‘Cuộc đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam còn dài và gian khổ’ – TT Obama gặp ‘xã hội dân sự’
24.5.2016
Tổng thống Barack Obama (trái) và Chủ tịch nước Trần Đại Quang (phải) duyệt đội danh dự tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 23 tháng 5 năm 2016.
Chuyên cơ của Tổng Thống Mỹ đáp xuống phi trường Nội Bài, Hà nội đêm hôm 22/5 trong một chuyến thăm lịch sử có tính bước ngoặt, dọn đường cho việc bình thường hoá toàn diện các quan hệ song phương với quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam.
So với tầm quan trọng của chuyến thăm, cung cách nhà lãnh đạo Mỹ được nghênh đón tại phi trường có vẻ khá giản dị, phái đoàn ra đón ông tại phi trường gồm một số quan chức cấp thấp và một thiếu nữ mặc áo dài màu vàng ôm theo bó hoa. Tổng Thống Obama nhận hoa, bắt tay những người hiện diện và nhanh chóng lên xe về khách sạn.
Các nghi lễ chính thức chào mừng ông chỉ bắt đầu ngày hôm sau, thứ Hai 23/5, khiến một số người mang ra so sánh với những nghi lễ long trọng khi các giới chức cấp cao Việt Nam ra nghênh đón Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân vào tháng 11 năm ngoái.
Giới quan sát Việt Nam trong và ngoài nước nghĩ gì về quyết định tháo cấm vận vũ khí và chuyến thăm của vị Tổng Thống Mỹ? Hai nhà đấu tranh cho dân chủ, Tiến sĩ Nguyễn Quang A ở trong nước, và Giáo sư Đoàn Viết Hoạt ở bang Virginia, Hoa Kỳ trao đổi với Ban Việt ngữ-VOA.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A viết một bình luận trên Facebook trong khi ngồi ở quán cà phê sau cuộc phỏng vấn ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 1 tháng 3 năm 2016.
Nhiều người dân Việt Nam đã đổ ra đường để chào mừng vị Tổng Thống Mỹ thứ ba tới thăm Việt Nam kể tử khi chiến tranh chấm dứt. Một nhà quan sát ở trong nước, cũng là một nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nói với VOA –Việt ngữ:
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: “Suốt từ hôm qua cho tới nay, có thể nói là người dân ở Hà nội nói riêng và Việt Nam nói chung chào đón nhiệt tình cuộc viếng thăm của Tổng Thống Hoa Kỳ đến Việt Nam. Nó chứng tỏ rằng việc phát triển mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam được người dân Việt Nam ủng hộ một cách rất là nhiệt thành.”
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, một nhà đấu tranh cho dân chủ Việt Nam đang sống lưu vong tại bang Virginia, Hoa Kỳ, nói đã tới lúc phải có bước đột phá trong quan hệ Việt Mỹ, và quyết định tháo bỏ lệnh cấm vận vũ khí là điều tất nhiên. Ông nhận định:
“Tôi không ngạc nhiên, tôi nghĩ đã đến lúc Mỹ bỏ cấm vận vũ khí vì tình hình ở Biển Đông càng ngày càng căng thẳng, và ý đồ của Trung Quốc chiếm giữ Biển Đông đã rất rõ, thành ra tôi nghĩ là đã đến lúc Mỹ cần phải dứt khoát rõ ràng về vấn đề này. ”
Ông cho rằng những yếu tố chính đưa đến quyết định của chính phủ Mỹ thứ nhất, là tình hình căng thẳng ở Biển Đông sau khi Bắc Kinh lộ rõ ý đồ và quyết tâm độc chiếm vùng biển này, và thứ nhì, việc xảy ra trùng hợp với nguyện vọng của phía Việt Nam thực sự muốn thoát Trung.
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: “Dạ tôi nghĩ là tình hình căng thẳng ở Biển Đông và ý đồ bành trướng của Trung Quốc cũng như là phản ứng của một số quốc gia Đông Nam Á trong thời gian gần đây chống ý đồ đó của Trung Quốc, và nhất là bản thân của Việt Nam cũng càng ngày càng muốn xa lánh dần cái ảnh hưởng của Trung Quốc để mà đối phó với nguy cơ đó.”
Giáo sư Ðoàn Viết Hoạt.
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt nói ông tin rằng Việt Nam sẽ có những bước hành động để đáp ứng quyết định của Mỹ tháo bỏ cấm vận vũ khí sát thương và hoàn toàn bình thường hoá các quan hệ bang giao với cựu thù. Ông cho rằng dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí là bước kế tiếp tất nhiên trong tiến trình xích lại gần nhau giữa hai nước cựu thù. Ông nói động thái mới nhất và chuyến đi thăm của Tổng Thống Obama mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác Việt-Mỹ, đặc biệt liên quan tới vấn đề an ninh khu vực. Ông cho rằng bước đột phá này rốt cuộc sẽ dẫn tới những thay đổi toàn diện về kinh tế và xã hội tại Việt Nam.
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: “Vấn đề an ninh khu vực tôi nghĩ là rất quan trọng, tất nhiên là Việt Nam sẽ phải có những thay đổi để đáp ứng quyết định đó, cũng như thời kỳ đầu mà bỏ cấm vận thương mại. Giai đoạn tới đây sẽ là thay đổi rất là quan trọng về vấn đề xã hội, chính trị… Chắc chắn Việt Nam sẽ phải chấp nhận xã hội dân sự và phải chấp nhận công đoàn tự do, là điều mà TPP cũng đòi hỏi. Thành ra cái giai đoạn tới đây sẽ là giai đoạn sẽ có khá nhiều thay đổi khá nhiều và toàn diện về mặt chính trị, xã hội, văn hoá ở tại Việt Nam.
Việc các giới chức cấp cao của Việt Nam không ra đón Tổng Thống Obama ở phi trường Nội Bài mà cử các quan chức thấp hơn và một thiếu nữ mặc áo dài vàng mang hoa ra đón Tổng Thống Obama tại phi trường Nội Bài đêm hôm qua, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt cho rằng đấy chỉ là hình thức, chứ không quan trọng về mặt thực chất.
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: “Các nghi cách ngoại giao thì cũng ‘hơi đặc biệt’ nhưng tôi thấy cái đó không quan trọng mà chắc chắn người Mỹ cũng không cho đó là quan trọng. Cái điều mà tôi nghĩ mọi người quan tâm là sự tiến triển của mối quan hệ nó tới đâu? Và có một điểm mà tôi rất là quan tâm mà ở trong nước những nhà hoạt động cũng bắt đầu phản ứng rồi, đó là việc Tổng Thống Obama chọn một ngôi chùa để thăm, cái chùa đó là một chùa tàu, nó không phải là chùa Việt Nam.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A có ý kiến như sau về vấn đề này:
“Thật sự người dân Việt Nam cũng so sánh khi ông Tập Cận Bình sang thì ông Đinh Thế Huynh, ông Hoàng Bình Quân rồi thì ông Phạm Bình Minh ra, rồi thì bắn 21 phát đại bác, thế này thế kia.. Rồi đến ông Obama thì nó không có cái sự long trọng như thế, cái đó nó cũng gây cho người dân sự thắc mắc. Nhưng thực sự là người dân Việt Nam đã đổ ra đường chào đón ông Obama, chẳng có ai kêu gọi gì cả. Còn có những ông khách đến thì thường là nhà nước họ phải lùa người ra, nhưng đây thì không có ai bảo ai cả mà người ta vẫn cứ đổ ra đường người ta chào đón ông Tổng Thống Hoa Kỳ thì tôi nghĩ rằng là chính cái sự thực lòng như thế từ người dân thì quan trọng hơn nhiều so với cái nghi lễ ngoại giao như chị nói.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định chuyến đi của Tổng Thống Obama là một dấu mốc rất quan trọng trong việc phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, mặc dù ông thừa nhận rằng chuyến đi đó có thể không mang lại những thay đổi cần có về mặt nhân quyền và dân chủ và cuộc đấu tranh ở trong nước để đòi các quyền này trước mắt, còn lắm cam go.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: “Cũng có những người thất vọng nhiều về việc tình hình nhân quyền không được cải thiện trong mấy tháng vừa qua. Tôi thì tôi nghĩ rằng cuộc đấu tranh còn rất dài và gian khổ. Cũng không thể kỳ vọng là có một sự cải thiện hay là một sự trao đổi gì đó… Mang thân phận con người, phải mang quyền con người ra mà trao đổi thì thật là đáng tiếc.”
Đặt vấn đề nhân quyền sang một bên, cả hai nhà hoạt động trong và ngoài nước đều hoan nghênh chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng Thống Mỹ Barack Obama. Họ coi đây là một cơ hội cho vận mạng dân tộc trước hiểm hoạ phương Bắc, một sự kiện bước ngoặt diễn ra trong bối cảnh các hành động của một Trung Quốc ngày càng hung hăng và quyết tâm hơn trong cố gắng thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông.
Hoài Hương (VOA)
————
Ông Obama gặp ‘xã hội dân sự’
BBC
Cuộc gặp giữa ông Obama với các nhóm xã hội dân sự diễn ra vào buổi sáng ngày 24/5. Ca sĩ Mai Khôi có mặt tại cuộc gặp. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động nói Tiến sĩ Nguyễn Quang A, luật sư Hà Huy Sơn và nhà báo Phạm Đoan Trang ‘bị bắt’ trước cuộc gặp.
10:03
Tiến sỹ Vũ Cao Phan, Đại học Bình Dương: Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ như tôi dự cảm đã đẩy tới lúc cần phải như thế này và động tác này mang ý nghĩa chính trị là chủ yếu, cho nên tôi nghĩ đã không có sự mặc cả.
Tôi cho rằng vấn đề Mỹ bỏ cấm vận cho Việt Nam, nó đã đến thời điểm quyết định hiện nay rồi, có sự nhân nhượng với nhau về điểm này, điểm khác, nhưng không có sự mặc cả, không có sự trao đổi, mua bán ở đây.
09:58
Nguyen Anh Tuan
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn viết: Với chuyến thăm của Obama, không tù nhân lương tâm nào được thả. không có cam kết cải sửa luật hình sự nào theo hướng phù hợp với nghĩa vụ nhân quyền quốc tế.
Đương nhiên, cũng chẳng có hứa hẹn gì chuyện cá chết và cải thiện môi trường biển.
Thế nhưng, Obama vẫn đem đến cho chúng ta MỘT MÓN QUÀ rất có giá trị.
Đó là lời nhắn nhủ:
“Anh người Việt ơi, chị người Việt ơi, đừng trông mong nữa, không ai và không quốc gia nào, dù hùng mạnh tới đâu, có thể đem đến cho anh chị quyền con người, tự do, dân chủ, minh bạch, môi trường trong sạch.
Đó là những thứ anh chị phải đòi mới có. Phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, ăn đá ăn đạp, chịu bắt bớ, sách nhiễu, mới có.
Chúng không bao giờ tự xuất hiện đâu. Đừng trông đợi vô lý và vô ích.
Chính những tiếng hô bạo dạn, những bước chân hăm hở của anh chị trên đường phố Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang những ngày qua mới có thể làm chứng rằng chúng đang tồn tại.
Và duy chỉ lúc đó, anh chị mới xứng đáng với vẻ đẹp của chúng mà thôi.”
09:56
Reuters: Tổng thống Obama chuẩn bị gặp đại diện xã hội dân sự vào hôm thứ Ba bao gồm cả một số người bất đồng chính kiến có thể không đồng ý với quyết định dỡ lệnh cấm vận vũ khí.
Một số nhà hoạt động người Việt bày tỏ sự thất vọng rằng ông Obama có thể đã bỏ mất đòn bẩy thương thuyết.
09:38
Ca sĩ Mai Khôi nói cô “đến gặp” Tổng thống Obama. Ca sĩ này cập nhật hình ảnh trên Facebook cá nhân nói: “”Các anh an ninh đang chuẩn bị đón Tổng Thống Obama vào cuộc họp.”
Trước chuyến thăm của Tổng thống Obama, ca sĩ Mai Khôi từng xuất hiện trên Youtube và nói cô muốn gặp ông.
09:35
Hôm nay 24/5 theo dự kiến tù nhân Trần Huỳnh Duy Thức bắt đầu tuyệt thực trong Trại 6, Nghệ An, nhằm yêu cầu chính quyền Việt Nam tôn trọng nhân quyền và thực hiện trưng cầu dân ý về thể chế chính trị nước nhà.
Người nhà ông Thức thông báo trên mạng xã hội: “Gia đình đã tận dụng tất cả mối quan hệ có thể của mình hy vọng bức thư cầu cứu của con gái ông Thức được gửi đến tận tay Tổng Thống Obama. Mong mọi người nếu có cách nào khác mang bức thư này đến ông, hãy giúp chúp tôi góp một tia sáng nuôi hy vọng cho anh Thức”.
Luật sư Lê Công Định cho hay: “Hôm nay, tròn 7 năm ngày ông Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt giam, mong nhiều người dân Việt Nam đồng hành tuyệt thực cùng anh”.
18 cựu tù nhân Lương Tâm kêu gọi đồng bào đồng hành tuyệt thực cùng ông Thức. Mỗi đợt tuyệt thực ủng hộ ông Thức kéo dài 24 tiếng và cách nhau 3 ngày.
09:34
Tiến sỹ Nguyễn Quang A “bị bắt” trước cuộc gặp của Tổng thống Obama với các nhóm xã hội dân sự.
Bà Đặng Bích Phượng, một nhà hoạt động từ Hà Nội mô tả cuộc bắt giữ buổi sáng là có “5-6 thanh niên” và “khênh bác ấy lên một chiếc xe 7 chỗ gần đó”.
Cách đây ba giờ, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đăng một thông tin lên Facebook cá nhân nói “Trước lúc đi, có thể bị chặn, bị bắt. Báo trước để bà con được rõ”.
09:32
Bác sỹ Nguyễn Quốc Quân, Chủ tịch Tổ chức Quốc tế Yểm trợ Cao trào Nhân bản, California, Hoa Kỳ:
Trước chuyến đi của ông Obama, chúng tôi đã được mời vào họp với Hội đồng An ninh Quốc gia. Khi đó họ có nói rõ là vấn đề gia tăng giao thương và thắt chặt quan hệ giữa hai nước chắc chắn sẽ xảy ra. Nhưng họ quả quyết vấn đề nhân quyền sẽ đóng vai trò quan trọng trong tiến trình giao thương, và tất cả tùy thuộc vào thái độ của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam.
Nay chuyến đi của ông Obama đã gần như hoàn tất, với hai sự kiện quan trọng đã diễn ra trong ngày đầu tiên. Điều này khiến cộng đồng người Việt, nhất là ở vùng Hoa Thịnh Đốn, đặt câu hỏi không biết chính quyền Mỹ, đặc biệt là ông Obama, có quên lời hứa nhân quyền và đặt vấn đề tiền lên trên vấn đề nhân quyền hay không.
Tổng thống nên tiếp tục can thiệp cho những người đang bị tù vì phát biểu ý kiến ôn hòa, thăm một số nhà tranh đấu dân chủ đại diện cho mọi xu hướng ở Việt Nam, gặp gỡ xã hội dân sự và khuyến khích chính phủ Việt Nam công nhận các tổ chức này, để cho họ sinh hoạt bình thường, đúng như những gì mà như các tổ chức phi chính phủ mà nhà nước lập ra hoặc cho phép thành lập được hưởng.