Tin Thế Giới – Chủ Nhật 26/1/2014
1. Thái Lan: Thủ lĩnh một nhóm biểu tình chống chính phủ bị bắn chết
2. Cam Bốt: Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình
3. 49 người chết trong lúc Ai Cập kỷ niệm 3 năm phong trào nổi dậy
4. Nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc bị tuyên án tù vì chống tham nhũng
5. Chính quyền Kiev bị áp lực ngày càng mạnh và các phe lại gặp nhau
6. Báo Pháp: Tổng thống Hollande chính thức chia tay bà Trierweiler
7. Chính phủ Syria và phe chống đối bắt đầu đối mặt đàm phán tại Geneva
8. TT Obama: Chính phủ đang ra sức chống bạo hành tính dục
1. Thái Lan: Thủ lĩnh một nhóm biểu tình chống chính phủ bị bắn chết
Hôm nay 26/1, theo AFP, phe đối lập thông báo là ông Suthin Tharathin, một trong những thủ lĩnh của nhóm cực đoan Dhamma Army, trong phong trào biểu tình chống chính phủ của Thủ tướng Yingluck, Shinawatra, đã bị bắn chết tại Bangkok. Ông Suthin bị bắn vào đầu trong lúc đang đứng trên một chiếc xe hơi, phát biểu trong cuộc biểu tình. Cảnh sát nói 5 người khác bị thương.
Nhóm Dhamma Army là một nhóm Phật giáo cực đoan thân Hoàng Gia, phân phát miễn phí thức ăn cho những người biểu tình, kể từ đầu phong trào xuống đường.
Vụ bắn chết người này xẩy ra trong bối cảnh một số địa điểm mở cửa phòng phiếu cho cử tri bỏ phiếu trước thời điểm tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội chính thức vào ngày 02/02. Gần một nửa số phòng phiếu tại thủ đô Bangkok đã phải ngừng hoạt động sau vài giờ mở cửa vì bị những người biểu tình thuộc phe đối lập phong tỏa.
Sáng nay, Chủ nhật 26/01, ngay trong những giờ đầu tiên, những người biểu tình chống chính phủ đã tụ tập đông đảo xung quanh hơn một chục địa điểm bỏ phiếu ở Bangkok. Đây là những nơi tổ chức bỏ phiếu trước thời hạn được quy định là ngày 02/02.
Gần như ngay lập tức, những người phụ trách các phòng bỏ phiếu đã buông tay, nhượng bộ trước sức ép của những người chống đối cuộc bầu cử. Các cử tri đến phòng phiếu để thực hiện quyền công dân phản đối những người biểu tình, ngăn chặn, vì cho rằng những người này vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc dân chủ.
Thủ lĩnh đối lập Thái Lan Suthep Thaugsuban hứa rằng người biểu tình sẽ không cản trở các cử tri bỏ phiếu sớm. Ông Suthep nói rằng tuy người của ông sẽ không cản trở những ai đi bỏ phiếu sớm từ Chủ nhật này, bên ngoài 50 phòng phiếu ở thủ đô Bangkok sẽ có biểu tình. Báo Bangkok Post dẫn lời ông nói: “Chúng tôi sẽ thuyết phục tất cả mọi người ở các phòng phiếu cùng với nhau cải tổ Thái Lan thay vì đi bỏ phiếu”.
Ủy ban bầu cử Thái nói hơn hai triệu người đã đăng ký bầu cử sớm, trong đó đa phần là các sinh viên và công nhân nhập cư không có điều kiện về quê bỏ phiếu vào ngày 2/2.
Điều trái khoáy là người biểu tình có được sự ủng hộ của Ủy ban bầu cử, định chế chịu trách nhiệm tổ chức cuộc bỏ phiếu; dường như định chế này làm mọi cách để phá hỏng cuộc bầu cử với lý do là cuộc bỏ phiếu có nguy cơ dẫn đến các vụ bạo động.
Thất bại trong việc tổ chức bỏ phiếu ngày hôm nay, báo hiệu điềm không tốt lành cho cuộc bầu cử ngày 02/02. Ủy ban bầu cử mong muốn lùi lại ba tháng thời điểm bỏ phiếu, nhưng chính phủ lo ngại là nếu chấp nhận đề xuất này thì sẽ không có bầu cử tại Thái Lan nữa.
Mục tiêu của phe đối lập là phải tiến hành cải tổ sâu rộng hệ thống chính trị Thái Lan, trước khi tổ chức bầu cử Quốc hội. – RFI, BBC, VOA
2. Cam Bốt: Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình
Hôm nay 26/1/2014 tại Phnom Penh, đụng độ đã nổ ra giữa cảnh sát và hàng trăm người biểu tình ủng hộ công nhân dệt may và đòi trả tự do cho 23 người bị bắt mới đây.
Bất chấp lệnh cấm biểu tình tại thủ đô Cam Bốt mà chính quyền vừa ban bố hồi đầu tháng 1/2014, khoảng 200 người tiến về Công viên Dân chủ để bày tỏ sự phản kháng. Tham gia biểu tình có các công nhân dệt may, các nhà hoạt động công đoàn, những người phản đối việc chính quyền trưng thu đất và nhiều nhà sư.
Đụng độ đã nổ ra khi đoàn biểu tình cố gắng vượt qua hàng rào cảnh sát trên đường đến Công viên Dân chủ, khiến ít nhất 10 người bị thương về cả hai phía. Cảnh sát đã trấn áp bằng dùi cui, còn những người phản kháng đáp trả bằng gạch đá và chai nước.
Thông tin về số người bị thương do nhà hoạt động Am Sam Ath thuộc hiệp hội bảo vệ nhân quyền Cam Bốt Licadho cung cấp. Trả lời AFP, nhà hoạt động này cho biết: “Các đụng độ cho thấy chính quyền đang tiếp tục thực thi một chính sách hết sức cứng rắn”.
Trước đó, ngày 21/01, cảnh sát đã bắt ông Rong Chhun, Chủ tịch Liên hiệp các công đoàn Cam Bốt, cùng 10 nhà hoạt động khác khi họ đến các sứ quán phương Tây trao kiến nghị yêu cầu đại diện ngoại giao nước ngoài can thiệp đòi chính quyền trả tự do cho 23 người bị bắt giữ vì tham gia vào các cuộc biểu tình của công nhân dệt may.
Một người tổ chức cuộc biểu tình hôm nay cho báo giới biết giới tranh đấu sẽ tiếp tục gây sức ép với chính quyền để đòi trả tự do cho những người bị bắt mới đây. – RFI
3. 49 người chết trong lúc Ai Cập kỷ niệm 3 năm phong trào nổi dậy
Các giới chức Ai Cập cho hay các cuộc đụng độ xảy ra khiến 49 người thiệt mạng trong lúc những người ủng hộ chính phủ đánh dấu năm thứ ba phong trào nổi dậy đã lật đổ ông Hosni Mubarak.
Giới hữu trách hôm Chủ nhật nói rằng những vụ thiệt mạng xảy ra trong khoảng thời gian 24 giờ khi những người chống chính phủ đụng độ với các lực lượng an ninh, và với những người ủng hộ chính phủ.
Các giới chức cho hay đa số những vụ thiệt mạng xảy ra tại thủ đô Cairo, nơi hàng ngàn người đã tụ tập hôm thứ Bảy để bày tỏ ủng hộ chính phủ hiện hành. Tin cho hay gần 250 người bị thương trong các vụ đụng độ tại nhiều nơi trên khắp Ai Cập.
Những người ủng hộ đã tập trung đông kín ở Quảng trưởng Tahrir, tham gia các hoạt động đánh dấu ngày phong trào nổi dậy của chính phủ. Nhiều người đã vẫy cờ và bích chương bày tỏ ủng hộ Bộ trưởng Quốc phòng và hiện là nhà lãnh đạo trên thực tế – Tướng Abdel Fatah el-Sissi. Một số người ủng hộ kêu gọi ông ra tranh cử tổng thống.
Tại các nơi khác ở Cairo và nhiều thành phố khác, cảnh sát đã bắn hơi cay và bắn chỉ thiên để giải tán những người biểu tình chống chính phủ.
Các đoạn video cho thấy những người ủng hộ chính phủ ở Cairo đã ném đá vào những người chống chính phủ trong đó có cả những người ủng hộ cựu Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi, và những người chống lại chính phủ hiện nay. – VOA
4. Nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc bị tuyên án tù vì chống tham nhũng
Một tòa án Trung Quốc vừa tuyên án một nhà luật học vừa là một nhà tranh đấu cho nhân quyền nổi tiếng 4 năm tù sau khi ông kêu gọi các giới chức công khai tài sản của họ trong chiến dịch chống tham nhũng.
Tòa án trung cấp Bắc Kinh tuyên án ông Hứa Chí Vĩnh hôm Chủ nhật sau khi buộc ông tội “tập họp đám đông để gây rối trật tự công cộng.” Trong phiên xử một ngày hồi tuần trước, ông Hứa đã im lặng và không bào chữa.
Ông Hứa, một nhà luật học 40 tuổi, đã thành lập Phong trào Công dân Mới ủng hộ dân chủ và cai trị theo luật pháp và có mục đích truy quét các giới chức tham nhũng.
Có tất cả 7 thành viên của Phong trào Công dân Mới ra toà trong tháng này. Ba người khác bị xử vào tháng 12 năm ngoái, nhưng bản án chưa được công bố.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ trích vụ đàn áp này, khiến cho Bắc Kinh giận giữ. Hôm thứ Ba vừa qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói các nước ngoài không nên can thiệp vào những vấn đề nội bộ của Trung Quốc. – VOA
Tin Cập Nhật Thứ Bảy 25/1
5. Chính quyền Kiev bị áp lực ngày càng mạnh và các phe lại gặp nhau
Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych lại họp với các lãnh đạo đối lập, chỉ vài giờ sau khi một bộ trưởng tuyên bố “vô ích” khi đàm phán. Phủ tổng thống nói nhiều lãnh đạo của các nhóm trong quốc hội có mặt.
Trước đó, bộ trưởng nội vụ tuyên bố đàm phán với người biểu tình đã thất bại.
Mặc dù đã có một số nhượng bộ với phe đối lập, nhưng chính quyền Ukraine đang chịu áp lực ngày càng mạnh của phong trào phản kháng mà nay đã lan rộng từ thủ đô Kiev ra các vùng miền Tây.
Vào hôm 24/1, sau khi gặp ủy viên châu Âu đặc trách mở rộng Liên hiệp châu Âu Stefan Fule, tổng thống Viktor Yanukovych đã loan báo sẽ cải tổ nội các và sửa đổi các luật trấn áp.
Cụ thể, tổng thống Ukraine thông báo là sẽ cải tổ nội các trong một phiên họp đặc biệt của Quốc hội, sẽ được triệu tập vào tuần tới. Ông cũng cho biết sẽ trả tự do cho toàn bộ những người biểu tình bị bắt, đồng thời sửa đổi các luật trấn áp vừa được thông qua vào tuần trước và đã gặp nhiều chỉ trích. Những luật này dự trù các biện pháp trừng phạt nặng nề hơn, có thể lên tới mức tù giam, đối với những người tham gia biểu tình.
Tuy nhiên, kèm theo những nhân nhượng nói trên, tổng thống Yanukovych đưa ra một lời cảnh cáo: nếu không đạt được thỏa thuận với đối lập, ông sẽ sử dụng đến “mọi phương tiện hợp pháp”.
Lãnh đạo đối lập, ông Vitaly Klitschko, nói những tuyên bố của tổng thống được đưa ra quá trễ, những người biểu tình giờ đây muốn tổng thống phải từ chức.
Theo nhận định của AFP, ít có khả năng là những nhân nhượng của tổng thống Ukraine làm hài lòng những người biểu tình. Tình hình tối qua đã căng thẳng thêm một nấc với việc những người biểu tình đã ném gạch đá và bom xăng vào cảnh sát và cảnh sát đã bắn trả bằng đạn cao su. Tại thủ đô Kiev, phe đối lập hy vọng ngày mai sẽ quy tụ hàng trăm ngàn người tham gia biểu tình.
Phong trào phản kháng tại Ukraine hiện đang lan rộng. Phe đối lập đã chiếm đóng trụ sở các chính quyền của 6 vùng ở miền Tây Ukraine. Đặc biệt, tại thành phố Lviv, những người biểu tình đã dùng vỏ xe và bao cát để dựng chiến lũy chung quanh tòa nhà mà phe đối lập chiếm đóng.
Chi bộ Đảng Các vùng của đảng cầm quyền, tại thành phố này đã ly khai với chính quyền trung ương. Hôm qua, 10 ngàn người, trong đó có thị trưởng, đã dự tang lễ một nhà đối lập mà thi hài được tìm thấy trong rừng hôm thứ tư vừa qua, trên người có nhiều dấu vết tra tấn.
Ngoài áp lực trong nước, tổng thống Yanukovych còn phải bị áp lực từ các nước châu Âu, mà trong tuần này đã lên án việc chính quyền Ukraine dùng vũ lực trấn áp biểu tình, riêng hai nước Pháp và Đức đã triệu đại sứ Ukraine lên để phản đối. – BBC & RFI
6. Báo Pháp: Tổng thống Hollande chính thức chia tay bà Trierweiler
Hôm 25/1, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ tờ Journal du Dimanche (JDD) cho biết, Tổng thống Pháp François Hollande và bà Valérie Trierweiler, người lâu nay được mệnh danh là “Đệ nhất tình nhân” có thể chính thức loan báo chia tay trong hôm nay, trước khi bà lên đường đi Ấn Độ vào ngày mai.
Theo trang web của tờ báo Journal du Dimanche, một thông cáo báo chí của điện Elysée công bố hôm nay sẽ chính thức hóa tình trạng giữa hai người, khẳng định Tổng thống Pháp và bà Valérie Trierweiler “chấm dứt sống chung”.
Được Reuters đặt câu hỏi, văn phòng Tổng thống trả lời là “Elysée không đưa ra bình luận nào về những tin đồn trên internet”. Phát ngôn viên của bà Trierweiler chưa trả lời.
Sự tan vỡ giữa Tổng thống và “Đệ nhất tình nhân” là khó thể tránh khỏi, sau tiết lộ của tờ báo bình dân Closer về mối tình bí mật giữa ông François Hollande và nữ diễn viên Julie Gayet.
Theo JDD, ông François Hollande và bà Valérie Trierweiler vào hôm thứ Năm 23/01/2014 khi cùng ăn trưa đã thỏa thuận được về cách thức chia tay. Như vậy, “Đệ nhất tình nhân” hiện đang an dưỡng tại biệt thự La Lanterne gần điện Versailles dành cho nguyên thủ Pháp sau một tuần lễ nằm viện vì cú sốc, sẽ trở về căn hộ của mình ở quận 15 Paris.
Nếu việc chia tay được chính thức công bố hôm nay, bà Valérie Trierweiler sẽ đi Bombay (Ấn Độ) ngày mai chỉ với tư cách một công dân bình thường. Đây là chuyến đi với mục đích nhân đạo, do tổ chức phi chính phủ Action contre la faim (Hành động chống nạn đói) tổ chức.
Trong cuộc họp báo hôm 14/01/2014, ông Hollande đã hứa sẽ làm rõ tình trạng quan hệ với bà Trierweiler trước chuyến công du Hoa Kỳ ngày 11/2 tới.
Theo thăm dò dư luận của báo Le Parisien thì 54% người dân Pháp không còn muốn có danh phận Đệ nhất phu nhân, nhất là không muốn ngân sách tiêu tốn cho người phụ nữ chung sống với Tổng thống.
Tuy nhiên, theo BBC cũng hôm nay, Văn phòng tổng thống Pháp bác bỏ tin báo chí nói ông Francois Hollande sẽ chính thức loan báo chia tay bà Valerie Trierweiler trong ngày thứ Bảy. Văn phòng tổng thống nói với BBC rằng “tin đồn sai lạc” đã lan truyền trên báo Pháp.
Hôm thứ Năm, bà Valerie Trierweiler sa thải luật sư của mình vì nói bà đang muốn cắt đứt quan hệ với ông Hollande. – RFI & BBC
7. Chính phủ Syria và phe chống đối bắt đầu đối mặt đàm phán tại Geneva
Các đại diện của chính phủ Syria và phe chống đối do Tây phương hậu thuẫn đã giáp mặt nhau trong một thời gian ngắn tại cuộc họp chung đầu tiên.
Các giới chức cho biết phiên họp thứ nhất ở Geneva chỉ kéo dài khoảng 30 phút và chỉ có nhà điều giải Liên Hiệp Quốc Lakhdar Brahimi phát biểu tại cuộc gặp gỡ này trong lúc hai phái đoàn ngồi yên, không nói gì cả.
Một phiên họp khác diễn ra trong ngày 25/1 và hai phái đoàn nói với ông Brahimi, chứ không nói với nhau, về các vấn đề nhân đạo.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Edward Vanquez nói rằng phe chống đối đã chứng tỏ một “mục tiêu nghiêm túc” ở Geneva và đến dự hội nghị “với ý định giao tiếp một cách xây dựng.”
Một giới chức khác của Hoa Kỳ không muốn nêu danh tánh nói rằng trong lúc thường dân vô tội tiếp tục thiệt mạng ở Syria, chế độ của Tổng thống Assad tiếp tục chơi trò chính trị.
Chính phủ Syria đã dọa rút khỏi cuộc hòa đàm với phe chống đối nếu đôi bên không bắt đầu điều mà họ gọi là “những phiên họp nghiêm túc” trước ngày thứ Bảy. Phe chống đối nói rằng họ sẽ không điều đình trực tiếp với chính phủ Syria trừ phi chính phủ này đồng ý thảo luận về sự ra đi của Tổng thống Bashar al-Assad.
Damascus đã bác bỏ yêu cầu đó và tố cáo phe nổi dậy hỗ trợ các hoạt động khủng bố.
Hôm thứ Sáu, Đại diện Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc-Liên đoàn Ả Rập Lakhdar Brahimi nói rằng hội nghị sẽ bàn về vấn đề cứu trợ và vấn đề chấm dứt bạo động, nhưng đôi bên đều biết rõ là mục tiêu chính của hội nghị là làm thế nào để thực thi các điều khoản của Thông cáo Gênva I.
Thông cáo này được cộng đồng quốc tế tán thành cách nay 18 tháng tại hội nghị Geneva về Syria lần thứ nhất. Nhưng điều khoản về “chính phủ chuyển tiếp” của thông cáo này không rõ ràng, làm cho ông Assad và những người ủng hộ ông cho rằng ông có thể lãnh đạo chính phủ chuyển tiếp, trong lúc phe nổi dậy nói rằng ông Assad phải ra đi.
Trước đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã gia tăng sự chỉ trích nhắm vào Tổng thống Assad. Ông nói rằng ông Assad chính là một thỏi nam châm cực mạnh thu hút những hoạt động khủng bố và sẽ không bao giờ lấy lại được tính chất hợp pháp để mang lại sự đoàn kết cho đất nước.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, ông Kerry nói rằng nếu mục tiêu là hòa bình cho Syria thì ông Assad phải từ chức bởi vì phe chống đối sẽ không bao giờ ngưng chiến đấu nếu ông Assad còn nắm quyền. Ông Kerry nói thêm rằng ông Assad là người mang lại tai họa cho người dân Syria, không ngừng dội bom vào dân chúng và đã dùng hơi độc giết hại người dân trong đêm đen. – VOA
8. TT Obama: Chính phủ đang ra sức chống bạo hành tính dục
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cho biết chính phủ ông đang áp dụng các biện pháp để chống lại nạn bạo hành tính dục.
Trong bài diễn văn hàng tuần phát thanh hôm 25/1, ông Obama nói rằng ông đã lập “Lực lượng Đặc nhiệm Tòa Bạch Ốc Bảo vệ Học sinh Sinh viên trước nạn tấn công tính dục.”
Ông nói rằng chính phủ ông sẽ giúp các trường làm tốt hơn trong việc ngăn ngừa và ứng phó với nạn tấn công tính dục trong khuôn viên nhà trường. Ông nêu lên sự kiện là cứ 5 nữ sinh viên thì có 1 người bị tấn công ở trường.
Ngoài mối quan tâm ở trường học, Tổng thống Obama nói rằng chính phủ sẽ tiếp tục ra sức ngăn chận những vụ tấn công tính dục, bất kể xảy ra ở nơi nào, một phần bằng cách tăng cường hệ thống tư pháp hình sự.
Ông nói thêm rằng tuy chính phủ có trách nhiệm trong việc này, nhưng mọi người dân nước Mỹ cũng nên chu toàn phần vụ của mình, đặc biệt là bằng cách dạy dỗ cho các thanh niên biết tôn trọng các thiếu nữ. – VOA