Điểm Báo Pháp – 29-4-2016
Những người tham gia phong trào “Đêm quật khởi” ở Paris họp chuẩn bị cho cuộc biểu tình lớn ngày 28/04/2016. REUTERS/Jacky Naegelen
Theo RFI – Tú Anh – 29-04-2016
Mạng xã hội: Vũ khí phát động và lan truyền ngọn lửa tranh đấu
Làm cách nào để tổ chức tự phát «Đêm quật khởi » tại Pháp từ mục tiêu chống dự luật lao động biến thành phong trào áp lực thường trực? Kinh tế Pháp khởi sắc vào lúc công luận tuyệt vọng. Đàm phán Syria bên bờ vực thẳm vì Damas quyết đánh. Hồi giáo đánh mất cảm tình Đức và Pháp. Phất cờ Daech, khủng bố ở Philippines bắt cóc, chặt đầu con tin Tây phương để gieo rắc kinh hoàng, chế độ xã hội ở Venenezuela trong ngõ cụt là những chủ đề trên báo Pháp hôm nay.
Hạnh phúc không đến một cách tự nhiên mà phải biết tạo dựng và tranh đấu. Không hẹn mà nên, đó là thông điệp chung mà thời sự gửi đến. Trang nhất của La Croix đăng ảnh một bé gái Irak, mình mẩy ướt đẫm, quấn một tấm « drap » chống lạnh sau khi may mắn đến được bờ biển đảo Lesbos của Hy Lạp. Cái giá chạy trốn chiến tranh và áp bức tìm về miền hạnh phúc ở châu Âu rất đắt. Nhật báo công giáo dành hai trang kể lại nỗi thống khổ của thuyền nhân « mồi ngon » của các đường dây xã hội đen tổ chức vượt biển ở Địa Trung Hải và nỗ lực của Ý nhận diện và truy bắt những nhóm tội ác này.
Nhưng ở « miền đất hứa », hạnh phúc cũng cần được « vun bồi », tựa của bài xã luận của La Croix . Khảo sát của nhật báo Công giáo đưa đến kết quả bất ngờ : dù thất nghiệp đè nặng, dù khủng bố đe dọa, dù tình hình quốc tế bất an nhưng đa số người Pháp có « cẩm nang » để được hạnh phúc. Đó là vun bồi tình cảm gia đình và kết thân với láng giềng để giảm nhẹ khó khăn trong đời sống. Hạnh phúc hiện hữu ở khắp nơi chỉ cần biết vun bồi, đó là ý kiến của 71% người Pháp.
Tranh đấu chính trị không cần tổ chức chặt chẽ
Tuy nhiên, trên thực tế cũng có hàng trăm ngàn thanh niên, sinh viên Pháp chọn tranh đấu quyết liệt để bảo vệ thành quả xã hội với phong trào « Đêm quật khởi », kéo dài từ cuối tháng Ba đến nay. Phát sinh từ một cuộc biểu tình gây áp lực với chính phủ đòi hủy bỏ dự luật lao động bị xem là có lợi cho giới chủ nhân, « Đêm quật khởi » hay đêm không ngủ huy động hàng ngàn người chiếm đóng quảng trường Cộng Hòa tại Paris như phong trào Occupy Central ở Hồng Kông, Occupy Wall Street ở New York.
Theo nhật báo cánh hữu Le Figaro, nước Pháp cần cải cách luật lao động để cứu vãn kinh tế bị sa lầy từ nhiều thập niên qua. Thế nhưng, phe chống đối đã sử dụng đến bạo lực đập phá hàng quán, trạm xe bus, xung đột với cảnh sát, không thể chấp nhận được. Khác với đồng nghiệp đối lập, nhật báo cánh tả khai phóng Libération không quan tâm đến thiểu số « phá hoại » trà trộn vào phong trào tranh đấu để cướp phá và khiêu khích cảnh sát.
Libération tìm hiểu làm cách nào để phong trào tự phát có thể kéo dài thành một lực lượng xã hội thường trực, như đảng cánh tả Podemos ở Tây Ban Nha từ áp lực đường phố được dân chúng tin cậy bầu vào Quốc Hội. Bài xã luận nêu ra hai khả năng : một là cấu trúc thành tổ chức có hệ thống ngang, hệ thống dọc để có tiếng nói hiệu quả. Hai là « cô lập » ở quảng trường trung tâm một vài thành phố lớn.
Chỉ hội họp, thảo luận triền miên mà không có hành động sẽ tạo tâm lý nản chí và làm tan rã phong trào.
Tại Tây Ban Nha, khởi đi từ một động thái phẫn nộ , thông điệp đổi mới được tung ra khắp nơi, từ đường phố đi vào học đường, từ tổ khu phố đến nghị trường địa phương, nơi nào tổ chức tranh luận thì nơi đó Podemos tiếp thu dưỡng khí để tạo ra thêm sức mạnh và ảnh hưởng.
Theo Libération phong trào « Đêm quật khởi » tranh đấu chống dự luật lao động tại Pháp, khác với Podamos của Tây Ban Nha, đứng trước một phương trình gần như nan giải : từ chối cấu trúc hệ thống ngang, dọc thì bị những người đưa sáng kiến đầu tiên không đồng ý vì mất tính dân chủ. Ngược lại, hỗn tạp như hiện nay thì kéo dài đến bao giờ ?
Theo các nhà phân tích, phong trào « Đêm quật khởi » chuyển hóa thành một tổ chức có cơ cấu sẽ không dễ dàng do luôn có bất đồng giữa các nhóm tham gia.
Nhưng, ở thế kỷ 21, kỹ thuật số là vũ khí để giúp phong trào phát triển lâu dài. Phong trào đã tạo ra một loạt « công cụ » truyền thông, liên lạc trên mạng xã hội : bản đồ tập họp, lịch trình thảo luận, nối kết hàng chục « diễn đàn », đài phát thanh của phong trào, cập nhật hóa thông tin sinh hoạt trên các trang mạng địa phương. Một « ủy ban kỹ thuật số » phụ trách trợ giúp các nhóm hoạt động và thảo luận về các vấn đề chính trị. Nói chung, bất cứ ở nơi nào, vào thời điểm nào khi cần xuống đường, những người đồng tâm đồng chí luôn được trợ lý và nối kết qua mạng lưới xã hội. Một mạng lưới tinh vi được một « tiểu ban » an ninh mạng bảo vệ không để cho « tin tặc » xâm nhập phá hoại.
Cẩn trọng đến cùng, là đổi tên những « chuyên viên » kỹ thuật số đang tìm cách phát huy phong trào tranh đấu đường phố để gây sức ép chính trị mà không cần tổ chức theo hệ thống ngang dọc. Tổng thống Pháp hy vọng lật ngược thế cờ
Le Monde cho biết kinh tế Pháp « cải thiện tốt hơn dự kiến » . Tỷ lệ tăng trưởng GDP trong quý một là 0,5% hơn mức dự báo là 0,4%.
Trong khi Le Figaro vừa đào sâu phân hóa trong nội bộ hành pháp vì tham vọng tranh ghế tổng thống của bộ trưởng kinh tế Emmanuel Macron, vừa đặt cược vào cựu thủ tướng Alain Juppé, nhân vật nặng ký của cánh hữu, thì Les Echos phân tích vì sao tổng thống Hollande tin tưởng có thể tái tranh cử. Các kết quả tốt trong tuần qua, từ tỉ lệ thất nghiệp giảm, tăng trưởng tốt, đã tạo ra hy vọng trong phe ủng hộ chủ nhân điện Elysée. Một cách chính xác, theo nhận định của một nhân vật thân cận tổng thống, nếu đụng Alain Juppé thì ông Hollande sẽ thua, nhưng nếu gặp cựu tổng thống Nicolas Sarcozy thì tổng thống mãn nhiệm sẽ thắng .
Nhưng trước tiên là phải vô hiệu hóa tham vọng của vị bộ trưởng trẻ tuổi trong nội các. Trong bài xã luận, nhà báo Cécile Cornudet, sau khi phân tích cuộc « chạy đua trong hậu trường » phe tả đã mượn hình ảnh « cáo già và chó sói con » để so sánh với hai ông Hollande và Macron. Đáng tiếc là La Fontaine đã quên không viết thành truyện ngụ ngôn xem ai thắng ai.
Hồi giáo mất điểm
Uy tín đạo Hồi đang sụp đổ trong công luận Pháp và Đức. Qua kết quả thăm dò thực hiện tại hai nước đầu tàu châu Âu, Le Figaro cho biết ngay trong giới cử tri cánh tả, xu hướng này rất đậm nét. Trong vòng 6 năm, tỉ lệ cử tri đảng xã hội Pháp xem « vị trí đạo Hồi quá lớn » đã tăng từ 39% lên 52%. Tỉ lệ người Pháp xem cộng đồng Hồi giáo là mối đe dọa là 47%. Tại Đức, tỉ lệ này tuy thấp hơn, khoảng 43%, nhưng tâm lý bài Hồi giáo đang được phe cực hữu khai thác có hiệu quả, nhất là sau loạt xâm phạm tính dục mùa Giáng sinh 2015.
Philippines : Khủng bố dưới ngọn cờ Daech
Tin tổ chức Abou Sayyaf bắt cóc nhiều con tin Tây phương và chặt đầu một công dân Canada xảy ra trong bối cảnh nhóm Hồi giáo võ trang thảo khấu này phất ngọn cờ tổ chức Nhà nước Hồi giáo, tấn công mạnh ở miền nam Philippines, cướp tàu thuyền của hai nước láng giềng là Indonesia và Malaysia.
Theo Le Monde, tổng thống Philippines và Indonesia đều tỏ thái độ cứng rắn không trả tiền chuộc. Manila chọn giải pháp mạnh, hành quân truy đánh Abou Sayyaf, tuy quân đội nhiều khi bị thiệt hại nặng. Không để cho tổ chức thảo khấu này sử dụng ngọn cờ Daech để chiêu dụ thanh niên Hồi giáo, Manila gọi Abou Sayyaf đúng tên đạo tặc cho dù thủ lãnh của nhóm đã tuyên thệ trung thành với thủ lĩnh Daech ở Irak.
Cuối cùng, thời sự châu Mỹ La tinh được Le Figaro minh họa bằng tấm ảnh chụp hàng ngàn dân Venezuela xếp hàng ký kiến nghị tổ chức trưng cầu dân ý lật đổ tổng thống Maduro. Bản thân nhà lãnh đạo cánh tả nhìn nhận tình hình kinh tế « thê thảm » : ngay dân biểu Quốc Hội cũng bị ngưng lương vì ngân sách cạn kiệt.
Trong bài « Phẫn nộ dâng cao tại Venezuela », La Croix cho biết công chức đi làm hai ngày một tuần vì cúp điện có khi kéo dài 10 tiếng đồng hồ, trường học từ mẫu giáo đến trung học nghỉ cuối tuần từ ngày thứ Sáu, nhiều vụ bạo động cướp thực phẩm nổ ra. Tuy tổng thống mất đa số tại Quốc Hội nhưng ông kiểm soát được quân đội và cảnh sát nên cố gắng chống giữ để không xảy ra hỗn loạn.