân quyền

Loan báo dỡ bỏ cấm vận võ khí cho Việt Nam không hề làm thay đổi điều kiện đòn bẩy của Mỹ trong việc áp lực Hà Nội cải thiện nhân quyền, mà ngược lại sẽ mang lại sức đòn bẩy nhiều hơn vì Washington sẽ cân đo nhân quyền Việt Nam trước mỗi cuộc giao thương võ khí với Hà Nội, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, Tom Malinowski, khẳng định.

Trong chuyến công du Việt Nam tuần rồi, Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố Mỹ tháo gỡ hoàn toàn lệnh cấm vận võ khí sát thương áp dụng mấy chục năm qua đối với chính phủ Hà Nội, một động thái giúp quan hệ Việt-Mỹ thật sự bình thường hóa và gần gũi hơn.

Với khả năng Việt Nam gần như chắc chắn sẽ được gia nhập Hiệp định tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP do Mỹ dẫn đầu, quyết định bỏ cấm vận võ khí vừa loan khiến nhiều người quan ngại rằng Hoa Kỳ đã để vuột những lá bài thương lượng để áp lực Việt Nam cải thiện nhân quyền.

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với Trà Mi VOA Việt ngữ ngày 2/6, giới chức cao cấp nhất phụ trách lĩnh vực nhân quyền trong Bộ Ngoại giao Mỹ đã mạnh mẽ bác bỏ những chỉ trích đó.

VOA: Cảm ơn ông dành thời gian cho cuộc trao đổi này. Xin được bắt đầu câu chuyện với chuyến thăm Việt Nam của ông và của Tổng thống Obama vào tháng trước. Các lãnh đạo xã hội dân sự độc lập bị cản không cho gặp Tổng thống cũng giống như những gì đã xảy ra trong các chuyến thăm của ông trước đó. Ông có bình luận thế nào?

Ông Malinowski: Chúng tôi trải nghiệm thực tế này không một chút ảo tưởng về tình hình nhân quyền Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy rằng dù có một số tiến bộ trong vài năm qua, nhưng những tháng gần đây chính phủ Việt Nam ra tay đàn áp các nhà hoạt động xã hội độc lập nhiều hơn so với 1, 2 năm trước. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Obama tại tất cả các cuộc tiếp xúc lãnh đạo Việt Nam cũng như các buổi xuất hiện trước công chúng đã đưa ra thông điệp rất mạnh mẽ về tầm quan trọng của quyền tự do ngôn luận, của cải cách luật pháp theo đúng cam kết của chính Hà Nội sao cho luật tuân thủ Hiến pháp. Chính phủ Việt Nam tìm cách ngăn chặn một số người gặp ông Obama, nhưng những người bị cản trở được truyền thông chú ý cũng ngang bằng, nếu không muốn nói là nhiều hơn, những người tham dự được. Vì vậy, theo tôi, nhà cầm quyền đã thất bại trong nỗ lực ngăn trở tiếng nói của họ được lắng nghe.

VOA: So sánh bản gốc trên website của Tòa Bạch Ốc với các bản dịch trên truyền thông nhà nước Việt Nam, người ta thấy những đoạn phát biểu về nhân quyền của Tổng thống Obama trong bài diễn văn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội ngày 24/5 bị báo nhà nước hoặc bóp méo, hoặc bỏ qua. Ông hiểu điều này thế nào?

Ông Malinowski: Có một số người trong chính phủ Việt Nam rất lo sợ khi nghe những phát biểu cấp cao như vậy về nhân quyền. Chúng tôi không hề ngạc nhiên về điều đó. Nhưng trên thực tế, những lời phát biểu mạnh mẽ của Tổng thống về nhân quyền đã được phát sóng trực tiếp qua truyền hình và hàng triệu người dân Việt Nam đã nghe. Hàng triệu người trên Facebook đã chia sẻ và biết đích xác những gì ông đã nói. Tất nhiên có một số người trong chính phủ lo lắng và không muốn người dân nghe thấy những phát biểu đó, nhưng nỗ lực này sẽ càng ngày càng gặp khó khăn vì số người truy cập internet và tiếp cận thông tin đa chiều ngày càng đông.

VOA: Với những gì ghi nhận, đặc biệt sau chuyến thăm Việt Nam gần đây, ông mô tả thế nào về xu hướng nhân quyền Việt Nam hiện nay: đi lên hay đi xuống?

Ông Malinowski: Trong vài năm gần đây, xu hướng đó tiến triển tích cực một cách chậm chạp, dần dần. Càng ngày càng có thêm tranh luận mở về các vấn đề chính trị tại Việt Nam, có một số cải cách như thông qua Công ước Chống tra tấn hay một số thay đổi trong Bộ Luật Tố tụng Hình sự, chẳng hạn. Nhưng trong vài tháng qua, có lẽ do sự chuyển tiếp qua dàn nhân sự lãnh đạo mới nên các cơ quan an ninh tỏ ra lo sợ rồi dùng tới các chiến thuật đàn áp nhiều hơn. Chúng tôi đã nói rất rõ với chính phủ Việt Nam rằng thực tế này không phù hợp với tinh thần của mối bang giao đôi bên đang xây đắp và Việt Nam sẽ thấy Mỹ tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ về các vấn đề này.

VOA: Washington khá thành công trong việc thúc đẩy Hà Nội phóng thích tù nhân lương tâm nhưng không mấy thành công trong việc thúc đẩy cải cách pháp lý để chặn đứng việc hình sự hóa hành động thực thi nhân quyền của công dân. Ông nghĩ sao? Làm thế nào để nỗ lực không lệch hướng?

Ông Malinowski: Chính nhà nước Việt Nam cam kết cải cách luật để phù hợp hơn với Hiến pháp và các chuẩn mực nhân quyền quốc tế. Tổng thống Obama và lãnh đạo Việt Nam ra tuyên bố chung tại Hà Nội. Qua đó, Hà Nội hứa theo đuổi các cải cách pháp lý này, đặc biệt họ nhắc tới luật về tự do tín ngưỡng, tự do biểu tình, tự do lập hội. Chúng tôi hy vọng Quốc hội Việt Nam sẽ thông qua các luật này trong năm nay. Vấn đề cải cách pháp lý không chỉ Mỹ thúc đẩy mà chính nhà nước Việt Nam đã đưa ra cam kết. Nhiều người dân Việt Nam đang dõi xem Quốc hội sẽ hành động thế nào. Chúng tôi đã bày tỏ hy vọng rằng những sự cải cách này sẽ tạo ra nhiều không gian hơn cho công dân Việt thành lập các tổ chức phi chính phủ, biểu tình ôn hòa, và tham gia các tổ chức tôn giáo.

VOA: Ông thấy Việt Nam làm tốt tới đâu trong cam kết cải cách pháp lý?

Ông Malinowski: Tiến trình này chỉ mới bắt đầu, chưa có tiến bộ nào để chúng tôi có thể nói là nhà nước Việt Nam đã đáp ứng đúng cam kết. Tuy nhiên, nhiều nước khác như Trung Quốc chẳng hạn, không hề thấy các cam kết như vậy từ chính phủ. Ở đây ít nhất chúng ta thấy họ có ý định bước tới phía trước, và tôi cho rằng điều đó mở ra một cơ hội.

VOA: Nhưng giờ đây, Hiệp định tự do thương mại TPP gần như đã sẵn sàng cộng với việc dỡ bỏ cấm vận võ khí, nhiều người cho rằng Mỹ đã vuột mất những con bài thương lượng để áp lực Việt Nam cải thiện nhân quyền. Ý kiến ông thế nào?

Ông Malinowski: Tôi hoàn toàn không tán thành ý kiến đó. TPP đã cung cấp cho chúng tôi một đòn bẩy chưa từng có trước đây. Chính phủ Việt Nam biết rõ họ sẽ không được hưởng bất kỳ lợi ích gì từ TPP cho tới khi nào họ thông qua những cải cách trong Luật Lao động theo quy ước của TPP, cho tới khi nào họ cho phép thành lập công đoàn độc lập. Về việc dỡ bỏ lệnh cấm vận võ khí, cần phải hiểu rằng bước đi vừa rồi chủ yếu chỉ mang tính biểu tượng. Chúng tôi thấy rằng duy trì lệnh cấm tuyệt đối không chuyển giao võ khí cho Việt Nam thật sự chẳng ích lợi gì. Thay vào đó, nên xây dựng mối quan hệ bình thường hơn với Việt Nam để nếu Việt Nam có yêu cầu mua một loại võ khí nào đó thì chúng tôi xét duyệt dựa trên cơ sở từng trường hợp một, xem xét xem việc mua bán ấy có phục vụ lợi ích của nước Mỹ và phù hợp với các giá trị của Hoa Kỳ hay không. Tổng thống Obama đã tuyên bố rõ tại Hà Nội rằng mọi yêu cầu cung cấp võ khí đều sẽ được xem xét trên cơ sở từng trường hợp một với sự cân nhắc tới nhân quyền Việt Nam. Chúng tôi vẫn còn đòn bẩy ấy để Quốc hội xem xét các thỏa thuận mua bán võ khí có thể có trong tương lai. Cho nên, chỉ trích vừa nêu là không hợp lý.

Thật ra không phải là không còn chướng ngại vật. TPP đã đề ra những chướng ngại buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải vượt qua. Trước TPP, không có điều kiện gì bắt buộc Việt Nam phải thay đổi Luật Lao động. Giờ đây đã có điều kiện, họ phải đáp ứng điều kiện này mới được hưởng lợi TPP. Không có TPP, Việt Nam sẽ chịu ít áp lực hơn. Và loan báo dỡ bỏ cấm vận võ khí vừa qua cũng không hề thay đổi mức độ của điều kiện đòn bẩy ấy, mà thật ra còn thể hiện sức đòn bẩy nhiều hơn vì giờ đây chúng tôi cân nhắc tới nhân quyền Việt Nam mỗi khi Hà Nội muốn hỏi mua võ khí. Cần nhớ rằng sẽ có ích cho vấn đề nhân quyền nếu Việt Nam tiếp tục quyết định rằng liên kết với Mỹ và biến Mỹ thành đối tác kinh tế-an ninh chính là lợi ích quốc gia lâu dài. Khuyến khích sự liên kết đó thay vì đẩy lùi nó là yếu tố chung cuộc giúp thúc đẩy tiến bộ, giúp xã hội cởi mở nhiều hơn.

VOA: Có ý kiến cho rằng nếu không vì khống chế, cô lập Trung Quốc, chắc gì Mỹ đã kéo Việt Nam vào TPP và dỡ bỏ cấm vận võ khí cho Hà Nội. Bình luận của ông thế nào?

Ông Malinowski: Trước tiên, Việt Nam chưa có được TPP. Họ chỉ có được khi chứng tỏ những cải cách quan trọng mà TPP yêu cầu. Về ý kiến liên quan tới Trung Quốc, Tổng thống Obama đã tuyên bố tại Việt Nam rằng mọi việc không phải vì Trung Quốc mà vì bang giao Việt-Mỹ. Quan hệ gần gũi hơn, hiệu quả hơn là lợi ích quốc gia của cả đôi bên. Chúng tôi hy vọng Việt Nam và Trung Quốc vẫn duy trì quan hệ gần gũi. Chúng tôi không hề tìm cách can thiệp vào chuyện đó.

VOA: Một số người nói rằng sai lầm thường mắc phải là xác định lợi ích chiến lược quá hạn hẹp, tập trung vào sự giao tiếp nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh hoặc quan hệ kinh tế. Để cổ súy cải cách, liệu kiểu giao tiếp như vậy có tác động lâu dài hay chăng?

Ông Malinowski: Chúng tôi xác định chiến lược rất rộng lớn. Trường hợp Việt Nam, nhân quyền là một phần của phương trình đó. Tiến bộ về nhân quyền tại Việt Nam sẽ củng cố tất cả các xu hướng khác mà chúng tôi muốn khuyến khích kể cả xu hướng liên kết chiến lược gần gũi hơn với Hoa Kỳ, và ngược lại, quan hệ Việt-Mỹ càng gần gũi thì chúng ta càng có thể cổ võ nhân quyền tốt hơn. Khái niệm lợi ích quốc gia của chúng tôi rất rộng, chúng tôi đưa quan ngại về nhân quyền vào TPP và vào trong các cuộc thảo luận với Việt Nam về quan hệ an ninh. Nếu không, đã không có những điều kiện nghiêm ngặt về lao động trong TPP.

VOA: Nhưng sẽ chỉ là những lời nói suông nếu không thật sự có những hành động theo sau. Mỹ đang làm gì để đảm bảo nhân quyền không là một đề tài nói suông của cả Washington và Hà Nội?

Ông Malinowski: Dĩ nhiên. TPP rất quan trọng với chúng tôi nhưng Việt Nam sẽ không vào được TPP trừ phi có những cải cách pháp lý căn bản quan trọng. Cho nên rõ ràng đây không phải là chuyện nói suông mà là một sự kết nối rất rõ ràng. Trong tất cả các cuộc đối thoại cấp cao nhất kể cả trong cuộc gặp giữa Tổng thống Obama với lãnh đạo Hà Nội nhân chuyến công du tháng rồi, vấn đề nhân quyền được đưa ra thẳng thắn. Chúng tôi nhấn mạnh rõ ràng tiến bộ trong quan hệ Việt-Mỹ sẽ tùy thuộc vào tiến bộ hướng tới một xã hội cởi mở hơn ở Việt Nam. Qua tất cả những gì chúng tôi nói và làm, nhân quyền chiếm vị trí ưu tiên trong bang giao với Hà Nội.

VOA: Mỹ có thể làm gì giúp tăng cường sức mạnh cho xã hội dân sự tại Việt Nam?

Ông Malinowski: Chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng, tiếp tục khuyến khích chính phủ Việt Nam tuân thủ các nghĩa vụ đã cam kết với quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục liên kết những tiến bộ cụ thể trong lĩnh vực nhân quyền với những yếu tố có tầm quan trọng đối với chính phủ Việt Nam chẳng hạn như TPP. Chúng tôi sẽ cung cấp sự hỗ trợ một cách rất cởi mở và thân thiện trong lúc Việt Nam thực hiện những cải cách pháp lý, giúp Việt Nam phát triển những hiệp hội thương mại độc lập, công đoàn độc lập. Chúng tôi sẽ vận dụng tất cả những đòn bẩy mà TPP tạo ra để cố gắng buộc Việt Nam tuân thủ những cam kết quan trọng đó.

VOA: Xin chân thành cảm ơn Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, Tom Malinowski, đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này. – VOA