Tin khắp nơi – 07/05/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Syria: gia hạn lệnh ngừng bắn ở Aleppo

Một lệnh ngừng bắn tại thành phố Aleppo của Syria được gia hạn thêm ba ngày để “ngăn chặn tình hình xấu đi”, Bộ Quốc phòng Nga nói.

Hôm thứ Tư, 4/5/2016, quân đội Syria tuyên bố lệnh ngừng bắn trong hai ngày sau hai tuần giao tranh khiến 300 dân thường thiệt mạng.

Các cửa hàng đã mở cửa trở lại và cư dân dễ thở hơn. Chúng tôi không còn nghe tiếng nã pháo và nổ bom quen thuộc nữa. Đã quá đủ cho việc giết chóc thường ngày diễn ra trong suốt mười ngày quaSameh Tutunji

Lệnh ngừng bắn này là một phần của nỗ lực quốc tế nhằm xây dựng lệnh đình chiến quy mô rộng tại Syria bắt đầu vào tháng Hai.

Nga ủng hộ đồng minh là chính phủ Syria bằng việc triển khai các cuộc không kích từ tháng 9 năm 2015.

Thành phố Aleppo ở phía Tây Bắc đất nước là trung tâm công nghiệp và tài chính của Syria khi cuộc nội chiến kéo dài 5 năm nổ ra.

Bạo lực gần đây tại Aleppo đang trong giai đoạn tồi tệ nhất của xung đột kéo dài hơn một năm.

Tin tức cho thấy lệnh ngừng bắn ngắn hạn này mang lại một khoảng thời gian để tạm nghỉ cho cư dân Aleppo.

‘Dân dễ thở hơn’

Một người trong số đó, thương nhân Sameh Tutunji, nói với hãng thông tấn Reuter:

“Các cửa hàng đã mở cửa trở lại và cư dân dễ thở hơn”.

“Chúng tôi không còn nghe tiếng nã pháo và nổ bom quen thuộc nữa. Đã quá đủ cho việc giết chóc thường ngày diễn ra trong suốt mười ngày qua”.

Tuy nhiên, truyền thông và phát thanh trong nước nói đã có một người chết vì đạn pháo của quân nổi loạn vào tối thứ Tư.

Lệnh đình chiến trên phạm vi quốc gia tại Syria được Nga và Mỹ, các bên trung gian ủng hộ các phía đối lập, đứng ra thương thuyết từ tháng Hai.

Lệnh đình chiến này chuẩn bị sụp đổ.

Vào thứ Tư, Nga đã rút 30 phi cơ khỏi căn cứ không quân tại Syria, bao gồm tất cả máy bay Su-25 đối đất.

Quân đội Nga bắt đầu rút phần lớn lực lượng khỏi Syria từ tháng Ba, sáu tháng sau khi triển khai chiến dịch không kích yểm trợ cho Tổng thống Bashar al-Assad.

Ở phía Nam thành phố Aleppo, chiến sự vẫn tiếp diễn giữa quân đội Syria và lực lượng nổi dậy, trong đó có al-Nusra Front là một nhánh của al-Qaeda.

Lực lượng này không được bao gồm trong lệnh ngừng bắn.

Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/05/160507_aleppo_ceasefire_extended

 

Philippines chuẩn bị bước vào bầu cử

Người dân và cử tri Philippines tập hợp ở thủ đô Manila, Philippines trong các cuộc vận động bầu cử cuối cùng trước thềm cuộc bỏ phiếu diễn ra vào ngày thứ Hai.

Ứng viên dẫn đầu cho chức tổng thống là thị trưởng Rodrigo “Digong” Duterte năm nay 71 tuổi, người được so sánh phong cách ‘nói thẳng’, ‘nói bạo’ với ứng viên đảng cộng hòa, ông Donald Trump của Mỹ.

Tuy nhiên, Tổng thổng đương nhiệm, ông Benigno Aquino, đang kêu gọi các ứng viên khác đoàn kết lại để đánh bại ông Duterte.

Vào thứ Hai tới, người dân Philippines sẽ đi bỏ phiếu chọn ra tổng thống mới với nhiệm kỳ 6 năm, cùng với các vị trí Phó Tổng thống, các ghế của 12 Thượng nghị sĩ và nhiều quan chức địa phương khác.

Hơn 54 triệu người đã đăng ký đi bầu cử tại đảo quốc là một quần đảo với khoảng 7.000 hòn đảo này.

Ông Rodrigo Duterte có biệt danh là “kẻ trừng phạt” vì khuynh hướng chống tội phạm cứng rắn.

Ông hứa sẽ loại trừ tội phạm và tham nhũng trong vài tháng, nếu trúng cử.

‘Sặc mùi thất bại’

Tuy nhiên, phong cách phát ngôn bộc trực và việc bỏ qua quy phép chính trị khiến dư luận so sánh ông Duterte với ứng viên Đảng Cộng hòa người Mỹ, ông Donald Trump.

Gần đây, Thị trưởng Duterte đã phải đưa ra lời xin lỗi vì một lời nói đùa ‘khó hiểu’ gây xôn xao dư luận khi ông nói lẽ ra đầu tiên ông ta đã phải ‘cưỡng bức một người truyền giáo Úc bị mưu sát trong một cuộc bạo loạn nhà tù’.

Tổng thống đương nhiệm Aquino kêu gọi các đối thủ của ông Duterte phối hợp chiến dịch tranh cử nhằm ‘thống nhất’ phiếu bầu.

Tuy nhiên, các ứng viên gồm Grace Poe, Jejomar Binay và Miriam Defensor-Santiago đã từ chối rút lui.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Duterte nói nỗ lực hình thành liên minh chống lại ông “sặc mùi thất bại”.

Trong kỳ bầu cử này, những vấn đề nổi cộm là kinh tế, tội phạm, tham nhũng, nghèo đói và tranh chấp giữa Philippines với Trung Quốc trên biển Đông mà Manila gọi là Biển Tây của Philippines.

Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/05/160507_philippines_election_rallies

 

Tân thị trưởng London là người Hồi giáo

Ông Sadiq Khan, 45 tuổi, trở thành thị trưởng đầu tiên của London là người Hồi giáo.

Cựu dân biểu đảng Lao động Anh sinh ra trong gia đình gốc Pakistan ở Nam London, ông Khan thắng ứng viên đảng Bảo thủ Zac Goldsmith để trở thành thị trưởng thứ ba của thủ đô Anh Quốc.

Ông Khan nhận được 1.310.143 phiếu trong lúc ông Goldsmith chỉ được 994.614 phiếu.

Chiến thắng của ông Khan kết thúc tám năm kiểm soát City Hall của đảng Bảo thủ. Cựu dân biểu đảng Lao động trở thành thị trưởng thứ ba của London sau khi Ken Livingstone và Boris Johnson.

Trong bài phát biểu mừng chiến thắng, ông Khan đề cập đến xuất thân khiêm nhường của mình và cho biết ông chưa bao giờ mường tượng được rằng “một người như tôi có thể được bầu làm thị trưởng London,” và hứa hẹn là một thị trưởng “vì tất cả người dân London”.

Ông nói chiến dịch tranh cử không phải là không có những tranh cãi, nhưng nói thêm rằng “tôi tự hào khi London hôm nay chọn hi vọng thay vì sự hãi”.

Lãnh đạo đảng Lao động Jeremy Corbyn gửi lời chúc mừng trên Twitter bằng cách dùng hashtag YesWeKhan và nhắn với tân thị trưởng: “Tôi nóng lòng chờ thời điểm hợp tác với ông để tạo nên một London công bằng cho tất cả”.

Tân thị trưởng sinh ra trong gia đình nhập cư từ Pakistan có đến tám người con. Bố ông là một tài xế xe buýt và mẹ là thợ may, ở khu Nam London.

Một số người đặt dấu hỏi liệu ông có kinh nghiệm cần thiết cho vị trí thị trưởng.

Ông khẳng định mình muốn nắm vị trí này để đại diện cho tất cả người dân London và để giải quyết tình trạng bất bình đẳng ở thủ đô Anh Quốc, và bây giờ ông có cơ hội chứng minh điều đó.

Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/05/160507_sadiq_khan_london_mayor

 

Cháy rừng Canada ngăn đoàn sơ tán

Đoàn xe hộ tống người sơ tán khỏi thành phố Fort McMurray, Canada, đã bị đám cháy rừng với ngọn lửa cao đến 60 mét ngăn lại, các quan chức cho hay.

Đoàn xe cảnh sát hộ tống 1.500 xe dự định đi qua phía nam thành phố nhưng phải dừng lại trong một giờ.

Nhiều khu vực trong thành phố ở tỉnh Alberta đã bị phá hủy sau khi vụ cháy rừng lớn xảy ra hồi đầu tuần này.

Các quan chức cho biết phải mất bốn ngày để sơ tán tất cả cư dân bị ảnh hưởng.

“Chúng tôi phải dừng lại do khói dày đặc”, cảnh sát Jack Poitras nói. “Lửa bốc cao khoảng 30 đến 60 mét ở hai bên đường như vậy quả là không an toàn.”

Hàng vạn người đã rời Fort McMurray, trong lúc có dự báo đám cháy có thể lan rộng gấp đôi cuối ngày thứ Bảy 7/5.

Thành phố Fort McMurray là thủ phủ sản xuất dầu của Canada và có quan ngại rằng các khu vực cát dầu có thể phát nổ.

Phóng viên BBC James Cook đang có mặt tại Alberta cho hay:

Đến trưa thứ Sáu 6/5, hai nhánh đường từ quốc lộ đều có lửa cháy ở bên đường.

Bầu trời đầy khói xám, ngọn lửa hung hãn tấn công cả những cây thông cao nhất.

Chưa có báo cáo về thương vong nhưng cư dân khó có thể sống sót nếu không sơ tán khỏi Fort McMurray.

Nhân viên cứu hộ đang kiểm tra trường hợp những người vô gia cư bị bỏ lại phía sau.

Ngoài ra còn có mối quan ngại về các nhà máy dầu, nhất là gần khu vực khai thác dầu Long Lake.

Thông cáo của Thủ tướng Canada Justin Trudeau kêu gọi người dân quyên góp cho các tổ chức từ thiện đang nỗ lực cứu trợ.

“Tôi một lần nữa cảm ơn những người đang cố gắng không mệt mỏi, suốt ngày đêm để chiến đấu với đám cháy rừng”, ông Trudeau nói.

“Tôi muốn nói với những người bị ảnh hưởng: chúng ta là những người kiên cường và sẽ vượt qua thời khắc khó khăn này cùng nhau.”

Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/05/160507_canadian_wildfire_disrupts_evacuation

 

Loại trà gì ở Trung Quốc đắt hơn vàng?

Những bụi cây cổ thụ Đại Hồng Bào ở Trung Quốc cho ra một trong những loại trà đắt nhất thế giới với giá bằng hơn 30 lần trọng lượng của nó tính theo giá vàng.

Năm 2002 một người giàu đã chi 180.000 nhân dân tệ (khoảng 28.000 USD) chỉ để mua 20g trà Đại Hồng Bào huyền thoại này. Ngay cả trong một nền văn hóa đề cao uống trà như một dạng nghệ thuật trong khoảng 1.500 năm thì giá mua đó cũng gây ngạc nhiên.

Đại Hồng Bào gốc không chỉ có giá tính theo trọng lượng vàng mà hơn 30 lần trọng lượng của nó tính theo giá vàng, tức là gần 1.400 USD cho 1 gram, hoặc là trên 10.000 USD một ấm trà. Đây là thứ trà đắt nhất thế giới.

“Nó trông như người ăn mày nhưng đáng giá như hoàng đế và có trái tim Đức Phật,” Xiao Hui, một người chế biến trà ở Vũ Di Sơn, một thị trấn mù sương bên sông thuộc tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, nói.

Bà đưa tôi xem các lá trà Đại Hồng Bào màu đen, quấn rối nhau, có vẻ chưa chế biến xong từ vườn gia đình bà ở Vũ Di Sơn. Bà và gia đình là những người sản xuất trà gia truyền, mùa xuân nào cũng lên núi thu lượm các búp thần trà (Lu Yu).

Địa hình đá vôi của Vũ Di Sơn vốn nổi tiếng về trà qua nhiều thế kỷ. Nước mưa chảy dọc theo các hẻm và giữa các đỉnh núi đá vôi, gây ngập tràn các con ngòi hẹp vùng núi và đổ ào qua thác, có nhiều khoáng chất làm tăng hương vị cho trà. Ngày nay mọi cửa hàng trà ở Vũ Di Sơn đều có một bàn nếm trà theo nghi thức trà Kung Fu (của Trung Quốc gần giống nhất với nghi thức trà đạo của Nhật) và các kệ chứa đầy các chủng loại lá trà.

Khi tới Vũ Di Sơn tôi ngạc nhiên phát hiện là trà Đại Hồng Bào lại không khó mua. Mặc dù loại trà cổ đã ướp lâu có thể có giá cực kỳ cao nhưng loại Đại Hồng Bào chất lượng phải chăng có thể chỉ khoảng 100 USD/kg ở Vũ Di Sơn. Nhưng trà Đại Hồng Bào thứ thiệt là được lấy từ một nhóm cây mẹ. Và chính những cây thủy tổ này là những cây sản sinh ra thứ trà hiếm hoi và được săn tìm.

“Trà Đại Hồng Bào chính hiệu là rất đắt vì các cây trà gốc tích còn tồn tại rất ít,” Xiangning Wu, nhà sành trà ở địa phương, giải thích. “Và những trà cổ xưa là rất giá trị, gần như vô giá.” Trong thực tế cũng rất hãn hữu có các nhà môi giới đi chu du thế giới hiếm hoi của những nhà siêu giàu thu gom trà để kết mối những người cần bán với những người muốn mua.

Nhưng không phải chỉ có người Trung Quốc đánh giá cao trà Đại Hồng Bào. Năm 1849 nhà thực vật học Anh Robert Fortune đã đến vùng núi Vũ Di Sơn trong một chuyến đi bí mật, nó là một phần của việc do thám nông công nghiệp mà công ty thuộc địa Đông Ấn Độ có thế mạnh thực hiện.

Khi đó người Anh, cũng như ngày nay, luôn ám ảnh vì trà, và Trung Quốc (cũng là nơi mà người Anh mua tơ lụa và đồ sứ) là nơi duy nhất có thể mua trà. Nhưng Anh quốc không cho rằng Trung Quốc muốn vậy và sẽ tạo ra thâm hụt mậu dịch lớn. Cách đương nhiên để giải quyết sự cân bằng thương mại là làm điều mà Công ty Đông Ấn Độ đã làm với các loại cây khác có giá trị, nghĩa là ăn cắp hạt giống (hoặc tốt hơn nữa là cắt cây) và trồng nó ở nơi khác. Nếu Anh có thể sản xuất trà của mình tại Ấn Độ thì sẽ bớt lệ thuộc vào Trung Quốc.

Nhưng Anh đã không làm được. Những hạt giống trà trước đó lấy được ở Quảng Đông không mọc thành cây và giống trà của Ấn Độ (khác với cây trà của Trung Quốc) không có hương vị mong muốn.

Thế là ông Fortune vào cuộc với mục đích tìm trà tốt nhất của Trung Quốc (Đại Hồng Bào) và học cách trồng nó. Và vì gần khắp Trung Quốc là đóng cửa với người nước ngoài, sẽ tử hình nếu vi phạm, nên việc trá hình là cần thiết. Fortune đã thuê một đầy tớ, cắt tóc mình, gắn vào một đuôi xam và lên tàu đi Vũ Di Sơn tìm Đại Hồng Bào.

Cũng như ngày nay, các vườn trà bám vòng trên sườn núi, tập trung vào những hẻm chật hẹp và treo leo trên các sườn núi dốc nhất. Như ngày nay, một vài bụi trà quý vắt vẻo trên thềm cao bó gạch của vách đá vôi cao chóng mặt trên đó có khắc 3 chữ Trung Quốc màu đỏ “Đại Hồng Bào”. Đại Hồng Bào là áo choàng đỏ mà một hoàng đế thần thoại nào đó đã tặng để tri ân cho việc chữa khỏi bệnh một cách kỳ diệu.

Fortune sống trong ngôi chùa Tianxin Yongle phía dưới vùng Đại Hồng Bào, và qua trao đổi cho vui câu chuyện (như là có phải loài khỉ hái búp trà hay không hoặc có phải gái đồng trinh pha trà mới ngon) nhà thực vật học đã có được hạt giống, cây giống và bí quyết trồng trà. Khi tới được Ấn Độ những hạt giống này, lai tạo với giống trà bản xứ Ấn Độ, đã tạo nên sự khởi đầu của một ngành công nghiệp mà nay đáng giá hàng tỷ đô la một năm.

Hoặc như Zhe Dao, sư thầy chùa Tianxin Yongle, nói với tôi “Ở thế kỷ 19, một người tìm giống trà đã tới và mang hạt giống đi. Nhưng người đó không biết chế biến trà nên cần các sư phụ trà để dạy bảo.

Chùa Tianxin Yongle được thành lập năm 827 SCN. Năm 1958, ở thời đại Mao, các sư bị đuổi ra khỏi chùa và họ đã mang theo bí quyết làm trà. Khi Zhe từ thành phố cổ Suzhou tới đây năm 1990, chùa vẻn vẹn chỉ còn là nhà ở của các nông dân.

“Thời ấy chỉ có một mình tôi,” Zhe giải thích. “Nay tôi đã có rất nhiều môn đồ và 5-6 năm trước, chúng tôi đã bắt đầu sản xuất trà.”

“Những cây cổ thụ Đại Hồng Bào nằm trên đất của chùa nhưng Zhe giành quyền quản lý cho nhà nước. Việc sản xuất bị kiểm soát chặt chẽ (một vài trăm gam thu hoạch được hàng năm từ những cây này là của nhà nước) và cho tới gần đây, những cây này liên tục có lính gác.

Tôi đi bộ qua vườn trồng rau của chùa, đi lên và dọc theo lối mòn trên núi chật hẹp và quanh co tới các cây cổ thụ Đại Hồng Bào.

Các cây trông tàn tạ và khẳng khiu. Tuổi ước đoán của cây có sai số lớn, mặc dù theo Fortune là 350 năm. Khó mà tưởng tượng được những bụi cây xơ xác lại có thể phát triển rộ.

Có vẻ như không thể. Vào mồng 1 tháng 5, ngay sau ngày thu hoạch trà bắt đầu, người ta sẽ trải thảm đỏ để bắt chước tặng phẩm của hoàng đế. Các phụ nữ đẹp mặc quần áo cổ truyền sẽ đi lên theo các bậc thang bám rêu và cử hành các nghi thức.

Nhưng sẽ không có việc hái trà. Những bụi cây quý giá và lâu đời này (lần hái trà cuối cùng vào năm 2005) chắc rằng không bao giờ tạo ra trà nữa. Có nghĩa là một vài gam mà các người thu gom đang âu yếm gìn giữ, hàng năm làm khô chúng để tăng hương vị, sẽ tăng giá trị hơn trước đây nhiều. Có lẽ sẽ tới lúc đắt như kim cương.

Theodora Sutcliffe

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel

Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2016/05/160507_the-pot-of-tea-that-costs-10000_vert_tra

 

Brazil : Thượng Viện được phép bỏ phiếu về thủ tục phế truất tổng thống

Một ủy ban của Thượng Viện Brazil ngày 06/05/2016 đã đề nghị đưa tổng thống Dilma Rousseff ra tòa trong khuôn khổ thủ tục phế truất có thể khiến bà bị mất chức vào tuần tới.

Ủy ban đặc biệt gồm 20 thành viên, trong đó 15 người bỏ phiếu thuận và 5 người bỏ chiếu chống. Nếu như đề nghị của ủy ban được phê duyệt như dự kiến tại phiên họp toàn thể vào thứ Tư 11/06, bà Rousseff, tái cử tổng thống vào năm 2014, sẽ bị đình chỉ chức vụ.

Theo Reuters, cơ hội để tổng thống Brazil tiếp tục giữ quyền ngày càng mong manh dù thủ tục phế truất còn phải chờ được 2/3 nghị sĩ Thượng Viện thông qua. Theo các cuộc thăm dò của báo chí địa phương, phe đối lập sẽ đạt được chừng 50 trên tổng số 54 phiếu cần thiết để thông qua thủ tục phế truất. Khoảng 10 thượng nghị sĩ chưa đưa ra ý kiến nhưng đa số có thể nghiêng về hướng ủng hộ việc tổng thống Brazil phải ra đi.

Trong trường hợp bà Rousseff bị đình chỉ chức vụ, phó tổng thống Michel Temer sẽ lên giữ quyền tổng thống cho tới năm 2018.

Trước đó, ngày 17/04, các đại biểu quốc hội Brasil đã phê chuẩn, với đa số phiếu, thủ tục phế truất tổng thống. Phản ứng trước quyết định của Quốc Hội, bà Rousseff phát biểu : « Tôi sẽ chống tới cùng » và cho rằng đây là « một cú đảo chính ».

Những người ủng hộ bà Dilma Rousseff tại ủy ban Thượng Viện đã yêu cầu hủy bỏ thủ tục phế truất tổng thống vì chủ tịch Hạ Viện, ông Eduardo Cunha, người khởi xướng quá trình này vào năm 2015, cũng mới bị Tòa án Tối cao bãi nhiệm vào thứ Năm 05/05 vì bị nghi ngờ dính líu vào một vụ tham nhũng.

Hiện nay, Tòa án Tối cao đã bác bỏ mọi yêu cầu của chính phủ đòi hủy thủ tục phế truất bà Dilma Rousseff.

Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160507-brazil-thuong-vien-duoc-phep-bo-phieu-ve-thu-tuc-phe-truat-tong-thong

 

Trung Quốc chi 1 tỉ đô la cho Liên Hiệp Quốc

Ngày 06/05/2016, Trung Quốc đã kí với Liên Hiệp Quốc một thỏa thuận theo đó Bắc Kinh sẽ trích 1 tỉ đô la từ ngân sách quốc gia để giúp tổ chức quốc tế này trong các nhiệm vụ hòa bình, an ninh và phát triển.

Theo thỏa thuận, trong 10 năm tới đây, Bắc Kinh sẽ chi ra 200 triệu đô la, trong đó một nửa sẽ được dùng trong các dự án liên quan đến hòa bình và an ninh, nửa còn lại sẽ dành cho phát triển. Tuy nhiên, Trung Quốc không nói rõ đến khi nào nước này mới rót nốt khoản tiền 800 triệu đô la còn lại.

Nhân khóa họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 09/2015, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thông báo về khoản chi khổng lồ này. Ông cũng hứa sẽ cung cấp 8.000 lính mũ xanh Trung Quốc cho các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.

Tuyên bố này của chủ tịch Trung Quốc được đánh giá như một minh chứng cho mong muốn khẳng định vị thế của nước này trên trường quốc tế.

Về phần mình, tổng thư kí Liên Hiệp Quốc, Ban Ki Moon tuyên bố « vô cùng biết ơn về sự đóng góp hào hiệp này cho Liên Hiệp Quốc ». Ông cho rằng sự đóng góp này chứng tỏ « cam kết chắc chắn » của Trung Quốc trong việc thực hiện các mục tiêu và thúc đẩy hoạt động của Liên Hiệp Quốc.

Phương Nga

Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160507-trung-quoc-chi-1-ti-do-la-cho-lien-hiep-quoc

 

Bắc Triều Tiên tổ chức Đại hội Đảng nhưng không mời Trung Quốc

Lần đầu tiên từ 36 năm nay, Đảng Lao Động Triều Tiên, tức là đảng Cộng Sản Bắc Triều Tiên đã khai mạc Đại Hội lần thứ 7 hôm 06/05/2016. Đây là dịp để lãnh đạo Kim Jong Un khẳng định vị thế tối cao của mình.

Báo chí quốc tế cũng đã được mời tới để đưa tin về sự kiện nhưng không có một nhà lãnh đạo nước ngoài nào được mời tham dự. Ngay cả Trung Quốc, một trong số các đồng mình thân cận nhất của Bắc Triều Tiên, cũng không nhận được thư mời.

Từ Thượng Hải, thông tín viên RFI Angélique Forget giải thích :

« Theo báo chí chính thức của Trung Quốc, Bắc Kinh vắng mặt trong Đại Hội lần thứ 7 của Đảng Lao Động Bắc Triều Tiên, đơn giản là vì nước này đã không được mời. Bắc Kinh cũng cho rằng điều đó hết sức bình thường bởi lẽ trong hội nghị này người ta bàn về các vấn đề nội bộ của đất nước.

Nhưng « sự lãng quên » này của Bình Nhưỡng cũng phản ánh một điều, đó là quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đang dần thay đổi.

Nhân Đại Hội Đảng Lao Động Triều Tiên gần đây nhất vào năm 1980, một phái đoàn rất đông đại biểu Trung Quốc đã được Bình Nhưỡng đón tiếp trọng thể. Mới đây, vào tháng 10 năm ngoái, nhân kỉ niệm 70 năm thành lập Đảng Lao Động Triều Tiên, một quan chức cao cấp của Trung Quốc vẫn còn sát cánh bên cạnh vị chủ tịch Kim Jong Un.

Nhưng những vụ thử nguyên tử và bắn thử tên lửa mới đây của Bình Nhưỡng đã khiến Bắc Kinh bực tức. Mặc dù hai nước vẫn duy trì hiệp ước hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau được kí kết vào năm 1961, bản thân Trung Quốc đã áp dụng chính sách trừng phạt mà Liên Hiệp Quốc kêu gọi áp dụng đối với Bắc Triều Tiên.

Bởi vậy, khi không mời Bắc Kinh đến tham dự Đại Hội Đảng, rất có thể là Bình Nhưỡng muốn bày tỏ thái độ không hài lòng của mình. Dù gì đi chăng nữa, trên báo chí chính thức, người ta vẫn đọc thấy dòng chữ : Không bao giờ Trung Quốc lại trở thành một lực lượng đối đầu với Bắc Triều Tiên ».

Phương Nga

Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160507-bac-trieu-tien-to-chuc-dai-hoi-dang-nhung-khong-moi-trung-quoc

 

Bầu cử tổng thống Philippines : Aquino kêu gọi hợp sức chống Duterte

Cuộc vận động bầu cử tổng thống Philippines kết thúc ngày 07/05/2016 với nhiều triển vọng cho ứng cử viên Rodrigo Duterte. Tuy nhiên, lời kêu gọi mới nhất của tổng thống sắp mãn nhiệm Benigno Aquino đã thêm phần kịch tính cho cuộc bầu cử vào ngày 09/05.

Trong ngày 06/05, ông Aquino đã kêu gọi các ứng viên hợp lực với nhau để ngăn ứng viên Duterte, được cho là « phiên bản Trump ở phương Đông », đang trên đà thắng thế trong cuộc bầu cử vào thứ Hai 09/05.

Nền chính trị của Philippines quen với những chủ đề gây tranh cãi, nhất là ông Duterte mới đây đưa ra quan điểm ủng hộ việc giết hàng ngàn tội phạm.

Cả năm ứng cử viên cho chức tổng thống Philippines đều có các cuộc vận động vào ngày 07/05. Theo thăm dò dư luận, ông Duterte dẫn đầu, hơn 11 điểm so với người ở vị trí thứ hai là bà Grace Poe.

Ông Duterte, 71 tuổi, với khả năng hùng biện và những phát biểu được cho là « mị dân thô tục » đã giúp ông thắng thế trong những đợt vận động vừa qua.

Khánh Bình

Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160507-bau-cu-tong-thong-philippines-aquino-keu-goi-hop-suc-chong-duterte

 

Tranh chấp lãnh thổ Nga-Nhật nổi bật nhân cuộc gặp Abe-Putin

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 06/05/2016 tại thành phố Sotchi, bên bờ Hắc Hải. Trong cuộc tiếp xúc đầu tiên kể từ tháng 02/2014, nhân lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông, lãnh đạo hai nước đã trao đổi nhiều chủ đề, từ quan hệ quốc tế đến vấn đề kinh tế và đặc biệt là tranh chấp bốn hòn đảo thuộc quần đảo Kuril do Nga kiểm soát, song Tokyo đòi chủ quyền.

Từ Matxcơva, thông tín viên RFI Etienne Bouche giải thích thêm :

« Tại Tokyo cũng như tại Matxcơva, người ta cho rằng cuộc gặp gỡ giữa ông Shinzo Abe và ông Vladimir Putin không mang tính chính thức. Thủ tướng Nhật dừng chân tại Sotchi hôm thứ Sáu, trên đường về nước sau chuyến công du châu Âu.

Thế nhưng, báo chí Nga lại nhận thấy một dấu hiệu tích cực trong chuyến viếng thăm này. Trên tờ Kommersant, một nhà nghiên cứu chính trị nhận định rằng « dựa trên mối quan hệ tốt với ông Putin, thủ tướng Shinzo Abe có thể đóng vai trò hòa giải giữa Nga và khối G7 ». Nhật Bản là nước tổ chức thượng đỉnh G7 vào cuối tháng Năm. Nga đã bị loại khỏi khối G8 vào năm 2014.

Tổng thống Nga phát biểu : « Nhật Bản không chỉ là nước láng giềng của chúng tôi, mà còn là một đối tác rất quan trọng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương ».

Theo các nhà quan sát, Tokyo và Matxcơva đều có chung lợi ích là kết hợp với nhau để cân bằng ảnh hưởng của Bắc Kinh. Thế nhưng, mối quan hệ song phương vẫn căng thẳng do một tranh chấp từ lâu liên quan đến quần đảo Kuril, bị Liên Xô chiếm giữ từ cuối Đệ Nhị Thế Chiến. Chủ đề này đã được hai nhà lãnh đạo đề cập trong buổi làm việc. Chính vì vụ tranh chấp này mà Nga và Nhật Bản đã không ký hiệp định hòa bình ».

Nga-Nhật đồng ý họp cấp cao về tranh chấp lãnh thổ

Trang mạng Japan Today, trích lời một quan chức đi cùng đoàn, cho biết thủ tướng Shinzo Abe và tổng thống Vladimir Putin đã hội đàm riêng trong vòng 30 phút. Hai nhà lãnh đạo đã đồng ý tổ chức một cuộc họp cấp cao về tranh chấp lãnh thổ vào tháng 06/2016.

Về phần mình, thủ tướng Nhật Bản phát biểu : « Chúng tôi sẽ tiến hành các cuộc đàm phán bằng một cách tiếp cận mới, không ràng buộc với các tư tưởng trong quá khứ ». Tuy nhiên, theo vị quan chức Nhật Bản tháp tùng đoàn, « cách tiếp cận mới » không đồng nghĩa với sự thay đổi lập trường của Nhật Bản trong việc tìm các giải pháp về vấn đề chủ quyền đối với bốn hòn đảo thuộc quần đảo Kuril đang có tranh chấp mà Nhật Bản gọi là « Vùng Lãnh Thổ Phương Bắc », gồm Etorofu, Kunashiri, Shikotan, cũng như quần đảo Habomai.

Matxcơva từng khiến Tokyo tức giận vì xây dựng nhiều công trình quân sự trong thời gian gần đây trên hai trong số bốn hòn đảo có tranh chấp. Thêm vào đó, việc thủ tướng Nga Dmitri Medvedev thăm một trong số bốn hòn đảo trên vào năm 2015 cũng khiến Tokyo không hài lòng.

Trong cuộc họp, tổng thống Putin cũng mời thủ tướng Abe tham gia Diễn Đàn Kinh Tế Phương Đông (Eastern Economic Forum) được tổ chức vào tháng 09/2016 tại Vladivostok. Ông Abe tỏ ý sẵn sàng tham gia và nói rằng hợp tác Nhật-Nga tại vùng Viễn Đông Nga là rất quan trọng.

Trao đổi mậu dịch Nga-Mỹ đã giảm tới 31% trong năm 2015 do các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga sau khi sáp nhập bán đảo Crimée, cũng như do giá dầu giảm mạnh. Tờ Rossiiskaïa Gazeta nhận xét : « Doanh nhân và các ngân hàng Nhật Bản không vội đầu tư vào nền kinh tế Nga. Họ muốn chờ thời điểm tốt hơn ».

Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160507-tranh-chap-lanh-tho-nga-nhat-noi-bat-nhan-cuoc-gap-abe-putin

 

Biển Đông : Trung Quốc gọi phán quyết quốc tế là “trò hề”

Bắc Kinh vào ngày 06/05/2016 đã lại lên tiếng cho biết là sẽ không tôn trọng phán quyết sắp tới đây của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông. Không những thế, một quan chức cao cấp Trung Quốc còn gọi thủ tục trọng tài của quốc tế là một « trò hề chính trị ».

Theo trang web đài truyền hinh Ấn Độ Indiatv, phát biểu với giới báo chí quốc tế tại Bắc Kinh, ông Âu Dương Ngọc Tĩnh (Ouyang Yujing), lãnh đạo Cục Biên Giới và Đại Dương thuộc bộ Ngoại Giao Trung Quốc, đã không ngần ngại cho rằng thủ tục do Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye tiến hành là một « trò hề chính trị » và là một nỗ lực nhằm « phủ nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc » tại Biển Đông. Phán quyết của Tòa Án về đơn Philippines kiện những đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh trên Biển Đông dự kiến sắp được được đưa ra.

Nhân vật này xác định rằng Trung Quốc sẽ không tuân thủ phán quyết đó, đồng thời cảnh cáo rằng các chỉ trích của cộng đồng quốc tế nhằm vào nước Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông sẽ bị « bật lại giống như ấn vào lò xo ».

Theo quan chức này, các nhận định xây dựng sẽ được Trung Quốc sẵn sàng tiếp nhận, nhưng nếu các nước liên quan « muốn gây áp lực lên Trung Quốc hoặc làm tổn hại thanh danh Trung Quốc, vậy thì hãy coi đó như là một cái lò xo, có cả lực tác dụng và phản lực. Càng ép mạnh thì lò xo bật lại càng mạnh ».

Tuyên bố của ông Âu Dương Ngọc Tĩnh là phản ứng mới nhất của Trung Quốc trước khi Tòa Án Trọng Tài Thường trực ở La Haye (Hà Lan) ra phán quyết về đõn Philippines kiện đường 9 đoạn mà Trung Quốc dùng để đòi chủ quyền rộng khắp ở Biển Đông. Phán quyết này được cho là sẽ có lợi cho Manila.
Trọng Nghĩa

Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160507-bien-dong-trung-quoc-goi-phan-quyet-quoc-te-la-tro-he