TT Mỹ để lại ‘Hội Chứng Obama’ ở Việt Nam
Bài trích đăng chỉ nhằm mục đích thông tin. Nội dung bài viết không nhứt thiết phản ảnh quan điểm của Website. BBT
Một người dân Hà Nội đi xe máy ngang tấm bích chương chào đón Tổng Thống Obama, treo trước một tiệm may. (Hình; Linh Pham/Getty Images)
VIỆT NAM – Tổng Thống Obama đã rời Việt Nam nhưng hình như dư âm của cuộc thăm viếng ba ngày sẽ còn lưu lại lâu dài trên đất nước này cũng như trong những người Việt hải ngoại quan tâm về quê hương.
Thành quả nổi bật nhất trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thống Obama mà mọi người đều thấy là ông đã hoàn toàn thu phục được lòng mến mộ và niềm tin tưởng của nhân dân Việt Nam.
Nhưng theo hướng nhìn khác, nhiều dư luận và các nhà bình luận lại hoài nghi rằng chuyến thăm của ông Obama thể hiện những miễn cưỡng ở cả hai phía Mỹ – Việt cũng như chưa có gì bảo đảm sẽ đem đến kết quả cụ thể bền vững.
Ý kiến trái ngược là điều bình thường và mọi tranh luận khó khi nào đi tới sự đồng thuận cuối cùng. Đóng góp cho sự nhận định sáng tỏ hơn, bài viết này nhắm tóm lược và phân tích khách quan những mục đích cùng thành quả từ chuyến viếng thăm, qua các sinh hoạt của ông Obama trong 64 giờ ở Việt Nam.
Trong chiến lược chuyển trọng tâm về Châu Á và đương đầu với sự bành trướng của Trung Quốc, nước Mỹ cần có một đồng minh có tiềm năng ở khu vực Đông Nam Á. Trên mọi bình diện địa chính trị, kinh tế, quân sự, không nước nào hơn Việt Nam để đảm nhận vai trò ấy, nhưng chưa ở hoàn cảnh sẵn sàng và còn thiếu một số điều kiện.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thống Obama do đó nhắm vào ba mục tiêu chính. Thứ nhất, thắt chặt các mối quan hệ hữu nghị và đủ tin cậy với Việt Nam. Thứ hai, trợ giúp Việt Nam trở thành một đối tác có tầm cỡ về cung cấp sản phẩm dịch vụ và đồng thời là một thị trường tiêu thụ có giá trị cho nền kinh tế Hoa Kỳ. Nằm trong mục tiêu này, trước mắt cần thúc đẩy cho Việt Nam trở thành thí điểm đầu tiên trong 12 nước đi vào việc khởi động thi hành và chứng minh được hiệu quả của hiệp định TPP. Thứ ba, từng bước đưa Việt Nam hội nhập kinh tế toàn cầu phù hợp với những chuẩn mực phổ quát của cộng đồng quốc tế.
Để hoàn thành những mục tiêu ấy cần phải vượt qua nhiều trở lực, đồng thời tránh gây ra những phản ứng phụ tai hại ngoài ý muốn từ quốc nội Mỹ, tại Việt Nam và phía Trung Quốc. Như thế, theo một cách đánh giá, có thể nói chuyến thăm Việt Nam là một kịch bản đã được dàn dựng hết sức công phu, tỷ mỉ từng chi tiết, và ông Obama là người thủ diễn xuất sắc vai trò tế nhị này.
Kịch bản gồm có màn chính thức và những diễn biến bên lề, hiểu theo nghĩa có thể là không nằm trong lich trình công bố hay dự tính, tuy nhiên lại có thể có tác động lớn hơn.
Không ít dư luận cho là nhà cầm quyền Việt Nam đã đón tiếp Tổng Thống Obama một cách thờ ơ lạnh nhạt với một số nghi lễ ngoại giao theo thủ tục bình thường hay dưới bình thường. Người ta nói là máy bay Air Force One đến phi trường Nội Bài vào lúc gần nửa đêm Chủ Nhật, ông Obama bước xuống thảm đỏ, nhưng viên chức nghênh đón chỉ là cấp thứ trưởng và một cô sinh viên trao tặng bó hoa mà ông trao cho một nhân viên tùy tùng ngay sau đó trước khi lên xe. Sáng Thứ Hai, trong lễ đón tiếp chính thức tại phủ Chủ Tịch, có chào cờ, ban quân nhạc và duyệt đội quân danh dự nhưng không có 21 phát đại bác bắn chào… Theo những nhận định này, sự đón tiếp long trọng mà nhà cầm quyền Việt Nam dành cho nhà lãnh đạo nước Mỹ kém xa so với khi đón nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đây.
Cách phê phán ấy là theo quan niệm cổ điển và không xét đoán đầy đủ đến những điều kiện hay sự kiện khác. Vấn đề được quan tâm nhiều nhất khi ông Obama đến Việt Nam là việc Hoa Kỳ đến nay vẫn cấm bán các loại vũ khí sát thương cho Việt Nam. Ông Obama đã loan báo quyết định này ngay sau cuộc họp đầu tiên với Chủ Tịch Trần Đại Quang và ông này tuyên bố rằng sự kiện ấy chứng tỏ Việt Nam – Hoa Kỳ đã hoàn toàn bình thường hóa trên con đường tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài.
Đằng sau những thỏa thuận ấy, người ta có thể hiểu là trong mối quan hệ với hai cường quốc có thế lực và ảnh hưởng quan trọng nhất đối với quốc gia mình, Việt Nam đã công khai chấp nhận thiên hẳn về phía Hoa Kỳ. Sự đón tiếp Tập Cận Bình và Obama khác nhau không chỉ ở hình thức mà chủ yếu là về nội dung. Có thể hiểu trong chuyến thăm của Tổng Thống Obama, Mỹ – Việt đã bàn luận và thỏa thuận đầy đủ tất cả mọi chi tiết trong đó có vấn đề tế nhị là làm sao cho Việt Nam không lâm vào thế khó xử và không có lợi ích gì để khiêu khích Trung Quốc quá đáng. Cũng có thể nhận ra là nhà cầm quyền Việt Nam đã cố tình muốn đóng vai trò thụ động, mặc nhiên để cho phía Mỹ hoạch định lịch trình hoạt động của ông Obama ở Việt Nam.
Ngược lại, phía Mỹ cũng chấp nhận một số việc mang tính cách tượng trưng, trong chừng mực vừa phải, để trấn an chính quyền Việt Nam. Đến thăm nhà sàn trước kia của Hồ Chí Minh và cùng với bà Chủ Tịch Quốc Hội, Nguyễn Thị Kim Ngân, thả đồ ăn xuống ao cho cá ăn là một hành động nằm trong sự thể hiện điều kiện chấp nhận nguyên trạng chính trị tại Việt Nam. Trong tuyên bố chung với chủ tịch Trần Đại Quang và trong những lời phát biểu tại cuộc gặp gỡ các nhà hoạt động xã hội dân sự, nói chuyện truyền hình trực tiếp toàn quốc ở hội trường Mỹ Đình và nói chuyện với giới trẻ ở Sài Gòn, Tổng Thống Obama đều nhắc lại nguyên tắc Mỹ không can thiệp vào chính trị Việt Nam và người Việt quyết định tương lai của đất nước mình.
Những sinh hoạt chính thức kiểu nhà nước ấy chỉ giới hạn trong một buổi sáng Thứ Hai và phần thời gian còn lại trong ba ngày ở Việt Nam của Tổng Thống Obama là lịch trình do Mỹ định đoạt. Một chi tiết không được nhiều người biết đến là nữ ca sĩ Mỹ Linh hát bài quốc ca Việt Nam trước buổi nói chuyện của Tổng Thống Obama tại hội trường Mỹ Đình. Tờ Tuổi Trẻ nói rằng có nhiều tranh cãi cho rằng hát quốc ca phải có dàn nhạc hay đội đồng ca theo cách thông thường của Việt Nam. Nhưng Mỹ Linh giải thích rằng việc chọn ca sĩ cũng như lối hát “a capella” không có nhạc đệm là theo lối Mỹ và do tòa đại sứ Mỹ đã chọn lựa rất kỹ.
Sinh hoạt nổi tiếng nhất của Tổng Thống Obama tất nhiên là bữa ăn bún chả ở quán Hương Liên. Tuy vậy, cũng có những người khó tính, hay cố tình phản biện, nói rằng đây là hành động được dàn dựng. Cần ghi nhận rằng dân chúng Hà Nội hoàn toàn ngạc nhiên, thích thú và khâm phục một nhà lãnh đạo siêu cường quốc có thái độ bình dân cởi mở, hòa mình với xã hội, sẵn sàng bắt tay, chụp hình ‘selfie’ với tất cả mọi người. Nếu bài nói chuyện của Tổng Thống Obama đánh động được tâm lý tình cảm của người dân bằng những lời dẫn thơ Lý Thường Kiệt, Nguyễn Du, Nhất Hạnh, nhạc Trịnh Công Sơn, Văn Cao thì chuyện ăn bún chả, vui vẻ bắt tay người dân cũng sẽ có tác động sâu xa và ảnh hưởng rất lâu dài đến xã hội Việt Nam về mặt văn hóa, xã hội và chính trị.
Hàng chục ngàn người đứng dài hai bên những con đường Sài Gòn mà đoàn xe Tổng Thống Obama đi qua đã làm cho nhiều giới chức Mỹ trong đoàn tháp tùng Obama phải ngạc nhiên nói rằng họ chưa bao giờ thấy một sự đón tiếp đông đảo và nhiệt tình như vậy. Người dân miền Nam đã quen biết và tán thành sự trở lại của Mỹ nhưng dân miền Bắc dù sao hãy còn những “lấn cấn” trong quan hệ với Mỹ. ông Obama không chỉ xóa tan sự ngại ngùng ấy mà còn lôi cuốn họ hoàn toàn về phía mình.
Dự đoán tại Sài Gòn, Tổng Thống Obama có thể có một hành động tương tự như chuyện bún chả “Hà Nội,” hàng ngàn người đứng chờ trước khách sạn hy vọng thấy ông bước ra. Nhưng có lẽ với một chương trình hoạt động đã quá bận rộn, ông đã không đáp ứng điều ấy. Tại Sài Gòn, Tổng Thống Obama có hai cuộc gặp gỡ với giới trẻ và cũng trở thành thần tượng của thành phần này với lối nói chuyện thân mật cởi mở, đáp ứng những nguyện vọng của họ về tự do, sáng tạo về phát triển xã hội tương lai. Ông còn chứng tỏ sự am hiểu về giới trẻ Việt Nam khi nói chuyện và yêu cầu cô ca sĩ nhạc rap, Suboi, hát một câu trong buổi nói chuyện với 800 sinh viên.
Một nữ độc giả từ Việt Nam, viết trong một email: “Ông Obama đi rồi, em vẫn còn lâng lâng. Em nhớ ông ấy!”
Nói hết về những gì Tổng Thống Obama đã đem đến cho nhân dân Việt Nam trong chuyến thăm 64 giờ sẽ cần hàng trăm trang giấy. Chỉ có thể tóm tắt rằng “hội chứng Obama” không chỉ trong lãnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, cái quan trọng nhất sẽ là ảnh hưởng chuyển biến toàn thể xã hội Việt Nam trên mọi bình diện trong một tương lai không xa. (HC)
(Người Việt)