Cuba giữ “thế hệ vàng” Cách mạng chống “sốc” chính trị?
Hai anh em Castro tại phiên bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản Cuba ngày 19/04/2016.Reuters
Sau 4 ngày làm việc, Đại hội Đảng Cộng Sản Cuba đã kết thúc ngày 19/04/2016 với bộ khung lãnh đạo cũ gồm những người già nua vẫn được duy trì và ông Raul Castro tiếp tục lãnh đạo Cuba thêm một nhiệm kỳ 5 năm tới. Dấu hiệu cho thấy các nhà Cách mạng Cuba do dự cải tổ hay sợ “liệu pháp sốc” chính trị?
Đại hội đảng 7 của Cuba mở ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Cuba đang được cải thiện đáng kể, cho nên giới quan sát tại Cuba cũng như ở bên ngoài đã đặc biệt quan tâm theo dõi xem có những dấu hiệu chuyển biến nào về đường lối chính sách hay về bộ máy lãnh đạo của hòn đảo này cho những năm tới đây.
Thế nhưng ngay trong phiên khai mạc Đại hội, qua bài diễn văn dài hơn 2 tiếng đồng hồ của chủ tịch kiêm bí thư thứ nhất đảng Cộng sản Cuba Raul Castro bằng những lời lẽ kiên định con đường Chủ Nghĩa Xã Hội, cùng những lời cảnh báo hãy coi chừng ý đồ của Hoa Kỳ, dư luận cảm nhận thấy sẽ không có biến chuyển căn bản nào về chính trị ở Cuba trong thời gian tới.
Kết thúc bốn ngày Đại hội, đảng Cộng sản Cuba độc quyền lãnh đạo đất nước từ sau cuộc cách mạng của Fidel Castro năm 1959, đã không đưa ra một thông báo có ý nghĩa nào cho thấy sẽ có những thay đổi về mặt đường lối trong ít nhất là 5 năm tới. Bộ máy lãnh đạo chủ chốt của đảng vẫn tiếp tục được duy trì với những gương mặt “lão thành cách mạng”. Raul Castro, 84 tuổi, tái đắc cử chức bí thư thứ nhất, chức vụ lãnh đạo cao nhất được ông kết thừa từ người anh Fidel Castro năm 2008.
Trong diễn văn bế mạc Đại hội, được hãng thông tấn chính thức Cuba trích dẫn, ông Raul Castro khẳng định: “ Đại hội lần này sẽ là kỳ đại hội cuối cùng do thế hệ lịch sử lãnh đạo, để sẽ trao lại ngọn cờ cách mạng và chủ nghĩa xã hội cho những chồi non mới”. Chủ tịch Cuba cũng giải thích thêm rằng Đảng vẫn tin tưởng vào những vị “lão thành của thế hệ lịch sử…”
“Thế hệ lãnh đạo lịch sử” đó gồm những người trung thành nhất với chế độ Cộng sản lên nắm quyền từ sau thắng lợi của cuộc cách mạng do anh em nhà Castro khởi xướng.
Người ta thấy có ông Jossé Ramon Machado Ventura, 85 tuổi, được bầu lại vào vị trí bí thư thứ 2. Bộ Chính Trị gồm 17 thành viên nhưng vẫn là những người rất cao tuổi, tiêu biểu như bộ trưởng Quốc phòng, tướng Leopoldo Cintra Frias, 72 tuổi, tư lệnh quân đội Ramiro Valdes, 83 tuổi …. Và nhất là quân đội vẫn chiếm gần 1/3 số ghế trong cơ quan lãnh đạo tối cao của đảng với 5 thành viên.
Chỉ có một sự nhượng bộ lần này có thể được gọi là thay đổi, đó là đảng giới hạn độ tuổi 70 cho các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước, thế nhưng cải cách này chỉ được thực hiện từ năm 2021, tức là sau nhiệm kỳ 7 này.
Tuy nhiên, bên cạnh các “bô lão” cách mạng cũng có những gương mặt của thế hệ đang lên, trong đó có phó chủ tịch thứ nhất Miguel Diaz Canel, 55 tuổi, người được dự đoán được chỉ định thay thế chủ tịch Raul Castro.
Giới quan sát nhận định, Đảng Cộng sản Cuba đang cố gắng trì hoãn thêm một chút thời gian để chuyển giao quyền lực cho thế hệ mới, chứ chưa hẳn là muốn cưỡng lại sự thay đổi. Bởi dường như vào thời điểm này chưa có được sự đồng thuận nội bộ, nên các vị lão thành kia buộc phải ở lại.
Cũng không khác với diễn văn khai mạc, ông Raul Castro hôm qua nhắc lại sẽ có cải cách như đã hứa hẹn, nhưng Cuba không mở cửa đột ngột với nền kinh tế thị trường, như nội dung diễn văn bế mạc Đại hội của ông Raul Castro có đoạn viết: “ Chúng ta tiếp tục ( các cải cách) từng bước, thận trọng, không vội vàng, không ngừng nghỉ” và để tránh mọi “ sự phục hồi tư bản chủ nghĩa” trên hòn đảo Cuba.
Cuba không chấp nhận “liệu pháp sốc” trong cải cách kinh tế, tránh những tác động tiêu cực đối với đời sống tầng lớp dân nghèo, theo như lý giải của ông Raul Castro. Vậy thì, một “liệu pháp sốc” trong chính trị lại càng không dễ gì được thế hệ lão thành công thần của Cách mạng chấp nhận được.
Anh Vũ