Điểm Báo Pháp 05/04/14
Nga sáp nhập Crimée: Nhà giàu Nga lãnh đủ
Trong cuộc khủng hoảng Ukraina, Nga đã thành công trong việc sáp nhập Crimée mà không cần phát động chiến tranh. Thế nhưng, để đổi lại «chiến thắng» đó, Nga đang đối mặt với nhiều thách thức. Về ngoại giao, các nước phương Tây đang không ngừng ra sức cô lập Nga.
Về kinh tế, nhà giàu Nga chịu nhiều thiệt hại. Nhìn riêng về thiệt hại kinh tế của Nga, nhật báo kinh tế Les Echos đăng bài đáng chú ý: «Ukraina: nhiều tỷ đô la bị đánh hơi của các đại gia Nga». Đó là những đại gia giàu sụ tại Nga. Họ thường có quan hệ gia đình hay có quan hệ thân thiết với nhà cầm quyền.
Cuộc khủng hoảng Ukraina đã đặt quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây trên đống lửa. Báo chí thế giới liên tục dùng những từ khá nhạy cảm như: «gót giày đinh của chiến tranh», «chiến tranh lạnh», «căng thẳng leo thang»…
Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán tại Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chẳng hạn như, theo hãng tin Bloomberg, trong ngày 3 tháng 3 rồi, chỉ số Micex của Nga đã giảm đến hơn 10%. Các nhà đầu tư tài chính của Nga vào ngày này đã thiệt hại đến 13 tỷ đô la.
Les Echos cho biết, từ đầu năm đến nay, giới tài phiệt Nga đã chịu nhiều mất mát lớn vì khủng hoảng Ukraina. 16 người giàu nhất trong số đó đã thiệt hại khoảng 23,5 tỷ đô la.
So sánh giữa phương Tây và Nga, các đại gia Nga chịu thiệt hại nhiều hơn. Trong 18 người chịu thiệt hại tài chính do khủng hoảng Ukraina, thì có 10 người là của Nga.
Thêm vào đó, nhiều nhà giàu Nga đang có xu hướng đưa tiền ra khỏi Nga đến gửi ở Luân Đôn hoặc Thuỵ Sĩ. Nguồn tài chính thất thoát này của Nga, nếu tình hình không thay đổi, có thể lên đến 100 tỷ đô la trong quý 1 năm 2014. Les Echos nhận định, đây là «một sự thất thoát lịch sử».
Theo Les Echos, khủng hoảng Ukraina xảy đến đúng vào thời điểm nền kinh tế Nga đang rất khó khăn. Chỉ trong ba năm qua, tăng trưởng kinh tế của Nga đã giảm từ 4,3% xuống còn 1,3%. Dự báo tình hình sẽ còn tiếp tục xấu đi.
Ngân hàng Thế giới đánh giá rằng, nếu tình hình không được cải thiện, thì năm nay tăng trưởng của Nga sẽ giảm đi 1,8%. Trong khi đó, số liệu của chính phía Nga đưa ra cũng không có gì sáng sủa. Ngân hàng trung ương Nga hiện cũng chỉ còn nhắm đến mức tăng trưởng dưới 1% cho năm nay, thay vì 2,5% như hồi đầu năm.
Bên cạnh các đại gia bị thiệt hại bởi sự chao đảo của thị trường chứng khoán, Les Echos cũng cho biết là còn có những đại gia bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên hiệp Châu Âu.
Tình hình căng thẳng đến mức mà Tổng thống Putin đã phải lên tiếng kêu gọi các nhà giàu Nga nên có «một tấm lòng yêu nước qua hồ sơ kinh tế».
Nga: trí thức phải ủng hộ Crimée?
Cũng liên quan đến Nga, nhật báo Libération đăng bài: «Giới trí thức bị đàn áp trên hồ sơ Crimée». Tờ báo cho biết, đại đa số người Nga ủng hộ việc sáp nhập Crimée của Tổng thống Putin, thế nhưng cũng có một bộ phận phản đối.
Vấn đề đáng nói là tiếng nói của bộ phận phản đối này không được chú ý đến. Một phần là do các phương tiện thông tin đại chúng tại Nga chỉ hô hào tuyên truyền ủng hộ giải pháp sáp nhập Crimée. Một phần cũng là do chính quyền ra sức trấn áp các tiếng nói đối lập.
Libération cho biết, việc trấn áp hiện diện ở mọi lĩnh vực. Chẳng hạn như một ca sĩ nổi tiếng của Nga đã bị rút lại danh hiệu sau khi tham gia biểu tình phản đối việc sáp nhập Crimée. Hay như một giáo sư đại học đã bị sa thải do viết bài phản đối việc sáp nhập này.
Trong khi đó, như một biện pháp tuyên truyền, Bộ văn hoá Nga đã công bố một danh sách hơn 500 chữ ký của các trí thức bày tỏ ủng hộ chính sách của Tổng thống Putin. Tuy nhiên, theo tờ báo, việc xác lập danh sách này cũng có những nghi ngờ là do chính quyền áp đặt.
MH370: chuyện dài nhiều tập
Liên quan đến vụ mất tích bí ẩn của chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines hôm 08/03 vừa rồi, nhật báo Le Figaro có bài tổng hợp: «MH370: Kuala Lumpur thất bại».
Gần một tháng nay, hồ sơ MH370 thu hút sự quan tâm đặt biệt của thế giới. Dù nhiều nước tham gia tìm kiếm, nhưng đến hiện tại, chiếc máy bay và 239 hành khách cùng phi hành đoàn vẫn mất tích một cách đầy bí ẩn.
Nội việc tìm cho ra xác máy bay còn chưa làm được, chứ đừng nói đến việc tìm ra nguyên nhân. Mà để xác định được nguyên nhân thì phải tìm cho ra chiếc hộp đen của chiếc máy bay. Thế nhưng, pin của chiếc hộp đen chỉ hoạt động được trong vòng 30 ngày mà thôi. Trong khi đó, khu vực hiện tại được xác định là nơi rớt máy bay lại là một trong những nơi khó tiếp cận nhất thế giới : gió mạnh, sóng to, nước chảy siết…
Nhà cầm quyền Malaysia đang đau đầu với hồ sơ này. Số là lúc đầu, nhà chức trách Malaysia im hơi lặng tiếng. Để rồi sau đó lại đưa ra thông tin, rồi phủ nhận thông tin. Người ta có cảm giác là Kuala Lumpur tiết lộ thông tin một cách nhỏ giọt và không chính xác.
Le Figaro dẫn nhiều lời chỉ trích gay gắt chính phủ Malaysia trong hồ sơ MH370. Có người còn cho rằng : «Nhà chức trách Malaysia phản ứng theo kiểu chế độ độc tài, tức là ém nhẹm thông tin một cách tối đa».
Le Figaro cho biết thêm, hiện tại ở Malaysia, đã rộ lên nhiều lời đồn đoán về nguyên nhân vụ mất tích. Đặc biệt chú ý là trong những lời đồn đoán đó có người cho rằng, do chiếc máy bay Boeing 770 toan tấn công tự sát vào căn cứ quân sự Diego Garcia của Mỹ, nên quân đội Mỹ đã «bắn hạ nó một cách bí mật».
Hồ sơ MH370 cũng là một thách thức đối với nhiều cường quốc thế giới. Bởi vì nhiều nước đã tham gia tìm kiếm mà vẫn chưa được. Le Figaro cũng nhận định, hồ sơ này đã làm lộ rõ hơn mâu thuẫn giữa các nước như việc Ấn Độ không cho tàu quân sự của Trung Quốc vào khu vực đảo Andaman vì nghi là gián điệp. Hồ sơ này cũng là yếu tố so kè sức mạnh giữa Mỹ và Trung Quốc trong việc triển khai lực lượng chứng minh bản lĩnh.
Afghanistan: bầu cử trong bất ổn
Tại Afghanistan, người dân sẽ đi bầu Tổng thống vào ngày mai để chọn người thay thế ông Hamid Karzai đã cầm quyền từ 12 năm nay. Đây là một trong những chủ đề được báo chí Pháp quan tâm nhiều nhất hôm nay.
Nhật báo Công giáo La Croix chạy tít lớn trên trang nhất: “Hy vọng và lo âu ở Kabul trước thềm bầu cử”. Nhật báo L’Humanité có bài: “Bóng đen Taliban chập chờn trên cuộc bầu cử”. Tờ Le Figaro có bài: “Afghanistan bầu Tổng thống để chấm dứt thời kỳ Hamid Karzai”. Les Echos chạy tựa cho hay: “Afghanistan bầu cử bất chấp sự đe doạ của Taliban”.
Các tờ báo đều cho biết, bầu cử vào ngày mai tại Afghanistan là để chọn Tổng thống mới thay cho ông Karzai vốn đã cầm quyền từ thời chế độ Taliban sụp đổ đến nay. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh đất nước ngập chìm trong bất ổn. Khu vực nông thôn ở đất nước này vẫn do Taliban kiểm soát. Bên cạnh đó, kinh tế đất nước lệ thuộc phần lớn vào nguồn hỗ trợ quốc tế.
Les Echos cho biết thêm, tuổi thọ trung bình của người Afghanistan chỉ có 49,1 năm, xếp 175 trên 186 quốc gia. Ở vùng nông thôn Afghanistan, chỉ có 33% người dân tiếp cận được với điện trong khi nguồn điện luôn trong trạng thái không ổn định.
Trung Quốc: lại xây đường sắt
Nhìn về Trung Quốc, nhật báo Le Figaro có bài chạy tựa : «Bắc Kinh kích thích tăng trưởng bằng đường sắt và bất động sản».
Tờ báo cho biết, để đối phó với tình trạng phát triển chậm lại của nền kinh tế, chính phủ Trung Quốc vừa công bố một loạt biện pháp, trong đó nhắm đến hai lĩnh vực đường sắt và bất động sản.
Về bất động sản, Bắc Kinh dự tính kéo dài chính sách giảm miễn thuế cho các doanh nghiệp nhỏ, khuyến kích xây dựng nhà ở xã hội. Dự tính sẽ xây thêm 4,7 triệu nhà ở giá rẽ cho cư dân ở các khu nhà ổ chuột ở các thành phố.
Về đường sắt, trong năm 2014, dự kiến sẽ xây thêm 6 600 km, tức hơn 1000 km so với năm ngoái. Chính phủ dự tính thành lập một quỹ từ 200 tỷ đến 300 tỷ nhân dân tệ (23 tỷ euro đến 35 tỷ eur), trong bối cảnh mà ngành đường sắt Trung Quốc thời gian qua gây nhiều quan ngại về chất lượng.
Pháp: chính phủ mới và những thách thức
Liên quan đến nước Pháp, các tờ báo hôm nay tiếp tục dành ưu tiên cho tiến trình thành lập tân chính phủ. Nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa lớn trên trang nhất: «Cứu sự tăng trưởng: nhiệm vụ cấp bách số một của tân Thủ tướng Manuel Valls». Tờ báo cánh hữu Le Figaro cũng chạy tựa lớn trên trang nhất: «Những hồ sơ đầy khó khăn của Manuel Valls».
Hai tờ báo đưa ra số liệu cho biết, tăng trưởng quý 1 của Pháp chỉ có 0,1%, và dự đoán quý 2 là 0,3%, tức đều thấp hơn so với mức bình quân của các nước thuộc khu vực đồng euro (eurozone). Thất nghiệp tại Pháp đã hơn 3 triệu người, ở mức 9,8%.
Một hồ sơ khác là mục tiêu mà chính phủ Pháp đã đặt ra là tiết kiệm 50 tỷ euro từ đây đến năm 2017. Le Figaro gọi đó là «chính sách thắt lưng buộc bụng theo kiểu cánh tả». Tờ báo nhận định, đây sẽ là thách thức chính của tân chính phủ Valls, bởi để tiết kiệm được khoảng tiền đó thì phải hy sinh nhiều thứ khác: thắt chặt chi tiêu công, giảm phúc lợi xã hội…
Trong bối cảnh đó, tân Bộ trưởng Tài chính Pháp, Michel Sapin, dự định sẽ thuyết phục Liên Hiệp Châu Âu cho phép Pháp gia hạn thời gian giảm mức thâm hụt ngân sách xuống còn 3%. Vấn đề là mới hồi năm ngoái, Pháp đã xin gia hạn một lần. Le Figaro chỉ trích Tổng thống François Hollande đã mất hết uy tín do chưa thực hiện được lời cam kết cải cách kinh tế nào, nên việc tạo niềm tin cho các đối tác Châu Âu là rất khó.
Về phần mình, nhật báo Le Monde cũng dành trang nhất đăng tựa: «Hollande-Valls, hậu trường của một liên minh chính trị». Tờ báo dành nhiều bài về hậu trường chính trị của việc Tổng thống François Hollande bổ nhiệm tân Thủ tướng, và về việc tân Thủ tướng Manuel Valls chọn người thành lập nội các.
Cũng trên trang nhất, Le Monde đăng bài xã luận nhắc lại rằng, Tổng thống Hollande cho rằng thất bại trong cuộc bầu cử địa phương vừa qua của cánh tả là biểu hiện của «sự thất vọng» và «không hài lòng» của cử tri.
Bởi thế ông Hollande đã có thay đổi là bổ nhiệm tân Thủ tướng để thành lập nội các mới. Thế nhưng, bài xã luận cho rằng: «cái mới còn phải được chứng minh», bởi chính phủ mới có vẻ chỉ là «bản sao» của chính phủ tiền nhiệm, và sẽ khó lòng khôi phục niềm tin cho cử tri Pháp