Tin khắp nơi – 03.05.2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 03.05.2016

Baidu bị điều tra vì một thanh niên chết

Các nhà quản lý Trung Quốc đang điều tra Baidu sau cái chết của một sinh viên dùng bộ máy tìm kiếm này tìm cách điều trị ung thư.

Wei Zexi, một sinh viên ngành khoa học máy tính, 21 tuổi, học tại trường Đại học Tây An, qua đời tháng trước vì một ung thư thể hiếm.

Cổ phiếu của Baidu giảm mạnh trên thị trường Mỹ sau tin công ty này bị điều tra. Giá cổ phiếu niêm yết của Baidu ở sàn Nasdaq giảm 7,92%.

Baidu nói trên mạng xã hội Weibo rằng họ đã gửi yêu cầu đến bệnh viện để điều tra vụ việc.

Theo truyền thông Trung Quốc, Wei được chẩn đoán bị một khối u ác tính hoạt dịch năm 2014. Anh theo một liệu trình điều trị gây tranh cãi tại một bệnh viện được quảng cáo bởi công ty tìm kiếm Baidu.

Công ty Baidu thường được coi là Google của Trung Quốc, nói với BBC: “Chúng tôi cảm thông sâu sắc trước cái chết của Wei Zexi và gửi lời chia buồn đến gia đình anh.”

“Baidu nỗ lực cung cấp trải nghiệm tìm kiếm an toàn và đáng tin cậy cho người dùng, và đã ngay lập tức tiến hành điều tra vụ việc.”

Cục quản lý Không gian Ảo Trung Quốc đã triệu tập nhiều cơ quan chính phủ khác để xem xét vụ việc, bao gồm cả Cục Quản lý Nhà nước về Công nghiệp và Thương mại, và Ủy ban Quốc gia về Sức khỏe và Kế hoạch hóa Gia đình.

Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/business/2016/05/160503_baidu_investigate

 

EU sắp ‘miễn thị thực cho Thổ Nhĩ Kỳ’

Hôm thứ Tư 4/5, Ủy ban Châu Âu sẽ cấp phê duyệt có điều kiện về việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực Schengen của Liên minh Châu Âu (EU), các nguồn tin nói với BBC.

Động thái này là một phần của thỏa thuận mà Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý tiếp nhận những người di cư đã vượt biển Aegean đến Hy Lạp.

Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn của EU, biên tập BBC khu vực châu Âu Katya Adler cho hay.

Bà nói rằng EU lo ngại rằng nếu thỏa thuận visa không đạt được, cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ về việc ngăn người di cư cũng sẽ đổ vỡ.

Lượng người di cư và người tỵ nạn đến châu Âu từ Thổ Nhĩ Kỳ và Bắc Phi đã gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị giữa các quốc gia EU.

Biên tập viên Katya Adler nói thêm: “Quyền tự do ngôn luận; quyền được xét xử công bằng và rà soát luật chống khủng bố để bảo vệ tốt hơn quyền của cộng đồng thiểu số – đó là một số trong các yêu cầu của các nước EU trước khi bỏ yêu cầu thị thực đối với những người Thổ Nhĩ Kỳ đến Châu Âu ngắn hạn.

Thật khó để Thổ Nhĩ Kỳ đáp ứng được những điều kiện này. Ankara ngày càng bị chỉ trích về sự độc đoán.

Nhưng đây là giai đoạn tuyệt vọng của EU. Ủy ban châu Âu và hầu hết các chính phủ EU đang chịu áp lực rất lớn để xử lý cuộc khủng hoảng di cư.

Vì thế, các nguồn tin nói rằng ủy ban sẽ theo đúng kịch bản đã thỏa thuận. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được thông báo về các tiêu chí mà họ phải đáp ứng.

‘Hình mẫu tốt nhất’

Theo thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ, những người di cư bất hợp pháp đã đến ở Hy Lạp từ ngày 20/3 sẽ được gửi trả Thổ Nhĩ Kỳ nếu họ không xin tỵ nạn hoặc nếu yêu cầu của họ bị từ chối.

Với mỗi di dân Syria quay lại Thổ Nhĩ Kỳ, EU sẽ tiếp nhận một người Syria có yêu cầu tỵ nạn hợp pháp.

Các nhóm nhân quyền đặt câu hỏi về tính hợp pháp của thỏa thuận và tranh luận rằng Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một nơi an toàn để gửi trả người.

Tuy nhiên, tháng trước, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết thỏa thuận bắt đầu có kết quả.

Ông ca ngợi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ là “hình mẫu tốt nhất thế giới về chuyện đối xử với người tỵ nạn”, bất chấp những lời chỉ trích từ phía các nhóm nhân quyền.

Cùng thời điểm, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết nước ông đã hoàn thành một phần của thỏa thuận và rằng vấn đề miễn thị thực vào khu vực Schengen của EU là “quan trọng” đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ phải đáp ứng 72 điều kiện trước ngày 4/5 để được miễn thị thực vào khu vực Schengen cuối tháng 6/2016, nhưng các nhà ngoại giao cho biết cho tới nay nước này chỉ đáp ứng được khoảng một nửa số điều kiện.

Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/05/160503_eu_grant_turkey_free

 

Tài liệu do Greenpeace tiết lộ đe dọa hiệp định TTIP

Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace vừa giáng một đòn nặng nề vào thỏa thuận thương mại TTIP giữa Hoa Kỳ và châu Âu, khi tiết lộ nhiều chi tiết về các thương lượng đang diễn ra. Washington lên tiếng trấn an, trong khi đó, Paris khẳng định châu Âu không chấp nhận một hiệp định bất bình đẳng với Hoa Kỳ.

Theo AFP, bản tài liệu dày 248 trang của Greenpeace được trang mạng của tổ chức này tại Hà Lan công bố vào sáng hôm qua, 02/05/2016, với nội dung của 13 trong số 17 chương của thỏa thuận. Dự thảo nói trên là phiên bản có trước vòng đàm phán thứ 13, diễn ra tại New York hồi tuần trước. Bản dự thảo này cho thấy những bất đồng sâu sắc giữa Washington và Bruxelles sau gần ba năm thương thuyết. Greenpeace lo ngại, nếu được thông qua, thỏa thuận sẽ mang lại nhiều đe dọa mới cho sức khỏe và môi trường, và phía được hưởng lợi chủ yếu là các tập đoàn lớn.

Washington và Bruxelles ngay lập tức lên tiếng giảm nhẹ ý nghĩa tiêu cực của tài liệu Greenpeace. Hôm qua, một người phát ngôn của Văn Phòng Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ (USTR) tuyên bố tài liệu vừa được công bố có thể dẫn đến những nhận thức hoàn toàn sai lầm về TTIP, một hiệp định có sứ mạng « bảo vệ người tiêu thụ, sức khỏe và môi trường » và sẽ tạo điều kiện cho Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu mở rộng các quy tắc như vậy ra toàn thế giới. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết « đặc biệt lo ngại về vụ rò rỉ » thông tin này.

Về phần mình, ủy viên Thương Mại châu Âu, bà Cecelia Malmstrom, tái khẳng định : « Liên Hiệp Châu Âu không bao giờ hạ thấp các chuẩn mực bảo vệ người tiêu dùng, an ninh thực phẩm hay bảo vệ môi trường ». Ủy viên Thương Mại châu Âu cho rằng báo cáo của Greenpeace chỉ là « một trận bão trong một tách trà », bởi những thông tin mà tổ chức này công bố chỉ là các nội dung đang đàm phán. Tuy nhiên, bà Malmstrom cũng thừa nhận : trong một số lĩnh vực, sự khác biệt rất lớn giữa hai phía sẽ không cho phép hai bên đi đến đồng thuận.

Nhân dịp này, quốc vụ khanh phụ trách Ngoại Thương của Pháp, ông Matthias Fekl, khẳng định, tốt nhất nên ngừng đàm phán về TTIP. Đại diện Pháp chỉ ra một loạt lĩnh vực mà Paris muốn Washington cần nhân nhượng, cụ thể như nông nghiệp, các tiêu chuẩn về môi trường… Pháp hy vọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện thâm nhập thị trường Mỹ. Ông nhấn mạnh : « thương mại không phải là mục đích tự thân, mà chỉ là công cụ », và chắc chắn Paris sẽ không để bị áp đặt. Thỏa thuận TTIP cũng bị phản đối mạnh tại Đức.

Trọng Thành

Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160503-greenpeace-au-my-ttip-qt

 

Số phận hẩm hiu của thuyền nhân Rohingya Miến Điện

Cách nay một năm, vụ khủng hoảng di dân ở Đông Nam Á với hàng ngàn người Rohingya và Bangladesh, kẻ bị trôi dạt trên biển, người chết trong rừng sâu vì bị các đường dây vượt biển, vượt biên bỏ rơi, gây xúc động công luận. Tình trạng thuyền nhân theo Hồi giáo nay ra sao ?

Trong bài phóng sự từ một trại tạm cư ở đảo Aceh, Indonesia, AFP mô tả hoàn cảnh của Sonamia, 42 tuổi, tiêu biểu của cuộc khủng hoảng di dân vào mùa xuân 2015. Không được xem là công dân tại Miến Điện, hàng chục ngàn người Rohingya, mặt mày hốc hác, tuyệt vọng, dồn đống trên các con thuyền cũ kỹ, đi tìm đất nương thân, tạo ra một làn sóng di cư thứ hai, sau thảm nạn thuyền nhân Việt Nam thập niên 70, 80.

Công luận bất bình, Tây phương gây sức ép, chính quyền Malaysia và Indonesia cuối cùng phải cho phép thuyền nhân cặp bến trong khi chờ đợi định cư ở một nước thứ ba. Thế nhưng, ngoài 52 người được Mỹ đón nhận, một năm sau, không một thuyền nhân nào được đi định cư. Hàng trăm người vẫn nằm chờ trong các trại tị nạn.

Sonamia cho biết ông học được tính kiên nhẫn và đợi chờ. Cơn ác mộng bị Miến Điện, Thái Lan, Malaysia thay nhau xua đuổi trong khi thuyền hết xăng, hết nước vẫn còn ám ảnh Sonamia và những người đồng cảnh ngộ. Hồi tưởng lại, họ không thể hiểu vì sao người Rohingya không được đối xử như con người.

Khủng hoảng thuyền nhân Rohingya nổ ra vào giai đoạn này hồi năm 2015 tại Thái Lan, sau khi thi thể của hàng trăm di dân được tìm thấy trong rừng. Bangkok mở chiến dịch truy lùng các tổ chức buôn người. Bị truy đuổi, các tổ chức xã hội đen bỏ rơi « khách hàng » trên biển để thoát thân. Trong số một ngàn thuyền nhân được Indonesia cho tạm trú, chỉ có 400 kiên nhẫn đợi chờ. Phần lớn đã lấy thuyền sang Malaysia chấp nhận bất trắc dành cho di dân bất hợp pháp.

Từ Miến Điện, người Rohingya bắt đầu chấp nhận rủi ro, giao số phận cho các đường dây buôn người. Ngày 20/04, Liên Hiệp Quốc loan báo có 21 thuyền nhân, trong số này có 9 trẻ em, bị đắm tàu chết trên biển. Ngày 27/04, cảnh sát Thái Lan phát hiện nhiều gia đình Rohingya bị đường dây buôn người bỏ rơi trong rừng không xa biên giới Malaysia.

Theo Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, tìm nơi định cư cho di dân Rohingya rất nan giải. Một mặt, Malaysia và Indonesia không ký Công ước Liên Hiệp Quốc về người tị nạn. Thứ hai, làn sóng tị nạn người Syria tràn ngập châu Âu làm các quốc gia Tây phương bớt đi lòng hào hiệp.

Hàng ngàn thuyền nhân vượt biển từ Bangladesh bị xem là tị nạn kinh tế đã và sẽ bị trả về quê hương. Những người ở lại trại tạm cư, một năm sau cũng có nhiều thay đổi. Một số lập gia đình, nhiều trẻ nhỏ chào đời. Họ trồng rau, sửa máy, may mặc, sống ngày qua ngày.

Miến Điện Phật giáo của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ cũng chưa thay đổi chính sách với thành phần công dân hạng hai theo đạo Hồi. Còn các quốc gia Hồi giáo giàu có trên thế giới, sao không cứu giúp vài ngàn người cùng đạo trong cơn hoạn nạn ?

Tú Anh

Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160503-rohingya-mien-dien-pt-xh

 

Nhật cho Philippines thuê máy bay quân sự để đối phó với Trung Quốc

Nhật Bản chính thức cho Philippines thuê phi cơ quân sự để đối phó với các tham vọng gia tăng của Trung Quốc tại Biển Đông. Theo AFP, hợp đồng đã được thông qua trong cuộc điện đàm giữa bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Gen Nakatani và đồng nhiệm Philippines Voltaire Gazmin hôm qua, 02/05/2016.

Theo hợp đồng này, Tokyo dự kiến cho Manila thuê tổng cộng 5 máy bay huấn luyện TC-90, đồng thời trợ giúp huấn luyện và sửa chữa, bảo dưỡng máy bay. Các máy bay TC-90 cho phép hải quân Philippines cải thiện hoạt động tuần tra tại các vùng biển của nước này, hiện đang bị Bắc Kinh dòm ngó.

Theo hãng tin Kyoto, các phi cơ TC-90 có tầm hoạt động 1.900 km (tương đương 1.180 dặm), gần gấp đôi so với máy bay hiện có của hải quân Philippines. Hợp đồng nói trên sẽ là hợp đồng cho thuê máy bay quân sự đầu tiên của Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản, sau khi luật về cấm xuất khẩu vũ khí của nước này được dỡ bỏ.

Nói chuyện với báo giới, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật khẳng định : Cải thiện khả năng phòng vệ của Philippines là điều kiện cho việc ổn định tình hình tại Biển Đông.

Hợp đồng được ký kết trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Biển Đông trong một vài năm gần đây, khi Trung Quốc liên tục bồi đắp với quy mô lớn và xây dựng các công trình kiên cố trên nhiều đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa, nơi nhiều nước láng giềng Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, không chấp nhận yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.

Philippines, với tiềm năng quân sự được coi là yếu, tìm cách gia tăng hợp tác với Nhật Bản để cải thiện khả năng phòng thủ. Hồi tháng 2/2016, Tokyo quyết định cung cấp nhiều trang thiết bị quốc phòng cho Manila, trong đó có các máy bay săn tàu ngầm và công nghệ ra-đa. Tháng 4/2016, một tàu chiến Nhật đã ghé thăm Philippines.

Một trong các điểm nóng hiện nay tại quần đảo Trường Sa là bãi cạn Scarborough, nằm cách đảo lớn Luzon của Philippines 230 km về phía tây. Ít tuần trước khi Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết về đơn Philippines kiện yêu sách chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc, Bắc Kinh thông báo ý định xây dựng một chốt tiền tiêu và một đường băng tại bãi cạn nói trên, nơi Trung Quốc cưỡng chiếm từ tay Philippines năm 2012.

Trọng Thành

Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160503-philippines-quan-su-nb-tq

 

Vì sao Nga thất bại trong chính sách « xoay trục » sang châu Á ?

Nhìn bề ngoài, khái niệm về chính sách « xoay trục » sang châu Á có một ý nghĩa, đặc biệt là trong mối quan hệ hợp tác giữa Matxcơva và Bắc Kinh. Thế nhưng, chính sách này của Nga đã gặp thất bại. Matxcơva đã không thu được lợi lộc gì cả. Vì sao ? Báo mạng The Diplomat ngày 24/4/2016 có đăng bài viết của bà Catherine Putz, trích dẫn nghiên cứu của hai chuyên gia thuộc Viện Mercator chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, ở Berlin và một chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Carnegie Matxcơva, được công bố trong tháng 4/2016, giải thích rõ các nguyên nhân thất bại.

Mở đầu, ông Alexander Gabuev, Trung tâm Carnegie ở Matxcơva, phân tích về chính sách xoay trục về « đâu đó » của Nga như sau : « Hai năm sau khi mối quan hệ giữa điện Kremlin với phương Tây bị sứt mẻ, Matxcơva cho rằng một mối quan hệ thương mại mới với châu Á sẽ giúp bù đắp những tổn thất của Nga. Nhưng niềm hy vọng đó đã không thể thực hiện được ».

Ông nhắc lại, Thomas S. Eder và Mikko Huotari khi bắt đầu bài viết gần đây trên trang Foreign Affairs có lưu ý là : « Kể từ khi châu Âu thi hành lệnh trừng phạt Nga về những hành động can thiệp của họ vào Ukraina, Matxcơva đã đặt nhiều hy vọng vào việc thắt chặt liên minh với Trung Quốc trong các lĩnh vực năng lượng, quốc phòng, đầu tư và trao đổi thương mại nông nghiệp để chống lại Châu Âu ».

Đâu là cốt lõi của sự thất bại này? Điểm đầu tiên cần phải xem đến đó là động lực của sự tăng cường hợp tác từ cả hai phía Matxcơva và Bắc Kinh. Mối quan hệ cũng như trao đổi mậu dịch giữa Nga với châu Âu trở nên xấu đi đã buộc nước này phải tìm kiếm các đối tác ở nơi khác. Chính vì lý do này, thỏa thuận dầu khí trị giá 400 tỷ đô la được ký vào tháng 5/2014 đã được loan báo rầm rộ. Nhưng như mọi khi, sự thật phủ phàng thường ẩn khuất trong các chi tiết: giá mỗi mét khối khí đốt Nga bán cho Trung Quốc sẽ rẻ hơn so với mức giá bán cho Tây Âu và trong hai năm qua, ngày thực thi thỏa thuận cứ bị hoãn lại.

Nga cần Trung Quốc, nhưng Trung Quốc có nhiều lựa chọn

Giải thích về trường hợp này, ông Gabuev cho rằng Nga dường như không có khả năng làm việc với các tổ chức tài chính châu Á, thành công lớn duy nhất của Nga là khoản vay 2 tỷ đô la của tập đoàn dầu khí Gazprom từ các ngân hàng Trung Quốc. Ngoài điều đó ra, sẽ chẳng có gì lớn lao xảy ra :

« Lý do rất rõ ràng. Điều đó cho thấy là ngay cả bốn ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc cũng tuân thủ các biện pháp trừng phạt của phương Tây, mặc dù về mặt chính thức Bắc Kinh đã lên án các lệnh trừng phạt đó. Giữa việc lựa chọn các cơ hội để tăng sự hiện diện của mình trên thị trường mang tính rủi ro cao ở Nga (trước đây đã thấp, bây giờ mức tăng trưởng thậm chí còn giảm đều đặn) và tiềm năng tăng cường vị thế của mình trong thị trường lớn và ổn định của Hoa Kỳ và EU, các ngân hàng Trung Quốc không ngần ngại chọn thị trường thứ hai. “Đối tác chiến lược” là một chuyện, tính toán về tài chính là chuyện khác. »

Trong lĩnh vực năng lượng, Eder và Huotari chú trọng đến thực tế rằng Nga cũng là một trong số các nhà cung cấp khí đốt cho Trung Quốc, « gồm có Angola, Guinea Xích Đạo, Iraq, Turkmenistan, và có lẽ, sau này còn có cả Iran, những quốc gia đang giúp Trung Quốc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng cho họ… »

Và trong một số trường hợp, như của Turkmenistan chẳng hạn, tổn thất của Nga lại là nguồn lợi của Trung Quốc. Trong vài năm qua, nguồn khí đốt trao đổi với Nga (để bán lại cho châu Âu) đã giảm hẳn. Vào tháng Giêng năm 2016, Gazprom tuyên bố sẽ ngừng mua hoàn toàn khí đốt từ Turkmenistan sau khi trao đổi thương mại đã giảm mạnh từ mức 40 tỷ mét khối khí đốt trong năm 2008 xuống còn 4 tỷ mét khối vào năm 2015.

Trong khi đó, Turkmenistan chuyển hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Chỉ tính riêng trong ba tháng đầu năm 2016, Turkmenistan cung cấp cho Trung Quốc đến 10,6 tỷ mét khối khí đốt tăng 33 phần trăm so với cùng kỳ năm 2015. Đường ống dẫn khí đốt Trung Á-Trung Quốc đã đưa vào hoạt động ba đường và đường ống thứ tư đang được xây dựng sẽ tăng công suất lên đến 85 tỷ mét khối mỗi năm. Theo bài viết của Eder và Huotari , « Về bản chất, thay vì chống lại châu Âu khi chơi với Trung Quốc, thì Nga đang bị Trung Quốc xỏ mũi ».

Khác với Mỹ, chính sách “xoay trục” của Nga chỉ tập trung vào Trung Quốc

Dựa vào các lập luận trên, chúng ta hãy xem xét xem cách xoay trục sang châu Á của Nga khác với của Hoa Kỳ (xin lỗi, lấy lại cân bằng) như thế nào. Tác giả cho biết trong một bài viết tranh luận với ông Shannon Tiezzi, đăng trên tờ FiveThirtyEight, một trong những khía cạnh cốt lõi của chính sách xoay trục của Hoa Kỳ là chỉ đơn giản gia tăng sự hiện diện ở châu Á.

Phần đông sự gia tăng hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực tập trung vào việc tham gia các diễn đàn đa phương mà nhiều cường quốc châu Á đặt ưu tiên như là những điểm để xây dựng sự đồng thuận và thực hiện chính sách ngoại giao. Đồng thời, các hoạt động song phương với Trung Quốc cũng đã thu hút được nhiều mối quan tâm.

Trong khi đó, chính sách xoay trục sang châu Á của Nga lại chỉ ưu tiên tập trung vào Trung Quốc, mà bỏ lơ nhiều cường quốc khác. Gabuev nhận định rằng quyết định của tổng thống Nga Vladimir Putin không tham gia thượng đỉnh Đông Á và APEC là một điều « sai lầm ngớ ngẩn ». Ông viết :

« Putin nổi tiếng là không ưa các diễn đàn đa phương và chỉ tham gia khi có cơ hội cho những cuộc gặp song phương. Như vậy sự vắng mặt của Putin tại APEC, nơi các hành động mang tính biểu tượng còn là nền tảng cho các chính sách và quan hệ quốc tế, chỉ có thể được giải thích bằng một điểm: Nga chưa từng xoay trục sang châu Á, mà chỉ xoay trở thành một đối tác thứ yếu của Trung Quốc mà thôi. »

Cuối cùng, chính sách xoay trục của Nga sang châu Á vẫn sẽ tiếp tục kém hiệu quả chừng nào nền kinh tế Nga vẫn bị kiệt quệ và quan hệ với châu Âu vẫn còn căng thẳng. Tuy vậy, cả hai nước có chung một số lợi ích chiến lược và thất bại của sự xoay trục này không hẳn làm suy yếu đồng cảm chính trị mà Bắc Kinh dành cho Matxcơva.

Minh Anh

Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160503-vi-sao-nga-that-bai-trong-chinh-sach-%C2%AB-xoay-truc-%C2%BB-sang-chau-a

 

Biển Đông: Trung Quốc tăng cường hiện diện, chính sách Mỹ bị hoài nghi

Báo mạng Nhật Bản The Diplomat ngày 03/05/2016 đăng bài phân tích của giáo sư Mỹ William G. Frasure trường Connecticut College, nêu lên tình trạng chính sách của Hoa Kỳ đang bị hoài nghi trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông.

Bài phân tích trước hết ghi nhận sự kiện Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông với ý đồ rõ rệt là làm cho yêu sách chủ quyền của họ không thể bị thách thức. Trung Quốc đã cho biết rõ là họ không chấp nhận một phán quyết bất lợi của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye, có lẽ sẽ được đưa ra khoảng chừng một tháng tới đây. Hơn nữa Trung Quốc còn từ chối thảo luận về bất kỳ giải pháp đa phương nào đối với các tranh chấp lãnh thổ chồng chéo nhau trong khu vực.

Các quốc gia phản đối yêu sách của Trung Quốc cho là đã vi phạm chủ quyền của họ, đang lâm vào tình trạng phải tự lo liệu cách đối phó với các động thái quân sự ngày đáng ngại của Trung Quốc ở Biển Đông. Liệu Philippines, Việt Nam và những nước khác phải nhượng bộ, chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, hay là phải kháng cự để bảo vệ quyền lợi của mình ?

Việt Nam và Philippines quay sang Mỹ để chống Trung Quốc

Nếu chỉ có hai con đường đó, thì sự chọn lựa có vẻ rất rõ. Không một quốc gia tranh chấp nào có thể vượt qua sức mạnh quân sự của Trung Quốc, và phải nhường Biển Đông cho Trung Quốc với hy vọng không bị thua thiệt quá. Tuy nhiên Việt Nam và Philippines đã đi xa hơn sự chọn lựa đơn giản vừa kể này và có một phương án có ý nghĩa toàn cầu hơn : thắt chặt thêm quan hệ quân sự với Hoa Kỳ.

Bằng cách tiến lại gần hơn với Mỹ, các nước có tranh chấp với Trung Quốc tìm kiếm một sự cân bằng nào đó trong khu vực, ngăn không cho Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự để áp đặt yêu sách chủ quyền của họ. Điều đó có nghĩa là các nước đó hy vọng vào một sự hiện diện quân sự rõ nét hơn, tích cực hơn của Mỹ để làm Trung Quốc nản chí.

Theo giáo sư G. Frasure, dĩ nhiên, không ai nghi ngờ về khả năng quân sự của Mỹ, vốn có thể đưa vào Biển Đông bất cứ phương tiện nào để đối trọng với bất cứ thứ gì mà Trung Quốc đưa vào khu vực. Thế nhưng để cho hành động răn đe có hiệu quả, một yếu tố căn bản là phải làm sao cho đối thủ tin chắc rằng mình sẵn sàng sử dụng những phương tiện đó, đồng thời thuyết phục được bạn bè về quyết tâm đó. Bước kế tiếp là làm cho bạn bè tin là đối thủ đã bị mình làm cho e ngại. Và đây có lẽ là điều đang diễn ra ở Biển Đông.

Hoa Kỳ đang tìm cách trấn an Philippines và Việt Nam, và có lẽ các nước khác nữa, rằng Trung Quốc đã bị sự dấn thân ngày càng nhiều hơn của Mỹ làm cho e ngại, và sẽ có chính sách mềm dẻo hơn, hợp lý hơn, chấp nhận giải quyết tranh chấp qua đàm phán đa phương. Tuy nhiên, theo tác giả bài phân tích trên tờ The Diplomat, có rất ít yếu tố cho thấy là cách tiếp cận của Mỹ có hiệu quả.

Chính sách lấn từng bước nhỏ của Trung Quốc gây khó khăn cho Mỹ

Các hành động đều đặn của Trung Quốc ở Biển Đông – bồi đắp đảo, bố trí tên lửa phòng không, xây dựng phi đạo, triển khai chiến đấu cơ, xây đài radar, khiêu khích láng giềng với các đội tàu cá và giàn khoan – cho thấy là Trung Quốc ngày càng tin chắc họ sẽ đạt mục tiêu đòi chủ quyền bên trong đường chín đoạn của họ bằng cách kiên nhẫn đi từng bước rất nhỏ.

Trung Quốc đang cho thấy là họ tin rằng những bước đi nhỏ của họ sẽ không bị Mỹ ngăn chận. Khó có ai có thể nghĩ rằng một bến cảng mới, ngay cả một giàn hỏa tiễn Sam mới, lại có thể dẫn đến một sự đối đầu quân sự với Mỹ. Trung Quốc sẽ không trực diện tấn công vào tầu chiến hay máy bay Mỹ, hoặc là có một hành vi gây chiến tranh rõ rệt nào với Mỹ. Họ chỉ tiếp tục đào cát xây đảo mà thôi. Liên quan đến vấn đề tạo ra sự xác tín, một vấn đề then chốt khác là Mỹ sẽ phản ứng thế nào khi có đối đầu vũ trang giữa Trung Quốc và một quốc gia Đông Nam Á bị chèn ép.

Trung Quốc tin chắc rằng Mỹ sẽ không dám dùng quân sự để cản đường

Trong khuôn khổ Hiệp Định Phòng Thủ Chung ký kết cách nay 65 năm và được long trọng khẳng định trở lại vào năm 2011, Hoa Kỳ có một trách nhiệm nào đó đối với Philippines, đứng bên cạnh nước này trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công. Phạm vi trách nhiệm đó tuy nhiên cũng không được quy định cụ thể hơn là hành động « cùng đối diện với hiểm nguy chung trên cơ sở phù hợp với hiến pháp » và đưa vấn đề ra trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Hơn nữa, vấn đề lại không rõ ràng chút nào – thậm chí là không chắc chắn chút nào – là hiệp định đó buộc Mỹ phải chống lại Trung Quốc trong trường hợp Bắc Kinh đánh chiếm các bãi đá tranh chấp. Đối với Việt Nam thì Mỹ hoàn toàn không có trách nhiệm chính thức nào. Nói tóm lại thì Hoa Kỳ hầu như có toàn quyền chọn lựa cách phản ứng trong trường hợp nổ ra tranh chấp quân sự giữa Trung Quốc với một, hay cả hai đối thủ quan trọng nhất của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Vào lúc họ vẫn tiếp tục tăng cường khả năng quân sự trong vùng biển Đông Nam Á, Trung Quốc ngày càng lộ rõ vẻ tin tưởng rằng Mỹ sẽ không đặt ra chướng ngại vật thực tế nào để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc. Truyền thông Trung Quốc đã thổi phòng chủ đề của cái gọi là « sự yếu đuối của Mỹ », chẳng hạn như mô tả vụ phi cơ Nga áp sát khu trục hạm có tên lửa dẫn đường của Mỹ mới đây trên biển Baltic như là một hành động hạ nhục.

Hoạt động của Mỹ ở Biển Đông không phải là để hậu thuẫn cho Philippines hay Việt Nam trong việc đòi hỏi chủ quyền, mà là để bảo vệ một nguyên tắc chung là quyền tự do hàng hải. Còn hành đông bảo vệ chủ quyền thì phải do chính các nước tranh chấp tự tiến hành. Thế nhưng nếu một nước riêng lẻ mà có hành động như vậy thì chắc chắn sẽ bị Trung Quốc đè bẹp một cách dễ dàng và nhanh chóng. Trong tình hình đó, không nước nào dám hành động nếu không có một sự đảm bảo trước là sẽ được hậu thuẩn quân sự của Mỹ. Vấn đề là không có lý do gì để khẳng định rằng Hoa Kỳ sắp hậu thuẫn cho một nước nào đó.

Trường Sa và Hoàng Sa vẫn là vấn đề xa xôi đối với dư luận Mỹ

Nếu chú ý đến tình hình nội bộ ở Mỹ, thì Trung Quốc và các đối thủ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đống đều thấy là chính quyền Mỹ sẽ phải khó khăn như thế nào để có được hậu thuẩn của dân chúng trong một cuộc đọ sức với Trung Quốc vì những mỏm đá mà không ai biết đến ở một góc nào đó của thế giới mà đối với đa số người Mỹ là nơi hoàn toàn xa xôi.

Hiện tại, các cuộc thăm dò dư luận rải rác về các mối quan tâm của người Mỹ đều không thấy nói đến tranh chấp Biển Đông. Trong một vài cuộc thăm dò rải rác, nếu có đề cập đến Trung Quốc thì chủ yếu là những quan ngại về thương mại, với mức độ từ thấp đến trung bình.

Điều đáng chú ý là chính quyền hiện tại không có nỗ lực gì để chuẩn bị tư tưởng dư luận về những xáo trộn ở Biển Đông và cũng không có dấu hiệu là chính quyền kế tiếp sẽ làm công việc đó. Thậm chí, trong quan diểm của các chuẩn ứng viên tổng thống Mỹ, Trường Sa và Hoàng Sa chỉ là một cái bóng mờ nhạt so với hai hòn đảo của Đài Loan là Kim Môn và Mã Tổ.

Sự hiện diện đáng ngại ngày càng mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông đã có hệ quả- vô tình hay cố ý – là làm dấy lên mối nghi ngờ về hành động của Mỹ tại đây. Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng Mỹ có thể khích lệ các đồng minh của mình, nhưng không làm được gì hoặc chỉ làm qua loa, để ngăn chặn sự thống trị của Trung Quốc trong khu vực. Và tình hình này sẽ kéo dài, nhất là nếu Trung Quốc tỏ ra kiên nhẫn, tự kềm chế, đi từng bước nhỏ, tránh vội vã và nhất là tránh khiêu khích quá đáng và làm Mỹ mất mặt.

Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160503-bien-dong-trung-quoc-tang-cuong-hien-dien-chinh-sach-my-bi-hoai-nghi-0

 

Bầu cử sơ bộ Mỹ : D. Trump tuyên bố hạ « đo ván» đối thủ tại Indiana

Hôm nay, 03/05/2016, cuộc bầu cử sơ bộ chọn ứng viên cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ bên đảng Cộng Hòa và Dân Chủ tiếp tục tại tiểu bang Indiana. Cuộc đua đã đi vào hồi kết ở cả hai phe. Được các thăm dò dư luận dự báo chắc thắng, Donald Trump tuyến bố sẽ kết thúc cuộc đua ngay sau vòng bầu cử hôm nay. Mặc dù vậy, cuộc đua của đảng Cộng Hòa vẫn còn nhiều rối ren, khiến cử tri của họ bắt đầu thấy chán nản.

Thông tín viên Anne-Marie Capomaccio tại Washington:

Donald Trump khẳng định sẽ hạ « đo ván » đối thủ Ted Cruz tại bang Indiana và cuộc đua bên đảng Cộng Hòa sẽ kết thúc tối thứ Ba này. Ứng viên tỷ phú giành thắng lợi rộng rãi theo các thăm dò mới nhất. Nhưng xét về con số thì ông Trump vẫn cần phải có thêm 250 đại biểu để chắc chắn được ra ứng cử. Trong khi đó, nếu có thắng ở Indiana thì ông cũng chỉ có thêm được 57 đại biểu.

Về phần mình, ông Ted Cruz xác nhận đang liên minh với ông John Kassich, ứng viên thứ ba bên Cộng Hòa. Tuy nhiên ông Ted Cruz vẫn còn thiếu rất nhiều đại biểu để có hy vọng cản đường chiến thắng của Donald Trump. Nhưng trong khi các ứng viên Cộng Hòa đang nhiếc móc nhau trên truyền thông, các cử tri của họ bắt đầu chán nản. Theo một nghiên cứu của đại học Harvard, đảng bảo thủ sẽ mất rất nhiều phiếu, nhất là cử trị nữ giới và trong các cộng đồng thiểu số.

Đảng Cộng Hòa còn mất cả một thế hệ cử tri. Giới thanh niên phản đối những lập trường bảo thủ về những vấn đề xã hội, quyền của người đồng tính, bảo hiểm xã hội, trợ cấp của Nhà nước cho người nghèo. Những hứa hẹn giảm thuế không đủ thuyết phục thế hệ cử tri trẻ ủng hộ đảng Cộng Hòa.

Anh Vũ

Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160503-bau-cu-so-bo-my-donald-trump-tuyen-bo-ha-do-van

 

Không gian : Tìm được ba hành tinh “ có thể có sự sống”

Theo một công trình nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nature ngày 02/05/2016, các nhà khoa học vừa tìm được ba hành tinh “có thể có sự sống” trên quỹ đạo của một ngôi sao nhỏ. Phát hiện này lần đầu tiên mang đến cho con người khả năng tìm được các dấu vết hóa học của sự sống bên ngoài Thái dương hệ.

Ba hành tinh này, nằm trên quỹ đạo của một ngôi sao “lùn”được đặt tên là TRAPPIST-1, có kích thước và nhiệt độ như Trái Đất và Sao Kim. Một êkíp quốc tế các nhà nghiên cứu, đứng đầu là ông Michael Gillon thuộc đại học Liège, Bỉ, đã phát hiện bộ tam hành tinh này ở cách Trái đất 39 năm ánh sáng.

Cho tới nay, người ta vẫn không biết là có những hành tinh tương tự như Trái Đất nằm trên quỹ đạo của một ngôi sao nhỏ. Việc tìm kiếm các hành tinh có thể có sự sống cho tới nay thường tập trung vào khu vực chung quanh các ngôi sao lớn hơn, giống như là Mặt trời.

Trong ba hành tinh nằm trên quỹ đạo ngôi sao TRAPPIST-1, có một hành tinh nằm ở khu vực không quá nóng, không quá lạnh, nhờ vậy mà nước có thể được giữ ở thể lỏng, cho phép phát triển một dạng sự sống giống như là trên Trái Đất. Hai hành tinh kia nằm gần ngôi sao hơn, có nhiệt độ nóng hơn nhiều, nhưng vẫn có những vùng mà sự sống có thể phát triển.

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, cần phải tìm hiểu thêm về trọng lượng, các đặc tính của bầu khí quyển ( nếu các hành tinh nói trên có một bầu khí quyển ), nhưng thông tin mà họ hy vọng có thể nhanh chóng đạt được nhờ công nghệ tiên tiến hiện nay, nhất là nhờ viễn vọng kính không gian James Webb sẽ được phóng lên vào năm 2018.

Thanh Phương

Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160503-khong-gian-tim-duoc-ba-hanh-tinh-%E2%80%9C-co-the-co-su-song%E2%80%9D

 

NATO sẽ bảo vệ châu Âu nếu Nga gây hấn

Liên Minh Bắc Đại Tây Dương luôn sẵn sàng hợp tác với Nga, nhưng sẽ không ngần ngại ra tay bảo vệ đồng minh châu Âu trong trường hợp bị Nga tấn công. Trên đây là tuyên bố của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ahston Carter ngày 03/05/2016 tại Đức.

Kể từ hôm nay, đại tướng Curtis Scaparroti, nguyên tư lệnh lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, lên nắm tư lệnh NATO tại Châu Âu, thay thế đại tướng Philip Breedlove.

Trong buổi lễ bàn giao quyền tư lệnh tại Stuttgart, tây nam nước Đức, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ahston Carter tuyên bố Liên Minh Bắc Đại Tây Dương « mở rộng cửa » với Nga để hợp tác đối phó với những vấn đề an ninh trên thế giới nếu Matxcơva từ bỏ thái độ « hiếu chiến ». Bộ trưởng Ahston Carter nhấn mạnh tất cả vấn đề « là do điện Kremlin quyết định, NATO không muốn chiến tranh lạnh, lại càng không muốn chiến tranh nóng với Nga. Chúng tôi không đẩy Nga vào thế làm kẻ thù ». Tuy vậy, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ cảnh cáo : Nếu Nga gây hấn thì NATO « sẽ bảo vệ đồng minh, bảo đảm trật tự thế giới mà nền tảng là các nguyên tắc và tương lai tốt đẹp ».

Thông điệp này gửi đến chính quyền Putin trong bối cảnh xảy ra nhiều vụ « chạm trán nguy hiểm » giữa chiến đấu cơ Nga với hải quân, không quân Mỹ trên vùng biển Baltic. Tân tư lệnh NATO, tướng Curtis Scaparroti, sẽ phải đối phó với tình thế này.

Ngày 29/04, một chiến đấu cơ SU-27 của Nga đã áp sát máy bay trinh sát RC-135 của Hoa Kỳ một cách « nguy hiểm và không chuyên nghiệp », theo phản đối của bộ chỉ huy Hoa Kỳ tại châu Âu. Trước đó hai tuần, máy bay Nga nhiều lần áp sát khu trục hạm USS Donald Cook cũng trên biển Baltic.

Hôm 02/05, tư lệnh hải quân Mỹ, đô đốc John Richarson kêu gọi Nga tôn trọng « công ước INCSEA » ký kết giữa hải quân Hoa Kỳ và hải quân Liên Xô vào năm 1972 để tránh « sự cố »trên biển. Công ước này được ký kết sau vụ một oanh tạc cơ TU-16 của Liên Xô rơi xuống biển vào năm 1968, sau khi bay sát chiến hạm Mỹ USS Walker .

Tú Anh

Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160503-nato-se-bao-ve-chau-au-neu-nga-gay-han

 

Liên Hiệp Quốc nhờ Nga can thiệp ngừng chiến tại Syria

Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Syria Staffan Mistura hôm nay 03/05/2016 đã đến Nga để thuyết phục Matxcơva gây áp lực tái lập lại ngừng bắn tại Syria đang bị phá vỡ từ vài ngày nay. Trong khi đó Aleppo tiếp tục bị dội bom làm nhiều thường dân bị thiệt mạng.

Trước khi lên đường tới Matxcova gặp ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, ông Mistura đã gặp ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Genève. Đặc sứ Liên Hiệp Quốc khẳng định tình hình Syria sẽ không có tiến triển gì nếu Matxcơva và Washington không đi đến đồng thuận.

Tại Matxcơva hôm nay, ông Staffan de Mistura kêu gọi lãnh đạo ngoại giao Nga hãy bảo đảm thỏa thuận chấm dứt các hành động thù nghịch tại Syria phải được tôn trọng. Về phần mình, ngoại trưởng Nga nhắc lại là với Matxcơva, không có giải pháp nào ngoài giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria.

Thỏa thuận ngừng bắn theo sáng kiến của Nga và Mỹ ký hôm 27/02 vừa qua đã bị phá vỡ tại Aleppo từ vài ngày qua. Theo tổ chức Quan sát nhân quyền Syria ( OSDH), từ hôm 22/4 vừa qua chiến sự đã trở lại dữ dội tại Aleppo, khiến hơn 250 người thiệt mạng. Nhiều vụ pháo kích, dội bom nhằm cả vào các bệnh viện.

Sau các đợt oanh kích liên tiếp trong nhiều ngày qua của quân đội chính phủ Syria vào các vị trí do quân nổi dậy chiếm giữ trong thành phố Aleppo, hôm nay (03/05) đến lượt quân nổi dậy pháo kích trở lại vào các khu phố do quân đội của Damas chiếm giữ, làm ít nhất 4 người chết và hàng trăm người bị thương, theo nguồn tin của OSDH.

Các vụ pháo kích diễn ra liên tục trong đêm qua đến sáng nay ở Aleppo cũng như nhiều thành phố khác. Tại Raqa, nơi được cho là thủ phủ của IS ở miền bắc Syria, nhiều đợt không kích không rõ của Nga hay liên quân quốc tế do Mỹ lãnh đạo, đã làm 13 thường dân thiệt mạng. Tại New York, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon tiếp tục hối thúc Matxcơva và Washington nỗ lực hơn nữa để tái lập lệnh ngừng bắn.

Anh Vũ

Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160503-lhq-nga-syria-qt

 

Tự do báo chí : Phóng viên Không biên giới nêu danh 12 “sát thủ”

Hôm trước Ngày Thế Giới vì Tự Do Báo Chí, 03/05/2016, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF công bố danh sách 12 người đứng đầu Nhà nước, bị coi là “sát thủ” của tự do truyền thông.

Trong số 12 sát thủ tự do báo chí được điểm danh có chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Nga Vladimir Putin, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un hay thủ tướng chính quyền quân sự Thái Lan Prayuth Chan-O-Cha. Chương trình The Wrong Party của RSF lên án tình trạng truyền thông bị bóp nghẹt với nhiều phương thức khác nhau. Tại Trung Quốc và Nga là chính sách tuyên truyền một chiều, được áp đặt một cách hệ thống, tại Thái Lan là việc nhiều nhà báo bị đưa vào trại tram do quân đội quản lý…

Đây là năm thứ 5 liên tiếp doanh nghiệp BETC, chuyên về các cải cách trong lĩnh vực văn hóa, chung tay với Phóng Viên Không Biên Giới trong chiến dịch vạch mặt giới lãnh đạo chống báo chí. Nội dung của chiến dịch truyền thông này được quảng bá rộng rãi, với các áp phích được dán trên nhiều đường phố của thủ đô Paris, hay được phổ biến trên các mạng xã hội.

Thổ Nhĩ Kỳ : số phận hai nhà báo gây lo ngại

Trong khi đó, tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International lưu ý công luận đến 9 quốc gia, nơi số phận của các nhà báo bị bắt giữ gây lo ngại, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ. Tình hình tự do ngôn luận tại quốc gia Trung Cận Đông, ứng cử viên vào Liên Hiệp Châu Âu, đặc biệt được chú ý. Thông tín viên Alexandre Billette tường trình từ Istanbul:

« Có một nghịch lý ngày càng trở nên nổi bật : trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ký với châu Âu một thỏa thuận về người tị nạn, Ankara ngày càng bị chỉ trích về các xâm phạm quyền tự do ngôn luận.

Nhà báo Can Dundar, tổng biên tập nhật báo nổi tiếng Cumhurriyet, đang bị xét xử và có thể phải chịu một án tù vì tội gián điệp. Các tờ báo gần gũi với giáo sĩ Gulen, đối thủ của tổng thống Erdogan, bị những người thân cận với chính quyền chiếm đoạt. Nhiều phương tiện truyền thông của người Kurdistan bị đóng cửa, vì bị cáo buộc có quan hệ với đảng PKK, và sự kiện mới đây nhất là việc hai nhà báo bị kết án vì tội ‘‘kích động thù hận’’, sau khi ấn hành trang bìa của tờ báo châm biếm Pháp Charlie Hebdo, có vẽ hình nhà tiên tri của đạo Hồi.

Nhiều nhà báo nước ngoài làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng trở thành nạn nhân bạo lực. Trong những tháng gần đây, có ít nhất năm nhà báo Syria bị giết hại tại thành phố Gaziantep, mà thủ phạm rất có thể là các phần tử thánh chiến thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ».

Trọng Thành

Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160503-chong-tu-do-bao-chi-phong-vien-khong-bien-gioi