Bí thư CS thành Hồ cảnh báo ‘cách mạng cá’ – Người biểu tình bị ‘tạm giữ’ ở Saigon
Bí thư TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng tuyên bố không chấp nhận “lợi dụng cá chết để kích động, gây rối” nhằm làm “cách mạng cá”, theo truyền thông Việt Nam.
Trang VnExpress dẫn lời Thăng nói như vậy tại buổi nói chuyện với Sư đoàn bộ binh 9 và dẫn thêm:
“Chúng ta không che giấu nguyên nhân cá chết, các nhà khoa học Việt Nam phải phối hợp với các nhà khoa học quốc tế điều tra rõ ràng và công bố công khai cho người dân biết.” “Tuy nhiên, cần phải có thời gian, không thể nóng vội.”
Các cuộc xuống đường và tọa kháng, có lúc lên tới hàng ngàn người tham gia, đã diễn ra trong ba ngày Chủ nhật vừa qua và có cáo buộc lực lượng an ninh đã dùng những người mặc thường phục ngăn cản và trấn áp.
Đinh La Thăng đã không lên tiếng ngay sau cuộc biểu tình đông đảo và nhiều va chạm nhất hôm 8/5.
Báo Tuổi Trẻ ngày 9/5 vẫn dẫn lời Thăng yêu cầu phải “rà soát tất cả tiệm cầm đồ”.
Nhưng vài ngày sau dường như vị bí thư đã thấy cần phải gửi thông điệp cứng rắn tới những người có ý định xuống đường.
Hôm 15/5/2016, báo Thanh Niên đưa tin Đinh La Thăng cùng một số ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa 14 đã tiếp xúc với cử tri ở huyện Hóc Môn, Saigon và nói: “Cùng với việc quản lý chặt, xử lý nghiêm những kẻ đưa thông tin kích động, người dân cần phải cảnh giác với những thông tin bôi nhọ, lợi dụng việc bảo vệ môi trường, biển đảo để kích động biểu tình, âm mưu lật đổ Đảng và Nhà nước, làm rối ren tình hình kinh tế, xã hội.”
‘Trấn áp không đúng pháp luật’
Trước đó, trong chương trình tọa đàm bàn tròn thứ Năm hôm 12/5 của BBC, cựu Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cho rằng cả hai lãnh đạo của Hà Nội và Saigon có thể đã chịu sự chỉ đạo của cấp trên trong các diễn biến được cho là mạnh tay và cứng rắn với các cuộc biểu tình nhân vụ cá chết hàng loạt.
Giáo sư Thuyết nói: “Tôi cho rằng để xảy ra vụ việc ở Formosa, vụ việc cá chết hàng loạt ở miền Trung, và điều tra chậm, công bố các nguyên nhân chậm, xử lý chậm, thì đấy là trách nhiệm của cấp cao nhất là Chính phủ.
“Còn việc xảy ra các việc trấn áp một cách rất mạnh tay và không đúng pháp luật đối với người dân ở hai thành phố thì chắc chắn là hai vị đứng đầu của hai thành phố không thể thoái thác trách nhiệm.
“Nhưng tôi hiểu ở đây có thể có những chỉ đạo ở cấp cao hơn cả hai ông đứng đầu thành phố. Nhưng tôi muốn nói như thế này, đã là người đứng đầu thành phố, thì mình phải có chủ kiến và mình phải chịu trách nhiệm, sẵn sàng chịu trách nhiệm về chủ kiến của mình.”
Thuyết nhắc lại việc cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi còn là Chủ tịch TP HCM sau năm 1975 đã “dám sử dụng quan chức cao cấp của chính quyền cũ” bất chấp quan điểm “hẹp hòi” của Việt Nam khi đó.
Thuyết nói thêm: “Ông ấy sẵn sàng bị kỷ luật vì việc sử dụng người như thế nhưng nhận thức của ông đã vượt lên suy nghĩ của nhiều người ở thời đại mà ông sống và ông quyết làm việc ấy vì lợi ích chung của đất nước.” – Theo BBC
***
Một số nhà hoạt động và người dân ở Việt Nam nói người thân của họ bị “tạm giữ” sau động thái biểu tình ngày 15/5 và vẫn chưa được thả.
Từ Saigon, cô Võ Dương Mỹ Trinh, em gái của ông Võ Chí Đại Dương nói với BBC: “Gia đình tôi biết anh Đại Dương bị bắt sáng 15/5, lúc ngồi ở khách sạn New World thì anh bị bắt. Lúc đó có một số bạn bè anh báo cho gia đình biết. Đến nay anh đã bị bắt hơn hai ngày trời rồi.
“Anh Dương bị đưa về phường Bến Nghé, di dời về phường Bến Thành. Sau đó anh bị đưa về trung tâm hỗ trợ xã hội.”
Cô nói: “Bố tôi có đi lên gặp mặt bảo lãnh nhưng công an không cho anh về.”
“Anh Đại Dương bị nhốt trong xe, đưa về Lâm Đồng lúc 10 giờ 30 sáng nay. Khi ngồi trong xe anh có đập cửa xe khi nhìn thấy tôi.”
Nhiều nhà hoạt động và thân nhân của những người biểu tình đã tập trung về Trung tâm Hỗ trợ Xã hội tại Quận Bình Thạnh, Saigon để chờ bảo lãnh và chờ tin người thân.
Ông Tuệ Nguyên, một người Chăm ở Ninh Thuận nói người bạn tên Đàng Ngọc Thủy “bị bắt lúc 16 giờ ngày 15/5”.
Ông Thủy kể: “Khi gọi vào số điện thoại của Thủy, có người xưng là công an bắt máy và xác nhận Thủy đang ở Trung tâm Hỗ trợ Xã hội ở Nơ Trang Long, Bình Thạnh, và nói anh có thể đến bảo lãnh. Sáng hôm qua chúng tôi có đến và vào hỏi, nhưng họ nói đang họp không thể giải quyết.”
“Sáng sớm hôm nay tôi đến làm việc với họ và họ nói Đàng Ngọc Thủy không có ở đây. Chúng tôi vẫn kiên quyết hỏi và cuối cùng họ thừa nhận Thủy có ở đây.”
Ông Tuệ Nguyên nói ông sẽ tiếp tục chờ ở cửa trung tâm cho đến khi có tin của ông Đàng Ngọc Thủy.
‘Đối xử tệ’
Ông Cao Trần Quân, một trong những người tham gia biểu tình vì vấn đề cá chết, cũng bị tạm giữ tại Thành phố Saigon ngày 15/5. Ông được trả tự do vào 7 giờ tối ngày 16/5.
Kể lại sự việc, ông nói với BBC: “Tôi bị bắt vào lúc 4h30 ngày 15/5 vì lý do chụp hình quay phim. Lực lượng bắt tôi là an ninh phường Nguyễn Thái Bình ở công viên 23/9, Quận 1, và khu vực Phạm Ngũ Lão. Tôi được chuyển đến trung tâm hỗ trợ xã hội và bị giam 27 tiếng.”
“Tôi vẫn còn đau nhức lúc bị đánh đưa về phường,” ông cáo buộc sau khi được trả tự do.
“Có nhiều người hỏi lý do chính đáng để bị giam, thì không được trả lời, và bị dùng roi điện và dùi cui để trấn áp.”
“Một phòng có khoảng 13 – 15 người. Nhiều bạn từ 20 – 40 tuổi. Họ cũng có cùng lý do là thấy đông người, biểu tình ôn hòa, họ quay phim chụp hình, hoặc đi ngang qua cũng bị bắt,” ông Cao Trần Quân nói.
BBC chưa liên hệ được với đại diện chính quyền TP. HCM để có bình luận.
Các cuộc biểu tình vì vấn đề cá chết tại miền Trung Việt Nam đã diễn ra vào ba ngày cuối tuần ở một số địa phương tại Việt Nam.
Trong ngày Chủ Nhật 15/5, dư luận trên mạng xã hội nói hàng loạt các địa điểm diễn ra biểu tình tại Sài Gòn “bị ngăn chặn”. Cũng xuất hiện một số video clip quay lại các cảnh người biểu tình bị bịt miệng dẫn đi và có xảy ra “xô xát”. – Theo BBC