Đánh bom ở Bỉ có thể là vụ trả thù cho nghi phạm xả súng Paris
Hiện trường vụ đánh bom tại sân bay Brussels. Ảnh: Telegraph |
Khi một thành viên quan trọng bị bắt, các nhóm khủng bố thường có hành động tấn công chóng vánh để trả thù và đề phòng bị cơ quan an ninh vây bắt.
Ngày 22/3, một loạt vụ đánh bom nổ ra ở ga tàu điện ngầm và sân bay thủ đô Brussels, Bỉ khiến ít nhất 26 người chết và 136 người bị thương. Thủ tướng Bỉ Charles Michel xác nhận cuộc tấn công ở sân bay do một kẻ đánh bom tự sát tiến hành.
Các chuyên gia phân tích cho rằng với xu hướng thực hiện các cuộc tấn công gần nơi mình sinh sống của những kẻ khủng bố, rất có thể các vụ đánh bom ở Brussels hôm nay có liên quan đến Salah Abdeslam, nghi phạm chính trong vụ thảm sát ở Paris hồi năm ngoái, kẻ vừa bị cảnh sát Bỉ bắt giữ hôm 18/3, theo Guardian.
Theo bình luận viên Jason Burke của tờ báo này, các vụ tấn công của phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) với châu Âu có thể biến động theo thời gian, nhưng không bao giờ giảm bớt khi một phần tử của nhóm bị bắt, bất kể hắn bị truy lùng gắt gao như thế nào. Bởi vậy, vụ bắt giữ Abdeslam hôm 18/3 có thể không phải là “đòn giáng mạnh” vào chủ nghĩa khủng bố như tuyên bố của các chính trị gia Bỉ và châu Âu.
Một khi bắt được một nghi phạm quan trọng, các cơ quan chống khủng bố đều cố gắng thẩm vấn, thu thập thông tin thật nhanh để tiến hành đột kích và truy quét các nghi phạm khác trong mạng lưới. Họ hy vọng các mạng lưới khủng bố sẽ nhanh chóng sụp đổ trước sức ép liên tục từ các cuộc vây bắt như vậy, giống như những gì diễn ra ở Iraq giữa thập kỷ qua.
Còn đối với những kẻ khủng bố, khi mất một thành viên nào đó, chúng vẫn tìm mọi cách để tiếp tục tấn công nhằm phô trương thanh thế, với mục đích đơn giản là chứng tỏ chúng vẫn có khả năng tiếp tục tiến hành khủng bố.
Bởi vậy, Burke cho rằng rất có thể các vụ tấn công ở Brussels là đòn ra tay sớm của những phần tử khủng bố nằm vùng tại khu vực này. Đây có thể vừa là đòn tấn công trả thù cho Abdeslam, nhưng cũng có khả năng là hành động trước thời hạn nhằm ngăn chặn nguy cơ cả mạng lưới bị phá vỡ khi Abdeslam khai gì đó với nhà chức trách.
Salah Abdeslam, nghi phạm xả súng Paris bị cảnh sát Bỉ bắt giữ hôm 18/3. Ảnh: Reuters
|
Hôm 20/3, Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders nói rằng Abdeslam đã khai ra với các điều tra viên rằng anh ta đang lên kế hoạch thực hiện một vụ tấn công mới ngay tại thủ đô nước này. “Anh ta chuẩn bị tái thực hiện kế hoạch gì đó tại Brussels, lời khai này có thể là thật bởi chúng tôi đã tìm thấy rất nhiều vũ khí và cả một mạng lưới mới xung quanh tên này ở Brussels”, ông Revnders nói.
Mạng lưới này rất có thể đã ra tay trước khi bị các cơ quan an ninh vây bắt. Có khả năng hai nghi phạm đóng vai trò lớn trong các vụ tấn công Paris, những kẻ vẫn đang lẩn trốn kể từ tháng 11 năm ngoái, nằm trong mạng lưới này.
Mohamed Abrini, 31 tuổi, một người Bỉ gốc Marocco, đã biến mất sau khi bị cáo buộc đóng vai trò quan trọng trong quá trình vạch kế hoạch và cung cấp hậu cần trong các vụ tấn công Paris. Abrini là bạn thời thơ ấu của Abdeslam và gia đình họ là hàng xóm của nhau thời ở Molenbeek, “xóm liều” ở thủ đô của Bỉ, nơi tập trung đông đảo dân nhập cư và là chốn tập trung của nhiều phần tử khủng bố.
Cảnh sát cũng đang tìm kiếm nghi phạm thứ hai có bí danh Soufiane Kayal. Tên này đã sử dụng giấy tờ giả khi làm thủ tục ở biên giới Áo – Hungary hôm 9/12 năm ngoái. Khi đó, tên này đi cùng Abdeslam và Mohamed Belkaid, một người Algery 35 tuổi bị bắn chết hôm 18/3 trong một cuộc vây bắt của cảnh sát ở Brussels. Ba tên này đã đóng giả là khách du lịch đang trên đường tới Vienna vào ngày nghỉ và không hề bị cảnh sát nghi ngờ.
Mạng lưới này có thể còn rất nhiều thành viên khác. Rõ ràng trong thời gian lẩn trốn, Abdeslam đã được hàng chục kẻ khác che chở, chưa kể thiết lập được nhiều mạng lưới liên lạc. Đây là thực tế về chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo ở châu Âu. Nó không phải thứ được gọi là “những con sói đơn độc”, mà là một nhóm nhỏ những người hòa nhập sâu vào các cộng đồng lớn hơn hoặc sống gần nhau.
Những người này có chung quan điểm cực đoan với những kẻ tấn công, hoặc ít ra là sẵn sàng hỗ trợ chúng, vượt ra khỏi quan hệ bạn bè hay gia đình hoặc cả hai. Các nghiên cứu đã cho thấy phần lớn những kẻ tấn công khủng bố đã nói chuyện với những người khác ở các cộng đồng dân cư lân cận và góp ý cho các kế hoạch của chúng.
Vị trí các vụ nổ ở Brussels. Đồ họa: BBC
|
Các chuyên gia an ninh cho hay có những người vốn chỉ hỗ trợ những kẻ khủng bố nhưng bản thân họ không thực hiện hành vi bạo lực, nhưng họ lại có thể nhanh chóng và dễ dàng trở thành những kẻ đánh bom tự sát hoặc các tay súng trong một số hoàn cảnh nhất định, chẳng hạn như khi một thành viên chủ chốt của nhóm bị bắt hoặc nhận lệnh từ những kẻ chỉ huy cấp cao hơn ở nước ngoài.
Trong nhiều thập kỷ qua, hầu hết các vụ tấn công ở châu Âu đều do những người địa phương thực hiện nhắm vào các mục tiêu ở gần, bằng các vũ khí và nguồn nguyên liệu tại chỗ. Rất có thể các vụ nổ hôm nay ở Bỉ cũng nằm trong trường hợp này, ông Burke nhấn mạnh.
Duy Sơn