Tin Khắp Nơi – 27/5/2016
Biển Đông: Ngư dân Việt Nam trên tuyến đầu
Theo RFI – Thu Hằng – 27-05-2016
Một tàu của ngư dân Việt Nam đánh bắt ở Hoàng Sa bị tàu TC tấn công, cướp phá.Reuters
Nữ phóng viên Pamela Boykoff của đài truyền hình CNN đã theo chân Lê Tân, một ngư dân Việt Nam, trong những ngày ông lênh đênh ngoài Biển Đông. RFI xin giới thiệu bài phóng sự được đăng trên website của CNN ngày 22/05/2016.
Hết lần này đến lần khác, ngư dân Lê Tân lại lênh đênh ngoài khơi. Năm 2015, một nhóm ngư dân trên một chiếc tầu treo cờ TC đã truy đuổi thuyền của ông, bắt ông cùng với các con và đe dọa họ.
Ông Lê Tân nhớ lại: “Họ lục soát thuyền của chúng tôi. Đầu tiên, họ lấy hết cá, sau đó là những thiết bị cần thiết. Nếu họ thích cái gì đó, họ lấy chúng. Nếu họ không thích, họ quăng ra biển”.
Ngư dân người Việt cho rằng con tầu của ông đã bị nhắm 4 đến 5 lần trong 10 năm gần đây. Khi một người con trai của ông bị giữ trong vòng ba ngày, anh đã bị thương nặng vì bị đánh đập và bị bắn bằng súng bắn tia điện vào cột sống. Ông Tân nói với phóng viên của CNN: “Con tôi phải ở nhà điều trị trong vòng ba tháng và không thể đi làm được”.
Chính quyền Việt Nam tin rằng ông Tân và hàng trăm ngư dân khác như ông đã trở thành mục tiêu vì họ hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa, khu vực đang có tranh chấp về chủ quyền giữa Việt Nam, TC và Đài Loan. Họ bị bắt trong một vụ tranh chấp quốc tế về vấn đề chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông – một cuộc đối đầu đang làm xói mòn mối quan hệ ngoại giao ở châu Á. Sự kiện này hiển nhiên nằm trong chương trình nghị sự của tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong chuyến công du Việt Nam từ ngày 23-25/05/2016.
TC tự nhận có quyền sở hữu hầu hết khu vực Biển Đông. Bắc Kinh dựa trên một tấm bản đồ năm 1947 để biện minh cho các tuyên bố lãnh hải trải dài hàng trăm dặm về phía nam và phía đông của tỉnh đảo Hải Nam. Rất nhiều nước phản đối các yêu sách này của TC, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei. Tất cả các nước này đều có những đòi hỏi chủ quyền trong khu vực đang có tranh chấp này.
Ngư dân: Nạn nhân bị bắt trong các cuộc tranh chấp
Nằm ngoài khơi bờ biển phía đông của Việt Nam, đảo Lý Sơn chỉ có diện tích chừng 10 km2 (3,8 dặm vuông) và không được kết nối với lưới điện quốc gia cho đến tháng 10/2014.
Huyện đảo Lý Sơn, trực thuộc tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 1.000 ngư dân hoạt động ở Hoàng Sa, trong đó có ông Tân. Theo chính quyền địa phương, 200 ngư dân Lý Sơn và 17 thuyền đánh cá thông báo bị các tàu của TC tấn công trong năm 2015.
Trong khi đó, bộ Ngoại Giao TC nói không hay biết về các trường hợp đánh đập hay xua đuổi ngư dân Việt Nam khỏi khu vực mà họ tự nhận là vùng lãnh thổ “không thể tranh cãi” của TC.
Từ năm 1999, TC đã đơn phương thiết lập lệnh cấm đánh bắt hải sản vào mùa hè tại vùng Biển Đông, với lý do là để bảo vệ sự bền vững của ngành công nghiệp. Trả lời câu hỏi của CNN, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao TC, bà Hoa Xuân Oánh (Hua Chun Ying) nói: “Trung Quốc có quyền quản lý lãnh hải của mình vì chủ quyền của chúng tôi. Theo tôi được biết, cơ quan quản lý hàng hải Trung Quốc luôn thực thi pháp luật một cách văn minh”.
“Khu vực này thuộc chủ quyền của Việt Nam”
Bất chấp rủi ro, bà Phạm Thị Hương, phó chủ tịch Uỷ Ban Nhân Dân huyện Lý Sơn, cho CNN biết: Chính quyền khuyến khích ngư dân để tiếp tục hành nghề tại quần đảo Hoàng Sa, mà bà nhận định là một nguồn thu nhập truyền thống và quan trọng của hòn đảo này. Bà nói: “Tiếp tục ra khơi, là hành động khẳng định vùng này thuộc Việt Nam… Và điều này không thể chối cãi được”.
Tuy nhiên, phóng viên của CNN không được phép nói chuyện với ngư dân Lý Sơn nếu như không có một người đại diện của chính quyền địa phương đi cùng. Chính phủ Việt Nam tích cực tuyên truyền những câu chuyện của ngư dân Lý Sơn, những câu chuyện được dùng làm bằng chứng về sự xâm lược của TC. Các nhà chức trách hỗ trợ cho ngư dân bằng các khoản tiền mặt để thay thế trang thiết bị đánh cá bị cướp và giúp thanh toán chi phí y tế.
Chủ tịch Hiệp Hội Thủy Sản Lý Sơn, ông Nguyễn Quốc Trinh, còn cho biết, chính những người dân Việt Nam cũng đóng góp tiền vào sự nghiệp của ngư dân vì họ tin vào chủ quyền của Việt Nam với các hòn đảo đang có tranh chấp. Ông nói : “Đây chính là động lực thúc đẩy giúp ngư dân chúng tôi cảm thấy vững lòng khi ra khơi”.
Cơ hội cho Hoa Kỳ
Các nhà phân tích chính trị cho rằng sự quyết đoán của TC ở Biển Đông đã đe dọa các nước có tranh chấp trong khu vực và mở ra cơ hội mới cho Hoa Kỳ để xây dựng mối quan hệ với các nước như Việt Nam.
Trong những năm gần đây, TC đã có những động thái mang tính chiến lược để chiếm bá quyền tại hầu hết Biển Đông, như xây dựng đảo nhân tạo, xây thêm đường băng và triển khai tên lửa địa đối không.
Tổ chức Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (The Asia Maritime Transparency Initiative, AMTI) dựa trên các ảnh chụp từ vệ tinh đã đưa ra kết luận rằng TC đã bồi thêm được 12 km2 đất mới. Việt Nam cũng tiến hành bồi đắp cải tạo nhưng trên một quy mô nhỏ hơn. Theo ước tính của tổ chức AMTI, Việt Nam đã bồi đắp được khoảng một nửa km2 đất mới.
Trước chuyến công du của tổng thống Mỹ Barack Obama, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương, Daniel R. Russel, nhận định rằng Việt Nam là “một đối tác trong việc ủng hộ Luật Biển và các quy định của pháp luật về không gian hàng hải, cũng như trong việc giải quyết một cách hòa bình những căng thẳng và tranh chấp ở Biển Đông”.
Chính quyền của tổng thống Obama đã nhiều lần vận động tìm một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, đồng thời kêu gọi mỗi nước liên can ngừng quân sự hóa quần đảo này. Hoa Kỳ còn thực thi chiến dịch “Tự Do Hàng Hải” bằng các chuyến tuần tra trên biển và các chuyến bay trên khu vực Biển Đông để khẳng định quan điểm của Hoa Kỳ rằng mọi quốc gia đều có quyền quá cảnh vùng biển này.
Dĩ nhiên, những hoạt động này đã khiến Bắc Kinh tức giận và nhiều lần cáo buộc Hoa Kỳ kích động xung đột và gây nguy hiểm cho sự ổn định trong khu vực.
Về phần mình, Việt Nam không tỏ ra khó chịu trước những hoạt động “Tự Do Hàng Hải” của Mỹ. Tháng 01/2016, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao CSVN, Lê Hải Bình, đưa ra phản ứng của Việt Nam trước hoạt động trên với lời tuyên bố : “Việt Nam tôn trọng quyền đi qua lãnh hải vô hại”.
Nhật: G7 quan ngại tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông
Theo RFI – Minh Anh – 27-05-2016
Thủ tướng Shinzo Abe tại một cuộc họp báo trong thời gian diễn ra thượng đỉnh G7 tại Ise-Shima, Nhật Bản, ngày 27/05/2016. REUTERS/Issei Kato
Ngày 27/05/2016, trong thông cáo chung, lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu – G7, sau hai ngày họp thượng đỉnh tại Ise-Shima (Nhật Bản), cùng bày tỏ mối quan ngại về tình hình căng thẳng ngày càng nghiêm trọng trên biển Hoa Đông và Biển Đông.
Thông cáo nêu rõ: “Chúng tôi quan ngại về tình hình biển Hoa Đông và Biển Đông. Chúng tôi nhấn mạnh đến tầm quan trọng cơ bản của việc quản lý và xử lý các bất đồng một cách hòa bình”.
Tuy không nêu đích danh quốc gia nào, nhưng văn bản muốn nói đến các căng thẳng ngày càng nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây tại Biển Đông. TC đã có những đòi hỏi chủ quyền quá đáng, gần như hầu hết diện tích vùng Biển Đông cũng như cho xây dựng bồi đắp cải tạo các bãi đá, bất chấp các phản đối của Việt Nam và Philippines, những quốc gia đang có tranh chấp lãnh hải với Bắc Kinh.
Ngoài vùng Biển Đông, TC còn có tranh chấp lãnh hải gay gắt với Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, trên biển Hoa Đông.
Đương nhiên, thông cáo chung này đã làm cho TC “vô cùng bất bình”. Thông qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao, Hoa Xuân Oánh, Bắc Kinh cho rằng “đề cập đến vấn đề Biển Đông và thổi phồng các căng thẳng trong thượng đỉnh G7 do Nhật Bản tổ chức là không có lợi cho sự ổn định. (…) Trung Quốc vô cùng bất bình về những gì Nhật Bản và G7 đã làm”.
Trước đó, ngày 26/05, Bắc Kinh cũng đã lên tiếng cảnh cáo G7 là không nên “xía” vào chuyện nước này, khi tổng thống Mỹ Barack Obama nhắc lại “tự do lưu thông hàng hải” phải được tôn trọng.
TC tiết lộ bước mới trong chiến lược thôn tính Hoàng Sa
Theo RFI – Trọng Nghĩa – 27-05-2016
Báo chí TC vào hôm nay 27/05/2016 đã tiết lộ : Bắc Kinh đã có kế hoạch biến vùng quần đảo Hoàng Sa mà họ đã đánh chiếm từ tay Việt Nam vào năm 1974, thành một khu du lịch giải trí « tương tự như quần đảo Maldives » nổi tiếng ở Ấn Độ Dương. Theo hãng tin Pháp AFP, động thái này của TC sẽ làm tình hình khu vực căng thẳng thêm lên.
Theo nhật báo Anh Ngữ China Daily, ông Tiêu Kiệt, thị trưởng của « thành phố Tam Sa », tên đơn vị được Bắc Kinh trao quyền quản lý Biển Đông, đã cho biết là TC hy vọng sẽ biến khu vực quanh đảo Phú Lâm, hòn đảo chính ở vùng Hoàng Sa, thành nơi hút khách du lịch. Đó sẽ là những nơi « không có sự hiện diện của quân đội ».
Nhân vật này vẽ ra nhưng cảnh tượng như những chuyến bay du lịch trên biển, lướt sóng, câu cá, lặn dưới biển, hay dịch vụ đám cưới trên đảo. Tuy nhiên, ông Tiêu Kiệt cũng thừa nhận rằng việc này « sẽ rất khó khăn ».
Trong chiến lược khẳng định quyền kiểm soát hành chánh thực tế tại Hoàng Sa, TC đã dùng đến vũ khí du lịch.
Ngay từ năm 2013, họ đã cho mở tuyến du lịch bằng đường thủy đến Hoàng Sa, với một du thuyền duy nhất. Một chiếc thứ hai sắp được đưa vào hoạt động. Theo quan chức TC được AFP trích dẫn, cho đến nay, đã có khoảng 30.000 « du khách » TC đi thăm Hoàng Sa theo kiểu này, với 16.000 người, riêng trong năm 2015.
TC cũng dự định mở các đường bay thương mại thường xuyên giữa đảo Hải Nam và đảo Phú Lâm, để đẩy mạnh tuyến du lịch này.
Mục tiêu chính trị của kế hoạch du lịch Hoàng Sa của TC rất rõ khi tuyến du lịch chỉ dành riêng cho người TC, trong lúc các quan chức chính quyền đã khuyến khích người dân thể hiện « tinh thần yêu nước » bằng cách đi du lịch Hoàng Sa.
Tổng thống Barack Obama thăm thành phố Hiroshima
Thứ Sáu ngày 27/5/2016 là một mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ giữa hai nước Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nhân sự kiện hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Nhật Bản, tổng thống Mỹ Barack Obama đã tới thăm thành phố Hirosima. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm tới Hirosima, nơi đã từng là thành phố chết chóc sau khi hứng chịu quả bom nguyên tử đầu tiên bị Hoa Kỳ ném xuống ngày 06/08/1945 khiến 140.000 người chết.
Từ Hiroshima, thông tín viên RFI Frédéric Charles gửi về bài tường trình :
“Hôm nay, thành phố Hiroshima đấu tranh chống lại sự quên lãng. Người dân thành phố nói rằng chỉ riêng sự có mặt của tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại thành phố từng là nơi chết chóc vì bom nguyên tử này, góp phần cùng với người dân Nhật Bản – với 3/4 dân số sinh ra sau chiến tranh, cũng như dân số trên toàn thế giới – chống lại sự quên lãng những gì đã xảy ra ở Hiroshima.
Những người cuối cùng còn sống sót sau thảm họa Hiroshima nay đã trên 85 tuổi. Họ vui vẻ chào đón sự hiện diện của tổng thống Barack Obama tại thành phố này. Không phải là tất cả, nhưng phần lớn những người còn sống sót không đòi hỏi một sự hối tiếc, cắn rứt lương tâm hay những lời xin lỗi từ tổng thống Hoa Kỳ về nỗi kinh hãi tột cùng mà họ đã chịu đựng. Họ chỉ muốn nhân loại nhớ tới Hiroshima để những nỗi đau đớn của họ và của những người đã mất đi không trở thành vô ích.
Phần lớn người dân Nhật Bản muốn hy vọng là sau thảm họa Hiroshima và thảm họa Nagasaki diễn ra 3 ngày sau đó, một kỷ nguyên mới khởi đầu, một kỷ nguyên không có chiến tranh và vũ khí hạt nhân. Và họ nhớ rằng trong bài phát biểu nổi tiếng năm 2009 tại thành phố Praha, tổng thống Hoa Kỳ đã mơ tới một thế giới không có nước mắt rơi vì vũ khí hạt nhân. Bài diễn văn này vẫn thường được nhắc tới ở thành phố Hiroshima”.
Địa Trung Hải: Tàu dân nhập cư tiếp tục đắm
Trong hai ngày 25 và 26/05/2016 đã xảy ra hai vụ đắm tàu ở ngoài khơi Libya khiến hơn 100 người thiệt mạng và khoảng 100 người mất tích. Thảm họa còn có thể tiếp tục xảy ra với hàng ngàn người muốn nhập cư vào châu Âu qua tuyến đường Địa Trung Hải.
Hình ảnh do Hải Quân Ý cung cấp cho thấy hàng trăm người trên một chiếc tàu sắp bị lật úp. Những người này đã nhảy ra khỏi tàu và cố gắng tìm lấy những chiếc áo phao do lực lượng cứu hộ ném ra. Lúc đó, có ít nhất năm người bị thiệt mạng
Phát ngôn viên của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc cho biết, trong số những người nhập cư, có nhiều phụ nữ, trẻ em cũng như những trẻ vị thành niên không có người đi cùng. Những người này mạo hiểm mạng sống của mình để tìm sự an toàn ở châu Âu.
Trong ngày 26/05, 22 cuộc cứu hộ đã được triển khai dưới sự phối hợp cùng với lực lượng tuần duyên Ý và đã cứu được khoảng 4.000 người nhập cư.
Khi thời tiết bắt đầu thuận lợi hơn, các chuyến tàu của người nhập cư cũng tăng lên. Tuy nhiên, số người nhập cư bằng đường biển đến Ý giảm hơn so với năm trước. Thủ tướng Ý Matteo Renzi cho biết, giải pháp tốt nhất là hỗ trợ giúp đỡ người nhập cư ngay tại quê nhà của họ.
Tuyên bố chung của G7 đặt ưu tiên khẩn cấp vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu
VOA – 27.05.2016
Lãnh tụ của Nhóm G7 quy tụ 7 nền kinh tế giàu nhất gọi tăng trưởng toàn cầu là “ưu tiên khẩn cấp” của họ vào lúc bế mạc hội nghị thượng đỉnh ở Nhật Bản hôm 27/5.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói:
“Cảm thấy bi quan về nền kinh tế thế giới không giải quyết được vấn đề. Trong cương vị là người chủ trì và là Chủ tịch hội nghị thượng đỉnh này, tôi đã bỏ ra nhiều thời giờ nhất để thảo luận về các vấn đề kinh tế, nhưng tôi làm như vậy không phải để chúng ta trở nên bi quan. Chúng ta không nên bi quan mà phải khách quan để có thể nhận thức đúng đắn những sự rủi ro hiện hữu ở ngoài kia, tại đây và trong thời khắc này. Chúng ta sẽ không thể nào giải quyết vấn đề, trừ phi chúng ta chia sẻ chung những rủi ro đã nhận thức được”.
Các nhà lãnh đạo Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã ra một thông cáo chung đề cập tới những vấn đề sâu rộng mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt.
Nhóm G7 công bố một tuyên bố dài 32 trang để bế mạc hội nghị, cũng kêu gọi Bắc Triều Tiên phải tuân thủ các quy định của Liên Hiệp Quốc và chấm dứt thử nghiệm các vũ khí hạt nhân, phóng phi đạn và các ‘hành động có tính cách khiêu khích’ khác.
Trong khi không nêu đích danh Trung Quốc, bản tuyên bố chung của G7 đề nghị hỗ trợ để giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ đang nóng lên ở Biển Đông, nơi mà Trung Quốc ráo riết lấp đất xây đảo, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng.
Thấy gì từ việc TC chê tình trạng độc thân của nữ tổng thống Đài Loan?
Chỉ trích của TC nhắm vào tình trạng độc thân của tân Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn phơi bày sự chia rẽ về cách nhìn nhận của hai xã hội dân tộc Trung Hoa, vốn mâu thuẫn về mặt chính trị, đối với giới tính và sự lãnh đạo trong bối cảnh có những áp lực phát triển khác nhau.
Người dân ở TC đại lục thường cho rằng phụ nữ, dù được chấp nhận trong lực lượng lao động, nên đặt hôn nhân và sự thịnh vượng của gia đình làm mục tiêu hàng đầu của họ. Những giá trị Nho giáo từ 2.500 năm trước đề cao những ý tưởng này, đã xuất hiện trở lại kể từ khoảng năm 2000 với sự suy giảm nhiệt tình cách mạng Cộng sản cũ vốn chủ trương bình đẳng giới tính.
Ở đại lục ngày nay, phụ nữ độc thân ở độ tuổi quá 30 thường bị gọi là “gái lỡ thì.”
Tại Đài Loan, nơi mà là 98 phần trăm dân số là người Hoa, hôn nhân vẫn là một lý tưởng, nhưng phụ nữ ngày càng tránh né nó để theo đuổi sự nghiệp, thu nhập và sự tự do không vướng bận những nghĩa vụ gia đình mà có thể bao gồm việc chăm sóc cha mẹ chồng cộng thêm con cái của chính họ.
TC vốn đã không thích bà Thái vì bà khước từ lời kêu gọi đối thoại của họ, với điều kiện cả hai xem mình là một phần của TC. Đài Loan và TC vẫn là hai đối thủ chính trị kể từ những năm 1940. Hai nước láng giềng Châu Á này tự cai trị, nhưng TC tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan và nhất mực nói rằng Đài Loan phải nằm dưới quyền kiểm soát của họ khi cuộc nội chiến Trung Hoa kết thúc vào những năm 1940. Những cuộc khảo sát ý kiến cho thấy hầu hết người Đài Loan muốn được quyền tự chủ như ngày hôm nay.
Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn chính thức của TC, đăng bài bình luận hôm thứ Ba nói rằng, “là một chính trị gia nữ độc thân, bà Thái thiếu gánh nặng cảm xúc của tình yêu, sự ràng buộc của gia đình hay những lo toan về con cái.” Vương Vệ Tinh, một nhà phân tích của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa và là thành viên của một cơ quan bán chính thức phụ trách đối thoại với Đài Loan, đã viết bài bình luận này.
Bà Thái tập trung quá nhiều vào những chi tiết và mục tiêu ngắn hạn, thay vì những vấn đề chiến lược rộng lớn hơn, bài viết của Tân Hoa Xã nói thêm. “Phong cách và chiến lược của bà ta trong việc theo đuổi chính trị liên tục nghiêng về phía tình cảm, cá nhân và cực đoan,” bài viết nói.
Tân Hoa Xã đã gỡ bỏ bài viết, nhưng những cơ quan truyền thông khác của TC vẫn phải đăng bài viết sau đó trong tuần.
Nhưng rất ít người Đài Loan bình phẩm công khai về giới tính hay tình trạng hôn nhân của luật gia 59 tuổi này khi bà vận động tranh cử tổng thống hồi năm ngoái cạnh tranh với hai người đàn ông. Bà giành chiến thắng với tỉ lệ áp đảo vào tháng 1 và nhậm chức vào ngày 20 tháng 5 trong tư cách là nữ tổng thống đầu tiên của Đài Loan.
Ngô Thụy Quốc, giám đốc quản lý một công ty tư vấn rủi ro chính trị tại Đài Bắc, nói: “Người Trung Hoa cần phải hiểu rằng bây giờ là thế kỷ 21. Một số những điều này còn không có sức nặng huống hồ là sự khả tín đối với người dân Đài Loan. Phát ngôn như vậy là phản tác dụng đối với sự ổn định của mối quan hệ xuyên eo biển và gần như mang tính cá nhân.”
Lôi Thiến, người từng là nhà lập pháp nữ và giờ là giám đốc điều hành của trung tâm nghiên cứu Thế kỷ 21 Trung Hoa ở Đài Loan, gọi bài viết này là sự công kích cá nhân phơi bày sự thiên vị giới tính ở Bắc Kinh.
“Đây là một cách ngầm công kích cá nhân bà Thái Anh Văn,” bà Lôi nói. “Tuy nhiên, điều rất rõ ràng là khi những chính trị gia nam không phải chịu những chỉ trích giống như vậy thì những chính trị gia nữ cũng không nên chịu những chỉ trích đó.”
“Tôi chỉ đơn giản cho rằng Đài Loan có mức độ phụ nữ tham gia chính trị lớn hơn, do đó có thể có sự khác biệt về kinh nghiệm cho những tiêu chuẩn được áp dụng cho những chính trị gia nữ so với những chính trị gia nam,” bà nói.
Bà nói thêm với TC, “tôi nghĩ rằng khi nước này dần dần tiến khung cảnh chính trị hiện tại của mình thì loại di sản và quan niệm xưa cũ của Trung Quốc lại có ảnh hưởng.”
Tỉ lệ sinh con ở Đài Loan đã sụt giảm xuống mức ít hơn một em bé trên một phụ nữ trong năm 2011, khiến chính phủ lo lắng về năng suất lao động lâu dài. Nhưng phụ nữ ở những nơi tương đối giàu có khác của Châu Á, như ở Hong Kong và Singapore, cũng đang gạt chuyện sinh con sang một bên để xây dựng sự nghiệp.
Ngược lại, ở TC 46 phần trăm người dân sống ở vùng nông thôn, theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới. Những người đó thường sống ở những trang trại và gần mức nghèo túng. Những hoàn cảnh đó càng củng cố vai trò giới tính truyền thống khi người đàn ông tập trung vào công việc đồng áng vất vả và phụ nữ thì coi sóc nhà cửa.
Người Đài Loan đề cao những người phụ nữ biết cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp, bao gồm cả chính trị, theo lời bà Trần Oánh, một nhà lập pháp nữ của đảng cầm quyền đã tham chính tám năm qua. “Gần như tất cả phụ nữ, vì công việc của họ, đều cảm thấy khó chú tâm đến cả hai, nên cử tri sẽ thông cảm về vấn đề này bởi vì chúng tôi đầu tư rất nhiều thời gian vào công việc của chúng tôi,” bà Trần nói.
Một số cử tri thậm chí thích những chính trị gia nữ hơn vì quan niệm cho rằng họ thấu hiểu những vấn đề mà những gia đình phải đối mặt hơn là đàn ông, bà nói thêm.
Rất ít phụ nữ đạt tới những chức vụ hàng đầu trong Đảng Cộng sản Trung Hoa. Một hình mẫu hiện đại trong số những chính trị gia nữ là bà Ngô Nghi, một thành viên Bộ Chính trị được nhiều người đặt biệt danh là “quý bà thép” vì kỹ năng thương thuyết của bà. Nhưng bà đã về hưu vào năm 2008.
Văn phòng tổng thống ở Đài Loan hôm thứ Sáu từ chối bình luận về bài viết trên Tân Hoa Xã.
Nhưng chính phủ của bà đã phản ứng một cách nhanh chóng về một loạt những nhận xét chính trị nghiêm khắc từ TC trong tuần qua. Chính phủ Bắc Kinh đã cảnh báo chớ có bất kỳ nỗ lực nào tại Đài Loan cho sự độc lập về mặt pháp lý và đặt nghi vấn liệu bà Thái có muốn đàm phán với Bắc Kinh hay không.
Bà Thái khước từ “một Trung Quốc” là điều kiện tiên quyết cho đối thoại, làm nổi bật những cuộc đàm phán nhìn chung lạc quan giữa Bắc Kinh và người tiền nhiệm của bà là ông Mã Anh Cửu từ năm 2008. Bà đã lên tiếng ủng hộ những cuộc đàm phán theo luật pháp Đài Loan, nếu dân chúng Đài Loan chấp thuận.
Lo sợ liên minh Việt-Mỹ, Bắc Kinh cố hàn gắn quan hệ với Hà Nội
VOA – 27.05.2016
Chỉ một ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama bày tỏ mong muốn bắt đầu một kỷ nguyên mới của mối quan hệ kinh tế và quân sự chặt chẽ hơn với Việt Nam, các thứ trưởng Ngoại giao TC và Việt Nam tuần này đã có cuộc gặp tại một tỉnh biên giới của TC để thảo luận về mối quan hệ giữa hai nước.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Ba, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TC Hoa Xuân Oánh nói: “Trung Quốc và Việt Nam là các quốc gia láng giềng thân thiện núi liền núi sông liền sông”. Bà Hoa cho biết, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để thực thi các thỏa thuận pháp lý “nhằm nâng cao hợp tác và quản lý biên giới”.
Cuộc họp kín giữa các thứ trưởng cho thấy Bắc Kinh đang cố gắng trấn an Việt Nam rằng hai quốc gia cộng sản nên đặt lợi ích chung lên trên việc tranh chấp xem ai sở hữu gì ở Biển Đông, đặc biệt khi chính quyền Obama xoay trục sang châu Á và đề nghị hỗ trợ thêm cho Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á đang quan ngại về sự bành trướng của TC.
Bình luận về việc Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam, bà Hoa Xuân Oánh nói đi nói lại hôm thứ Ba rằng TC hoan nghênh “sự phát triển mối quan hệ bình thường giữa Hoa Kỳ và Việt Nam” và bày tỏ hy vọng rằng điều này sẽ có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực.
Ông Zang Mingliang, một giáo sư tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Jinan ở Quảng Châu, cho biết phản ứng chừng mực đó cho thấy sự tiến bộ về mặt ngoại giao, nhưng triển vọng của quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa Mỹ và Việt Nam sẽ còn đáng lo ngại hơn với Bắc Kinh so với liên minh Mỹ – Philippines.