Mỹ sẽ không ‘che lấp’ khác biệt trong cuộc gặp với Tập Cận Bình
Các giới chức cấp cao của Mỹ cho biết chính phủ của Tổng thống Obama sẽ không che lấp những sự khác biệt với TC về các vấn đề an ninh mạng và tranh chấp hải dương, mà sẽ thúc đẩy “những quyền lợi chung” trong việc ngăn chận bất ổn trên bán đảo Triều Tiên và tiến tới mục tiêu phi hạt nhân hóa. Từ Tòa Bạch Ốc, thông tín viên Nike Ching của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Tổng thống Obama hôm nay sẽ gặp Chủ tịch TC Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Hạt nhân.
Về cuộc họp này, ông Dan Kritenbrink, Giám đốc Á châu Sự vụ của Tòa Bạch Ốc, cho biết:
“Sự chủ động giao tiếp đã cho phép chúng tôi tìm cách giải quyết những sự khác biệt với một cách thức rất thành thật và có tính chất xây dựng. Chúng tôi không che lấp những sự khác biệt này. Chúng tôi không che giấu chúng.”
Một viên chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho Đài VOA biết rằng tuy mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên dự kiến là một trong các vấn đề quan trọng nhất tại cuộc họp của hai nhà lãnh đạo Mỹ -Trung, Hoa Kỳ cũng sẽ nêu lên những mối quan tâm về những vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa TC và các nước khác ở Đông Nam Á cũng như vấn đề an ninh mạng.
Một nghị quyết mà Hội đồng Bảo an LHQ thông qua hồi đầu tháng này áp đặt những biện pháp chế tài mới có tính chất nghiêm nhặt đối với Bắc Triều Tiên. Biện pháp này đặt TC vào tâm điểm của sự chú ý vì 90% hoạt động ngoại thương của Bình Nhưỡng là với TC hoặc thông qua TC. Trong thời gian qua, Washington đã ra sức thúc giục Bắc Kinh gây ảnh hưởng và sức ép lên Bắc Triều Tiên để họ ngưng chỉ những hành động khiêu khích hạt nhân.
Một viên chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói sự hợp tác giữa Mỹ và TC nhằm bảo đảm việc thực thi nghị quyết của LHQ một cách nghiêm chỉnh cho đến giờ là “rất tốt đẹp.”
Trong lúc diễn thuyết tại Câu lạc bộ Báo chí Nước ngoài tại Washington ngày hôm qua, Phó bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rose Gottemoeller nói:
“Trung Quốc và chúng tôi cùng tập trung chú ý một cách rất mạnh mẽ vào việc bảo đảm cho sự thực thi tốt đẹp và vững chắc nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, một nghị quyết, mà như quí vị đã biết, đặt ra những sự hạn chế mạnh mẽ đối với khả năng của Bắc Triều Tiên để tiến hành hoạt động ngoại thương, bất kể là bằng đường biển, đường hàng không hay đường bộ.”
Biển Đông
Mặc dầu Hoa Kỳ không có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, Washington đã rất kiên quyết trong việc bảo vệ cho các nguyên tắc, bao gồm việc phi quân sự hóa các hòn đảo có tranh chấp và dựa trên luật pháp quốc tế để giải quyết một cách hòa bình những cuộc tranh chấp.
Trong thời gian qua, Bắc Kinh đã tiến hành một kế hoạch qui mô lớn để tìm cách khẳng định yêu sách chủ quyền đối với các hòn đảo ở Biển Đông thông qua việc xây đảo nhân tạo và những công trình khác, bất chấp những yêu sách chủ quyền chồng lấn nhau của Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Gần đây hơn, TC đã bố trí một hệ thống radar trên những hòn đảo có tranh chấp và một hệ thống phi đạn địa đối không tối tân trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố có chủ quyền.
Về việc này, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, ông Ben Rhodes, phát biểu như sau tại cuộc họp báo hôm thứ tư.
“Chúng tôi sẽ trình bày một cách rất rõ ràng khi chúng tôi tin là có những hành vi đi ngược với các nguyên tắc đó, cũng giống như chúng tôi đã và đang trình bày một cách rất rõ ràng là việc thúc đẩy cho những nguyên tắc quốc tế, như tự do hàng hải, là phù hợp với quyền lợi của chúng tôi.”
Trong thời gian qua, những chiến hạm của Mỹ đã thực hiện những cuộc tuần tra mà các giới chức ở Washington gọi là hoạt động tự do hàng hải trong hải phận quốc tế, kể cả việc tiến vào bên trong phạm vi 12 hải lý quanh những hòn đảo có tranh chấp ở Biển Đông. TC phản đối những hoạt động của Mỹ mà họ cho là có tính chất gây hấn.
Cuộc họp ngày hôm nay giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình là cuộc gặp gỡ đầu tiên tại Washington trong năm 2016 giữa hai ông, 6 tháng sau khi Tập Cận Bình thực hiện chuyến viếng thăm chính thức đến Hoa Kỳ vào tháng 9 năm 2015. – Theo VOA