Điểm báo Pháp
Ngư dân trên đảo Kai, Indonesia. Ảnh minh họa.Juergen Freund / WWF
Indonesia – Trung Quốc căng thẳng chỉ vì một tầu cá?
Về thời sự châu Á, Courrier International đặc biệt quan tâm đến “Căng thẳng Indonesia – Trung Quốc chung quanh một chiếc tầu cá”. Tờ báo lược dịch lại các nhận định của ông Ernesto Simanungkalit, một nhà ngoại giao Indonesia trình bày trên tờ Kompas của Jakarta, cho rằng sự tham lam ngày càng lớn của Trung Quốc đang phá hỏng mối bang giao hữu hảo giữa hai nước và có nguy cơ gây tổn hại cho dự án con đường tơ lụa hàng hải do Bắc Kinh đề ra.
Còn một năm nữa nước Pháp bước vào bầu cử tổng thống. Courrier Internatinal mở một hồ sơ lớn tổng hợp các bài viết báo chí nước ngoài nói về tham vọng của bộ trưởng Kinh tế Pháp, ông Emmanuel Macron. L’Express kêu gọi hai ông François Hollande – tổng thống đương nhiệm và Nicolas Sarkozy – vị tổng thống tiền nhiệm “Hãy thoái lui” và cho rằng nước Pháp “Cần một vị tổng thống mới”.
L’Obs nhìn đến nước Anh mừng sinh nhật 90 tuổi nữ hoàng Elisabeth II, được lồng trong bối cảnh ngày 23/6 tới đây người dân Anh bỏ phiếu trưng cầu dân ý về việc ở lại hay ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Hình ảnh nữ hoàng Anh trên trang bìa, đôi mắt nhắm nghiền vẻ đăm chiêu, tuần báo chạy tít “Goodbye England?”
Về thời sự châu Á, Courrier International đặc biệt quan tâm đến “Căng thẳng Indonesia – Trung Quốc chung quanh một chiếc tầu cá”. Tờ báo lược dịch lại các nhận định của ông Ernesto Simanungkalit, một nhà ngoại giao Indonesia, trình bày trên tờ Kompas của Jakarta, cho rằng sự tham lam ngày càng lớn của Trung Quốc đang phá hỏng mối bang giao hữu hảo giữa hai nước và có nguy cơ gây tổn hại cho dự án con đường tơ lụa hàng hải do Bắc Kinh đề ra.
Đầu tiên, tờ báo nhắc lại vụ việc chiếc tầu đánh cá mang số hiệu Kway Fey 10078, được hai tầu hải cảnh Trung Quốc hộ tống đã xâm nhập và đánh bắt trái phép trong vùng lãnh hải của Indonesia, ngoài khơi đảo Natuna. Điều bất thường là hai tầu hải cảnh Trung Quốc đã dùng vũ lực và các hành động hăm dọa để ngăn chặn đội tuần duyên Indonesia bắt tầu đánh cá trái phép theo như quy định của luật pháp nước này.
Ngoại trưởng Trung Quốc đã biện minh cho những hành động trên khi khẳng định chiếc tầu đánh cá Trung Quốc chỉ thực hiện các “hoạt động bình thường” trong “những vùng đánh bắt truyền thống của Trung Quốc”. Thế nhưng, theo quan điểm của ông Simanungkalit, những lời biện minh này của Bắc Kinh cho đó là “những vùng đánh bắt truyền thống” là sai và nguy hiểm.
“Sai” là vì Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (Unclos), đưa ra vào năm 1982, mà Trung Quốc cũng có tham gia ký kết, không có sử dụng thuật ngữ “vùng đánh bắt truyền thống” mà là “quyền đánh bắt truyền thống” cấp cho một quốc gia nào đó, trong vùng lãnh hải của một đảo quốc lân cận. Đây cũng là quyền mà Jakarta đã cấp cho Kuala-Lumpur theo một thỏa thuận song phương.
“Nguy hiểm” là vì Trung Quốc tự cho mình cái quyền muốn làm gì thì làm ở bất cứ những nơi nào mà họ cho là có mối liên hệ lịch sử và truyền thống. Nếu nói vậy, chẳng lẽ tất cả các cảng biển của Indonesia đều sẽ là của Trung Quốc? Bởi vì vào thế kỷ XIV, ông Zheng He, vị đô đốc Trung Quốc theo đạo Hồi nổi tiếng thế kỷ XIV đã từng đi qua những nơi này để đi đến tận cả châu Phi.
Đối với nhà ngoại giao này, việc tầu hải cảnh Trung Quốc hộ tống tầu đánh cá để đánh bắt trái phép trong vùng lãnh hải nước khác là một hành động “vi phạm quyền quốc tế”. Ông còn chỉ trích thái độ hăm dọa của phát ngôn viên tòa đại sứ Trung Quốc tại Jakarta là thiếu tính xây dựng, khi đòi hỏi Indonesia phải xử lý vụ việc “một cách khôn khéo” và phải “để ý đến mối quan hệ song phương Trung Quốc – Indonesia”.
Theo tác giả, Trung Quốc phải hiểu rằng cuộc chiến chống đánh bắt trái phép cũng là một phần của dự án “ngã tư hàng hải thế giới” do tổng thống Joko Widodo đưa ra ngay từ khi nhậm chức năm 2014. Dự án này sẽ phải được kết hợp đồng điệu với con đường tơ lụa hàng hải của ông Tập Cận Bình. Do bởi, phần phía nam của con đường này phải đi ngang qua vùng lãnh hải của Indonesia.
Chính vì điều này, Bắc Kinh chỉ có lợi khi duy trì một mối quan hệ tốt với Jakarta. Và cũng đừng quên rằng Indonesia hiện đang kiểm soát những eo biển quan trọng cho lưu thông hàng hải thế giới, mà sự an toàn và thịnh vượng của Trung Quốc lệ thuộc vào điều đó rất đáng kể.
Câu hỏi đặt ra, vì sao Trung Quốc sẵn sàng hy sinh tiếng tăm của mình cũng như mối quan hệ hữu hảo cá nhân giữa ông Widodo với ông Tập Cận Bình cho một sự đòi hỏi hoàn toàn không có cơ sở. Nên chăng xem đó như là một dấu hiệu của một vụ tấn công mới nhắm vào vương quốc Singosariµ* mà sàn diễn lần này sẽ là vùng lãnh hải Natuna? Phải chăng đã đến lúc nên kiện Trung Quốc ra trước Tòa Án Quốc Tế về luật biển? Và với tư cách là thành viên ký kết Unclos, liệu Indonesia có đủ can đảm để làm điều đó hay chăng?
“Brexit” chia rẽ xã hội Anh Quốc
“Brexit or Not Brexit?” là câu hỏi lớn trên tuần san L’Obs. Ngày 23/6 tới đây sẽ là “một bước ngoặt lịch sử” cho Vương quốc Anh. 64 triệu người dân nước này sẽ đi bỏ phiếu để nói “ở lại” hay “ra khỏi” Liên Hiệp Châu Âu. Gần đến ngày bỏ phiếu, nhịp thở tại nước Anh trở nên dồn dập hơn bao giờ hết từ Westminster, khu tài chính City cho đến xã hội dân sự.
Chưa có cuộc tranh luận nào gây chia rẽ xã hội Anh quốc sâu sắc bằng cuộc tranh luận “Brexit or Not Brexit”. Từ gia đình cho đến chính trường, câu hỏi đó đã trở thành chủ đề chính trong mọi cuộc hội họp, mỗi bữa cơm tối. Giới doanh nhân thì tin rằng “Brexit” sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế. Người lao động nghĩ rằng Châu Âu đã không bảo vệ được công ăn việc làm cho họ và chỉ gây thêm tốn kém cho đất nước.
Hơn nữa, những người ủng hộ Brexit cho rằng chưa bao giờ họ có cảm giác mình là công dân châu Âu. “Người ta cảm thấy mình là công dân nước Anh, vương quốc Anh, hay người xứ Scotland…” như nhận xét của nhà sử học Andrew Roberts. Do đó, ông cho rằng có lẽ tốt hơn hết nước Anh nên đứng ngoài Liên Hiệp.
Bầu không khí sôi sục đó đang bao trùm lên cả lễ mừng thọ 90 tuổi nữ hoàng Elisabeth II sẽ bắt đầu từ ngày 21/4 này. “Happy Birthday” tờ báo chúc mừng. Nhưng đồng thời L’Obs cũng ghi nhận “Những sự im lặng của bà”. Nữ hoàng Elisabeth đã đi xuyên thế kỷ và là nữ hoàng có thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử Anh quốc. Bà hiện diện khắp nơi, cực kỳ nổi tiếng, nhưng cũng cực kỳ kín tiếng. Cho dù vương quốc cũng bà đang bị chia rẽ sâu sắc về “Brexit”. Phải chăng đó cũng chính là bí quyết trường thọ của bà?
Nước Pháp chán Hollande và Sarkozy
Nhìn sang nước Pháp, trên nền ảnh chân dung bị mất nửa mặt của hai nhân vật François Hollande và Nicolas Sarkozy, L’Express kêu gọi « Hãy từ bỏ » và « Nên có một vị tổng thống mới », như ngầm ẩn ý kêu gọi cả hai ông nên từ bỏ ý định ra tranh cử tổng thống năm 2017.
Vì sao ? Bởi vì đối với tuần san, ông Hollande giờ đã mất hết uy tín cũng như tính chính đáng. Chương trình « Đối thoại công dân » giữa ông Hollande và những công dân tham gia trên kênh truyền hình France 2 ngày 14/4 đã không thu hút đông đảo người xem. Điều đó cho thấy là người dân Pháp không còn muốn nghe và muốn thấy ông nữa, tờ báo viết.
Không còn uy tín, không tính chính đáng, ông Hollande đã không thể nào vực dậy nền kinh tế, giảm tỉ lệ thất nghiệp như những gì ông đã hứa. Giờ đây ông đang bị giới từ bỏ, các đối tác xã hội quay lưng, đa số cầm quyền chỉ trích và các dân biểu địa phương phản đối.
Còn đối với ông Nicolas Sarkozy, vị tổng thống tiền nhiệm thì sao ? Tuần báo cho rằng ông này lại quá bè phái và gây chia rẽ. Thất cử trong cuộc bầu tổng thống năm 2012, việc ông muốn ra tranh cử trở lại trước hết cũng chỉ nhằm mục đích trả thù. Bên cạnh đó, tờ báo ghi nhận ông Sarkozy chẳng có gì thay đổi trong cách suy nghĩ : vẫn bè phái và gây chia rẽ, không những ngay trong đảng của ông, mà còn giữa người dân Pháp, để phe này chống lại phe kia.
Nói tóm lại, tuần báo cho rằng tốt hơn hết cả hai ông Hollande và Sarkozy không nên ra ứng cử, mà nên nhường chỗ cho một thế hệ mới.
Tchernobyl : 30 năm sau ?
« Báo động những Tchernobyl bis » là lời cảnh báo của L’Express. Vào ngày 26/04/1986, lò phản ứng hạt nhân số 4 tại trung tâm khai thác hạt nhân Tchernobyl đã bị mất kiểm soát và nổ tung. Câu hỏi đặt ra : ba mươi năm sau thảm họa hạt nhân thảm khốc nhất này, ngành công nghiệp hạt nhân có an toàn hơn hay không ?
Câu trả lời là có. Nhiều tiến bộ quan trọng trên phương diện an toàn đã được thực hiện. Nhưng cũng trong khoảng thời gian 30 năm đó, các dự án hạt nhân cũng gia tăng, có nguy cơ làm tổn hại ý định tốt đưa ra. Nhiều câu hỏi đã được đề ra : Chẳng hạn như có hợp lý hay không khi cho xây dựng một nhà máy hạt nhân trên sa mạc Jordani, khu vực bất ổn cả trên phương diện địa chính trị lẫn địa chất ?
L’Express cố gắng đưa ra một bản đồ tổng quan về những khu vực có nhà máy hạt nhân được cho có nhiều rủi ro bị thiên tai, do tình trạng cũ nát và nhất là rủi ro bị khủng bố.
Về rủi ro cuối cùng, tuần báo trích kết luận của Nuclear Threat Initiative NTI chỉ trích các nhà khai thác đã không chú trọng đến công tác dự phòng chống « nguy cơ Daech », đặc biệt « những gì liên quan đến việc giám sát nhân sự ». Theo báo cáo, rủi ro nằm ở chỗ : « Chỉ cần một đồng lõa cũng đủ có thể cài một con virus tin học từ bên trong thông qua các ổ cắm USB đơn giản … ».
Ngân hàng giấc mơ
Bí ẩn và chưa thể hiểu được, giấc mơ tiếp tục thách thức khoa học. Làm thế nào hiểu được giấc mơ của con người, đó là điều đã thôi thúc trí tò mò của nhiều nhà khoa học. Một ngân hàng giấc mơ đã được thành lập nhằm phá tan bức màn bí ẩn giấc mơ của chúng ta. Đây cũng là một hồ sơ lớn khác trên tuần san L’Obs.
Ngân hàng này tập hợp hàng chục ngàn câu chuyện giấc mơ. Các công cụ khoa học như IRM hay điện não đồ chỉ cung cấp một lượng thông tin về chức năng vận hành của não bộ, nhưng lại không cho phép đi sâu vào trong giấc mơ thậm chí, cũng không cho biết là chúng ta đang chìm đắm trong mơ.
Nhưng với ngân hàng giấc mơ, các nhà khoa học đã thiết lập được những đặc tính của giấc mơ theo tuổi tác và giới tính. Theo ghi nhận, phần lớn các giấc mơ phản ảnh những yếu tố chính trong cuộc sống hằng ngày, những bận tâm của chúng ta.
Nghiên cứu các câu chuyện ghi lại được từ giấc mơ, các nhà khoa học nhận thấy giấc ngủ của chúng ta không mấy êm dịu : chỉ có 20% giấc mơ của chúng ta chứa đựng các cảm xúc dễ chịu. Những tình cảm và tình trạng xấu chiếm phần lớn trong giấc mơ.
Một khám phá ngạc nhiên, tình dục không phải là một nỗi ám ảnh : các hành vi tình dục chỉ chiếm có 2% trong giấc mơ của cánh mày râu, và tỉ lệ này còn thấp hơn ở nữ đến 4 lần, tức chỉ có 0,5%.
Còn trong những cơn ác mộng, phụ nữ thường mơ về các mối tương tác xã hội, còn đàn ông thường nghĩ đến các thiên tai. Về phần trẻ con, các nhà khoa học ghi nhận hoạt động mộng mị chỉ là yếu tố phụ, nhưng hoạt động này sẽ tăng dần cùng với năm tháng.
Những ngày cuối cùng của Napoléon
Cuối cùng, mục Lịch sử của L’Obs mang đến một thông tin cho những fan hâm mộ Napoléon, những ai muốn tìm hiểu về cuộc sống thường nhật trong những ngày cuối đời bị đày ở đảo Saint-Helène.
L’Obs đã gặp ông Michel Dancoisne-Martineau, lãnh sự danh dự của Pháp tại hòn đảo xa xôi trên Đại Tây Dương, Saint-Hélène, nơi hoàng đế Napoléon bại trận trải qua những năm tháng cuối đời đày ải. Nhiệm vụ của ông Dancoisne-Martineau là giám sát mảnh đất cuối cùng thuộc về vị hoàng đế này. Ông cho biết một cuộc triển lãm đang được mở ra tại bảo tàng quân đội Invalides cho đến hết ngày 24/7 năm nay.
Minh Anh
Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160423-indonesia-%E2%80%93-trung-quoc-cang-thang-chi-vi-mot-tau-ca