Nén Tâm Nhang Cho Việt Dzũng – Ngọc Hoài Phương
Ngọc Hoài Phương, Trương Trọng Trác và “cậu Út” Việt Dzũng. Hình chụp nhân dịp Đại Hội Truyền Thông Việt Ngữ Hải Ngoại, 2003.
Hình Việt Dzũng trong buổi tiệc họp mặt của khóa 7 Thủ Đức
Đúng như lời nhà báo Phạm Trần đã nói: “Tạp chí Hồn Việt là một phần đời của Việt Dzũng.” Quả như vậy, Việt Dzũng đã chính thức làm việc với tạp chí Hồn Việt từ 1989, tính đến nay, cũng đã ngót nghét một phần tư thế kỷ. Trong vai trò của một thư ký tòa soạn, Việt Dzũng hầu như bao dàn về bài vở và layout. Tôi còn nhớ rất rõ, hồi đó tòa soạn Hồn Việt nằm trên đường Brookhurst cùng chung với hai tờ báo khác là tuần báo Diễm của chị Trần Thị Diễm Phúc và tuần báo Diễn Đàn Chủ Nhật của các ông Đinh Lưu Nhã và Vũ Quang Ninh. Cả ba tờ báo đều do Việt Dzũng chăm sóc cả về đánh máy bài vở, layout. Ngoài ra, Việt Dzũng còn nhận thực hiện những cuốn sách cho các tác giả khác. Nói như vậy để thấy rằng, ngay từ mấy chục năm trước, Việt Dzũng đã làm việc không ngưng nghỉ, bận rộn suốt ngày.
Trên hai mươi năm cùng làm việc, chúng tôi đã sát cánh bên nhau trong nhiều vấn đề, chia xẻ biết bao ngọt bùi cay đắng, cư xử với nhau như anh em ruột thịt. Với tôi, Việt Dzũng là một người rất thông minh và đa tài, có sức làm việc đáng kính nể. Về nghiệp vụ báo chí, Việt Dzũng tỏ ra rất nhạy bén. Một vấn đề nào được tôi gợi ý, Việt Dzũng nhanh nhạy nắm bắt ngay, không cần thảo luận dài dòng. Cùng một lúc, Việt Dzũng có thể làm hai ba việc, vừa đánh máy, vừa giao tiếp bằng điện thoại, mắt vẫn không rời màn hình, dịch tin một cách thoải mái, tường thuật cho đài y như có mặt ngay tại hiện trường. Khả năng sáng tác âm nhạc của Việt Dzũng gần như bẩm sinh. Chỉ cần có cảm xúc thoáng qua, Việt Dzũng cầm đàn guitar lên, dạo một vài giai điệu, là có thể khởi lên ý nhạc, và, chừng vài ba mươi phút, đã hoàn tất một bản nhạc. Do đam mê công việc, Việt Dzũng không kể giờ giấc, quên cả chuyện ăn uống. Có những lần bất ngờ, Việt Dzũng gọi phone cho tôi: “Anh đang ở đâu đó? Làm ơn mua cho em khúc bánh mì. Từ sáng tới giờ, em chỉ có cà phê thuốc lá. Đói quá!” Nhớ có lần, trong ngày lễ Tạ Ơn, gia đình tôi đang tụ họp ăm uống, chợt nhớ tới Việt Dzũng, nhìn đồng hồ đã trên 10 giờ đêm, tôi bấm phone gọi Dzũng: “Em đang làm gì đấy? Ăn uống gì chưa?” Câu trả lời bên kia rất gọn: “Em đang làm việc, chưa ăn gì cả.” Tôi hỏi tiếp: “Thế mẹ em và Bé Bé đâu?” – “Mẹ em đến nhà bác Đồng, còn Bé Bé qua anh chị Quốc Toản ăn cơm rồi.” – “Chờ đấy! Khoảng 15 phút nữa, anh mang đồ ăn đến cho em.” Nhắc lại chuyện nầy, để thấy, đối với Việt Dzũng, công việc và công việc là nguồn đam mê lớn của con người đầy nhiệt huyết.
Hình 2: Linh mục Văn Chi từ Úc qua, chủ lễ đám cưới Việt Dzũng – Vũ Hoàng Anh, tổ chức tại nhà thờ Tam Biên, Quận Cam.
Việt Dzũng bị bệnh tim đã lâu. Người thân trong gia đình và bằng hữu đều khuyến cáo Dzũng nên giảm bớt công việc, dành thời gian tập trung chữa bệnh. Nhớ lại vài năm trước đây, có lần Dzũng phải nhập việc để thông tim, mặc dù có nhiều người muốn vào thăm, nhưng Dzũng đều từ chối, chỉ có mẹ, vợ của Dzũng và tôi vào thăm. Lý do, Dzũng không muốn người khác đến đông, vì còn phải làm việc ngay sau khi ra khỏi phòng hồi sức.
Sự ra đi quá đột ngột của Việt Dzũng là một cú “sốc” lớn, không những đối với riêng tôi mà cả với cộng đồng người Việt tị nạn. Riêng tôi, đã mất một người bạn, người em vô cùng thân thiết suốt mấy chục năm qua. Hôm ấy, sau khi tôi ngồi uống cà phê sáng với nhà thơ Du Tử Lê và một số bằng hữu trên đường trở về nhà, thì được hung tin Việt Dzũng đã trút hơi thở cuối cùng ngay trên đường đưa đến đến bệnh viện cấp cứu. Một cảm giác hụt hẫng, sửng sờ gần như tê dại đã ập đến trong tâm thức tôi. Tiếc thương cho một người đầy nhiệt huyết và tài năng nhưng mệnh yểu. Tôi biết, Việt Dzũng đang có nhiều dự tính cho công việc chung và cho tác phẩm âm nhạc của mình. Sự ra đi của Việt Dzũng là một tổn thất lớn đối với cộng đồng người Việt hải ngoại trong công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ tại quê nhà.
Westminster, 23.12.2013