Biển Đông: Hán gian chi mộ – Ts Nguyễn Ngọc Sẵng
Photo: Bill Gertz , June 1, 2016
Trải dọc suốt vùng Đông Nam châu Á, Biển Đông là vùng quan yếu về chiến lược cũng như kinh tế của thế giới. Một phần ba hàng hóa thế giới vận chuyển qua vùng nầy. Biển Đông giàu tài nguyên, bao gồm ngư trường rộng lớn và một trữ lượng dầu, khí đốt dồi giàu. Biển Đông bao gồm những quốc gia như Việt Nam, Mã Lai, Brunei, Nam Dương, Phi Luật Tân, Đài Loan, kể cả Trung cộng.
Để thực hiện âm mưu chiếm 90% diện tích Biển Đông và giành 200 hải lý Đặc Quyền Kinh Tế từ các hòn đảo, Trung cộng đang gấp rút hoàn thành các phi đạo có chiều dài cỡ 3100 thước, đủ cho các chiến đâu cơ loại J-11 của họ hạ cánh trên ba hòn đảo mới cơi lên từ các rạng san hô như đảo Chữ Thập, Vành Khăn, Xu Bi và xây dựng các cầu cảng lớn để biến cụm đảo tam giác nầy có khả năng khống chế toàn bộ Trường Sa. Trong tương lai gần, có thể họ thiết lập Vùng Nhận Diện Phòng Không (ADIZ) kiểm soát hải lộ quốc tế quan trọng nầy.
Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế, Stockholm cho biết, trong kế hoạch quốc phòng Trung cộng từ năm 2016-2020, quân phí tăng 7.6% tương đương với 147 tỉ USD, bằng với ¼ ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ. Kế hoạch nầy gây thêm lo ngại cho các nước châu Á, nên họ cũng gia tăng ngân sách quốc phòng lên 5.4% trong năm 2015, so với ngân sách quốc phòng toàn cầu là 1%. Vì vậy việc ngăn chặn hành động bá quyền của Trung cộng là mục tiêu chính của các nước có quyền lợi trên Biển Đông và cả cộng đồng quốc tế.
Tuy có cùng mục đích, quyền lợi, nhưng các nước trong vùng phản ứng một cách yếu ớt, riêng rẽ, không đồng bộ nên viễn ảnh ngăn chặn được Trung cộng còn phải nhìn sang bên bờ Đông Thái Bình Dương, Hoa Kỳ, quốc gia có đầy đủ tiềm lực quân sự, kinh tế để làm tê liệt ý đồ ngang ngược của bọn Hán gian.
Chỉ có Philippine dám kiện Trung cộng ra tòa án Trọng Tài Thường Trực về Luật Biển, PCA, và trong khoảng mấy tuần lễ nữa sẽ có phán quyết.
Giới chuyên viên phân tích cho rằng phán quyết sẽ gây bất lợi cho Trung cộng, do đó họ (Trung cộng) không tham dự phiên tòa, và có thể sẽ rút lui khỏi Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Điều nầy rất bất lợi cho họ vì sẽ không có đại diện trong PCA và trong một số tổ chức quốc tế khác để bênh vực quyền lợi.
Trung cộng tạo luật chơi riêng. Tòa Án Tối Cao Trung cộng đã thành lập Trung Tâm Luật Pháp Hàng Hải Quốc Tế để phán quyết những việc làm, những tranh chấp của họ là hợp pháp theo Tòa Án Tối Cao của họ và dùng đòn bẩy kinh tế để ép các quốc gia trong khu vực phải chấp nhận phán quyết của Tòa Án nầy.
China’s supersonic submarine
Theo tờ Guardian, trong tuần qua, Trung cộng đang đưa tiềm thủy đỉnh (Tàu ngầm) nguyên tử của họ vào Biển Đông trong kế hoạch chuẩn bị chiến tranh. Họ lấy cớ rằng Mỹ đã bố trí hỏa tiễn THAAD tại Nam Hàn để chống lại những hỏa tiễn từ Trung cộng, hoặc Bắc Triều Tiên. Nhưng thực tế việc nầy Trung cộng đã dự tính cách đây cả vài thập niên, tờ Guardian viết.
Giới chuyên viên, chính trị gia không tin rằng vấn đề Biển Đông có thể giải quyết bằng biện pháp ngoại giao. Vì vậy các bên liên quan đã bắt đầu chuyển sang giải pháp quân sự.
Trong tuần lễ đầu tháng 4/2016 ở Á Châu, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Ashton Carter đã viếng thăm hai hàng không mẫu hạm, tiết lộ những thỏa thuận quân sự mới với Ấn Độ và Philippines, và đưa ra những chỉ dấu cho thấy là chính phủ Obama đã quyết định nghiêng về một giải pháp sử dụng vũ lực để đối phó lại với tham vọng lãnh thổ của Trung Cộng trong vùng.
Ngày 08/03/2016 tại Canberra, Úc, tướng Lori Robinson, Tư lệnh lực lượng không quân Mỹ ở Thái Bình Dương tuyên bố không lực Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tiến hành các phi vụ trên Biển Đông, bất chấp việc Trung cộng đang tăng cường sức mạnh quân sự tại vùng này qua việc triển khai tên lửa địa đối không và chiến đấu cơ phản lực. Hãng tin AP trích dẫn lời.
Hiện tại Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ gần như đã sẵn sàng cho cuộc chiến tranh. Đầu năm 2016 Mỹ đưa một đạo luật về quốc phòng gọi là SouthEast Asia Maritime Security Initiative cho phép bộ Quốc Phòng huấn luyện, trang bị và yểm trợ cho Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai, Nam Dương và Thái Lan với ngân sách là 406 triệu Mỹ Kim cho 4 năm 2016 – 2020. Họ cũng đã vận chuyển các hệ thống chống phi đạn tối tân nhất như Howitzer Paladin, M-777 và các dàn phòng thủ gọi là THAAD, Patriot và Army Tactical Missile System về vùng Biển Đông.
Trong vòng bảy tháng qua, tàu chiến Hoa Kỳ đã 3 lần đi vào sát những hòn đảo mà Trung cộng xác nhận chủ quyền và trong năm nay Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Ashton Carter đã 2 lần đáp máy bay xuống hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ đang hoạt động trên Biển Đông để xác nhận quyền tự do hàng hải.
Tại Châu Á Thái Bình Dương, Hoa Kỳ tăng quân số lên đến 365,000 binh sĩ cùng với những chiến cụ tối tân như F-22, F35, máy bay do thám P-8 Poseidon cùng các oanh tạc cơ chiến lược B-2 và B-52. Hạm đội USS America LHA-6 và khu trục hạm tàng hình DDG 1000 được điều động tới Nhật Bản. Hải quân Hoa Kỳ lần đầu tiên điều động 2 Hải Đội Xung Kích KHMH tới hoạt động vùng Tây Thái Bình Dương.
Trong tháng Tư vừa qua, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Ashton Carter đi thăm Ấn Độ, Phi Luật Tân, Nhật Bản, Đại Hàn, nhưng không ghé Trung cộng.
Nhật Bản cũng góp phần rất tích cực trong việc “Cắt Lưỡi Bò” khi họ gởi Khu Trục Hạm trực thăng JS Ise tham dự cuộc thao dượt hải quân đa phương do Indonesia đề xướng từ 14-16/4/2016. Khu trục hạm nầy có đủ khả năng biến thành Hàng Không Mẫu Hạm mà F-35B và MV-22 đáp xuống được.
Đầu tháng 2/ 2016 Nhật đưa ra chiến lược chống tiếp cận (A2/AD) được mô tả là “hải quân thượng phong, không quân siêu đẳng” để chống lại hải quân Trung cộng.
Mấy tháng gần đây Nhật đã ký kết với Phi Luật Tân thỏa ước hỗ tương quân sự. Phi cũng có một thỏa ước quân sự với Hoa Kỳ và Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Phi nếu bị Trung cộng tấn công. Biển Đông có thể nổi sóng bằng một cuộc đụng độ giữa hải quân Trung cộng và hải quân Phi trong việc tranh chấp các hòn đảo thuộc Trường Sa gần lãnh thổ Phi. Vì các thỏa ước hỗ tương quân sự giữa Phi với Hoa Kỳ và Nhật, cuộc chiến sẽ lan rộng.
Trung cộng cũng sẵn sàng với chiến lược gọi là Anti-Access, Area-Denial, họ có phi đạn có tầm bắn xa và phá được các chiến hạm của Hoa Kỳ, kể cả hàng không mẫu hạm. Các dàn phi đạn này đặt dọc theo bờ biển để ngăn chặn hạm đội của Hải Quân Hoa Kỳ tiến gần bờ biển họ. Hoa Kỳ chế tạo ngay các hệ thống tối tân hơn, trang bị cho các chiến hạm loại DDG 51, Arleigh-Burke class destroyers các hệ thống NIFC-CA (Naval Integrated Fire ConTrol – Counter Air), có khả năng bắn hạ các phi đạn và vô hiệu hóa chiến lược ngăn chặn Anti Access Area Denial của Trung cộng.
Với tham vọng chiếm cả vùng Biển Đông, thái độ quá khích của Tập Cận Bình bất kể đến luật lệ quốc tế cho thấy Trung cộng chỉ còn một con đường duy nhất là sẽ gây ra chiến tranh với các xứ toàn vùng Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương. Tham vọng nầy gây tác hại đến quyền lợi các nước khác như Ấn Độ, Úc Đại Lợi, Đại Hàn, Thái Lan, cho nên các nước liên kết cùng Hoa Kỳ chống lại mưu đồ chiếm 90% Biển Đông của Trung cộng.
Theo học giả Stephen G. Brooks và William C. Wohlforth (Foreign Affairs, May- June 2016) thì ưu thế lớn nhất mà Hoa Kỳ vẫn ở vị trí siêu cường trong nhiều thập niên tới là kỹ thuật mà Trung cộng còn kém xa. Theo tài liệu của Ngân Hàng Thế Giới năm 2013 thì lợi nhuận trí tuệ/khoa học của Hoa Kỳ là 128 tỉ, đứng hàng thứ hai là Nhật bằng ¼ của Hoa Kỳ, trong khi đó Trung cộng chỉ có vỏn vẹn 1 tỷ. Thêm vào đó toàn bộ tích sản quốc gia Hoa Kỳ là 144 ngàn tỷ, Trung cộng chỉ có 32 ngàn tỷ. Hai vị nầy kết luận rằng với sự khác biệt giữa khoa học và kinh tế thì cường quốc Trung cộng có thể thi thố khả năng trong khu vực, trong khi Hoa Kỳ có thể thi thố khả năng trên thế giới.
Nếu vì tham lam mà mù quáng, nếu muốn giải quyết vấn nạn xã hội do suy thoái kinh tế mà gây ra cuộc chiến với Mỹ và các nước trong vùng, chắc chắn Trung cộng sẽ chuốc lấy thảm họa, thì Biển Đông sẽ là mồ chôn của quân Hán. Biển Đông sẽ là Hán Gian Chi Mộ.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sẵng