Nga – Thổ Nhĩ Kỳ đọ sức qua xung đột tại Thượng Karabakh
Hình ảnh trích từ video của bộ Quốc Phòng nước cộng hòa tự xưng Thượng Karabakh về cuộc giao tranh hôm 02/04/2016.REUTERS/Nagorno-Karabakh Military Handout via Reuters
Theo RFI
Tại sao Azerbaijian lại đòi chiếm lại Thượng Karabakh vào thời điểm này, sau hơn 20 năm chịu để mảnh đất đó trong tay Armenia ? Hay cuộc giao tranh ở Thượng Karabakh chỉ là một mặt trận mới trong cuộc đọ sức giữa hai cường quốc khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ?
Dưới thời Liên Xô, Thượng Karabakh là một vùng cao nguyên với đa số dân là người Armenia, nhưng đây lại là lãnh thổ thuộc về Azerbaijan. Năm 1988, trước khi Liên Xô sụp đổ một làn sóng nổi dậy đã thổi tới vùng đất này, khi một phần dân cư Armenia đòi được trở về với đất mẹ. Hậu quả kèm theo là một cuộc chiến giữa Erevan và Bakou đã nổ ra. Cuộc xung đột đó chỉ được khép lại vào năm 1994 với nỗ lực hòa giải của Matxcơva và Karabakh được công nhận là thuộc về Armenia.
Câu hỏi đặt ra tại sao Bakou lại đòi chiếm lại Karabakh vào thời điểm này, sau hơn 20 năm chịu để mảnh đất đó trong tay Erevan ? Hay cuộc giao tranh này chỉ là một mặt trận mới trong cuộc đọ sức giữa hai cường quốc khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ?
Theo phân tích của giới chuyên gia, dưới áp lực của Nga, hòa bình tại khu vực được vãn hồi và được duy trì cho tới cuối tuần qua. Armenia lệ thuộc nhiều vào nước Nga cả về mặt kinh tế lẫn quân sự. Còn đối với Azerbaijan, thì Matxcơva là một nguồn cung cấp vũ khí quý giá.
Về phía Nga thì giữ được ảnh hưởng của mình đối với cả hai nước láng giềng trong vùng nhậy cảm Kavkaz, với hai vị trí chiến lược mở ra vùng biển Caspi và Hắc Hải. Sau hai cuộc chiến Tchetchnia, nhiều mạng lưới thánh chiến Hồi giáo đã về đóng đô ngay tại khu vực này.
Thêm vào đó Armenia và Azerbaijan lại có đường biên giới chung với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Gruzia, Tchetchenia và cách không xa hai điểm nóng khác là Syria và Irak.
Với Ankara, Erevan không quên là tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không thừa nhận trách nhiệm trong vụ thảm sát cách nay vừa đúng một thế kỷ nhắm vào người dân Armenia. Đây là một trong những lý do khiến Armenia đã cố tình ngả vào vòng tay của Nga.
Về phía Azerbaijan, trên phương diện văn hóa, quốc gia này gần với Thổ Nhĩ Kỳ, cho dù là Bakou vẫn cần mua vũ khí của Nga và giữ một thế cân bằng giữa hai ông khổng lồ khu vực này. Có điều từ tháng 11/2015 quan hệ giữa Ankara và Matxcơva đã xấu đi nghiêm trọng, sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một chiến đấu cơ của Nga.
Giới quan sát cho rằng, giao tranh tại biên giới Nagorny-Karabakh liên quan trực tiếp đến hiềm khích giữa Thổ và Nga. Theo như nhận định của nhà nghiên cứu Gaidz Minassian, Học viện quân sự Paris, điện Kremlin có thể là đang giật dây trong hậu trường, làm khuấy động khu vực, nhưng thực tế, cả Ankara lẫn Matxcơva đều không muốn nổ ra chiến tranh.
Nga đang hiện diện ở Syria, chưa giải quyết dứt điểm xung đột ở Ukraina. Và vẫn theo chuyên gia này, do vừa là một nhà cung cấp vũ khí cho cả Armenia lẫn Azerbaizan, Matxcơva sẽ chẳng dại gì đứng về một phe nào. Nhưng điều đó không cấm cản là trong cuộc đọ sức gián tiếp này với Thổ Nhĩ Kỳ, Matxcơva thỉnh thoảng đổ thêm dầu vào lửa để qua trung gian Azerbaijan dậy cho Ankara thêm một vài bài học.
Một câu hỏi khác được đặt ra là, liệu có phải Thổ Nhĩ Kỳ đã khuyến khích Azerbaijan khiêu khích Armenia để chọc gậy bánh xe tổng thống Putin, vào lúc chủ nhân điện Kremlin đang được thuận buồm xuôi gió trên trường quốc tế, sau khi đã đảo ngược thế cờ tại Syria, cứu được đồng minh Bachar Al Assad ? Hay chẳng qua việc Bakou bỗng dưng gây hấn với Erevan đòi giành lại vùng Thượng Karabakh chỉ là mục tiêu thuần túy chính trị từ phía tổng thống Aliyev vào thời điểm Azerbaijan đang phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế, xã hội do giá dầu hỏa giảm mất đến 70 % ?
Còn quá sớm để trả lời các câu hỏi này. Có điều khi các cường quốc trên thế giới phải lên tiếng vì một xung đột mang tính khu vực, điều đó chứng tỏ là giao tranh vì một vùng đất chưa đầy 12.000 cây số vuông có thể vượt ngoài tầm kiểm soát của tất cả các bên