Afghanistan bắt đầu bầu cử Tổng thống
Theo BBC
Các cử tri tại Afghanistan bắt đầu bỏ phiếu chọn ra tổng thống mới trong cuộc chuyển giao quyền lực dân chủ đầu tiên tại nước này.
Một chiến dịch an ninh với quy mô lớn đang được tiến hành để ngăn cản lực lượng Taliban, vốn trước đó đã tuyên bố sẽ quấy rối cuộc bầu cử.
Tám ứng viên có cơ hội sẽ thay thế ông Hamid Karzai, người phải rời ghế tổng thống sau hai nhiệm kỳ liên tiếp, theo hiến pháp Afghanistan.
Tuy nhiên, không khí cuộc bầu cử cũng đang bị ảnh hưởng bởi vụ nổ súng vào hai phóng viên AP.
Nhiếp ảnh gia người Đức Anja Niedringhaus đã bị sát hại và phóng viên kỳ cựu người Canada, Kathy Ganno, bị thương, sau khi một viên chỉ huy cảnh sát nổ súng vào xe của họ ở thị trấn Khost, nằm phía đông Afghanistan, hôm 4/4.
Cả hai đã làm việc cho AP nhiều năm.
Đây là vụ tấn công mới nhất trong chuỗi hàng loạt vụ tấn công đẫm máu diễn ra trước thềm cuộc bầu cử.
Một chiến dịch quân sự với quy mô lớn nhất kể từ khi chính quyền Taliban bị lật đổ hồi năm 2001 đã được tiến hành để bảo đảm an ninh cho cuộc bầu cử.
Bất chấp mưa lớn tại thủ đô Afghanistan vào sáng sớm thứ Bảy và những mối đe dọa an ninh, nhiều cử tri, nhất là những người trẻ tuổi, vẫn có mặt ở các điểm bỏ phiếu.
Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Độc lập Ahmad Yousuf Nouristani đã kêu gọi tất cả người dân Afghanistan tham gia bỏ phiếu, trong lúc ông bỏ lá phiếu của mình trên sóng truyền hình trực tiếp.
Tình trạng kẹt xe đã gây khó khăn cho việc đi vào thủ đô Afghnistan vào thứ Sáu, với các chốt canh của cảnh sát được dựng lên ở mọi chốt giao thông.
Toàn bộ 400.000 cảnh sát và các binh sỹ ở nước này đã được triển khai để bảo vệ cho 12 triệu cử tri đi bỏ phiếu, nhà chức trách cho biết.
Các quan sát viên quốc tế tỏ ra khá lạc quan rằng các biện pháp an ninh cũng như những hình thức ngăn ngừa gian lận bầu cử sẽ giúp mang lại một cuộc bầu cử công bằng hơn trước đây.
Người dân Afghanistan đã bị ngăn gửi tin nhắn trước tối thứ Bảy để ngăn ngừa việc dịch vụ này bị sử dụng để vận động bầu cử vào phút chót.
Trong số tám ứng viên tổng thống hiện nay, có ba người được xem là sáng giá: Các cựu ngoại trưởng Abdullah Abdullah và Zalmai Rassoul, cựu bộ trưởng tài chính, ông Ashraf Ghani Ahmadzai.
Ông Abdullah đã có một chiến dịch vận động bầu cử thành công, ông Ghani có được sự ủng hộ từ giới trẻ ở những khu vực thành thị, trong khi ông Rassoul được cho là người được ông Hamid Karzai tín nhiệm.
Tuy nhiên, hiện không có ứng viên nào được trông đợi là sẽ dành được hơn 50% phiếu bầu để chiến thắng tuyệt đối, điều đồng nghĩa với việc nhiều khả năng một vòng bầu cử bổ sung sẽ diễn ra vào ngày 28/5.
Vào thời điểm bị tấn công, Anja Niedringhaus và Kathy Gannon đang đi cùng đoàn xe của các nhân viên bầu cử, dưới sự bảo vệ của lực lượng an ninh Afghanistan, nhằm phân phát phiếu bầu từ trung tâm Khost tới huyện Tani ở khu vực ngoại ô.
Các nhân chứng cho biết cả hai đang ở trong xe riêng và đang đợi đi qua một chốt canh được canh gác cẩn mật, thì bị một viên chỉ huy cảnh sát nhắm bắn.
Bà Niedringhaus, 48 tuổi, một nhiếp ảnh gia người Đức từng là thành viên của một nhóm phóng viên được nhận Giải thưởng Pulitzer vì những bài tường thuật ở Iraq, đã tử vong ngay tại chỗ.
Bà Kathy Ganno, 60 tuổi, gốc Canada, người từng đứng đầu văn phòng thường trú của AP tại Afghanistan trong nhiều năm và là phóng viên đặc biệt của hãng thông tấn này trong khu vực, bị trúng hai phát đạn và đã được giải phẫu. Tình hình của bà hiện được cho là đã ổn định.
Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan cho biết sẽ điều tra kỹ lưỡng vụ việc, nhưng cũng cho rằng nhiều khả năng các nạn nhân đã bị hung thủ nhận dạng nhầm.
Khu vực gần với biên giới Pakistan này đã bị phiến quân nhắm vào trong suốt 48 tiếng qua, người phát ngôn Sidiq Siddiqi cho biết.
Tòa nhà được canh gác cẩn mật của Bộ Nội vụ, nơi đặt trụ sở của Ủy ban Bầu cử Độc lập, và khách sạn năm sao Serena, đều đã bị tấn công.
Tuy nhiên, tình trạng bạo lực có vẻ như đã làm tăng cao quyết tâm đi bỏ phiếu của người Afghanistan.
Kết quả kháo sát do Quỹ Bầu cử Tự do và Công bằng tiến hành cho thấy hơn 75% người tham gia lấy ý kiến cho biết họ có ý định bỏ phiếu, mặc dù niềm tin vào hệ thống bầu cử bị cho là đang giảm đi.