Tin khắp nơi – 13/05/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Apple bỏ tiền tỷ cho ứng dụng taxi TC

Hãng Apple quyết định đầu tư một tỷ đôla vào ứng dụng gọi taxi Didi Chuxing của TC.

Didi Chuxing hiện có thị phần lớn hơn cả Uber ở TC.

Giám đốc điều hành của Apple, Tim Cook, nói bước đi này sẽ giúp Apple hiểu thị trường TC rõ hơn.

Hãng Didi Chuxing, trước có tên Didi Kuaidi, nói đây là khoản đầu tư riêng lẻ lớn nhất mà họ từng có.

Didi Chuxing nói mỗi ngày họ kết nối 11 triệu chặng đi và tuyên bố chiếm 87% thị trường gọi xe qua app ở TC.

Hiện các công ty khổng lồ ở TC như Tencent và Alibaba cũng đầu tư vào Didi Chuxing.

‘Nhiều cơ hội’

Đối thủ cạnh tranh Uber đang chật vật tại thị trường TC dù họ đã thuyết phục được hãng tìm kiếm trên mạng Baidu đầu tư.

Hồi tháng hai Uber thừa nhận rằng họ thua lỗ hơn một tỷ đôla mỗi năm ở TC do phải trợ cấp những chuyến đi giảm giá.

Uber khá được các khách hàng giàu có ưa chuộng nhưng Didi cũng đã có dịch vụ taxi cao cấp.

Didi đã sáp nhập với một đối thủ TC và khoản đầu tư khổng lồ từ Apple sẽ giúp họ mở rộng kinh doanh và lấn át các đối thủ khác.

Giám đốc điều hành Apple cũng nói ông thấy nhiều cơ hội để Apple và Didi Chuxing hợp tác trong tương lai.

Ông cung nói thêm khoản đầu tư này cũng là để tìm hiểu về TC, vốn là thị trường lớn thứ hai của Apple.

Tham vọng của Apple ở TC gần đây đã gặp trở ngại sau khi TC đóng cửa kho sách và phim trên mạng của Apple.

Đây được xem là đòn giáng đối với Apple. Hồi tháng Tư hãng này thông báo doanh thu giảm lần đầu tiên kể từ năm 2003 và TC là điểm yếu chính.

Theo nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/business/2016/05/160513_apple_didi_chuxing

 

Sứ mệnh phá vỡ buôn người ‘thất bại’

Sứ mệnh giải quyết nạn buôn người ở trung tâm Địa Trung Hải của hải quân EU đang khó đạt mục tiêu, một ủy ban của quốc hội Anh cho hay.

Báo cáo của Ủy ban châu Âu tại Thuợng viện nói Chiến dịch Sophia không “có cách nào” ngăn tàu của những kẻ buôn người”.

Việc tiêu hủy những chiếc tàu gỗ khiến những kẻ buôn người chuyển qua dùng thuyền cao su, đặt người di cư vào nguy cơ lớn hơn, báo cáo viết.

Chiến dịch Sophia bắt đầu vào năm 2015.

Hoạt động được tiến hành sau một loạt các thảm kịch khiến hàng trăm người di cư chết đuối trong chặng đường từ Libya tới Ý.

EU cho phép chuyển hướng những chiếc tàu bị nghi ngờ buôn người.

Báo cáo ghi nhận “các vụ bắt giữ được thực hiện đến nay khá ít ỏi, trong lúc việc tiêu hủy tàu khiến những kẻ buôn lậu chuyển sang dùng thuyền cao su không an toàn”.

‘Giới hạn đáng kể’

Tài liệu cũng cho hay có những ‘giới hạn đáng kể’ trong việc thu thập tin tức về mạng lưới buôn người.

“Như vậy có rất ít hy vọng Chiến dịch Sophia đảo lộn phi vụ của những kẻ buôn lậu”.

Báo cáo cho biết thêm rằng sứ mệnh này vẫn đang được tiến hành trong vùng biển quốc tế, không như dự định ban đầu là chỉ ở vùng biển Libya.

Những người viết báo cáo chỉ ra sự yếu kém của nhà nước Libya là yếu tố then chốt.

Họ nói việc Libya không có lời mời chính thức đang ngăn cản các thành viên Nato ở châu Âu tiến hành việc can thiệp quân sự, nhằm giải quyết các mối đe dọa của Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Libya và khu vực rộng lớn hơn.

“Tuy nhiên với mục tiêu tìm kiếm và cứu hộ, Chiến dịch Sophia cũng không đạt được. Chiến dịch này chỉ xử lý được những vụ việc, chứ không giải quyết được nguyên nhân.”

Báo cáo cũng kêu gọi EU khẩn trương phát triển chiến lược nhằm giải quyết nguyên nhân gốc của tình trạng di cư hàng loạt.

Đồng thời, tài liệu ghi nhận thành quả cứu được khoảng 9.000 người di cư từ khi Chiến dịch Sophia được tiến hành.

Chiến dịch được đặt tên theo em bé Sophia sinh ra trên một chiếc tàu EU giải cứu mẹ của bé ngoài khơi Libya tháng 8 /2015.

Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/05/160513_eu_mission_failing_disrupt

 

Chỉ huy hải quân Mỹ bị giáng chức

Hải quân Hoa Kỳ đã giáng chức viên chỉ huy của 10 thủy thủ, những người hồi tháng Giêng đã vào vùng biển của Iran và bị tạm giữ trong một thời gian ngắn.

Trong một tuyên bố, Hải quân Hoa Kỳ nói lực lượng này mất niềm tin vào Eric Rasch, người chịu trách nhiệm chỉ huy đội tàu tại thời điểm xảy ra vụ việc ở vùng Vịnh.

Một viên chức hải quân nói chỉ huy Rasch đã bị bố trí việc khác.

Các thủy thủ đã được thả sau căng thẳng ngoại giao giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và các quan chức cao cấp của Iran.

Hôm thứ Năm, viên chức hải quân nói chỉ huy Rasch đã không thực hiện hiệu quả vai trò lãnh đạo, dẫn đến sai sót, tự mãn và khiến đơn vị mình phụ trách không đáp ứng những tiêu chuẩn cần thiết.

Viên chức giấu tên này không nói vị trí mới của ông Rasch là gì.

Hồi tháng 1/2016, đoàn thủy thủ gồm chín nam giới và một phụ nữ đã bị bắt giữ khi một trong các tàu của họ bị hỏng khi đang tập luyện tại vùng Vịnh.

Họ đã được đưa tới đảo Farsi Island nằm ở giữa vùng Vịnh, nơi Iran có một căn cứ hải quân.

Viêc xâm nhập là “không cố ý”, lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran được dẫn lời vào thời điểm đó.

Các thủy thủ được thả sau đó 15 giờ, sau khi Iran nói họ đã chịu xin lỗi.

Nhưng Phó tổng thống Joe Biden sau đó nói là con tàu chỉ đơn giản là bị hỏng, cho nên “chả có gì phải xin lỗi”.

Hoa Kỳ khi đó nói sẽ điều tra xem vì sao các thủy thủ lại đi vào vùng nước thuộc Iran.

Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/05/160512_us_navy_commander_demoted

 

Tàu hoả tre ở Campuchia

Động cơ khọt khẹt hai lần, rồi gầm lên, nổ máy. Bác tài Vanny thở phào với nụ cười tươi trên môi.

Anh lái đi, đưa chúng tôi ra khỏi Ga O Dambong cùng đám gia cầm chạy tán loạn và những tài xế uể oải nơi đó.

Chúng tôi di chuyển nhanh hơn cho tới khi làn gió nóng thổi đầy bầu không khí, những cây chuối, cây thốt nốt trở nền loa lóa hai bên.

Chúng tôi lướt đi trên đoạn đường ray xe lửa xập xệ rồi chậm dần khi tới cầu vượt xiêu vẹo. Bọn trẻ con ùa ra hai bên, giơ tay ra vỗ vào tay chúng tôi khi tàu đi qua.

Chúng tôi đang trên chiếc tàu hỏa tre của Campuchia, một biểu tượng kỳ vĩ về sự khéo léo của con người và về sự sáng tạo kinh doanh đúng lúc trong lĩnh vực du lịch.

Chúng tôi có lẽ nằm trong số những hành khách cuối cùng. Cái chết được đoán trước của chiếc tàu hỏa tre cũng giống như câu chuyện về Bigfoot – nổi tiếng, không thể xác nhận được, và có lẽ không ai dám chắc là nó có thật.

Câu chuyện được bắt đầu từ 2006, khi có một dự án được công bố nhằm phục hồi hệ thống hỏa xa của Campuchia.

Sau đó là nhiều năm trì hoãn, do vấn đề ngân sách và do chương trình tái định cư gây tranh cãi.

Đường ray ở miền nam đất nước, nối từ Phnom Penh tới Sinanoukville đã được hoàn thành vào năm 2013. Nhưng khoản cấp viện quốc tế cạn kiệt, và nhiều người tin rằng các kế hoạch cho tuyến đường ray ở miền bắc, nơi chiếc Tàu hỏa Tre đang chạy, có lẽ sẽ âm thầm bị xếp xó.

“Chúng ta có thể đi xa hơn được nữa không?” tôi hỏi khi chúng tôi tới Ga O Sra Lau, điểm quay lại của hành trình.

Người lái tàu, Vanny, lúc nào miệng cũng luôn mỉm cười kể cả khi phải nhắc tới tin xấu.

Đoạn đường ra tiếp theo quá xập xệ, con tàu của chúng tôi không thể chạy nổi. Nhưng anh nhắc tới một điểm sáng, đó là có Coca Cola ở O Sra Lau.

Hệ thống xe lửa quốc gia của Campuchia đã bị bỏ đi hồi thập niên 1970, trong cuộc nội chiến và trong những năm tàn bạo của Khmer Đỏ.

Các con tàu bắt đầu chạy trở lại trong thập niên 1980, nhưng cuộc kháng cự dai dẳng của các phiến quân đã khiến cơ sở hạ tầng của đất nước bị lụn bại nghiêm trọng.

Đường sá ở địa phương tồi tàn, nhiều cộng đồng bị cô lập với thế giới bên ngoài bởi dịch vụ xe lửa rất thất thường và rồi cuối cùng chết hẳn.

Tàu hỏa Tre là giải pháp bình dân. Sàn gỗ, được gọi là norry, được ráp từ các nguyên vật liệu có sẵn và được di chuyển bằng cách để lên trên các bánh xe lăn trên đường ray, giống như những chiếc thuyền gondola nổi tiếng của Venice, Ý vậy.

Chúng chở được mọi thứ, từ người cho tới nông sản, hàng hóa để mua bán trao đổi.

Động cơ được gắn thêm từ hồi thập niên 1990, cung cấp lực đẩy cho các toa xe bằng một đai cao su móc vào trục sau.

Nhưng norry đang hấp hối.

Trong lúc đường sá được cải thiện, các tuyến đường ray xe lửa vẫn tiếp tục xuống cấp tàn tệ.

Nay các tuyến đường cao tốc của Campuchia có đầy xe máy, xe hơi qua lại, và điều đó khiến Tàu hỏa Tre chỉ chôn chân ở đoạn đường ray dài 7km bị bỏ hoang bên ngoài thành phố Battambang.

Nó được duy trì trong vai trò phục vụ du khách, một phần lịch sử còn sót lại.

Sàn ga đổ nát O Sra Lau có rất nhiều sạp, kệ bán nước giải khát ướp lạnh và quần in hình voi.

Chúng tôi ngồi với Darren và Paul, hai du khách đến từ Glasgow.

Họ trước đó đã từng tới thăm Campuchia, nhưng đây là lần đầu tiên họ thử Tàu hỏa Tre.

Norry chạy được ở vận tốc 30 dặm một giờ. “Có lẽ không an toàn lắm,” Darren nói, “nhưng khá hay.”

Họ uống hết món đồ mát lạnh rồi quay trở lại norry của mình.

Tàu hỏa Tre đem lại cảm xúc lẫn lộn cho những ai đi nó. Đó chỉ là nhận xét của các du khách, nhưng ta không nên vì thế mà đánh giá thấp các chuyến đi này.

Trên đường quay về O Dambong, điểm khởi hành và kết thúc chuyến đi, chúng tôi gặp một chiếc norry chạy ngược lại trong lúc chỉ có một đường ray.

Việc đếm đầu người nhanh chóng diễn ra, tàu của chúng tôi có bốn người, và tàu của họ, có năm, và thế là chúng tôi trèo xuống lên để họ đi qua.

Vanny kéo sàn tre của chúng tôi ra khỏi đường ray rồi vứt các bánh xe và trục xe xuống lớp cỏ bên lề đường ray.

Khi chiếc tàu kia đã đi qua, tài xế tàu đó nhảy xuống giúp Vanny ráp lại chiếc norry của chúng tôi.

Trong lúc chờ đợi, chúng tôi tán gẫu với các hành khách người Slovenia vui vẻ. Họ rất thích thú với phong cảnh, những cú xóc nảy người, và thậm chí cả mặt trời nóng gay gắt trong hành trình.

“Đúng là điên rồ!” một người phụ nữ hét vang trong lúc tàu họ rú máy lướt đi.

Hồi tháng Bảy năm ngoái, chính phủ công bố các kế hoạch tái thiết hệ thống hoả xa ở miền bắc, dài 386km, nối Phnom Penh với biên giới Thái Lan.

Theo Sok-Tharath Chreung, phó giám đốc Cục Hoả xa, ưu tiên hàng đầu là phải khôi phục dịch vụ từ biên giới tới Sisophon, nhà ga gần nhất với Ankor Wat.

Sau đó sẽ là các kế hoạch trẻ hoá những phần còn lại của hệ thống xe lửa miền bắc.

Tàu hoả Tre sẽ chấm dứt hoạt động vào lúc công nhân đạt tiến độ tới ga O Dambong.

Những người bán hàng rong quanh O Sra Lau và O Dambong sẽ không chỉ mất khách hàng mà có lẽ còn mất cả các quầy, kệ bán hàng nữa, bởi sẽ cần có một hành lang 3,5m lưu không ở hai bên đường ray.

Không ai biết chắc ngày giờ cụ thể, nhưng có lẽ thời điểm đó sẽ không còn cách xa: Chreung cho là các chuyến tàu hàng sẽ bắt đầu hoạt động từ 2017.

Tại O Dambong, chúng tôi gặp Visal Daid, người làm ra các norry và lái chúng khi dịch vụ này còn sơ khai.

Anh đưa chúng tôi đi xem toàn bộ quá trình, từ lúc dựng khung cho tới việc cắt các giát tre để ráp sàn.

Những chiếc norry hoàn thiện, gồm cả động cơ và bánh lăn, có chi phí lên tới 1.600.000 riel, bằng vài tháng lương của một người lái tàu, nhưng động cơ còn có thể dùng để chạy thêm các thiết bị phụ khác, chẳng hạn như máy ép nước mía.

Tôi hỏi Daid là liệu anh có lo lắng về chuyện sẽ hết việc làm sau khi dịch vụ Tàu hoả Tre ngưng lại không. Anh nhún vai, lúc nào mà thợ mộc chả có việc!

Thế nhưng hầu hết những người lái tàu đều không có nghề nào khác.

Vanny mời chúng tôi tới chơi nhà, chỉ cách đường tàu một đoạn, gần ga O Dambong.

Nhà anh thực ra chỉ là phần cơi nới được dựng lên bằng tre và giấy dầu, dựa vào nhà của một người bà con.

Anh đã làm nghề lái norry từ 10 năm nay, và nếu Tàu hoả Tre không hoạt động nữa, anh sẽ phải đi kiếm việc ở nơi khác, có lẽ là ở Thái Lan.

Một nhóm những người lái tàu đã kiến nghị chính quyền địa phương hãy duy trì Tàu hoả Tre.

Sinnara Mak, phó giám đốc Sở Du lịch Battambang, cho rằng đây là điều khó thực hiện.

Một khi những đoạn đường ray xe lửa được khôi phục hoàn toàn, các đoàn tàu sẽ chạy với vận tốc 50 dặm một giờ, ít nhất là như thế.

Mak nói với tôi là một số công ty tư nhân đang tính chuyện đưa Tàu hoả Tre vào hoạt động ở đoạn đường ray riêng, dài 15km.

Nhưng ông nói chớ nên trông đợi nhiều vào chuyện này, bởi việc làm một đoạn đường ray xe lửa đặc trưng khác kiểu sẽ rất đắt đỏ, chưa kể đất đai phục vụ cho dự án sẽ cần phải mua lại từ các nông dân.

Vào lúc này, Tàu hoả Tre sẽ vẫn chở du khách đi trên hành trình lọc cọc từ O Dambong tới O Sra Lau. Nó sẽ vẫn đi trên những đoạn đường ray cho tới khi phải dừng hẳn.

Erin Craig

Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Travel.

Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2016/05/160512_the-end-of-the-famous-bamboo-train_vert_tra

 

Hình ảnh dàn lãnh đạo mới của Bắc Hàn

Bắc Triều Tiên vừa công bố loạt ảnh mới của ông Kim Jong-un và các lãnh đạo Đảng Lao động cũng như quân đội nước này.

BBC nói chuyện với chuyên gia về Bắc Hàn ở Mỹ, ông Michael Madden, về các tấm ảnh được tung ra trong dịp Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên.

Có chỉnh sửa hay không?

Bình luận về ảnh ông Kim Jong-un, ông Madden nói: “Ông Kim cho đăng ảnh mình lên trang ngoài báo Đảng với đầy đủ các khiếm khuyết trên mặt”.

Tuy nhiên đây không phải là lần đầu tiên ảnh lãnh đạo Bắc Hàn xuất hiện trên mặt báo mà không qua chỉnh sửa.

Thí dụ trong một ảnh tập thể ra hồi năm 2009, các quan chức cao cấp trông mặt lờ đờ như vừa uống rượu.

Không thấy phụ nữ

Phụ nữ không xuất hiện trong chùm ảnh mới công bố. Hiện nay chức vụ cao nhất mà phái đẹp nắm giữ ở Bắc Hàn là trưởng hay phó một vụ. Bà Kim Yo-jong, em gái ông Kim Jong-un, cũng mới là phó vụ Tuyên truyền của Đảng.

Ông Madden nói: “Thực ra thì phụ nữ, dù trong vai trò vụ trưởng vụ phó, cũng có nhiều quyền lực vì họ điều hành công việc hàng ngày. Họ là tai mắt của ông Kim trong hệ thống chính trị”.

Người ta cũng cho là chính phụ nữ nắm giữ tài sản trong gia đình họ Kim.

“Bắc Hàn là chế độ phụ hệ, nhưng trong thể chế độc tài thì nắm giữ tài chính lại có quyền hành hơn vị trí trong cơ quan chính trị vì quyền lực thực tế hơn”.

Phụ nữ chiếm 10% tổng số đại biểu tham gia Đại hội Đảng, tuy chưa nhiều nhưng đã tăng lên khá mạnh từ lần cuối đại hội năm 1980.

Em gái ông Kim đã được trao nhiệm vụ chủ chốt.

Tướng trẻ

Dàn lãnh đạo Bắc Triều Tiên nói chung đều đã đứng tuổi. Nhiều quan chức ở độ tuổi 80.

Tuy nhiên cũng có biệt lệ – ông Yo Kwan-chol, tướng ba sao (tương đương thượng tướng) và ủy viên Bộ Chính trị, mới chỉ 35 tuổi.

Chưa có nhiều thông tin về ông này, nhưng ông được biết đã lên chức dưới thời Kim Jong-un.

Cũng còn một số lãnh đạo trẻ đang dần được cất nhắc và có thể sẽ nắm các chức vụ quan trọng trong tương lai, theo ông Madden.

Tưởng chết hóa chưa

Tướng ba sao Ri Yong-gil cũng là ủy viên Bộ Chính trị. Tháng Hai năm ngoái có tin ông đã qua đời. Các nguồn tin Nam Hàn nói ông bị tử hình vì âm mưu lật đổ.

Ông Madden cho rằng cần cẩn thận với tin đồn về cái chết của các quan chức Bắc Hàn vì không có nhiều thông tin.

“Một số quan chức biến mất khỏi báo chí là do phải đi học tập một thời gian. Nhiều khi việc học tập này thực chất là để thăng chức hoặc thuyên chuyển công việc.”

Tướng Ri biến mất trong thời gian căng thẳng tại khu vực biên giới với miền Nam nên có thể ông đã được điều đi giải quyết tình hình này.

Tuy nhiên ông bị hạ cấp từ bốn sao xuống ba sao, không rõ vì sao. Chức vụ mới của ông cũng không được công bố. Chỉ thấy số sao trên cầu vai của ông ít đi, nhưng có thể cấp bậc của ông Ri sẽ được khôi phục trong tương lai.

Đảng nằm trên quân đội

Ông Madden cho rằng cần xem xét các bức ảnh trong bối cảnh Đại hội Đảng và thay đổi hệ thống chính trị của Bắc Triều Tiên.

So với thời kỳ cha ông, ông Kim đang tăng cường thống trị của đảng đối với quân đội. Ông “tập trung quyền lực chính trị trong tay sáu hoặc bảy quan chức”.

Các quan chức Đảng Lao động cũng thường xuất hiện trước quan chức quân đội trong các bản tin.

Nhiều quan chức Đảng được phong hai, ba chức vụ. Đây là dấu hiệu cho thấy rằng họ sẽ có quyền lực nhiều hơn trước Đại hội.

Tuy một số nhà quan sát có thể cho rằng các thay đổi chỉ là bề mặt, “ở Bắc Hàn hình thức và nội dung thường đi đôi với nhau”.

Công bố ảnh làm gì?

Chủ yếu các bức ảnh được tung ra để người dân Bắc Hàn biết mặt lãnh đạo mới của mình.

Tên tuổi của họ có thể chưa được biết đến nhiều, bởi vậy hình ảnh của họ sẽ đưa thông điệp tới cho người dân về việc ai là nhân vật quan trọng nhất.

Một số lãnh đạo quan trọng

Kim Ki-nam, 87-88 tuổi. Ông là người phụ trách mảng tuyên truyền cổ động của Đảng trong nhiều năm. Hiện ông là ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Đảng Lao động.

Ri man-gon – ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Đảng và phụ trách về đạn dược trong quân đội, đặc biệt là chuyên trách phát triển vũ khí thường và vũ khí nguyên tử.

Kim Yong-chol – vừa được bổ nhiệm hồi tháng 1/2016 vào vị trí người đứng đầu cơ quan tình báo quốc gia sau khi người tiền nhiệm của ông là Kim Yang-gon thiệt mạng trong tai nạn giao thông.

Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/05/160513_nkorea_new_leaders

 

Syria : Hội Đồng Bảo An cảnh báo “tội ác chiến tranh”

Ít ngày trước hội nghị quan trọng tại Vienna của nhóm 17 nước ủng hộ hòa bình cho Syria (GISS), Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm qua, 12/05/2016, ra một thông cáo lên án các cuộc tấn công nhắm vào thường dân, và nhấn mạnh rằng những hành động này có thể bị xem như “tội ác chiến tranh”.

Trong thông cáo chung của Hội Đồng Bảo An, do Nga đề nghị, có đoạn : 15 thành viên Hội Đồng Bảo An “bị sốc trước các cuộc tấn công gần đây tại Syria nhắm vào thường dân và tài sản dân sự, kể cả các cơ sở y tế, những cuộc tấn công bừa bãi không phân biệt đối tượng”.

Chiến sự gia tăng trở lại trong những tuần gần đây khiến quốc tế hết sức lo ngại cho khả năng tìm ra một giải pháp hòa bình cho Syria. Chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An tháng này, đại sứ Ai Cập, coi mục tiêu đạt thỏa thuận ngừng bắn tại Syria là ưu tiên. Người phát ngôn của LHQ cũng hy vọng rằng hội nghị của nhóm 17 nước GISS tại Vienna ngày 17/05 tới, sẽ giúp cho các bên Syria quay trở lại với thỏa thuận đình chiến, đạt được hồi cuối tháng 2. Nhóm 17 quốc gia hậu thuẫn cho hòa bình Syria GISS, do Mỹ và Nga chủ trì, được thành lập hồi mùa thu 2015 tại Vienna.

Theo Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, các trận không kích tại Aleppo – từ 22/04 đến 05/05 – khiến gần 300 người chết, trong đó có rất nhiều thường dân. Còn tổ chức Ân Xá Quốc Tế hôm nay đã cáo buộc phe nổi dậy phạm tội ác chiến tranh, khi giết hại hàng chục thường dân người Kurdistan tại một khu vực phía bắc Aleppo, bằng pháo cối.

Vẫn liên quan đến xung đột Syria, lãnh đạo quân sự của lực lượng Hezbollah, Mustafaa Badreddine, đã tử trận trong một trận đánh gần sân bay Damas. Hezbollah là đồng minh của chính quyền Damas, một bên tham chiến tại Syria.

Trọng Thành

Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160513-syria-hoi-dong-bao-an-canh-bao-%E2%80%9Ctoi-ac-chien-tranh%E2%80%9D

 

Thế Vận Hội 2020 : Nhật Bản bác bỏ cáo buộc về tham nhũng

Sau khi bị tờ báo của Anh, The Guardian, đưa thông tin về việc rất có thể Nhật Bản đã “lót tay” để được đăng cai tổ chức Thế Vận Hội 2020 tại Tokyo, hôm nay, 13/05/2016, chính phủ nước này khẳng định rằng quá trình tranh quyền đăng cai sự kiện này của Nhật hoàn toàn trong sạch, nhưng hứa là sẽ kiểm tra vụ này.

Từ tháng 12/2015, tư pháp của Pháp đã tiến hành điều tra làm sáng tỏ các mối nghi ngờ tham nhũng trong việc trao quyền tổ chức Thế Vận Hội tại Tokyo năm 2020. Thông tín viên Frédéric Charles từ Tokyo cho biết thêm tình hình :

Trong nội bộ chính quyền Nhật Bản, những mối nghi ngờ tham nhũng trong việc trao quyền đăng cai Thế Vận Hội cho Tokyo đang gây ra nhiều lo lắng, cho đến tận phủ thủ tướng Shinzo Abe, cho dù phát ngôn viên của ông, Yoshihide Suga, không hề để lộ điều gì cả.

Ông Suga nói rằng, theo những gì ông ấy được biết, Tokyo đã ứng cử đăng cai Thế Vận Hội một cách đàng hoàng, và ông không có ý định đặt nghi vấn với nhóm đảm trách việc tổ chức Thế Vận Hội Tokyo 2020. Ngược lại, phát ngôn viên của thủ tướng Nhật sẽ đáp ứng tất cả yêu cầu mà phía tư pháp Pháp đặt ra.

Trong cuộc tranh quyền đăng cai Thế Vận Hội, Dentsu, tập đoàn Nhật Bản chuyên về quảng cáo, đã đóng một vai trò then chốt. Đây là một trong những mạnh thường quân chính của Liên đoàn điền kinh quốc tế.

Theo lời của con trai cựu chủ tịch Liên đoàn điền kinh quốc tế Lamine Diack, ông này đã không ủng hộ hồ sơ ứng cử của Istanbul – đối thủ của Tokyo, bởi lẽ trái với tập đoàn Dentsu, Thổ Nhĩ Kỹ đã không rót từ 4 đến 5 triệu đô la tài trợ cho Liên đoàn hay cho giải Ligue de diamant – giải đấu chính quan trọng trong bộ môn điền kinh.

Chính phủ Nhật đã làm đủ mọi cách để giành được quyền đăng cai Thế Vận Hội 2020. Họ làm vậy để khiến người dân quên đi vụ sóng thần, tai nạn nhà máy nguyên tử Fukushima et cả ba thập niên kinh tế không tăng trưởng.”

Phương Nga

Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160513-the-van-hoi-2020-nhat-ban-tham-nhung-tt

 

Pháp : Dự luật Lao Động được thông qua tại Hạ Viện

Hôm qua 12/05/2016, tại Pháp, sau khi kiến nghị bất tín nhiệm với chính phủ của đối lập tại Hạ Viện không hội đủ số phiếu, dự luật Lao Động – do chính phủ áp đặt theo điều khoản 49.3 – đã được thông qua.

Kiến nghị của đảng đối lập cánh hữu Những Người Cộng Hòa LR chỉ hội được 246 phiếu thuận, trong đó có 196 phiếu của đảng LR, 27 phiếu của đảng cánh trung UDI (trên 30 nghị sĩ), 2 nghị sĩ đảng Xanh (trên 16) và một nghị sĩ cánh tả cấp tiến (trên 18) và 10 nghị sĩ Mặt Trận Cánh Tả. Để hủy bỏ dự luật này, kiến nghị bất tín nhiệm cần tối thiểu 288 phiếu.

Đứng trước áp lực khủng hoảng và thất nghiệp tăng cao, chính phủ Pháp bắt buộc phải thay đổi luật Lao Động. Bà El-Khomri, bộ trưởng bộ Lao Động, Việc Làm, Đào Tạo Nghề và Đối Thoại Xã Hội, được giao phó nhiệm vụ này từ đầu năm nay. Dự luật lao động cải cách mang tên El-Khomri, bị phản đối quyết liệt từ nhiều phía, từ đối lập cũng như trong nội bộ đảng cầm quyền. Giới công đoàn, sinh viên đã liên tục biểu tình phản đối từ nhiều tháng nay. Cuối cùng, chính phủ của thủ tướng Manuel Valls đã quyết định sử dụng điều 49.3 của Hiến Pháp để ban hành luật này mà không cần thông qua Quốc Hội.

Quyết định của chính phủ Valls đã bị một nhóm dân biểu của chính đảng Xã Hội cầm quyền chống lại. Tuy nhiên, nhóm này còn thiếu hai phiếu mới đủ để đưa ra được một kiến nghị bất tín nhiệm với chính phủ. Dự luật vừa được thông qua tại Hạ Viện sẽ được chuyển qua Thượng Viện xem xét kể từ tuần tới.

Trọng Thành

Nguồn : http://vi.rfi.fr/phap/20160513-phap-du-luat-lao-dong-duoc-thong-qua-tai-ha-vien

 

IMF : Anh ra khỏi châu Âu là “mối họa lớn”

Ngày 13/05/2016, tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF có bài phát biểu đáng chú ý tại Luân Đôn với báo giới về kinh tế Anh. Theo lãnh đạo IMF, việc Anh ra khỏi châu Âu không chỉ để lại nhiều tác hại cho nước Anh, mà còn là một “mối họa lớn” với kinh tế thế giới.

Theo AFP, khi nhắc đến “Brexit”, tức kịch bản nước Anh rời Liên Hiệp Châu Âu, bà Christine Lagarde, tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, nhấn mạnh, “đây không chỉ là một vấn đề nội bộ của Anh, mà là một vấn đề quốc tế”.

Theo một báo cáo của IMF, được công bố nhân dịp này, GDP của Anh sẽ sụt từ 1,5% đến 9,5%. Ngược lại, nếu Anh ở lại châu Âu, tăng trưởng nước này sẽ trở lại, với tỷ lệ từ 2,2% đến 2,3% trong tương lai gần, so với gần 2% năm nay. Bác bỏ mọi cáo buộc can thiệp vào công việc nội bộ của Anh, lãnh đạo IMF nhấn mạnh rằng các chuyên gia chỉ làm “công việc chuyên môn của mình”, khi chỉ ra các hậu quả tiêu cực của giả thuyết Brexit.

Chuyến công du của lãnh đạo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đến Anh mang lại một hậu thuẫn có trọng lượng cho thủ tướng Cameron, ủng hộ lập trường Anh ở lại châu Âu, trong bối cảnh tỷ lệ rất sít sao giữa phe ủng hộ và phe chống, theo một loạt các thăm dò dư luận gần đây. Ngày 23/06, Anh sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề này.

Trọng Thành

Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160513-imf-anh-ra-khoi-chau-au-la-%E2%80%9Cmoi-hoa-lon%E2%80%9D

 

Ukraina : Chưởng lý mới là người thân cận với tổng thống

Hôm qua, 12/05/2016, ông Iouri Loutsenko, một nhân vật thân cận với tổng thống Ukraina Petro Porochenko đã được bổ nhiệm làm tân chưởng lý, mặc cho e ngại của Liên Hiệp Châu Âu về việc ông này không có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực luật pháp.

Thông tín viên Stéphane Siohan từ Kiev cho biết thêm tình hình :

Trong cuộc cách mạng Maidan, một trong số các yêu sách chính nhắm đến việc thiết lập một nền tư pháp độc lập. Thế nhưng, chỉ trong khoảng thời gian 24 tiếng đồng hồ, tổng thống Porochenko và phe đa số của ông trong nghị viện Ukraina đã phỉ nhổ vào lý tưởng dân chủ này. Ông Iouri Loutsenko, chưởng lý mới, không phải là một luật gia, mà chỉ là một nhân vật chủ chốt trên sân khấu chính trị, sau khi đã là lãnh đạo của cuộc cách mạng “cam” và cách mạng Maidan.

Ông này cũng được dân chúng trong nước biết đến khá nhiều. Bản thân ông cũng từng là nạn nhân của một nền tư pháp mang tính chính trị khi bị đi tù hai năm dưới thời của Ianoukovitch. Nhưng Loutsenko là cố vấn thân cận với tổng thống Porochenko. Đây là lần thứ ba trong vòng hai năm, một người bạn của tổng thống được bổ nhiệm vào chức chưởng lý. Bởi lẽ đó mà hôm thứ năm vừa rồi ở Quốc hội, phe dân biểu theo xu hướng cải cách vừa giận dữ, vừa ngậm ngùi cay đắng vì từ giờ trở đi, chính nguyên tắc phân chia quyền lực lại đang bị đe dọa.

Phe của tổng thống Porochenko kiểm soát cả hành pháp, lập pháp và giờ kể cả tư pháp. Iouri Loutsenko đã hứa sẽ tái lập Nhà nước pháp quyền trên phạm vi quốc gia. Ông cũng đảm bảo sẽ chống nạn tham nhũng. Nhưng người ta e ngại rằng ông không hề muốn khui ra các vụ tham nhũng liên quan đến những người thân cận tổng thống Porochenko, cũng như các vụ liên quan đến thành phần đặc quyền đặc lợi đã ủng hộ việc bổ nhiệm ông vào chức vụ này.

Phương Nga

Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160513-ukraina-chuong-ly-moi-la-nguoi-than-can-voi-tong-thong

 

Tổng thống Mỹ tiếp lãnh đạo 5 nước Bắc Âu

Hôm nay 13/05/2016, tổng thống Hoa Kỳ tiếp lãnh đạo năm nước Bắc Âu tại Nhà Trắng. Trọng tâm của cuộc gặp này là tăng cường hợp tác về an ninh, bảo vệ nền dân chủ, cũng trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu. Cuộc hội kiến diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa NATO với Nga tại vùng biển Baltic.

Theo AFP, trong những tuần gần đây, máy bay và chiến hạm Mỹ nhiều lần chạm trán phi cơ Nga tại vùng biển Bắc Âu. Tuy nhiên, Washington cố gắng tránh làm cho không khí trở nên căng thẳng hơn. Hoa Kỳ kêu gọi “bình thường hóa” tại khu vực Baltic, mà Matxcơva vốn coi là vùng ảnh hưởng truyền thống.

Theo Phủ Tổng Thống Mỹ, cuộc gặp các lãnh đạo 5 quốc gia Bắc Âu, với tổng dân số 27 triệu, cho phép nhấn mạnh “cam kết của Hoa Kỳ đối với an ninh châu Âu, với các trao đổi hai bên bờ Đại Tây Dương, và việc cổ vũ cho các giá trị dân chủ mà hai bên cùng chia sẻ”.

Hiện tại, Đan Mạch Na Uy và Iceland là thành viên của Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương – NATO. Phần Lan, với 1.300 km đường biên giới với Nga, muốn gia nhập Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương, trước các đe dọa từ Nga. Theo một báo cáo mà Helsinki đặt hàng, Phần Lan nên gia nhập NATO cùng lúc với Thụy Điển, để phần lãnh thổ do NATO bảo vệ được nối liền thành một khối.

Để trấn an các nước đông Âu trước việc Nga sát nhập bán đảo Crimée năm 2014 và hỗ trợ phe ly khai miền đông Ukraina, trong thời gian vừa qua, NATO đã bố trí thêm nhiều đơn vị quân đội có khả năng triển khai tại khu vực này, và liên tục tiến hành các cuộc tập trận, tuần tra.

Chủ đề chính khác trong cuộc hội kiến hôm nay là khí hậu. Theo người phát ngôn của chính phủ Mỹ, “trên nhiều phương diện, các nước Bắc Âu đang phải đối mặt với các hệ lụy (của biến đổi khí hậu) hơn là chúng ta (tức nước Mỹ)”. Ông nhấn mạnh là các nguyên thủ Bắc Âu và tổng thống Mỹ thể hiện lập trường thống nhất trong việc thực thi thỏa thuận giảm khí thải gây hiệu ước nhà kính, đạt được tại Paris tháng 12/2015.

Thượng đỉnh Mỹ-Bắc Âu kéo dài một ngày, kết thúc với một bữa dạ tiệc tại Nhà Trắng. Cuộc họp lần trước là vào năm 2013, với Thụy Điển là nước chủ nhà.

Trọng Thành

Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160513-tong-thong-my-tiep-lanh-dao-5-nuoc-bac-au

 

TC kêu gọi Mỹ xử lý bất đồng về Biển Đông “một cách xây dựng”

Ngay sau khi tung chiến hạm và chiến đấu cơ bám sát khu trục hạm Mỹ đã tiến vào bên trong vùng 12 hải lý quanh Đá Chữ Thập tai khu vực quần đảo Trường Sa (Biển Đông) hôm 10/05/2016 và lớn tiếng đe dọa đối phương, Bắc Kinh đã lại dịu giọng. Một trong những tướng lĩnh cao cấp của TC hôm qua, 12/05/2016 đã kêu gọi Hoa Kỳ xử lý những bất đồng về Biển Đông với Bắc Kinh “một cách xây dựng”.

Trong một cuộc tiếp xúc qua video với tướng Mỹ Joseph Dunford, chủ tịch Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ, tướng Phòng Phong Huy (Fang Fenghui), ủy viên Quân Ủy Trung Ương, cơ chế lãnh đạo cao nhất của quân đội TC, đã cho rằng hai bên nên tránh những hành động phương hại đến quan hệ giữa hai nước và hai quân đội.

Tướng Phòng Phong Huy đã lập lại quan điểm của Bắc Kinh, cho rằng họ không phải là phía gây nên căng thẳng với Mỹ ở Biển Đông, và kêu gọi hai bên “luôn luôn chú ý đến đại cục và xử lý các bất đồng một cách xây dựng“.

Về phía Mỹ, theo Tân Hoa Xã, tướng Dunford cũng kêu gọi kiềm chế ở Biển Đông, và cho biết là Hoa Kỳ sẵn sàng phối hợp với TC để thiết lập “một cơ chế kiểm soát rủi ro hiệu quả sao cho duy trì được ổn định tại Biển Đông bằng các phương tiện hòa bình“.

Vấn đề Biển Đông cũng được gợi lên nhân một cuộc tiếp xúc khác giữa tướng đô đốc Tôn Kiến Quốc (Sun Jianguo), phó tổng tham mưu trưởng Quân Đội TC, và phó đô đốc Ray Griggs, tư lệnh Hải Quân Úc.

Đây là một vấn đề đang nổi cộm giữa Canberra và Bắc Kinh sau khi thủ tướng Úc Malcolm Turnbull hôm qua lên tiếng ủng hộ hoạt động tuần tra Biển Đông của Hải Quân Mỹ.

Theo bộ Quốc Phòng TC, trong cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Hải Quân Úc, đô đốc Tôn Kiến Quốc khuyên Úc không nên để cho Biển Đông trở thành một vấn đề giữa Bắc Kinh và Canberra, và Úc không nên làm bất kỳ điều gì “có hại cho hòa bình và ổn định khu vực hay quan hệ Trung-Úc“.

Theo Trọng Nghĩa

Nguồn: http://vi.rfi.fr/chau-a/20160513-trung-quoc-keu-goi-my-xu-ly-bat-dong-ve-bien-dong

 

TC: Truyện tranh để cảnh giác người dân chống gián điệp

Chiến dịch tuyên truyền chống gián điệp đang trở thành chủ đề đàm tiếu sôi nổi trên các trang mạng xã hội TC. «Những mối quan hệ nguy hiểm», là tựa đề của một tập truyện tranh gồm 16 ảnh vẽ, được dán trên tường các khu nhà ở và các bến tầu điện ngầm, nhân dịp ngày an ninh quốc gia tại nước này. Đó là một câu chuyện tình giữa một cô gái Trung Hoa và một người ngoại quốc biến thành bi kịch. Tuy nhiên, nội dung câu chuyện đã gây nhiều phản ứng mạnh trên các trang mạng xã hội. Đối với nhiều cư dân mạng bộ truyện tranh này mang tính chất kỳ thị giới tính và bài ngoại.

Theo tường thuật của thông tín viên RFI, tại Bắc Kinh, Heike Schmidt, đây là câu chuyện kể về cô Xiao Li, cô Li nhỏ nhắn. Cô gái xinh xắn này, vốn là công chức nhà nước, đã ngã lòng anh chàng David điển trai, một chàng thanh niên có mái tóc hạt dẻ, thông minh và quyến rũ.

Người ngoại quốc đó không hề tiết tiền tặng nàng những bó hoa tươi đẹp và luôn có những lời lẽ ngọt ngào. Nhưng chỉ vừa mới thân quen với Xiao Li, anh ta đã hỏi nàng cung cấp một vài thông tin mật. Rồi bẫy cũng nhanh chóng sập và cặp đôi bị bắt.

Ở một trong những ảnh vẽ cuối cùng của truyện tranh, cô gái Trung Hoa, tay bị còng và khóc nức nở, thú nhận sự ngây thơ của mình với công an: «Tôi chẳng ngờ đó là một tên gián điệp». Bài học đạo đức đưa ra là: Đừng dấn thân với bất kỳ người lạ nào đến từ ngoại quốc, họ rất có thể là những nhân viên tình báo.

Trên các trang mạng xã hội TC, các phản ứng về chiến dịch tuyên truyền chống gián điệp tuôn ào ào. Nhiều cư dân mạng không kiệm lời chế giễu tập truyện tranh này.

Mỗi một người nước ngoài là một tên gián điệp?

Cư dân mạng có tên là Chunwu tự hỏi: «Tại sao chính quyền không nhắc nhở cánh mày râu chúng mình là cũng phải cảnh giác với các mỹ nhân kế nữa chứ?». Cư dân mạng tên Emily còn bồi thêm: «Trên thực tế, có rất nhiều đấng nam nhi đi bán thông tin cho ngoại quốc hơn là chị em chúng ta. Lời cảnh báo này thật quá phân biệt giới tính!».

Số khác thì nhìn chiến dịch này với một sự hóm hỉnh, như Chen Man, cho rằng vẫn còn có nhiều người cộng sản nước ngoài can đảm như Karl Marx và Friedrich Engels: «Làm thế nào nhận dạng được đâu là một đồng chí tốt và đâu là một tên gián điệp?».

Nếu như chiến dịch này có vẻ khôi hài, thì chủ đề lại không như vậy. Rất nhiều trường hợp xác thực được giới truyền thông nhà nước công bố gần đây là minh chứng. Chẳng hạn như vụ Huang Yu 41 tuổi. Vị kỹ thuật viên tin học này đã bị kết án tử hình. Anh ta có lẽ đã bán 150 000 tài liệu mật cho nhiều gián điệp ngoại quốc. Nhưng vấn đề cần được đặt ra ở đây chính là cái ý ngầm được truyền tải, nên biết rằng mỗi người nước ngoài có thể là một gián điệp.

La pauvre Li, entre les mains de la police, réalisant trop tard qu’un espion étranger l’a utilisée pour obtenir des informations sensibles.

Nguồn: http://vi.rfi.fr/chau-a/20160512-tq-ra-vh-gian-diep-xh

 

Miến Điện: Dự luật biểu tình của chính phủ mới bị chỉ trích

Ngay sau khi nắm quyền, chính phủ của đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ Miến Điện phải đối mặt với hệ thống pháp luật mang tính trấn áp, mà tập đoàn quân sự để lại. Hồi tuần trước, tân chính phủ công bố đề xuất sửa đổi luật biểu tình, với một số điều khoản bị cho là thỏa hiệp với giới quân sự. Nhiều nhà bảo vệ nhân quyền lên án dự luật biểu tình sửa đổi, cho dù đã có những thay đổi quan trọng trong dự luật này.

Theo Reuters, hôm nay 13/05/2016, những điểm gây chú ý trong dự luật biểu tình sửa đổi là đề xuất trừng phạt những người tung tin “bịa đặt” và sử dụng các khẩu hiệu khác với những gì đã đăng ký. Dự luật cũng cấm những người không phải là công dân biểu tình phản kháng, và khép vào tội hình sự đối với nhiều hành vi “làm rối loạn” hay “gây trở ngại” cho xã hội (mục tiêu chủ yếu của quy định này được cho là nhắm vào cộng đồng thiểu số Rohingya theo đạo Hồi). Theo đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ, luật mới về biểu tình mang lại những thay đổi quan trọng so với thời tập đoàn quân sự, và tập chung vào việc bảo vệ người biểu tình hơn là trừng phạt họ.

Tuy nhiên, dự luật biểu tình của tân chính phủ đã bị một số tổ chức bảo vệ nhân quyền và nhà hoạt động tranh đấu sinh viên lên án là bóp nghẹt quyền biểu tình. Theo ông David Mathieson, thành viên của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, luật biểu tình không nên bao gồm các biện pháp trừng phạt người biểu tình, ông lo ngại tân chính phủ sẽ nhanh chóng thông qua luật này. Ông Zayar Lwin, lãnh đạo của một trong các hiệp hội sinh viên lớn nhất Miến Điện, cũng cho rằng giới sinh viên sẽ không chấp nhận có một luật mới như vậy, nếu những điều khoản đàn áp không bị hủy bỏ.

Bà Laura Haigh, thành viên Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), thậm chí còn cảnh báo, nếu luật biểu tình được thông qua như hiện nay, Miến Điện sẽ có thêm nhiều tù nhân lương tâm.

Biểu tình chỉ phải đăng ký trước hai ngày

Các phê phán nói trên bị một thành viên của Ủy ban Tư Pháp Hạ Viện, ông Aung Thein, nguyên là một luật sư tranh đấu, bác bỏ. Theo ông, luật mới bảo đảm tốt hơn quyền tự do biểu tình, bởi biểu tình sẽ chỉ phải đăng ký trước hai ngày với cảnh sát – mà không cần xin phép – so với đòi hỏi phải được cảnh sát cho phép và phải xin trước năm ngày. Người biểu tình cũng được bảo vệ tốt hơn, bởi 15 ngày sau biểu tình, nếu không có kiện cáo gì, vụ việc coi như khép lại.

Những người ủng hộ bà Aung San Suu Kyi tại miền tây Miến Điện đặc biệt quan tâm đến dự luật biểu tình. Lãnh đạo đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ bị nhiều chỉ trích vì đã không lên tiếng bảo vệ quyền của các cư dân Rohingya, chủ yếu sống tại miền tây, vẫn tiếp tục bị truy bức, kể từ khi Miến Điện có chính quyền dân cử đầu tiên.

Hôm 10/05, tân đại sứ Mỹ tại Miến Điện, trong bài phát biểu đầu tiên, đã nhấn mạnh đến việc Hoa Kỳ tiếp tục theo sát, để nhân quyền được tôn trọng tại Miến Điện. Đại sứ Mỹ cũng từ chối đề nghị của ngoại trưởng Aung San Suu Kyi, yêu cầu Washington không dùng từ“Rohingya” để gọi cộng đồng thiểu số bị truy bức nói trên. Dự luật biểu tình sẽ được thảo luận tại Thượng Viện cho đến ngày 26/05, trước khi chuyển qua Hạ Viện.

Tân chính quyền Miến Điện có kế hoạch xem xét lại 142 luật hiện hành – chiếm một phần tư tổng số luật, theo chủ tịch Ủy ban Tư Pháp Hạ Viện Tun Tun Hein. Trong số đó có hai đạo luật trấn áp chủ chốt, Luật Bảo Vệ Nhà Nước Chống các Nguy Cơ Lật Đổ và Luật về Tình Trạng Khẩn Cấp. Theo ông Tun Tun Hein, hai đạo luật nhằm đàn áp giới ly khai và bỏ tủ những nhà tranh đấu này sẽ bị hủy bỏ.

Trọng Thành

Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160513-mien-dien-du-luat-bieu-tinh-cua-chinh-phu-moi-bi-chi-trich

 

Brazil: Tổng thống lâm thời hứa xoa dịu chính trị và phục hồi kinh tế

Hôm qua, 12/05/2016, phó tổng thống Brazil Michel Temer đã chính thức giữ chức tổng thống tạm thời, sau khi Nghị viện liên bang nước này thông qua thủ tục phế truất bà tổng thống Dilma Rousseff. Về phần bà Rousseff tuyên bố tiếp tục đấu tranh tới cùng và tố cáo đây là một écú đảo chính vi hiếné.

Thông tín viên François Cardona từ Rio de Janeiro cho biết thêm tình hình:

“Tổng thống tạm quyền của Brazil Michel Temer đã chủ trì cuộc họp đầu tiên của Hội đồng bộ trưởng. Chính phủ do ông thành lập có ít thành viên hơn về số lượng và gồm toàn nam giới, không hề có bóng dáng của một phụ nữ nào. Một sự tương phản rõ rệt với chính phủ cũ, với bà Dilma Rousseff là vị nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Brazil.

Vị tân tổng thống lâm thời Michel Temer sẽ phải khôi phục nền kinh tế Brazil vốn đang trên đà suy thoái, lại còn phải gánh chịu tỉ lệ thất nghiệp cao nhất từ trước đến giờ và nạn lạm phát. Với thái độ ôn hòa, trong bài diễn văn đầu tiên của mình, tân tổng thống hứa sẽ duy trì những chương trình xã hội đã từng mang lại thành công cho Đảng Lao Động trước đây.

Ông Temer cũng muốn “trấn an quốc gia và thống nhất Brazil”. Ông đảm bảo rằng cuộc điều tra về vụ tai tiếng Petrobras vẫn sẽ được tiếp tục tiến hành mà không gặp bất cứ trở ngại nào, vào lúc mà chủ tịch Thượng viện và cựu chủ tịch Hạ viện, 2 đồng minh thân cận của Michel Teme,r đang bị nghi đã nhận những khoản tiền hối lộ khổng lồ.

Về phần mình, bà Dilma Rousseff vẫn không chịu bị khuất phục. Trong một bài diễn văn được truyền trực tiếp trên truyền hình, bà đã tố cáo đây là một vụ đảo chính, và hứa rằng bà sẽ đấu tranh để bảo vệ nhiệm kì của mình. Bà cũng kêu gọi những người ủng hộ bà tham gia biểu tình.”

Trước bối cảnh chính trị gây chấn động ở Brazil, tổng thống đương nhiệm bị treo chức, Liên Hiệp Quốc, tổng thống Mỹ Barack Obama cũng như nhiều chính phủ Châu Mỹ La-tinh đều đã lên tiếng kêu gọi bình tĩnh và tôn trọng các thể chế dân chủ tại quốc gia này.

Phương Nga

Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160513-brazil-tong-thong-chinh-tri-kinh-te

 

Tháp Eiffel: Từ bà đầm thép bị chế nhạo tới biểu tượng của Paris

Tháp Eiffel là địa điểm không thể bỏ qua của bất kỳ du khách nào tới Paris. Là biểu tượng của nước Pháp và là địa điểm du lịch được thăm quan nhiều nhất thế giới, ” Bà đầm thép” đã đón gần 250 triệu lượt khách từ khi được khánh thành vào năm 1889.

Cao 324 mét, (trong đó có 24 mét cột ăng-ten), tháp Eiffel rất dễ nhận ra từ nhiều địa điểm trong thành phố. Quảng trường Con Người (Parvis de l’Homme, lối ra từ bến tầu điện ngầm Trocadéro) là vị trí đẹp nhất có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh tháp. Khi màn đêm buông xuống, tháp Eiffel lung linh trong ánh đèn vàng và rực rỡ với những tia sáng nhấp nháy kéo dài khoảng 5 phút đầu tiên mỗi giờ.

Dù mang tên Eiffel, nhưng bà đầm thép cao 312 mét (12 mét cột cờ) không phải do kiến trúc sư nổi tiếng Gustave Eiffel (1832-1923) thiết kế, mà là tác phẩm của hai kỹ sư cộng sự thân tín Emile Nouguier, Maurice Koechlin và kiến trúc sư Stephen Sauvestre tại công ty Levallois-Perret (ngoại ô Paris). Được Gustave Eiffel thành lập năm 1867, công ty Eiffel & Cie hoạt động dưới hình thức công ty góp vốn từ năm 1868 đến 1879, trước khi thuộc quyền sở hữu của Gustave Eiffel cho tới năm 1890, dưới tên gọi công ty xây dựng Levallois-Perret.

Trong bản Báo cáo chung (Rapport général), ông Alfred Picard, tổng thanh tra cầu đường kiêm Chủ tịch công trình tại Hội Đồng Nhà Nước, tóm lược những lợi ích của dự án :“Trong suy nghĩ của ông Eiffel, công trình đồ sộ trên sẽ trở thành biểu tượng huy hoàng cho sức mạnh của nền công nghiệp Pháp, chứng minh những tiến bộ vượt bậc trong nghệ thuật kết cấu kim loại, ca ngợi sự thăng hoa chưa từng có của ngành xây dựng trong suốt thế kỷ này, thu hút đông đảo khách thăm quan và đóng góp vào thành công cho các buổi gặp gỡ hoà bình được tổ chức nhân 100 năm kỷ niệm nền Cộng hoà 1789”.

Gustave Eiffel tin chắc công trình độc đáo này sẽ nổi tiếng khắp thế giới và thu hút du khách vì họ có thể ngắm toàn cảnh Paris và vùng ngoại ô từ trên đỉnh tháp mà không hề nguy hiểm tới tính mạng. Ông viết : “Dưới chân mình, du khách sẽ nhìn thấy thành phố rộng lớn với những công trình kiến trúc, đại lộ, tháp chuông và mái vòm hay dòng sông Seine nên thơ chảy quanh như một dải lụa bạc. Xa hơn nữa là những ngọn đồi tạo thành một vành đai xanh mướt, và phía trên những ngọn đồi là chân trời trải dài tới 180 km” (La Tour Eiffel en 1900 (Tháp Eiffel năm 1900), Paris : Masson et Cie, Editeurs, 1902).

Ngoài những lợi ích kể trên, trong trường hợp xảy ra chiến tranh, ngọn tháp hoàn toàn có thể trở thành đài quan sát hoạt động của kẻ địch từ trong vòng bán kính 70 km. Cuối cùng, tháp còn có thể trở thành trạm khí tượng thủy văn và thông tin điện báo giữa lòng Paris : sóng radio từ Tháp nối với điện Panthéon được kết nối ngay năm 1898, trạm radio quân sự được thành lập năm 1903, đài phát thanh công cộng đầu tiên vào năm 1925, sau đó là sóng truyền hình và cho đến nay là truyền hình TNT.

Ngày 08/01/1887, Bộ trưởng Thương Mại và Công Nghiệp Ed. Lockroy, phụ trách giám sát cuộc triển lãm, và ông Poubelle, tỉnh trưởng tỉnh Seine (sau này là tỉnh Paris năm 1968, trước khi trở thành một tỉnh của vùng Ile de France được hình thành năm 1977), đã ký hợp đồng với Gustave Eiffel để xây dựng một toà tháp cao 300 mét với điều kiện phải được khai thác vào đúng dịp khai mạc Triển Lãm Hoàn Cầu 1889.

Tới lúc hoàn thiện, tổng chi phí xây dựng tháp là 7.799.401,31 franc, trong đó có 1.500.000 franc là kinh phí dự trù xây cổng chào dẫn vào triển lãm được uỷ ban quản lý triển lãm giao thành ba đợt với khoản cuối cùng được thanh toán khi bàn giao công trình. Riêng năm 1889, tháp đã thu hút 1.968.287 lượt khách và thu về 5.919.884 franc.

Công ty Levallois-Perret được phép khai thác tòa tháp trong suốt thời gian diễn ra cuộc triển lãm và trong vòng 20 năm tính từ ngày 01/01/1890 : bán vé đi thang máy tới tầng thứ nhất (2 franc ngày thường và 0,50 franc ngày chủ nhật và nghỉ lễ) và tới đỉnh tháp (5 franc ngày thường và 2 franc ngày chủ nhật và lễ), xây dựng và khai thác nhà hàng, quán cafe tại các tầng… Sau thời hạn này, công trình sẽ được giao cho thành phố Paris quản lý và khai thác.

Giới văn nghệ sĩ Pháp ghét toà tháp 300 mét

Năm 1887, giới văn nghệ sĩ Paris kịch liệt phản đối dự án ngay trong giai đoạn phôi thai. Ý kiến phẫn nộ của họ được thể hiện rõ trong một bức thư chung gửi tới ban quản lý :“Nhân danh thị hiếu nghệ thuật đặc trưng của Pháp, nhân danh nền nghệ thuật và lịch sử Pháp đang bị đe doạ, chúng tôi – những nhà văn, hoạ sĩ, nghệ sĩ điêu khắc, kiến trúc sư, những người yêu vẻ đẹp nguyên vẹn của Paris cho tới nay – kịch liệt phản đối việc xây dựng tháp Eiffel khổng lồ và vô ích ngay giữa trung tâm thủ đô… 

Chỉ cần hình dung một ngọn tháp nực cười sừng sững giữa Paris, giống như một ống khói nhà máy màu đen khổng lồ, nhấn chìm Nhà Thờ Đức Bà, tháp Sainte-Chapelle, bảo tàng Louvre, mái vòm điện Invalides, Khải Hoàn Môn. Mọi công trình của chúng ta bị bôi nhọ, bị thu nhỏ và biến mất trong giấc mộng kinh hoàng này…”

Ngoài giới văn nghệ sĩ, còn rất nhiều ý kiến phản đối khác vì cho rằng công trình này là bất khả thi ; dự án sẽ không tìm được lực lượng nhân công có thể làm việc ở độ cao như vậy. Dù có thành công “trên giấy”, công trình cốt thép sẽ không thể chống chọi được với sức gió và chắc chắn các thanh kim loại sẽ lắc lư trong gió. Tuy nhiên, đây không phải là điểm mà kỹ sư Eiffel bận tâm vì thép là vật liệu có sức bền cao. Hơn nữa, ngành khoa học sức bền vật liệu đã đạt tới trình độ cao cho phép tính toán chính xác sức bền và điểm ứng lực của công trình.

Sau nhiều lần thảo luận, địa điểm cuối cùng được lựa chọn để xây tháp là khu vực giữa Champs de Mars (nơi diễn ra Triển Lãm Hoàn Cầu) và quảng trường Trocadéro.

Tháp Eiffel và những con số

Trong cuốn Tháp Eiffel năm 1900, Gustave Eiffel cho biết tháp được chia thành ba tầng : tầng thứ nhất cao 57,63 mét, tầng thứ hai cao 115,73 mét và tầng cuối cùng là 276,13 mét. Tính thêm gác bao quanh ở bên trên tháp cùng với khu vực chứa đèn, ngọn tháp cao 300,51 mét so với mặt đất (chưa tính ngọn ăng-ten cao 24 mét hiện nay). Khu vực ở giữa tầng ba được Gustave Eiffel dành riêng để làm phòng nghiên cứu và một phòng tiếp khách với lối bài trí được các nhà khoa học thời đó ưa chuộng. Tường được dán giấy có mầu sắc ấm cúng, đồ dùng bằng gỗ và một chiếc đàn dương cầm tạo thêm không khí thoải mãi, thư giãn.

Bốn chân tháp được đánh số theo thứ tự gần sông Seine : trụ số 1 được gọi là Bắc – Nord, các trụ còn lại được đánh số theo chiều kim đồng hồ, lần lượt là Đông – Est (trụ số 2), Nam – Sud (trụ số 3) và Tây – Ouest (trụ số 4). Tại mỗi trụ đều có hệ thống thang máy đi từ mặt đất lên tới tầng hai, riêng trụ Nam có hai chiếc : một chiếc dành riêng cho khách của nhà hàng sang trọng Jules Vernes, chiếc thứ hai dùng để chở hàng hóa. Từ tầng hai lên trên đỉnh tháp là hai thang máy hai buồng và du khách không còn phải dừng ở giữa và đổi thang máy như trong những năm 1900. Vào thời điểm này, để đi từ mặt đất lên tầng hai, tháp Eiffel chỉ có hai thang máy thủy lực được lắp ở trụ Đông (số 2) và Tây (số 4).

Thang máy là bộ phận quan trọng của công trình. Mỗi năm, tổng số lần lên xuống của toàn bộ hệ thống thang máy tương đương với chặng đường dài 103.000 km, gấp 2,5 lần vòng quanh Trái Đất. Nhưng bên cạnh đó, còn có hệ thống thang bộ với tổng số bậc ban đầu là 1710 bậc (trong đó có 125 bậc để đi từ tầng ba tới đỉnh cột cờ vào thời kỳ đó), song hiện nay chỉ còn 1665 bậc. Tuy nhiên, cầu thang bộ từ tầng hai lên tới đỉnh tháp không được mở cho công chúng.

Từ mặt đất lên tầng một, thang bộ dành cho chiều đi lên được lắp ở trụ số 2 – Đông và 4 – Tây ; cầu thang ở trụ Nam dành cho chiều đi xuống. Còn từ tầng một lên tầng hai là bốn cầu thang bộ khác được lắp ở mỗi chân tháp : hai chiều đi lên và hai chiều đi xuống.

Khởi công ngày 26/01/1887, tháp Eiffel được khánh thành vào ngày 31/03/1889. Nhân dịp này, Gustave Eiffel đã trèo 1710 bậc thang từ mặt đất lên cắm quốc kỳ Pháp trên đỉnh tháp. Tháp Eiffel trở thành công trình lớn nhất thế giới cho tới năm 1929, khi toà nhà Chrysler cao 319 mét được xây dựng tại New York.

Tổng trọng lượng của tháp là 10.100 tấn. Từ khi được khánh thành tới nay, tháp đã được sơn lại 19 lần. Trung bình cứ 7 năm, 250.000 m2 bề mặt tháp được sơn lại với kinh phí khoảng 4 triệu euro. Mỗi lần tháp Eiffel thay áo mới lại cần tới 60 tấn sơn, 25 thợ sơn chuyên nghiệp không sợ độ cao và làm việc trong vòng 18 tháng.

Thu Hằng

Nguồn : http://vi.rfi.fr/phap/20160513-thap-eiffel-tu-ba-dam-thep-bi-che-nhao-toi-bieu-tuong-cua-paris