Điểm Báo Pháp 04/02/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp 04/02/2014
Một cuộc tập hợp tại Stavropol (Nga), ủng hộ ông Putin 30/03/2014 – REUTERS /Eduard Korniyenko
Theo RFI – Trọng Thành -Thứ tư 2/4/2014

Trong ít ngày gần đây, căng thẳng liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraina có phần dịu xuống với việc Nga tuyên bố rút một phần lực lượng ra khỏi vùng biên giới với Ukraina, tuy nhiên Hoa Kỳ cũng như NATO đón nhận thận trọng thông tin này. Kể từ đầu cuộc khủng hoảng Ukraina đến nay, chính sách của Matxcơva gây rất nhiều ngờ vực. Tờ Le Monde có bài « Cỗ máy tuyên truyền của Putin ».

Việc sáp nhập bán đảo Crimée vào nước Nga được 90% người Nga ủng hộ, theo Trung tâm nghiên cứu dư luận VTsIOM. Uy tín của Tổng thống Putin cũng tăng mạnh : hơn 80% dư luận ủng hộ so với 60% hồi tháng 1/2014. Vì sao dư luận Nga đứng hẳn về phía Tổng thống Putin trong một hành động, bị cộng đồng quốc tế lên án là « xâm lược » ? Chiến lược tuyên truyền của điện Kremlin đóng vai trò quyết định trong chuyện này, như quan sát của Le Monde.

Toàn bộ các kênh truyền thông công cộng tại Nga được nhất loạt huy động để « áp đặt một quan điểm duy nhất hợp thức hóa việc sát nhập bán đảo Crimée và mô tả Ukraina như là một đất nước mất phương hướng ». Những phóng sự về Ukraina trên truyền thông Nga không hề thực hiện đúng chức năng là mang lại các thông tin : các hình ảnh thời sự bị cắt xén được trộn lẫn với các tài liệu lưu trữ và phim truyện, cùng với các lời bình mang nặng cảm xúc.

Hình ảnh về Ukraina trong công chúng Nga có thể được tóm lại qua lời nhận xét của một nghị sĩ đảng Nước Nga thống nhất (tức đảng của ông Putin) : « Ukraina là đất nước của những kẻ giết người, vô cùng độc ác, vũ khí có khắp nơi ». Nhìn từ Matxcơva, Ukraina là mảnh đất mà, một bên là người Nga và bên kia là « quân phát xít ».

Để gây dựng một hình ảnh như vậy trong công luận Nga về Ukraina, hàng tuần phủ Tổng thống Nga đều ban hành một chỉ thị (một « temniki » theo tiếng Nga) đến tất cả các cơ quan truyền thông, nói rõ rằng các nhà báo, khi thông tin về Ukraina, cần phải nhấn mạnh những khía cạnh như : « luật pháp vắng mặt, hỗn loạn, phe phát xít nắm giữ các vị trí chủ chốt trong chính quyền, bộ máy cảnh sát tê liệt, tội phạm bùng phát, kinh tế bên bờ vực thẳm… ». Ngược lại, Crimée dưới quyền quản lý của Nga được quảng bá là một vùng đất yên ổn.

Phóng viên của Le Monde ghi nhận, bất cứ một biểu hiện nào trái với quan điểm chính thống ngay lập tức đều bị tấn công hay triệt hạ. Dojd, một kênh truyền hình không chính thống, chỉ vì một câu nói bị coi là sai lạc về cuộc vây hãm Leningrad năm 1943 (trong Thế chiến Hai) lập tức bị mất hợp đồng truyền hình cáp… Hiện tại một dự luật cho phép trừng phạt các phóng viên đưa ra những hình ảnh « tiêu cực » về quân đội và chính quyền, đang được chuẩn bị.

Theo ông Lev Goudkov, giám đốc trung tâm nghiên cứu dư luận Levada, « cỗ máy tuyên truyền của chính quyền Nga được huy động ở quy mô chưa từng thấy. (…) Người ta chuẩn bị dọn đường dư luận cho khả năng quân đội Nga can thiệp vào Ukraina ». Cỗ máy tuyên truyền này có mục tiêu làm sao để có được đông đảo nhất người Nga đồng thuận với nhau xung quanh « một quan niệm bài ngoại triệt để và mang tính gây hấn », đối lập giữa thế giới của người Nga với thế giới bên ngoài.

Theo giáo sư chính trị học Vladimir Pastoukhov, trường St Antony College Oxford, được đăng tải trên tờ báo Nga Novaia Gazeta (25/03), theo đường hướng độc lập, « Vladimir Putin (…) đã làm thức dậy trong tâm hồn người Nga bản năng súc sinh thấp hèn, vốn ngủ yên trước đó ». Tên của loài quái vật này là « tư tưởng cứu thế Nga », một tư tưởng có các cội rễ từ rất xa xưa, từ thời đế quốc Đông La Mã, từ chủ thuyết đại Slave thời cận đại và gần đây nhất là từ Quốc tế Cộng sản (tức Quốc tế III) ». Nhà chính trị học ghi nhận, cho đến nay tư tưởng cứu thế này vẫn là động lực lớn của « Lịch sử nước Nga ».

Tân chính phủ Pháp với những chông gai trước mặt

Chủ đề số một của báo chí Pháp hôm nay là thời sự nước Pháp với thành phần chính phủ mới sắp công bố và những thách thức đối với tân Thủ tướng Manuel Valls, sau thảm bại của đảng Xã hội cầm quyền trong kỳ bầu cử địa phương. Giữa rất nhiều khác biệt, các báo ít nhất cũng có một điểm đồng thuận là tân Thủ tướng Pháp đứng trước một tình thế hết sức khó khăn. « Làm xiếc trên dây » là tựa của tờ báo đại chúng Le Parisien. « Một con đường đầy trở ngại » là tựa bài xã luận của La Croix. « Thâm hụt ngân sách : Valls bị đặt dưới áp lực của Châu Âu » », Les Echos nhận định. Báo Libération ghi nhận : « Valls trước thách thức của đảng Xanh ». « Đảng Xanh nói không với Manuel Valls », tựa của Le Figaro.

Về thách thức đối với tân Thủ tướng Valls cùng « nội các xung trận » của ông, « Không hối tiếc » là hàng tựa bài xã luận của Le Figaro. Theo tờ báo thiên hữu, sau khi các đồng minh đảng Xanh từ chối tham gia chính phủ, bây giờ là cơ hội duy nhất để Manuel Valls mở ra một giai đoạn mới trong nhiệm kỳ 5 năm cầm quyền mà Tổng thống Pháp hứa hẹn. Theo Le Figaro, vị Thủ tướng theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa nổi tiếng là thực tế này cần phải « giã từ không hối tiếc những điều được tôn thờ và những húy kỵ mà các sứ đồ của học thuyết giảm tăng trưởng (ám chỉ chủ thuyết của đảng Xanh) áp đặt ».

Về vấn đề này, tờ Libération hiển nhiên có quan điểm khác. Lo ngại trước sự phân liệt này, tờ báo thiên tả nhấn mạnh đến hai thách thức trước mắt đối với tân chính phủ : cuộc bỏ phiếu về « thỏa ước trách nhiệm » (một chủ trương lớn của Tổng thống Pháp nhằm đẩy lùi nạn thất nghiệp, với các đóng góp từ giới chủ và các nghiệp đoàn) tại Quốc hội vào cuối tháng 4, và áp lực tuân thủ quy định tiết kiệm 50 tỷ euro trước Ủy ban Châu Âu trong thời gian từ 2014-2017 (hay nói cách khác, thi hành một chính sách mà những người đối lập gọi là « thắt lưng buộc bụng »). Libération cũng lưu ý, không có sự ủng hộ của 18 nghị sĩ đảng Xanh, đảng Xã hội chỉ còn có một đa số rất mong manh tại Quốc hội.

Chính phủ của Thủ tướng Valls chắc hẳn không tìm thấy được các đồng minh ở cánh tả của phe tả. Tờ báo Cộng sản l’Humanité khẳng định rõ : « Chống chính sách thắt lưng buộc bụng : ngày 12/04 các công dân hãy xuống đường ».

Báo Công giáo La Croix thừa nhận, nhiệm vụ của tân chính phủ là nan giải, khả năng phục hội kinh tế Pháp còn xa vời, những con số gần đây nhất về thâm hụt ngân sách và thất nghiệp không hề mang lại niềm lạc quan. Để khắc phục được tình trạng này, theo La Croix, « thỏa ước trách nhiệm » cần phải được thực thi khẩn trương.

Ngân hàng Trung Quốc: Người khổng lồ chân đất sét

Nhìn sang Châu Á, báo kinh tế Les Echos có hồ sơ « Trái bom tài chính Trung Quốc khiến Bắc Kinh lo lắng ». Hồi tuần trước, tại tỉnh Giang Tô (phía bắc Thượng Hải), hàng trăm khách hàng của một nhà băng xếp hàng đồng loạt rút tiền gửi. Kể từ đó thay cho nỗi hoảng loạn là nỗi ngờ vực, sau một loạt vụ phá sản ngân hàng. Phụ trương Les Echos có bài phóng sự « Tại Trung Quốc, một làn sóng rút tiền cho thấy những tệ nạn của một nền tài chính trong bóng tối ».

Theo một số ước tính, tổng lượng tiền của khu vực tài chính ngầm tại Trung Quốc có thể từ 1.600 đến 5.000 tỷ đô la. Không chỉ ngân hàng tỉnh Giang Tô, hàng loạt ngân hàng khác tại Trung Quốc đứng trước tình trạng không còn người tin tưởng gửi tiền. Tình trạng này khiến cả chính quyền các địa phương lẫn chính quyền trung ương lo ngại.

Bài « Các ngân hàng Trung Quốc, những người khổng lồ chân đất sét » cho thấy một thực tại tương phản giữa một bên là các số liệu lạc quan và bên kia là tâm trạng ngày càng lo ngại của các khách hàng. Trong số các ngân hàng Trung Quốc, chỉ có Ngân hàng trung ương (Bank of China) tiếp tục thu được nhiều lãi hơn trong năm 2013. Điều đặc biệt nghiêm trọng là tỷ lệ nợ xấu tăng khá cao, theo con số chính thức, điều mà nhiều chuyên gia cho rằng thực tế còn nghiêm trọng hơn nhiều.

Biển Đông: Philippines thách thức Trung Quốc

Vẫn liên quan đến Châu Á, Les Echos chú ý đến việc «Philippines thách thức Trung Quốc tại Biển Đông», sau sự kiện Manila chính thức đệ đơn lên Tòa án trọng tài quốc tế ở La Haye ngày 31/03. Philippines muốn lãnh hải của mình trong phạm vi 200 hải lý được công nhận, đồng thời tự do hàng hải của tất cả các nước trên thế giới được bảo đảm.

Philippins kiên quyết kiện Bắc Kinh ra tòa, sau một loạt vụ gây hấn của tầu thuyền Trung Quốc tại vùng biển truyền thống của Phillipines. Ít nhất 80% dân chúng Philippines ủng hộ quyết tâm của chính phủ. Trung Quốc, vốn không thừa nhận tòa án trọng tài quốc tế, hôm qua, Bắc Kinh gửi lời cảnh báo đến Manila, yêu cầu Philippines trở lại bàn đàm phán. Theo Bộ Ngoại giáo Trung Quốc, việc kiện ra tòa quốc tế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ hai nước.

Việt Nam khó thúc đẩy tăng trưởng

Về Việt Nam, vẫn trên Les Echos có bài viết điểm lại những thách thức đối với việc duy trì tốc độ tăng trưởng. Tỷ lệ tăng trưởng GDP trong tháng 3/2014 là 4,96% so với tỷ lệ 6,04% cách đây một năm. Les Echos nhận định, cho dù cố gắng thu hút nhiều hơn các đầu tư vào lĩnh vực đồ điện tử cho đại chúng, Việt Nam chủ yếu vẫn là một nước gia công, lắp ráp các hàng công nghiệp của Châu Á.

Cụ thể như giày vẫn là mặt hàng chiếm đến 20% lượng xuất khẩu. Nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc (hàng xuất sang Trung Quốc chiếm 11% vào năm ngoái), trong khi kinh tế Trung Quốc lại có chiều hướng giảm tăng.

Châu Âu xích lại gần Châu Phi để đối lại Trung Quốc

Trở lại Châu Âu, gia tăng hợp tác giữa Châu Âu và Châu Phi để cân bằng lại với Trung Quốc trong bối cảnh tình hình bất ổn có chiều hướng gia tăng tại Châu Phi là một chủ đề khác được Les Echos chú ý. Hôm nay, 80 nguyên thủ Châu Âu và Châu Phi họp tại Bruxelles để khởi động lại hợp tác kinh tế. « Đầu tư cho con người, cho thịnh vượng và hòa bình » là ba tiêu đề chính của hội nghị thượng đỉnh hợp tác Âu-Phi lần thứ tư. Tự do hóa trao đổi mậu dịch và cân bằng cán cân thương mại là mục tiêu của thượng đỉnh.

Cũng trong hội nghị này, Châu Âu sẽ chính thức tuyên bố gửi quân tham gia lực lượng duy trì hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi, với quân số lên đến 10.000 người, để gánh vác nhiệm vụ cùng với nước Pháp.

Để ngăn chặn nạn di cư bất hợp pháp, Bruxelles đề nghị tài định hướng đầu tư vào lĩnh vực giáo dục cho giới trẻ Châu Phi (người dưới 35 tuổi chiếm 65% dân số) để khuyến khích họ ở lại đất nước và tham gia đóng góp cho phát triển.

Hiện tại, trả lời phỏng vấn Les Echos, ủy viên Châu Âu phụ trách phát triển, Andris Piebalgs, cho biết Châu Âu đóng góp 45% trợ giúp phát triển công cho Châu Phi, mức đóng góp tương đương 0,43% GDP của Châu Âu, thấp hơn lời hứa hẹn 0,7%. Nhờ các tài trợ của Châu Âu, 14 triệu trẻ em được học tiểu học, 70 triệu người được dùng nước sạch… Nhiều nước Châu Phi có thể đạt được các mục tiêu Thiên niên kỷ, sắp hết hạn vào năm 2015, như đẩy lùi nạn đói nghèo, mở rộng hệ thống nước sạch, giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong…

Theo Ủy viên Châu Âu về phát triển, sau 2015, các mục tiêu Thiên niên kỷ cần được triển hạn và được bổ sung với các mục tiêu khác như : nhân quyền, phát triển bền vững, chống biển lận tài chính, gia tăng công bằng trong tư pháp…