Điểm Báo Pháp – 26-4-2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 26-4-2016

Một đài tưởng niệm nạn nhân trước nhà máy điện Tchernobyl. AFP/SERGEI SUPINSKY

Theo RFI – Anh Vũ – 26-04-2016

Năng lượng hạt nhân tiếp tục gây tranh cãi 30 năm sau Tchernobyl

Đúng ngày này cách đây 30 năm,  ngày 26/04/1986,  lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân mang tên V.I Lénin  nằm ở ngoại ô thành phố Tchernobyl, nước Cộng hòa Ukraina khi đó thuộc Liên Xô, đã bị nổ do những sai sót của con người. Đây là vụ tai nạn hạt nhân lớn nhất và để lại hậu quả khủng khiếp trên quy mô chưa từng có. Các báo Pháp hôm nay đều trở lại thảm họa Tchernobyl với nhiều bài viết  liên quan đến các vấn đề đặt ra  hiện nay cho năng lượng hạt nhân, trong bối cảnh các nước phương Tây, phần lớn các cường quốc công nghệ hạt nhân, đang phân vân cân nhắc từ bỏ hay không năng lượng hạt nhân, trong khi nhiều nước có nền kinh tế đang trỗi dậy lại nhất quyết tin tưởng vào nguồn năng lượng này.
Nhật báo Le Figaro  đặt câu hỏi lớn trên trang nhất : 30 năm sau Tchernobyl, tương lai nào cho hạt nhân? Le Figaro ghi nhận 30 năm sau thảm họa hạt nhân Tchernobyl và 5 năm sau vụ Fukushima,  năng lượng «hạt nhân vẫn luôn gây chia rẽ».  Để từ bỏ năng lượng hạt nhân, «châu Âu thì không thống nhất, Hoa Kỳ vẫn lưỡng lự, trong khi Nga, Trung Quốc và Ấn Độ rõ ràng vẫn tin cậy vào nguyên tử».
Tờ báo nhận xét thấy, cứ mỗi lần sau tai nạn hạt nhân người ta lại tính chuyện quay lưng lại với nguồn năng lượng này, nhưng rồi sự «lạnh nhạt» đó lại mờ nhạt đi nhanh chóng. Đến giờ, những  người ủng hộ năng lượng nguyên tử vẫn không ngớt nhắc lại rằng đó là nguồn năng lượng sạch, không carbone, nhất là trong khi mà tại Liên Hiệp Quốc cách đây ít ngày, 175 nước vừa ký vào bản Thỏa thuận khí hậu được đúc kết tại hội nghị COP21 Paris. Tờ báo đặt câu hỏi liệu lý do đó có đủ để bảo vệ bằng mọi giá ngành năng lượng hạt nhân?
Trong khi đó, theo chuyên gia Lionel Taccoen, được Le Figaro trích dẫn, trong kế hoạch 2016-2020, Trung Quốc quyết định tăng gấp đôi khả năng sản xuất điện hạt nhân. Ấn Độ thì từ nay đến năm 2020, dự kiến 40% lượng điện của họ được sản xuất từ các loại nhiên liệu không phát thải CO2», nói cách khác là dựa chủ yếu vào năng lượng hạt nhân.
Ngành hạt nhân Nga thì còn đặt mục tiêu rộng lớn hơn. Tập đoàn hạt nhân hàng đầu của nước này, Rosatom cho biết đã có được đơn đặt hàng trị giá 110 tỷ đô la  để xây dựng khoảng ba chục lò phản ứng hạt nhân, ở khoảng hơn một chục nước châu Âu, Trung Đông và châu Á Thái Bình Dương. Tập đoàn nhà nước Nga đang có mặt ở khắp nơi trên thế giới.
Sau hai vụ tai nạn Tchernobyl và Fukushima, Liên Hiệp châu Âu có vẻ tỏ ra lo ngại nhất về năng lượng hạt nhân, thế nhưng nơi đây vẫn là «vùng hạt nhân lớn nhất thế giới».  Cho dù Đức và Ý đã thông báo vĩnh viễn quay lưng lại với năng lượng hạt nhân, nhưng các cường quốc khác như Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và Pháp vẫn muốn chơi trò hai mặt với năng lượng hạt nhân.
Còn ở châu Á, Nhật Bản, nạn nhân trực tiếp của hạt nhân  cả quân sự cũng như dân sự, vẫn là nước lưỡng lự nhiều nhiều. Dường như năng lượng hạt nhân vẫn là không thay thế được ở quốc gia này và họ muốn tập trung cải thiện độ an toàn  nhiều hơn là muốn từ bỏ.
Le Figaro kết luận, «Ba mươi năm sau thảm họa tại Ukraina, về lâu về dài bức tranh hạt nhân thế giới vẫn là sự chia rẽ giữa những người tin tưởng, chống đối và do dự».
Tchernobyl, bài học bị lãng quên
Với nhật báo Le Monde là «Những bài học bị làm ngơ từ Tchernobyl» . Xã luận tờ báo viết: «Ba mươi năm sau, các bài học Tchernobyl đã thực sự được rút ra chưa? Tất nhiên các quy định về an toàn và minh bạch đã được tăng cường đáng kể, nhưng Tchernobyl đã không ngăn được Fukushima, và Fukushima chắc chắn cũng không giúp tránh được một thảm họa khác xảy ra». Le Monde dẫn lời chuyên gia hạt nhân Pháp, Pierre Franck Chevet khẳng định «không thể loại trừ một tai nạn hạt nhân lớn trên thế giới, kể cả ở châu Âu, có thể xảy ra». Theo chuyên gia này thì các nguyên nhân tai nạn cũng sẽ là bất ngờ đối với từng nước ; đó có thể là một trận động đất lớn, ngập lụt, hành động ác ý và tất nhiên có cả sai sót do con người .
Cuba: Vẫn theo lối cũ mà đi
Trang Luận bàn và Phân tích của Le Monde có bài viết đáng chú ý lên quan đến tình hình Cuba, trở lại sự kiện Đại hội đảng Cộng sản Cuba vừa kết thúc hôm 19/4 vừa qua. Bài viết mang tiêu đề: «Đảng Cộng sản Cuba lại rơi vào lề thói cũ».
Mở đầu bài viết, tác giả Paulo Paranagua ghi nhận: «Tuần trăng mật đã diễn ra ngắn ngủi. Một tháng sau chuyến công du lịch sử của tổng thống Mỹ Barack Obama tới La Habana, Đại hội đảng Cộng sản Cuba, họp từ ngày 16 đến 19 tháng 4, đã khơi lại lối mòn của một cuộc chiến tranh lạnh vùng nhiệt đới. Hoa Kỳ một lần nữa bị chỉ mặt như là «kẻ thù»….. Với giọng không mấy ngoại giao, ngoại trưởng nước này, Bruno Rodrigez, đánh giá  chuyến thăm của ông Obama như là «sự tấn công vào quan niệm, lịch sử , văn hóa và biểu tượng của chúng ta». Và với quan điểm lập trường kiên định như vậy, ông này đã nắm chắc vị trí trong Bộ Chính Trị.
Điểm lại toàn bộ nội dung của đại hội, tác giả cho thấy từ đường lối  cho đến vị trí lãnh đạo ở Cuba không hề có gì thay đổi, tiếp tục hướng đi cũ mòn. Khóa cửa kinh tế và xiết chặt chính trị. Mọi hy vọng mở cửa đều tiêu tan. Đại hội đã không đưa ra cải cách bầu cử để bảo đảm độc quyền lãnh đạo, cũng như không có nới lỏng các luật lập hội có thể giúp xã hội dân sự phát triển.
Theo tác giả bài viết, cùng với việc tiếp tục cửa đóng then cài với đất nước là gia tăng trấn áp bên trong.  Ủy ban nhân quyền và hòa hợp quốc gia của Cuba đã thống kê được 1416 vụ bắt bớ trong tháng Ba, thời điểm tổng thống Mỹ đang ở thăm Cuba.

Bài viết ghi nhận một thực tế, mặc dù tình hình Cuba là như vậy, nhưng «trái với ông Barack Obama, các lãnh đạo châu Âu, chẳng hạn như tổng thống Pháp François Hollande vẫn làm ngơ trước vấn đề quyền tự do ở Cuba, lấy lý do vì những cơ hội phát triển trao đổi kinh tế . Theo tác giả, chính sách «ngoại giao kinh tế» kiểu như vậy là sự nhượng bộ đối với chế độ Castro mà không thu được gì lại. «Điều này một lần nữa chứng tỏ rằng thiện chí không nhất thiết đồng nghĩa với sự bợ đỡ».

Nga: Tướng cảnh sát phụ trách nhân quyền

Đến với Nhật báo Libération. Tờ báo quan tâm đến sự kiện diễn ra tại Nga khiến giới bảo vệ nhân quyền đặc biệt lưu tâm. Cuối tuần qua, nữ tướng cảnh sát Nga, Tatiana Moskalkova được chỉ định là quan chức đặc trách các vấn đề nhân quyền trực thuộc tổng thống Nga.  Libération nhận xét: «Tatiana Moskalkova, một nữ tướng để đưa nhân quyền vào khuôn phép»

Libération cho biết Tatiana Moskalkova là một  tướng cảnh sát 58 tuổi, có bằng tiến sĩ về pháp lý và triết học, từng phục vụ trong lực lượng an ninh từ thời Liên Xô cũ và đặc biệt bà là một người chủ trương cứng rắn với các phong trào dân chủ và đối lập và các tổ chức xã hội dân sự, từng rất tích cực đưa ra luật thắt chặt kiểm soát các tổ chức phi chính phủ có yếu tố nước ngoài.
Trước Quốc Hội Nga, trong diễn văn nhậm chức mới, bà Moskalkova đã  phát biểu: «Chủ đề nhân quyền giờ đây được Mỹ và phương Tây sử dụng như là thứ vũ khí để bắt bí, đe dọa và để phục vụ ý đồ làm mất ổn định và gây sức ép với nước Nga.  Người đặc trách về nhân quyền phải chống lại các cáo buộc dối trá, phi lý có hại cho nước Nga».
Libération nhận định, với xã hội dân sự Nga, việc bổ nhiệm này là tiếng chuông cáo chung  một thời kỳ mà ít nhiều chính quyền còn ra vẻ nể nang đôi chút đến nhân quyền. Việc lựa chọn bổ nhiệm này bị các tổ chức phí chính phủ tại Nga coi như là một sự khiêu khích với những người bảo vệ nhân quyền thực sự tại Nga.

Hàn Quốc có sống được khi Samsung sụp đổ?

Liên quan đến châu Á,  Libération dành hai trang báo cho bài viết  về chủ đề kinh tế với cái tựa khá hấp dẫn: «Nếu Samsung mà ho thì Hàn Quốc bị cảm lạnh».
Ai cũng biết Samsung, niềm tự hào của Hàn Quốc, là một đại tập đoàn kinh tế chiếm 20% GDP của đất nước. Samsung hoạt động trong hàng chục lĩnh vực từ điện tử, chế tạo cho đến các công viên giải trí, bệnh viện, bất động sản, tín dụng ngân hàng hay bảo hiểm.
Mới đây, giáo sư kinh tế Park Sang-in thuộc Đại học Quốc gia Seoul  đã xuất bản một cuốn sách với tiêu đề: «Hàn Quốc có thể sẽ tồn tại ra sao với sự sụp đổ của Samsung?». Câu trả lời của nhà kinh tế này là nạn thất nghiệp sẽ tăng gấp đôi tại Hàn Quốc và hệ lụy của nó sẽ diễn ra theo kiểu hiệu ứng domino. Đó là một kịch bản kinh tế mang tính giả định, nhưng cũng đặt ra vấn đề về nền tảng của kinh tế Hàn Quốc. Đó là nền kinh tế mà sức sống dựa trên toàn bộ các đại tập đoàn Chaebol. Qua cuốn sách, tác giả muốn nêu bật quan điểm chính sự tập trung hóa kinh tế đang làm cho mô hình phát triển Hàn Quốc trở nên mong manh.
Tác giả cuốn sách này cho rằng các Chaebol của Hàn Quốc là những tập đoàn kinh tế hùng mạnh, nhưng không phải là không có rủi ro. Libération trích dẫn tờ báo The Hankyoreh ở Hàn Quốc đánh giá về cuốn sách: «Bất kỳ ai quan tâm đến tương lai của đất nước đều đã đặt ra câu hỏi đó. Samsung có được sức nặng to lớn trong nền kinh tế Hàn Quốc, nhưng ta biết là giờ đây ngay cả các tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh nhất cũng có thể bỗng chốc tan thành mây khói»