Việt Nam biểu tình: Vì vụ cá chết, Chống tập đoàn Formosa thải chất độc ra biển, Hàng ngàn người tại Hà Nội và Sài Gòn biểu tình kêu gọi bảo vệ biển

Cac Bai Khac

No sub-categories

Hàng ngàn người đổ về các trung tâm tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội trong cuộc xuống đường vì hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra tại miền Trung Việt Nam.

Tại Hà Nội, nhiều con phố ở trung tâm kín người biểu tình với băng rôn “Tôi yêu môi trường biển và tôm cá”, “Toàn dân Việt Nam cứu biển”…

Ước tính có khoảng 1.000 người tham gia cuộc tuần hành tại Hà Nội. Có một số xe chặn ngang đường ngăn đoàn người và nhiều an ninh mặc thường phục.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn người đi qua các con đường Lê Duẩn, Chợ Bến Thành, mang theo các khẩu hiệu “phải trả lại môi trường cho nhân dân”, “Biển chết, tôm cá nghêu chết… Dân Việt Nam rồi sẽ chết nếu không đứng lên đòi quyền sống”, “Trả lại Việt Nam Biển trong xanh, ngừng xả thải ra biển”.

‘Trấn áp’

Một số clip quay lại cho thấy tại đây đã xảy ra việc trấn áp người biểu tình, khi các nhóm mặc áo xanh vây ráp và xô xát với người tuần hành.

Những hình ảnh bạn đọc gửi cho BBC dường như cho thấy đã xảy ra tình trạng trấn áp người xuống đường tại đây.

Các lực lượng mặc trang phục màu xanh xiết chặt dần vòng vây, và xảy ra xô xát với người cầm khẩu hiệu.

Một số bạn trẻ phản kháng bằng cách ngồi xuống và giơ cao khẩu hiệu bảo vệ môi trường.

Có người dân đã tặng hoa cho lực lượng cảnh sát giao thông trên đường đoàn người đi qua.

Ở một số thành phố khác như Nha Trang, Vũng Tàu, cũng có những nhóm người dân mang theo biểu ngữ ra bờ biển, thể hiện quan điểm về vụ cá chết hàng loạt tại Việt Nam.

Trong khi đó, tại Đà Nẵng, một số nhà hoạt động và người dân xuống đường đã ngay lập tức bị trấn áp.

Một số người nói họ “bị đánh” bởi lực lượng an ninh tại thành phố miền Trung này.

Sau thảm họa môi trường cá chết tại miền Trung, nhiều lãnh đạo Đà Nẵng đã công bố công văn nói biển Đà Nẵng không bị ảnh hưởng, dù một số báo tại Việt Nam vẫn công bố hiện tượng một số cá chết dạt lên bờ tại đây.

Ngày 30/4, bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã cùng các lãnh đạo đi tắm biển cùng người dân và ăn cá để giải tỏa lo âu cho người dân.

Thảm họa môi trường này xảy ra hơn ba tuần tại tỉnh Hà Tĩnh, sau đó lan rộng vào Quảng Bình, Quảng Trị, Huế.

Trong hôm 29/4, người dân Cảnh Dương, một làng khác cũng thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, đã chăng lều bạt phản đối trên Quốc lộ 1A.

Nhiều người dân vứt cá ra giữa đường, căng lều bạt phản đối vì tàu đi đánh bắt về nhưng cá không ai mua vì lo sợ cá bị nhiễm độc.

Cho tới hiện tại, truyền thông tại Việt Nam không đưa tin về các cuộc biểu tình này, hãng tin Reuters cho biết. – BBC

***
Hàng ngàn người dân Việt Nam ở Hà Nội, Sài Gòn cũng như tại một số thành phố miền Trung, đã xuống đường vào buổi sáng Chủ Nhật, 01/05/2016, để phản đối tập đoàn Formosa của Đài Loan thải chất độc tàn phá ngành thủy sản ở miền trung Việt Nam. Cuộc biểu tình được các mạng xã hội kêu gọi từ nhiều ngày trước.

Theo AFP và Reuters, tại Hà Nội vào sáng ngày 01/05, hàng trăm người dân đã tập họp và tuần hành dọc theo hồ Hoàn Kiếm. Họ hô khẩu hiệu “Trả biển cho dân” và cầm các biểu ngữ “Trục xuất Formosa”, “Biển chết, chúng tôi chết”, “Hãy bảo vệ biển”.

Tại Sài Gòn, cũng có hàng trăm người biểu tình với biểu ngữ “Trả lại Việt Nam biển trong xanh”, “Dân Việt Nam sẽ chết nếu không đòi quyền sống”…

Chính phủ Việt Nam cũng bị lên án là « vô tâm » trước thảm họa môi trường nhiễm độc làm cá và sò biển chết hàng loạt.

Những người biểu tình được các hãng thông tấn Tây phương phỏng vấn đều lên án thái độ “xấc xược” của Formosa, kêu gọi đóng cửa nhà máy thép của tập đoàn “xem thường chủ quyền và sinh mạng của người dân Việt”. Trong tuần, một phát ngôn viên của Formosa bị hãng sa thải sau khi tuyên bố: “Người Việt phải chọn một trong hai thứ, hoặc cá hoặc thép, chứ không thể cả hai”.

Theo chính quyền Việt Nam, ba tuần sau khi cá chết nổi xác tràn ngập 200 km bờ biển của bốn tỉnh miền trung, cuộc điều tra đang được tiến hành. Tuy vậy, theo AFP, báo chí chính thức đã chỉ đích danh thủ phạm là đường ống dẫn nước bẩn dài 1,5 km từ nhà máy thép của Formosa thải ra biển.

AFP cho biết thêm, tập đoàn Formosa bị dính vào nhiều vụ tai tiếng gây ô nhiễm sinh thái trên khắp địa cầu. Nhưng không rõ vì lý do gì cho đến nay các nhà điều tra của Việt Nam vẫn chưa kết luận tập đoàn này có quan hệ “nhân quả trực tiếp” giữa hoạt động của nhà máy tại Vũng Áng và cái chết của cá và sò biển .

Chính quyền Việt Nam đã nhìn nhận có “sai sót” qua lời tuyên bố của Bộ Trưởng Tài Nguyên – Môi Trường Trần Hồng Hà với báo Tuổi Trẻ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết sẽ “trừng phạt nặng nề” thủ phạm gây ô nhiễm.

Theo các mạng báo chí xã hội, biểu tình đông nhất là tại Hà Nội 2.000 người và thành phố Hồ Chí Minh 3.000 người. Ở các địa phương khác như Quảng Bình, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu… cũng có biểu tình. Nhiều nhà hoạt động nhân quyền bị công an chặn lại không cho tham gia.

Reuters cho biết lực luợng an ninh cảnh sát được bố trí rất đông nhưng không đàn áp như những lần trước. Ngược lại, báo chí nhà nước hoàn toàn không loan tin các cuộc biểu tình ngày Chủ Nhật 01/05 này. – RFI

***
Hàng ngàn người dân tại thủ đô Hà Nội và thành phố Sài Gòn hôm nay xuống đường biểu tình kêu gọi bảo vệ môi trường biển của Việt Nam mà vừa qua bị nhiễm độc khiến cá chết hằng loạt tấp vào bờ của các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh, sang Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế và đến cả Đà Nẵng.

Tiếng đàn violon của nghệ sĩ đường phố Tạ Trí Hải kéo bài ‘Dậy Mà Đi’ khi cùng tham gia biểu tình ở Hà Nội lúc khoảng hơn 10h30 sáng nay khi đoàn về lại tại khu vực trước Nhà hát Lớn.

Anh Trịnh Bá Phương, một người tham gia trong đoàn biểu tình sáng hôm nay, ngày 1 tháng 5 năm 2016, tại Hà Nội cho biết vào lúc 10h30 sáng như sau:

“Từ lúc 9 giờ bà con đã tuần hành 1 vòng quanh Hồ Hoàn Kiếm, sau đó mọi người đến tượng đài Lý Thái Tổ và bà con vừa tuần hành đến sảnh của Nhà Hát lớn.

Lực lượng an ninh chìm/mật có tham gia đàn áp những cuộc biểu tình trước thì ngày hôm nay họ đều có mặt; tuy nhiên lượng người tham gia ngày biểu tình hôm nay rất đông nên họ không thể đàn áp được người dân.

Ước lượng khoảng hơn 1 ngàn người.”

Một người tham gia khác trong đoàn biểu tình sáng nay ở Hà Nội là chị Thảo Teresa mô tả hoạt động đó vào lúc 10h45:

“Hôm nay không chỉ những anh em đấu tranh mà cả những người dân trước đây thờ ơ cũng xuống đường. Hàng ngàn người xuống đường và bản thân tôi rất bất ngờ về tính thể hiện của họ. Những biểu ngữ hôm nay là ‘đả đảo Formosa’, ‘yêu cầu chính phủ phải minh bạch, không để chìm xuồng’… Đó là những phản biện rất rõ ràng đối với nhà cầm quyền.”

Tại Sài Gòn, sáng nay cũng diễn ra cuộc biểu tình kêu gọi bảo vệ môi trường sinh thái như ở Hà Nội. Linh mục Phê-rô Lê Xuân Lộc, một trong những người biểu tình kể lại sau khi từ cuộc biểu tình trở về:

“Sáng nay đúng hẹn theo lịch sẽ có biểu tình tại Công viên 30/4; trước 9 giờ tôi cùng một nhóm các bạn trẻ đến tập trung tại Nhà thờ Đức Bà. Còn các nhóm khác cũng tập trung gần đó. Sau đó 9 giờ, chúng tôi tiến ra ngay trước Công viên 30/4. Cuộc biểu tình mau chóng thu hút được vài ngàn người biểu tình kéo đến và hô vang các khẩu hiệu kêu gọi bảo vệ môi trường cũng như đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam

Biểu tình ở Công viên 30/4 được khoảng chừng 10 phút, rồi đoàn biểu tình đi quanh Nhà thờ Đức Bà, xuống đường Đồng Khởi, qua trước nhà hát Sài Gòn, đi qua phố đi bộ Nguyễn Huệ, kéo về đường Lê Lợi, sau đó đến công viên Quách Thị Trang và tập trung ở đó khoảng 15 phút; sau đó tiếp tục lên đường xuống Hàm Nghi. Rất đông công an được điều động đến đó để chặn đoàn biểu tình. Sau đó đoàn biểu tình tọa kháng ngay đường Hàm Nghi. Và có một vài trường hợp bị đánh đập, bị bắt bớ như một bạn quen của chúng tôi đang bị bắt ở ngoài đó và hiện tại chưa biết đang bị giữ ở đâu.

Sáng nay ở Dòng Chúa Cứu Thế cũng có bắt bớ khoảng 4- 5 người. Khi anh Thú, chị Nghiên, cô Tân, và 1 bạn nữa mà tôi không rõ tên đến hầm xe thì khoảng 20 anh ninh đã ập vào hầm xe bắt 4 người đó đi và hiện tại chúng tôi không biết họ đang bị giam giữ ở đâu.

Một số người đang tập trung tại Phòng Công lý ở đây chuẩn bị đi ‘tìm’ người!”

Ý thức cộng đồng

Theo đánh giá của nhiều người thì đợt biểu tình sáng hôm nay tại Hà Nội và Sài Gòn thu hút được đông đảo người dân tham gia hơn vì họ ý thức được vấn đề bức bách hiện nay đối với chính cuộc sống của họ.

Chị Thảo Teresa có nhận định:

“Những người dân bình thường xuống đường ủng hộ để đòi hỏi những quyền lợi sát sườn của nhân dân. Tình hình rất nặng nề vì nay đã lan đến Đà Nẵng…”

Linh mục Phê-rô Lê Xuân Lộc đưa ra một số nhận xét của ông về cuộc biểu tình sáng nay mà ông tham gia tại Sài Gòn:

“Lần này liên quan đến môi trường, đến sự sống, đến sự tồn vong của dân tộc nên tôi xuống đường. Có rất nhiều người trước đây họ chưa tham gia và hôm nay họ sẵn sàng tham gia. Hôm nay tôi gặp trực tiếp rất nhiều người, nhiều giáo dân. Biết tôi là linh mục họ đến chào thăm và tôi biết họ lần đầu tiên tham gia.

Số lượng lần này đông hơn lần trước và thấy tinh thần của người dân bớt sợ, không còn sợ hãi nhất là khi thấy một lực lượng an ninh được huy động rất đông đến các góc, các ngã đường, và dân phòng; nhưng người dân vẫn túa ra đường.

Tôi thấy một sự đối lập giữa người dân và lực lượng công an khi người dân đi biểu tình và lực lượng công an đi hai bên dù là giữ gìn an ninh trật tự nhưng thấy người dân rất phẫn uất trước những hành vi cố tình ngăn trở cũng như tìm cách giật những biểu ngữ của người biểu tình.”

Ngăn chặn, câu lưu

Trong đoàn hàng ngàn người biểu tình tại Hà Nội và Sài Gòn trong sáng hôm nay thiếu vắng một số nhà hoạt động công khai vì quyền con người lâu nay. Lý do họ bị ngăn chặn không thể ra khỏi nhà như trường hợp hai vợ chồng ông Huỳnh Công Thuận và cô giáo Thanh Mai ở Sài Gòn. Ông Thuận trình bày:

“Hai đứa tôi vừa đi ra khỏi cửa thì họ chặn lại; giờ ở cửa cả chục người chặn. Đó là an ninh côn đồ, còn ngoài đường có một số bị bắt.”

Tại thành phố Đà Nẵng, có một nhóm nhỏ cố gắng tiến hành biểu tình nhưng đã bị ngăn chặn, có người tham gia bị đánh và có người bị mời về đồn công an làm việc.

Tại một số nơi khác như Cửa Lò hay ở Vinh hoạt động biểu tình bị lực lượng chức năng ngăn chặn ngay từ đầu. – RFA