Điểm Báo Pháp – 5-4-2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 5-4-2016

Vụ bê bối «Panama Papers» chiếm trang nhất nhiều báo Mỹ- REUTERS/ Kacper Pempel/ Illustration

Theo RFI- Minh Anh05-04-2016

«Panama Papers»: «Choáng, chóng mặt và ghê tởm»                             

Cụm từ «Panama Papers » xuất hiện đặc kín trên các trang nhất báo Pháp số ra ngày 05/04/2016. Le Monde trên trang nhất, với hai mầu chủ đạo đen và đỏ, bên dưới hàng tít đậm «Tiền cất giấu của các lãnh đạo Nhà nước». «Cơn chấn động thế giới vụ Panama Papers» như nhận xét của Le Figaro. Libération cho rằng «Vụ Panama Papers: Đấy còn là cuộc chiến thuế khóa». Hay như «Để chấm dứt với các thiên đường thuế», tựa của La Croix.

Đây chắc chắn là vụ rò rỉ lớn nhất trong lịch sử, Le Figaro nhận định. Hiện chỉ mới có một phần thông tin được công bố. Le Figaro tin rằng vụ tai tiếng toàn cầu này sẽ gây ra một dư chấn mạnh, và nhiều quốc gia có nguy  cơ bị chao đảo.

Trước mắt, tại Iceland, vụ việc đang gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị: Phe đối lập yêu cầu thủ tướng từ chức và thông báo biểu tình. Về phần mình, «Nga tố cáo đó là một âm mưu của tình báo Mỹ», trong khi đó tại TC, «Đảng Cộng sản bị vấy bẩn», tựa các bài nhận định của Le Figaro. Trước các tiết lộ tày đình, theo lệnh của chính quyền, truyền thông Nhà nước hoàn toàn im hơi lặng tiếng. Le Figaro và Les Echos cho biết là trang mạng của ICIJ (Liên minh các phóng viên điều tra) đã bị chặn hoàn toàn tại TC.

Đối với Le Monde, nhật báo chính tham gia vào cuộc điều tra với hàng trăm tờ báo khác trên thế giới, vụ «Panama Papers» này đã thật sự gây «choáng, bàng hoàng, và ghê tởm», như tựa đề nhận xét của bài xã luận.

«Choáng» là do các con số đưa ra : Gần 11,5 triệu tài liệu nội bộ của văn phòng luật sư Mossack Fonseca bị rò rỉ; 107 báo đài tại 76 quốc gia phối hợp điều tra phân tích; 214.000 công ty bình phong đã được Mossack Fonseca thành lập hay quản lý tại 21 thiên đường thuế và cho các khách hàng đến từ 200 quốc gia khác nhau.

Tiếp đến, «ghê tởm» là do những cái tên được phát hiện. Từ quốc vương Ả Rập Xê Út, tổng thống Achentina, thủ tướng Iceland… và cả những người thân cận các nhà lãnh đạo đã về hưu hay còn đang tại quyền như người thân Tổng thống Nga Vladimir Putin, người thân chủ tịch TC Tập Cận Bình. Tổng cộng danh sách đưa ra có đến 128 các nhân vật chính trị cao cấp trên toàn thế giới (thẩm phán cấp cao, thống đốc ngân hàng trung ương, bộ trưởng, nghị sĩ…) nằm bên cạnh các trùm ma túy, các tỷ phú và danh thủ bóng đá.

Và cuối cùng toàn bộ bức tranh giải mã đã khiến cho các nhà điều tra cảm thấy phải «chóng mặt». Cuộc điều tra lần này là một cuộc điều tra đầy đủ nhất và cập nhật nhất. «Panama Papers » cho thấy rõ «tiền bẩn » được đặt cạnh «tiền sạch ». Các dòng vốn «xám » đến từ việc lậu thuế lẫn chung cùng với «tiền đen » có từ các hoạt động tội ác, buôn lậu, tham nhũng và lạm dụng quyền lực.

Chống trốn thuế: Cuộc chiến dài hơi

Câu hỏi đặt ra làm thế nào chấm dứt tình trạng lạm dụng các công ty bình phong để trốn thuế? Le Monde trong bài xã luận cho biết rằng «đấy sẽ là một cuộc chiến dài hơi».

Một quan điểm cũng được La Croix đồng chia sẻ. Tờ nhật báo công giáo này khẳng định kiểu rò rỉ này cũng không phải là cái đầu tiên. Nhưng sự việc cho thấy đòi hỏi cấp bách một cuộc chiến toàn cầu chống lại các tập đoàn bình phong và các thiên đường trốn thuế. Những thành công đó đã được ghi lại nhưng công việc không dừng lại ở đó. Vấn đề là phải đấu tranh chống nạn biển thủ công quỹ và gian lận trên diện rộng gây thiệt hại cho vô số thường dân.

Phải giảm bớt những vùng xám rộng lớn ở đó mọi thứ không hẳn là bất hợp pháp. Nhưng đây là nơi các doanh nghiệp có cửa hiệu riêng và những cá nhân đơn giản chỉ «dị ứng » với thuế khóa lại cùng đồng hành với những tên tội phạm nguy hiểm nhất : các băng đảng mafia và các tổ chức khủng bố nằm lẫn trong số những khách hàng tốt nhất của mạng lưới tiền đen.

Người Miến Điện miền Bắc mong muốn về nhà

Dù bị vụ «Panama Papers» lấn át, nhưng La Croix cũng dành riêng hai trang báo trong mục Grand Format để bàn về xã hội Miến Điện, với bài viết đề tựa: «Những người đi di tản ở phía bắc Miến Điện mong đợi hòa bình».

Giải quyết xung đột sắc tộc, một hồ sơ gai góc mà chính phủ thân quân sự mãn nhiệm đã để lại cho tân chính phủ dân sự đầu tiên, vừa lên nắm quyền đầu tháng 4/2016. Bất chấp thỏa thuận hòa bình được ký kết giữa chính phủ cựu quân nhân với tất cả các nhóm sắc tộc vũ trang hồi tháng 10/2015, nhưng việc hồi hương những người di tản sẽ còn dài và nhiều khó khăn.

Nguyên nhân: «Hàng ngàn loại mìn sát thương nằm khắp các ngôi làng và những ai đặt mìn cũng không cho biết chỗ. Thậm chí có nhiều binh sĩ cũng bị trúng ngay chính mìn của mình», theo như giải thích của ông Noel Naw Lat, giám đốc nhánh Caritas tại Miến Điện.

Bên cạnh đó, quân đội Miến Điện còn thường xuyên bị cáo buộc lợi dụng vị thế của mình để đòi hỏi nhiều vùng lãnh thổ hơn với các sắc tộc thiểu số. Nhiều tổ chức phi chính phủ tố cáo tình trạng phân chia nguồn thu có được từ khai thác tài nguyên thiên nhiên, dẫn đến việc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Đi đâu cũng được nhưng không về Thổ Nhĩ Kỳ

Thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu về việc trả di dân lại về Thổ Nhĩ Kỳ theo nguyên tắc «một đổi một » đã bắt đầu có hiệu lực từ hôm qua. Báo chí Pháp tiếp tục bàn luận về chủ đề này. Le Figaro trên trang nhất thông báo: «Những người tị nạn bị trả về đầu tiên đã đến Thổ Nhĩ Kỳ».

Cụ thể là «tại Lesbos, việc trục xuất người tị nạn đã bắt đầu ». 202 người bị trục xuất đã được đưa về bên kia bờ biển Egée. «Một sự trở về đượm vẻ lo âu » như một bài nhận định khác của Le Figaro. Theo tinh thần thỏa thuận, trong đợt trục xuất đầu tiên, 750 người sẽ phải hồi hương trong vòng ba ngày.

Đối với nhiều người tị nạn Syria, «Đi đâu cũng được nhưng không về Thổ Nhĩ Kỳ » theo như lời một thanh niên trẻ với phóng viên La Croix. Đối với anh, về lại Thổ Nhĩ Kỳ là «trở về với cái chết ». Một mối lo cũng được bà Gauri Vangulik, phó giám đốc tổ chức Ân Xá Quốc Tế tại Châu Âu đồng chia sẻ trên Le Figaro: «Hy Lạp không thể tiếp nhận thêm người tị nạn, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng chưa hẳn là một nước an toàn cho những người này».

Bầu cử sơ bộ tại Mỹ: Wisconsin đặt dấu chấm hết cho Trump?

Một hồ sơ khác cũng thu hút sự chú ý báo chí Pháp là bầu cử sơ bộ tại Hoa Kỳ. Le Figaro nhận thấy: «Trump đang phạm sai lầm tại Wisconsin». Nhiều người ủng hộ ông Trump nay bắt đầu cảm thấy ngán ngẩm vì những lời nói hớ của ông.

Tuy nhiên, Les Echos lưu ý là bầu sơ bộ tại Wisconsin sẽ là một cuộc «bỏ phiếu quan trọng». Chính cuộc sơ bộ này có thể chặn đà tiến của ông Donald Trump trong việc giành chức ứng viên tranh cử tổng thống cho đảng Cộng Hòa. Les Echos cho rằng nếu thua tại đây, nhà tỷ phú người Mỹ này sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong các bước kế tiếp để có thể thu đủ số phiếu của đại cử tri (1.237 phiếu). Điều này có thể mở ra một hội nghị đảng Cộng Hòa vào tháng 7 này tại Cleveland, và như vậy có thể làm nổi lên một ứng viên khác.

Về phần ông Bernie Senders, Les Echos nhận định Wisconsin có thể sẽ là một bước đệm mới cho ông, vốn được lòng cử tri tại đây, trước khi đến New York, sân nhà của bà Clinton. Có lẽ vì vậy mà Libération đề tựa là «Clinton-Sanders: cuộc chiến dài hơi nhất».

«Sắc đẹp» nỗi lo muôn thuở

Đây là nhận định của La Croix trên mục Khoa học và Đạo đức. Nếu như những quy ước về sắc đẹp thay đổi theo tuổi tác và các nền văn hóa, những quy ước đó đang áp đặt một chuẩn xã hội mang tính ràng buộc. Một chuẩn mực mà đang có những tác động bất công lên nam và nữ giới.