Phe “Áo Đỏ” Thái xuống đường bảo vệ chính phủ
Ông Jatuporn Prompan, thủ lĩnh phe “Áo đỏ” cùng đoàn người biểu tình ủng hộ chính phủ hiện thời của nữ Thủ tướng Thái Yingluck Shinawatra tại tỉnh Nakhon Pathom, ngày 05/04/2014 – REUTERS/Chaiwat Subprasom
Theo RFI – Trọng Thành – Thứ bảy 05 Tháng Tư 2014
Hơn 3.000 cảnh sát và quân nhân được huy động để bảo đảm an ninh tại nơi biểu tình, một khu phố ven thủ đô. Ông Paradorn Pattanatabut, tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia, cố vấn của Thủ tướng, cho biết “chính quyền chờ đợi sẽ có hơn 200.000 người Áo Đỏ” tham dự vào cuộc tập hợp. Hôm nay, những người Áo Đỏ từ miền đông bắc và miền bắc, bắt đầu tới Bangkok bằng xe buýt, để chuẩn bị đối phó với một “cuộc đảo chính bằng tư pháp” mới. Năm 2008, đối lập đã từng dùng biện pháp này để lên nắm quyền.
Trả lời AFP, Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Paradorn Pattanatabut bảo đảm không lo ngại về các đụng độ giữa phe Áo Đỏ với những người biểu tình thuộc đối lập. Hiện tại, đối lập Thái Lan vẫn tiếp tục biểu tình tại một công viên ở trung tâm thành phố. Phong trào biểu tình chống chính phủ của đối lập diễn ra từ sáu tháng nay đôi lúc rơi vào bạo lực. Ông Paradorn Pattanatabut không loại trừ các khiêu khích này là do “một phía thứ ba” : Phần lớn trong số 24 người thiệt mạng kể từ đầu cuộc khủng hoảng là do bị trúng đạn hay trúng lựu đạn, mà nguồn gốc các tấn công không xác định được.
Cuộc biểu tình ôn hòa của những người Áo Đỏ, dự kiến kéo dài đến thứ Hai 7/4, rất có thể sẽ trở nên dữ dội, nếu nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra bị cách chức. Đối lập khẳng định nữ Thủ tướng chỉ là con rối trong tay người anh trai Thaksin Shinawatra, cựu Thủ tướng sống lưu vong sau cú đảo chính năm 2006.
Trong khi các đảng phái thân Thaksin liên tục dành được thắng lợi trong các kỳ bầu cử Quốc hội từ hơn mười năm nay, phe đối lập cáo buộc gia đình Shinawatra tham nhũng và dùng tiền công quỹ để tranh thủ sự ủng hộ của cử tri các vùng nông thôn miền bắc và đông bắc, cơ sở chính trị của phe cánh.
Đối lập Thái Lan là một liên minh nhiều thành phần, chủ yếu bao gồm giới trung lưu thủ đô và giới tinh hoa truyền thống, có mục tiêu chung là hạ bệ “gia tộc Shinawatra”. Họ yêu cầu thay thế Thủ tướng đương nhiệm bằng một “Hội đồng nhân dân”, được bổ nhiệm, chứ không phải do cử tri bầu ra. Tư pháp Thái Lan đã bác bỏ kết quả bầu cử Quốc hội ngày 02/02, như đòi hỏi của đối lập. Cuộc bầu cử bị chính đối lập tẩy chay và ngăn cản.
Theo đối lập Thái Lan, một khi bị bà Yingluck bị cách chức, một “Thủ tướng trung lập” sẽ thay thế vị trí này, kết liễu sự thống trị của “gia tộc Shinawatra”.
Phát biểu trong cuộc biểu tình, lãnh đạo phong trào Áo Đỏ Jatuporn Prompan cảnh báo, “nếu đối lập ngoan cố và bổ nhiệm một thủ tướng trung lập hay đảo chính, những người Áo Đỏ sẽ chống lại”. Trong cuộc khủng hoảng lần trước, năm 2010, phong trào phản kháng dữ dội của phe Áo Đỏ chống chính phủ do đối lập nắm giữ, sau “cuộc đảo chính tư pháp”, cuối cùng đã bị quân đội giải tán. Hơn 90 người thiệt mạng trong cuộc can thiệp.