Điểm báo Pháp ngày 21-3-2016
Bích chương chào mừng ông Barack Obama đến thăm La Habana, ngày 18/03/2016.AFP PHOTO/YAMIL LAGE
Theo RFI
Đăng ngày 21-03-2016
Cuba-Mỹ: Obama còn nổi tiếng hơn cả anh em Castro
Mục thời sự quốc tế trên các báo Pháp sáng nay 21/03/2016 dành trọng tâm cho chuyến công du Cuba của tổng thống Mỹ Barack Obama từ ngày 20-22/3. Đây là lần đầu tiên một nguyên thủ Hoa Kỳ kể từ sau khi chế độ cộng sản lên nắm quyền đến thăm đảo quốc này. Hầu hết các báo Pháp đều đánh giá sự kiện mang tính « lịch sử » và « biểu tượng ».
Obama nổi tiếng hơn anh em Castro
Nhật báo công giáo La Croix và nhật báo kinh tế Les Echos gần như chạy tựa giống nhau « Barack Obama có chuyến thăm lịch sử tại Cuba ». Le Figaro trang trọng hơn đề tựa đậm: « Barack Obama đến Cuba, một sự kiện Lịch sử ». Hay như « Chuyến thăm lịch sử của Obama tại Cuba », hàng tít nhỏ trên trang nhất của Le Monde. «Obama đến Cuba, vì lịch sử và vì du lịch», Libération nhận xét. « Lịch sử » và « biểu tượng » là vì đây là lần đầu tiên, kể từ chuyến thăm của cố tổng thống Calvin Coolidge năm 1928, một nguyên thủ Mỹ đương nhiệm đến thăm Cuba. Libération cho rằng « chuyến thăm ba ngày này là để đúc kết việc nối lại bang giao giữa hai quốc gia láng giềng cựu thù từ thời chiến tranh lạnh ».
Giờ đây, « Hoa Kỳ không còn là kẻ thù lịch sử của đất nước như giới truyền thông hay hệ thống giáo dục Cuba lên án » theo như quan điểm của ông Manuel Cuesta Morua, lãnh đạo một nhóm bất đồng chính kiến Arc Progressiste với nhật báo Le Monde.
Sự kiện cho thấy có một tác động chính trị đáng kể lên người dân Cuba nhưng đồng thời cũng đầy rủi ro cho các nhà lãnh đạo đất nước. Đây là quan điểm của ông Richard Feinberg, chuyên gia về châu Mỹ Latinh trên tờ Libération. Theo ông, « tổng thống Mỹ Barack Obama là một nhà lãnh đạo trẻ, kiên quyết, và nét lai của ông lại rất giống với nhiều người Cuba ở đây. Một sự so sánh hơi tế nhị đối với tầng lớp lãnh đạo Cuba già nua, giữ khoảng cách và đa phần gốc da trắng ».
Có lẽ chính vì thế mà trong con mắt người dân Cuba, « ông Obama còn nổi tiếng hơn cả anh em nhà Castro », ông Manuel Cuesta Morua nói tiếp với Le Monde. « Người dân Cuba trông đợi ông Obama như là đợi Messie (…) Những sự mong đợi đó đi từ cách giải quyết các vấn đề trong cuộc sống thường nhật cho đến việc hòa giải với Hoa Kỳ. Các tổ chức xã hội dân sự Cuba cho rằng nối lại quan hệ bang giao sẽ tạo thuận lợi cho các cuộc tranh luận trong nước liên quan đến những cải cách cần thiết (…) ».
Tuy rằng đất nước có những biến đổi tích cực bầu không khí sợ hãi giảm dần, người dân bớt e dè trình bày chính kiến, hay như được phép mở doanh nghiệp nhỏ, được phép mua bán bất động sản hay xe ô tô v.v…, nhưng tiến độ cải cách vẫn rất chậm chạp, thiếu ổn định kinh tế và xã hội. Trong khi việc trấn áp nhân quyền vẫn tiếp diễn.
Bóng Castro vẫn sẽ đè nặng ở hậu trường
Về mặt chính trị, ông Manuel Cuesta Morua cho rằng dù sau này không còn làm lãnh đạo nữa, tướng Raul Castro, bộ trưởng các lực lượng vũ trang trong suốt nửa thế kỷ vẫn sẽ nắm kiểm soát lên giới quân sự : lực lượng ủng hộ chế độ chủ yếu. Ngoài việc kiểm soát Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Cuba PCC, quân đội còn nắm cả nhiều ngành kinh tế chiến lược của đất nước như du lịch, cảng biển… Người được chỉ định kế nghiệp Raul Castro là ông Miguel Diaz Canel (55 tuổi) trên thực tế chỉ là bộ mặt mới của bộ máy cầm quyền. Và Raul Castro vẫn sẽ là cố vấn quan trọng.
Ông Manuel Cuesta Morua nhấn mạnh dù là có một thế hệ lãnh đạo mới đang nổi lên, « trẻ hơn, tài năng hơn cấp độ xã hay tỉnh, nhưng họ không thể chủ động ra quyết định. Raul Castro vẫn có tiếng nói sau cùng ». Ông nhắc lại, « tại Cuba, từ năm 1959, quyền hành thực sự vẫn nằm sau bức phông màn ».
« Quyền lực mềm » của Hoa Kỳ
Phương diện nhân quyền là điều Le Figaro quan tâm đến. Theo quan sát của nhật báo cánh hữu, điểm cốt lõi của chuyến đi này không nằm trong việc khuyến khích nhân quyền. Dù không trực tiếp, nhưng ông Barack Obama vẫn đặt niềm tin của ông vào cái gọi là « quyền lực mềm » của Hoa Kỳ. Tổng thống Mỹ kỳ vọng vào một sự mở cửa « không thể thoái lui ».
Tờ báo viết : « Khác với những người tiền nhiệm, ông khuyến khích một sự mở cửa của chính quyền anh em nhà Castro theo kiểu « mưa dầm thấm lâu » bằng những đợt ngoại tệ, làn sóng du khách, đơn giản thủ tục nhập cảnh, bằng trao đổi thương mại và văn hóa. Ông tin rằng nhà nước cảnh sát do anh em Castro xây dựng rồi cũng sẽ sụp đổ dưới những cú đánh điếng người của ‘ông hoàng đô la’ ».
Một quan điểm không được tờ nhật báo cộng sản L’Humanité đồng chia sẻ. « Sự chuyển hướng đối với một chính phủ Cuba từ lâu bị xem là ác quỷ, bị quấy rầy là một thắng lợi của La Habana và là thất bại ê chề cho tất cả những người tiền nhiệm của ông Obama. Những người mà dù có nhiều quyền lực, nhưng chưa bao giờ làm cho Cuba và thiện chí độc lập bị khuất phục ».
Đối với Les Echos, sự kiện hai quốc gia láng giềng thù nghịch này bất ngờ xích lại gần nhau vô hình chung đã đẩy ông Obama và ông Raul Castro lên thành những anh hùng của ngành ngoại giao trong khu vực. Một bên là Mỹ muốn khẳng định vai trò lãnh đạo bằng đối thoại và những cam kết hỗ tương. Ở bên kia, thì La Habana muốn tiến hành một « cuộc cách mạng trong cách mạng » và dần mở cửa kinh tế theo hướng kinh tế cá thể và đầu tư nước ngoài. Đối với nhiều người, Cuba cũng là một thiên đường kinh tế ai cũng dòm ngó đến.
Về phần mình, tờ La Croix cho rằng dẫu sao đi nữa, ông Obama cũng xứng đáng « tự thưởng cho mình những cành nguyệt quế trước khi rời Nhà Trắng ». Hơn bao giờ hết, ông nhận thức được sự ủng hộ của công luận và người dân Cuba. Ông Jean-Jacques Kourliandsky, chuyên gia nghiên cứu Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược Iris, lưu ý là : « Ngay cả trong lòng cộng đồng người Mỹ gốc Cuba, các thế hệ mới sau này không có cùng cách nhìn thù hằn như những người đi trước trong việc xích lại gần này ».
Salah Abdeslam : Luật sư bào chữa đọ sức với tư pháp Pháp
Tên của « Salah Abdeslam » hầu như chiếm trang nhất các báo Pháp. Le Monde tìm cách giải thích « Làm thế nào Salah Abdeslam bị đánh bật ra ». Đối với các báo khác, sau bắt giữ, cuộc chiến tư pháp cũng bắt đầu. La Croix khẳng định « Salah Abdeslam, thời điểm điều tra bắt đầu». Tương tự, trên nền ảnh ô kính của một quán cà phê bị đạn bắn thủng lỗ chỗ, Libération chạy tít lớn trên trang nhất : « Các vụ khủng bố : Thời khắc của những đáp án ».
Một loạt các câu hỏi đã được nhật báo đặt ra : Ai là đầu não thật sự của vụ khủng bố hàng loạt đêm 13/11/2015 ? Tầm cỡ của mạng lưới khủng bố này đến đâu ? Salah Abdeslam đóng vai trò gì trong vụ khủng bố 13/11 ? Liệu đai thuốc nổ được tìm thấy ở Montrouge có phải của y hay không ? Y đã ẩn náu ở những đâu ?
Những câu hỏi mà tờ Le Figaro cũng đang tìm hiểu qua hàng tít lớn trên trang nhất : « Abdeslam : các nghi vấn về quá trình trốn chạy ». Nghi can số một của các vụ khủng bố Paris đã lọt lưới các trạm kiểm soát hay các đợt khám sét của cảnh sát hai nước trong vòng hơn ba tháng, nhờ vào sự giúp đỡ của đồng bọn ngay tại khu phố Molenbeek, tại Bruxelles.
Nhân sự việc này, Le Figaro điểm lại những khu phố mang nặng tính cộng đồng. Điều đó đã gây cản trở không nhỏ cho các lực lượng an ninh, nhất là trong khâu thu thập thông tin. Tờ báo lấy khu phố Sevran, vùng Seine-Saint-Denis, phía bắc thủ đô Paris làm ví dụ điển hình.
Bên cạnh đó Le Figaro cũng lo lắng việc Daech gởi những tên đánh bom tự sát về lại châu Âu. Ngày càng có nhiều quân thánh chiến quốc tịch châu Âu trở về nước, sau một chuyến đi dài đến Irak hay Syria, khiến nhiều nước e sợ các vụ khủng bố mới. Rủi ro càng trở nên chắc chắn trước việc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo thành lập một nhánh thánh chiến hải ngoại chuyên trách tổ chức các vụ tấn công nằm ngoài lãnh địa của mình ở Trung Đông.
Điều báo giới Pháp hiện nay quan tâm nhiều nhất là liệu Abdeslam có bị đưa về Pháp để xử hay không. Libération tự tin cho rằng : « Việc chuyển giao Abdeslam đến Pháp đi đúng hướng ». Tuy nhiên, tờ báo cũng cho biết là luật sư của Abdeslam sẽ mở một mặt trận thứ hai : Kiện ông chưởng lý của Paris François Moulin vì đã vi phạm bí mật điều tra. Hôm thứ Bảy, vị chưởng lý này đã tiết lộ là Abdeslam thú nhận với cảnh sát Bỉ « muốn tấn công khủng bố tại sân vận Stade de France », nhưng sau đó, y đã từ bỏ ý định này.
Liên quan đến vị luật sư bào chữa cho Abdeslam, Le Figaro cũng bài nói về ông Sven Mary. « Vị luật sư của tên thánh chiến này cam kết đọ sức với nước Pháp ». Là một chuyên gia nổi tiếng về pháp lý tại Bỉ, Sven Mary đã xác quyết đường hướng bảo vệ thân chủ, khi tấn công vào ông chưởng lý François Moulin. Bên cạnh đó, ông còn tính khai thác tối đa quy định 90 ngày để trì hoãn việc dẫn độ Salah Abdeslam sang Pháp.
Nga trở lại là cường quốc ?
Liên quan đến Nga, báo Le Monde có bài : « Nước Nga, sự quay trở lại ». Trong tuần qua, Nga tổ chức lễ mừng hai sự quay trở lại. Thứ nhất là lính Nga từ Syria trở về nước. Thứ hai là kỷ niệm 2 năm ngày Crimée quay lại nước Nga. Hai động thái này đã tạo ra một sự quay trở lại thứ ba : Đó là nước Nga trở lại vị trí siêu cường trước đây.
Về sự kiện thứ nhất, đó là một thắng lợi của Matxcơva. Việc Nga hồi hương một bộ phận lớn binh sĩ và thiết bị quân sự gây bất ngờ, cũng giống như lúc Matxcơva quyết định can thiệp vào Syria cuối tháng Chín năm ngoái.
Le Monde nhấn mạnh, Nga hồi hương chứ không phải rút quân ra khỏi Syria, vì Matxcơva vẫn giữ căn cứ quân sự Tartous và kiểm soát thêm một sân bay mới ở Hmeimim. Nga để lại hệ thống phòng không để tiếp tục kiểm soát không phận Syria và tổng thống Vladimir Putin đã cảnh báo, nếu cần, thì chỉ trong vòng vài giờ, không quân Nga có thể tái triển khai tại Syria.
Có thể nói, tổng thống Putin đã rút kinh nghiệm của những người lãnh đạo tiền nhiệm Liên Xô trong hồ sơ Afghanistan và bài học Irak của tổng thống Mỹ George Bush.
Mặc dù ông Putin tuyên bố quân đội Nga đã hoàn thành nhiệm vụ tại Syria, nhưng theo Le Monde, thì tình hình không hẳn như vậy. Khi can thiệp vào Syria, nguyên thủ Nga nêu ra hai mục tiêu chính : giúp ổn định chế độ Damas và tiêu diệt khủng bố. Có thể nói, mục tiêu thứ nhất đã hoàn thành, nhưng mục tiêu thứ hai thì không vì các máy bay của Nga chỉ tập trung oanh kích các mục tiêu của phe đối lập với chế độ của Damas.
Chiến dịch Syria là một tủ kính quảng bá cho ngành công nghiệp quân sự Nga – đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu vũ khí – và tạo cơ hội cho quân đội Nga phối hợp tác chiến với quân chính phủ Syria trên thực địa.
Bên cạnh đó, có một yếu tố khác cho thấy mục tiêu của Nga tại Syria đã không hoàn thành : các bên liên quan đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, đã có các cuộc hòa đàm nhưng trước mắt, chưa có một giải pháp khả dĩ nào cho cuộc khủng hoảng Syria.
Le Monde nêu ra một hệ quả khác đối với Matxcơva khi can thiệp vào Syria : Đó là quan hệ căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, tác nhân chủ chốt trong khu vực. Trong cuộc chiến giữa hai phe Hồi Giáo Sunni và Shia, Matxcơva chọn ủng hộ phe Shia trong lúc tại Nga, đa số người Hồi Giáo theo hệ phái Sunni. Một nhà ngoại giao theo Hồi Giáo, được Le Monde trích dẫn, cảnh báo : « Giống như trong quán ăn, kết thúc bữa ăn là phải thanh toán tiền. Nga đã có một bữa an trưa ngon lành, Hoa Kỳ thì chấp nhận chỉ uống cà phê. Sự khác biệt này sẽ thấy rõ lúc trả tiền ».
Người Nga vẫn thích hư danh
Nhìn sang hồ sơ Ukraina, Nga gặp nhiều khó khăn hơn trong cuộc khủng hoảng này. Hai năm sau khi can thiệp vào Crimée, các thỏa thuận Minsk, được ký kết với sự bảo trợ của Pháp và Đức, vẫn bế tắc. Matxcơva và Kiev đổ lỗi cho nhau. Mặt khác, Matxcơva đang phải hứng chịu các trừng phạt của phương Tây, gây tổn hại cho nền kinh tế và danh dự của nước Nga. Một quan chức cao cấp Nga thừa nhận : “Chúng tôi đã mất Ukraina, nhưng chúng tôi muốn bảo vệ cộng đồng thiểu số Nga và giữ được ảnh hưởng tại vùng Donbass. Một số nhà đối lập Nga mỉa mai: Việc Matxcơva giữ được Crimée giống như phải vận chuyển một cái va-li không có quai cầm“.
Theo báo Le Monde, người dân Nga chỉ biết được tình hình Ukraina và Syria với các thắng lợi như trong mơ mà truyền hình Nga quảng báo suốt ngày. Họ nhận thấy kinh tế trì trệ, đời sống khó khăn hơn, nhưng họ lại dễ dàng tin vào những tuyên bố của tổng thống Putin : đó là do giá dầu lửa đi xuống và phương Tây trừng phạt kinh tế. Một nhà nghiên cứu xã hội thuộc trung tâm Levada nhận định : « Chưa bao giờ trong lịch sử nước Nga, lại có một sự đồng thuận như vậy giữa người dân và lãnh đạo ». Không có một cải cách kinh tế nghiêm túc nào được tiến hành, nhưng không sao bởi vì nước Nga quay trở lại vị trí siêu cường, nước Nga lại vĩ đại.
Các chuyên gia nghiên cứu về công luận Nga thích nêu ra một ví dụ so sánh giữa « yếu tố vô tuyến » và « yếu tố tủ lạnh » : Nhìn trên vô tuyến thì chỉ thấy thắng lợi và vinh quang ; nhưng khi mở tủ lạnh thì thấy trống rỗng. Cho đến lúc này, điều kỳ lạ là « yếu tố vô tuyến » thắng thế. Do vậy, theo Le Monde, vấn đề chính đối với ông Putin là phải bảo đảm duy trì được « hoạt cảnh » này cho đến lúc có cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2018.
Trung Quốc thách thức Silicon Valley ?
Đây cũng chính là tựa đề bài viết trên phụ trương Kinh tế của Le Figaro. Bắc Kinh dành ra một nguồn quỹ Bắc Kinh cho các công ty khởi nghiệp (start-up) là 230 tỷ đô la, tức tăng lên gấp ba lần trong năm 2015, theo như nguồn tin của Bloomberg, được Le Figaro trích dẫn lại.
Bà Laure de Carayon, nhà tổ chức hội thảo China Connect, chuyên về công nghệ tại Trung Quốc, nhận định « Có một thiện chí chính trị chuyển từ nhà máy thành xã hội dịch vụ. Và có cả các phương tiện đi kèm theo. Điều này không hề có tại phương Tây, ngoài Google ».
Theo đó, Trung Quốc muốn trở thành một thị trường kỹ thuật số hàng đầu thế giới. Bắc Kinh đã liên tục mở nhiều ngành dịch vụ mới. Theo ước tính, tại Trung Quốc hiện có khoảng 1600 công ty khởi nghiệp nằm rải rác trên toàn lãnh thổ để hỗ trợ hay tài trợ cho một thế hệ doanh nhân mới.
Tuy nhiên, theo bài viết, Bắc Kinh có tham vọng đối đầu với Hoa Kỳ nhưng đồng thời vẫn tiếp tục khóa cửa thị trường bằng cách kiểm duyệt. Chiến lược đầu tư ồ ạt bắt đầu cho kết quả với sự bùng phát nhiều trình ứng dụng.
Trung Quốc tự cho là mình là đối trọng duy nhất đủ khả năng thách thức đế chế Hoa Kỳ trên phương diện công nghệ, trước một châu Âu bị chia chia năm xẻ bảy. Hiện có ba tiểu Silicon Valley đã được thành lập : Bắc Kinh – lò sản xuất chất xám, Thẩm Dương chuyên cung cấp máy bay không người lái DJI và Hàng Châu có Jack Ma – nhà sáng lập Alibaba.
Thế nhưng, theo quan điểm của chuyên gia Chen Wei thì hành trình đó vẫn còn dài. Ông nói : « Trên phương diện giáo dục, cơ sở hạ tầng, chúng tôi vẫn thua xa các nước khác. Môi trường của Trung Quốc vẫn còn chưa mấy hấp dẫn để thu hút các tài năng giỏi hơn », khi đề cập đến ô nhiễm môi trường, điều kiện sống, giá thành kém cạnh tranh và nhất là việc kiểm duyệt vẫn còn quá chặt chẽ. Đó là chưa tính đến « còn có một sự bất an về tương lai chính trị đang làm tổn hại đến việc cách tân đất nước ».