Kinh tế Việt Nam: Mỗi tỉnh là một ‘sứ quân’
Một số phụ nữ thất nghiệp chờ xem có ai gọi thuê mình, ngồi dọc theo lề đường ở Hà Nội. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Người Việt – Monday, April 4, 2016 7:04:33 PM
Bài liên quan
- Kinh tế Việt Nam càng ngày lệ thuộc Trung Quốc
- Giá dầu giảm, tương lai kinh tế Việt Nam thêm ảm đạm
- Kinh tế Việt Nam không an toàn vì phụ thuộc FDI
HÀ NỘI (NV) – Tuy là một nước Việt Nam nhưng lại có tới 64 nền kinh tế chỏi nhau theo kiểu sứ quân, không liên kết hàng ngang và cũng không nghe lệnh từ trên đưa xuống một cách nghiêm chỉnh. Ðấy là những gì người ta được nghe thấy qua cuộc hội thảo quốc tế về “Liên kết vùng” của 63 tỉnh thành với nhà cầm quyền ở trung ương tại Việt Nam. Vì “mạnh ai nấy chạy” nên “gây ra những tổn thất to lớn ở tầm quốc gia” mà Trần Ðình Thiên, viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam than vãn ngày 1 tháng 4, 2016 được tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam tường thuật.
Trần Ðình Thiên gọi sự hợp tác, liên kết giữa các tỉnh thị để phát triển kinh tế tại Việt Nam là “kỳ dị” vì “chỉ nằm cạnh nhau, không ôm nhau, không làm gì.” Tức là mạnh ai nấy làm, thậm chí còn gây khó khăn cho nhau, đạp lên nhau để mình có thành tích cao hơn. “Ðua nhau làm khu công nghiệp, đua nhau làm cảng biển, đua nhau thu hút FDI, tìm cách gây khó khăn cho tỉnh bạn, ‘ngăn sông, cấm chợ’ như cấm chuyển quặng ra khỏi tỉnh ta, phải tiêu thụ ‘bia tỉnh ta’… Ðây là những hiện tượng khá phổ biến, gây ra những tổn thất to lớn ở cả tầm quốc gia.” Thiên nêu ra trong buổi hội thảo kể trên. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tệ trạng như thế được Vương Ðình Huệ, trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương của đảng, nhìn nhận rằng do nhà cầm quyền trung ương Hà Nội đặt chỉ tiêu tăng thu cho các địa phương từ 5%-8% so với năm trước, buộc các địa phương phải tìm cách đáp ứng. Cũng vì phải lo cho địa phương mình mà “không bao giờ có liên kết vùng.” Lên tiếng trong cuộc hội thảo, Phó Chủ Tịch Hội Ðồng Kiến Trúc Trần Trọng Hanh chỉ ra một nguyên nhân hãi hùng khác: “Hiện nay có 71 luật và pháp lệnh, 73 nghị định và hàng nghìn các thông tư, quyết định liên quan đến quy hoạch cùng mấy vạn đề án quy hoạch, với chi phí ước tính lên đến hơn 2,800 tỷ đồng thời kỳ 2001-2010 và gần 5,000 tỷ đồng thời kỳ 2011-2020, nhưng hệ thống quy hoạch hoàn toàn phân lập, có những đồ án chỉ dùng được 1%.” Trong khi đó, theo Lê Viết Thái, chuyên viên tại Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương thì “thiếu động cơ liên kết giữa các địa phương trong phát triển cơ sở hạ tầng chủ yếu do vẫn còn tồn tại tư tưởng ‘lợi ích cục bộ địa phương’ khá mạnh…” Bên cạnh đó, “kỷ luật chấp hành quy định về phối hợp của một số cơ quan quản lý nhà nước không cao.” Bên trên những nguyên nhân đó là chủ trương làm “theo phong trào.” Khi thấy tỉnh kia có mà mình không có thì lép vế. Tỉnh kia vẽ được trò đầu tư mà tỉnh mình không có dẫn đến hệ quả là hàng loạt khu công nghệ, cụm công nghiệp, khu đô thị bỏ hoang, nông dân bị cướp đất, mất sinh kế đi khiếu kiện quanh năm ngày tháng trên cả nước. Dương Ðình Giám, Hội Khoa Học Kinh Tế Việt Nam được tờ TBKTVN thuật lời trong cuộc hội thảo nói trên là “trong hơn 20 năm vừa qua, theo trào lưu phát triển công nghiệp, bất chấp các điều kiện cụ thể của mình, hầu hết mỗi địa phương đều quy hoạch vài khu công nghiệp và một số cụm công nghiệp. Trong tổng số 76,000 ha đất bị thu hồi để làm trên 280 khu công nghiệp trên cả nước, và trên 32,000 ha đất quy hoạch cho khoảng 900 cụm công nghiệp, có nhiều diện tích đất mà nông dân đang canh tác hiệu quả.” Bởi khả năng thu hút đầu tư có hạn, nên diện tích lấp đầy của các khu công nghiệp hiện chỉ vào khoảng 43% (so với diện tích có thể cho thuê) và chỉ đạt 25.4% (so với diện tích đất quy hoạch). “Các nhà máy sản xuất có cùng tính năng xuất hiện ở hai địa phương tiếp giáp nhau, thậm chí được xây dựng cạnh nhau (thuộc hai địa phương khác nhau) nhưng quy mô đều nhỏ, thường xuyên xuất hiện trong các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, luyện kim, chế biến nông sản… làm nảy sinh sự khan hiếm, cạnh tranh về nguyên liệu, lao động và quan trọng hơn, là do cùng có quy mô nhỏ, nên hiệu quả kinh tế không cao…” Tờ TBKTVN kể lại theo lời ông Giám. Nói chung thì chỉ vì các chương trình đầu tư của các địa phương được xem như những “phong trào,” những “hội chứng” về nhà máy rượu bia, xi măng, thủy điện, cảng biển, sân bay, khai thác khoáng sản, khu đô thị,… tạo thành nhiều “nền kinh tế” trong một nền kinh tế quốc gia. Chúng là một tập thể “lời giả, lỗ thật” rải rác trên cả nước mà sự thiệt hại sau cùng đều do người dân gánh chịu. Trên tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn ngày 1 tháng 4, 2016, Tiến Sĩ Vũ Thành Tự Anh, một kinh tế gia giảng dạy trong chương trình kinh tế Fulbright tại Việt Nam nói rằng nền kinh tế của Việt Nam đang ở trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan.” Theo ông, muốn duy trì tăng trưởng kinh tế thì không thể không đầu tư, nhưng càng đầu tư thì ngân sách càng thâm hụt và nợ công càng tăng. Ðể có tiền đầu tư phát triển thì buộc phải đi vay, và kết quả tất yếu là thâm hụt ngân sách triền miên, cả nợ chính phủ và nợ công đều đã vượt trần. Tuy cái đảng CSVN đẻ ra “64 nền kinh tế” làm hại đất nước nhưng không có ai chịu trách nhiệm về chế độ sứ quân này. Chỉ thấy có những lời kêu ca. (TN)