Phương Tây: “Nga sử dụng khí đốt làm công cụ chính trị gây bất ổn Ukraina”
Các đường ống dẫn khí đốt và xú-páp tại một kho trữ dưới lòng đất ở làng Mryn, cách Kiev 120 km.
Theo RFI – Đức Tâm – Thứ năm 3 /4/2014
Tại cuộc họp của Hội đồng năng lượng Âu-Mỹ, ở Bruxelles, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tuyên bố: «Không một nước nào được dùng nhiên liệu để chống lại nguyện vọng của các dân tộc. Chúng ta không cho phép sử dụng nhiên liệu như một vũ khí chính trị hoặc như một công cụ xâm lược».
Một nguồn tin biết rõ nội dung cuộc họp nói với AFP rằng Nga đang chơi «trò chơi nguy hiểm», họ sẽ phải trả giá, bởi vì việc bán khí đốt và dầu lửa mang lại một nguồn thu quan trọng cho Matxcơva. Các cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ và đại diện cấp cao về ngoại giao của Châu Âu, bà Catherine Ashton, chủ yếu tập trung vào việc tìm kiếm các phương tiện giúp đỡ Ukraina ngay lập tức và đề ra các biện pháp phá vỡ sự phụ thuộc của Châu Âu vào Nga.
Theo Châu Âu, «trước mắt, không có nguy cơ gián đoạn nguồn cung ứng nhiên liệu qua hệ thống ống dẫn ở Ukraina, nhưng vấn đề này sẽ trở nên gay gắt trong vài tháng tới».
Mỗi năm, Ukraina tiêu thụ 50 tỷ mét khối khí đốt, trong đó, tự sản xuất được 20 tỷ và phải nhập khẩu 30 tỷ mét khối từ Nga. Theo số liệu của Ủy ban Châu Âu, hệ thống ống dẫn khí đốt đặt trên lãnh thổ Ukraina mỗi năm vận chuyển từ 65 đến 133 tỷ mét khối mà Châu Âu mua của Nga. Vấn đề đáng lo ngại là hiện nay, Ukraina không còn khả năng mua khí đốt và khai thác tối đa nguồn nhiên liệu tự sản xuất, trong lúc các cơ sở khai thác và chế biến lại rất cũ kỹ và lạc hậu.
Quyết định ngày 01/04 vừa qua của tập đoàn nhiên liệu Nga Gazprom nâng giá bán khí đốt cho Ukraina từ 270 lên 385,5 đô la một nghìn mét khối, càng làm gia tăng các khó khăn cho nước này. Một quan chức Châu Âu tố cáo «Gazprom có một cách tiếp cận chính trị trong vấn đề giá cả và nhằm làm cho Ukraina mất ổn định».
Trong cuộc gặp ngày hôm nay giữa đại diện tập đoàn Nga Gazprom và tập đoàn Ukraina Naftogaz, vấn đề đầu tiên cần giải quyết là khoản nợ 1,71 tỷ đô la mà Kiev phải thanh toán cho Matxcơva. Theo giới chuyên gia, để giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga, Châu Âu buộc phải đa dạng hóa nguồn cung ứng nhiên liệu, sử dụng tốt hơn các trạm bơm khí hóa lỏng và đến năm 2016, thì phải hoàn tất việc đấu nối giữa các hệ thống vận chuyển nhiên liệu.
Hiện nay, tính trung bình, mỗi tháng, Châu Âu phải chi ra 3 tỷ euro để nhập khẩu khí đốt từ Nga, nhằm đáp ứng 25% tổng nhu cầu tiêu thụ. «Các nước Châu Âu sẽ không thể một sớm một chiều thay thế nguồn cung ứng này, nhưng trước mắt, Châu Âu có thể quay sang các nguồn cung ứng truyền thống khác».
Theo hướng này, Châu Âu dự tính mua thêm 20 tỷ mét khối của Na Uy, tức là mua tới 119,5 tỷ mét khối thay vì 99,5 tỷ như hiện nay, đề nghị Algéri bán thêm 7 tỷ, nâng mức nhập khẩu lên 32,7 tỷ thay vì 25,5 tỷ. Đồng thời, Châu Âu cũng có thể nâng khối lượng khí hóa lỏng cần mua, từ 47,5 tỷ mét khối lên 87,5 tỷ. Tuy nhiên, khí hóa lỏng lại đắt hơn nhiều khí tự nhiên.
Châu Âu cho rằng việc Hoa Kỳ quyết định tung ra thị trường một khối lượng lớn khí đá sẽ làm giảm giá khí hóa lỏng và cạnh tranh trực tiếp với khí đốt của Nga. Theo một quan chức Mỹ, khối lượng khí đốt mà Hoa Kỳ đưa ra thị trường hiện nay bằng một nửa tổng nguồn cung ứng của Nga cho Châu Âu, nhưng ngay từ đầu năm sau, 2015, Mỹ có thể xuất khẩu trực tiếp sang Châu Âu.