TC lại mời ASEAN tập trận chung
Theo RFI – Khánh Bình – 30-05-2016
Nhân cuộc gặp các bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN – ADMM, tại Vientiane, Lào, hồi tuần trước, bộ trưởng Quốc Phòng TC lại kêu gọi các nước ASEAN tiến hành tập trận chung ở Biển Đông.
Theo báo Thái Lan Bangkok Post, số ra ngày hôm nay, 30/05/2016, tướng Prawit Wongsuwon, bộ trưởng Quốc Phòng Thái Lan cho biết là đồng nhiệm TC, tướng Thường Vạn Toàn đã nhắc lại lời mời này.
Hồi tháng 10/2015, TC đã đưa ra lời mời, theo Bắc Kinh, việc tiến hành tập trận sẽ giúp thực hiện tốt hơn “Bộ quy tắc ứng xử cho những chạm trán ngoài ý muốn trên biển – Code of Unplanned Encounters at Sea –Cues”. Bộ quy tắc ứng xử không mang tính ràng buộc về pháp lý này là một thỏa thuận giữa các nước châu Á – Thái Bình Dương, kể cả TC và Hoa Kỳ về các quy định và cách thức ứng xử bảo đảm an toàn, thông tin liên lạc đối với hải quân và không quân các nước liên quan khi gặp các sự cố ngoài ý muốn.
Bộ trưởng Quốc Phòng Thái Lan nói rằng trong cuộc họp tại Vientiane, tất cả các nước ASEAN đều quan tâm và ghi nhận đề nghị của TC. Tuy nhiên, một nguồn tin quân sự Thái Lan cho biết là chưa có nước nào chấp nhận đề nghị tập trận chung với TC.
Sau cuộc họp ADMM ngày 25/05 tại Lào, các bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN đã ra thông cáo chung kêu gọi tự do lưu thông hàng hải, nhanh chóng ký kết một bộ luật ứng xử tại Biển Đông – COC, mang tính ràng buộc và không nhắc tới bộ quy tắc ứng xử tránh va chạm CUES.
Cựu thủ tướng Singapore: Tranh chấp Biển Đông không thể giải quyết theo kiểu “lý lẽ thuộc về kẻ mạnh”
Hôm nay, 30/05/2016, tại ngày khai mạc hội thảo quốc tế lần thứ 22 về “Tương Lai của Châu Á” được tổ chức ở Tokyo, cựu thủ tướng Singapore Goh Chok Tong cho biết, các tranh chấp ở Biển Đông không thể được giải quyết theo kiểu “lý lẽ thuộc về kẻ mạnh” và Biển Đông là “quy ước” cho các điều chỉnh chiến lược giữa Hoa Kỳ và TC.
Trong bài phát biểu được đánh giá quan trọng tại cuộc hội thảo diễn ra trong hai ngày, ông Goh đề cập đến việc Bắc Kinh đang dần thâu tóm Biển Đông qua việc xây dựng các phi đạo, các cảng biển, và khiển khai các khí tài quân sự.
Theo cựu thủ tướng Singapore, những việc làm như vậy sẽ khiến cho Biển Đông ngày càng bị quân sự hóa. Trong các tranh chấp lãnh thổ, chủ nghĩa dân tộc bị khai thác triệt để, có thể làm mờ đi làn ranh giữa chính sách đối nội và đối ngoại, và có thể làm tăng các mâu thuẩn. Tuy nhiên các nước cần giải quyết tranh chấp trong hòa bình và tuân thủ luật quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển – UNCLOS 1982.
Cũng theo ông Goh, Hoa Kỳ vẫn là nước có ảnh hưởng nhất trên thế giới nhưng Trung Quốc lại là đối tác thương mại rất quan trọng của các nước châu Á. Thị trường châu Á đủ lớn để các nước lớn cùng hợp tác phát triển, và không nước nào muốn chọn một trong hai, giữa Hoa Kỳ và TC.
Về tự do thương mại, ông Goh nhấn mạnh hiệp định tự do thương mại giữa ASEAN và TC, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, và New Zealand (RCEP) sẽ là một lộ trình quan trọng của hội nhập kinh tế vùng Châu Á Thái Bình Dương.