Tàu chiến Mỹ cập cảng Đà Nẵng
Lễ đón được tổ chức sáng 7/4 tại Đà Nẵng (ảnh báo Dân Trí)
Lễ đón khu trục hạm USS John S. McCain và tàu cứu hộ đa năng USNS Safeguard của hải quân Hoa Kỳ được tổ chức sáng 7/4 tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng.
Hai tàu thuộc Liên đội tàu Khu trục 7, Lực lượng Hậu cần vùng Tây Thái Bình Dương sẽ có đợt hoạt động chung với hải quân Việt Nam kéo dài sáu ngày, tới 12/4.
Theo thông cáo báo chí từ phía Mỹ, các hoạt động sẽ tập trung vào các sự kiện phi tác chiến và chuyên môn trong các lĩnh vực quân y, tìm kiếm và cứu nạn, lặn và sửa chữa thiết bị trên tàu.
Đây là năm thứ 5 hai bên có hoạt động hải quân chung, trong bối cảnh căng thẳng chủ quyền gia tăng tại Biển Đông.
Theo Tiến sỹ Jonathan London từ City University of Hong Kong, được hãng Bloomberg dẫn lời, hoạt động này mang tính biểu tượng lớn.
Ông London được dẫn lời nói:” Hoạt động chung này diễn ra vào lúc căng thẳng trong khu vực lên cao và các nước Đông Nam Á đều đang hết sức thận trọng trong định hình cách hành xử của mình”.
“Việc Trung Quốc tìm cách áp đặt lên toàn bộ Đông Nam Á khiến một số nước thấy cần gấp rút đối phó. Rõ ràng là Hà Nội đang mong muốn tiếp tục tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ.”
Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa chuẩn thuận việc mở thêm bưu cục ở quần đảo Trường Sa ngay trong tháng 4/2014.
Ngoài ý nghĩa thực hiện chủ trương dân sự hóa Trường Sa, việc này còn là động thái khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại đây.
Hoạt động chung
Khoảng 400 binh lính và sỹ quan Mỹ tham gia đợt hoạt động chung ngoài khơi Đà Nẵng.
Tàu khu trục USS John S. McCain đã thăm Việt Nam năm 2010.
Nhân dịp này, hải quân Hoa Kỳ cũng tổ chức nhiều hoạt động cho cộng đồng như nói chuyện về công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và Hội thảo về nhận thức môi trường Hàng hải tại Đại học Đà Nẵng.
Một người phát ngôn của hải quân Mỹ, ông Clay Doss, cũng được Bloomberg dẫn lời nói: “Chất lượng và chiều sâu của các cuộc trao đổi tăng lên mỗi năm trong khi hải quân mỗi nước chúng ta ngày càng hiểu nhau hơn”.
Một vài năm nay, Hoa Kỳ bắt đầu thực hiện chiến lược chuyển dịch trọng tâm sang châu Á-Thái Bình Dương, và Việt Nam được cho là một trong các đối tác quan trọng trong khu vực.