Điểm Báo Pháp – 07/05/2016
Bắc Triều Tiên : Kim Jong Un là người như thế nào?
Chủ đề thời sự mà tạp chí Pháp tuần này nêu bật trên trang bìa đều được thể hiện qua những gương mặt : rất khác biệt nhau. Đáng chú ý nhất là tuần báo L’Obs, đã nhìn sang Bắc Triều Tiên và đăng một tấm ảnh của Kim Jong Un với khuôn mặt mũm mĩm, nhưng có hỏa tiễn lớn nhỏ gắn ở sau lưng, và hàng tựa màu đỏ : « Người làm rúng động hành tinh ».
Phóng viên của tạp chí Vincent Jouvert đã đi từ Seoul đến Washington để tìm hiểu về nhân vật được cho là nguy hiểm nhất hành tinh, vừa được phong chức « Lãnh tụ Tối cao » ngày 06/05/2016, vào lúc 33 tuổi.
Trên trang bìa của L’Express, cũng là một gương mặt, nhưng là của Jean Tirolle. Tạp chí tìm hiểu những bài hoc của một người đoạt giải Nobel (Kinh tế, 2014). Le Point thì nhìn sang nước Anh, với gương mặt tươi cười của nữ hoàng Anh. Tạp chí nhìn về cuộc trưng cầu dân ý hạ tuần tháng Sáu tới đây, Anh Quốc ở lại hay rời khỏi Châu Âu, và chưa gì đã chạy tựa : « Châu Âu không còn dân Anh ! »
Riêng Courrier international chú ý đến an toàn thực phẩm, dành trang bìa cho một trái cà chua đẹp mắt, nhưng đè trên một người nằm dài dưới đất và nêu câu hỏi : Phải chăng có độc tố trong đĩa ăn của chúng ta ? Vấn đề được nêu lên là vì Ủy Ban Châu Âu sắp triển hạn việc cho phép sử dụng chất glyphosate, một loại thuốc trừ sâu do Monsanto sản xuất, được sử dụng rộng rãi trên thế giới, nhưng gây tranh cãi cũng nhiều vì bị nghi ngờ là gây nên ung thư.
Kim Jong Un : « Chú hề » thông minh và đáng sợ
Về Bắc Triều Tiên, L’Obs trước hết nêu bật một vài số liệu : 25 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người 1.800 đô la, 30.000 người đào thoát ra nước ngoài tỵ nạn, 200.000 tù chính trị bị lao động khổ sai.
Nhưng l’Obs bị thu hút trước tiên về nhân vật lãnh đạo hiện nay, Kim Jung Un. Khi lên thay thế cha, Kim Jong Il, mất năm 2011, Kim Jong Un chưa đầy 30 tuổi. Với kiểu tóc kỳ quái, gương mặt phụng phịu, dáng đi của một kẻ béo phì, chỉ cao 1m50, nhưng nặng đến 90 kí lô, Kim Jong Un trong mắt nhiều người từng bị coi là không khác một chú hề, sẽ sớm bị dẹp bỏ cùng như chế độ đàn áp của dòng họ Kim.
Nhưng 4 năm đã trôi qua, Kim Jong Un vẫn ở đấy, và cho thấy mình là một nhân vật đáng ngại như hai lãnh đạo cha, ông, lại còn nắm trong tay vũ khí nguyên tử. Tại các thủ đô lớn, không ai còn xem thường những lời đe dọa của Kim Jong Un. Nhân vật « Kim 3 » này đã trở thành một trong những tác nhân quan trọng ở Châu Á, nếu không muốn nói là trên thế giới. Tạp chí Mỹ Time vừa xếp Kim Jong Un vào số 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất hành tinh năm 2016.
Nhưng nhân vật còn sẽ hành hạ dân chúng Bắc Triều Tiên trong 40 năm hay 50 năm nữa, thật ra là con người như thế nào ? Phóng viên của L’Obs đã đến Seoul và Washington tìm hiểu nơi các chuyên gia về dòng họ Kim, và một số nhân vật Bắc Triều Tiên đã đào thoát được. Những câu trả lời rất đáng ngạc nhiên nhưng cũng rất đáng ngại, và gia đình Kim đã được thần thánh hóa qua tuyên truyền.
Kim Jong Un là con cưng của Kim Jong Il
Ra Jong Yil, người từng lãnh đạo tình báo Bắc Triều Tiên, nay ở Seoul, biết rất rõ dòng họ Kim và vị lãnh đạo trẻ hiện nay. Theo ông, Kim Jong Un là một người vô cùng thông minh, rất thích đối đầu, và không sợ gì cả. Từ nhỏ không ai áp đặt được khuôn phép nào trên người con thứ 3 này của dòng họ Kim, và nhân vật này luôn có được những gì ông muốn. Vì thế Kim Jong Un trở nên rất nguy hiểm. Tánh tình này đã khiến Kim Jong Un được cha ưa thích.
Bài viết trở lại thời thơ ấu của Kim Jong Un, giúp hiểu thêm tính khí của nhân vật này : Ngay từ nhỏ, Kim Jong Un bị tiểu đường và áp huyết cao như Kim Jong Il, sống tách biệt với mọi người. Đầu thập niên 1990, Kim Jong Un được gởi sang Châu Âu ; học tiểu học và trung học trong những trường rất sang như gần thủ đô Berne, Thụy Sĩ, và ở đấy Kim Jong Un nói tiếng Pháp và Anh thành thạo, sống dưới tên giả trong một căn hộ 2 tầng, và hầu như không đi ra ngoài. Trên danh nghĩa, ông có hai người thân, người dì và ông cậu, làm giám hộ, trong khi người mẹ thường đi Paris để chữa bệnh ung thư.
Năm 1998, hai người cậu và dì nói trên sang sống lưu vong ở Hoa Kỳ và thay đổi họ tên. Họ rất sợ tính tình khó lường của Kim Jong Un. Một người khác sẽ lo cho Jong Un ở Thụy Sĩ, đó là đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc, Ri Su Yong, người đã che giấu tài sản của dòng họ Kim ở phương Tây và cung cấp xa xỉ phẩm, rượu ngoại cho Kim Jong Il. Giữa Kim Jong Un và ông Ri Su Yong quả là đã có một sự tin cậy nào đó, khác hẳn với những người trước đó
Năm 2008, Kim Jong Un, 25 tuổi, được ra trước ánh sáng , trở nên người thừa kế chính thức của Kim Jong Il, và từ đấy bao nhiêu truyền thuyết được thêu dệt, nào là Jong Un mới 3 tuổi đã biết lái xe, nào là đã viết luận án về chiến lược quân sự, nào là được sinh ra dưới chân núi thiêng Paeku…
Người ta còn đưa tin Jong Un đi sửa mặt để giống người ông Kim Nhật Thành, tập đi, tập nói như ông. Kim Jong Un cũng bị buộc phải lấy vợ. Tất cả để xây dựng hình ảnh một lãnh đạo xứng đáng, tài ba.
Theo L’Obs, những người ngoài tiếp cận với Kim Jong Un đều ngạc nhiên trước sự tự tin của « Kim 3 » ở vị trí lãnh đạo cho dù còn thiếu kinh nghiệm.
Trong một năm Kim Jong Un đã làm quen với chính trường và công việc lãnh đạo dưới sự hướng dẫn của người mà Kim Jong Il đã chỉ định trước khi qua đời : ông Jang Song Thaek, người dượng của Kim Jong Un. Tuy nhiên Jang Song Thaek đã bị Kim Jong Un đưa ra hành quyết tháng 12/2013 để thị uy. Nhân vật này có lẽ đã phạm sai lầm là xem thường người mà ông hướng dẫn : Ông đã công khai cười nhạo sự thiếu kinh nghiệm của Kim Jong Un.
Theo ông Ra Jong Yil, cựu trùm gián điệp nói trên, Kim Jong Un từ lâu rất ghét ông Jang Song Thaek, người thời Kim Jong Il còn sống thường tổ chức những buổi « gặp mặt » cho lãnh tụ Băc Triều Tiên với những phụ nữ xinh đẹp và trước mặt bà mẹ của Kim Jong Un.
Kết luận quá trình tìm hiểu về lãnh đạo trẻ Bắc Triều Tiên, phóng viên của L’Obs tỏ ý băn khoăn : Chắc chắn là Kim Jong Un sẽ ‘trị vì’ hàng chục năm nữa, cho nên Bắc Triều Tiên sẽ đi về đâu ? Không kể giới cán bộ cấp cao được Kim Jong Un ưu đãi, có nhà với hồ bơi, xe hơi… thì chỉ có 1/4 người Bắc Triều Tiên có thể sống tạm với đồng lương của chính phủ, phần còn lại nhờ vào chợ đen, kiếm sống chật vật, trong khi chương trình hạt nhân ngốn tiền kinh khủng.
Một số người lạc quan cho là tình hình sẽ bớt gay go, sẽ có cải tổ để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống dân chúng dưới thời đại « Kim 3 », nhưng cũng có người e ngại phiêu lưu quân sự, đối đầu với Hàn Quốc và Hoa Kỳ. L’Obs cũng chú ý đến mối quan hệ Paris – Bình Nhưỡng. Cùng với Tallin, Paris là thủ đô châu Âu không mở đại sứ quán ở Bình Nhưỡng, trong lúc đó ngành y tế Pháp rất được chế độ Bình Nhưỡng xem trọng : Mẹ của Kim Jong Un được chữa trị ung thư ở Viện Gustave-Roussy, thành phố Villejuif, ngoại ô Paris và đã chết tại đấy năm 2004. Giáo sư François Xavier Roux, bệnh viện Saint-Anne đã chăm sóc cho ông Kim Jong Il năm 2008, giáo sư Bernard Debré cũng đã phẩu thuật cho nhiều viên chức cao cấp Bắc Triều Tiên.
Philippines: Abu Sayyaf, kinh doanh con tin và Daech
Về tình hình Đông Nam Á, không hẹn mà gặp, tuần báo Courrier International và L’Obs đều chú ý đến nhóm Hồi Giáo cực đoan Abu Sayyaf tại miền Nam Philippines. Nếu Courrier International tập trung chú ý đến khía cạnh « kinh doanh con tin » của nhóm thánh chiến nổi tiếng khát máu này, thì L’Obs quan tâm đến chuyển biến của Abu Sayyaf « từ việc kinh doanh con tin đến tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ».
Courrier International đã lấy lại một bài phân tích gần đây trên báo Kompas xuất bản tại Jakarta, nêu bật cách một nhà trí thức Hồi Giáo Indonesia giải mã phương thức hoạt động của những kẻ bắt cóc sống trong rừng rậm trên vùng quần đảo Sulu, mà tôi ác ghê rợn nhất mới đây nhất là vụ chặt đầu một công dân Canada ngày 25/04/2016. Nhóm này ngày 01/05 vừa qua đã trả tự do cho 10 thủy thủ Indonesia, nhưng hiện vẫn giữ trong tay 3 con tin phương Tây và một người Philippines.
Theo ghi nhận của tuần báo Pháp, Abu Sayyaf thoạt đầu là một nhóm ly khai từ lực lượng võ trang của Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Moro của người Hồi Giáo trên đảo Mindanao, miền nam Philippines. Lúc mới thành lập, Abu Syyaf còn là những thành phần đấu tranh cho lý tưởng thành lập một nhà nước Hồi Giáo độc lập.
Thế nhưng dần dà, nhóm này đã tản mát ra, và một số đã chọn con đường làm thổ phỉ hay hải tặc, bắt cóc con tin đòi tiền chuộc để làm kế sinh nhai. Họ không hề có một tổ chức chặt chẽ, chỉ là những nhóm lẻ tẻ, tự ý hành động không cần phối hợp với nhau.
Các hành vi bắt cóc con tin của nhóm này cũng vậy : Một thủ lĩnh nào đó quyết định bắt cóc một người, sau đó bán lại con tin này cho một nhóm khác có thế lực hơn, có khả năng đàm phán tiền chuộc mạnh hơn. Và cứ như thế cho đến khi con tin lọt vào tay một thủ lãnh hay một nhóm có năng lực đàm phán với các đại diện chính quyền để đòi tiền chuộc.
Và như vậy, theo Courrier International, Abu Sayyaf bị điểm mặt là thủ phạm bắt cóc cho dù không phải họ đích thân ra tay. Ngoài ra, một số thành phần không dính dáng gì đến nhóm này cũng đã mượn tên Abu Sayyaf để hành sự, trong lúc chính quyền Philippines cũng dùng tên này để chỉ các nhóm tội phạm khác có hành vi tương tự.
Thần phục Daech để vươn dậy
Gọi những vụ bắt cóc do cái gọi là Abu Sayyaf tiến hành là một hình thức kinh doanh không sai, vị như Courrier International nhận định, hầu như những vụ bắt con tin chỉ là để đòi tiền chuộc, chứ không kèm theo những đòi hỏi hay yêu sách nào khác thường thấy khi tác giả là những nhóm khác, như tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo – Daech – chẳng hạn.
Khía cạnh « kinh doanh con tin » của nhóm Abu Sayyaf cũng được tuần báo L’Obs nêu lên, nhưng tuần báo này đã nêu bật một yếu tố mới đáng sợ trong vụ chặt đầu con tin Canada Ridsdel John : Đó là vụ giết người này đã được dàn dựng, quay video rồi tung lên mạng, giống như những gì tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Irak và Syria đã làm.
Theo tuần báo L’Obs, với vụ hạ sát con tin Canada này, nhóm Abu Sayyaf có vẻ như đưa ra bằng chứng cụ thể về việc họ đã thần phục Daech, điều đã được một lãnh tụ của Abu Sayyaf là Abu Bakr Al Baghdadi tuyên bố vào tháng 06/2014. Wassim Nasr, nhà báo của đài truyền hình Pháp France24, đã so sánh hành vi này với việc nhóm Boko Haram tại Nigeria đã làm vào tháng 03/2015, khi tuyên bố thần phục tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Đối với L’Obs, hiện đang trong tình trạng bị suy yếu, chỉ còn khoảng vài trăm chiến binh, Abu Sayyaf như muốn dựa trên nhãn hiệu Daech để chiêu binh mãi mã. Dấu hiệu cho thấy sự xích lại gần nhau kể trên đang khiến Manila quan ngại : Từ năm 2014, chính quyền Philippines đã tránh gợi lên sự xích lại gần nhau giữa hai Abu Sayyaf và Daech, mà chỉ nhấn mạnh đến các hoạt động tội phạm của Abu Sayyaf.
Anh Quốc rời khỏi Châu Âu, một cơn ác mộng ?
Ngày 23/06, nước Anh sẽ tổ chức trưng cầu dân ý, hỏi ý kiến người dân muốn ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu hay ra đi. Tạp chí Le Point, chưa gì đã nghĩ đến kết quả xấu nhất cho Châu Âu trong dòng tựa trang bìa : « Châu Âu không có dân Anh » và dành hơn một chục trang nêu lên những tác động đồng thời điểm lại mối quan hệ phức tạp Anh Pháp.
Le Point ghi nhận dù kết quả thế nào thì cuộc trưng cầu dân ý ở Anh cũng đánh dấu một khúc quanh đối với châu Âu. Nước Anh rời khỏi, như đánh giá của cựu tổng thống Pháp Giscard d’Estaing trả lời tạp chí : Hình ảnh châu Âu sẽ xấu đi nhiều, uy tín quốc tế cũng vậy.
Nước Anh có ở lại sau khi áp đặt được một số điều kiện, Le Point nhìn thấy đó là tấm gương cho những nước còn lại, cho họ thấy là với những mánh khóe thì cuối cùng cũng đạt mục tiêu.
Trước những tác đông như thế, Le Point tỏ vẻ bực mình trước sự im lặng của các lãnh đạo châu Âu đương nhiệm, từ ông Jean-Claude Juncker, chủ tich Ủy Ban Châu Âu, đến thủ tướng Đức Angela Merkel, tổng thống Pháp Hollande, đều không nói năng gì cả.
Các nghị sĩ Châu Âu muốn thảo luận về sự kiện này, mời thủ tướng Anh đến giải thích thì cũng không được. Nếu ai trong chính quyền, như bộ trưởng kinh tế Pháp, có ‘lỡ lời’ nói đến hậu quả của sự kiện thì được nhắc nhở là phải ngậm miệng ngay. Lý do đưa ra giải thích sự im lặng kỳ quặc này, theo Le Point, là để không ảnh hưởng và gây lo ngại cho cử tri Anh.
Rốt cuộc, Le Point một cách mỉa mai nhìn thấy chỉ có một lãnh đạo năng động, như đo lường được tầm vóc sự kiên ảnh hưởng đến cả châu Âu, đó là tổng thống Mỹ Obama. Trong chuyến đi châu Âu tháng Tư, khi ghé Anh Quốc, ông Obama đã cánh báo người Anh là lá phiếu của họ có ảnh hưởng quyết đinh về tương lai, không chỉ cho nước Anh mà cho cả lục địa châu Âu. Trong trường hợp ra khỏi châu Âu thì nước Mỹ sẽ không nhân nhượng gì với Anh.
Courrier International cũng quan tâm đến kết cục trên của cuộc bỏ phiếu 23/06 tại Anh, trích nhận định của báo Anh Financial Times, được tóm gọn trong hàng tựa : « Trưng cầu dân ý, cơn ác mộng của ngày hôm sau ».
Financial Times giả tưởng cảnh điều gì xẩy ra ngày hôm sau, tức 24/06 : thủ tướng Cameron, tinh thần sụp đổ, ra đúng trước phủ thủ tướng tuyên bố ông tôn trọng phán quyết của dân chúng. Không khí khủng hoảng thêm nặng nề vì các thị trường chứng khoán khắp châu Âu cũng sụp đổ. Trong những ngày sau đó thì đảng bảo thủ của ông Cameron sẽ xâu xé nhau, thủ tướng mất hết tín nhiệm sẽ phải từ chức. Người thay thế ông Cameron là tân chủ tịch đảng Boris Johnson, người đã vận động cho việc ra khỏi châu Âu.
Nước Anh, còn có đối tác, bạn bè nữa hay không ? Ra khỏi châu Âu thì Anh phải thương lượng một thỏa thuận thương mại mới với châu Âu. Con đường xem qua không dễ.
Bài báo mô tả hành trình của tân thủ tướng quyết định đến Đức thuyết phục bà Angela Merkel. Đương nhiên ông được đón tiếp nồng hậu, thủ tướng Đức lấy làm tiếc cho nước Anh nhưng hứa sẽ nổ lực để nước Anh được một thỏa thuận công bằng. Nhưng ngày này sang ngày nọ, không tin tức gì và cuối cùng điện thoại cũng reo lên : bà Angela Merkel trả lời nhưng lấy làm tiếc : Anh không thể tiếp cận thị trường duy nhất mà không chấp nhận quyền tự do đi lai của người lao động : Ủy Ban Châu Âu phản đối vì không hợp pháp, Pháp không đồng ý, Nghị Viện Châu Âu cũng vậy…thủ tướng Anh sắp sửa gác máy tìm một cốc rượu mạnh thì bà Markel nói tiếp : « cũng có một biện pháp đấy …ông có chấp nhận đón 200.000 người tị nạn Syria hay không ? ».
Có nên xây lại thành phố cổ Palmyra ?
Về Syria, tạp chí Courrier International, không quan tâm đến chiến cuộc, mà đến một cuộc tranh cãi không kém phần gây gắt, đó là có nên tái thiết thành phố cổ Palmyra hay không ?
Thành phố được xếp vào di sản thế giới của Unessco đã bị quân thánh chiến phá một phần khi họ chiếm đóng nơi này. Tương lai Palmyra đang là chủ đề tranh cãi trong giới khảo cổ – xây lại hay không. Courrier trích nhận định trên tờ báo Anh The Gardian
Bài báo bắt đầu bằng ghi nhận hóm hỉnh : Palmyra vừa được cứu khỏi tay quân thánh chiến, bụi sa mạc vừa lắng xuống, thì những “đám quân khác” đã ồ ạt đổ xuống đây. Đó là những nhà khảo cổ học đi tìm giải đáp cho một số câu hỏi : phục hồi như thế nào, và những phần nào bị phá, phương tiện ra sao, ai phụ trách ? Palmyra thuộc về thế giới hay về Syria.
Tổng giám đốc đặc trách Bảo Tàng và Cổ Vật Syria, Maamoun Abdulkarim, rất muốn xây lại thành phố mà ông yêu mến. Nga đã so sánh việc tái thiết Palmyra với việc xây dựng lại Leningrad sau Đệ Nhị Thế chiến, ở Ý, cựu bộ trưởng văn hóa Francesco Rutelli thấy có thể sử dụng phương thức 3D để xây dựng lại những đền thờ đổ nát. Trong lãnh vực tư nhân, nhiều công ty cũng đề nghị tham gia.
Đối với họ, trả lại sự hoành tráng cho thành phố cổ này là điều nên làm. Với phương tiện hiện đại có thể thực hiện kỳ công. Tuy nhiên chỉ có điều là những kỳ công này chỉ là bản sao chép, thiếu tính “thực”. Nhưng đấy phải chăng là điều quan trọng ? Hiển nhiên đối với xu hướng muốn tái thiết lại thì là không.
Nhưng hiện nay cũng có lô gíc khác về di sản, đó là giữ nguyên trạng những gì bị phá vỡ, để gìn giữ cho ký ức. Và mặt khác còn quan điểm là phải giữ tính “thực” của di sản, và như thế không nên tái thiết Palmyra, không nên làm « một bản sao chép của quá khứ oanh liệt » phải tôn trọng và gìn giữ những gì còn lại.
Những người theo xu hướng trên nhắc lại là Palmyra trước khi bị Daech phá hủy chỉ được ít người biết đến như giới khảo cổ, chuyên gia, sử gia…, nhưng bây giờ nổi tiếng khắp thế giới. Và cũng như những di tích cổ khác, Palmyra không còn nguyên vẹn trước khi bị Daech phá hủy thêm.
Tính chất thực, chất thơ, chất gây xúc động của các di tích cổ nằm trong những vết hằn mà thời gian, thiên nhiên và lịch sử để lại. Di tích của quá khứ dễ gây xúc động, luôn có gía trị hơn, dù cho có đổ nát, là một bản sao chép ít nhiều trung thành với bản gốc. Theo xu hướng không xây lại Palmyra này, thì sự tàn bạo của quân thánh chiến Daech là một thực tế, và là một phần của lịch sử Palmyra cần được gìn giữ cho ký ức.
Mai Vân
Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160507-bac-trieu-tien-kim-jong-un-la-nguoi-nhu-the-nao