Ngồi trên lửa’ với nợ quốc gia, thực phẩm bẩn và những khoản tiền bôi trơn
Sun, 04/03/2016 – 10:09
Trong khi các vấn đề nợ công, bội chi ngân sách, thực phẩm bẩn hay môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn đang làm “đau đầu” Quốc hội thì một “gương mặt” mới của đa cấp biến tướng đang bắt đầu lộ diện. Việt Nam có tương lai phải đi vay tiền để trả nợ “Tất cả các khoản trả nợ gốc và lãi đang bào mòn ngân sách. Đây là hậu quả của việc đi vay tràn lan nhưng đầu tư không hiệu quả”, đó là phát biểu của đại biểu Trần Ngọc Vinh trong phiên họp Quốc hội sáng nay 1/4.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đánh giá, hiện nay nợ công đang ở mức báo động cao, cho thấy sự liên quan giữa tăng trưởng kinh tế và nợ công. Trung bình mỗi năm, tổng số nợ công tăng 2% so với GDP. Chưa kể tình hình bội chi ngân sách còn cao mà một trong những lý do là việc quản lý chi tiêu không chặt chẽ, nên bội chi từ năm này qua năm khác. Theo đại biểu Vinh: “Nếu không kìm hãm tốc độ phi mã của nợ công hiện nay, kiểm soát nguồn phân bổ, thay đổi cơ cấu nợ công…, Việt Nam sẽ không có tiền trả nợ mà còn phải tiếp tục vay để trả nợ”. Thực phẩm bẩn: Không ăn thì không thể tồn tại, ăn vào thì bệnh tật Cũng trong phiên họp Quốc hội sáng 1/4, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) khẳng định, thực trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta trong thời gian gần đây đã rất báo động, gây hậu quả trước mắt cũng như lâu dài. Bệnh tật, suy giảm sức khỏe giống nòi, giảm sức cạnh tranh nền kinh tế, làm mất hình ảnh quốc gia…. có nguyên nhân không nhỏ từ thực phẩm bẩn. Vấn nạn thực phẩm bẩn đã đẩy người dân vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”: không ăn thì không thể tồn tại, ăn thì phó mặc may rủi cho số phận, bệnh đến lúc nào biết lúc ấy
Bà Lê Thị Nga đặt câu hỏi, hành lang pháp lý cho an toàn thực phẩm đã rất đầy đủ, nhưng vì sao vi phạm ngày càng nhiều? Theo đại biểu, nguyên nhân xuất phát từ quản lý nhà nước yếu kém. Bên cạnh đó, chế tài hành chính hiện đã rất nặng nhưng xử lý nhìn chung không nghiêm, có vụ phạt cho tồn tại, không loại trừ tiêu cực trong xử phạt. Hiếm có trường hợp xử lý hình sự. Các vụ ngộ độc, buôn bán chất cấm, sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn vừa qua liên tiếp được báo chí phanh phui, nhưng việc quy trách nhiệm cho công chức quản lý hiếm khi được thực hiện. Một bộ phận người tiêu dùng còn có tâm lý buông xuôi, chưa kiên quyết “nói không” với thực phẩm bẩn. Mặt khác, hàng triệu người thu nhập trung bình và thấp vẫn chưa có đủ điều kiện để tiếp cận với thực phẩm sạch… Một nguyên nhân nữa là công tác giám sát của Quốc hội. Nhiệm kỳ khóa XIII chưa tổ chức một cuộc giám sát tối cao hoặc tái giám sát của Quốc hội, giám sát của UBTVQH hay một phiên giải trình của Ủy ban chuyên môn riêng về nội dung này, mới chỉ có chất vấn hoặc phát biểu riêng lẻ của các Đại biểu Quốc hội. Người hỏi cũng chẳng có điều kiện để kiểm chứng các thông tin được trả lời. Đại biểu Nga thẳng thắn: “Tôi cho rằng, trước vấn nạn thực phẩm bẩn hiện nay, phương thức giám sát như vừa qua là chưa phát huy được sức mạnh của toàn thể Quốc hội để góp phần cùng Chính phủ chặn đứng tình hình”.
Kêu gọi đầu tư nước ngoài theo kiểu “trên rải thảm, dưới rải đinh”
Đại biểu quốc hội Lê Như Tiến (Quảng Trị) cũng nêu quan điểm trước Quốc hội về thực tế bề ngoài mời gọi nhà đầu tư, nhưng bên trong lại vòi vĩnh, nhũng nhiễu trắng trợn đòi tiền lót tay, rằng “kêu gọi đầu tư tại các địa phương đừng kiểu “trên rải thảm, dưới rải đinh”. Ông Lê Như Tiến cho rằng, để đạt được mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020, thì một trong những giải pháp quan trọng có ý nghĩa đột phá, đó là tạo môi trường sạch, xây dựng một Chính phủ kiến tạo, thay vì Chính phủ quản trị toàn diện, Chính phủ kế hoạch hoá… Ông Tiến chỉ rõ, dù chủ trương của Nhà nước là tạo điều kiện để kêu gọi, thu hút đầu tư nước ngoài, tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện tại nhiều địa phương vẫn còn khoảng cách xa so với thực tế. Chủ trương thì tốt đẹp nhưng lại bị những rào cản, những barie vô hiệu hoá. “Nhiều nơi làm khó các nhà đầu tư như cắt điện, cắt nước, dựng rào, chặn cổng. Một số người thi hành công vụ vòi vĩnh, nhũng nhiễu trắng trợn đòi tiền lót tay, tiền bôi trơn làm cho doanh nghiệp khốn đốn, doanh nhân nản lòng”, đại biểu của tỉnh Quảng Trị nêu thực tế. Ông Tiến cũng dẫn lại lời của ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) tại phiên thảo luận gần đây, rằng “đất lành chim đậu nhưng chim chưa đậu đã nhậu hết chim”, kèm theo đó là tiếng thở dài: “Thế là mời gọi các nhà đầu tư nhưng “trên rải thảm, dưới rải đinh”, nhà đầu tư tuy đi trên thảm nhung mà vẫn nhức nhối vì hang đinh ở dưới”. Thêm một “gương mặt” đa cấp biến tướng: Hộp cà phê 60.000 đồng bán… 540.000 đồng Cái tên Công ty đa cấp MLM gần đây đang xuất hiện với tần suất lớn trên các phương tiện truyền thông, với những lời quảng cáo, giới thiệu hết sức “bề thế” và đầy thuyết phục để người dân bỏ tiền vào “đầu tư” cho công ty này. Công ty MLM giới thiệu rằng họ có một ban lãnh đạo bề thế, có chi bộ đảng do một Phó tư lệnh pháo binh làm bí thư. Bên cạnh đó họ còn có những loại hàng hóa, sản phẩm bán trong hệ thống với chất lượng tốt và giá cả lại hết sức phải chăng, sẽ đem lại lợi nhuận lớn cho người dân khi mua sản phẩm, tham gia vào công ty.
Nhưng trên thực tế, theo điều tra của phóng viên Trung tâm Tin tức VTV24, đại diện một công ty từng cung cấp thực phẩm chức năng cho công ty MLM cho biết, họ từng bán hàng cho công ty đa cấp này nhưng do MLM không trả tiền đầy đủ nên đã cắt hợp đồng từ cuối năm 2014. Khi được hỏi về giá bán cho MLM, vị đại diện này đã cho biết, 1 hộp cà phê dưỡng sinh là 60.000 đồng, 1 hộp bổ gan 81.000 đồng. Song hiện nay, với giá của MLM bán cho người dân thì 1 hộp cà phê là 540.000 đồng, 1 hộp bổ gan là 531.000 đồng. Điều này đồng nghĩa với việc qua hệ thống bán hàng đa cấp, giá sản phẩm đã bị đội lên đến 9 lần. Theo các luật sư, việc giá cả gấp nhiều lần so với giá thực tế được coi là một dấu hiệu của đa cấp biến tướng. Theo https://badamxoevietnam2.wordpress.com