Tin khắp nơi – 12/05/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 12/05/2016

Mảnh vỡ ‘gần như chắc’ là của MH370

Hai mảnh vỡ máy bay được tìm thấy trên bãi biển ở Mauritius và Nam Phi đã gần như chắc chắn là từ chuyến bay MH370 của hãng Hàng không Malaysia, quan chức Úc và Malaysia cho biết.

Đây là diễn biến mới nhất trong nỗ lực đi tìm lời giải cho tung tích chiếc máy bay, biến mất hồi tháng Ba năm 2014.

Chiếc máy bay lúc đó di chuyển từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh, chở theo 239 người.

Người ta cho rằng phi cơ đã rơi trên biển sau khi đi lệch đường bay.

Ba tàu lớn đã tìm kiếm trong phạm vi 120.000 cây số vuông ở vùng Nam Ấn Độ Dương nhưng đến nay vẫn chưa thấy dấu vết của chiếc máy bay.

Đã có năm mảnh vỡ được xác nhận là chắc chắn hoặc có thể từ chiếc máy bay.

Mỗi mảnh vỡ được tìm thấy cách khu vực tìm kiếm hàng ngàn dặm, mặc dù dòng chảy ở khu vực này cho thấy những mảnh vỡ có thể đã bị trôi dạt.

Ảnh 1: Một mảnh của phần cánh, giúp phối hợp tăng và giảm nâng, được tìm thấy ở đảo Reunion hồi tháng 7/2015

Ảnh 2: Bộ phận ở phần đuôi máy bay, giúp thăng bằng ngang, được tìm thấy ở Mozambique vào tháng 12/2015.

Ảnh 3: Tấm thăng bằng khắc chữ ‘No Step’, tìm thấy ở Mozambique vào tháng 2/2016

Ảnh 4: Nắp động cơ mang logo của Rolls-Royce, tìm thấy hồi tháng 3/2016 ở vịnh Mossel, Nam Phi

Bí ẩn kéo dài – Richard Westcott, Phóng viên giao thông của BBC

Tôi vừa tham dự hội nghị của các nhà điều tra tai nạn hàng không trên toàn thế giới.

Nhóm của Malaysia không có mặt, nhưng thông điệp được đưa ra là sẽ cực kỳ khó để có thể xác định chính xác điều gì đã xảy ra với MH370 từ những mảnh vỡ trôi dạt vào bờ biển.

Để giải quyết dứt điểm bí ẩn này, điều tối quan trọng là tìm được phần thân máy bay, trong đó có hộp đen.

Việc tìm kiếm dưới nước có thể sẽ kết thúc vào tháng sau. Nếu nó không có kết quả, chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được vì sao MH370 biến mất.

Có nghĩa là các gia đình sẽ suốt đời không nguôi ngoai và những người chủ trương thuyết âm mưu được rộng đường.

Năm 1937, phi công nổi tiếng thế giới Amelia Earhart biến mất không vết tích ở Thái Bình Dương. Đến nay vẫn có các chuyến thám hiểm nhằm tìm kiếm máy bay của bà, và tranh cãi xung quanh vài mảnh kim loại xem, liệu đây có phải là bộ phận của chiếc máy bay đó.

Phân tích mẫu hàu bám

Các mảnh vỡ được kiểm nghiệm ở Úc bởi Cục An toàn Giao thông Úc (ATSB) và các chuyên gia khác.

Họ dùng dấu của nhà sản xuất trên mảnh vỡ cũng như các mẫu sinh học biển như hàu bám để xác nhận xem liệu những mảnh này có phải từ chiếc máy bay Boeing 777.

Ông Liow Tiong Lai, Bộ trưởng Giao thông của Malaysia, nói hôm 12/5 rằng nhóm chuyên gia “xác nhận cả hai mảnh vỡ ở Nam Phi và đảo Rodrigue gần như chắc chắn là của MH370”.

ATSB cũng nói rằng cả hai bộ phận này “gần như nhất định” là từ 9M-MRO, là số hiệu đăng ký của chiếc máy bay.

Không có chiếc máy bay 777 nào từng bị rơi ở Nam bán cầu, và cũng không có báo cáo về bộ phận máy bay bị mất tích.

Công việc tìm kiếm trên đại dương với sự tham gia của Úc, Malaysia và Trung Quốc, đã truy dò hơn 105.000 cây số vuông thềm đại dương, nơi phần lớn khu vực chưa từng được khám phá.

Nhưng các quốc gia này cũng đồng ý rằng do thiếu “thông tin mới đáng tin cậy”, công cuộc tìm kiếm sẽ kết thúc vào giữa năm nay.

Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/05/160512_mh370_debris_confirm

 

Video ‘quan chức TQ thô lỗ’ bị kiểm duyệt

Giới chức tại Bắc Kinh kiểm duyệt đoạn băng hình trong đó Nữ hoàng Elizabeth II nhận xét một số các quan chức Trung Quốc “thô lỗ” trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới London hồi năm ngoái.

Đoạn video được chiếu trên toàn thế giới hôm thứ Tư, nhưng bản tin của BBC World News đã bị xóa khi phát sóng tại Trung Quốc.

Việc kiểm duyệt, theo bình luận của báo Telegraph của Anh, là nỗ lực của giới lãnh đạo chính trị nhằm né tránh cơn bão ngoại giao.

Trung Quốc cho rằng truyền thông Anh đã phóng đại sự việc và tâng bốc đoạn video như thể đó là “báu vật”, hãng tin AFP dẫn nguồn Hoàn cầu Thời báo thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc nói.

“Phương Tây thời hiện đại đã trỗi dậy, vượt lên trên và tạo ra một nền văn minh tuyệt vời, nhưng truyền thông của họ đầy những kẻ ‘ma giáo buôn chuyện’ đầy khinh suất, những kẻ nhe nanh vuốt, tự âu yếm bản thân và có cách hành xử của ‘những kẻ man rợ’,” Hoàn cầu Thời báo viết.

“Bởi họ được tiếp xúc với nền văn minh 5.000 năm của phương Đông, chúng ta tin rằng rồi họ sẽ tiến bộ” trong cách hành xử, báo này viết thêm trong bài xã luận chỉ đăng bằng tiếng Trung.

Nữ hoàng Anh trong đoạn video đã ái ngại nói một chỉ huy cảnh sát là “không may mắn” khi người này phải ứng phó với đoàn Trung Quốc trong chuyến thăm của ông Tập hồi tháng Mười năm ngoái.

Cả Bộ Ngoại giao Anh và Đại sứ quán Trung Quốc tại London sau đó đều bác bỏ việc có rạn nứt quan hệ giữa hai quốc gia.

London và Bắc Kinh sau chuyến thăm của ông Tập đã tuyên bố về một “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ song phương, và có nhiều hợp đồng đã được ký kết với trị giá được cho là trị giá gần 58 tỷ đô la.

Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/05/160512_globaltimes_uk_queen

 

Brazil sắp bỏ phiếu hạ bệ tổng thống

Thượng viện Brazil đang điều trần trong nhiều giờ về việc Tổng thống Dilma Rousseff phải đối mặt với phiên luận tội hay không.

Nếu đa số phiếu ủng hộ như dự kiến, bà Rousseff sẽ bị tự động đình chỉ chức vụ.

Bà Rousseff kháng cáo để Tòa án tối cao dừng thủ tục tố tụng, nhưng động thái này đã bị bác bỏ.

Tổng thống bị cáo buộc tội thao túng sổ sách của chính phủ để che giấu thâm hụt công ngày càng tăng trước lúc bà tái tranh cử năm 2014, nhưng bà bác bỏ điều này.

Nửa ngày sau khi phiên điều trần bắt đầu, một nửa trong số 70 thượng nghị sĩ đăng ký phát biểu đã lên tiếng. 28 người được ghi nhận ủng hộ phiên luận tội, bảy người chống lại.

Thượng nghị sĩ Fatima Bezerra từ Đảng Công nhân của bà Rousseff cho biết bà sẽ “bỏ phiếu chống lại trò hề này”.

“Những người ủng hộ cuộc đảo chính này sẽ không bao giờ được tha thứ,” bà cảnh báo.

‘Trả thù’

Bốn thượng nghị sĩ từ các đảng khác phản đối việc luận tội.

Họ là Temario Mota của đảng Công nhân Dân chủ, Randolfe Rodrigues của đảng REDE, Roberto Requiao của đảng PMDB và Vanessa Grazziotin của Đảng Cộng sản Brazil.

Thượng nghị sĩ Grazziotin bình luận rằng việc luận tội chỉ là cái cớ để chấm dứt các chương trình xã hội của Đảng Công nhân mà bà Rousseff lãnh đạo.

Thượng nghị sĩ Mota trước đó đã nói “việc luận tội nhằm để trả thù”.

Nhưng có nhiều thượng nghị sĩ lên tiếng ủng hộ việc luận tội.

Thượng nghị sĩ Alvaro Dias nói rằng “họ [chính phủ] đã đánh cắp rất nhiều từ chúng ta, đừng để họ ăn cắp hy vọng của chúng ta cho một tương lai tươi sáng hơn”.

Trong số những người ủng hộ luận tội tổng thống có Aecio Neves, ứng viên bị bà Rousseff đánh bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2014.

Ông nói bà Rousseff đã đưa đất nước vào “cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong hơn một thế kỷ”.

Trước đó, cựu danh thủ bóng đá Romario, hiện là một thượng nghị sĩ của Đảng Xã hội Brazil, cũng đưa ra bình luận rằng các vấn đề kinh tế Brazil, là “cuộc khủng hoảng nghiêm trọng”.

Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/05/160512_brazil_senate_marathon_debate

 

Tổng thống Brazil ‘phải ra tòa’

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff sẽ phải ra tòa sau khi Thượng viện nước này bỏ phiếu luận tội và đình chỉ bà.

Bà Rousseff bị buộc tội thay đổi thông số tài chính một cách trái phép nhằm che đậy thâm hụt ngân sách ngày càng tăng trước kỳ bầu cử năm 2014 để tái thắng cử. Bà bác bỏ cáo buộc.

Các thượng nghị sỹ đã bỏ phiếu với tỷ lệ 55 phiếu thuận trên 22 phiếu chống sau phiên họp kéo dài 20 tiếng đồng hồ qua đêm.

Phó Tổng thống Michel Temer nay sẽ tạm quyền trong khi bà Rousseff ra tòa.

Phiên tòa có thể kéo dài tới 180 ngày, có nghĩa là bà Rousseff bị đình chỉ thông qua cả mùa Thế vận hội, bắt đầu ngày 5/8 tại Rio de Janeiro.

Bà Rousseff đã cầu xin Tòa án tối cao dừng tiến trình tố tụng mà bà gọi là “âm mưu đảo chính”, nhưng không thành công.

Bà làm tổng thống lần đầu từ tháng 1/2011 và bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai năm 2015.

Trong bài phát biểu cuối phiên họp thâu đêm của Thượng viện, Bộ trưởng Tư pháp Jose Eduardo Cardozo, người cùng đảng cầm quyền của bà Rousseff, nói yêu cầu luận tội bà không có cơ sở pháp lý và phe đối lập muốn hạ bệ một tổng thống được bầu lên một cách dân chủ.

Bà nói các nghị sỹ đã lên án một “phụ nữ vô tội” và việc luận tội là “bất công lịch sử”.

Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/05/160512_rousseff_impeachment_trial

 

Thổ Nhĩ Kỳ ‘mất hy vọng’ miễn thị thực EU

Bộ trưởng các vấn đề EU của Thổ Nhĩ Kỳ nói với BBC rằng ông đang mất hy vọng đạt được thỏa thuận miễn thị thực cho người Thổ Nhĩ Kỳ vào châu Âu.

Ông Volkan Bozkır cho biết việc thay đổi luật chống khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ là không thể.

EU yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải thu hẹp định nghĩa về chủ nghĩa khủng bố – cũng như đáp ứng bốn điều kiện quan trọng khác – để đủ điều kiện cho việc miễn thị thực cho công dân nước này vào khu vực Schengen.

Đây là một phần của một thỏa thuận lớn hơn giữa hai bên nhằm giảm bớt cuộc khủng hoảng di cư của châu Âu.

Hôm thứ Tư 11/5, ông Bozkır nói với BBC rằng hy vọng đạt được việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ đang “ngày càng mong manh”.

Ông thừa nhận rằng các cuộc đàm phán đã đến giai đoạn quan trọng, và nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã làm đủ.

Ông đưa ra bình luận này một ngày sau cuộc họp với các thành viên cấp cao của Nghị viện châu Âu ở Strasbourg.

‘Đe dọa nhà báo’

Tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo EU rằng Ankara sẽ không thay đổi luật chống khủng bố của họ.

“Chúng tôi sẽ theo cách của chúng tôi, quý vị theo cách của quý vị,” ông nói.

Các nhóm vận động nhân quyền cáo buộc Ankara dùng luật chống khủng bố mở rộng để đe dọa các nhà báo và bóp nghẹt bất đồng chính kiến.

Ankara bác bỏ điều này, nói họ cần luật này để chống lại các nhóm chiến binh.

Thỏa thuận miễn thị thực được dự kiến áp dụng trước cuối tháng 6/2016, nhưng thời gian biểu này đang khó thành hiện thực, phóng viên BBC Jonathan Blake ở Strasbourg tường thuật. Ủy ban châu Âu hồi đầu tháng này cho biết họ hài lòng rằng phần lớn trong 72 điều kiện đã được Thổ Nhĩ Kỳ đáp ứng.

Nhưng Nghị viện châu Âu từ chối bỏ phiếu cho đến khi tất cả các điều kiện đều được đáp ứng.

Đổi lại thỏa thuận này, Thổ Nhĩ Kỳ phải tiếp nhận những di dân vượt biển Aegean sang Hy Lạp.

EU lo ngại rằng nếu không có thỏa thuận này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không kiểm soát tình trạng di dân.

Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/05/160512_turkey_losing_hope_deal

 

Chuyến đi kỳ lạ đến Bắc Hàn

Người phụ nữ trẻ ngồi trong sảnh chờ ở cửa đến sân bay trông có vẻ hồi hộp, môi mím chặt và không mỉm cười. Tất cả nút áo khoác gài chặt, tóc chải gọn gàng, trông chỉnh tề, mặt đeo kính. Xung quanh, mọi người ồn ào huyên náo, kiểm tra hàng lý, cười đùa, tự giới thiệu mình với người xung quanh.

“Nhanh lên, chúng ta trễ bây giờ,” ông O kêu to và dẫn đoàn khách du lịch rời khỏi sân bay đến một chiếc xe bus nhỏ chờ sẵn.

Người phụ nữ vận áo hồng theo sau với những bước đều đặn, giày cô nện vang suốt dọc đường đi. Ngả lưng trên ghế, nhút nhát như một chú chim sẻ, cô nhìn quanh quan sát những hành khách đi cùng.

Đó là đoàn khách du lịch với cơn phấn khích sau chuyến bay cuối buổi chiều từ Bắc Kinh, cũng là những người phương Tây đầu tiên cô gặp.

Cô Kim 21 tuổi, là con một. Cô sống với mẹ làm nghề giáo viên, cha làm phiên dịch ở tầng 5 trong một khu tập thể dọc bờ sông rợp bóng mát ở thủ đô Bình Nhưỡng.

Thời gian rảnh, cô thích nhảy múa, hát hò trong phòng riêng, gặp bạn bè và mày mò trên máy tính. Cô định sẽ bắt đầu tham gia lớp thể dục aerobic ở phòng tập bên kia thành phố.

Còn 18 tháng nữa là cô hoàn thành chương trình tiếng Anh ở trường đại học. Là một trong những sinh viên thông minh nhất, cô được chọn tham gia làm hướng dẫn viên cho khách nước ngoài trong nhóm khách của ông O. Những vị khách này tới Bắc Hàn, một trong những đất nước bí mật và cô lập nhất thế giới, trong thời gian một tuần.

Trên xe, cô Kim còn mắc cỡ nên chưa dám nói chuyện gì.

Phong cảnh cuộc sống trôi qua hai bên cửa kính xe: những trạm xe điện đầy công nhân, những gương mặt tò mò nhìn vào bóng đêm, người đạp xe dừng lại trò chuyện trên đường, một rạp chiếu phim ngoài trời, trên màn hình một cô y tá đang băng bó cho bệnh nhân một cách khôi hài, những sợi dây hoa bằng nhựa treo trên ban công, các căn phòng với ánh đèn vàng vọt, binh lính diễu hành đều tăm tắp trên vỉa hè.

Màn đồng diễn khổng lồ

Càng đến gần Sân vận động Mùng 1 tháng Năm, mọi thứ càng trở nên rực rỡ khác thường.

Xe chúng tôi phải bấm còi để đi qua từng đám đông học sinh, sinh viên, qua những chiếc Mercedes, BMW và những chiếc xe hơi hiệu Peace Car của Bắc Hàn.

Một nhóm chừng 200 phụ nữ khoẻ mạnh trong trang phục thuỷ thủ đội những chiếc mũ trắng nổi bật trên đầu – đang tập đánh trống, tay đeo găng cầm dùi trống.

Ông O và cô Kim xuống xe, đi qua bãi đậu xe, những bậc thang, và những quầy hàng lưu niệm bán áo thun, đĩa DVD và poster.

Sân vận động đầy người và chương trình chỉ mới bắt đầu.

Cách xa những hàng ghế chính – dành riêng cho giới quân sự và các du khách, câu chuyện về lịch sử Bắc Hàn đang được diễn lại: từ thời Nhật Bản xâm chiếm vùng đất vốn hạnh phúc tươi vui cho đến những vinh quang cách mạng của Bắc Hàn chống lại những kẻ áp bức Mỹ, đến thời thành lập Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Không phải là bài diễn thuyết khô khan mà là một cảnh tượng huy hoành. Một buổi trình diễn chính xác, hoàn hảo với quy mô lớn gấp 10 lần Olympic Bắc Kinh.

Một trăm ngàn người trình diễn mỗi đêm trong màn đồng diễn tập thể khổng lồ, kỳ vĩ tới mức khó tin.

Những diễn viên thình lình được thả bằng dây từ trên cao xuống, hoặc được phóng ra từ nòng pháo.

Hàng ngàn em nhỏ giữ thăng bằng trên xe đạp một bánh, vừa đạp xe vừa tung hứng bóng đều tăm tắp.

Binh lính diễu hành, dàn hợp xướng hát, vận động viên nhào lộn, diễn viên múa xoay tròn. Đằng sau họ, trên toàn bộ một bên khán đài, 20.000 đứa trẻ cầm những quyển sách màu, lật từng trang để tạo thành những hình ghép khổng lồ, như hình mặt trời lặn, chiến sĩ xung trận hay cờ Bắc Hàn.

Màn đồng diễn đầy những hình ảnh của sự sung túc, hi vọng và hạnh phúc. Cô Kim càng lúc càng thích thú. Cô đã từng biểu diễn trong chương trình đồng diễn khổng lồ khi còn bé, chơi kèn trombon. “Tôi cảm thấy mình như một nghệ sĩ. Tôi yêu việc đó. Tôi tập luyện rất vất vả nhưng rất thích thú. Tôi rất tự hào được đại diện quốc gia.”

Cuối màn đồng diễn, bức tranh ghép hiện ra chân dung của hai người đàn ông đang nhìn vui vẻ về hướng xa xăm ngoài sân vận động, như thể thấy ánh sáng tương lai đâu đó.

“Chúng tôi là một quốc gia vĩ đại, hạnh phúc và giàu có, nhưng chúng tôi vĩ đại không phải vì người dân mà vì những nhà lãnh đạo của chúng tôi,” cô Kim thở dài.

Giọng cô lạc đi khi một bông hoa giả khổng lồ, to bằng cỡ một ngôi nhà, xuất hiện trong tiếng nhạc ai oán. “Đó là giống hoa mới tên Kimjongilia đặt theo tên Lãnh tụ Kính yêu,” cô lẩm bẩm. “Chúng tôi nhớ Người làm sao. Người đã hy sinh cuộc đời cho dân tộc. Bài hát viết về Người. Ai cũng khóc khi nghe bài hát đó.”

Đó là những hình ảnh đầu tiên về sự sùng bái lãnh tụ tới mức cực đoan được xây dựng quanh Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) và con trai ông là Kim Jong-il (Kim Chính Nhất).

Sùng bái lãnh tụ

Mỗi người dân Bắc Triều Tiên đều đeo trên ngực một huy hiệu có hình gương mặc Lãnh tụ Vĩ đại hay Lãnh tụ Kính yêu. Họ cũng phải treo hình các lãnh đạo trong nhà, thay vì treo ảnh người thân.

Những khẩu hiệu của lãnh tụ được dán trên các khu tập thể, trên những bức tường trong thành phố và xuất hiện trên những quả đồi và cánh đồng khắp cả nước. Những bức vẽ khổng lồ và tranh ghép khiến các cánh đồng trông giống nhà máy hơn nông trang.

Trong suốt chuyến đi, không một cơ hội ca tụng lãnh tụ nào bị bỏ lỡ.

Ở trường học, chúng tôi được thấy một nhìn thấy một món đồ được niêm phong kín và được giới thiệu đây là một món quà hào phóng mà Chủ tịch Kim Jong-il ban tặng.

Tại cuộc khiêu vũ tại trường đại học, người ta nói Lãnh tụ Kính yêu cũng là người sáng tác các ca khúc, các điệu nhảy mà các sinh viên ai nấy đều thuộc nằm lòng.

Tại một hợp tác xã, hướng dẫn viên cho biết các lãnh tụ gồm cả nhà lãnh đạo Kim Jong-un đều đã ghé thăm nông trại này để đưa ra những chỉ dẫn khai trí ngay trên cánh đồng.

Ở Bình Nhưỡng, một đêm khi màn đồng diễn kết thúc, đám đông tràn ra khỏi sân vận động. Các nhóm Thiếu niên Tiền phong mặc đồng phục trắng xanh, đeo khăn quàng đỏ, đi thơ thẩn xung quanh và hát các bài ca cộng sản.

Hướng dẫn viên người Anh Hannah Barraclough đợi để tập trung những thành viên của nhóm khách lại.

Du khách chỉ được phép đến Bắc Hàn trong các tour du lịch do nhà nước theo dõi chặt chẽ.

Từng dẫn các tour như thế trong suốt sáu năm, Hannah chứng kiến việc các du khách trong chuyến đi khó mà biết gì ngoài việc được nghe người dân địa phương tự hào về đất nước, khác hẳn với những câu chuyện họ đọc được khi ở ngoài Bắc Hàn, nơi mà tin tức thời sự tường thuật về căng thẳng hạt nhân, nạn đói, hành quyết tập thể, trại tập trung và một dân tộc sống dưới chế độ khủng bố.

“Người ta quên mất là dân Bắc Hàn không nghe thấy những câu chuyện tiêu cực. Họ chỉ nghe được những điều tích cực về những gì nhà lãnh đạo đã làm cho đất nước. Nhà lãnh đạo đã dâng hiến cuộc sống cho người dân, nên cũng không ngạc nhiên nếu họ quá kính trọng các ông. Khi bạn sống trong một xã hội không có nhiều cách tiếp cận thông tin khác nhau, bạn sẽ có xu hướng tin vào bất cứ thứ gì người ta nói với bạn.”

Chiến tranh hai miền

Chiếc xe bus của chúng tôi đi về phía nam của Bình Nhưỡng trên đại lộ Thống Nhất có sáu làn xe. Vài chiếc xe tải quân sự đi ngang, chở những người lính thiếu niên đeo đầy hành lý trên vai vẫy chào vui vẻ. Những xe bò chở cỏ khô nặng nề theo sau.

Trên cánh đồng, dưới bóng râm ngả xuống từ một tấm biển khổng lồ in dòng chữ cổ động sản xuất, những người phụ nữ trùm khăn cặm cụi làm việc trên cánh đồng ngô, lúa. Những người khác ngồi trên vệ đường, dưới bóng mát của cây phong, xe đạp dựng gần đó với những cây hoa trắng và hồng. Ở mọi nơi, người ta đang đi bộ. Tất cả dân Bắc Hàn dường như luôn đang phải đi tới nới nào đó.

Cứ vài dặm đường lại có những cột bê tông khổng lồ nhô ra đường. Chúng được thiết kế để chặn đường tiến xe tăng – dấu hiệu đầu tiên cho thấy chúng tôi đang tới gần khu phi quân sự (DMZ) được canh phòng cẩn mật.

Đó là chuyến đi đầu tiên của cô Kim đến DMZ, khu vực dài 160 dặm giữa hai miền Nam Bắc Tiều Tiên, được thiết lập kể từ khi hai miền đình chiến, năm 1953.

Ngày nay, binh lính Bắc Hàn trấn giữ mặt đối mặt với lính Hàn Quốc và lính Mỹ cách nhau chỉ vài dặm, và du khách cả hai bên đều nhìn nhau từ vị trí đó.

Cô Kim chỉ vào một bức tranh tường của các nhà lãnh đạo và dịch lại nội dung: “Một Triều Tiên. Hãy thống nhất quê hương vì thế hệ tương lai.” Cô thực sự xúc động.

Cô Kim nói: “Nơi này cho thấy lịch sử đau thương của đất nước chúng tôi. Tôi biết nhiều gia đình bị ly tán. Mẹ chia lìa con trai, chị xa rời em. Khi đến đây, tôi có cảm giác mình phải cố gắng hết sức để thống nhất đất nước.”

Cách đó vài dặm, bức tường chia cắt đất nước nằm dọc theo triền đồi và phủ đầy lá cây. Chuồn chuồn bay trong không trung. Một trung tá dễ thương tên Chae đi cùng chúng tôi tới trung tâm dành cho du khách. Áo của ông gắn vô số huy hiệu quân đội.

Ông nhắc lại lịch sử quá trình đế quốc Mỹ tới nơi và cuộc đấu tranh của Bắc Hàn, ông giận dữ gắn một cây đinh lên bản đồ Triều Tiên để chứng minh điều mình nói.

Nhìn qua ống nhòm, cô Kim lần đầu tiên được thấy “bức tường của đau khổ và phản bội” mà cô đã nghe kể từ lâu. Người sĩ quan tạo dáng chụp hình với ánh nhìn nghiêm nghị về miền Nam.

Sự chia cắt của hai miền Triều Tiên và khát vọng thống nhất chảy dọc suốt theo lịch sử và văn hoá của Bắc Hàn. Nhạc pop, kịch bản phim đều nói về chủ đề này, tượng đài khổng lồ nói về những nội dung này xuất hiện ở mọi thị trấn. Trẻ em được học về điều đó từ sáng đến tối.

“Cảm xúc giống nhau”

Tại trại hè Song Do Wan bên ngoài thành phố cảng Wonsan, đội viên Thiếu niên Tiền phong chạy về phía ký túc xá. Giáo viên của các em, cô Sujong nói các em đến từ khắp nơi trên cả nước để tham dự trại hè một tuần.

Cô cho biết: “Mục đích chính của trại hè là kiến tạo thể chất và tinh thần của trẻ để xây dựng đất nước.” Cô đứng cạnh một quả cầu được cho là món quà của Lãnh tụ Vĩ đại với một đường vẽ màu đỏ chia cắt hai miền Triều Tiên.

Biểu hiện của tình cảm và lòng biết ơn của người dân với những nhà lãnh đạo đạt tới đỉnh cao là vào ngày Quốc Khánh, diễn ra mỗi Tháng Chín để tưởng nhớ sự sáng lập của quốc gia.

Ở Bình Nhưỡng, công nhân, binh lính và trẻ em tụ tập trước bức tượng đồng khổng lồ hoặc hình ghép khổng lồ của Kim Il-sung và Kim Jong-il, mỗi thành viên của mỗi nhóm phải đặt hoa dưới chân tượng, và vỉa hè lập tức sẽ phủ đầy các lẵng hoa.

Không khí lễ hội ngập tràn thành phố – một số trẻ em vật lộn trong bộ đồ quân đội cỡ lớn, có người nói chuyện và cười nói.

Các gia đình tụ tập trên quảng trường, dạy trẻ con trượt băng hay chụp ảnh. Trong công viên Moran, người ta thấy như cả Bình Nhưỡng đang đến mùa đi dã ngoại.

Phụ nữ và đàn ông ca hát, nhảy múa, ngã lăn trên cỏ vì uống quá nhiều rượu gạo.

Cô Kim mặc váy, sợ mình sẽ bị kéo vào đám đông náo nhiệt. Cô đã khá hoà nhập hơn và bắt đầu hỏi về cuộc sống ở Châu Âu để so sánh.

Cô Kim nói: “Mọi người giờ đã vui vẻ hơn. Chúng tôi muốn tân hưởng cuộc sống của mình. Mọi người chỉ muốn tiến tới cuộc sống dễ chịu hơn và có gia đình hạnh phúc.”

Đêm xuống ở Bình Nhưỡng, cô Kim được rủ đi chơi ở công viên Tuổi trẻ Kaeson. Mọi người choáng ngợp trước những tàu lượn siêu tốc hay tên lửa, kiên nhẫn xếp hàng chờ tới lượt.

Ban đầu cô Kim từ chối không chơi và đi cạnh ông O. Khi đến chiếc tàu cướp biển, lượt chơi cuối cùng trước khi ra về, thình lình cô thảy chiếc giỏ cho ông O giữ và trèo lên chơi cùng các đồng nghiệp.

Khi chiếc tàu lắc lư lên cao, cô hoảng sợ dựa vào người kế bên và nhắm mắt chặt. Khi rời khỏi tàu, cô hơi xanh xao nhưng cười rất nhiều.

Sáng hôm sau, cô Kim nói chuyện hào hứng khi chúng tôi ra sân bay. Cô hỏi chúng tôi ý kiến về các bản tin như David Beckham và hải tặc Somali, Olympic 2012, khủng hoảng đồng euro, Nữ hoàng và những con ma ở Tháp London.

Cô đã rơm rớm khóc khi chúng tôi ôm tạm biệt. “Trước khi gặp người nước ngoài tôi rất hồi hộp. Tôi nghĩ họ sẽ cười vào tôi. Nhưng giờ tôi biết chúng ta giống nhau. Chúng ta có những cảm xúc giống nhau. Chúng ta có những giấc mơ giống nhau.”

Cô vẫy tay lần cuối. Từ lúc đó, cô Kim chìm khuất vào đám đông ngoài kia và đi mất.

Amanda Canning

Bản tiếng Anh của bài này đã đăng trên BBC Travel

Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2016/05/160512_on-holiday-in-north-korea_vert_tra

 

Liên Hoan Cannes 2016 : Điện ảnh Pháp và Rumani tranh tài

Sau lễ khai mạc đêm 11/05/2016 với Café Society, của đạo diễn người Mỹ Woody Allen, trong ngày thứ nhì Liên Hoan Phim Quốc Tế Cannes 2016, đến lượt điện ảnh của Pháp, Mỹ và nhất là Rumani tranh tài. Ở hạng mục chính thức, bộ phim Pháp Rester Vertical (Đứng thẳng), của đạo diễn Alain Guiraudie là tác phẩm đầu tiên mở màn cuộc thi, kế đến là Sieranevada của nhà làm phim Rumani Cristi Puiu.

Ở hạng mục chính thức, bộ phim Pháp Rester Vertical (Đứng thẳng), của đạo diễn Alain Guiraudie là tác phẩm đầu tiên mở màn cuộc thi, kế tới là Sieranevada của nhà làm phim Rumani Cristi Puiu.

Với bộ phim thứ năm của mình, Đứng thẳng đưa khán giả đến với thế giới của một ông già, một người đàn ông đứng tuổi đi tìm nguồn cảm hứng để viết kịch bản làm phim và Mari, một cô chăn cừu mê chó sói. Về phần đạo diễn Guiraudie, năm 2013, ông đã gây chú ý tại liên hoan Cannes với L’Inconnu du lac (Kẻ lạ bên hồ) ở hạng mục “Nhãn quan độc đáo”. Đó là một bộ phim nói về mối tình trai của Frank với một người xa lạ.

Nhìn đến tác phẩm Sieranevada, đạo diễn Puiu từng thổ lộ đây là bản requiem soi rọi vào những mối căng thẳng, những đam mê như keo sơn kết chặt liên hệ trong cùng một gia đình. Giới sành điệu về điện ảnh Rumani đánh giá với tác phẩm này, Cristie Puiu đang ở trên đỉnh cao nghệ thuật và dòng phim của anh mang nặng âm hưởng của Robert Altman.

Đối với những người hâm mộ điện ảnh Mỹ, ngày 12/05 nữ đạo diễn kiêm diễn viên Jodie Foster trình làng Money Monster (Mặt Trái Phố Wall) với đôi diễn viên đã quá nổi tiếng, George Clooney và Julia Roberts. Đây là một bộ phim nói về hành trình của một cậu Golden Boy ở Wall Street do Clooney thủ vai, đi tìm chính mình sau những năm tháng ngủ quên trong danh vọng tiền tài, những gì phù phiếm nhất trong cuộc sống.

Trở lại với buổi lễ khai mạc Liên Hoan Phim Quốc Tế Cannes lần thứ 69 tối ngày 11/05, đôi tài từ Pháp, Đức Vincent Lindon và Jessica Chastain đã được vinh dự tuyên bố khai mạc festival điện ảnh nổi tiếng này với câu nói bất hủ « Điện Ảnh muôn năm và phụ nữ muôn năm ». Trước đó, người điều khiển chương trình, diễn viên Laurent Lafitte, đã nhận được một nụ hôn nồng thắm từ ngôi sao điện ảnh gạo cội của Pháp, bà Catherine Deneuve.

Thanh Hà

Nguồn : http://vi.rfi.fr/phap/20160512-lien-hoan-cannes-2016-dien-anh-phap-va-rumani-tranh-tai

 

Anh tổ chức thượng đỉnh về chống tham nhũng

Ngày 12/05/2016, đại diện của khoảng 40 quốc gia đã đến tham dự hội nghị thượng đỉnh chống tham nhũng diễn ra tại Luân Đôn, Anh. Thủ tướng David Cameron đã đưa ra các giải pháp để chống tình trạng sử dụng tiền bẩn đầu tư vào bất động sản tại vương quốc Anh.

Từ Luân Đôn, thông tín viên Muriel Delcroix cho biết thêm tình hình :

“Quyết định làm gương cho các nước khác noi theo, trước khi hội nghị khai mạc, thủ tướng Anh David Cameron đã tiết lộ một loạt các giải pháp dành riêng cho vương quốc Anh bằng việc tấn công đầu tiên vào lĩnh vực bất động sản ở Luân Đôn, mà theo một vài quốc gia, đây thực sự là bộ máy rửa tiền bẩn.

Thủ tướng của đảng Bảo Thủ cũng đã thông báo rằng các công ty nước ngoài hiện đang sở hữu hoặc đang muốn mua bất động sản vương quốc Anh từ bây giờ trở đi sẽ bắt buộc phải khai báo tên thật của chủ sở hữu. Theo bước Anh, các nước Pháp, Hà Lan, Nigeria và Afghanistan cũng cam kết cho lập tại nước mình danh sách các đối tượng thụ hưởng những khối tài sản khổng lồ hiện đang ẩn sau các công ty bình phong.

Dưới áp lực để biến các vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh như Jersey, quần đảo Bermuda, các đảo Caïman và Virgin, Luân Đôn cũng vừa thông báo rằng 40 cơ quan có thẩm quyền xét xử (trong đó bao gồm cả vùng đất thuộc Hoàng gia Anh) đã đồng ý chia sẻ các thông tin về lai lịch thật của các doanh nghiệp có trụ sở đặt trên các vùng đất này.

Cuối cùng, Anh sẽ là nước đầu tiên thiết lập trung tâm hợp tác quốc tế chống tham nhũng. Với trụ sở tại Luân Đôn và hợp tác chủ yếu với Mỹ, Canada, Thụy Sĩ và Interpol, trung tâm này sẽ giúp nắm được và trừng phạt các đối tượng tham nhũng và thu hồi về những khoản tài sản đã bị đánh cắp”.

Phương Nga

Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160512-anh-to-chuc-thuong-dinh-ve-chong-tham-nhung

 

Ý : Quốc Hội thông qua luật về quyền chung sống giữa người đồng giới

Ngày 11/05/2016, các dân biểu Ý đã bỏ phiếu thông qua một đạo luật chấp nhận việc chung sống giữa hai người cùng giới. Với 369 phiếu thuận, 193 phiếu chống và 2 phiếu trắng, các dân biểu Ý đã một lần nữa bày tỏ niềm tin vào thủ tướng Matteo Renzi khi ông cam kết rằng chính phủ trung tả của mình sẽ chịu trách nhiệm về văn bản liên quan đến quyền hạn dành cho các cặp đồng tính.

Nếu trước đây, Ý là cường quốc Tây Âu cuối cùng không công nhận các cặp đôi đồng tính, thì từ giờ trở đi họ có thể được hưởng chế độ như các cặp vợ chồng bình thường khác, tức là được mang cùng họ, được thừa hưởng tài sản nếu người kia qua đời và được quyền thừa kế.

Những người tranh đấu đại diện cho phe đồng tính đã tập hợp trước trụ sở của Quốc Hội tại Roma để chào mừng quyết định này. Gabriele Piazzoni, đại diện cho nhóm Arcigay chia sẻ :« Mặc dù vẫn còn nhiều điều phải làm để thực sự đạt được công bằng nhưng đây thực sự là một xuất phát điểm tuyệt vời ». Còn bản thân thủ tướng Ý thì tuyên bố trên đài phát thanh Ý : « Hôm nay quả là một ngày trọng đại khi mà Ý đã tiến được một bước lớn lao ».

Tuy nhiên, điều khoản liên quan đến việc các cặp đôi đồng tính được nhận nuôi con đẻ của một trong hai người, cũng như việc họ thề sẽ mãi chung thủy với nhau đã bị xóa bỏ, bởi lẽ nếu không sẽ có một số người cho rằng việc chấp thuận tình trạng sống chung giữa hai đối tượng đồng tính không khác gì với việc chấp thuận hôn nhân đồng tính.

Chiều cùng ngày, đạo luật liên quan đến quyền dành cho các cặp đôi khác giới sống chung, không làm đám cưới cũng được chính thức thông qua. Cụ thể, họ sẽ có tư cách là người thân trong trường hợp đối tác kia bị bệnh, qua đời hay bị tù giam.

Phương Nga

Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160512-y-bo-phieu-thong-qua-dao-luat-lien-quan-den-nguoi-dong-gioi

 

Syria : Daech cô lập thành phố cổ Palmyra

Không đầy một tuần sau khi phô trương việc chiếm lại được thành phố cổ Palmyra từ tay tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, quân đội chính quyền Damas lại bị một vố đau khi để cho lực lượng thánh chiến của Daech cô lập thành phố này. Sau một cuộc tấn công từ phía đông thành phố Homs, ngày 10/05/2016, quân thánh chiến đã cắt đứt trục lộ chính nối liền Homs và Palmyra và gần như đã hoàn toàn bao vây thành phố đang do lực lượng chính phủ kiểm soát.

Quân đội Syria được không quân Nga hỗ trợ đã chiếm lại Palmyra từ tay Daech vào ngày 27/03. Thế nhưng, theo thông tin từ tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, hiện nay quân thánh chiến đã bao vây Palmyra từ mọi hướng, ngoại trừ phía tây nam.

Lực lượng Daech đã chốt quân cách thành phố 40 cây số ở phía tây, 25 cây số ở phía đông, 12 cây số ở phía nam, và 10 cây số ở phía bắc.

Cũng ở trong khu vực này, không quân Syria đã oanh tạc các chốt quân thánh chiến chung quanh mỏ khí đốt Chaer, ở phía đông bắc Palmyra. Daech đã chiếm nơi này vào tuần qua.

Tại các nơi khác, chiến sự vẫn tiếp diễn ở Aleppo, một thành phố bị cắt làm đôi với các khu phố trong tay quân đội chính phủ và phần còn lại do lực lượng nổi dậy chiếm đóng. Từ sáng sớm ngày 12/05, hai bên đã đấu pháo dữ dội.

Chiến sự bùng lên trở lại sẽ là chủ đề chính trong cuộc họp mới của Nhóm Quốc Tế Hỗ Trợ Syria GISS do Mỹ và Nga chủ trì, mở ra tại Vienna vào ngày 17/05 tới đây.

Mai Vân

Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160512-syria-luc-luong-daech-co-lap-thanh-pho-co-palmyra

 

Pháp : Nội các Valls bị Hạ Viện bỏ phiếu bất tín nhiệm?

Giới công đoàn dọa tiếp tục xuống đường chống cải tổ luật lao động một ngày sau khi chính phủ dùng điều khoản 49.3 thông qua dự luật cải tổ lao động. Chiều ngày 12/05/2016, cánh hữu ở Hạ Viện Pháp đe dọa bỏ phiếu bất tín nhiệm nội các của thủ tướng Manuel Valls. Tuy nhiên, theo giới quan sát, kiến nghị này ít có khả năng được thông qua.

Vào 4 giờ chiều ngày 12/05, giờ Paris, chủ tịch hai đảng Những Người Cộng Hòa – Les Républicains cánh hữu và đảng UDI cánh trung trình bày kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của thủ tướng Valls. Dự án cải tổ luật lao động là nguyên nhân gây căng thẳng trên chính trường Pháp. Thủ tướng và tổng thống thuộc đảng Xã Hội bị chính một nhóm các đại biểu ở Hạ Viện trong nội bộ chống đối.

Để lật đổ nội các của thủ tướng Valls kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ cần phải được 288 trên tổng số 577 dân biểu thông qua trong cuộc bỏ phiếu vào chiều nay. Kịch bản này ít có khả năng xảy ra do đảng Xã Hội và đồng minh trong cánh tả chiếm đa số ở Hạ Viện.

Dù vậy, theo giới phân tích, trong bốn năm cầm quyền, đảng Xã Hội đã bốn lần sử dụng điều khoản 49.3 để thông qua một dự luật mà không cần có ý kiến của Hạ Viện, và đây là dấu hiệu cho thấy cả tổng thống François Hollande lẫn thủ tướng Manuel Valls đang yếu thế, đảng Xã Hội đang bị chia rẽ sâu rộng một năm trước ngày bầu lại tổng thống.

Hai tổ chức công đoàn lớn là GCT và FO kêu gọi tiếp tục đình công trong hai ngày 17 và 19/05/2016. Trên mạng internet, một bản kiến nghị chống dự luật này cũng đã được tung ra và đã được 150 nhân vật nổi tiếng ký tên ủng hộ.

Trong lịch sử của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp, tới nay, mới chỉ có chính phủ của thủ tướng Georges Pompidou, năm 1962 bị Hạ Viện bất tín nhiệm. Trước đó, tướng De Gaulle đã dùng quyền giải tán Quốc Hội tránh để chính phủ bị lật đổ. Đến năm 1997, tổng thống Jacques Chirac cũng đã áp dụng chiến thuật tương tự và mở ra một thời kỳ, hai cánh tả hữu cùng chia sẻ quyền lực.

Thanh Hà

Nguồn : http://vi.rfi.fr/phap/20160512-phap-noi-cac-valls-bi-ha-vien-bo-phieu-bat-tin-nhiem

 

Mỹ khởi động hệ thống lá chắn chống tên lửa tại Rumani gây căng thẳng với Nga

Hệ thống phòng thủ chống tên lửa Deveselu đặt tại miền nam Rumani chính thức hoạt động kể từ ngày 12/05/2016. Washington xem đây là một “bước tiến quan trọng cho phép NATO hoàn thành nhiệm vụ”. Theo Matxcơva, hệ thống Deveselu đe dọa thế cân bằng chiến lược tại châu Âu và của bản thân nước Nga.

Hệ thống phòng thủ được lắp đặt tại miền nam Rumani bao gồm một radar, trang thiết bị thông tin và bắn chận tên lửa. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ, Frank Rose, trả lời báo chí ngày 11/05/2016 tại Bucarest nhấn mạnh : Deveselu sẽ hoạt động cùng hai chiến hạm của Hoa Kỳ có trang bị hệ thống phòng thủ chống tên lửa được triển khai ngoài khơi Địa Trung Hải và đây là “một bước tiến quan trọng cho phép Liên Minh Bắc Đại Tây Dương- NATO mở rộng vùng hoạt động ra ngoài khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương”.

Đại diện của Hoa Kỳ tại NATO ông Douglas Lute tuyên bố, với hệ thống Deveselu, lần đầu tiên trong lịch sử NATO, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương có “khả năng tuân thủ điều 5” trong hiệp ước Liên Minh. Điều này quy định : trong trường hợp 1 thành viên bị tấn công, thì tất cả những thành viên khác trong khối phải có những biện pháp cần thiết để hỗ trợ quốc gia là mục tiêu tấn công.

Tuy nhiên cả hai ông Rose và Lute đều lưu ý, hệ thống phòng thủ vừa được lắp đặt tại Rumani không nhắm vào Nga và cũng không “có khả năng đe dọa hệ thống phòng thủ chiến lược” của Matxcơva.

Hệ thống lá chắn Deveselu chủ yếu sử dụng các kỹ thuật của công nghệ quân sự Mỹ. Dự án này tập trung vào hai khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ và Đông Âu. Đây là giai đoạn thứ nhì trong kế hoạch tăng cường khả năng phòng thủ của NATO tại Châu Âu.

Ở giai đoạn 1, NATO lắp đặt radar tại Thổ Nhĩ Kỳ và điều 4 tàu chiến có trang bị hệ thống phòng thủ Aegis cùng hệ thống tên lửa chống tên lửa tại Rota, Tây Ban Nha.

Trong bước thứ ba của chiến lược tăng cường an ninh cho các thành viên trong khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, NATO sẽ thiết lập lá chắn chống tên lửa tại Redzikowo- Ba Lan. Trên nguyên tác dự án sẽ được hoàn tất vào cuối 2018.

Thanh Hà

Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160512-my-ten-lua-rumani-nga-qt

 

Trung Quốc khẳng định : Lập trường Biển Đông được ủng hộ rộng rãi

Gần đến ngày Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về bản đồ 9 đoạn ở Biển Đông, vụ trưởng Vụ Điều Ước Pháp Luật thuộc bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ông Tô Hoành (Xu Hong) tuyên bố Bắc Kinh “không bị cô lập trên hồ sơ này”. Vụ kiện chẳng qua chỉ là một “màn dàn dựng”.

Ngày 12/05/2016, quan chức cao cấp này trong bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại Bắc Kinh hoàn toàn có quyền không tham gia vụ kiện về Biển Đông trước Tòa Án Trọng Tài Liên Hiệp Quốc tại La Haye. Ông Tô Hoành đồng thời lên án Manila lạm dụng cơ quan pháp lý quốc tế này để làm phương hại đến chủ quyền quốc gia của Trung Quốc.

Ông xem vụ kiện nhắm vào Trung Quốc nói trên là một thủ thuật của những người không rành về luật pháp quốc tế nhưng lại muốn làm rùm beng vụ việc trên các phương tiện truyền thông.

Trực tiếp chỉ trích Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu hồi tháng 02/2016 kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc, quan chức cao cấp của bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho rằng : Dù Âu, Mỹ có mạnh miệng tới đâu đi chăng nữa, thì “đó cũng chỉ là quan điểm của một số ít các nước phương Tây, không đại diện cho toàn thể cộng đồng quốc tế”. Bởi vì Bắc Kinh đã được nhiều nước ủng hộ, “từ Cam Bốt đến Yemen”.

Không trực tiếp nêu đích danh bên nguyên đơn là Philippines, nhưng ông Tô Hoành nhấn mạnh : “Có một số nước nhập nhằng, muốn thay trắng đổi đen và họ có thể gây nên những hiểu nhầm trong công luận. Nhưng không phải là cứ lập đi lập lại ngàn lần rồi thì những lời dối trá đó sẽ trở thành sự thực”.

Tới nay Bắc Kinh vẫn khẳng định chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông và đã tuyên bố trước là sẽ không tôn trọng phán quyết của tòa án La Haye.

Tòa Án Trọng Tài Thường Trực sẽ ra phán quyết vào tháng 5 hoặc tháng 06/2016, nhưng cho tới nay các phán quyết của tòa án này thường không được tôn trọng và tòa án cũng không có quyền hạn để bắt buộc các bên phải thi hành.

Thanh Hà

Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160512-trung-quoc-khang-dinh-lap-truong-bien-dong-duoc-ung-ho-rong-rai