Vì sao Brazil bên bờ tan vỡ?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Hơn 3 triệu người xuống đường biểu tình phản đối bà tổng thống Brazil Dilma Rousseff và người tiền nhiệm, ông Lula da Silva. REUTERS/Ueslei Marcelino

Vào cuối tuần trước (12-13/3/2016), hơn ba triệu người Brazil đã xuống đường biểu tình và hàng chục ngàn người tại 30 thành phố khác nhau trong tuần. Cả nước Brazil như đùng đùng nổi cơn giận. Hình ảnh biếm họa bà tổng thống Dilma Rousseff xuất hiện trên đường phố, đi giữa đoàn người biểu tình rầm rộ chưa từng có trong lịch sử và trong tiếng gõ xoong nồi giận dữ tại những khu phố nổi tiếng.

Bà Dilma Rousseff đang bị lung lay ngay giữa lòng một cuộc khủng hoảng chính trị quan trọng. Ngày qua ngày, phe đa số của bà đang bị tan rã và việc cựu tổng thống Lula, bị tố cáo tham nhũng , được mời trở lại chính phủ chỉ làm gia tăng thêm tình hình căng thẳng. Trang mạng đài phát thanh Europe 1 tóm lược lại tình hình tại Brazil qua năm câu hỏi. RFI xin giới thiệu lại.

Vì sao người dân Brazil xuống đường biểu tình?

Người dân Brazil chỉ chực chờ bùng phát : thất nghiệp tăng cao, tổng thu nhập quốc dân rớt thê thảm (-3,8% năm 2015) và những vụ tiết lộ chính trị-tài chính không ngừng về các nhà lãnh đạo cũng chẳng giúp giải quyết được gì. Chính phủ của bà Dilma Rousseff đang cố gắng đối phó với năm suy thoái thứ hai liên tiếp, đang tác động vào nền kinh tế thứ 7 thế giới.

Nhưng vụ tai tiếng Petrobras đã làm cho bà bị khuấy đảo và ngăn chận bà thông qua chương trình thắt lưng buộc bụng. Hệ quả là người dân đổ hết sự bực tức lên hai gương mặt điển hình : bà tổng thống và người tiền nhiệm.

Liệu bà Dilma Rousseff có bị phế truất hay không?

Từ hồi tháng 12/2015 đến nay, bà Dilma Rousseff, một cựu chiến binh du kích, sống dưới mối đe dọa của phe đối lập đòi tiến hành một thủ tục phế truất. Phe này tố cáo bà đã cố tình gian lận các số liệu năm 2014, năm bà tái đắc cử, nhằm che giấu bớt tác động của cuộc khủng hoảng trước người dân. Tuy nhiên, để có thể hạ bệ bà, phe đối lập phải có được 2/3 số nghị sĩ tại Quốc hội thông qua, trong khi mà đảng của bà chiếm đa số tại đây (chừng khoảng hơn 61% số ghế).

Dù vậy, cũng không loại trừ khả năng thế tương quan lực lượng đó cũng xoay theo nỗi bất bình của người dân. Năm ngày sau cuộc biểu tình rầm rộ của hơn ba triệu dân chống ba Dilma Rousseff, hôm qua (18/3/2016), đến lượt cánh tả Brazil huy động lực lượng xuống đường ủng hộ bà.

Tại sao ông Lula trở lại tham gia chính phủ?

Mối đe dọa bị phế truất ngày càng đè nặng lên bà Dilma Rousseff. Trong bối cảnh đó, bà đã có một hành động được cho là tự vệ khi bổ nhiệm ông Lula, rất được lòng dân trở lại chính phủ. Vấn đề là, người đã từng mang đến phép mầu kinh tế-xã hội Brazil những năm 2000 cũng bị lôi vào chuỗi tai tiếng : vụ án tham nhũng tại Petrobras, rửa tiền và che giấu tài sản. Không những không hạ nhiệt được tình hình, thông báo trở về chính trường của ông còn làm cho cả nước thêm sôi sục.

Phải chăng ông Lula cũng muốn tránh bị giam giữ?

Ông Lula được bổ nhiệm vào chức vụ «Bộ trưởng Quốc vụ» – một vị trí siêu Thủ tướng có vai trò hàng đầu. Đối với một bộ phận dân chúng, sự bổ nhiệm này là một trò lừa đảo hòng giúp ông ấy tránh bị truy tố. Tại Brasilia, người biểu tình còn tạo ra một con búp bê bong bóng khổng lồ mang ảnh ông Lula trong bộ áo tù nhân sọc trắng và đen.

Bởi lẽ, quyết định bổ nhiệm đó còn mang đến cho ông một quy chế đặc biệt : Kể từ giờ, trên phương diện hình sự, ông không cần giải thích về các hành vi của mình trước Tòa án Tối cao Liên bang, chuyên trách mảng chính trị về hồ sơ này.

Vì sao những ngày gần đây mọi thứ đều được thúc đẩy nhanh?

Thẩm phán Tòa án Tối cao Liên bang, ông Sergio Moro cho rằng việc bất ngờ bổ nhiệm ông Lula vào chính phủ cấu thành một tội danh cản trở tư pháp từ phía bà tổng thống. Suy đoán này càng được củng cố hơn sau khi các đoạn ghi âm nghe lén điện thoại mới đây được công bố hôm thứ Năm (17/3). Tiết lộ có tác động như một quả bom chính trị.

Trong đoạn ghi âm, bà Dilma Rousseff giải thích bà sẽ làm nhanh chóng nhằm có được sắc lệnh bổ nhiệm cho cựu tổng thống để cho ông Lula có thể «dùng đến khi cần». Điều này đã được người dân hiểu như muốn ám chỉ đến một lệnh bắt. Căng thẳng đặc biệt gia tăng sau khi đoạn băng được công bố, bà Rousseff đã buột miệng thốt lên: «Chính như thế mà các cuộc đảo chính bắt đầu».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160319-vi-sao-brazil-ben-bo-tan-vo