Điểm Báo Pháp – 24-3-2016
Bruxelles bàng hoàng sau loạt khủng bố ngày 22/03/2016. – REUTERS/Christian Hartmann
Theo RFI – Anh Vũ – 24-03-2016
Châu Âu: Cuộc chiến chống khủng bố không mặt trận
Không chỉ nước Bỉ mà cả châu Âu vẫn chưa hết sốc với loạt khủng bố Bruxelles. Thời sự này vẫn chiếm dung lượng lớn của các báo Pháp. Vụ tấn công man rợ nhắm vào thủ đô của châu Âu một lần nữa cho thấy châu Âu vẫn luôn bị động trong cuộc chiến chống khủng bố. Hàng loạt các câu hỏi được đặt ra sau vụ khủng bố Bruxelles. Câu hỏi chung các báo ra hôm nay là làm thế nào để đối mặt với những kẻ khủng bố?
Mối lo ngại được phản ánh qua hàng tựa lớn trang nhất báo le Monde: «Châu Âu, trước thách thức khủng bố». Xã luận của tờ báo nhận định: «Sau Madrid, Luân Đôn, sau Paris 2 lần bị tấn công nặng nề trong năm 2015, giờ đây là Bruxelles. Chúng ta không thể quên rằng chủ nghĩa khủng bố sẽ còn tồi tại dài…. Trận chiến chống thánh chiến sẽ còn kéo dài». Theo Le Monde, đó là một thử thách lớn cho cả châu Âu đang bị lôi vào một cuộc chiến tranh mới ngay trên lãnh thổ của mình.
Phản ứng sau vụ khủng bố Bruxelles, thủ tướng Pháp Manuel Valls đã nhắc lại « chúng ta đang trong chiến tranh ». Xã luận nhật báo Libération đặt câu hỏi: «Chiến tranh, nhưng đâu là mặt trận?» đồng thời tờ báo cũng dẫn lại phát biểu của thủ tướng Pháp: «Chúng ta đang hứng chịu các hành động chiến tranh » để cho thấy châu Âu luôn bị động trong cuộc chiến này.
Libération nhận định châu Âu đang phải đối mặt với một «cuộc chiến kỳ quặc », ở đó quân đội bị lùi lại tuyến sau đảm trách việc bảo vệ và cảnh giới. «Trong cuộc chiến tranh mà chúng ta phải đương đầu với các chiến binh trong bóng tối, không quân phục, không luật lệ, thì lực lượng cảnh sát và tình báo phải được đưa lên tuyến đầu. Đó là một cuộc chiến đầy bất trắc và diễn ra chủ yếu trong âm thầm để truy lùng những kẻ khủng bố nằm ngay trong dân».
Tờ báo khẳng định chỉ có tăng cường hỗ trợ lực lượng cảnh sát và tình báo về mọi phương diện thì mới có thể ngăn chặn được các đe dọa khủng bố.
Châu Âu có thể tự bảo vệ?
Le Figaro ghi nhận, sau vụ khủng bố Bruxelles, «một lần nữa Liên Hiệp Châu Âu lại phải đối mặt với sự yếu kém của mình ». Thật lo ngại khi một liên minh dựa trên 28 thủ đô với lợi ích mâu thuẫn nhau, không được chuẩn bị tốt như điển hình là vương quốc Bỉ có một thủ đô nhưng có bốn chính phủ điều hành cùng 6 lực lượng cảnh sát khác nhau.
«Trên quy mô một lục địa không biên giới, mọi kẽ hở của một nước đều có tác động đến tất cả các nước khác.»
Le Figaro nhận thấy, châu Âu trải qua 7 năm kinh tế tiều tụy, nay đang lao đao chống đỡ cuộc khủng hoảng di dân. Từ hàng tháng qua, châu Âu đã cố gắng tập trung sức mạnh tập thể, những nỗ lực đó dường như không mang lại một giải pháp hiệu quả nào rõ rệt. Tờ báo liệt kê lại một loạt biên pháp gần đây của Liên Hiệp Châu Âu, dù đã có phối hợp với nhau nhưng để đáp trả khủng bố, châu Âu không được trang bị tốt, Le Figaro nhận định.
Tăng cường luật pháp, tăng nặng hình phạt
Tờ báo đặt câu hỏi, người ta còn chờ đợi gì để tái lập hình phạt chung thân thực sự đối với những kẻ khủng bố? Trong luật hiện hành của châu Âu, án tù chung thân chỉ áp dụng cho những kẻ phạm tội sát hại trẻ vị thành niên dưới 15 tuổi hay nhân viên công lực (cảnh sát, hiến binh). Việc mở rộng hình phạt chung thân cho tội khủng bố là hoàn toàn có lý.
Nhưng có điều án chung thân ở nhiều nước châu Âu cũng chỉ giới hạn ở khoảng trên 20 năm, phạt tù chung thân vĩnh viễn trên thực tế không tồn tại. Le Figaro đòi hỏi «phải có một bộ luật bất di bất dịch chống lại những kẻ hèn hạ muốn tiêu diệt nền văn minh của chúng ta».
Đầu tháng tháng 3/2016, các nghị sĩ đã bỏ phiếu điều chỉnh luật theo chiều hướng đó nhưng điều quan trọng là phải thông qua chính thức và đưa luật vào áp dụng, phải thiết lập hình phạt chung thân thực sự cho những kẻ khủng bố.
Chống khủng bố, cần phải chuyển từ lời nói qua hành động. Đó là đòi hỏi của nhật báo le Parisien. Tờ báo cũng đặt ra một câu hỏi: «Có thể thắng trong cuộc chiến này?» và trả lời: Người ta có thể hoài nghi. Qua những phát hiện đáng lo ngại của cuộc điều tra vụ tấn công ở Bỉ thì thấy, danh tính của ba kẻ khủng bố tại phi trường Zaventem và tàu điện ngầm ở trung tâm Bruxelles đều có mối liên hệ với những kẻ khủng bố tại Paris hôm 13/11/2015. Bốn tháng sau loạt khủng bố Paris, người ta phát hiện thấy những kẻ khủng bố Paris và Bruxelles đều cùng chung một nhóm.
Trong thời gian đó, những thủ phạm không chỉ thoát được lưới của cảnh sát mà chúng còn có thể chuẩn bị một cuộc tấn công mới với quy mô lớn nhắm vào giữa thủ đô của châu Âu.
Tờ báo thốt lên rằng, vậy thì «làm sao có thể tin được những lời hứa hẹn đao to búa lớn của các nhà chính trị sau vụ khủng bố 13/11 rằng lần này mọi việc sẽ thay đổi, rằng cảnh sát và các cơ quan an ninh châu Âu sẽ hợp tác…» Tờ báo kết luận: Rốt cục chẳng có gì thay đổi, « châu Âu vẫn không rút ra được bài học từ các cuộc tấn công khủng bố bố hàng loạt».
Giá trị cả châu Âu bị tấn công
Vẫn trong dòng thời sự của vụ khủng bố Bruxelles, nhật báo la Croix chạy tựa lớn trang nhất «Kháng cự » trên bức ảnh khổ lớn một nam thiếu niên trên vai khoác lá cờ Bỉ với gương mặt ưu tư suy nghĩ xa xôi.
Sau cơn sốc khủng bố là sự kháng cự lại với hành động man rợ. La Croix dành nhiều trang báo để các nhân vật có tiếng trong giới văn hóa, chính trị của Bỉ giải thích đất nước họ đã phản ứng thế nào từ những giá trị chung của châu Âu. Mở rộng thêm xã luận của La Croix luận bàn về giá trị của châu Âu. La Croix ghi nhận, từ hai ngày qua từ «giá trị » xuất hiện trở lại thường xuyên ở cửa miệng, trên ngòi bút của các quan chức chính trị châu Âu. Với bà Angela Merkel các thủ phạm của 2 vụ khủng bố Bruxelles là nhưng «kẻ thù của mọi giá trị châu Âu». Còn tổng thống Pháp thì ghi những dòng lưu bút chia buồn tại sứ quan Bỉ: «Những giá trị, những nguyên tắc, nền dân chủ của cả châu Âu đang bị tấn công».
La Croix đặt câu hỏi những giá trị châu Âu được ghi trong Hiệp ước Lisboa này giờ đây còn gì, khi mà châu Âu vừa ký một thỏa thỏa thuận thảm hại với Thổ Nhĩ Kỳ, đẩy tất cả những con người chạy trốn chiến tranh ra khỏi cửa ngõ châu Âu. Còn đâu là giá trị tự do ? Châu Âu đang trong tình trạng chới với cùng những giá trị của mình vì thiếu sự dẫn dắt của một chính sách chung, một sự đoàn kết thực sự.
Những mảnh ghép trong bức tranh ổ thánh chiến tại Bỉ
Trở lại với nhật báo le Monde, vẫn là trong chủ đề vụ tấn công khủng bố Bruxells, tờ báo có bài: «Bỉ, điểm trung chuyển của thánh chiến». Hồi Giáo cực đoan, quản lý chính quyền không hiệu quả, nghèo đói, đó chính là môi trường thuận lợi cho khủng bố Hồi giáo nảy mầm giữa lòng vương quốc Bỉ.
Le Monde cố gắng phác họa một số chi tiết trong mảng ghép bức tranh toàn cảnh nhằm giúp độc giả hiểu được tại sao Bỉ giờ đây lại trở thành một trong những ổ khủng bố của châu Âu.
Chi tiết đầu tiên của mảng ghép đầu tiên là ngôi đền thờ Hồi giáo xây dựng giữa thủ đô Bruxelle từ những năm 1960 bằng tiền tài trợ của Ả Rập Xê Út. Công trình này đánh dấu sự ảnh hưởng của Hồi giáo bảo thủ cực đoan, một mảnh đất màu mỡ để phát triển các tư tưởng thánh chiến sau đó lan tỏa ra các vùng trong Vương Quốc Bỉ.
Mảng ghép thứ 2: Bỉ là nơi có tất cả những lợi thế cho một tổ chức khủng bố tồn tại hoạt động. Về địa lý, Bỉ nằm ở trung tâm không gian đi lại tự do Shenghen. Dù có kiểm soát biên giới chặt thế nào thì người ta vẫn có thể dễ dàng di chuyển qua những nước như Pháp, Hà lan, Đức để rồi từ đó tiếp tục tới Thổ Nhĩ Kỳ hay Syria.
Bỉ là điểm trung chuyển của buôn lậu vũ khí. Cuối những năm 1990 sau cuộc chiến tranh trong khu vực Balkan và Kapkaz, các tổ chức mafia Albani, Tchetchenia mọc lên như nấm ở nhiều thành phố của Bỉ và nhanh chóng tạo thành một mạng lưới cung cấp vũ khí lớn nhất châu Âu. Các tổ chức thánh chiến đã nhanh chóng tận dụng hạ tầng cơ sở của băng đảng tội phạm đó.
Mảng ghép thứ 3 có thể gọi đó là «đặc thù chính trị» của Bỉ. Vương Quốc này có một nền hành chính và lực lượng cảnh sát phức tạp cồng kềnh không đâu có bởi sự đa dạng ngôn ngữ và phân khu vùng quản lý. Đơn cử như Bruxelles bao gồm 19 khu vực hành chính, mỗi khu vực có quyền quản một lực lượng cảnh sát riêng. Thủ đô Bỉ còn được chia thành 6 vùng của cảnh sát liên bang riêng biệt.
Chính sự quản trị phức tạp đó khiến cho các đơn vị cảnh sát hoạt động không đồng bộ với nhau và tất nhiên là hiệu quả cũng sẽ yếu kém. Cuối cùng còn phải kể đến chính sách hội nhập của vương quốc. Một nửa các gia đình nhập cư gốc Maroc ở Bỉ là những người nghèo. Một thanh niên có gốc gác Bắc Phi hay Thổ Nhĩ Kỳ ít có cơ hội tìm được việc làm hơn những người có gốc gác khác. Sự kỳ thị đối xử cộng với tình trạng nghèo khó là những yếu tố thuận lợi để tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo khai thác lối kéo các chiến binh thánh chiến.