Điểm Báo Pháp – 09/05/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 09/05/2016

Rodrigo Duterte, một « Donald Trump » Philippines?

Bầu cử tổng thống tại Philippines thu hút sự quan tâm của ba nhật báo Pháp La Croix, Les Echos và Libération ngày 09/05/2016. Cả ba nhật báo đặc biệt chú ý đến ứng viên «Duterte Harry», như cách gọi của báo chí Philippines, đang làm đảo lộn ván cờ chính trị tại nước này, một nhân vật mà ba tờ báo Pháp đều cùng có chung nhận xét là «phản hệ thống», một kiểu «Donald Trump» của Philippines.

Bởi vì cách đây ba tháng ông Duterte vẫn còn là một nhân vật không có tiếng tăm. Nếu như trước đây ông chỉ nhận được 33% ý định bỏ phiếu cho ông, thì theo một thăm dò mới nhất, ông đang dẫn trước bà nghị sĩ Grace Poe, được cho là người nghiêm túc và có tư cách, đến 11 điểm.

Tên thật Rodrigo Duterte, luật gia 71 tuổi, một vợ, bốn con và có hai tình nhân, một ứng viên có giọng điệu khiêu khích, như mô tả của Libération, giờ đang ở ngay «trước cửa dinh tổng thống». Từ nhiều tháng nay, nhân vật này không ngừng lên tiếng tố cáo « thái độ khinh miệt» người dân của những « phe phái» và những gia đình «cầm quyền» tại Philippines từ nhiều thập niên nay.

Giống Donald Trump, là vì ông Duterte cũng có những lời lẽ, ngôn từ quá đáng, không mấy «lịch sự » trong suốt quá trình vận động tranh cử: cam kết «quét sạch» các tên tội phạm, trộm cắp khỏi đất nước, tuyên bố sẵn sàng tử hình những đứa con nào của ông có dính dáng đến ma túy, hay quá đáng hơn ông lấy làm tiếc là đã không tham gia một vụ hiếp dâm tập thể một nhà truyền giáo người Úc mà ông cho là quá « sexy » hay như còn xem đức giáo hoàng Phanxicô là « con của đĩ»…

Theo tường thuật của thông tín viên Libération tại Manila, sở dĩ ông Duterte thu hút được cảm tình của đông đảo người dân đó là do những đời chính phủ trước đã không giải tỏa được mối bất an về tình trạng tội phạm và bất công. Dưới thời tổng thống Aquino III, tuy kinh tế có khá hơn, nhưng những người dân thuộc tầng lớp thấp trong xã hội lại không được hưởng thụ những thành quả kinh tế đó. Nắm bắt được yếu tố tâm lý này, ông Duterte đã có những dấu ấn khác biệt so với các ứng viên khác.

Những vấn đề gai góc chờ đợi tân tổng thống

Bên cạnh đó, Libération cũng có bài viết khác liệt kê những vấn đề được cho là « rất nhạy cảm » đang chờ đợi vị tổng thống tân cử sắp tới. Bài viết đề tựa « Chương trình quá tải dành cho người kế nhiệm Aquino III ».

Hồ sơ đầu tiên tờ báo đề cập đến chính là mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc do các tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông. Những căng thẳng đó không chỉ là mới đây, mà đã có từ những năm 1980, nhưng đã thật sự trở nên tồi tệ hơn kể từ năm 2012, sau khi Trung Quốc chiếm lấy bãi đá ngầm Scarborough, vùng đánh bắt truyền thống của người Philippines và bắt đầu các công trình cải tạo. Manila nhiều lần lên tiếng chỉ trích các hành động được cho là « gây hấn » của Trung Quốc và thậm chí đi đến việc kiện Bắc Kinh ra trước Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye, mà phán quyết sẽ được đưa ra trong thời gian sắp tới đây.

Tiếp đến là hồ sơ những người Hồi giáo đòi ly khai. Họ chính là hậu duệ của các thương nhân Ả Rập, khai sáng vùng Bangsamoro, ở đảo Mindanao, phía nam Philippines, từ thế kỷ XIV. Gần đây, chính quyền ông Aquino III đã đạt được một thỏa thuận với Mặt Trận Giải Phóng Quốc Gia Hồi Giáo để chấm dứt cuộc chiến tranh du kích kéo dài từ gần nửa thế kỷ nay, cướp đi sinh mạng của hơn 150.000 người.

Theo thỏa thuận, chính phủ cam kết trao quyền tự trị cho khu vực, bao gồm cả Nghị viện và cảnh sát. Nhưng đạo luật đã bị chận lại ở Nghị viện Manila từ nhiều tháng nay. Ông Yves Boquet, giáo sư về địa lý và chuyên gia về Trung Quốc và Philippines, trường đại học Bourgogne-Franche-Comté, giải thích có giải thích là người Philippines công giáo « vẫn còn nhiều ngờ vực về cộng đồng người Hồi giáo. Do đó người kế nhiệm sẽ phải đối phó với vấn đề gai góc này ».

Cuối cùng là vấn đề xóa nạn nghèo đói. Philippines là một trong những quốc gia Châu Á có tỷ lệ bất bình đẳng cao nhất. Tỷ lệ tăng trưởng tuy khá cao (5,8% trong năm 2015), nhưng «5% dân số sống dưới ngưỡng nghèo đói, 15% chỉ vừa đủ mau nhu yếu phẩm và trong khi gạo là nguồn thực phẩm chính thì mức giá vẫn tăng đều. Ông Aquino đã không xóa bỏ được tình trạng này », ông Yves Boquet lưu ý.

Trong khi đó, tỷ lệ lao động tạm bợ và thất nghiệp vẫn cao ở giới trẻ (khoảng 25%). Nền kinh tế Philippines vẫn sống dựa vào nguồn ngoại tệ gởi từ lực lượng lao động xuất khẩu khắp toàn cầu. Đó là còn chưa kể đến đảo quốc này luôn phải đối phó với các thiên tai. Do đó, theo như khẳng định của ông Yves Boquet, « tổng thống tương lai sẽ phải chuẩn bị cho việc giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương của đất nước trước những biến đổi của khí hậu có nguy cơ gia tăng trong tương lai ».

Hồ sơ Syria : Putin là nhạc trưởng

Nhìn sang Trung Cận Đông, « Nước Nga đang dẫn đầu cuộc chơi Syria như thế nào » là hàng tít lớn trên Le Figaro. Nhật báo cánh hữu này đã có dịp quan sát các chiến dịch quân sự của Nga nhân một chuyến viếng thăm có kiểm soát. Ngoài hành động quân sự, ông Vladimir Putin giờ còn yêu cầu tăng cường tinh thần và chính trị trên toàn bộ hồ sơ Syria.

« Nước Nga áp đặt luật chơi của mình trong vụ bất ổn tại Syria » là tựa bài viết trên trang hai và ba của nhật báo. Vừa tiếp tục các chiến dịch không kích, Matxcơva vừa khẳng định vai trò trung gian giữa các phe Hồi giáo Sunni và Alawites, cũng như trong việc giám sát công tác hỗ trợ nhân đạo cho các thường dân và tự cho vai trò bảo vệ di sản lịch sử thế giới nhờ vào việc giải phóng vùng Palmyra.

Rõ ràng là « Matxcơva đang làm chủ cuộc chơi ngoại giao ». Những ai muốn bàn về Syria thì kể từ giờ phải đến Matxcơva chứ không phải là Washington để thăm dò ý định của điện Kremlin và đưa ra các tín hiệu. Điều đó cho thấy nước Nga đang áp đặt điều kiện cho mọi thỏa thuận về Syria. Và trong cuộc chơi đó, người chỉ huy không ai khác chính là ông Putin, như tựa đề bài xã luận của Le Figaro trên trang nhất.

Châu Âu ở đâu ?

« Liên Hiệp Châu Âu, còn hay là không ? » là câu hỏi lớn trên trang nhất La Croix nhân ngày Châu Âu 09/05. Với 24 trang báo đặt biệt, tờ nhật báo công giáo giới thiệu tóm lược suy nghĩ của nhiều nhân chứng trả lời cho câu hỏi : « Giả như Châu Âu không tồn tại thì sao ? »

Một loạt các mối lo cho tương lai của châu Âu đã được nhật báo liệt kê : Từ việc Châu Âu có lẽ ngày càng ít chú trọng đến phẩm cách con người, công việc kinh doanh bị cản trở, rủi ro chiến tranh thế giới thứ ba, thế giới trở nên chật hẹp hơn và bị chuẩn hóa, hay như không còn là miền đất hứa cho dân tị nạn nữa, cho đến việc người lao động có lẽ sẽ ít được bảo vệ, hay như sự trỗi dậy của phong trào dân túy, chủ nghĩa dân tộc.

Đó cũng chính là nhận định của Le Monde, trong bài xã luận đề tựa « Châu Âu trên trời ». Theo tờ báo, do không đạt được đồng thuận trong việc xây dựng một châu Âu trên đất liền, giờ các nhà lãnh đạo chính trị đành phải trông cậy đến Chúa Trời.

Nhiều lãnh đạo chính phủ và các định chế Châu Âu đã đổ về Roma hôm thứ Sáu 06/5 vừa qua, nhân dịp đức giáo hoàng Phanxico được trao giải Charlemagne. Hiển nhiên là Ngài rất xứng đáng nhận giải thưởng này, nhưng sự việc phản ảnh rõ tình trạng bi thảm : Châu Âu bất lực trong việc giải quyết các khủng hoảng đang đe dọa châu lục già cỗi này, từ hồ sơ tị nạn, thất nghiệp, khủng hoảng tài chính cho đến hồ sơ « Brexit »… Le Monde mỉa mai cho rằng do không thể đạt được đồng thuận để cùng hành động, thông qua chuyến đi Roma này, các nhà lãnh đạo tạo cho cảm giác phó thác vào số trời.

Hungary : Victor Orban, nhà kiến tạo nền dân chủ phi tự do ?

Cũng liên quan đến châu Âu, báo Le Monde dành hẳn 4 trang báo lớn trong mục địa chính trị để nói về tình hình chính trị của Hungary. Tờ báo chỉ trích thủ tướng Victor Orban đang «tuyên truyền một nền dân chủ phi tự do ».

Khi từ chối khái niệm Nhà nước Pháp quyền, người đứng đầu chính phủ Hungary muối đối kháng với những giá trị dân chủ phương Tây, vốn dĩ là một mô hình chống chế độ độc tài chuyên chế. Bất hạnh thay, mô hình dân chủ phi tự do của ông Orban, tức đặt Tòa Bảo Hiến, truyền thông, … dưới sự kiểm soát của nhà nước, lại nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia Trung Âu khác như Ba Lan, Croatia, Slovakia… và nhiều đảng cực hữu, đang sử dụng khủng hoảng tị nạn như là một chiêu bài chính trị.

Một phần tư thế kỷ sau khi chế độ cộng sản Đông Âu sụp đổ, phe dân túy đã lên cầm quyền tại những đất nước này. Thế giới chứng kiến một sự suy thoái dân chủ, đi kèm theo đó là những căng thẳng về bản sắc và chủ quyền lãnh thổ. Nhật báo còn dành hẳn một trang báo lớn cho phần phỏng vấn ông Jacques Rupnik, cựu chuyên gia cố vấn tại Vaclav Havel, phân tích các nguyên nhân lây lan luồng tư tưởng này, cho rằng : « Đây là một sự thoái lui của Đông Âu, nhưng lần này là để bảo vệ bản sắc và một nền văn minh châu Âu có lẽ đang bị Nga ở phía Đông và Hồi giáo cực đoan ở phía nam đe dọa ».

Phụ nữ ngày càng học cao hơn nam giới

«Phụ nữ có bằng cấp cao hơn nam giới: khởi đầu một mô hình mới», Le Figaro vui mừng loan báo. Lần đầu tiên trong lịch sử, ở Pháp, phụ nữ « trí thức » hơn chồng. Nhưng nhật báo lấy làm tiếc là bất bình đẳng nam nữ trong lương bổng vẫn dai dẳng.

Phải chăng câu chuyện cổ tích, cô gái chăn cừu kết hôn cùng chàng hoàng tử đã sang trang ? Hay như hình ảnh một anh bác sĩ kết hôn cùng nữ y tá, hoặc một ông chủ lấy cô thư ký đã trở nên lỗi thời? Một loạt các câu hỏi được Le Figaro đưa ra. Bởi vì, theo một nghiên cứu do viện Ined thực hiện cho thấy mô hình phụ nữ truyền thống, tức trong những cặp đôi phụ nữ học vị kém hơn chồng đang hồi kết thúc. Ngày nay, người phụ nữ trong xã hội ngày càng có bằng cấp cao hơn nam giới.

Điều này cũng làm cho « Trái tim của các nữ sinh do dự giữa mô hình truyền thống và cặp đôi thời ‘hiện đại’». Làm thế dung hòa giữa sự nghiệp với cuộc sống gia đình? Đây cũng là một bài toán tế nhị dành cho các cô thành đạt trong sự nghiệp, vì hình ảnh « ng chồng nội trợ» vẫn còn là điều cho đến giờ chưa ai dám hình dung ra lúc này.

Minh Anh

Nguồn: http://vi.rfi.fr/chau-a/20160509-rodrigo-duterte-mot-%C2%AB-donald-trump-%C2%BB-philippines