Đường hầm xe lửa dài nhất thế giới

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đường hầm xe lửa dài nhất thế giới

Tuyến đường hầm xe lửa hai làn dài nhất và sâu nhất thế giới vừa chính thức được khánh thành tại Thụy Sĩ sau gần hai thập niên xây dựng.

Đường hầm Gotthard Base dài 57km tạo ra một tuyến đường xe lửa cao tốc chạy trong lòng dãy núi Alps của Thụy Sĩ, nối bắc Âu và nam Âu.

Thụy Sĩ nói đường hầm sẽ cách mạng hóa giao thông tại châu Âu.

Hàng hóa hiện đang được một triệu chiếc xe tải chuyên chở mỗi năm sẽ được vận chuyển bằng xe lửa qua đường hầm này.

Thành công của ngành kỹ sư xây dựng Thụy Sĩ

Đường hầm Gotthard Base vượt qua đường hầm xe lửa Seikan dài 53,9 km của Nhật, hiện đang là đường hầm xe lửa dài nhất thế giới, và đẩy đường hầm dưới lòng biển Channel nối Anh và Pháp (có chiều dài 50,5 km) xuống đứng thứ ba trên thế giới.

Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, Tổng thống Pháp, ông Francois Hollande, và Thủ tướng Ý, ông Matteo Renzi, cùng với các viên chức Thụy Sĩ dự lễ khánh thành trọng thể.

“Đây chỉ là một phần bản sắc Thụy Sĩ,” Giám đốc Văn phòng Giao thông Liên bang, ông Peter Fueglistaler, nói với hãng thông tấn Reuters.

“Đối với chúng tôi, chinh phục rặng núi Alps cũng giống như người Hà Lan thám hiểm đại dương vậy.”

Dự án tốn hơn 12 tỷ đô la xây dựng được người dân Thụy Sĩ bỏ phiếu ủng hộ trong một cuộc trưng cầu dân ý năm 1992. Các cử tri khi đó hậu thuận cho một đề xuất từ các nhóm môi trường muốn chuyển mọi vận chuyện hàng hóa qua Thụy Sĩ bằng đường bộ sang bằng đường xe lửa sau hai năm.

Toàn bộ đường hầm chạy xuyên qua núi có đoạn có độ sâu cách bề mặt núi 2,3km và qua những đoạn núi đá có nhiệt độ lên tới 46 độ C.

Các kỹ sư đã đào và phá nổ tổng cộng 73 loại đá khác nhau, một số cứng như đá granite và một số khác mềm như đường. Hơn 28 triệu tấn đất đá được đào xúc ra và 9 công nhân đã bị chết trong khi xây dựng đường hầm này.

Nay đường hầm đã hoàn tất đúng thời hạn và trong ngân sách dự tính, và nó tạo ra đường xe lửa nối Rotterdam ở Hà Lan và Genoa ở Ý.

Khi những dịch vụ này hoạt động toàn diện vào tháng 12, hành trình đi từ Zurich (Thụy Sĩ) và Milan (Ý) sẽ giảm được một tiếng, xuống chỉ mất 2 tiếng 40 phút.

Đường hầm ống sẽ chạy thẳng và nằm phẳng chứ không uốn lượn trong lòng núi như tuyến đường hầm xe lửa và tuyến đường hầm xe hơi được khánh thành hồi năm 1980.

Khoảng 260 xe lửa chở hàng và 65 xe lửa chở khách sẽ đi qua đường hầm này trong vòng 17 phút.

Đường hầm hiện được tài trợ bằng tiền thuế xăng dầu và thuế giá trị gia tăng, tiền phí lộ áp dụng với xe hạng nặng và các khoản vay nhà nước sẽ phải hoàn trả trong vòng 10 năm.

Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ cho biết những lợi ích kinh tế sẽ bao gồm việc hàng hóa được chuyên chở dễ dàng hơn và du lịch gia tăng. – BBC