Nhà hoạt động Việt Nam ‘cần chính trực’

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nhà hoạt động Việt Nam ‘cần chính trực’

Đã có những lùm xùm không đáng có sau cuộc gặp của Tổng thống Hoa Kỳ và đại diện ‘xã hội dân sự’ tại Việt Nam, một sự kiện mà các báo Việt Nam không tường thuật.

Gần như tất cả các hoạt động trong chuyến thăm của ông Obama đều được giới truyền thông Việt Nam tường thuật chi tiết trên mặt báo, truyền hình và mạng xã hội.

Duy nhất chỉ có cuộc gặp của Tổng thống Hoa Kỳ và đại diện hoạt động dân sự tại một khách sạn ở Hà Nội sáng 24/5 là họ “xem như chưa từng diễn ra”.

Những ai quan tâm đến sự kiện này chỉ có thể tìm thấy thông tin trên báo nước ngoài và Facebook của một vài người được mời gặp.

CNN hôm 25/5 đưa tin: “Trước khi nói về chủ đề nhân quyền trước cử tọa người Việt, ông Obama đã gặp sáu đại diện xã hội dân sự Việt Nam. Tổng thống lưu ý rằng một số nhà hoạt động đã bị ngăn đến dự cuộc gặp này.

“Chúng tôi không tiết lộ bất kỳ tên của nhà hoạt động nào không thể tham dự, nhưng như Tổng thống nói, một số người được mời bị ngăn cản tới dự cuộc gặp”, phát ngôn viên Nhà Trắng Eric Schultz nói.

Nhưng có một vấn đề khiến cộng đồng mạng Việt Nam xôn xao hơn là thực hư các nhà hoạt động có mặt tại cuộc gặp đã nói gì với Tổng thống Mỹ?

Tới nay, kênh YouTube của Nhà Trắng chỉ phát đi đoạn clip phát biểu của ông Obama trong cuộc gặp mà không có phần ý kiến của khách mời Việt Nam.

Bà Nguyễn Hồng Oanh, giám đốc trung tâm IDEA (Ban hành động vì sự phát triển của người khuyết tật) là một trong sáu người đến được cuộc gặp mà không bị ngăn cản và cho BBC biết “cuộc gặp ngoài ông Obama cùng khách mời và một số giới chức Mỹ, chỉ có phóng viên và nhiếp ảnh của Nhà Trắng”.

Hôm 24/5, trả lời BBC từ Hà Nội, bà Oanh tường thuật: “Tại cuộc gặp ông Obama, tôi nói về quyền của người khuyết tật, ông Bình nói về quyền của người LGBT, cô Khôi nói về quyền tự do biểu diễn”.

“Không có ai đề cập về chuyện bầu cử Quốc hội cũng như vấn đề nhân quyền hay tù nhân chính trị”.

“Nói chung, tôi nghĩ mọi người có tâm lý đến trao đổi để Tổng thống Mỹ nắm bắt tình hình xã hội dân sự Việt Nam chứ không kỳ vọng có sự thay đổi nào. Việc nhà mình thì mình tự giải quyết thôi”.

‘Chuyện rất con người’

Tuy vậy, Mai Khôi, nữ ca sĩ cũng là một trong những khách mời của cuộc gặp này, sau đó thông báo trên mạng xã hội và gửi thông cáo viết bằng tiếng Anh tự nhận là ‘Vietnamese pop star’ (ngôi sao nhạc pop Việt Nam) và cho hay:

“Trong cuộc thảo luận, tôi tập trung vào hành động cụ thể của chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam có thể làm gì để thúc đẩy một xã hội dân sự sôi động, lành mạnh tại Việt Nam, hơn là chỉ trích chính phủ Việt Nam về nhân quyền”.

“Chính phủ Việt Nam nên điều chỉnh pháp luật phù hợp với Hiến pháp và các điều ước quốc tế về nhân quyền giúp bảo vệ tự do ngôn luận và các quyền cơ bản khác mà họ đã ký kết”, thông cáo viết bằng tiếng Anh gửi đến BBC hôm 24/5 ghi.

Có thể hiểu là Mai Khôi muốn diễn đạt mình đã “thể hiện đầy đủ ý kiến cần thiết” trong cuộc gặp ông Obama hơn trích dẫn vắn tắt của bà Oanh.

Ca sĩ này bị một số nhà hoạt động khác chỉ trích trên mạng xã hội vì “đã nói quá lên những gì mình thật sự làm”.

Ông Nguyễn Quang A là một trong những khách mời đã cùng cô ca sĩ dự cuộc gặp ông Tom Malinowski, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động hôm 10/5 nhưng bị an ninh ngăn không cho đến cuộc gặp với ông Obama hôm 24/5.

Hôm 25/5, trả lời BBC, ông nói: “Tôi không bình luận hay đánh giá về chuyện của cô ca sĩ vì tôi không có thông tin chính xác về chuyện cô ấy đã nói gì tại cuộc gặp ông Obama”.

“Việc một ai đó nói quá lên về hoạt động để thu hút đám đông là chuyện rất con người, thường xảy ra”.

“Thực tế là có người chẳng thấy tham gia hoạt động dân sự nào cả mà chỉ chém gió trên Facebook rất là kinh”.

“Tôi thấy điều quan trọng là sự chính trực, trung thực của một người, dù có là nhà hoạt động hay không, thì tính chính trực mới là vấn đề”. – BBC