Chế độ ăn mất cân đối làm người Việt thấp lùn

Cac Bai Khac

No sub-categories

Chế độ ăn mất cân đối làm người Việt thấp lùn

Chế độ ăn mặn, thừa đạm và thiếu canxi bị coi là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến chiều cao hạn chế của người Việt. (minh họa)

 AFP PHOTO
Việt Hà, phóng viên RFA
2016-03-21
Theo báo cáo tại một hội thảo về dinh dưỡng gần đây ở Việt Nam, chiều cao của người Việt trong suốt một thập kỷ qua chỉ tăng khoảng 1 đến 1,5 cm và được các chuyên gia trong nước đánh giá là quá khiêm tốn so với thế giới. Nguyên nhân được cho là do chế độ ăn mất cân bằng của người Việt. Đây là nội dung chính trong trang tạp chí sức khỏe đời sống tuần này.
Trẻ suy dinh dưỡng thấp còi vì thiếu canxi
Trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,9 triệu trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi. Điều này dẫn đến thiếu hụt trung bình khoảng 10 cm chiều cao khi trưởng thành ở người Việt. Đó là báo cáo được đưa ra trong một hội thảo về dinh dưỡng gần đây ở Hà Nội, mà theo các chuyên gia nguyên nhân chủ yếu là vì vấn đề mất cân bằng dinh dưỡng.

Trẻ Việt Nam thường chỉ bú sữa mẹ thôi chứ không uống sữa nhiều và nếu có uống sữa thì cũng chỉ tập trung nhiều ở khu vực thành phố. – PGS. Lê Bạch Mai

Theo Phó giáo sư Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia, chiều cao trung bình hiện tại của nam thanh niên Việt Nam là 164,4 cm và của nữ là 153,4 cm, với mức tăng khoảng 1 đến 1,5 cm trong một thập kỷ qua. Theo Phó giáo sư Mai thì đây là một mức tăng rất khiêm tốn so với thế giới và có nguyên nhân từ vấn đề suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ nhỏ.
PGS. Lê Bạch Mai: trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, dinh dưỡng thấp còi là gì? 1,9 triệu trẻ là trẻ dưới 5 tuổi, với tỷ lệ của mình thì cứ 4 trẻ có một trẻ suy dinh dưỡng thấp còi và cũng với 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 cháu có chiều cao thấp hơn -2 độ lệch chuẩn so với chuẩn tăng trưởng của tổ chức Y tế Thế giới, chứ còn thấp hơn so với giá trị trung bình thì nhiều lắm.
Theo Phó giáo sư Mai, nguyên nhân chủ yếu là do trẻ em Việt Nam không được uống đầy đủ sữa. Sự mất cân bằng trong dinh dưỡng ở trẻ do vậy đã ảnh hưởng đến chiều cao sau này.
PGS. Lê Bạch Mai: trẻ Việt Nam thường chỉ bú sữa mẹ thôi chứ không uống sữa nhiều và nếu có uống sữa thì cũng chỉ tập trung nhiều ở khu vực thành phố. Mặc dù điều tra cho thấy là mức tiêu thụ sữa tăng lên 9 lần sau 10 năm nhưng con số tuyệt đối rất thấp. 
Theo Phó giáo sư Mai, mức tiêu thụ sữa ở Việt Nam trong 10 năm qua tăng từ trung bình 4 ml một người một ngày lên 36 ml một người một ngày tức khoảng 15 lít sữa một năm, thấp hơn rất nhiều so với các nước khác trong khu vực, ví dụ như Thái Lan nơi có mức tiêu thụ sữa trung bình là 23 lít một người một năm.
Vẫn theo Phó giáo sư Mai, sữa là nguồn cung cấp canxi quan trọng cho tăng trưởng ở trẻ, nhưng những nghiên cứu gần đây của Viện Dinh dưỡng cho thấy mức canxi trong khẩu phần ăn của người Việt vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khuyến cáo.
000_Hkg10169198.jpg
Sự mất cân bằng trong dinh dưỡng ở trẻ do vậy đã ảnh hưởng đến chiều cao sau này. (minh họa)
PGS. Lê Bạch Mai: 31 năm rồi khẩu phần canxi của người Việt chỉ giao động từ 488 đến hơn 500 mg một người một ngày. Theo khẩu phần khuyến cáo năm 2015 thì nhu cầu canxi của người Việt là khoảng 800 mg thì mới đáp ứng được 60% nhu cầu. Như vậy một ngày người Việt thiếu trung bình 40% nhu cầu canxi. Đó là một cái thiếu thường miễn trong nhiều năm.
Theo Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng viện Dinh dưỡng Quốc gia, tình trạng suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ tại Việt Nam bắt đầu ngay từ khi trẻ còn trong bụng mẹ và những năm đầu đời tiếp theo, đặc biệt là đối với trẻ ở vùng núi, nông thôn.
PGS. TS. Nguyễn Thị Lâm: ngay cả thời kỳ mang thai, ví dụ như cũng có một số bà mẹ còn chưa chú ý để nâng cao sức khỏe, thì có thể sinh ra con nhẹ cân. Rồi trong quá trình trước tuổi học đường thì vẫn còn nhiều cháu bị suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng ở thể thấp – chiều cao tính theo tuổi thì ở Việt Nam hiện nay cũng còn khoảng 31%. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến tận tuổi trưởng thành, vì những cháu suy dinh dưỡng hồi nhỏ thì đến tuổi trưởng thành các cháu bị thiệt thòi từ 3 đến 5 cm. Nguyên nhân chủ yếu là do khẩu phần ăn của các cháu thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi. Ví dụ như chất đạm cũng chỉ thiếu một phần thôi, không thiếu nhiều, nhưng các vi chất dinh dưỡng như sắt, vitamin A, chất kẽm, thì đó là những vấn đề còn thiếu ở bà mẹ và trẻ em Việt Nam. Bên cạnh đó, kiến thức thực hành nuôi dưỡng trẻ của các bà mẹ Việt Nam ở khu vực thành phố, thị xã, và một số vùng nông thôn khá tốt. Nhưng ở các vùng miền núi, vùng nghèo, các bà mẹ chưa có đầy đủ kiến thức về việc nuôi con, cháu bé sinh ra bị ảnh hưởng, nên đó là nguyên nhân của tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ. 
Chế độ ăn mất cân bằng
Theo Phó giáo sư Lê Bạch Mai, chế độ ăn mặn, thừa đạm và thiếu canxi bị coi là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến chiều cao hạn chế của người Việt. Giải thích về hiện tượng này, Phó giáo sư Mai cho biết:
PGS. Lê Bạch Mai: Trong tất cả các thức ăn động vật trừ sữa ra, thì đều nhiều phốt pho cả, bao gồm hải sản, cá, thịt. Khi chúng ta ăn nhiều thịt thì nhiều phốt pho, phốt pho gây toan. Gây toan thì trong cơ thể mình không thể để bị toan hóa máu, do đó cơ thể phải điều tiết cân bằng nội môi. Để điều hòa cân bằng nội môi thì cơ thể phải cho ra các chất khoáng kiềm mà những chất khoáng kiềm dễ lấy nhất là canxi trong khẩu phần. Nó sẽ bị đào thải qua nước tiểu để trung hòa với phốt pho toan. Do đó làm mất canxi.

Suy dinh dưỡng ở thể thấp – chiều cao tính theo tuổi thì ở Việt Nam hiện nay cũng còn khoảng 31%. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến tận tuổi trưởng thành, vì những cháu suy dinh dưỡng hồi nhỏ thì đến tuổi trưởng thành các cháu bị thiệt thòi từ 3 đến 5 cm. – PGS. TS. Nguyễn Thị Lâm

Nhiễm toan hay còn gọi là nhiễm độc axit được hiểu là tăng nồng độ axit trong máu và các mô khác của cơ thể.
Theo Phó giáo sư Lê Bạch Mai, việc ăn quá mặn cũng gây toan hóa và do đó gây đào thải canxi qua nước tiểu. Ngoài ra việc uống nhiều nước ngọt cũng gây toan chuyển hóa và làm đào thải canxi qua nước tiểu.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trích nguồn thông tin nghiên cứu về tiêu thụ muối ở Việt nam gần đây cho thấy lượng muối tiêu thụ trung bình tại Việt nam dao động từ 12 đến 15 gam một người một ngày. Theo WHO, rất nhiều người trong độ tuổi từ 26 đến 64 tiêu thụ lượng muối cao hơn khuyến cáo của WHO là 5 gram một ngày. Mức này theo cách đong đếm của người Việt là khoảng 1 thìa café. WHO nhận định việc tiêu thụ quá nhiều muối trong khẩu phần ăn hàng ngày làm gia tăng huyết áp, yếu tố dẫn đến các bệnh tim mạch ở người Việt.
Ngoài ra, theo đánh giá của các chuyên gia thuộc viện Dinh dưỡng quốc gia, vitamin D, yếu tố quan trọng giúp hấp thụ canxi, trong khẩu phần ăn của người Việt hiện cũng rất thấp. Phó giáo sư Mai cho biết, khẩu phần ăn hiện nay của người Việt chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu vitamin D khuyến cáo. Việc che nắng kín mín trong những giờ sáng sớm và chiều cũng làm ảnh hưởng đến việc tổng hợp vitamin D của cơ thể nhờ tác động của tia cực tím từ ánh nắng mặt trời.
Nhìn nhận vấn đề hạn chế trong chiều cao của người Việt, từ năm 2013, Thủ tướng Việt nam đã phê duyệt đề án chương trình tổng thể nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt giai đoạn từ năm 2020 đến 2030 với mức kinh phí lên đến 6,000 tỷ đồng. Mục tiêu đề ra là đến năm 2020, chiều cao của nữ giới phải tăng lên 3 cm và của nam là 3,3 cm. Ngoài ra, viện Dinh dưỡng quốc gia cũng đang có một chương trình quốc gia phòng chống suy dinh dưỡng với các nội dung bao gồm giáo dục dinh dưỡng cho bà mẹ thời kỳ mang thai, tư vấn hướng dẫn bà mẹ nuôi trẻ nhỏ, đẩy mạnh việc nuôi con bằng sữa mẹ, hướng dẫn trẻ ăn bổ sung, hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng trong bữa ăn. Theo Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, trước những năm 90, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở Việt nam là trên 50% nhưng hiện nay đã giảm xuống còn khoảng 31% thể thấp còi, và thể nhẹ cân chỉ còn khoảng 19%.
Tuy nhiên theo Phó giáo sư Lê Bạch Mai, vấn đề bổ sung canxi trong khẩu phần ăn của người Việt hiện vẫn chưa được chú ý đúng mức, bên cạnh yếu tố kinh tế là giá sữa quá cao cũng ảnh hưởng đến quyết định tiêu dùng sữa của người dân. Theo bà, nòi giống muốn phát triển thì vấn đề dinh dưỡng cần phải được quan tâm từ rất sớm, từ khi trẻ còn sơ sinh vì nếu chờ đến khi trẻ dậy thì, thì lúc đó đã quá muộn để nói đến phát triển chiều cao.
Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa