Thấy gì qua bức ảnh này?
Tấm hình đã làm xôn xao dư luận về luật pháp ở VN |
1. Hai người thuộc một đơn vị không phải là thành phần của bộ máy công quyền có thể ngang nhiên dùng vũ lực trấn áp và bắt người công khai, trong khi đó là hành vi vi phạm luật pháp nghiêm trọng, và có thể bị khởi tố và truy tố về hình sự. Phải chăng họ được bảo đảm và bảo kê khi thực hiện hành vi này?
2. Sự bắt bớ bằng vũ lực diễn ra trước mắt nhiều cảnh sát giao thông, một lực lượng thuộc bộ máy công quyền có chức năng giữ gìn trật tự giao thông công cộng, nhưng họ vẫn điềm nhiên xem như chuyện đương nhiên. Trong trường hợp này cảnh sát giao thông đã không hoàn thành chức trách mà luật pháp trao cho. Phải chăng họ được chỉ đạo không hành xử đúng thẩm quyền và chức năng luật định?
3. Công dân biểu tình ôn hoà, tay không tấc sắt, kêu gọi chính quyền quan tâm hơn về thảm hoạ môi trường đang xảy ra, nói cách khác họ đang thực thi quyền công dân được hiến pháp và luật pháp công nhận, lại bị đàn áp bằng vũ lực, chỉ vì nhà cầm quyền không muốn trật tự xã hội bị xáo trộn ngoài tầm kiểm soát. Phải chăng có một cơ sở pháp lý hoặc chính trị nào khác còn đứng trên và vượt trên hiến pháp, cho phép nhà cầm quyền mặc nhiên xâm phạm quyền công dân và, do đó, công nhiên vi phạm hiến pháp và luật pháp?
4. Hai ngày đã trôi qua kể từ sự kiện bi thảm 8/5/2016 vừa qua, không một tờ báo được cấp phép nào đưa tin và bình luận về sự kiện nổi bật này, mà vốn dĩ thuộc chức năng thông tin của báo chí theo luật báo chí và theo trách nhiệm nghề nghiệp của nhà báo. Phải chăng giới báo chí đã bị buộc phải câm miệng thô bạo đến mức không tờ báo và nhà báo nào dám và có thể thực thi vai trò mà toàn xã hội trao cho và kỳ vọng?
5. Tôi đã chờ đợi hình ảnh này từ rất lâu, từ hàng chục năm nay, kể từ khi trào lưu Đông Âu cuối thập niên 80 của thế kỷ 20 diễn ra, và đến hôm nay nó đã xuất hiện tại Việt Nam. Nó chứng tỏ một cách không chối cãi rằng người dân Việt Nam không có quyền gì để bảo vệ và bảo đảm cuộc sống bình thường của chính mình và với tư cách là những con người trên mảnh đất và trong môi trường sống của mình, ngoài việc chăm chỉ lao động và đóng thuế nuôi một bộ máy sẵn sàng áp bức và bóp nghẹt mọi tiếng nói lương tri và lương thiện. Phải chăng đã đến lúc người dân Việt phải đồng lòng và đồng loạt lên tiếng bằng mọi giá? Đất nước đứng lên!
Lê Công Định (FB. Lê Công Định)